Con Gái Gian Thần - Chương 26: Luyện cho giỏi kĩ năng cơ bản
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
99


Con Gái Gian Thần


Chương 26: Luyện cho giỏi kĩ năng cơ bản


NẾU CHỈ CÓ VÀI BA TÊN TAY SAI, THÌ ĐÃ BỊ NGƯỜI GIẾT HẾT TỪ ĐỜI NÀO, SAO CÓ THỂ THÀNH GIAN THẦN ĐƯỢC?

Thọ yến của cụ nhà Nghiệp gia kết thúc trong cảnh mọi người tự cho mình là hay, mạch nước ngầm rục rịch khởi động trong kinh tạm thời yên tĩnh một thời gian. Miêu phi mang thai, lúc này càng có thể nhìn ra cô thân cận với ai nhất, cứ dính chặt vào Hoàng đế suốt, sau đó là mẹ đẻ của mình, đương nhiên cũng có dựa vào mẹ con Đỗ thị.

Trịnh Diễm cầu còn chẳng được, Trịnh gia muốn tìm mà không thấy.

Về Trịnh Diễm, nàng có quá nhiều bài phải học; phía Trịnh gia, Trịnh Tĩnh Nghiệp cần phải đứng ngoài quan sát, sau đó bất thình lình chộp đúng ngay chuyện xấu của kẻ mình không vừa ý. Dưới tình hình như vậy mà gạt bỏ mối quan hệ với điện Chiêu Nhân, thật không phải là quyết định sáng suốt.

Đỗ thị tiện tay tặng Miêu phi một phần hậu lễ, toàn những thứ có ý cho việc thai nghén, xong việc rút về. Miêu phi bị Đông cung dọa một trận, còn đâu tâm trí mà lo những việc này? Hoàng đế mới là lá bùa bảo vệ tốt nhất – trong chuyện này thì Miêu phi có một trực giác bẩm sinh.

Từ đó, trên dưới điện Chiêu Nhân đều yên tĩnh trở lại. Trong khi trước đấy, có thể nói đây là nơi náo nhiệt nhất hậu cung, sau khi Hoàng đế bãi triều thì cùng ngài xem ca múa, Hoàng đế làm việc, Miêu phi sẽ triệu các phu nhân tới nói chuyện phiếm – tuy nhân số không nhiều, nhưng lúc nào cũng có đề tài mới.

Nhưng bây giờ điện Chiêu Nhân chỉ có một hoạt động duy nhất: An thai. Miêu phi quả là may mắn, Hoàng đế đã già, không có tinh lực tràn trề, mới có thể dành hết thời gian cho cô, không bịn rịn bên mấy bụi hoa trong cung như trước. Miêu phi rất hài lòng, hậu cung rất bất mãn, nhưng cũng chẳng cách nào.

Không bị Miêu phi cắt ngang, Trịnh Diễm yên tâm thoải mái theo Cố Ích Thuần nghiên cứu tri thức khoa học văn hóa, theo chị dâu Triệu thị học chương trình làm nàng dâu mới, trong đó có nấu cơm.

Hại đời nhau!

Dù là ca hát khiêu vũ làm vui, Trịnh Diễm đều có thể ứng phó được, trong giờ thể dục nhờ linh hồn trưởng thành nên khả năng khống chế sức lực tốt, làm theo rất giỏi, ai dè lại chết ở khoản nấu nướng này! Có đâu ngờ nấu cơm lại khó đến thế?

Khoái ăn hàng như Trịnh Diễm, đương nhiên nàng không cự tuyệt món ngon, lại có người rửa chén chà nồi, nàng càng không từ chối thử làm những món ăn vặt cho mình. Mà trong điền văn, cũng có rất nhiều nam, nữ chính nhờ vào những món mới mẻ mà làm giàu, nổi tiếng, nuôi gia đình, lừa gạt các đức ông chồng (*), sao đến lượt nàng, mọi chuyện đều thay đổi cả thế này?! (*tác giả nguyên gốc dùng ‘lão công/ tiểu công’; lão công là chỉ chồng – ngôn tình, tiểu công lại là các anh công trong đam mỹ.)

Trịnh Diễm thề, trước đây nàng thật sự nghĩ rằng, dù cho bị ném vào xã hội nguyên thủy, nàng cũng có thể theo khuôn mẫu, trước nhất, tạo cho mình cuộc sống ăn no mặc ấm chỗ ở ngon lành, bây giờ xem ra, đã chủ quan quá rồi. Nhà bếp Trịnh gia, tuy hơi kém so với trong cung, nhưng nguyên liệu nấu nướng đều đủ cả, nồi chén chậu muôi lò dao rất ngăn nắp, lò cũng có vài loại, lò lớn, bếp nhỏ, ngay cả cửa thông gió, ống bễ đều sẵn cả. Công cụ đầy đủ, nấu nướng sẽ dễ dàng, phải không?

Lúc trước Trịnh Diễm học nấu canh, nguyên liệu nào cần bao nhiêu, bỏ vào chưng cách thủy, đậy lồng hấp, thêm nước, khi nào mở vung, Trịnh Diễm học rất nhanh. Triệu thị cũng không ngừng khen ngợi. Thấy nàng học nhanh, được sự đồng ý của Đỗ thị, chị bắt đầu thần bí dạy cho Trịnh Diễm một món ăn đắc sắc của Triệu thị.

“Trung tông tiền triều (*) muốn thưởng thức thực đơn của Triệu gia, đều cho Tĩnh An công (gia chủ Triệu gia lúc đó) về nhà, phải nể mặt lắm mới có một bát canh đấy,” Triệu thị nói với vẻ vô cùng tự hào, “Bản tông nhà mẹ của tẩu có hơn một trăm món riêng, tiếc là tẩu chỉ học được mười mấy loại thôi.” Hơn một trăm món chỉ để phục vụ cho Hoàng đế, Triệu gia cũng đủ ngạo mạn.

(*)Trung tông: là Miếu hiệu (sau khi Hoàng Đế băng hà, ở nơi miếu thờ, người ta lập bài vị để thờ cúng, trên đó có khắc tên hiệu như Cao Tông Hoàng Đế hay Thái Tông Hoàng Đế) của Hoàng đế.

Món ăn thời này, trừ món luộc, chưng, thì cũng có nướng, hoặc rau xào đơn giản. Không cần phải nói, những người cố gắng lắm mới tạm no ấm thì không thể tưởng tượng màu sắc và trang trí của món ăn có thể phát triển chừng nào, vì để tận dụng tối đa nguyên liệu, căn bản chỉ có rửa, sau đó ăn tất, nếu có cái gì mới, thì chắc chắn chỉ nhờ vô tình phát hiện thôi. Điều mọi người để ý nhất là có thể ăn cái gì, không phải ăn thế nào cho ngon.

Chỉ khi không lo cơm áo mới có thể dụng tâm mà suy nghĩ về việc này, mấy trăm năm qua, thế gia quả đã có một cống hiến bất diệt vì sự nghiệp ăn uống, thậm chí bọn họ còn phát hiện ra quả ớt. Điều này khiến Trịnh Diễm sửng sốt một phen. Việc quả ớt xuất hiện trong truyện xuyên không là một lỗi sai, loại này phải đến cuối nhà Minh, mới được đưa vào Trung Quốc, không ngờ lại xuất hiện ở đây. (Các đồng chí, đây là truyện xuyên không, xuyên không mà.)

Đương nhiên, so với Trịnh Diễm đã biết các loại của Tô (Giang Tô), Lỗ (vùng Sơn Đông), Xuyên (Tứ Xuyên), Việt (Tên gọi khác của Quảng Đông) (không phân biệt thứ tự), những món ăn kia chỉ dùng một nguyên liệu cơ bản, từ đó phát triển lên. Cho dù là thế gia thì cũng không phát hiện nhiều loại rau củ khác nhau, cách chế biến cũng chưa toàn diện, có vẻ chỉ khá hơn giai đoạn nguyên sơ mà thôi. Trịnh Diễm cảm thấy rút cuộc mình cũng có thể chiếm được ưu thế của kẻ xuyên không rồi, thi triển khả năng của mình, làm vài món tủ thì đâu thành vấn đề, đúng không? Mỗi đậu hủ thì ta đây cũng biết hai loại mặn ngọt lận đó.

Kết quả?

Trịnh Diễm nhìn bếp lò, mất hết hi vọng! Một cái tô cháy đen, bên trong nửa đã thành than, nửa hỗn độn, nổi lềnh bềnh, trong nồi vẫn đang bốc khói nghi ngút. Có mùi rất nồng trong không khí, thơm nồng, người không biết đi qua có khi còn cho rằng bên trong đang làm món gì ngon lắm ấy chứ.

Triệu thị trợn mắt, mãi một lúc mới nói: “Lần đầu tiên, đều… như vậy…”

Trịnh Diễm vừa xấu hổ, vừa giận, chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu cả rồi, cái nào nên cắt cũng cắt, băm cũng băm, nàng chỉ cần canh đúng lúc bỏ vào nồi thôi mà. Tại sao lại ra thế này! Trước khi nàng xuyên không, cũng đâu phải chưa từng vào bếp đâu, cũng có mấy món sở trường nữa kìa, bây giờ nhìn một tô than trước mắt như này, chịu sao cho thấu?!

Nhóm lửa!

Cuối cùng Trịnh Diễm cũng tin rằng, đây là một kĩ năng sống, cho dù chỉ là một tiểu nha đầu, nếu làm tốt thì có thể giúp Dương gia tướng lên đầu đó! Mựa nó! Khó quá đi mất!

Ở đây không có nồi cơm điện, gạo nước đúng tỉ lệ rồi cắm điện, cơm chín sẽ tự động nhảy lên mức giữ ấm. Cũng chẳng có lò vi ba, muốn 21000C thì không nhảy xuống 8000C, muốn nấu canh sẽ không thành lẩu. Càng không có bếp ga, có thể vặn chốt để điều chỉnh lửa lớn nhỏ.

Chết tiệt!

Trịnh Diễm muốn nấu cơm thì khả năng nhóm bếp phải ngang ngửa với chuyên nghiệp, vấn đề là nàng hoàn toàn không chuyên! Dù có theo thói quen bắt tay làm thì nhớ điều chỉnh độ nóng của bếp, nhưng đầu óc nàng không phản ứng kịp, có Triệu thị đứng cạnh cũng như không. Trong ẩm thực Trung Quốc, điều cần chú ý nhất chính là hai chữ ‘độ lửa’, bạn có thể không cần nhóm lửa, nhưng phải canh chừng độ lửa thế nào, nhất là trong thời đại không có nút điều khiển này nữa.

Triệu thị cố gắng an ủi cô em chồng: “Làm món này thì phức tạp hơn nấu canh bình thường một chút, đầy là lần đầu tiên muội làm, không sai thứ tự các bước đã là rất khó rồi. Sau này cố gắng luyện tập hơn là được.”

Không phải tự mình nhóm lửa mà đã thành như vậy, Trịnh Diễm vô cùng bất mãn. Nhìn khuôn mặt nhỏ nhắn căng thẳng của em chồng, Triệu thị nén cười, cố gắng bình tĩnh bảo: “Thất nương, chỗ này để nô tì dọn dẹp, theo tẩu đi rửa mặt chải đầu, thay đồ nào.”

Mà điều khiến nàng buồn bực hơn chính là, cả nhà đều đến an ủi. Đầu tiên là Đỗ thị, thấy Trịnh Diễm thay đồ xong, mặt mũi buồn hiu đi tới, liền biết là đã thất bại. Trịnh Du cũng từng trải qua chuyện thế này, Đỗ thị không hỏi, ôm chầm Trịnh Diễm an ủi: “Hôm nay cha qua chỗ cậu rồi, vậy mẹ con mình ăn cơm tối với nhau nhé. Cũng còn sớm, con viết xong bài thầy giao đi, dùng bữa rồi chúng ta đi dạo hoa viên hóng mát.”

Sau đó Phương thị, Quan thị tới hỏi thăm, cũng không nói gì thêm. Nhưng càng là thế, trong lòng Trịnh Diễm càng thấy không được tự nhiên. Nếu nàng chỉ mới tám tuổi, đương nhiên sẽ vì mọi người không đề cập tới mà cho qua, nhưng vấn đề là nàng không phải! Những người từng trải để lại mặt mũi cho nàng, nhưng lòng tự trọng của kẻ trưởng thành, cứ thế mà bốc lên ngùn ngụt.

Mựa nó! Tốt xấu gì bà đây cũng từng ăn đồ nước ngoài đó! Cũng từng rớt nước mắt thông cảm nhìn kim chi (*), chê khoai tây nghiền trông như bùn nhão (**) rồi nha!

(*) Đây là một tiêu đề của bài báo đưa lên. Đại khái là khi đại sứ quán Hàn ở Trung Quốc post hình về ẩm thực Hàn trên trang weibo. Trong bức ảnh có hình nồi lẩu, chỉ có mấy món kim chi, mì gói đơn giản, trông chẳng khác gì tô mì bình thường, nên trên mạng có người nhảy vào chế giễu, bảo rằng ‘ăn mì gói mà cũng vui đến vậy sao?’, sau đó có một số bạn cũng vào bình, chê đồ ăn Hàn Quốc đơn điệu, nhàm chán, quanh đi quẩn lại chỉ có kim chi muối cay. Sau đó câu bình ‘Rớt nước mắt thông cảm’ – theo nghĩa mỉa mai cũng dần được phổ biến.

(**) Khoai tây nghiền, nghĩa đen của tiếng Trung là ‘khoai tây bùn’; hiểu đơn giản thì các bạn ấy chê món này trông kinh kinh.

Trịnh Diễm thề rằng, mình nhất định phải xông vào bếp! Nhất định phải nấu một món thật ngon, khiến mọi người ăn mà cắn cả vào lưỡi.

Nhưng Triệu thị lại không đề cập đến việc để nàng nấu nướng gì nữa, theo kết quả từ một hội nghị nho nhỏ của Đỗ thị và ba người chị dâu, lúc trước thấy Trịnh Diễm biết cách nấu, nên để nàng làm, nay xem ra với tuổi của nàng thì lại là vấn đề lớn, chi bằng để nàng lớn thêm hai tuổi nữa rồi học lại. Đỗ thị thở dài: “Cũng do mẹ nóng lòng, thấy học nhanh nên muốn để con bé học nhiều hơn một chút.”

Vợ chồng Trịnh thị không còn trẻ nữa, sợ không thể nhìn thấy ngày con gái kết hôn, sinh con, được hưởng một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn, nên muốn nhân lúc mình còn có thể kiểm soát mà cho con gái được học nhiều kĩ năng hơn.

Triệu thị do dự một chút rồi bảo: “Thất nương còn nhỏ, chân tay cũng chưa phát triển, sau này lớn lên là vừa. Có điều – em ấy chưng canh không sai, chỉ cần phải dạy thêm một chút thôi.”

Quan thị vỗ tay một cái: “Thế thì chỉ cần không đụng tới nồi niêu là được rồi?”

Đỗ thị hỏi chị: “Con có cách nào à?”

“Nấu rượu!” Quan thị liền đáp, “Cái này thì không cần đụng tới nhiều thứ, chỉ cần biết công thức là được.” Mấy năm nay, rất nhiều người tự nấu rượu trong nhà, nhất là những gia đình quyền quý, rượu của nhiều nhà còn ngon hơn cả bên ngoài, có công thức bí truyền, nên mùi vị cũng khác biệt.

Nhà mẹ của Quan thị cất rượu rất ngon, Quan thị cũng tự làm.

Trịnh Diễm nhận được chương trình học mới, Đỗ thị bảo: “Con còn nhỏ, xuống bếp thì hơi khó, vậy cứ học nấu rượu trước đi.”

Được, ủ rượu thì ủ rượu, Trịnh Diễm không lằng nhằng, trả lời dứt khoát: “Dạ vâng!” Ủ rượu? Ta sẽ làm! Ừ thì, đương nhiên chỉ là trên lí thuyết mà thôi, có rất nhiều nhân vật xuyên không đã điều chỉnh độ đục của rượu đôi chút, khiến rượu nấu ra rất trong, tăng nồng độ. Dù gì cũng từng đọc rất nhiều tiểu thuyết, khởi đầu của nàng không được thuận lợi cho lắm, nhưng bây giờ có cách sửa chữa rồi nè…

Trịnh Diễm quyết tâm gỡ gạc.

Vo gạo, nấu chín, chia đều, trộn men rượu, đậy kín rồi mang cất, không thêm vào bất cứ ‘kĩ thuật tiên tiến’ nào, chỉ muốn xem thử ra sao thôi. Cho dù muốn thay đổi công nghệ sản xuất, thì cũng phải hiểu rõ quy trình, Trịnh Diễm phải biết rất cụ thể về điều này mới được.

Qua vài ngày sau, vừa mở vò, một mùi rượu kì lạ rất nồng và chua chua của dấm bay ra…

Người ta làm rượu không thành thì cũng sẽ thành dấm, nhưng vò rượu này của nàng, rượu không ra rượu, dấm cũng chẳng thành, đưa cho nhà bếp làm gia vị người ta cũng không cần.

Bạn nhỏ Trịnh Diễm đã dùng một ví dụ chua chát để chứng minh, điền văn, không dễ!

May mà, ta không cần phải làm ruộng! Trịnh Diễm lăn đến đây, nếu phải làm ruộng thì còn nói làm gì nữa? Nhiệm vụ hàng đầu không phải là bảo vệ cả nhà được bình an sao? Giờ tình thế hỗn loạn như vậy, nếu làm ruộng thì sao thành?

Vấn đều là Trịnh Tĩnh Nghiệp không nghĩ như vậy, ông bảo: “Học, nhất định phải học, còn phải học thật giỏi!” Ông và Đỗ thị có chung nỗi lo, lo mình không còn trẻ nữa, con gái phải biết tự lập, ít nhất phải đạt tiêu chuẩn những môn cơ bản dành cho thiếu nữ, còn lại thì tùy nàng.

Dù gì A Diễm cũng là con gái! Trịnh Tĩnh Nghiệp cảm thán. Phụ nữ muốn sống yên ổn còn khó hơn đàn ông, mà một nữ nhân thông minh, nhất định phải có thứ để chống đỡ. Cho dù Trịnh Tĩnh Nghiệp là một đại nam nhân, nhưng muốn lăn lộn trên đời, không thể chỉ nhờ vào thông minh không thôi, phải có nghề, có bản lĩnh trong tay.

Vương Bá (niên hiệu của chính quyền do lãnh tụ nông dân Hoàng Sào lập nên), cũng bắt đầu từ làm ruộng đó thôi! Xây tường, tích lương, mới có thể xưng vương, không phải sao? (Trích từ tích Chu Nguyên Chương nghe lời Chu Thăng, ‘xây tường cao, tích lương nhiều, hoãn việc xưng vương’; sau đó lật đổ triều Nguyên, lập nên triều Minh)

Trịnh Diễm nghiến răng nghiến lợi, xông xáo nấu rượu. May mà nhà nàng lắm thóc gạo, mới có thể lãng phí lương thực như vậy, đến một hôm sinh nhật, may mắn sao, cuối cùng cũng làm ra một vò rượu ngon.

Nàng không uống, vì tuổi còn nhỏ, nên không được thử. Mà rượu đục như vậy, nàng cũng không có hứng thú, áy náy nhìn cha cười tủm tỉm uống: “Rốt cuộc cũng có thể uống rượu của A Diễm rồi.”

Trịnh Diễm chảy nước mắt trong lòng, rượu vậy mà cũng bảo là ngon? Có điều nàng không nói, khi trước cũng có thành công đâu, không dám mạnh miệng, thầm nghĩ muốn nấu ra vò rượu thật ngon, phải có thêm nhiều kinh nghiệm. Bưng bình rót thêm cho Trịnh Tĩnh Nghiệp một li nữa: “Sau này khi cha uống rượu, con sẽ nấu.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp vỗ bàn cười ha hả: “Sinh con gái là vì chuyện này đây! Còn không? Mang cho Cố bá bá của con một vò.”

“Dạ còn,” Trịnh Diễm bỏ bình rượu xuống, “Để cha thử đầu tiên, sau đó đưa qua phường Tuyên Đức.”

“Con có để lại à?” Trịnh Tĩnh Nghiệp xoa đầu con gái, “Cố bá bá của con và cha, là như nhau.”

***

Sau ngày sinh nhật, Trịnh Diễm chưa kịp tiếp tục công tác lãng phí lương thực, thì lại đến cuộc sống ‘ở trời Tây’. (Ý nói tới Hi Sơn, vì Hi Sơn nằm ở phía tây.)

Đến Hi Sơn, tâm tình của Trịnh Diễm tốt hơn, bắt tay nghiên cứu phương pháp nấu rượu, dù sao cũng là thử nghiệm nho nhỏ, xem nó giống như học tập bình thường, người trong nhà cũng tùy nàng. Chung quy cũng may là nhà nàng có nhiều đồ tốt để nàng lãng phí như vậy.

Cố Ích Thuần uống rượu do học trò hiếu kính, tâm trạng khoan khoái, bình phẩm với Trịnh Tĩnh Nghiệp: “Lần sau ngon hơn lần trước.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp vuốt râu mỉm cười: “Cái này, còn phải xem là con gái của ai.”

Cố Ích Thuần thoải mái tựa ra sau: “Ta chỉ cần biết con bé là học trò của ta, từ nay về sau có rượu rớt xuống là được.”

Hai người ngồi nhàn nhã bên cạnh hồ nước trong đình, lá xanh ánh hồng hoa.

Cố Ích Thuần vẫn có điều lo lắng: “Hôm qua Thất lang đến chỗ ta, bảo là bận rất nhiều việc.” Rất nhiều người tuy trên mặt bình tĩnh, nhưng trong lòng đầy toan tính.

Trịnh Tĩnh Nghiệp nói: “Cứ để bọn chúng bận!” Đối với thế cục trước mắt, Trịnh Tĩnh Nghiệp rất hài lòng, ông rạch một đường trên người Thái tử, rồi để Thái tử tự thân đối mặt với bầy sói đói.

“Đệ không bận à?”

Trịnh Tĩnh Nghiệp cười: “Có bận cũng chẳng phải bây giờ, không cần chuyện gì cũng tự làm. Đệ chỉ muốn sống an nhàn, chẳng qua có người gây khó dễ mà thôi. Nay bọn chúng không rảnh, thì đệ phải tranh thủ thời gian chứ.”

Cố Ích Thuần chỉ cười không đáp.

“Sao thế?”

“Năm nay có Đại kế à.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp cười lớn: “Nay không giống xưa, bây giờ bọn chúng đều động, đệ muốn gì, cũng phải cẩn thận một chút.”

Cố Ích Thuần gật đầu mỉm cười.

Trịnh Tĩnh Nghiệp nhướng mi, trước mặt Cố Ích Thuần, ông vẫn giữ lại một số bí mật, ông đã có kế hoạch lâu dài cho lần này. Nhân số của Trịnh đảng không ít, nếu như chỉ có vài ba tên, sớm đã bị người giết hết, sao có thể thành gian thần? Người ta đi theo Trịnh Tĩnh Nghiệp lăn lộn, ông cũng sẽ để đường lui cho họ. Đây cũng là căn cứ để người khác có chỗ yên tâm, chỉ cần trung thành với Trịnh tướng, tiền đồ sẽ trong tay.

Trịnh Tĩnh Nghiệp bắt đầu chú ý đến nhóm có quan hệ mật thiết với các hoàng tử, gấp rút chuẩn bị đằng sau. Nếu ông tính không sai, tháng chín năm nay sẽ bắt đầu ‘Đại kế’, lần nghỉ ngơi này, cũng hòng chuẩn bị sẵn cho giai đoạn sắp tới. Sau vụ mùa, theo khoảng cách xa gần, quan các địa phương trên cả nước – chủ yếu là Thứ sử và Quận thủ, đều phải vào kinh làm kiểm tra đánh giá.

Thường niên, mỗi năm một lần, mười ba Thứ sử các châu phải vào kinh để báo cáo về tình hình quản lý ở địa phương, chủ yếu là về tài chính, nhân khẩu, trị an. Các quận, châu, huyện xếp thành hàng, cũng có thể thuận tiện khen ngợi cấp dưới mà mình xem trọng vài câu, tiền cử một hai người. Đồng thời, kí giấy cam kết với trung ương, năm sau, thuế thu, dân số, canh tác bao nhiêu đất, trị an giảm được bao nhiêu án kiện… năm sau sẽ lấy ra đối chiếu. Đạt được, sẽ khen thưởng, không được, nếu không có lí do hợp lý, phạt. Đây chính là ‘Thượng kế’.

‘Đại kế’ thì càng long trọng hơn, để quan viên cấp Quận thủ có cơ hội gặp vua một lần, chẳng qua tần suất thấp, ba năm một lần. Đại kế phức tạp hơn Thượng kế, phải nói chuyện riêng, hỏi tình hình ở địa phương.

Ở thời đại không có xe lửa, cũng chẳng máy bay hay ô tô thì chuyện này đúng là làm khổ nhau, nhưng các quan viên vẫn tuân theo như không biết mệt. Mà hơn nữa, căn bản thì địa vị cấp Quận thủ, Thứ sử không phải tự cuốc bộ, chưa kể dọc đường còn có trạm nghỉ.

Những quan viên cấp thấp như Huyện lệnh, cũng có cơ hội gặp vua, có điều mười năm một lần. Hành nhau ở chỗ, bọn họ không tới để chắp nối với các lãnh đạo cấp trung ương mà đến để sát hạch! Nếu bạn may mắn đợi đến khi lên được hàng đầu, chúc mừng, bạn có thể được nhập kinh tham gia sát hạch tiêu chuẩn.

Phải kiểm tra vẻ ngoài, bút pháp, kiến thức khoa học văn hóa, cả về mức độ quen thuộc tình hình địa phương, năng lực xử án nữa. Nếu bạn vượt qua, lại còn có thành tích xuất sắc, thì chúc mừng, bạn có hi vọng được thăng quan. Nếu có vẻ ngoài bảnh bao, như vị gian thần đẹp trai Trịnh Tĩnh Nghiệp, thì có khả năng được Hoàng đế nhớ kĩ, đề bạt. Không đủ trình độ sẽ bị tước chức, thân ái.

Thế nên kì khảo hạch cũng có một cái tên rất dễ hiểu, là ‘Đại khảo.’

Đây là cơ hội để phát hiện nhân tài, lôi kéo những kẻ giỏi nhất vào hàng ngũ của mình, một người cũng không bỏ qua! Năm nay là năm thực hiện ‘Đại kế’, hai năm sau là cuộc Đại khảo trên khắp cả nước.

Trịnh Tĩnh Nghiệp nheo mắt, cẩn thận nhớ lại tình hình đám tay sai của mình, năm nay định đẩy một số từ trung ương ra địa phương để bảo toàn thực lực, tương lai mấy năm sau sẽ có hỗn loạn, tranh đấu tất có tổn thương. Trịnh Tĩnh Nghiệp muốn đưa con của mình để rèn luyện hun đúc thêm.

Qua chuyện rối ren này, hai năm sau sẽ có một nhóm người khả năng siêu việt quay lại, tiện thể kiếm thêm vài kẻ có tài nữa. Trong kinh chỉ cần giữ lại một vài người để giữ cân bằng là được rồi, nắm giữ đại quyền quản lí nhân sự của cả nước, nếu không mượn dịp mà mưu cầu việc riêng, Trịnh Tĩnh Nghiệp thật thấy có lỗi với cái danh ‘Gian thần’, cũng chính là bôi nhọ cả một quần thể không vĩ đại cũng chẳng quang vinh kia!

Mấy năm nay Trịnh Tĩnh Nghiệp đã đưa tám thư đồng, và không ít hai mươi cấp dưới xuất thân hàn môn đến các địa phương nhằm có cơ hội phát triển. Những người này dưới sự chỉ bảo của ông, có danh tiếng khi quản lý ở địa phương, đến khi đủ kinh nghiệm, thì quay về trung ương, đều là những chuyện nước chảy thành sông.

Trong số tám thư đồng, đã có bảy người đủ điều kiện để diện kiến, còn người kia, căn bản là năm nào cũng gặp. Mà trong hai mươi kẻ nọ, độ thân thiết không bằng các thư đồng được ông chỉ bảo, Trịnh Tĩnh Nghiệp phải thừa nhận rằng có lúc mắt nhìn của mình có vấn đề, có năm kẻ, hoặc tính toán cho gia tộc hoặc không lấy tướng phủ làm đầu, sai đâu đánh đó, hoặc cả đời không hề qua lại với nhau, có một gã phạm tội đã bị bắt (Trịnh Tĩnh Nghiệp: như thằng ấy là quá ngu!), hai tên bị người khác lôi kéo. Tính ra chỉ còn mười hai người một lòng với ông.

Trịnh Tĩnh Nghiệp không hề khách khí đem lũ phản bội nghiền cho ra bã.

Năm nay có thể đề bạt một số người, đưa một nhóm tay trong của mình ra, bên cạnh đó, tống khứ những quan viên đương nhiệm ông không vừa mắt đến xó xỉnh nào khác. Trịnh Tĩnh Nghiệp đã chuẩn bị cẩn thận cho cuộc cạnh tranh của mình với thế lực các nơi, không sợ mích lòng kẻ khác. Nếu không dám đắc tội thì không thể tự phát triển, chỉ cần biết giới hạn là được.

Đây là nơi có hệ thống, trong quân đội, ông không chỉ có duy nhất một Vu Nguyên Tề, chẳng qua không có ai được như Vu Nguyên Tề mà thôi. Khi ấy trong tay ông chỉ có Vu Nguyên Tề, đương nhiên phải tận dụng tốt tài nguyên, thế mà do sơ suất phải về kinh, đành đẩy kẻ khác đi vậy.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN