Con Nhà Nghèo - Chương 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
165


Con Nhà Nghèo


Chương 3


Cái kiếp con người rõ ràng là kiếp khổ não, còn cái thú giàu sang chưa ắt là thú thanh cao. Vì cớ nào trên mặt đất nầy người ta lại tranh nhau đeo đuổi mùi phú quý, làm chi để đến nỗi nhơ nhuốc cũng chịu, ác nghiệt cũng làm, cực khổ buồn rầu, đắng cay khóc lóc.

Chịu làm chi vậy? Làm mà chi vậy? Buồn nỗi gì? Khóc cớ chi? Phù sanh nhứt mộng, giàu sang ích gì? Mà nghèo hèn lại hại gì? Vậy chớ mình tự tĩnh tự giác, lần gỡ mà bỏ cho hết những lục căn, lục trần, đặng tiêu diêu cực lạc, thơ thới xác phàm, há chẳng quý hơn là mê mẩn đắm chìm trong vòng tham danh chuốc lợi, mà phải nhuốc nhơ, phải phiền não, phải khóc than hay sao?

Nực cười cho con người chưa hiểu như vậy, không chăm lo những việc rất đáng lo, cứ ham muốn những điều không nên muốn, rồi phải xung đột nhau, ganh ghét nhau, hiếp đáp nhau, xu phụ nhau, làm cho địa cầu thành địa ngục, vắng vẻ tiếng thương yêu, dồi dào sóng tranh cạnh, rỉ rả giọng than khóc, phảng phất khí thù hiềm.

Vì loài người sanh ra đặng hại nhau, ghét nhau, hiếp nhau, hùa nhau, nên trong một đời người kể xiết bao những nỗi ưu phiền, trong vòng hoàn cảnh chất chứa biết bao điều tồi tệ. Mà một đời người nghĩ cũng là lâu. Một khoảng 25 năm thắm thoát chẳng mấy lúc, mà cũng đủ gây lắm cuộc vinh hư, tiêu trưởng, bỉ thới, vinh khổ, nhiều kẻ nghèo hèn trở lại giàu sang, nhiều nhà giàu sang hoá ra bần tiện, càng trông thấy càng thêm chán ngán.

Chẳng kể chuyện của ai làm chi cho thêm chộn rộn, để nói tiếp chuyện thằng Cu với con Lựu ra đây nghe chơi.

Cách đây 25 năm trước, thằng Cu là một đứa đày tớ chỉ có cái tình nặng trịu với cái tánh thật thà mà thôi, chớ không có trí, tài, ruộng đất chi hết. Cách 25 năm trước, con Lựu là một đứa gái hư, song biết xét mình mà ăn năn, không thèm phiền trách ai hết. Cu vì tình mà không kể trăng tàn hoa rụng, Lựu vì nghĩa nên ưng chịu gởi phận trao thân, đôi đàng đều đem cái nghèo mà hùn hiệp với nhau, nhưng ngày nay người ta kêu Cu là ông Hương sư, người ta gọi vợ là bà Hương sư, vợ chồng có vài chục mẫu ruộng, có năm sáu con trâu, có nhà kê táng, có lúa đầy bồ, nhứt là có một đứa con sẽ làm Kinh lý, nên ngoảnh lại con đường đã qua rồi thì có chỗ ngậm ngùi, mà cũng có chỗ thơ thới.

Số là khi Ba Cam viết thơ khuyên anh em đi hết xuống Bạc Liêu mà làm ruộng của ông thầy Kiện, dầu không khứng đi thì vợ chồng Cu cũng phải lên Sài Gòn đặng anh ta bảo bọc, kiếm sở cho mà làm, Cai tuần Bưởi dục dặc không chịu đi duy để cho vợ chồng Cu đi mà thôi.

Cu với Lựu lên tới Sài Gòn, đùm đậu ở nhà Ba Cam ít ngày. Ba Cam nghe Bưởi không chịu đi, nên không nỡ xúi vợ chồng Cu đi Bạc Liêu. Anh ta bèn tính kiếm sở cho Cu làm. Anh ta òn ỉ xin ông Thầy Kiện cho Cu ở canh gác quét rửa nhà giấy. Ông Thầy Kiện Tô Lê vì thương Ba Cam nên ông nhận lời xin, hứa cho Cu ăn lương mỗi tháng 8 đồng bạc.

Cu sanh trưởng trong chốn thôn quê, hồi nhỏ cỡi trâu hay, đến lớn cầm cày giỏi, từng quen nhổ mạ, gặt lúa, tát nước, đắp bờ, chớ không quen cầm chổi quét nhà, chậm giẻ lau gạch. Mới một bữa đầu, anh ta quét bụi ở trên mấy bàn giấy, anh ta vô ý đụng đổ bình mực, làm cho giấy tờ lấm lem, mấy thầy quở trách om sòm. Qua bữa sau, anh ta lau nhà, thấy có hai tờ giấy bay nằm trên gạch tưởng giấy lộn, nên vò mà bỏ, té ra hai tờ giấy ấy là hai lá đơn của người ta mới nạp cho ông Thầy Kiện; ổng kiếm hết sức mà không được, chừng tra hỏi ra mối thì ổng bứt đầu bứt cổ la hét vang rân.

Ông Thầy Kiện bèn kêu Ba Cam mà nói rằng: “Cu không thể nào giúp việc tại nhà giấy được, nên khuyên hãy kiếm việc khác cho Cu.”

Ba Cam muốn cho vợ chồng Cu ở gần đặng hủ hỉ cho vui, mới cậy anh em đem Cu làm trong hãng nước đá. Chẳng hiểu Cu làm thế nào, mà mỗi buổi chiều về nhà coi bộ không mấy vui; làm được một tuần lễ, Cu mới nói với Ba Cam:

– Không được anh Ba. Em muốn nương tựa theo anh, đặng vợ chồng em êm ấm. Mà em coi dèo khó lắm. Từ nhỏ chí lớn em quen nghề làm ruộng, làm như trên nầy em không làm được. Em ở ngoài đồng giãi nắng dầm mưa thuở nay quen rồi, bây giờ làm trong tù túng chật hẹp bịt hơi gió, em chịu không nổi. Em muốn xin với anh Ba cho em trở về đồng đặng kiếm ruộng mướn mà làm.

Ba Cam nghe nói như vậy thì tức cười và đáp:

– Làm ruộng ở xứ mình là làm mọi chủ điền chớ ham làm chi. Nếu em muốn làm ruộng, thôi thì đi xuống Bạc Liêu mà làm ruộng cho ông Thầy Kiện, lúa đã rẻ, mà ruộng trúng bằng hai ruộng dưới mình; may nhờ trời em trúng chừng ít mùa thì em khá ngay. Em muốn đi thì qua nói với ông Thầy Kiện rồi ổng đưa tiền cho em đi.

Cu bàn tính với vợ rồi chịu đi Bạc Liêu. Ông Thầy Kiện cho 20 đồng bạc làm tiền lộ phí và viết một phong thơ mà cầm xuống cho người coi điền của ông. Ba Cam đưa vợ chồng Cu xuống tàu lại dặn rằng:

– Hai em xuống Bạc Liêu ráng lo làm ăn, đừng có trở về Gò Công. Chừng nào giàu có rồi sẽ về, chớ nghèo về họ khi dễ, không nên về làm chi.

Lựu lau nước mắt đáp:

– Em ra đi đây là vì em muốn tránh xứ Gò Công. Em còn về nữa làm chi mà anh Ba phải dặn.

Vợ chồng Cu xuống làng Vĩnh Mỹ, cất chòi ở yên nơi rồi thì tới mùa gặt. Xứ Bạc Liêu ruộng thì nhiều, mà nhơn công thì ít, bởi vậy người ta mướn công gặt. Rồi thì vốn liếng có tới bạc trăm, lại trong nhà có được vài chục giạ lúa. Qua mùa sau anh ta được lãnh một trăm công ruộng của ông Thầy Kiện. Mùa ấy may gặp phong vũ điều hòa, lúa trúng hơn các năm trước hết thảy. Anh ta làm một trăm công mà chừng gặt đạp rồi số lúa đong được tới 1.200 giạ. Vì anh ta không có vay bạc vay lúa chủ điền, lại lúa ruộng đong mỗi công có một giạ, nên trả lúa mướn trâu cày, mướn công mạ, mướn công gặt rồi thì anh ta còn dư hơn 800 giạ.

Cu lấy làm toại chí, lật đật mướn người viết giùm thơ mà gởi cho hai anh vợ hay.

Trong bức thơ gởi cho Cai tuần Bưởi thì Cu khoe khoang ruộng đất Bạc Liêu tốt mà cho mướn rẻ, xứ Bạc Liêu thiệt dễ làm ăn, rồi nài nỉ xin Cai tuần Bưởi thế nào cũng phải đem vợ con xuống đặng làm ruộng của ông Thầy Kiện. Bưởi hay Cu làm mới có một mùa mà dư hơn 8 thiên lúa, thì không còn do dự nữa nên dắt vợ con đi hết xuống Vĩnh Mỹ. Năm đầu Cu giúp vốn cho Bưởi làm, nên Bưởi khỏi vay. Tới mùa gặt Bưởi dư được vài thiên lúa, Cu cũng té thêm ít thiên nữa. Anh em tuy ở riêng, song giúp đỡ nhau từ chút cũng như ở chung một nhà.

Bưởi vì đông con nên làm thì khá, song khó giàu như người ta được. Còn Cu thì nuôi có mình thằng Hai thôi, chớ Lựu không có đẻ nữa; lại vợ chồng tiện tặn, không se sua, không lãng phí, bởi vậy làm được mười năm thì Cu sắm được một sở ruộng hơn 200 công, rồi cày cấy ruộng nhà, khỏi mướn đất của ông Thầy Kiện nữa. Làng thấy Cu có của mới cử làm Hương chức, ban đầu làm chức nhỏ, lần lần thăng lên chức Hương sư. Tuy vợ chồng Cu không bao giờ vịn cái sự mình làm nên đó mà kiêu hãnh, song lúc nào rảnh rang ngồi nói chuyện chơi với Cai tuần Bưởi, hoặc Thị Tố, hễ nhắc tới cái địa vị bần tiện ngày xưa, thì cũng hớn hở thầm trong lòng chút đỉnh.

Ai khi trước đây làm đầy tớ rồi bây giờ làm Hương chức chủ điền, lại không vui. Ai khi trước bị chúng khinh khi hiếp đáp rồi bây giờ được kẻ thưa người dạ, lại không khoái. Cu với Lựu cũng vui, cũng khoái lắm chớ, nhưng mà cái vui độc nhứt của Cu là vui thấy thằng Hai trìu mến, kính trọng mình cũng như con người ta trìu mến, thương yêu, kính trọng cha ruột nó vậy; còn cái vui nhứt của Lựu là vui thấy chồng thương con, con thương chồng, cha con thương nhau chẳng chút nghi kỵ nhau hết.

Cái tình cha con trìu mến nhau đây nghĩ cũng là một lẽ thường, chớ chẳng phải việc chi lạ. Mối tình ấy đã gây ra từ khi thằng Hai còn nằm ngửa; thằng nọ một ngày một lớn, thì dây thân ái cũng một ngày một thắt chặt thêm, tình phụ tử càng tăng mặn nồng thêm.

Khi thằng Hai chưa biết nói, hễ Lựu mắc công việc trong bếp, thì Cu bồng nó đi chơi, Cu dỗ cho nó ngủ. Cu tắm rửa cho nó, Cu đút cơm nó ăn. Chừng nó học nói thì cái tiếng nói đầu của nó là tiếng kêu Cu bằng “cha”. Cái tiếng “cha” ấy làm cho Cu cảm động vui vẻ vô cùng. Bởi vậy cái tiếng của Cu kêu nó bằng “con” càng thêm mặn mòi, càng thêm thâm túy.

Chừng thằng Hai được sáu bảy tuổi thì cha con chẳng rời nhau; bữa nào Cu đi ruộng về trễ thì thằng Hai ngồi dựa cửa ngóng trông; Cu đi làm mệt mà hễ về thấy mặt con, nghe con thỏ thẻ, thì hớn hở trong lòng, bao nhiêu nhọc mệt đều tiêu tan hết.

Trong làng Vĩnh Mỹ, trừ vợ chồng Cai tuần Bưởi ra, thì chẳng ai biết Cu với thằng Hai là cha con ghẻ; mà vợ chồng Bưởi với vợ chồng Cu, vì danh giá của thân tộc, nên cũng chẳng hề tỏ việc nhà cho ai biết mà chi.

Chừng thằng Hai đúng tuổi đi học thì Cu trong nhà khá lắm rồi, nên làng đã cử làm Hương thân. Cu thấy con sáng láng mới bàn tính với vợ rồi đem con lên chợ Bạc Liêu, gởi nó ở ăn cơm quán nhà thầy giáo đặng nó đi học. Thằng Hai siêng năng mẫn đạt, nên học trường tỉnh tới 15 tuổi thì ngồi nhứt lớp. Lúc ấy quan Đốc buộc thằng Hai phải nộp khai sanh để cuối năm đi thi. Cu nhơn dịp ấy mới đi thăm hỏi mấy thầy giáo, rồi làm đơn vô Tòa mà xin lập khai sanh cho con. Tòa lên án nhận thực thằng Hai là Võ Văn Hai con của Võ Văn Cu và Lê Thị Lựu.

Từ nay thằng Hai đã có cha theo phép rồi. Từ nay chú Cu cũng có con trúng luật rồi. Bưởi với Lựu thấy thái độ của Cu như vậy càng thêm kính phục, nên thầm dặn nhau đừng cho thằng Hai biết cội rễ nó làm gì.

Cuối năm ấy thằng Hai thi đậu, vào học trường Trung đẳng Mỹ Tho. Cu thấy con học phát thì càng phấn chí, nên nhứt định cho con học đến cùng, không sợ tốn hao, không kể phân cách.

Ở đời nếu bước đường mà được may mắn luôn luôn, thì còn biết ai là người bền lòng, ai là người mỏng chí. Từ khi Cu với Lựu kết tóc cùng nhau cho tới đây, thì vợ chồng gặp dịp may luôn luôn, gia đạo thuận hòa làm ăn phát đạt, ruộng thường trúng, con học nên. Đến năm nay mới gặp một viêc rủi, Ba Cam đau nên xin phép ông Thầy Kiện xuống Vĩnh Mỹ trước thăm anh em, sau ở uống thuốc. Anh ta xuống ở tại nhà Cu chưa mấy ngày, kế bịnh trở nặng, phải bỏ mình. Vợ chồng Cu lo chôn cất tử tế, không để cho Bưởi tốn một đồng.

Cuộc tống táng Ba Cam vừa xong, kế hay tin thằng Hai ở trường đau nặng. Cu lật lật lên Mỹ Tho rước con đem về chạy thầy chạy thuốc. Trong ba tháng trời có nhiều lúc thằng Hai thấy sự chết trước mắt. Lựu vì tình mẫu tử nên buồn thảm lo sợ đã đành, cảm thương cho phận Cu, vì nghĩa minh linh chớ không phải vì máu thịt, mà anh ta chạy thầy chơn không bén đất, nuôi bịnh đêm không nhắm mắt. Có bữa anh ra ngó vợ vừa khóc vừa nói: “Nếu thằng Hai có bề nào, thì tôi cũng chết, chớ tôi không sống được”. Lựu nghe chồng nói như vậy lại càng kính mến hơn nữa.

Ông trời cũng có nhơn, ông không nỡ hại người có tình có nghĩa. Thằng Hai tuy đau nhiều, nhưng qua ba tháng sau, thì bịnh cũng thuyên giảm lần, vợ chồng Cu mới hết lo sợ nữa. Thằng Hai bị cái trận đau ấy làm cho việc học phải trở ngại nên đến 22 tuổi mới thi đậu đíp – lôm. Khi ấy Lựu muốn cho con làm thầy giáo hoặc thầy Thông, rồi cưới vợ làm ăn như thiên hạ. Thằng Hai cười mà nói:

– Cưới vợ làm chi mà gấp vậy má. Con muốn xin cha cho con ra Hà Nội học thêm ít năm nữa. Con muốn học nghề Kinh lý, ăn lương lớn, chừng ấy cưới vợ mới có đủ tiền mà nuôi nó chớ.

Cu ở miệt Vĩnh Mỹ, vẫn thấy người ta tranh điền thổ, lấp ranh rấp, người ta kính trọng quan Kinh lý là dường nào; bởi vậy nghe con tính học đặng làm quan Kinh lý thì mê, bèn hiệp với con mà phản đối ý kiến của vợ rồi cho con đi Hà Nội mà học nữa.

Thằng Hai học được ba năm rồi. Năm nay nó thi, hễ đậu thì nhà nước sẽ cấp bằng Kinh lý. Lúc nầy Cu đương làm Hương sư trong làng, có ruộng đất, có trâu nghé, có nhà cửa đàng hoàng. Bưởi tuy không giàu bằng Cu, không có dự việc làng như Cu, song trong nhà cũng có dư được dăm bảy thiên lúa. Vợ chồng Cu cũng như vợ chồng Bưởi, cứ van vái cho thằng Hai thi đậu đặng trong thân tộc có một người làm quan cho cha mẹ bà con đẹp mặt nở mày với thiên hạ. Cái hy vọng nầy tuy không có, song là cái hy vọng chung của bực thường dân, mà coi lại nhiều người học thức cũng còn tưởng phải làm quan mới vẻ vang, mới sang trọng. Cu với Lựu mơ ước như vậy nghĩ chẳng có lạ gì.

Bữa rằm tháng sáu là ngày giỗ cơm cho Ba Cam. Vì Ba Cam không có vợ con, lại ngày trước chết tại nhà Hương sư Cu, nên vợ chồng Hương sư Cu xin với Bưởi để luôn bàn thờ tại nhà mà thờ.

Cúng bữa đầu, Hương sư Cu không có mời làng xóm, duy có nội nhà với vợ chồng Bưởi mà thôi. Chừng cúng quảy xong rồi, bèn dọn một mâm ở nhà sau cho sắp con ăn với mấy đứa trong nhà, còn vợ chồng Cu với vợ chồng Bưởi thì ngồi một mâm ở nhà trên. Uống rượu được vài ly, Hương sư Cu mới nói rằng:

– Ngày nay vợ chồng tôi có cơm mà ăn đây, thiệt tôi nhờ anh Ba lung lắm, nếu không có ảnh bày biểu, mình lục đục dưới Bình Phú Tây hoài, thì làm sao mình được như vậy.

Bưởi cười và nói rằng:

– Tôi muốn khi nào tôi với dượng về Gò Công chơi một chuyến. Mình đi đã hai mươi mấy năm rồi mà không về lần nào hết, tôi nhớ bà con ở dưới quá.

– Nhiều khi tôi cũng muốn đi về Gò Công, trước thăm mồ mả, sau thăm anh em chơi. Mà lần nào nhà tôi nó cũng bàn ra hoài; lại tôi nhớ lời chú Ba dặn đừng có về xứ Gò Công làm chi, nên rồi thôi tôi không đi.

– Bây giờ mình làm ăn khá rồi, mình về chơi, ai dám khinh khi mà sợ. Thôi để chừng gặt hái rồi, hai anh em mình đi.

– Về dưới có chỗ đâu mà chơi.

– Mình ở nhà Cậu Ba Rạng được mà.

– Tôi muốn về phía dưới Đập Ông Canh.

– Ở trên đó rồi xuống dưới Đập Ông Canh chơi được mà.

Thị Tố vọt miệng nói:

– Dượng Tư có xuống Đập Ông Canh thì xuống, chớ ở nhà tôi còn xuống đó nữa mà làm gì.

Bưởi nghe vợ nói như vậy thì hỏi:

– Sao mình lại không muốn tôi xuống Đập Ông Canh?

– Cái chỗ không phải, mình còn léo tới đó làm chi?

– Mình khéo nói dữ hôn! Người không phải, chớ chỗ nào không phải. Mà ai quấy thì có người, chớ không phải nội miền Đập Ông Canh đều quấy hết. Ai ở xấu với mình, thì họ mắc cỡ, mình có ở xấu với ai đâu mà ngại, nên không dám tới đó.

Bà Hương sư nãy giờ ngồi lặng thinh mà ăn, chừng nghe anh với chị cãi tới đó thì cằn nhằn:

– Thôi anh Hai. Anh nhắc tới chuyện cũ làm gì. . .

Thình lình ngoài sân có tên trùm bước vô lột khăn xá Hương sư và trao một miếng giấy xanh và thưa rằng:

– Thưa có một dây thép của ông; nên cậu xã biểu tôi cầm lại cho ông.

Vợ chồng Cu biến sắc, Hương sư Cu vừa mở dây thép vừa nói:

– Chắc là dây thép của thằng nhỏ ở ngoài nó đánh về. Cha chả, không biết nó thi đậu hay không đây.

Cu với Bưởi đều dốt hết thảy. Bà Hương sư nóng nảy muốn biết coi dây thép nói chuyện gì, bèn kêu một đứa con của Bưởi mà sai cầm dây thép lại mượn thầy giáo coi giùm. Thằng nhỏ đi một hồi rồi hào hển chạy về nói:

– Thầy giáo nói chú Hai thi đậu.

Cả nhà đều mừng rỡ, xúm nhau nói nói cười cươi om sòm. Hương sư Cu vuốt râu nói:

– Con tôi nó được làm ông Kinh lý rồi, thôi tôi không còn lo việc gì nữa hết. Má nó thấy hôn? Tôi biết con tôi học được lắm mà. Vậy năm trước tôi chịu cho nó đi học thêm nữa, cứ theo cằn nhằn tôi hoài.

Bà Hương sư ngồi cười, mà vì mấy lời ấy làm cho bà cảm động quá nên bà ứa nước mắt. Thị Tố ngó quanh quất, thấy sắp con của chị ta với mấy đứa ở đều rút xuống nhà dưới hết, chị ta lẩm bẩm nói:

– Đồ cái thằng Nghĩa thiệt không ra giống gì hết. Có con mà bỏ rơi bỏ rớt, dượng Hương sư dưỡng lãnh dưỡng nuôi, bây giờ nó làm tới ông nọ ông kia, tôi không biết chừng thằng Nghĩa nó hay có mắc cỡ hay không.

Hai Bưởi day mặt chỗ khác mà đáp:

– Hứ! Thằng đó mà biết mắc cỡ giống gì. Mà mình nhắc chuyện xưa làm chi kìa. Thằng Hai là con của dượng Hương sư, chớ nó co biết thằng Nghĩa thằng Nghéo nào đâu.

– Bây giờ nó nên rồi, tôi muốn nói thiệt cho nó biết, đặng nó về Gò Công nó bẹo mẹ con con mẹ Tổng Hiếu chơi.

– Đừng có nói bậy. Thuở nay mình giấu, thôi thì giấu luôn, chớ nói ra làm gì. Tôi nghĩ lại tôi phục lòng dạ của dượng Hương sư lắm. Làm người như dượng đó mới thiệt là đúng đắn. Không phải là con dượng, mà vì dượng thương cô Tư nó rồi dượng coi con của cô cũng như con của dượng. Hồi nhỏ dượng bồng bế tưng tiu nó, chừng khôn lớn dượng nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn, cha ruột cũng không bằng. Thằng Hai ăn học giỏi; tôi tưởng ngày sau nó biết cội rễ của nó, thì nó càng trọng dượng Hương sư nhiều hơn nữa.

Hương sư nghe Hai Bưởi khen mình, thì chúm chím cười và đáp rằng:

– Con nào cũng là con, hễ mình kêu nó bằng con thì mình phải thương yêu nuôi dưỡng nó hết lòng. Hễ nó gọi mình bằng cha thì mình phải ăn ở cho xứng phận làm cha. Huống chi thằng Hai nó có cha, mà cha nó không thèm nhìn nó. Anh Hai với chị Hai còn nhớ hay không? Cái ngày tôi nói mà cưới má nó, tôi nói rằng: “Con của vợ tôi là con của tôi. Người ta bỏ, tôi lãnh mà nuôi. Thằng Hai không có cha, tôi lãnh làm cha”. Tôi hứa với má nó thì tôi phải làm. Ngày nay tôi đã trọn phận sự của tôi. Tôi đã đến giữa Tòa nhìn nó là con. Tôi đã nuôi nó ăn học, học thành người tử tế. Như nó biết xét, thương tôi thì xét, bằng nó không nghĩ, nó đủ lông đủ cánh rồi nó bay bổng, nó không thương tôi nữa thì tôi cũng không phiền, miễn là tôi xét trong lương tâm, tôi không có chỗ nào ăn năn, với tôi ngó má nó không hổ thẹn, bao nhiêu đó cũng đủ cho tôi vui rồi.

Một người vợ như bà Hương sư mà nghe chồng nói như vậy thì không thể nào cầm giọt lệ được. Bà Hương sư lấy khăn lau nước mắt mà đáp:

– Đã biết con tôi nó thuộc dòng bạc bẽo. Nhưng tôi nuôi nó từ nhỏ chí lớn, tôi dạy dỗ từng chút, tôi tập tánh tình nó giống theo tôi, nên tôi chắc không khi nào nó vong ân bội nghĩa như họ vậy đâu. Làm cha như mình, con nào mà bạc cho được. Nếu nó bạc thì là yêu quỷ, chớ nó phải là người nữa đâu. Mà thôi, chuyện xưa mình nhắc lại làm gì. Tôi thường nói với mình, mẹ con tôi ở dưới bùn, cái người xô xuống đó theo lẽ họ phải vớt lên mà tắm rửa. Họ không làm như vậy, họ xô rồi họ bỏ đi tuốt. Trong lúc mẹ con tôi chơi vơi, mình ghét mẹ con tôi mới phải, song mình không giận, không ghét, mình lại đưa tay ra mà kéo mẹ con tôi lên rồi mình tắm gội ngày nay được sạch sẽ. Cái ơn của mình đời đời kiếp kiếp không bao giờ tôi quên được, mà tôi chắc con tôi nó giống tôi, chẳng khi nào nó quên đâu. Trót hai mươi lăm năm nay, con tôi nó biết có mình đây là cha nó, chớ nó có biết cha nào nữa. Ngày nay con mình nó nhờ mình mà học đã thành tài, tôi xin mình yên lòng thương nó cũng như xưa nay vậy, đừng nên nghi ngại điều chi mà tội nghiệp cho con.

– Không. Tôi thương con lắm, tôi có nghi ngại điều chi đâu. Nhưng mà có một việc xưa rày nó làm cho tôi bối rối hoài, hễ tôi nhớ tới thì tôi ngủ không được. Bữa nay sẵn có anh Hai chị Hai đây mà lại thằng Hai thi đậu nữa, vậy tôi tưởng cũng nên tỏ việc ấy ra trước là anh Hai chị Hai, sau nữa cho má nó rõ.

Hương sư Cu nói tới đó rồi lấy gói thuốc ra mà vấn, diện mạo rất nghiêm nghị, ai dòm thấy cũng biết anh ta muốn nói một việc gì trọng hệ lắm. Vợ chồng Bưởi và bà Hương sư ngồi ngó nhau, trong lòng không yên, Hương sư Cu đốt thuốc mà hút một hơi rồi mới nói rằng:

– Má nó cũng vậy mà anh Hai chị Hai cũng vậy, chắc là cũng biết tôi thương thằng Hai lắm chớ chẳng không. Tuy nó không phải máu thịt của tôi, nhưng mà tôi nuôi nó từ nhỏ tới lớn tôi tưởng nó là con ruột của tôi, chớ không có nhớ là con ghẻ chút nào. Trót hai mươi mấy năm nay, tôi làm vùi đầu vùi tóc, tôi tiện tặn chắt lót từ đồng, bổn tâm tôi là muốn có tiền dư, trước là nuôi con ăn học với người ta, sau chừng vợ chồng trăm tuổi già, để lại cho con chút đỉnh cho nó khỏi nghèo nàn cực khổ. Năm nay con thi ra trường, nó sẽ làm ông nầy bà kia, nằm đêm tôi nghĩ lại sự tôi thương con, tôi tính lăng xăng cho nó thuở nay thì được về phần tôi, mà quấy về phần con lắm. Anh chị với má nó nghĩ lại đó mà coi, thằng Hai có cha, mình đều biết hết thảy. Cha nó sang trọng giàu có. Lúc nó còn nhỏ tôi giấu mà nuôi nó, chẳng có lỗi gì. Bây giờ nó khôn lớn rồi, nếu tôi giấu nữa đặng giành làm cha, tôi làm vậy té ra tôi đoạn tình phụ tử của nó, tôi nghĩ quấy với nó lắm. Bởi vậy mấy tháng nay tôi buồn hết sức, không biết có nên tỏ thiệt với con hay không. Nếu tỏ thiệt tôi sợ tình cha con yêu mến nhau thuở nay đó nó phải phai lạt chút đỉnh rồi không được vui như cũ nữa. Còn nếu không tỏ thì quấy với con lắm, mà lại ngày sau nó biết cội rễ của nó, thì nó còn coi tôi ra gì. Nay con thi đậu, thôi tôi tính chừng nào nó về đây, tôi kể hết công chuyện ngày xưa lại cho nó hiểu; thà là nó bớt thương tôi, chớ tôi không muốn để cho nó trách tôi.

Bà Hương sư hiểu rõ ý chồng rồi thì biến sắc, vùng đứng dậy nói:

– Mình tính như vậy sao được. Mình không thương con nữa hay sao, nên mình tính gây mối buồn rầu cho con? Cha nó là mình đó, chớ tôi không biết cha nào hết.

– Tôi cũng cha, mà cha ghẻ, sao bằng cha ruột được!

– Mình nói mấy tiếng ấy, thiệt cũng như mình cầm dao cắt ruột tôi.

– Không. Má nó đừng có buồn. Việc tôi tính đó phải lắm. Tôi không muốn cho con ngày sau nó có chỗ trách tôi được, chớ không phải tôi có ý muốn làm buồn cho má nó đâu.

– Tôi cũng biết mình không có ý muốn làm buồn cho tôi. Nhưng mà chuyện xưa đã phai mờ hẳn rồi, bây giờ mình bày ra thì tôi vui sao được.

– Con đã nên người. Mình không được phép giấu cội rễ với nó nữa. Nếu mình không cho nó biết cha ruột nó, tức thì mình đã dắt con mình vào đường bất nghĩa.

– Cha ruột nó nên thân gì đó mà nói cho nó biết.

– Dầu nên thân hay là không nên thân, cũng là cha ruột của nó. Cha nó quấy là quấy với người khác, nó là con, có lẽ nào nó hờn cha nó.

– Cha nó bỏ nó, không thèm nhìn nó, không nuôi dưỡng nó, cha nó ở như vậy không quấy với nó hay sao?

– Dầu có quấy với nó đi nữa, nó cũng không phép trách. Huống chi cái quấy của cha nó thì anh Ba đã rửa sạch hết rồi. Bây giờ má nó không nên trách nữa. Nếu má nó còn ghi mãi trong lòng, thì hơi hẹp hòi đôi chút.

– Người làm nhơ nhuốc danh giá của tôi, làm sao tôi quên được. Dầu tôi giảm thù oán chăng nữa, tôi cũng không thể không khi được. Bây giờ biểu con tôi phải kêu người ấy bằng cha, thì tôi chịu sao nổi?

– Mình đừng cố chấp thái quá như vậy không nên. Cái lỗi của người ta làm ngày trước, có lẽ người ta đã ăn năn lâu rồi.

– Người như vậy có bao giờ biết ăn năn.

– Mình bỏ xứ hai mươi mấy năm nay, mình có gần gũi hoặc có gặp mặt người ta lần nào nữa đâu mà dám đoán bụng người ta được. Má nó nhớ lại mà coi, ngày tôi cưới má nó rồi, cô Ba Nhơn tìm tới nhà mà bồng ẵm thằng Hai rồi cô xin chuộc nó. Tôi chắc hồi đó cậu Hai Nghĩa đã ăn năn rồi, song cậu ngỡ ngàng không tới được nên cậu cậy cô Ba Nhơn tới đó đa. Hồi đó thằng Hai còn nhỏ, mình không chịu cho thì phải. Bây giờ nó đã lớn, nếu mình còn giấu nữa thì mình quấy lắm. Mình phải nói thiệt rồi để cho con thong thả nó liệu định. Nếu nó không chịu nhìn cha ruột nó thì thôi, còn như nó bỏ tôi mà trở về cội rễ tự ý nó, má nó cũng đừng cản.

Bà Hương sư ngồi nơi góc ván rồi bà lấy vạt áo che mặt vừa khóc vừa nói:

– Sự nhơ nhuốc của tôi hai mươi mấy năm nay đã che đậy yên rồi. Bây giờ còn dỡ ra làm chi. Nếu mình thuật cái hư của tôi cho con biết thì nó còn coi tôi ra gì nữa. Tôi nói thiệt nếu con tôi mà hiểu thấu thói hư của tôi hồi trước, thì tôi phải chết chớ tôi không thể nào dám ngó mặt nó nữa. Mình nghĩ lại mà coi, con mình nó đã có ăn học, chớ không phải là đứa ngu dốt. Bây giờ nó đã làm nên ông nầy ông kia rồi, mình chỉ cội rễ của nó cho nó biết, tức thì mình thuật cái hư của tôi cho nó nghe. Ví dầu nó nghĩ tình mẹ con, nó không nỡ xua đuổi tôi, song nó kêu tôi bằng “má ” có lẽ nó cũng ngại miệng nó lắm chớ. Xin mình thương giùm phận tôi.

Hương su Cu nghe vợ dẫn lý thuyết ấy mà cản, anh ta bối rối, nửa vì lương tâm mình, nửa vì danh giá của vợ, nên anh ta ngồi cúi mặt, tay gãi vế, tay gãi đầu không biết liệu làm sao được.

Cai tuần Bưởi với Thị Tố nãy giờ ngồi lặng thinh mà nghe vợ chồng Hương sư cãi lẽ với nhau, tuy không hiểu thấu đáo ý tứ cao thượng ẩn trong những lời cãi ấy, song cũng biết Cu nói phải, mà Lựu nói cũng không có chỗ nào trái, bởi vậy chừng thấy Cu chịu thua, không có lời mà đáp nữa, bèn phụ với Lựu mà khuyên Cu bỏ dẹp chuyện cũ, đặng cho trong nhà yên ổn, vợ chồng hòa thảo, cha con vui vầy như xưa. Hương sư Cu xiêu lòng, nhưng anh ta ngồi thở ra mà than:

– Nếu vì cái hiếu nghĩa của con thì phải phạm danh giá của vợ. Thôi nín lặng là hơn, chớ biết làm sao bây giờ. Cái bụng của tôi, tôi xin phú cho trời đất hiểu.

Bà Hương sư đáp:

– Tôi đội ơn mình lắm. Xin mình đừng tưởng cái bụng của mình không ai biết. Tôi biết lắm; mà tôi nghĩ một mình tôi biết cũng đủ rồi.

Hương sư nghe mấy lời tri kỷ thì thỏa chí, nên mắt ngó vợ, miệng chúm chím cười. Cách chừng một tháng Võ Văn Hai về tới, thưa cho cha mẹ hay rằng quan trên đã cấp bằng cho mình làm chức Kinh lý thuộc ngạch Nam Kỳ và cho phép về thăm nhà vài bữa rồi lên Sài Gòn làm việc. Vợ chồng Hương sư Cu vui mừng kể không xiết. Vợ chồng Cai tuần Bưởi với sắp con cũng chạy lại mừng quan Kinh lý thi đậu. Bà Hương sư thỏ thẻ nói với chồng:

– Hôm bữa con gần thi, tôi có vái đất nước ông bà một con heo. Nay con thi đậu nó đã về tới nơi, thôi để làm heo trả lễ cho rồi.

Ông Hương sư gật gật lia lịa mà đáp rằng:

– Vậy chớ sao. Hễ vái thì phải cúng cho rồi để mắc nợ làm chi.

Bà Hương sư liền biểu bạn bắt heo làm thịt, còn Hương sư thì sai trùm đi mời Hương chức trong làng. Đến chiều khách tới đủ mặt. Trong nhà cười nói som sòm, dưới bếp nấu nướng rần rật. Hương chức thì ngợi khen quan Kinh lý, còn bạn bè mừng rỡ cho chủ nhà.

Cúng rồi ăn uống đến khuya khách mới từ, ai về nhà nấy. Vợ chồng Hương sư Cu nằm trên ván mà nghỉ. Ông Kinh lý Hai ngồi chơi tại bàn ăn đó. Bà Hương sư hỏi thăm cách thi của con một hồi rồi bà nói:

– Cha mẹ lo cho con ăn học. Ngày nay con học được thành tài, thiệt cha mẹ vui mừng lắm. Tuy vậy mà cha mẹ còn lo một chút nữa, là lo kiếm vợ cho con.

Ông Hương sư vùng ngồi dậy nói:

– Má con cần gì phải lo việc đó. Con mình làm ông Kinh lý thiếu gì chỗ tử tế họ nài họ gả con mà lo. Tôi sợ e rồi đây họ giành họ gả con mình bối rối không biết ưng chỗ nào chớ. Con mình nó lớn rồi, má nó đừng tính lộn xộn, để cho nó lựa, hễ nó đành chỗ nào mình cưới chỗ ấy cho nó.

Ông Kinh lý ngồi cúi mặt xuống bàn mà nói:

– Cha nói vậy cũng phải. Nhưng mà áo mặc không qua khỏi đầu được. Việc vợ chồng là hệ trọng, con phải để cho cha mẹ định chớ lẽ nào con dám tự quyền. Đã biết bây giờ con làm tới chức Kinh lý, song nếu không có cha má thì con làm sao lãnh chức Kinh lý được. Con học xong rồi, tự nhiên con phải cưới vợ. Vậy cha má coi chỗ nào phải thì con ưng. Dầu cha má cưới con nhà ai đi nữa, con cũng không dám cãi.

Ông Hương sư nghe con nói mấy lời lễ nghĩa như vậy thì ông cảm động hết sức. Ông ngồi lặng thinh mà nghĩ thầm rằng có con như vầy dại gì đem con giao cho người khác.

Huống chi mình làm cha nó mình đủ giấy tờ hẳn hòi, ai mà cãi được. Ví dầu ngày sau tình cờ mà nó biết cội rễ của nó đi nữa, thì mình nói họ bày đặt nói xấu cho mẹ nó. Mình nói thì tự nhiên nó phải tin hơn. Nó là đứa biết lẽ phải, mà nó lại thương mình, lẽ nào nó nghe người mà bạc mình đặng hậu họ. Ông ta nghĩ như vậy rồi ngó vợ, nhớ mấy lời nói hôm trước ông khen vợ nói phải, nên nhứt định giấu bặt, không thuật cho con biết chuyện xưa làm chi.

Ông Kinh lý ở nhà chơi hai bữa rồi từ giã cha mẹ bà con đặng lên Sài Gòn làm việc. Vợ chồng ông Hương sư đêm nào cũng bàn tính với nhau, không biết con nhà ai xứng đáng đặng nói mà cưới cho ông Kinh lý. Cách vài tuần lễ, ông Hương sư được thơ của con gởi về mà thưa cho ông hay rằng, quan trên đã bổ xuống tỉnh Gò Công mà đo ruộng đất làng Vĩnh Lợi với Vĩnh Hựu. Vợ chồng Hương sư Cu nghe tin ấy thì biến sắc, lật đật sai đứa nhỏ đi mời Cai tuần Bưởi đặng nói cho anh ta hay.

Cai tuần Bưởi nghe tin Kinh lý Hai đổi về Gò Công thì cười mà nói:

– Nó về Gò Công, thì mình xuống thăm nó rồi luôn dịp mình thăm bà con chơi. Vợ chồng dượng lo cái gì? Thế khi vợ chồng sợ nó về đó rồi bể chuyện phải không? Có ai biết nó đâu mà dượng sợ bể chuyện. Dượng quên hay sao? Hồi dượng lập khai sanh cho nó thì dượng khai nó đẻ tại Vĩnh Mỹ, nó là con của dượng, nó có dè chuyện gì đâu mà hỏi thăm, nên dượng sợ bể. Vợ chồng dượng đừng có sợ. Nó được đổi về xứ mình thì tốt lắm chớ.

Vợ chồng Cu nghe lời khuyên giải như vậy mới yên tâm.

– Chúng ta bỏ xứ Đập Ông Canh đi theo Cu với Lựu thấm thoát đã 25 năm rồi. Bây giờ chúng ta trở về đó mà xem thử coi nhơn vật có đổi dời hay không.

Không có đổi dời chi lắm. Ruộng cũng cứ cấy lúa, tá điền cũng dầm mưa dang nắng trót năm, đến mùa gặt đong lúa ruộng cho chủ điền rồi, mỗi nhà còn dư được ít chục giạ, thì hớn hở vui mừng khoe khoang trúng mùa. Theo mấy xóm thì nhà cửa ở đông hơn trước, cây cối cũng lớn hơn, nhưng nhơn dân cũng vẫn giành nhau làm việc làng, dẫu phải tốn hao, chịu lòn không nệ, miễn được họ kêu “chú phó thôn” hay là “cậu tri bộ” cho đẹp mặt nở mầy thì thôi. Đường lộ cũng còn thẳng băng qua mấy xóm, song bây giờ bỏ đá đỏ mà trải đá trắng cho dân nghèo đi bộ vấp đau chơn, còn nhà giàu chạy xe hơi khỏi lầy khỏi sụp. Ông chủ nhà cũng chưa chịu nói chuyện tươi cười với sắp đày tớ, người cho vay tiền, không luận đưa bạc ra hồi tháng nào, cũng cứ buộc ngoài giêng hễ 10 đồng phải trả 12 hoặc 13.

Nhơn vật dòm chung thì thiệt không thấy dời đổi, nhưng mà gia đạo của bà Cai tổng Hiếu coi lại thì không giống như hồi xưa. Bà Cai tổng Hiếu chết đã mười mấy năm rồi, tá điền tới lui khỏi phải hầu hạ bà, mà ai ra lãnh chức Hương quản cũng khỏi bị bà sai khiến nữa. Cậu Hai Nghĩa năm nay đã trên 50 tuổi rồi, mái tóc đã bạc hoa râm, da mặt đã dùn chút đỉnh, nhưng tai hại nhứt là hai vết dao của Ba Cam chém ngày trước vẫn rành rành trước mặt, nên bây giờ cậu làm Hội đồng địa hạt, mà những người không ưa cậu, họ không chịu kêu cậu “Hội đồng Nghĩa”; họ lại kêu là “Hội đồng Thẹo” đặng ngạo cậu chơi.

Mợ Hai Hưởng đã gần già rồi, răng đã rụng hết ba bốn cái, mà nước da của mợ coi cũng chưa chịu mởn, giọng nói của mợ nghe cũng chưa được êm, mợ cũng xổn xảng với chồng, cũng còn gắt gao với tá điền tá thổ như hồi trước.

Vợ chồng Hội đồng Nghĩa ở với nhau thuở nay sanh có ba người con mà thôi. Người con gái đầu lòng là cô Hai Diệu, hồi thầy lẹo tẹo với Tư Lựu thì cô mới biết đi. Khi Cu dắt Lựu mà đi rồi, thì Hội đồng Nghĩa mới sanh thêm hai người con nữa: một người con trai tên Tý và một người con gái út tên là Thục.

Cô Hai Diệu khi được 18 tuổi, thì cha mẹ gả cho con ông chủ Khoán ở trong Long Hựu. Cô về nhà chồng ở được ba năm, kế cha chồng chết, chồng mê say bài bạc phá tan sự nghiệp. Vợ chồng Hội đồng Nghĩa thấy rể xài phá đã suy sụp rồi, sợ nó phá lây tới gia tài của con mình, nên lật đật bắt cô Diệu về. Cô Hai Diệu ở với chồng được một đứa con rồi, mà cô cũng đành dứt đạo cang thường bỏ nhà chồng mà trở về cha mẹ. Trong mấy năm nay chồng cô lâu lâu cũng có ra thăm vợ con một lần, nhưng mà lần nào chồng tới thì cô lợt lạt, chẳng khác nào như cô đối với một người ở lối xóm tới chơi vậy.

Cậu Ba Tý đã chết hồi năm ngoái rồi, chớ chi cậu còn thì năm nay cậu được 20 tuổi. Khi cậu còn nhỏ thì vợ chồng thầy Hội đồng Nghĩa tưng tiu cậu như vàng như ngọc, tuy là cưng cậu, nhưng muốn cho cậu nên, bởi vậy phải dằn lòng phân rẽ đem xuống chợ Gò Công mà gởi cho cậu ở đi học, cậu đi học thì cậu xài phá tốn hao nhiều, nhưng mà cậu mò riết rồi cũng lên tới lớp nhứt và cũng đi thi với chúng bạn. Cậu đi thi hai lần mới lấy được cái bằng sơ đẳng. Tuy vậy mà cha mẹ mừng rỡ hết sức làm heo tạ ơn đất nước, gấm ghé muốn chọn chỗ giàu có mà cầu hôn. Chẳng hiểu là tại người ta chê mà không gả, hay là tại cậu Ba Tý chưa gặp được duyên, mà cậu đi coi vợ ba bốn chỗ chẳng chỗ nào xong xuôi ý, thầy Hội đồng Nghĩa giận mới đem con lên Sài Gòn mà cho học thêm, chưa được một năm thì cậu mang bịnh mà chết, làm cho thầy Hội đồng mất người kế nghiệp, thầy rầu rĩ trăm phần, mà bà Hội đồng còn theo rầy rà, bà nói tại chồng bày chuyện cho học thêm nên con bà mới chết.

Còn cô út là cô Tư Thục năm nay cô được 17 tuổi rồi, đã có hai ba chỗ cậy mai cậy mối nói mà xin coi. Cô giống mẹ nên nước da cô không trắng, hình vóc cô to xương, song gương mặt coi cũng hữu duyên, nhứt là cô được cặp mắt thiệt là lanh, không hiểu trong sách tướng họ đoán tốt xấu thế nào, chớ con mắt ấy hễ trai thấy thì ưa lắm.

Một buổi sớm mai, trời thanh bạch. Trước sân cỏ cây tươi tắn, lại thêm bầy chim se sẻ bay lên đáp xuống mà kiếm ăn, trong nhà dọn dẹp trang hoàng, lại thêm các cửa đều mở hết, nên ở ngoài dòm vô coi rực rỡ. Ấy là nhà của thầy Hội đồng Nghĩa sửa soạn kỵ cơm cho ông Cai tổng Hiếu.

Hương chủ Khanh ở trong chợ Giồng Ông Huê là em rể của thầy Hội đồng Nghĩa, nhớ ngày kỵ cơm của nhạc phụ, nên thắng xe hai bánh đi với vợ là cô Ba Nhơn, mà ra nhà anh. Cô Tư Thục thấy cô với dượng ngừng xe trước sân, thì lật đật chạy ra mừng rỡ. Vợ chồng thầy Hội đồng với cô Hai Diệu cũng ra đứng dựa cửa mà chào mừng.

Bà Hương chủ Khanh năm nay đã 47 tuổi, nhưng vì bà không có chửa đẻ lần nào, nên bà còn được mạnh mẽ, ăn nói nhậm lẹ, đi đứng gọn gàng, da mặt chưa dùn, mái tóc chưa bạc. Bà tánh tình bải buôi vui vẻ, bởi vậy vừa bước vô cửa rồi bà chào hỏi mấy người tá điền tá thổ đến dọn giỗ; bà nói lăng xăng không dứt tiếng. Bà hối cô Tư Thục sai trẻ ở ra xe bưng cam bưởi cau trầu vô; bà kêu thằng đánh xe mà dạy phải coi cho ngựa ăn uống tử tế. Mấy người đờn bà đến dọn giỗ, ai nghe tiếng bà chủ nói rân trên nhà trên thì cũng đều hớn hở vui mừng. Bà chủ đi lại đứng trước mỗi bàn thờ mà coi chưng dọn, rồi bà đi vòng xuống nhà dưới mà coi đờn bà nấu nướng, gặp mỗi người bà đều có một câu chuyện mà nói, bà không bỏ sót một người nào, bởi vậy bà lại gần ai cũng vui, chừng bà đi ai cũng ngó.

Bà trở lên nhà cầu, thấy ông chủ với hai vợ chồng thầy Hội đồng đương ngồi nói chuyện bà bèn bước lại ván và têm trầu mà hỏi rằng:

– Bữa hổm ở nhà tôi đi Gò Công có về nói gặp anh đi đóng bách phần đất. Anh mua sở ruộng nào đó vậy anh Hai?

Thầy Hội đồng Nghĩa đưa tay lên vừa gãi thẹo trên mặt vừa đáp:

– Mua đất của Chánh Bái Huân bên Ụ Giữa.

– Anh mua mấy mẫu, giá bao nhiêu đó?

– Ổng thiếu có ba ngàn đồng, mà 4 năm nay ổng trả lời hoài, trả vốn không nổi. Năm nay, ổng theo năn nỉ mua giùm cho ổng, cực chẳng đã phải mua, chớ mắc quá. Không đầy 15 mẫu mà mua tới 8 ngàn.

– Theo giá lúa bây giờ, thì ruộng đó còn rẻ, chớ có mắc đâu, mà tuy nói 8 ngàn, chớ 4 năm nay anh cho vay ăn lời đã hai ngàn rưỡi hoặc ba ngàn rồi, tức thì anh mua ruộng đó có 5 ngàn hay 5 ngàn rưỡi gì đó chớ gì.

– Tính như vậy sao được? Cho vay là cho vay, còn mua ruộng là mua ruộng chớ. San qua sớt lại như vậy sao cho phải.

– Vậy chớ anh cho vay 3 ngàn đồng đó, mấy năm nay anh không có ăn lời hay sao?

– Sao lại không ăn lời?

– Thì anh ăn lời luôn 4 năm, tức thì anh đã lấy vốn của anh rồi. Bây giờ anh mua ruộng đó, anh trừ hết 3 ngàn cũng như anh mua có 5 ngàn chớ gì.

– Cô tính kỳ quá! Cô nói như vậy té ra tôi muốn đoạt của ông Bái Huân hay sao? Tại ông năn nỉ quá, chớ tôi có thèm mua đâu. Từ ngày thằng Tý chết tới giờ, tôi hết muốn mua ruộng mua đất thêm nữa. Mua thêm mà làm gì! Tôi còn có 2 đứa con gái, mua cho nhiều đặng ngày sau người dưng họ ăn, chớ ích gì đâu.

Hương chủ Khanh nghe nói như vậy thì cười mà đáp:

– Anh nói như vậy sao cho phải. Con trai hay con gái cũng vậy, con nào cũng là con chớ. Anh được hai đứa con gái anh có phước biết chừng nào. Vậy chớ vợ chồng tôi tròi trọi không có một chút con nào hết đây thì sao.

– Thà là không con như dượng vậy cho xong, chớ có thứ con gái làm giống gì. Đó con Diệu đó. Hễ vợ chồng tôi chết rồi, chia ruộng cho nó, chồng nó đánh bài thua chừng một năm là tiêu hết chớ gì. Còn con Thục, chừng nó có chồng đây chắc cũng vậy nữa.

Bà Hội đồng nãy giờ ngồi lặng thinh, chừng bà nghe chồng phiền con, bà mới nói:

– Hứ! Khéo nói dữ không! Con Thục rồi sao? Tại mình gả con Diệu, mình lựa thứ đồ gì ở đâu, nên nó mới vậy, sao mình lại đổ thừa cho con?

– Còn lựa sao nữa? Anh chủ Khoán là người giàu có lớn, ảnh giàu còn hơn mình nữa. Gả con thì lựa như vậy, chớ biết lựa làm sao. Thấy thằng con ảnh nó nhỏ nhẹ dễ thương, mình tưởng nó tử tế nên mới gả; ai dè đâu ảnh khuất rồi, nó sanh tâm phá của. Sao hồi đó mình không cản, rồi bây giờ mình lại nói tại tôi?

– Tôi là đờn bà cản mình sao được.

– Sao lại không được? Chẳng bằng mình thấy anh sui giàu mà có một đứa con, mình muốn cho con Diệu ăn gia tài đó, nên mình xúi thêm đặng cho tôi gả.

Bà chủ Khanh nghe hai vợ chồng thầy Hội đồng cãi với nhau thì bà cười ngất và can rằng:

– Thôi, việc đã lỡ rồi, bây giờ ông đổ cho bà, bà đổ cho ông làm chi. Không biết chừng tại mạng số con Diệu phải cực, nên ông trời mới khiến như vậy. Mà việc nầy anh Hai chị Hai đều có lỗi hết thảy. Gả con ta phải lựa nhơn nghĩa, chớ sao lại lựa giàu có? Nhơn nghĩa mới bền, chớ ruộng đất có bền ở đâu. Anh Chủ Khoán giàu, mà không biết chừng tại ảnh ăn ở bất nhơn, nên trời mới khiến cho con ảnh phá tan sự nghiệp ảnh. Tôi tức tôi không có con, chớ nếu trời cho tôi có con tôi gả, tôi lựa hẳn hòi lắm.

Bà Hội đồng cười và hỏi:

– Cô lựa cách nào? Đâu cô nói cho tôi nghe thử coi.

– Trước hết mình phải chọn thằng rể cho có học thức, bởi vì đời nay nếu không có học thua sút người ta lắm. Mà có học thức song cũng phải có nhơn nghĩa mới được, bởi vì học thức mà không nhơn nghĩa thì tự nhiên phải ác. Chọn được hai điều đó rồi, phải xem hình vóc thằng rể cho mạnh dạn bởi vì mình gả con cho đứa bạc nhược thì trọn đời phải nuôi bịnh hoài, mà nó sanh con bằng ngón tay út tay cái còn khổ hơn nữa. Đó, chọn rể phải chọn như vậy, không cần giàu nghèo, không cần sang hèn, nghèo hèn mà nó ở phải thì quý gấp trăm giàu sang mà ở quấy ở hư.

– Cô nói nghe phải lắm. Thiệt tôi gả con Diệu, vợ chồng tôi cũng có vụng tính một chút. Thôi, còn con Thục đó, tôi giao cho cô lựa cô gả giùm cho tôi.

– Ý chị muốn gả cho nó hạng người nào?

– Cô lựa chỗ nào phải, hễ cô ưng ý thì tôi xuôi lòng.

– Không. Lựa chỗ phải thì đã đành, nhưng mà chỗ cũng phải theo thế, nhà giàu cũng có cái phải, mà làm quan cũng có cái phải. Vậy chớ con nhà giàu với người làm việc quan, chị muốn lựa chỗ nào?

– Ý thôi! Tôi thất kinh con nhà giàu rồi. Tôi muốn gả con Thục cho mấy thầy đặng nó tưng tiu khỏe thân nó.

Thầy Hội đồng trợn mắt nói rằng:

– Cha chả! Muốn mang họa đa há! Gả cho con nhà giàu, dầu nó phá của, thì nó có của cho nó phá, chớ gả cho mấy thầy, họ không có của sẵn, họ mới phá gia tài của mình cho mà coi.

Bà Hội đồng nguýt chồng mà đáp:

– Mình không giỏi gì đó mà cãi. Mình gả con Diệu rồi; tới phiên con Thục, tôi không cho mình xía vô nữa đâu mà nói!

Bà nói dứt lời liền đứng dậy bỏ đi xuống nhà dưới. Thầy Hội đồng Nghĩa thường bị vợ mắng quen rồi, nên thầy không biết mắc cỡ, thầy ngó Hương chủ Khanh mà nói:

– Nói nghe chơi vậy thôi, chớ gả chỗ nào cũng được, tôi không cần gì. Từ ngày thằng Tý chết rồi. Tôi rũ liệt tay chơn, hết kể việc gì nữa. Có được một chút con trai mừng hết sức, tính để gia tài cho nó đặng ngày sau nó nối nghiệp mà cúng bái ông bà. Nó chận nó chết đi; còn thứ con gái là người dưng mà nghĩa gì.

Bà chủ Khanh nghe anh than như vậy, thì bà ngó chừng chị dâu, thấy chị đứng dưới bếp, bà bèn nói nho nhỏ rằng:

– Thằng Tý nó chết đó, không biết chừng lỗi tại anh.

Thầy Hội đồng day lại hỏi:

– Sao mà tại tôi?

– Hồi trước anh có được một đứa con trai mà anh không biết thương nó, anh bỏ nó thân sơ thất sở, ông trời ổng giận, ổng không cho anh có con trai nữa chớ sao.

Thầy Hội đồng châu mày lặng thinh một hồi rồi mới đáp:

– Chuyện chơi qua đường làm sao chắc là con của mình được?

– Từ hồi đó cho đến bây giờ anh có thấy nó lần nào hay không?

– Không.

– Tôi có thấy hồi nhỏ. Nó giống hịt anh, cũng như khuôn đúc vậy.

– Cô khéo bày đặt chuyện.

– Nói thiệt chớ ai thèm bày đặt chuyện làm chi. Chớ chi hồi đó anh nhìn nó, anh đem về anh nuôi, bây giờ có con trai như người ta, nó coi sóc việc nhà cho anh, sau nó phụng sự ông bà, nghĩ coi có phải tiện hay không?

– Nhìn bất tử vậy sao được. Có chắc là con của mình đâu mà nhìn. Mà nhìn rồi má bày trẻ nó sanh giặc chịu sao nổi.

– Sanh giặc cái gì? Anh nhìn con mà thôi, ai biểu anh nhìn mẹ làm chi mà sanh giặc. Tôi tức quá, tôi biểu ông Chủ tôi ổng cưới vợ bé đặng nó đẻ con tôi nuôi mà ổng không chịu. Nếu ổng có con như vậy thì tôi rước về tôi nuôi liền.

Hương chủ Khanh nghe vợ nói như vậy thì ông vuốt râu mà nói:

– Vợ bé vợ mọn làm gì? Trời cho mình có con thì nuôi, bằng không cho thì thôi. Có con rồi nó hư thì càng khổ cho mình, chớ có ích đâu.

Bà Chủ ngó chồng mà đáp:

– Có con sao lại không ích? Nói kỳ dữ không! Tròi trọi như mình đây, ngày sau vợ chồng chết rồi chó nó bươi mả chớ có ai đâu mà dẫy.

– Dẫy cũng vậy mà không dẫy cũng vậy. Hễ chết rồi thì thôi.

Thầy Hội đồng suy nghĩ thế nào không biết, mà vợ chồng Hương chủ đương cãi nhau như vậy, thầy lại xen vô hỏi bà Chủ:

– Cô có biết mấy năm nay tụi nó đi đâu hay không?

– Tụi nào?

– Tụi Cai tuần Bưởi.

– Ờ ợ! Đi đâu mất hai ba mươi năm nay. Tôi có hỏi thăm làm chi đâu mà biết. Anh muốn tìm hay sao? Nếu anh muốn để tôi hỏi thăm cho.

– Thôi, thôi. Hỏi cho biết chơi vậy chớ tìm làm giống gì. Tụi nó mọi rợ, du côn quá!

Thầy Hội đồng mới nói tới đó, kế bà Hội đồng dưới bếp đi lên. Thầy lật đật bỏ chuyện đó mà bắt qua nói chuyện mùa màng ít câu, rồi mời em rể lên nhà trên chơi.

Đến trưa, chồng của cô Hai Diệu là cậu Thôn Kỉnh ra tới. Cậu đi một cái xe hơi nhỏ hai chỗ ngồi; cậu bịt khăn đen, bận áo dài, do cậu cầm tay bánh mà đi, chớ không có sốp – phơ. Cậu chạy thẳng vô sân, kiếm bóng mát mà đậu, rồi xốc bâu áo, sửa khăn đen, thủng thẳng đi vô nhà. Duy có vợ chồng Hương chủ Khanh mừng rỡ hỏi thăm mà thôi, còn vợ chồng thầy Hội đồng Nghĩa không thèm hỏi, thậm chí cô Hai Diệu cũng làm lơ, bồng con đi bét xuống nhà dưới. Tá điền thấy tình chủ nhà đối với rể, họ phải hùa theo ý đó, nên họ chào hỏi lơ là cầm chừng mà thôi.

Thôn Kỉnh gặp cảnh khó khăn dường ấy, nhưng vì cậu nghĩ cậu có tội xài phí, song cậu xài là xài tiền của cậu; chớ cậu không xin cha mẹ vợ đồng nào, bởi vậy cậu không ái ngại chi hết, cứ đàng hoàng tỉnh táo như thường. Cậu kéo ghế mà ngồi, rồi lấy thuốc ra đốt hút.

Bà Hội đồng ngồi dưới nhà cầu với bà Chủ, bà dòm lên thấy rể thì bà ghét lắm, nên bà nói với bà Chủ:

– Thứ đồ khốn nạn! Hết ruộng hết đất rồi còn không lo, cũng cứ chưng xe hoài! Nếu con Thục mà nó có chồng cũng như con Diệu vậy nữa, chắc là tôi hết kể sự nghiệp nầy rồi.

– Không việc gì chị phải lo. Chị để tôi kiếm chỗ gả con Thục cho chị coi.

– Ừ, cô làm ơn cô lựa giùm thử coi, chớ để ổng ở nhà đây ổng lựa thứ đồ phá của nữa rồi mang khốn.

– Chị để đó mặc tôi liệu.

Vợ chồng Hương chủ Khanh ở tới chiều bữa sau, mãn đám giỗ rồi mới về. Thôn Kỉnh cũng ở, nhưng mà cậu lên bồng con được ít lần, chớ không nói chuyện với vợ được tiếng nào hết.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN