Con Hủi - Full - Chương 41 - 42:
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
142


Con Hủi - Full


Chương 41 - 42:


Chương 41

Quyết định của đại công tử gây ra cơn bão tố trong cả gia tộc. Công tước phu nhân kiên quyết không nhượng bộ, phu nhân Idalia và công tước Franchisếc ủng hộ bà. Bá tước phu nhân Chvilexka như bị lên cơn sốt. Không thuộc về gia tộc, không thể tham gia ý kiến – điều đó khiến bà ta bị dằn vặt. Phẫn nộ , cáu tiết, bà ta cố gắng làm hại Xtefchia bằng cách khác: khích bác nàng và mối quan hệ của nàng với Valdemar. Nhưng vị bá tước phu nhân đầy sùng mộ ấy không thể chơi cách ấy được lâu. Một ngày kia bà nhận được một bức thư nhã nhặn nhưng đầy hàm súc của đại công tử , và kể từ đó bà mất hẳn ý thức đùa cợt với Xterfchia.
Điền trang Xuodkovxe phủ một bầu không khí u ám. Cụ Machây nín lặng đầy ẩn ý, trở nên khó tính một cách lạ lùng. Vốn là người cả quyết, giờ đây phu nhân Idalia cũng thấy e ngại phải bước vào phòng làm việc của cụ. Dòng máu quý tộc trong bà sôi lên sùng sục vì chuyện Xtefchia, song bà không dám trao đổi chuyện ấy với cha. Đóng chặt cửa phòng, ngồi lặng trong chiếc ghế bành, cụ Machây nghiền ngẫm những suy tư trĩu nặng. Bộ óc già nua của cụ không còn chứa đựng nổi những giòng thác lũ ý nghĩ ấy nữa. Ngay trong ngày hôm ấy cụ biết chuyện Valdemar tỏ tình, cụ cũng biết lời từ chối của Xtefchia, cụ những tưởng rằng việc cô gái ra đi có thểb làm thay đổi quyết định của đứa cháu trai. Cụ thương tiếc Xtefchia, cụ cảm thấy lưong tâm cắn rứt, cụ bị giày vò, nhưng đồng thời cụ rất mong cuộc tình kia chấm dứt. Nhưng khi thấy Valdemar đưa tiễn Xtefchia ra ga, cụ Machây hiểu rằng hy vọng ấy chỉ là hão huyền. Cụ tin chắc rằng trên chiếc xe trượt kín mít kia, Xtefchia sẽ chịu thuần phục những lời thuyết phục của Valdemar, bởi cuãng đang yêu , cô gái khó lòng cưỡng nổi những tình cảm của chàng trai. Cụ già ngạc nhiên sao mình lại có thể có phút giây mang ảo tưởng chàng sẽ hành động khác đi, một khi cụ vốn hiểu rõ đứa cháu mình đến thế. Và ngày hôm sau, khi cụ Machây thấy mấy con ngựa của trang Guenbovitre trước nhà, cụ biết ngay Valdemar đến đây làm gì, và cụ không nhầm. Bình tĩnh nghe trọn những lời nồng nhiệt, đầy tình cảm và sự kiên quyết chưa từng thấy của đứa cháu trai, rồi cụ mới bắt đầu van xin chàng đừng làm điều đó. Nhìn thẳng vào mắt ông, Valdemar chỉ dằn giọng nói ngắn gọn:
– Sao lại thế? Cả ông nữa, ông cũng cấm cháu được hưởng hạnh phúc sao? … Sau tất cả những gì đã từng xảy ra trong đời ông? Chẳng lẽ ông lại muốn có thêm một tấn bi kịch nữa trong gia đình chúng ta, chẳng lẽ ông muốn quá khứ lập lại? Chảng lẽ ông lâi khuyên cháu không nên cưới nàng- cháu gái của người phụ nữ bất hạnh mà chính ông xưa kia đã từng yêu? …
Cụ Machây cảm thấy đuối lý. Những lời tuy đắng cay nhưng đúng đắnthốt ra từ miệng đứa cháu trai như dội thẳng vào óc cụ, sức nặng của chúng biến thành hàng trăm ngàn mũi kim nhọn hoắt đâm vào tim cụ đớn dau. Cụ già hiểu rằng quá khứ đã trả thù cụ, đang động đến sợi dây đau xót nhất trong tâm linh cụ.
Trong trí tưởng của cụ diễn qua hàng dãy sự kiện trước giờ báo thù vừa điểm: việc Xtefchia tới Xuodkovxe và tình yêu của Valdemar và cái chết của người phụ nữ kia. Kể từ sau cái chết ấy mọi sự tồi tệ nhất bắt đầu xảy ra. Việc Xtefchia ra đi càng khiến cho thảm họa đến nhanh hơn, cụ Machây không còn nghi ngờ gì nữa: thảm kịch nhất định sẽ xảy đến, chẳng chóng thì chầy. Cụ như nhìn thấy một vực thẳm không lối thoát. Valdemar đang nắm cụ trong tay. Cụ cảm thấy sự bất lực của bản thân, và diều đó khiến cụ khổ tâm nhất.
Gục đầu xuống ngực, đan chặt hai bàn tay khô khẳng vào nhau, cụ ngồi đó , già nua vô chừng, nom thật thểu não đến đáng thương. Sau cơn bùng nổ, Valdemar lại an ủi cụ, chàng giải thích cho cụ thấy tình vô lý của những thứ tín điều có thể ngăn cản mối duyên của chàng với Xtefchia. Chàng nói về những tình cảm dành cho nàng, chàng tế nhị nhắc cho ông nội nhớ lại mối tình của cụ mà thôi không đá động tới cái kết cục của nó. Vị đại quý tộc già xúc động đến tột độ, khi nói tới Xtefchia – Valdemar tháo lập lắc vàng ra khỏi dây đeo, chiếc lập lắc có trang điểm thêm những viên kim cương và hồng ngọc, rồi ấn lò xo và đưa cho ông nội xem. Bên trong chiếc khung vòng vàng là khuôn mặt thu nhỏ, tuyệt đẹp của Xtefchia đang tươi cười, được tô màu rất điệu nghệ. Cô gái mặc chiếc áo váy giản dị, đeo chuỗi hạt, bím tóc dày nặng buông một bên vai. Đôi mắt cô, dẫu đã thu nhỏ, nhìn cụ Machây với vẻ ngọt ngào, mơ màng và nhớ nhung khôn tả. Đôi môi nhỏ bé, mỉm nụ cười tinh nghịch, chứa đựng bao sức hút nhiệm mầu đến khôn dò. Dáng đầu cúi nghiêng đầy duyên dáng , vẻ duyên dáng mà cô gái luôn luôn toát ra.
Cụ Machây ngắm ảnh mà rùng mình. Điều trước tiên cụ thấy ở vẻ mặt cô gái là sự giống nhau giữa cô với bức ảnh tiểu thư Korvitrúpna mà cụ nâng niu như một thánh tích. Đôi mắt Xtefchia như van vỉ. Bằng nét cười và nỗi nhớ nhung của ánh mắt, cô như cầu xin, cụ đừng cấm đoán hạnh phúc của cô với Valdemar, đừng giết chết cô bằng một lời từ chối. Xtefchia như hiện ra bằng xương bằng thịt trước mặt cụ, khi cô quỳ bên gối cụ sau lúc dự tang bà ngoại trở về. Khi ấy nàng khóc, nép vào tay cụ chân thành với sự tin cẩn của trẻ thơ. Cụ Machây thấy toàn thân như toát mồ hôi lạnh, lương tâm cụ như bị xáo động.
– Vậy mà người lại định giết chết nó ? … Vì sao ? – Một giọng nói nội tâm nào đó chợt hét lên.
Cụ nhìn cháu trai dưới đôi lông mày trĩu xuống. Valdemar đang cúi người, tựa đầu vào lòng bàn tay, nhìn mê mải bức chân dung nhỏ xíu của Xtefchia với vẻ hạnh phúc khôn tả trên nét mặt, chàng như đang ôm ấp, đang ve vuốt nàng bằng ánh mát nồng nàn.
Một giọng nói khàn khàn câm lặng nào đó lại chợt lên tiếng trong lòng cụ già.
– Vậy mà ngươi định cấm đoán hạnh phúc của nó sao? Bằng luật lệ nào mới được chứ ? …
Cụ già nhắm nghiền mắt, cay đắng tự trả lời:
– Ngươi chẳng cấm được nó đâu, bởi nó chẳng chịu nghe lời.
Rồi cụ quay lại hỏi Valdemar:
– Ở đâu ra bức ảnh này?
– Người ta đã thu nhỏ lại cho cháu từ một bức ảnh chụp ở Guenbovitre. Cháu vẫn mang theo mình từ bấy đến nay.
– Con bé xinh đẹp!- Cụ già thì thầm.
– Ông cũng thương nàng, ông ạ, vì nhớ đến người kia. Xin ông hãy thương yêu chính bản thân nàng, như một đứa cháu, như vợ hiền của cháu. Ông ơi, nàng sẽ mang lại cho cháu niềm hạnh phúc mà ông từng khát khao ban cho cháu.
Cụ Machây vô cùng xúc động.
Valdemar không nài xin thêm nữa. Chàng hiểu rằng cụ già cần có thời gian để bình tĩnh và tự thắng mình … Chàng để cho cụ có thời gian, vững tin là chàng sẽ thắng.
Mấy ngày trôi qua, Valdemar không trở lại. Cụ Machây hay tin chàng đã tới Obrony và công tước phu nhân đã từ chối lời đề nghị của chàng, không ban phước cho chàng. Cụ già trải qua một sự phân vân ghê gớm. Sự im lặng của đại công tử khiến cụ bị kích động. Cụ gần nhưn không nhìn mặt con gái, bởi sự phẫn nộ to tiếng của phu nhân Idalia vềb ” sự rồ dại của Valdemar” khiến cụ bực bội. Chính cụ cũng không muốn cháu nội lấy Xtefchia, nhưng sự phản đối của ngưòi khác khiến cụ bị giày vò không sao chịu nổi.
Luxia cũng có những tình cảm thật khác nhau. Cô cũng nghĩ rằng Xterfchia không thích hợp với giới quý tộc. Cô không sao tưởng tượng nổi việc cô gái Xtefchia – người bạn gái của cô ấy – lại trở thành vị đại công nương của dòng họ Mikhorovxki, một nữ triệu phú, một đại quý tộc, một bậc phu nhân còn cao sang quyền quý hơn cả mẹ cô. Trong những bức thư gửi Xtefchia, Luxia hoàn toàn bỏ qua việc này, như thể không hề biết gì cả. Nhưng cô gái vẫn thương cho Xtefchia, và cô trút hết nỗi cáu giận lên đầu Valdemar, như thể chàng là nguyên nhân trực tiếp khiến Xtefchia phải xa Xuodkovxe. Mọi người, mỗi người một cách, đều lên án đại công tử.

***

Chương 42

Vài ngày nữa trôi qua trong dằn vặt và phấp phỏng. Những vị sứ giả lui tới liên tục giữa các điền trang Xuôđkôvxe, Obrôny và Guenbôvitre. Công tước phu nhân tiến hành đàm phán với Valđemar bằng thư.
Cuối cùng cụ Machây và nam tước phu nhân nhận được thư của công tước Franchisếc Pođhorexki mời tham dự hội nghị gia đình tại Obrôny về chuyện đại công tử.
Mọi người tề tựu đông đủ trong phòng khách sát cạnh phòng làm việc của công tước phu nhân, họ đợi mỗi mình Valđemar. Công tước phu nhân ngồi trong chiếc ghế bành sâu, bồn chồn, vò vò chiếc khăn trong tay, lo ngại nhìn vẻ cam chịu trên mặt cụ Machây, Công tước Franchisếc và bá tước Morykoni – rể của công tước phu nhân, lấy đứa con gái thứ hai của bà – vừa đi tản bộ vừa trò chuyện khe khẽ. Phu nhân Iđalia cùng bá tước phu nhân ngóng ra cửa sổ. Công tước phu nhân Fanchiskôva và tiểu thư Rita có vẻ mặt đầy bí ẩn.

Đại công tử tới đấy! – Bá tước phu nhân Morykônhôva đang đứng ở cửa sổ chợt kêu lên.
Phòng khách náo động. Cánh đàn ông đứng thẳng người như trước giờ xông trận, đám phụ nữ đỏ mặt. Riêng công tước phu nhân tuổi tác là tái nhợt hẳn đi, cụ Machây thở dài.
Tiểu thư Rita lui ra khỏi phòng khách, bước sang phòng làm việc cạnh đấy.
Valđemar bước vào với bước chân nhanh nhẹn và mềm mại. Chàng đưa mắt nhìn nhanh một lượt nhóm người đang tụ tập, trong mắt chàng ánh lên một nét cười, đôi môi đầy vẻ giễu cợt khó chịu.
Mọi người chào chàng theo đúng những nghi thức của giới quí tộc, riêng cụ Machây hôn cháu trai rất chân thành như mọi khi, còn công tước phu nhân Fanchiskôva thì xiết chặt tay chàng và nhìn chàng đầy ngụ ý.
Đại công tử nhìn quanh phòng.
– Cháu thấy rằng cháu là người đến cuối cùng. Có lẽ không thiếu ai nữa thì phải.
– Đúng thế, anh tới muộn đấy, – công tước phu nhân lên tiếng.
Valđemar nhíu mày.
– Xin lỗi, – chàng đáp khô khan, ngồi xuống chiếc ghế bành bên cạnh.
Một không khí im lặng và khó chịu kéo dài. Công tước phu nhân cựa quậy không yên, mắt cụ Machây dán chặt xuống tấm thảm trải nền nhà.
Đại công tử thản nhiên nghịch nghịch chiếc lập lắc đeo ở sợi dây chuyền, vẻ hơi tự hào nhìn những người hiện diện. Rốt cuộc, sốt ruột trước sự im lặng ấy, chàng lên tiếng đầu tiên:
– Cháu được mời dự hội nghị gia đình để bàn chuyện của cháu. Đó là cháu trích nguyên lời bức thư. Cháu đã đến. Xin lắng nghe.
Công tước phu nhân lại cựa quậy, công tước Franchisếc và bá tước cùng đằng hắng, nhìn nhau đầy hàm ý. Công tước phu nhân lên tiếng trước.
– Chúng ta họp ở đây để cùng nhau buộc anh rời bỏ những… dự định điên rồ… làm xúc phạm đến chúng tôi và mang lại nỗi nhục cho anh.
Cụ Machây nhìn nhanh sang công tước phu nhân. Cụ bị bất ngờ trước vẻ cả quyết trong giọng nói của bà. Mọi người đều cảm thấy chữ “buộc” là quá mạnh.
Valđemar rướn đôi lông mày, cánh mũi chàng phập phồng vì bắt đầu cáu. Chàng mỉm cười khó chịu.
– Bà đã đặt vấn đề một cách gay gắt. Cháu thấy là tối hậu thư đã được đưa ra. Nhưng cháu đã là người thành niên, cho nên cuộc… “gia nội” hôm nay chỉ có thể đưa ra những lý lẽ phản đối các quyết định của cháu và cháu sẵn sàng gạt bỏ chúng – chứ không một ai có thể buộc cháu, cũng có nghĩa là cưỡng bức cháu và cũng không một ai có quyền làm điều đó.
Môi cụ Machây thoáng một nét cười. Mọi người lo lắng. Mặt công tước phu nhân đỏ gắt, Valđemar nói tiếp:
– Xin bà đừng lấy làm phật ý vì những lời lẽ của cháu: cháu xin trả lời theo chính giọng của bà đấy thôi. Bây giờ cháu xin nghe các lý lẽ.
– Anh không thể cưới cô Ruđexka.
– Xin lỗi, đó là vấn đề, nhưng cháu muốn biết chi tiết, tại sao cháu không thể? Cháu muốn mổ xẻ khách quan vấn đề này.
Đến đây công tước Franchisếc lên tiếng:
– Anh không thể cưới người thuộc đẳng cấp thấp hơn. Điều đó vi phạm những nguyên tắc của dòng họ Mikhôrôvxki, chống lại truyền thống gia tộc… thậm chí còn là hành vi phản đạo đức…
Đại công tử tự hào ngẩng cao đầu.
– Nguyên tắc, truyền thống – đó là những chữ trống rỗng mà chúng ta hay dùng đến mức không còn gây nổi ấn tượng gì , chí ít là đối với cháu. Còn nếu nói tới đạo đức, thì luân lý của cháu khác với luân lý của các vị, nhưng cũng chẳng kém phong cách hơn chút nào. Theo cháu, hôn nhân chỉ dựa trên truyền thống gia tộc chỉ vì môn đăng hộ đối sẽ trở thành thứ hôn nhân phi luân. Còn các vị thì nghĩ ngược lại. Cả một vực thẳm chia cắt quan điểm của các vị với cháu.
Bá tước Morykoni làm ra vẻ ngạc nhiên”
– Nhưng chúng tôi hoàn toàn không hề loại trừ phương diện tình cảm, điều mà dường như đại công tử muốn nói tới. Song không thể tuyệt đối giao phó cho tình cảm chi phối, vì khả năng ấy có thể sẽ mang đến biết bao tác hại cho giới quí tộc chúng ta. Khi chọn vợ thời nào cũng nhất thiết phải chú trọng nhất đến việc đẳng cấp! Voila!
Valđemar bật cười.
Nhưng nếu cháu cưới một cô công chúa người Đức, Tây Ban Nha nào đấy, thì chắc chẳng một ai nói tới chuyện chủng tộc với đẳng cấp. Ông nội cháu đã cưới một cô gái người Pháp mà chẳng một ai nổi giận, bởi đó là một cô gái quí tộc. Giá như cháu có lấy một cô công chúa người Tàu thì có lẽ người ta còn coi đó là chuyện độc đáo chứ không phải chuyện đáng trừng phạt. Tiểu thư Ruđexka là một nữ quí tộc Ba Lan, có gia đình tử tế, vì vậy không thể nói đến đẳng cấp được.
– Nhưng thuộc giới khác, – công tước phu nhân ngắt lời.
– Cháu không phản đối, nhưng cháu cho rằng đó là một tiểu tiết, không thể có ảnh hưởng gì đến việc thành hôn và tìm hạnh phúc của hai người.
– Ngược lại, cái tiểu tiết đó lại là một điểm rất quan trọng, nếu không đã chẳng có những cặp vợ chồng vua chúa với thường dân, – phu nhân Iđalia nói.
Mặt Valđemar nhăn lại giận dữ. Chàng lạnh lùng đáp:
– Cháu không hiểu điều đó. Những cuộc hôn nhân không tương xứng trong giới quí tộc chúng ta thường tồi tệ hơn nhiều, còn những cặp vợ chồng vua chúa với thường dan vẫn thường xảy ra trong chốn cung đình. Trong những trường hợp ấy, vợ không được lấy họ chồng, con cũng thế, hơn nữa chúng không thể được thừa kế ngai vàng và của cải… Điều đó được qui định bởi những luật lệ chính trị. Nhưng nó không thể vận dụng với cháu.
– Về một số phương diện, thì…. có thể, – công tước Franchisếc nói thong thả, đầy suy ngẫm.
Mọi người nhìn công tước và đại công tử. Cụ Machây chợt hoảng hốt, lo lắng nhìn cháu trai. Nhưng bằng một động tác duyên dáng và tự hào, Valđemar đã ngoảnh đầu nhìn công tước, vui vẻ hỏi:
– Thật thế ạ? Những phương diện gì thế ạ? Cháu rất muốn biết.
Công tước Franchisếc đưa ánh mắt khó chịu nhìn chằm chằm vào mặt người hỏi.
– Luật thừa kế tài sản bất phân có những qui chế đặc biệt mà trong từng trường hợp cụ thể có thể chọn giải pháp trung hòa. Cũng giống như tài sản bất phân được bảo toàn bằng luật bất phân, vì vậy mà trở nên không thể xâm phạm tới, cái… cái… cũng vậy.
Công tước nói lắp.
– Và ngay chính tước hiệu đại công tử cũng buộc phải tuân theo những nghĩa vụ nhất định… tôi muốn nói là… những nghĩa vụ tước hiệu.
Rõ ràng công tước không biết nói thế nào.
– Vớ vẩn! – Cụ Machây lẩm bẩm khá to.
Valđemar mỉm cười khinh khi.
– Những nghĩa vụ tước hiệu? Hẳn thế rồi. Nhưng những nghĩa vụ ấy không liên quan gì tới chuyện chọn vợ.
– Có đấy, noblesse oblige!
– Tiểu thư Ruđexka không hề vi phạm nguyên tắc này. Cô ấy hoàn toàn có thể trở thành đại công nương Mikhôrôvxki, cô ấy có đầy đủ năng lực để mang tước hiệu ấy.
– Trừ quyền được mang – công tước thốt ra.
– Quyền thì chính cháu sẽ trao cho cô ấy bằng cách cưới cô ấy.
– Đó chỉ là quan điểm riêng, không phải quan điểm chung, đa số giới quí tộc chúng ta không thừa nhận cái quyền đó.
– Một khi cháu giới thiệu tiểu thư Ruđexka là vợ cháu, người ta nhất định sẽ thừa nhận.
– Và anh nghĩ rằng chúng tôi sẽ đón nhận cô ấy? – Phu nhân Iđalia hỏi đầy mỉa mai.
Valđemar như muốn dùng ánh mắt xuyên thấu qua người bà.
– Đa số giới quí tộc sẽ đón nhận, dầu chỉ vì lưu ý tới cháu. Cháu có một địa vị xã hội nhất định, cháu có những mối quan hệ rộng rãi và một một cái họ đại quí tộc nổi tiếng. Đó là những lý do khiến người ta phải tôn trọng cháu. Những cá nhân nhỏ bé không đồng tình bao giờ cũng có, nhưng chẳng cần nói đến làm gì – họ sẽ chìm trong trào lưu chung.
– Tôi muốn lưu ý rằng, – bá tước Morykoni lên tiếng, – trong những điều kiện bình thường những kẻ không hài lòng chỉ có thể kêu rên trên cơ sở những điều xúc phạm cá nhân hay ganh ghét cá nhân mà thôi. Còn ở đây là sự bất bình và không hài lòng của cả giới. Điều đó sẽ khiến cho cả giới quí tộc phẫn nộ. Cô Ruđexka đối với chúng ta vĩnh viễn phải là một kẻ xa lạ, đối với giới quí tộc chúng ta cô ta là một con hủi! Voila!
Valđemar nheo mắt nhìn bá tước chằm chằm với ánh mắt thật đáng sợ, với vẻ chế giễu và sự lạnh lùng vô biên, rồi thốt lên:
– Hoan hô ngài bá tước! Một con hủi! Tôi đã được nghe điều đó từ miệng ông Barxki, nhưng bởi lẽ mọi người đều biết con người đó là ai về phương diện tri thức, nên tôi hoàn toàn không ngờ được nghe nhắc lại điều đó trong cuộc họp mặt hôm nay. Tôi không rõ cái định nghĩa đó có mượn lời ông Barxki hay không, hay là một phát hiện mới – dẫu sao cũng xin chúc mừng ngài! Đó thật là một lời pha trò tuyệt diệu, cực kỳ thú vị trong vẻ ngây thơ của nó!
Mọi người bàng hoàng, bởi Valđemar nói với vẻ trầm tĩnh, nhưng chàng đang sôi sục chưa từng thấy, và những ai hiểu chàng rõ hơn đều run lên. Bá tước cũng là người nóng tính, ông ta cắn môi, nhưng vẫn ngẩng đầu, khiến đôi gọng kính vàng chóe óng ánh. Ông lên tiếng với giọng của kẻ bị xúc phạm:
– Cảm ơn đại công tử về lời nhận xét quá… thừa ấy. Sự phê phán của ngài khiến người ta nảy ra ý nghĩ phải kết thúc ngay cái trò chơi chữ này.
Valđemar mỉa mai cúi chào ông ta, nhưng vẫn rất lịch thiệp.
– Thưa bá tước, bao giờ tôi cũng sẵn sàng để kết thúc nó bằng một nước chiếu bí!
Im lặng nặng nề bao trùm. Chuyện bê bối đang treo lơ lửng. Hai địch thủ nhìn thẳng vào mắt nhau không nói một lời, riêng bá tước thở hổn hển, mặt hết tái lại đỏ, trong khi Valđemar thản nhiên như tượng, ngó ông ta như sói ngó con mồi. Chỉ một giây nữa thôi là sẽ xảy ra điều gì đó bất ngờ. Nhưng công tước phu nhân trẻ tuổi là người đầu tiên chợt tỉnh lại.
– Thưa quí vị, tôi xin được nói, – bà ta kêu lên đầy phẫn nộ rồi nói: – Tôi tán đồng với những lý lẽ mà đại công tử nêu ra để bảo vệ tiểu thư Ruđexka và việc công tử định kết hôn với cô gái ấy, tôi hoàn toàn tán thành và xin khẳng định rằng mặc dù không thuộc giới chúng ta, tiểu thư Ruđexka không xuất thân từ tầng lớp của những kẻ mà chúng ta không có bất cứ mối quan hệ nào. Ngoài ra, chúng ta đều quen biết tiểu thư Ruđexka, và công bằng mà nói, chúng ta đều biết rõ phải nghĩ về cô ấy ra sao. Tôi đã trình bày xong quan điểm riêng, bây giờ xin nhường lời lại cho đại công tử.
Valđemar nói bình tĩnh:
– Cưới tiểu thư Ruđexka, tôi không phạm điều gì bê bối, tôi không hề đưa vào gia tộc ta một người quê mùa hoặc đáng ngờ. Các vị có thể gọi sự khác biệt về địa vị của hai gia đình – một sự khác biệt khá rõ, nhưng không có gì quá đáng – và sự khác biệt về tài sản là sự thiếu môn đăng hộ đối. Chính địa vị vì tài sản đã tạo thành giới chúng ta. Đó là bức tường thành bao bọc mà hiếm khi chúng ta nhìn ra bên ngoài, bởi ai cũng thiếu lòng can đảm. Bức tượng đẳng cấp ấy chứa đầy những định kiến được nuôi nấng hàng bao thế kỷ nay, chứa đầy sự cuồng tín, khiến cho bất kỳ ai lại gần tường đều bị nhiễm độc. Nhưng hãy gạt bỏ độc tố đi, thì ta sẽ nhận ra rằng bức tường ấy không thật đáng sợ và không thể không vượt qua.
– Những chuyến vi hành như thế không phải là thứ dành cho các đại quí tộc, – Công tước Franchisếc ngắt lời chàng.
– Chính tôi đang nói về những đại quí tộc chúng ta đấy, – Valđemar nói.
– Nhưng chúng tôi không hề oán thán gì về những giới khác. Le jeu vaut pas la chandelle (1).
– Trái lại vượt khỏi bức tường đẳng cấp sẽ có rất nhiều ích lợi.
– Thí dụ, những ích lợi gì vậy?
– Ồ, chỉ cần thức tỉnh khỏi giấc mơ màng chúng ta có thể nhìn chung quanh một cách thoải mái, không còn chịu ảnh hưởng của thứ thuốc mê chlorôfoóc mà truyền thống bơm cho chúng ta. Và chúng ta sẽ nhìn thế giới mà hôm nay người ta gọi là “thế giới hủi” ấy trong tình trạng có thể tốt đẹp hơn, và chắc chắn là khỏe mạnh hơn về phương diện đạo đức so với thế giới của chúng ta. Chúng ta sẽ bắt gặp trong thế giới ấy những cá thể cao thượng hơn về phương diện luân lý và thường là nghĩa hiệp hơn. Nhiều người trong số đó không có phẩm hàm tước vị và những số tiền triệu khiến ta phải trọng, không biết ngoại ngữ, không biết lối sống đểu cáng một cách lịch sự – bởi đó là đặc quyền của chúng ta – mà họ chinh phục người ta bởi sự cao cả không thể nào chối cãi nổi về nội tâm và những khuynh hướng nhân văn, tinh thần. Vẻ cao ngạo về dòng tộc của chúng ta, sản sinh dựa trên những truyền thống cũ mèm, đặt chúng ta lên những chỗ đứng cao hơn, được đẩy lên cao bằng những triệu bạc, bằng những phẩm tước, chứ hiếm khi bằng các ưu điểm đáng giá của bản thân. Trên những tượng đài truyền thống được đẳng cấp ngưỡng mộ kiểu ấy thường là một cá nhân nào đó không có chút giá trị nào, không chịu đựng nổi một cuộc so sánh với thành viên của các đẳng cấp xã hội thấp hơn. Nếu hai con người ấy tiến đến với nhau – tôi nói thí dụ thôi – thì việc ấy sẽ được coi là quan hệ không tương xứng, nhưng đó là sự không tương xứng của giới ta so với đẳng cấp xã hội thấp hơn, không tương xứng về văn hóa cá nhân chứ không phải văn hóa truyền thống. Điều đó hoàn toàn không còn là chuyện vớ vẩn, nó đã trở thành một vấn đề làm nẩy sinh hàng ngàn sự so sánh không lấy gì làm khích lệ lắm đối với chúng ta.
– Bọn Giacôbanh bên Pháp cũng nêu những quan điểm y hệt như thế, – công tước cười gằn.
– Và trong những dịp giải lao họ pheng đầu các đại quí tộc, – Valđemar nói luôn, – Tôi không phải người thuộc giáo phái Giacôbanh, mà là một quí tộc tỉnh táo.
– Người đó nhìn qua lăng kính dân chủ.
– Không, thưa ngài công tước, tôi tin ở đôi mắt mình hơn và đã phát hiện được khối điều thú vị.
Công tước im lặng. Đại công tử nói tiếp:
– Một yếu tố đẳng cấp quan trọng hơn, ngăn chặn những sự sai lầm nguyên tắc đẳng cấp, đó là quan hệ gia tộc. Một khi ông anh, cụ anh lấy vợ ở các gia đình đại quí tộc thì anh nhất thiết phải theo gương họ – đó là bài ca của giới chúng ta. Chúng ta không chịu bằng lòng với tên họ của người vợ chưa cưới, dù đó là một cái họ tuyệt vời nhất, mà chúng ta còn bới tìm tiếp những bậc tổ phụ đã nằm xuống mộ của người đó, cẩn thận dò xét gia huy và tước phẩm của họ. Nếu phẩm tước và gia huy là rực rỡ, chúng ta sẽ trưng bày chân dung của họ vào những lâu đài của chúng ta ở những vị trí nổi bật nhất dẫu bản thân họ không có gì đáng để cho người đời phải nhớ. Nếu gia huy và phẩm tước của họ khiêm nhường hơn, chúng ta lại treo ảnh họ ở vị trí rìa nào đó mà nói với vẻ coi thường: “Một người họ hàng xa xôi nào đó thôi!” Tôi không bao giờ đồng tình với chuyện đó, một con người bình dân chân chính và không có tỳ vết còn khiến tôi kính trọng hơn một vị tổ Hecman lừng lẫy hay một vị tổng trấn chỉ biết phô trương giá trị của mình ở sắc áo tía hay thứ đồ trang sức mà thôi. Đó chính là quan niệm của riêng tôi về đẳng cấp và sự không môn đăng hộ đối. Người ta không xét ngọc qua cái khung, mà qua giá trị của bản thân viên ngọc. Trong một cái khung bằng vàng vẫn có thể đặt những viên ngọc giả.
Valđemar cáu kỉnh ném mình vào sâu trong lòng ghế bành, và mọi người đều hiểu được rằng cuộc chiến với chàng không thể đưa tới những kết quả mong muốn. Mặt những người hiện diện đều sa sầm.
Đột nhiên, công tước Franchisếc cựa quậy, rồi thu hết nhiệt tình và ý chí còn sót lại, ông nói cả quyết:
– Cô Ruđexka có thể được mang họ Mikhôrôvxki, nhưng sẽ không phải là đại công nương và không được hưởng bất động sản bất phân.
– Bằng cách nào vậy? – Valđemar bình thản hỏi.
– Franhiu, ông chỉ nói vớ vẩn thôi! – Công tước phu nhân trẻ tuổi thốt lên mặt đỏ bừng.
– Bằng cách nào mà vợ tôi không phải là đại công nương?
– Do sự thiếu môn đăng hộ đối của mối quan hệ ấy, anh có thể bị tước quyền thừa kế tài sản.
Valđemar nhìn công tước với vẻ thú vị, môi chàng run rẩy nét cười mà chàng không kìm nổi, khắp phòng vang lên tiếng cười đầy giễu cợt nhưng bùng lên đầy vui vẻ của chàng.
– Ha, ha, ha! Thật là thú vị! Vậy ai sẽ là người thực thi, ai sẽ tước quyền thừa kế của tôi?
Chàng quay sang phía công tước:
– Chẳng lẽ lại là ông? Ha, ha, ha!
Chàng cười thoải mái, nhưng ác ý đến nỗi mọi người đều cảm thấy rét. Công tước ngồi lặng, mặt đỏ bừng, không thốt nổi lời nào vì tức tối, bá tước nóng nảy nhổ nhổ râu cằm, các vị phu nhân lặng người, công tước phu nhân gần ngất xỉu. Lời phát biểu ngớ ngẩn của con trai làm bà xấu hổ, giọng cười của Valđemar khiến bà tức giận, bà không biết phải làm gì. Cụ Machây mặt hết tái lại đỏ. Trước mặt cụ hiện ra một cảnh tượng từ lúc cụ còn trẻ. Người ta cũng đe dọa cụ như thế, nhưng hồi đó cụ không có đủ can đảm như Valđemar, cụ đã không thể cười thoải mái như chàng, mà sợ hãi và cam chịu khuất phục.
Valđemar thôi cười, chàng cất giọng lạnh lùng nhưng đanh thép:
– Các vị đem chuyện vợ chồng không môn đăng hộ đối ra nạt tôi, bây giờ các vị lại dọa tước quyền thừa kế. Đến lượt mình, tôi xin hỏi: các vị có quyền gì làm điều đó? Hẵng bỏ qua chuyện môn đăng hộ đối, đó là chuyện vớ vẩn không cần phải nhắc tới, ta hãy nói về việc tước quyền thừa kế. Kẻ nào có thể làm nổi việc đó?… Chỉ có mỗi một câu trả lời mà thôi: không ai cả! Tôi không còn ở cái tuổi mười tám, mà đã ba mươi hai, tôi đã thoát khỏi mọi sự bảo trợ và sẽ không để cho ai có toàn quyền điều khiển mình. Chính tôi là người tự điều khiển hành động của mình với lòng tự tôn, và tôi cảm thấy hoàn toàn đủ sức, trong những vấn đề như hôn nhân và hạnh phúc của bản thân tôi không cần lời khuyên của bất kỳ ai. Tôi biết tôi khao khát điều gì. Không thể tước quyền thừa kế của tôi, bởi lẽ tôi là người cuối cùng của dòng họ Mikhôrôvxki, thuộc nhánh Guenbôvitre. Vả chăng, nếu nhánh này có nhiều người chăng nữa, hoặc nếu các vị muốn đưa những người khác thuộc dòng họ Mikhôrôvxki ra làm đại công tử thì cũng chẳng được kia mà, bởi một lẽ giản đơn là tôi không chấp nhận, và vì tôi hoàn toàn đủ tuổi thành niên, nên luật pháp sẽ bảo vệ tôi. Mọi người đều hẳn biết rõ điều đó, không cần phải nêu cụ thể điều luật làm gì, và tôi ngạc nhiên khi nghe công tước dám quả quyết đến thế trong việc đưa khả năng tước quyền thừa kế của tôi. Cứ như chuyện dọa tước đồ chơi của một đứa trẻ vậy. May mà tôi không phải là thằng nhát, tôi hiểu rõ quyền của bản thân và không cho phép ai tước đoạt những quyền ấy, tôi cũng không tự nguyện từ bỏ tước hiệu đại công tử, cương vị và chức vị của mình, dẫu là để tỏ lòng ngưỡng mộ người phụ nữ yêu dấu này.
Tiếng xì xào khe khẽ vang khắp phòng. Bá tước Morykônhi nhìn đại công tử, không tin ở tai mình nữa. Công tước phu nhân già giương tròn đôi đồng tử chằm chằm nhìn dán vào thân hình đầy tự hào của người cháu đang nói. Cụ Machây cúi đầu nặng nề, vẻ mặt mang đầy kinh ngạc và xấu hổ, dường như sau ngần ấy tháng năm mãi tới bây giờ cụ mới cảm nhận thật rõ cảm giác ấy.

Sau hồi im lặng, Valđemar lại lên tiếng, mỗi lúc một hăng hái hơn:

– Tôi sẽ cưới tiểu thư Ruđexka ngược với những nguyên tắc cũ mòn của dòng tộc theo quan niệm của các vị, nghĩa là các vị sẽ gọi cuộc hôn nhân của tôi là thiếu môn đăng hộ đối. Điều đó không hề làm tôi động lòng, tôi có những quan niệm khác hẳn. Và tuy lấy vợ xuất thân từ tình cảm và sẽ rất hạnh phúc, nhưng tôi không thể không xem xét con người và hoàn cảnh. Tôi không cần phải nêu những ưu điểm của tiểu thư Ruđexka, bởi người nào đã quen biết cô ấy đều có thể nhận thấy. Tôi chỉ nói rằng cô ấy được đào tạo đầy đủ, được giáo dục rất tốt, hơn nữa lại tự tin và tự hào hơn một số tiểu thư giới chúng ta, những kẻ tự mình ngỏ lời với đàn ông. Những phẩm chất nội tâm và ngoại hình của tiểu thư Ruđexka hoàn toàn đáp ứng cương vị mà cô ấy sẽ có được trong giới quí tộc chúng ta.
– Thế vẫn còn quá ít, – bá tước phu nhân Morykônhôva ngắt lời chàng, – Để đảm nhiệm cương vị đại công nương Mikhôrôvxka thì những phẩm chất ngoại hình và nội tâm mới chỉ là con chủ bài quá yếu. Có thể có dáng vẻ vương giả, nhưng thậm chí chưa được làm tiểu đồng nhà quí tộc nữa kia.
– Đúng, – bá tước rít lên, – dưới sắc tía của tấm áo choàng của dòng họ Mikhôrôvxki không thể là thứ nhung vớ vẩn nào đó, mà phải là áo lông hắc điêu thú.
Đại công tử ngả người xuống ghế.
– Nàng còn nhiều ưu điểm khác nữa. Nàng có thể mang họ và tước hiệu của tôi, và sẽ là mẫu mực cho các vị đại nương. Nàng cũng sẽ trở thành một người mẹ tốt thuộc dòng họ chúng ta, sẽ không khiến chúng ta phải thất vọng về phẩm cách. Những số tiền bạc triệu của tôi không hề làm nàng lóa mắt, bởi nàng tế nhị và thông minh. Đối với các vị, rất có thể nàng là một kẻ ngoai lại không ai mong muốn, nhưng với tôi, nàng là người phụ nữ duy nhất được chọn lựa, và tôi yêu cầu các vị phải đón nhận nàng với sự tôn trọng cần thiết. Đối với các vị nàng sẽ không còn là cô tiểu thư Ruđexka, mà sẽ là bà Valđemarôva Mikhôrôvxka, đại công nương điền trang Guenbôvitre, một người họ hàng của các vị.
Phu nhân Iđalia bật lên tiếng cười khó chịu, chua chát:
– Ruđexka mà là họ hàng với chúng ta? Không, điều đó còn hơn cả sự nực cười, đó là một điều xúc phạm.
– Tại sao? – Valđemar bình thản hỏi lại.
– Hả? Anh còn phải hỏi nữa sao? Nói thật tình tôi không thể nghĩ là anh lại có thể yêu…theo kiểu sinh viên như vậy.
– Thưa cô, tốt nhất cô nên nói trắng ra: yêu theo kiểu quê mùa như vậy, bởi cô nghĩ thế. Trong quan niệm của chúng ta, chỉ những kẻ bình dân quê kệch mới có thể có tình cảm. Tôi có thể thông cảm với sự phản đối của các vị, nếu tiểu thư Ruđexka là người không cùng giới…
– Thì cô ta đúng là người như vậy, – phu nhân Iđalia ngắt lời.
– Thế ạ? Thú vị thật, không hiểu những lời chỉ trích nào còn trút xuống vợ chưa cưới của tôi, chứ nãy giờ chúng giáng xuống tới tấp, sặc sỡ đủ màu, khó mà đáp lại.
Bá tước Morykônhi chà hai bàn tay vào nhau, làu bàu thốt lên:
– Có câu trả lời đây: dòng họ ấy không đáng tin cậy lắm. Trong những gia tộc thực sự đứng đắn không hề có cái họ ấy. Đó là một cái họ mới. Chưa ai trong số chúng tôi được nghe cái họ Ruđexki cả.
Valđemar nhìn thoáng qua bá tước.
– Bởi lẽ bị đóng kín trong phạm vi gia tộc, chúng ta chẳng hay biết gì nhiều về các phạm vi khác trong xã hội, những phạm vi vẫn tồn tại hiển nhiên. Dòng họ Ruđexki rất nổi tiếng và được kính trọng ở Vương quốc. Sách của ngài Nhesexki sẽ giải thích và thuyết phục các vị một cách tốt nhất. Còn tôi đã quá ngán câu chuyện vô mục đích này rồi. Tôi chỉ xin hỏi tiểu thư Ruđexka có khác gì các tiểu thư trong giới chúng ta? Có lẽ nàng chỉ khác ở chỗ trang nhã hơn, và đẹp hơn. Không phải cô gái nào cũng có quyền tự hào về những phẩm chất đó.
– Xin với chả đẹp! – Phu nhân Iđalia rít lên, – đó là đặc ân dành cho những cô thôn nữ thô thiển…. những kẻ thứ dân không có chút ý nghĩa nào trong giới chúng ta.
Valđemar phá lên cười.
– Cô đùa đấy chứ, cô thân yêu! Tiểu thư Ruđexka ngoài vẻ đẹp, còn có tất cả những gì mà giới chúng ta đòi hỏi. Lịch thiệp, đầy tài năng, thành thạo ngoại ngữ, biết cách dẫn dắt những câu chuyện nhẹ nhàng trong phòng khách lẫn những câu chuyện nghiêm túc. Biết đùa dí dỏm, biết cách ngồi lên xe duyên dáng, thậm chí biết cả cách xử sự với những chiếc gấu váy dài lượt thượt. Đó là tôi xin nêu tất cả những gì mà nhỡ cô ấy thiếu thì hẳn các vị sẽ khó chịu.
Công tước Franchisếc nhăn mặt.
– Anh đưa ra những ví dụ thật là trẻ con. Chúng có thể là tốt đối với cô tiểu thư Ruđexka, chứ không phải với đại công nương Mikhôrôvxka, người rất có thể là vị phu nhân hàng đầu trong cả nước.
– Các vị hãy tin rằng cô ấy sẽ không làm cho các vị phải thất vọng, cô ấy sẽ khiến cho các ngôi sao phòng khách đương thời phải giật mình.
Phu nhân Iđalia nói thêm vẻ mỉa mai:
– Đặc biệt là với đôi tay và những điệu bộ ấy. C’est plus que ridicule!(2)
Mọi người hơi ngạc nhiên nhìn bà. Mặt bà tím lại vì giận. Valđemar chăm chú quan sát bà.
– Với đôi tay ư? Đó là một chút mới mẻ đấy! Thế tay của cô thì sao ạ?…
– Dẫu sao thì cũng không phải đôi tay dành cho chúng ta! – Nam tước phu nhân tự hào đáp lại.
Công tước phu nhân trẻ tuổi xen vào:
– Đừng nóng thế, Iđalka, chứ không thì chị lại thiếu công bằng đấy. Đôi tay của tiểu thư Ruđexka đẹp, trắng trẻo, thon thả, hoàn toàn quí phái, cử chỉ rất trang nhã và đường hoàng. Không thể nói khác.
Với nụ cười quỉ sứ trên môi, Valđemar nói thong thả từng tiếng, như thể đay nghiến:
– À, về chuyện đôi tay thì xin quí vị cứ yên tâm! Về bản chất là đẹp, còn đến khi nào tôi đeo thêm kim cương hột xoàn nữa, thì khi ấy có thể các bàn tay đại quí tộc sẽ phải giấu đi, trong đó có những đôi tay không phải bao giờ cũng đáp ứng được xuất xứ quí phái của mình.
– Anh đem chúng tôi ra đùa đấy à, Valđemar! – Công tước phu nhân trẻ tuổi thốt lên.
– Không ạ, cháu chỉ trả lời một câu chỉ trích vợ tương lai của cháu thôi.
– Anh phong tước hiệu cho tiểu thư Ruđexka hơi quá sớm đấy, -bá tước Morykônhi cất tiếng mỉa mai.
– Xin nhắc lại: tiểu thư Xtefchia sẽ là vợ tôi. Mong các vị hãy tin điều đó và thôi hành hạ tôi đi, điều đó chẳng thể mang lại kết quả gì hết!
Giọng Valđemar hơi rung lên, rồi chàng nín lặng.
Im lặng nặng nề bao trùm khắp phòng.
Đại công tử đứng lên, ưỡn thẳng người, rồi bước qua những người trong gia đình đang ngồi thành hình bán nguyệt, chàng chậm rãi bước về phía kia của phòng khách, đưa mắt ngắm các bức tranh.
Công tước phu nhân tuổi tác dõi theo chàng ánh mắt kinh hoàng, bà cựa người trên ghế, tay bó chặt chiếc khăn đăng ten. Công tước Franchisếc đằng hắng đầy ý nghĩa. Valđemar đã tỏ ra cho mọi người hiểu rằng chàng coi cuộc họp thế là đã kết thúc. Ai cũng cảm thấy thế. Sau những ánh mắt đầy ngụ ý và cái nhún vai của phu nhân Iđalia và bá tước phu nhân Morykônhôva, giọng run run, phấp phỏng của công tước phu nhân tuổi tác cất lên:
– Đó là lời cuối cùng của anh đấy ư, Valđemar?
– Vâng. Điều gì đã nói, cháu không bao giờ thay đổi.
Công tước phu nhân âu sầu. Những lời của đứa cháu ngoại khiến bà thảng thốt. Bà cố tìm cách cứu vãn. Ánh mắt tuyệt vọng đầy cầu khẩn của bà nhìn cụ Machây như van xin cụ hãy giúp đỡ. Sự im lặng của cụ già khiến mọi người đều phải suy nghĩ. Họ nhận ra rằng suốt từ đầu đến giờ cụ hoàn toàn không nói một lời. Theo ánh mắt của công tước phu nhân , mọi người đều đổ dồn mắt vào cụ. Bất giác, cả Valđemar cũng đưa mắt nhìn ông.
Cụ Machây hiểu rằng đã đến lúc phải nói.
Cắn chặt môi, trong mắt chợt ngời lên một ánh dữ dằn, cụ nghiêng người sang phía công tước phu nhân, đặt tay lên tay bà, cất giọng mạnh mẽ:
– Xin công tước phu nhân hãy bình tĩnh. Valđemar có quan điểm riêng, trước sau như nhất. Những nguyên tắc của chúng ta lại khác. Và dẫu không có quyền bảo trợ nó, nhưng chúng ta vẫn có nghĩa vụ phải bảo trợ về đạo đức, và chính nghĩa vụ ấy buộc chúng ta phải bảo vệ đến cùng.
Cụ dừng lời, thở hổn hển.
Nét mặt công tước phu nhân ánh lên một thoáng hi vọng. Công tước và bá tước mỉm cười nhìn nhau.
Valđemar bước lùi một bước, thẳng cứng người, ngẩng cao đầu, đôi lông mày nhíu lại. Đôi mắt đầy kinh ngạc nhưng tuyệt đẹp nhìn chằm chằm vào mặt cụ già, chàng đứng đó, như bị giáng một búa vào đầu, nhưng không ngã gục – trái lại, chàng vẫn sẵn sàng lao vào cuộc chiến đấu mới. Có lẽ khi thốt ra những lời đáng nhớ: “Cả anh nữa ư, Brutux?!…”, Xêdar cũng có dáng điệu giống thế chăng?
Cụ Machây hắng giọng, thong thả nói tiếp, dằn từng tiếng:
– Nhưng có thể bảo vệ, có thể khuyên bảo kẻ đang do dự, kẻ không tin chắc vào mình, kẻ đưa ra những lý lẽ yếu ớt, kẻ không được chuẩn bị đầy đủ để đặt vấn đề một cách hợp lý và tỉnh táo, kẻ không thật hiểu mình hướng tới cái gì, kẻ thiếu kiên quyết và nhiệt huyết, bởi có tính cách quá yếu ớt. Nhiều năm trước đây chính tôi là một kẻ như thế. Hôm nay, lại một lần nữa, tôi phải trải qua giây phút ấy, còn đau đớn hơn lần trước. Tôi đã do dự, tôi đã thiếu tự tin, không đủ kiên quyết và nhiệt tình. Tôi đã không hiểu rõ ai có lý: tôi hay những người mà tôi phải đương đầu. Lạy Chúa ơi! Lực lượng mới chênh lệch làm sao! Tôi không đủ lời để tự bảo vệ hạnh phúc của mình, hay có thể tôi yêu ít hơn, có tính cách yếu hơn chàng. Hồi đó người ta cũng đã dọa tước quyền thừa kế tước đại công tử của tôi, còn tôi, mặc dù cũng có đầy đủ những điều kiện như Valđemar bây giờ – bởi tôi cũng là kẻ duy nhất thuộc nhánh gia tộc chúng ta, cũng đã đủ tuổi thành niên, mặc dù mẹ và chú tôi không thể tước quyền thừa kế của tôi nhưng tôi đã run sợ và khuất phục trước sức ép ấy. Hậu quả của bước lùi ấy thật quá rõ ràng: tôi đã hủy hoại đời mình và cuộc đời người con gái ấy…
Cụ Machây gục đầu, im lặng hồi lâu.
Những người có mặt nhìn cụ bàng hoàng và e sợ.
Đại công tử dịch chuyển sau lưng những người đang ngồi dựa lưng vào chiếc lò sưởi cổ kính, không rời mắt khỏi ông nội.
Cụ Machây nói tiếp:
– Bây giờ, khi đã sắp xuống mồ, tôi lại phải chứng kiến cái tình thế ấy. Có điều tôi đã thay vai. Cháu Valđemar đã thuyết phục được tôi. Khó lòng cấm đoán nó làm việc mang lại hạnh phúc cho bản thân nói và cho người phụ nữ nó yêu. Valđemar đã thành niên, đủ khôn ngoan, có ý chí vững chắc không một ai bẻ gãy nổi, lại có luật pháp đứng sau lưng. Đây không phải là một sự bướng bỉnh, mà là sự cương quyết của một con người trưởng thành, biết rõ rằng mình có ưu thế khi đặt vấn đề, khi trình bày lí lẽ, không hề sợ những giải pháp quyết liệt, lại được vũ trang bằng tính cao thượng của tình cảm và một lòng tin vững chắc vào tương lai. Đây không phải là một cơn bốc đồng thoáng qua, mà là một quyết định mạnh mẽ, không khoan nhượng. Đây không phải là sự mù quáng mà là một lý lẽ tỉnh táo và vững vàng, lý lẽ mà cả giới chúng ta không thể che mờ nổi. Vì vậy, mọi lời chứng minh trái ngược của chúng ta đều vô nghĩa, bởi Valđemar sẽ bẻ gẫy hết, mọi sự cưỡng chống của chúng ta là vô nghĩa – bởi Valđemar sẽ đập tan hoặc sẽ vượt qua, không hề ngó ngàng gì đến chúng ta. Chính tôi cũng đã từng nổi khùng, đã từng không muốn nghe nói tới việc ấy, nhưng cháu nó đã thuyết phục được tôi.
Tiếng xì xào kinh hoàng lan khắp phòng. Công tước phu nhân làm một cử động như chực đứng lên. Mọi người đều như bị sét đánh. Với những quầng đỏ trên mặt, cụ Machây nói chắc nịch, hướng chủ yếu về phía công tước phu nhân tuổi tác:
– Tôi xin nhắc lại: cháu nó đã thuyết phục được tôi. Người con gái nó yêu đáng được chúng tôi đón nhận, bởi vì đã được nó chọn. Tôi nói về Valđemar không phải như về cháu nội mình, mà như nói về một con người cao thượng và hiểu biết, đáng được mọi người kính trọng. Chúng ta nên đón nhận người mà cháu Valđemar đã chọn để đưa vào gia đình chúng ta, đón nhận không chút khiên cưỡng, như người của mình. Tôi, Mikhôrôvxki, ông nội của Valđemar, chấp nhận ý định ấy, đồng ý cuộc hôn nhân này… và cầu phước cho hai trẻ. Thưa công tước phu nhân, xin bà hãy làm như tôi. Xin bà đừng làm u ám niềm hạnh phúc của cháu, đừng giết chết cô gái kia, nó đã yêu thương Valđemar chân thành và sâu sắc lắm, tôi biết. Vì tính cách ngay thẳng và tự tôn, cô gái đã từ chối lời cầu hôn và bỏ đi, không muốn Valđemar phải đấu tranh với gia đình…
Cụ Machây tự hào ưỡn khuôn ngực già nua. Vầng trán của vị đại quí tộc rạng rỡ trong một niềm phấn hứng chân thành. Giọng cụ nói mạnh lên.
– Cô gái ấy đã dám hi sinh niềm hạnh phục gắn liền với mạng sống của mình, chẳng lẽ chúng ta không thể hi sinh những quan niệm, rất có thể, được xây dựng trên những định kiến đã lỗi thời của chúng ta, hay sao? Chẳng lẽ chúng ta lại tỏ ra kém cao thượng hơn cô gái quí tộc mảnh mai ấy? Chúng ta – những đại quí tộc?! Thưa công tước phu nhân, chúng ta hãy đại lượng! Chúng ta hãy để cho trái tim củ mình được lên tiếng ở nơi mà lòng mê tín của chúng ta dựng đập chắn. Chúng ta phải phá vỡ con đập ấy! Valđemar là cháu của bà, thưa phu nhân, cũng là cháu của tôi. Lúc tuổi già chúng ta hãy vui với niềm hạnh phúc của cháu. Biết đâu chúng nó có thể làm sống lại những niềm mơ ước tuổi trẻ của chúng ta đã bị cuộc đời bóp chết. Thưa phu nhân, xin bà hãy cho phép và ban phước cho cháu. Tôi cầu xin phu nhân điều đó vì nghĩ tới những đứa con đẻ của bà và của tôi, cha mẹ của cháu Valđemar đấy.
Hứng khởi bởi niềm nhiệt thành, cụ già đứng phắt dậy khỏi ghế, mắt sáng long lanh, chìa hai tay ra.
– Cháu của ông! Chúc mừng cháu và cầu Chúa ban phước lành cho cháu!
Valđemar xúc động, ngực chàng bật ra những tiếng thổn thức nghẹn ngào, chàng ôm chầm lấy ông nội đang loạng choạng, nồng nhiệt và thân thiết nép người vào vai ông. Cụ Machây ôm chặt mái đầu cháu nội, đôi môi run rẩy đặt lên vầng trán đầy tự hào của chàng.
Mọi người bất giác đều đứng lên. Vẻ long trọng của phút giây này khiến họ đứng dậy khỏi chỗ ngồi. Vài cái đầu máy móc quay về phía tấm rèm che cửa, nơi tiểu thư Rita bật lên tiếng khóc nức nở.
Công tước phu nhân ngồi lặng như chết, mặt trắng nhợt không một chút máu. Bà thẫn thờ ngó cụ Machây như hoàn toàn thảng thốt bàng hoàng. Bà chợt rùng mình lúc Valđemar quỳ xuống trước mặt, dịu dàng cầm lấy tay bà, thì thầm bằng giọng mềm mại, âu yếm:
– Bà ơi, thế còn bà?… Còn bà nữa?…
– Không bao giờ! Không bao giờ! – Công tước phu nhân hét lên rồi xỉu người trong ghế.
Bà ngất đi. Náo động cả lên, mọi người cố làm bà tỉnh lại. Valđemar xốc cụ bà lên tay, mang vào phòng ngủ của bà. Mọi người bước theo chàng.
Trong hành lang ngang, tiểu thư Rita đang đứng tựa vào hàng cột chạm trổ, nàng khóc, cả người run lên. Ánh mắt nàng thảng thốt khi nhìn thấy Valđemar.
– Bà ngất, – chàng nói gọn.
Chỉ có cụ Machây và Valđemar trở lại phòng khách, công tước và bá tước ẩn tránh ở đâu đó, không dám nhìn mặt đại công tử. Cụ Machây ôm chặt lấy cháu nội.
– Hãy bình tĩnh lại đi con. Mọi chuyện rồi sẽ tốt cả. Tiếng kêu vừa rồi của công tước phu nhân là phản ứng nhất thời, rồi sẽ qua thôi. Con đã thắng, Valđemar ạ, rồi con sẽ được hạnh phúc! Ôi, con cho ông một bài học mới đau đớn làm sao! Nhưng trái tim ông như nhẹ hẳn đi.
Cụ già òa lên khóc, nhưng sự chân thành của Valđemar nhanh chóng trả lại cho cụ nụ cười trên khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn.
Công tước phu nhân không muốn thấy mặt một ai, và thế là Valđemar đành phải rời trang Obrôny lần nữa, không được bà ngoại đồng ý ban phước.

Chú thích:
(1) Tiếng Pháp: Trò chơi không đáng tiền
(2) Tiếng Pháp: Thật còn hơn cả tức cười!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN