Con Riêng - Phần 11
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
2957


Con Riêng


Phần 11


CHƯƠNG 11

Hôm sau tôi ra viện liền trở về chung cư, tối qua tôi và cái Chi đã có một đêm không ngủ. Cái Chi sắp chuyển công tác lên Hà Nội, nó cũng muốn tôi cùng lên đó, đi một nơi xa hơn, không phải ở Quảng Ninh để quên đi những ký ức đau thương đã qua. Thực ra ban đầu tôi muốn vào Nam, muốn đi xa hẳn nhưng rồi nghĩ lại có lẽ Hà Nội là sự lựa chọn tốt hơn. Tôi từng có ba năm sống ở Hà Nội, thân thuộc từng con đường ngõ ngách hơn, để thuận lợi nhất cho cả tôi, chị Lan, và Bo thì nên chọn Hà Nội.

Khi tôi vừa mở cửa bước vào chợt thấy Dũng đang ngồi trên ghế sofa hút thuốc. Mùi khói thuốc bay bay khiến tôi ho sặc sụa. Dũng thấy vậy liền gạt điếu thuốc xuống rồi nói:

– Em về rồi sao?

– Ừ.

Bên trong phòng ngủ của tôi đột nhiên có tiếng cạch cửa rồi tiếng mẹ chồng tôi… à… giờ đâu còn có thể gọi là mẹ chồng, chỉ có thể gọi là bà Tâm. Bà ta lao ra vừa nhìn thấy tôi liền tru tréo lên:

– Dũng mày xem con vợ mày nó bòn rút tiền rồi có tài khoản tiết kiệm riêng đây này.

Tôi nhìn cuốn sổ tiết kiệm trên tay bà ta, vài ngày trước tôi có rút một khoản nhỏ từ thẻ ngân hàng để gửi vào đó định bụng vài ngày sau sẽ nói với Dũng. Có điều còn chưa kịp nói thì mẹ anh ta đã đẩy tôi xuống địa ngục, tôi cũng không hiểu tại sao năm năm qua mình có thể chịu đựng được con người độc ác khốn nạn này. Bà ta ra tay giết chính đứa cháu nội của mình mà không một chút ân hận, vẫn có thể bình thản mà lục lọi ở căn nhà riêng này của chúng tôi. Tôi không còn nể nang gì nỗi uất ức cay đắng ùa về liền lao vào giật lấy cuốn sổ tiết kiệm rồi gào lên:

– Tôi cho bà ba giây để ra khỏi đây. Nếu không đừng trách tôi.

Nghe tôi nói cả Dũng và bà Tâm đều quay lại kinh ngạc không tin nổi. Phải rồi, từ trước tôi luôn cố gắng nhịn nhục, nhưng giờ đây còn gì để mà phải tôn trọng nữa đây? Bà Tâm nghe xong định lao vào đánh tôi nhưng tôi đã đoán trước liền né sang bên khiến bà ta loạng choạng suýt ngã. Dũng thấy vậy liền đứng dậy giữ tay bà ta rồi lên tiếng:

– Mẹ, mẹ đi ra khỏi nhà con đi. Con còn nhiều chuyện chưa hỏi đến mẹ đâu đấy.

– Tao đéo ra, cái con ôn nghiệt này càng lúc càng láo toét, hôm nay tao phải dạy cho mày một bài học. Cái thứ con dâu lăng loàn, mất nết.

Tôi bật cười đáp:

– Từ hôm nay tôi không còn là con dâu của bà nữa rồi, và hơn nữa bà không có tư cách gì để dạy tôi hết. Trước khi dạy dỗ người khác bà nên mua một cuốn giáo dục công dân học trước đi.

– Mày nói cái gì?

– Nói gì chắc bà đã nghe rõ, tôi không cần phải nhắc lại. Một người mà nhẫn tâm ra tay giết chết chính cháu nội của mình không đáng để tôi phải tôn trọng.

– À… hoá ra mày bịa chuyện bảo sao sáng nay tao đến thằng con ngu ngốc của tao mặt sưng lên, hỏi không nói, gọi không thưa. Mày đừng có vu oan giá hoạ cho tao, tao có bằng chứng mày lăng loàn với thằng khác đấy con đĩ ạ.

Tôi nhìn Dũng, chợt ngửi thấy cả mùi rượu nồng nặc, có lẽ hôm qua từ lúc ở bệnh viện trở về anh ta vẫn chưa gặp bà Tâm mà vùi mình trong men say. Thực ra tôi cũng hiểu tính Dũng, bình thường mỗi lần có chuyện gì anh ta đều uống say không biết trời trăng là gì rồi mới giải quyết chuyện sau nên việc anh ta chưa vội tìm đến bà Tâm hỏi cho ra nhẽ nó cũng thường tình thôi. Hình như anh ta đã uống rất nhiều, nhiều đến mức giờ tôi vẫn thấy hai mắt đỏ au. Thế nhưng tôi không quan tâm mà quay lại phía bà Tâm đáp:

– Tôi mà cần phải đi vu oan giá hoạ cho bà sao? Bà và con Nga kéo tôi vào hẻm nhỏ đẩy tôi ngã xuống cống cạn, bà cứ nghĩ hẻm đó không ai qua lại nên không ai làm chứng việc đó nhưng bà nhầm rồi. Hẻm đó vắng vì toàn nhà biệt thự đóng cửa im lìm, mà nhà biệt thự người ta giàu lắm, nhà ai cũng có lắp camera hết đấy. Bạn tôi đã đến xin người ta cho trích đoạn camera thời điểm tôi bị hai người kéo đi. Thế nên đi khuất mắt tôi không thì đừng để tôi phải điên lên sẽ không xong đâu.

Bà Tâm nghe đến đây mặt bỗng dưng tái lại, hai khoé môi run run giật giật gào lên:

– Con này… sao mày… sao mày dám ăn nói kiểu này với tao. Mày đưa ngay cuốn sổ tiết kiệm đây, tiền của con tao…

– Tôi đếm một đến ba, nếu còn không chịu cút thì đừng trách! Một…

Mới đếm đến một bà ta đã vội bước ra, ánh mắt lộ rõ sự thảng thốt, kinh hãi. Phải rồi, con Thuỷ của ngày xưa chết rồi, chết cùng lúc với với đứa cháu nội ruột thịt của bà ta, còn con Thuỷ của bây giờ không việc gì phải hạ mình xuống vì loại người này hết. Bà ta bước ra ngoài còn chửi đổng lại vài câu, tôi liền đóng sập cửa thật mạnh. Lúc này trong phòng khách chỉ còn tôi và Dũng, tôi rút trong túi đơn ly hôn ra nói:

– Chúng ta không có tài sản gì chung, việc ly hôn chắc sẽ đơn giản. Tôi để đây, anh ký xong thì đặt lên bàn cho tôi, chứng minh thư của tôi và giấy đăng ký kết hôn ở đây rồi, nếu được anh giúp tôi mang sổ hộ khẩu với chứng minh thư công chứng của anh đưa cho tôi, chiều tôi đi nộp, giờ tôi hơi mệt, tôi muốn nghỉ ngơi một chút.

Dũng nhìn tôi, giọng khàn đục đáp lại:

– Thuỷ, anh sẽ ký đơn. Nhưng…

– Nhưng gì?

– Anh biết giờ đây không còn cứu vãn được gì nữa, hôm qua anh đã suy nghĩ rất nhiều, anh làm khổ em thế cũng đủ rồi. Anh biết em sẽ đi… em sẽ đưa cu Bo đi một nơi nào đó mà anh không tìm được. Nhưng… trước khi em đưa con đi, em có thể cho anh vài ngày ít ỏi bên cạnh em và con, chăm sóc em và con như một người chồng, người cha thực sự không. Anh xin em, anh không dám níu kéo, chỉ xin em cho anh vài ngày được bên em nữa thôi.

Tôi bật cười chua xót nói:

– Lúc chúng ta có thời gian bên nhau anh không trân trọng, giờ đây cả hai đều đã đồng ý ly hôn anh lại muốn được làm người chồng, người cha thực sự. Dù cho có là ít ngày thì tôi cũng không thể chấp nhận, bởi tôi không thể giả tạo, cố gắng vui vẻ, hạnh phúc khi sau đó là cuộc chia ly.

– Ừ, anh hiểu rồi.

Tôi không đáp bước vào phòng nằm vật ra. Trên sổ tiết kiệm chỉ vài vài chục triệu ít ỏi, tiền tôi tích góp còm cõi bao lâu nay mà cũng suýt bị bà Tâm lấy mất. Trần đời này tôi gặp loại người như vậy, giàu có mà làm gì khi nhân cách của bà ta không đáng một xu. Bên ngoài Dũng vẫn đang ngồi lặng lẽ, tôi chỉ thấy phía sau bóng lưng anh to lớn mà đơn độc. Nếu hỏi tôi có yêu Dũng không nhất định tôi sẽ đáp là có. Đáng tiếc tình yêu đó của tôi đến giờ đã nguội lạnh. Sáng mai tôi sẽ đến trường mầm non làm thủ tục nghỉ học cho Bo rồi đón chị Lan lên. Phía trước con đường còn dài, còn gian nan, nhưng tôi tin mình có thể sống được. Địa ngục mang tên gia đình chồng tôi còn có thể chịu được năm năm, chút khổ cực phía trước có là gì? Dũng ngồi một lúc thì bước vào phòng khẽ nói:

– Mấy ngày này em và con cứ ở đây, anh sẽ đi chỗ khác.

– Không cần đâu, tôi nói với cái Chi rồi, tôi và Bo ở tạm nhà nó vài ngày, thuận tình ly hôn thì sẽ nhanh thôi, đợi giải quyết xong xuôi thì tôi và Bo sẽ không làm phiền anh nữa. Anh cứ ở đây đi, tôi nhặt quần áo rồi đi, đơn anh ký xong chưa?

– Thuỷ, vội thế sao em?

– Ừ.

Dũng nghe tôi đáp, khoé mắt bất chợt rỉ ra một giọt nước rồi lăn dài trên gò má phong trần. Tôi không dám nhìn cúi đầu lặng lẽ mở valy ra nhặt đồ. Có lẽ anh sẽ nghĩ tôi phũ, nhưng bản thân tôi hiểu mọi thứ đã vỡ vụn rồi, nếu không nhanh chân bước ra khỏi những mảnh thuỷ tinh ấy thì tôi sẽ càng thêm tổn thương chồng chất. Quần áo của tôi và Bo không nhiều, năm năm qua toàn những bộ cũ kỹ mặc đi mặc lại, Bo thì mỗi năm được hai ba bộ. Nhìn đống quần áo tôi tự tội nghiệp, thương xót cho cả hai mẹ con. Ăn uống tằn tiện, sống kham khổ đổi lại cũng vẫn là sự tàn nhẫn của những người không cùng huyết thống. Dũng thở dài xoay lưng bước ra ngoài, tôi nghe được tiếng cạch cửa, rồi tiếng giày khuất dần. Nhặt quần áo, đồ đạc xong xuôi tôi bước ra ngoài thấy đơn ly hôn được đặt ngay ngắn trên đó. Khoảng hai mươi phút sau Dũng cũng về, anh ta đưa cho tôi sổ hộ khẩu và chứng minh thư chứng thực rồi nói:

– Anh đưa em đi ăn rồi đưa sang Toà nộp.

– Không cần tôi tự đi.

– Một bữa ăn cuối cùng cũng không được sao?

– Tôi không muốn cái gọi là bữa ăn cuối cùng… quá nhiều bữa ăn tôi ngồi chờ anh về cùng tôi anh đã bỏ qua. Tôi thực sự vẫn không hiểu tại sao khi bên cạnh tôi anh hết lần này đến lần khác lừa dối, anh yêu, anh thích người khác mà giờ đây lại tỏ vẻ mình đáng thương khiến tôi áy náy trong lòng như vậy? Nhưng anh Dũng ạ, đã là chia tay thì một giờ, một giây hay một phút bên nhau cũng chẳng giải quyết được gì. Anh cứ phũ phàng với tôi như trước đi cho tôi đỡ phải suy nghĩ.

– Thuỷ!

– Những gì anh làm cho tôi trước kia tôi rất biết ơn… nhưng duyên của chúng ta chỉ đến đây thôi. Tôi không muốn chúc anh hạnh phúc, nhưng cũng muốn anh có lựa chọn riêng tốt nhất cho bản thân mình.

Nói rồi tôi cầm đống giấy tờ nhét vào túi rồi bước ra ngoài. Trời hôm nay nắng hanh hao, tôi ăn tạm bát bún rồi đến Toà. Khi nộp xong giấy tờ, bước ra tôi bỗng thấy mình như trẻ lại những năm tháng tuổi hai mươi. Bao năm qua cứ tự giam cầm mình trong tù ngục, hoá ra tự do lại hạnh phúc đến thế. Lúc tôi trở về nhà Dũng cũng không còn ở đó, thế càng tốt, nếu gặp lại phải nói một lời tạm biệt, tôi nhìn lại căn hộ một lần rồi lặng lẽ kéo valy đi.

Những ngày tiếp theo hai mẹ con tôi và chị Lan ăn nhờ ở đậu nhà cái Chi. Ngay ngày hôm sau khi nộp đơn ly hôn tôi đã xuống đón chị Lan lên. Bà Xuân biết tôi và Dũng ly hôn nên vẻ mặt đầy coi thường. Thế nhưng tôi chẳng quan tâm, giờ phút này thì những con người khốn nạn ấy không đáng để tôi phải suy nghĩ nữa, ba tôi tôi cũng chỉ chào qua loa rồi đi luôn. Dù sao thì trong lòng ông, tôi và chị Lan cũng chẳng có giá trị gì, đi hay ở ông chẳng có chút bận lòng. Ở nhà cái Chi lâu lâu Bo cũng hỏi đến Dũng, quả thực tôi cũng không biết trả lời con thế nào chỉ đành nói Dũng đi công tác nước ngoài vài năm mới về. Bo không bám ba, từ nhỏ đã bị xa cách, dạo gần đây tuy Dũng có gần gũi hơn chút thì thằng bé vẫn chưa đến mức bám Dũng nên tôi cũng đỡ áy náy với con hơn, nhưng tôi biết con cũng buồn, thi thoảng lại kể lể với cái Chi được Dũng mua đồ chơi nọ đồ chơi kia cho. Tôi biết Bo cũng như những đứa trẻ khác, khao khát có cha, nhưng sau bao nhiêu chuyện thì tôi nhận ra thà khiếm khuyết gia đình còn hơn sống trong một gia đình đầy đủ nhưng con lại phải chịu tổn thương. Từ ngày tôi nộp đơn lên toà tôi và Dũng không còn gặp lại nhau, chỉ duy nhất ngày Toà gọi lên để giải quyết ly hôn thì có chạm mặt. Mới có trên dưới chục ngày không gặp mà Dũng đã thay đổi rất nhiều. Trước kia anh chỉn chu quần áo, vậy mà lần này gặp anh lại mặc bộ quần áo nhàu nát, tóc tai cũng bù xù, râu ria không cạo. Sau khi Toà phán quyết ly hôn xong Dũng cũng không nhìn tôi lấy một lần, cũng không níu kéo thêm bất cứ chuyện gì bước ra khỏi toà án, tôi không vội về mà ngồi trên ghế đá một lúc rồi gọi cho ba chồng. Dù sao không còn tình cũng còn nghĩa, tôi căm hận mẹ chồng nhưng ba chồng cũng không đến mức tệ bạc nên tôi vẫn gọi trước là xin lỗi, sau là cảm ơn và cũng chào ông một câu. Ba chồng tôi nghe điện thoại có vẻ buồn buồn nhưng vẫn nói tôn trọng mọi quyết định của tôi và Dũng. Ngoài kia cây cối vẫn xanh tươi, nắng vẫn vàng, nhưng trong lòng tôi lại mâu thuẫn nửa vui, nửa buồn, vui vì cuối cùng cũng dứt được nhà anh ta, buồn vì dẫu sao cũng trải qua khoảng thời gian dài bên nhau… cuối cùng cũng phải dừng lại.

Một tuần sau đó cái Chi có quyết định chính thức lên Hà Nội. Tôi và Chi hùn tiền thuê taxi chở lên đó, cũng may nó tìm được xe rẻ trong hội xe một chiều nên số tiền bỏ ra không lớn. Ban đầu cái Chi muốn tôi, chị Lan và Bo ở cùng nó trong căn chung cư của nó trên ấy. Nó bán căn dưới này đi, thêm tiền mua một căn nho nhỏ ở quận Thanh Xuân. Thế nhưng tôi không đồng ý, thực lòng mà nói tôi nhờ vả nó quá nhiều giờ lại ở chung tôi cảm thấy không nên. Nhà tôi tận ba người, bạn thân thì thân thật nhưng ở chung cũng vẫn bất tiện nên cuối cùng tôi nhờ nó tìm người thuê giúp một phòng trọ. Khi lên đến nơi nó không vội về chung cư của mình mà sang phòng trọ xem xét. Thực ra gọi là phòng trọ nhưng khá sạch sẽ, được chia ra phòng bếp, phòng vệ sinh, phòng ngủ riêng biệt mà giá chỉ có hai triệu rưỡi. Tôi ngồi tính toán, hàng tháng nếu chăm viết truyện tôi kiếm được khoảng chục triệu, trừ tiền điện nước nhà đi cũng phải hơn ba triệu, còn lại hơn sáu triệu. Bo không có hộ khẩu trên này nên tôi phải cho con đi học trường tư, tiền học tiền ăn uống còn chưa kể rất nhiều chi phí sinh hoạt, thuốc men cho chị Lan e rằng sẽ không đủ, mà đấy là nhiều chứ đôi khi có tháng tôi cũng chỉ kiếm được ba bốn triệu thôi ý chứ. Tôi tuy có một khoản tiền tiết kiệm nhưng nếu số chi nhiều hơn số thu thì vẫn sẽ không ổn chút nào. Có điều giờ phải ổn định, nhập học cho Bo xong tôi mới tính đến chuyện kiếm việc làm thêm được.

Những ngày tiếp theo tôi bận rộn quay cuồng, vừa sắm sửa cho nơi ở mới, lại vừa phải làm thủ tục để Bo đi học, rồi đăng ký giấy tờ linh tinh trên phường. Cũng may cuối cùng mọi thứ cũng đâu vào đấy, Bo đi học, chị Lan ở nhà lo cơm cháo, tôi đi bưng bê cho một nhà hàng cách mấy chặng xe bus. Hằng ngày tôi dậy sớm, nấu ăn sáng cho Bo và chị Lan sau đó đưa Bo đi học rồi lại tất tưởi bắt xe bus đến nhà hàng. Tối đến tôi đều phải nhờ cái Chi đi làm qua thì đón Bo về giúp tôi hoặc gọi cho chị Lan đi đón vì cứ phải bảy tám giờ tối thậm chí đến chín giờ tôi mới được về, lúc về người tôi cũng mệt mỏi nhưng lại phải tranh thủ viết truyện kiếm thêm thu nhập. Tuy rằng cuộc sống vất vả, nhưng mỗi lần về thấy Bo, thấy chị Lan tôi lại nhắc mình phải cố gắng, nói thật, vất vả này cũng chẳng đáng là gì so với trước kia, trước kia ngoài việc làm quần quật còn bị mẹ chồng chì chiết, giờ đây ít nhất về tinh thần cũng thoải mái hơn rất nhiều.

Một buổi trưa khi vừa ngớt khách đột nhiên tôi nhận được điện thoại của anh Cường. Thực ra ở nhà chồng cũ, tôi tôn trọng nhất chính là anh, tuy rằng muốn cắt đứt với bên nhà Dũng nhưng tôi đúng là không còn tình thì còn nghĩa nên tôi vẫn nghe, dù sao cũng nên chào anh một câu. Thế nhưng khi vừa bắt máy anh Cường đã nói

– Thím Thuỷ, gặp anh một lát được không? Anh biết thím đang ở Hà Nội, thím ở chỗ nào anh qua nói mấy câu thôi.

Tôi còn chưa kịp từ chối, anh Cường lại nói:

– Anh biết thím đang nghĩ gì, cũng biết thím lo lắng gì, nhưng yên tâm, việc gặp này là bí mật. Anh vì có chuyện quan trọng nên mới gặp.

Tôi nghe anh Cường nói không còn cách nào đành hẹn gặp anh ở một quán café gần đó. Lúc anh đến, nhìn thấy tôi liền nói:

– Thực ra giờ mà anh đứng trước mặt thím nói thay mặt mẹ hay thằng em dại khờ của anh xin lỗi thì có lẽ thím lại nghĩ anh làm màu. Nên thôi, anh cũng đi thẳng vào vấn đề chính, anh biết thím đưa cu Bo lên đây sống không dễ dàng gì, anh biết một công ty người ta đang tuyển chân văn thư. Yêu cầu chỉ là có bằng cao đẳng trở lên.

– Dạ… thôi…

– Anh biết thím đang nghĩ gì, thím sợ mang ơn nhưng thật sự anh tình cờ thấy công việc này phù hợp nên mới gặp thím để bảo thím. Đâu phải anh nói là thím được người ta chọn đâu, vì người ta phải trải qua mấy vòng phỏng vấn nữa. Vả lại nếu thím sợ mang ơn thì cũng coi như anh trả ơn thím trước cho anh vay tiền…

Tôi nhìn anh Cường, có chút kinh ngạc, Tết năm ngoái anh Cường và chị Ly giận nhau, mà anh Cường cần một khoản tiền biếu sếp không biết vay ai nên đã vay tôi. Nhưng anh cũng vay có hơn một tháng đã trả, thực lòng tôi còn không nhớ tự dưng nghe anh nhắc mới à một tiếng. Anh Cường đưa tập hồ sơ cho tôi rồi nói:

– Giờ thím xem, thím đi làm nhà hàng vất vả lương cũng không cao. Ở đây lương thử việc của người ta đã là sáu triệu, lương chính thức chắc chắn sẽ cao hơn. Mà công việc này nhẹ nhàng, thím có thời gian chăm sóc cho Bo, tối về rảnh rang muốn làm gì thì làm. Anh cứ đưa cho thím, thím đăng ký hay không thì cứ suy nghĩ, hết tuần này hết hạn nộp, thím có năm ngày nghĩ. Anh gặp thím không ai biết, cũng không muốn ai biết, anh từng nợ thím, nhưng anh nghĩ đã từng là anh em trong nhà đừng nói đến ơn huệ gì. Thím giúp anh, anh giúp thím, tuy anh là anh thằng Dũng thật nhưng không phải vì thế mà anh hùa theo mẹ, theo nó. Đối với người khác anh không biết nhưng anh coi thím như em gái trong nhà. Thím cứ thử đăng ký xem, đậu được thì tốt, không cũng chẳng sao. Thím cứ suy nghĩ đi.

Anh Cường nói xong không đợi tôi trả lời đã đứng dậy bước đi, tôi ngồi bần thần nhìn sấp hồ sơ một lúc rồi mới đứng dậy. Cả buổi chiều hôm ấy tôi làm mà đầu óc cứ nghĩ đến những lời anh Cường nó. Công việc nhà hàng đứng lên chạy xuống lại phải bưng bê nặng nhọc đúng là so với văn thư thì không nhàn bằng. Lương ở đây tôi làm cũng chỉ có năm triệu mà đi sớm về khuya, ít có thời gian viết truyện hơn, nguồn thu nhập từ truyện cũng giảm hẳn đi. Tối ấy tôi gọi cho cái Chi kể chuyện, nó nghe xong liền nói:

– Giời ạ, giờ còn sĩ diện cái cóc khô gì, không có tiền thì chết chứ không có sĩ diện chết thế qué nào được? Mà ông ý trước nợ mày, giờ muốn trả thì mày cứ nhận đi, mày đậu hay không thì cũng do năng lực của mày mà. Tao nói thật ngay từ đầu mày đi làm nhà hàng tao đã không thích lắm rồi. Mẹ, làm như bóc lột sức lao động không được ngơi nghỉ mấy mà lương thì thấp. Nếu có cơ hội thế này thử sức đi, văn thư tao nghĩ không khó lắm.

– Nhưng từ lúc ra trường tao cũng không đi làm… nên…

– Thì giờ nghỉ mẹ nhà hàng kia đi, ở nhà ôn đến cuối tuần, chỗ nào không biết thì hỏi tao. Nếu trượt thì xin đi làm chỗ khác, thiếu gì việc đâu mà lo.

Nghe cái Chi nói tôi cũng thấy có lý, người ta chết vì không có tiền chứ đâu ai chết vì sĩ diện, cuối cùng sau một đêm nghĩ ngợi tôi quyết định nộp hồ sơ để ứng tuyển. Mấy ngày ấy tôi nhận lương xong thì nghỉ hẳn ở nhà hàng, tối đến cái Chi sang ôn cùng tôi. Nó làm ngân hàng nhưng hiểu biết rộng lại xin được nhiều tài liệu cho tôi. Nói thực là tôi cũng chẳng biết ôn từ đâu, cứ học theo những gì tôi cho là đúng.

Sáng thứ hai, tôi mặc chiếc áo sơ mi trắng cùng chân váy dài qua đầu gối cái Chi cho mượn đến phỏng vấn. Công ty “QUANG VINH” hạng trung, không quá to nhưng không nhỏ. Lúc tôi đến mới biết có cả chục người ứng tuyển vị trí này chứ không riêng gì tôi. Mới nhìn thôi đã thấy toàn những người sáng sủa, xinh đẹp, tự dưng tôi thấy hơi buồn cười, giống như mình là cóc ghẻ lạc giữa bầy thiên nga. Chẳng cần đoán, tôi cũng biết kết quả trước rồi, thế nhưng khi vào phỏng vẫn tôi vẫn cố gắng hết sức hết lực trả lời những câu hỏi bên tuyển dụng đưa ra. Lúc trả lời xong, tôi ra ngoài ngồi chờ nhìn lên đồng hồ cũng đã điểm mười giờ ba mươi. Do đông người, lại có nhiều vị trí khác nhau, chỉ riêng văn thư cũng mười lăm người rồi nên việc mất thời gian là không tránh khỏi. Bên ứng tuyển hẹn mười một giờ sẽ trả kết quả, tôi thấy vậy liền đi vào nhà vệ sinh rửa qua mặt mũi rồi đi xuống dưới sảnh cho đỡ bí bách. Thế nhưng khi vừa bước chân xuống đột nhiên tôi hơi khựng lại. Một đoàn bốn người mặc cả đồ cảnh sát, cả đồ an ninh tiến ra, quan trọng hơn trong đó có gã đàn ông đưa tôi vào bệnh viện lúc tôi sẩy thai. Tôi hơi lùi lại, nhưng còn chưa kịp xoay đi ánh mắt của anh ta đã chạm vào và nhìn chằm chằm về phía tôi. Bên cạnh có tiếng nhân viên nói chuyện với nhau:

– Hôm nay anh Vinh lại đích thân đi kiểm tra công ty cơ đấy, tôi cứ tưởng Tổng giám đốc với anh ấy như lửa với nước chứ.

– Lửa nước gì cũng là cha con, anh Vinh không theo nghiệp kinh doanh của Tổng giám đốc thôi chứ vẫn là con ruột mà. Nghe nói tình hình cha con Tổng giám đốc dạo này khá hơn rồi, mấy lần kiểm tra định kỳ trước anh Vinh không đi nhưng lần này đi tôi nghĩ chắc có khi cha con lại thân thiết rồi ý.

– Tôi chả tin đâu, giám đốc lần nào gặp anh Vinh cũng chửi té tát, ổn hơn thì ổn chứ thân thiết còn lâu.

Tôi không dám nghe thêm nữa, mặc dù chẳng làm gì sai nhưng vẫn lủi lại phía sau rồi leo lên tầng. Thế nhưng khi còn chưa kịp bước lên đến bậc thang cuối cùng một bàn tay to lớn đã nắm chặt tôi lại nói:

– Cô đến đây làm gì?

Tôi hơi giật mình nhìn lại, đúng là công an có khác, đi theo sau mà tôi không hay biết. Tôi lí nhí đáp lại:

– Tôi… tôi đến… xin việc.

– Xin việc?

– Dạ… vâng. À, tiện gặp anh ở đây tôi xin cảm ơn anh vì trước đã giúp tôi.

Thế nhưng còn chưa dứt lời anh ta đã rít lên:

– Cút!

– Anh nói cái gì cơ?

– Tôi bảo cô cút khỏi đây, nếu không đừng trách tôi.

– Ơ, mắc mớ gì đuổi tôi cút? Anh dở người à? Cậy mình làm công an nên định bắt nạt dân hả?

– Tôi cho cô ba phút để đi…

Nghe xong tôi liền hất tay anh ta rồi đáp lại:

– Anh bị điên hả?

Vinh vẫn nắm chặt tay tôi, đôi mắt hổ phách ánh lên những tia đỏ cười nhếch mép:

– Cô đừng có nói cô quên tôi rồi.

– Thì chẳng phải anh tên Vinh, là người cứu tôi hôm tôi bị… bị sẩy thai sao? Tôi cảm ơn rồi còn gì? À… thôi chết tôi quên mất, còn tiền viện phí tôi chưa kịp chuyển cho anh.

Vinh nghe tôi nói càng lộ rõ tức giận gào lên:

– Cô đừng có giả ngây giả ngô, đừng nghĩ là giả vờ quên là xong.

Tự dưng nghe Vinh nói vậy, tôi mới nhìn kỹ lại gương mặt này thật sự rất quen. Từ từ… tôi nhắm mắt nhớ lại, ngoại trừ việc anh ta cứu tôi… hình như tôi còn từng gặp anh ta ở đâu đó. Anh ta lại nói:

– Cô nhớ ra hay không không quan trọng, giờ thì trả năm triệu viện phí và cút khỏi đây mau lên.

Tôi nhìn Vinh, càng lúc càng không hiểu tại sao anh lại có thái độ này. Trên tầng bỗng có tiếng dép loẹt xoẹt của nhân viên. Vinh lúc này mới buông tay tôi ra. Tôi như bắt được vàng bật dậy chạy lên đáp lại:

– Tiền viện phí tôi sẽ trả sau, giờ tôi không mang theo nhiều tiền như vậy, tài khoản của anh tôi vẫn giữ, có gì tôi chuyển khoản sau nhé. Yên tâm tôi không xù nợ đâu.

Vinh đứng bên dưới, hai mắt căm phẫn nhìn tôi. Quái lại thật, gã đàn ông này với tôi có thù oán gì mà anh ta lại có thái độ này nhỉ. Thôi kệ, tôi không quan tâm nữa ngồi vào ghế chờ. Bên trong hình như có kết quả rồi. Tôi ngồi chờ trưởng phòng nhân sự thông báo, tuy là chẳng hi vọng gì nhưng cứ biết kết quả đã rồi về sau. Thế nhưng khi trưởng phòng nhân sự đọc tên những người trúng tuyển tôi tưởng mình nghe nhầm. Cái tên Nguyễn Thu Thuỷ chình ình ngay vị trí thứ ba. Rõ ràng… là đúng tên, đúng ngày tháng năm sinh, đúng vị trí ứng tuyển. Tôi không tin nổi, mãi đến khi trưởng phòng nhân sự gọi hai lần tôi mới vội chạy vào. Trưởng phòng nhân sự nhìn tôi, ánh mắt hơi khinh khỉnh nói:

– Mai bảy giờ ba mươi có mặt để phân công công việc. Nhận lấy cái này, mai nhớ cầm theo, thử việc một tháng!

Tôi gật đầu, đến giờ phút này vẫn không tin nổi quên tiệt luôn tên Vinh liền bước xuống. Lúc đi qua phòng Tổng giám đốc đột nhiên tôi nghe tiếng Vinh cất lên:

– Ba, Nguyễn Thu Thuỷ sao lại trúng tuyển văn thư? Cô ta học cao đẳng thôi mà.

– Mày có quyền gì mà chất vấn? Công ty muốn tuyển ai là việc của công ty, mày làm công an chứ liên quan gì mà phải hỏi.

– Ba! Nhưng cô ta không phải là người tốt đẹp gì đâu.

– Mày quen nó à mà biết nó không tốt đẹp? Mà không tốt đẹp thì kệ mẹ nó, nó làm được việc cho tao là được. Tao nói rồi, mày bỏ nghề về đây làm thì mày muốn thay đổi nhân sự thế nào cũng được. Còn không thì cút. Mày càng ghét ai, tao càng giữ người đó lại.

– Tại sao ba cứ phải…

– Mày nên tự hỏi tại sao tao có đứa con ngang ngược như mày thì tốt hơn. Đầu tuần đừng để tao điên.

Bên trong khẽ có tiếng cạch cửa, Vinh bước ra vừa hay nhìn thấy tôi, đôi mắt long sòng sọc như muốn ăn tươi nuốt sống. Ban đầu tôi còn tưởng anh ta sẽ chửi, sẽ đòi tiền, thế nhưng không, anh ta chỉ nhìn tôi một cái rồi bỏ đi. Tôi hơi run run lùi lại, tự dưng cảm thấy sợ hãi vô cùng.

Yêu thích: 4.7 / 5 từ (4 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN