Công Chúa Nhỏ (A Little Princess)
Chương 19: Anne
Chưa bao giờ không khí trong Ngôi Nhà Lớn lại vui đến như vậy. Có lẽ chẳng bao giờ bọn trẻ lại nghĩ sẽ có được niềm vui từ mối quan hệ thân thiết với “cô bé không phải là ăn mày” đó. Sự thực là tất cả những nổi khổ cực gian truân mà em phải trải qua đã biến em thành một tài sản vô giá. Ai cũng muốn nghe đi nghe lại những chuyện đã xảy ra với em. Khi ngồi trước lò sưởi với ngọn lửa nóng rực thì ai cũng muốn nghe và tưởng tượng xem ở trên phòng áp mái mà Sara đã từng sống lạnh đến chừng nào. Phải nói rằng căn phòng áp mái đó đã trở thành mối quan tâm và sự hào hứng của bọn trẻ. Sự lạnh lẽo, trống trải và tình trạng tồi tệ của nó đã không còn quan trọng đối với chúng sau khi có sự xuất hiện của Melchisedec, đàn chim sẻ và tất cả những gì có thể nhìn thấy khi leo lên bàn và chui hẳn đầu và cả vai ra khỏi cửa sổ mái nhà.
Tất nhiên là chúng thích nhất câu chuyện về bữa tiệc và chuyện giấc mơ của Sara biến thành sự thật. Ngay hôm sau ngày em được tìm thấy, Sara đã kể câu chuyện của mình cho vài thành viên của Gia Đình Lớn khi họ đến uống trà cùng em. Cả bọn ngồi khoanh tròn trên chiếc thảm trải trước lò sưởi nghe Sara kể theo cách riêng của mình, còn người đàn ông lặng lẽ ngồi nghe và quan sát mọi cử chỉ của em. Kể xong em ngẩng lên nhìn ông và đặt bàn tay lên gối ông nói “Con đã kể xong phần của con rồi bây giờ đến lượt bác kể đi, bác Tôm.” Ông Carisford đã yêu cầu Sara gọi mình là “Bác Tôm”. “Con không biết chuyện của bác thế nào, chắc phải hay lắm.”
Ông kể cho chúng nghe ông đã ốm yếu, buồn chán, cô đơn, suy sụp và hay cáu bẳn như thế nào khi chưa tìm được Sara. Vì muốn kéo ông ra khỏi nỗi khổ triền miên đó Ram Das đã quan sát những người qua đường rồi tả lại cho ông nghe. Một trong số đó là một cô bé hay qua lại nhiều hơn và ông bắt đầu quan tâm đến cô bé đó, có lẽ phần nào vì ông đã nghĩ quá nhiều đến một em bé gái mà ông đang tìm kiếm và cũng vì Ram Das có kể cho ông nghe cái lần ông ta vào phòng áp mái để bắt con khỉ. Ông ấy đã mô tả sự ảm đạm, lạnh lẽo và tồi tệ của căn phòng đó và những gì bé gái mà theo ông ấy thì không phải thuộc loại hạ đẳng, nhưng lại bị đối xử thậm tệ như một kẻ nô lệ. Ram Das cũng lặng lẽ theo dõi những khổ cực mà bé gái đó phải chịu đựng và cũng đã phát hiện ra thật dễ dàng làm sao để trèo qua phòng của con bé từ cửa sổ trên mái nhà. Đó là màn mở đầu của những gì xảy ra tiếp theo. Một hôm ông gợi ý “Thưa ngài, tôi có thể trèo sang bên đó đốt cho con bé ngọn lửa sưởi. Sau khi làm các việc bên ngoài về vừa ướt vừa lạnh, thấy ngọn lửa con bé sẽ nghĩ đến phép mầu nhiệm nào đó.” Ý tưởng hài hước đến nỗi một nụ cười lóe lên trên khuôn mặt rầu rĩ của ông Carisford. Thế rồi Ram Das tiếp tục vạch ra những ý tưởng mới cùng với niềm vui sướng rất trẻ con của mình và rồi đã thực hiện chúng một cách đơn giản, gọn gàng không thể tưởng tượng được. Vào chính cái đêm Sara định tổ chức bữa tiệc đó thì mọi sự chuẩn bị của Ram Das cũng đã xong. Tất cả đồ đạc đã được tập kết lên phòng áp mái của ông và người bạn đến phụ để thực hiện kế hoạch phiêu lưu cũng đã sẵn sàng. Ông nằm sát trên mái ngồi nhòm qua cửa sổ chứng kiến cảnh bữa tiệc kết thúc thảm hại như thế nào. Đợi lúc Sara ngủ li bì, Ram Das, tay cầm chiếc đèn sáng lờ mờ trèo vào phòng, còn người bạn của ông ta đứng bên ngoài để chuyển đồ vào. Mỗi khi Sara trở mình Ram Das lại che đèn đi và nằm bẹp xuống sàn. Bọn trẻ con đã đặt ra hàng nghìn câu hỏi để biết được tất cả những sự thật này.
“Con rất mừng,” Sara nói “Con rất mừng vì chính bác lại là người bạn của con!”
Có lẽ chẳng bao giờ lại có đôi bạn hợp nhau đến tuyệt vời như hai bác cháu Sara. Thực sự ông Carisford chưa từng yêu quý ai như ông đã yêu quý Sara. Chỉ trong vòng một tháng ông đã biến thành một người hoàn toàn khác đúng như ông Carmichael tiên đoán. Ông luôn vui vẻ, cởi mở và có phần hài hước nữa và cũng bắt đầu quan tâm đến cái tài sản mà ông đang có vì đã trút bỏ được nỗi ưu phiền dằn vặt ông suốt mấy năm trời. Ông đặt ra biết bao nhiêu kế hoạch hấp dẫn dành cho Sara. Giữa hai bác cháu, ông đóng vai “phép mầu nhiệm” và luôn nghĩ ra đủ trò làm cho Sara phải ngạc nhiên. Thỉnh thoảng Sara lại phát hiện ra những chậu hoa mới trong phòng hay những món qua nho nhỏ dưới gối. Một hôm khi hai bác cháu đang ngồi trò chuyện vui vẻ. Sara nghe tiếng vuốt cào cào ngoài cửa, em mở cửa ra, một chú chó tuyệt đẹp đứng sừng sững trước của, trên cổ đeo một chiếc bảng bạc viền vàng với dòng chữ nổi “Tôi là Boris, tôi phục vụ công chúa Sara.”
Người đàn ông Ấn Độ rất thích nhắc lại những kỷ niệm khi cô công chúa nhỏ còn đang phải sống trong cảnh bần hàn. Những buổi chiều Gia Đình Lớn hay Emengade và Lottie đến chơi bao giờ cũng đầy ấp tiếng cười còn những khi chỉ có hai bác cháu ngồi đọc sách hay nói chuyện với nhau mới thú vị làm sao. Hai bác cháu chia sẻ với nhau biết bao điều thú vị.
Một buổi tối khi ông Carisford ngẩng đầu khỏi cuốn sách của mình thì thấy Sara như chẳng tập trung đọc mà ngồi nhìn chằm chặp và ngọn lửa đang cháy trong lò sưởi trầm ngâm.
“Con đang nghĩ gì vậy, con gái?”
Sara ngẩng lên, mặt rạng rỡ.
“Con đang nhớ lại cái ngày con đói khủng khiếp và một đứa trẻ con gặp ngày hôm đó.”
“Nhưng con đã phải chịu đựng biết bao ngày đói rét, thế cái ngày đó là ngày nào?” Ông Carisford hỏi giọng đượm buồn.
“Con quên mất, bác chưa biết đâu, đó chính là cái ngày mà giấc mơ của con biến thành sự thật.”
Sau đó Sara đã kể lại cho ông nghe chuyện ở cửa hàng bánh và đồng bốn xu em nhặt được từ vũng bùn và đứa trẻ còn đói hơn cả em nữa. Sara đã kể lại những gì xảy ra ngày hôm đó hết sức ngắn gọn và đơn giản thế nhưng cũng đã đủ để ông phải lấy tay che mắt và cúi gằm xuống thảm để giấu những giọt nước mắt của mình.
“Con nghĩ ra một kế rồi bác ạ,” Sara nói “Con muốn làm một việc bác ạ?”
“Việc gì vậy con?” Ông Carisford nhẹ nhàng nói “Con có thể làm bất cứ việc gì mà con muốn công chúa của bác ạ.”
“Con nghĩ,” Sara ngập ngừng. “Bác nói là con có nhiều tiền lắm phải không bác. Nếu vậy con sẽ đến cửa hàng bánh và yêu cầu bà chủ là mỗi khi có những đứa trẻ đói khát dừng lại nhìn vào những ổ bánh trong tủ kính của bà thì bà hãy gọi chúng vào cho chúng ăn rồi gửi hóa đơn lại cho con thanh toán có được không bác?”
“Con có thể làm việc đó vào ngay sáng ngày mai.” Người đàn ông Ấn Độ nói.
“Con cám ơn bác, con đã biết thế nào là đói, có nhiều lúc cố quên đi mà không sao quên được bác ạ.”
“Đúng thế con gái ạ. Bác hiểu rồi, bây giờ hãy tạm quên nó đi, lại ngồi đây với bác và chỉ nghĩ rằng mình là công chúa thôi.”
“Vậng, con sẽ cho những người đói khổ đó bánh trái và họ sẽ không bị đói nữa.”
Sara đến bên ông Carisford, ông kéo em ngồi xuống xoa đầu triều mến vuốt tóc đen của em.
Sáng hôm sau, khi nhìn ra ngoài cô Minchin rất khó chịu vì thấy một cảnh tượng mà cô chẳng muốn nhìn chút nào. Cỗ xe của ông Carisford với những con ngựa to khỏe đỗ ngay trước của nhà bên cạnh, chủ nhân của nó cùng một vóc dáng nhỏ nhắn rất quen thuộc, ăn vận thật sang trọng, đồ ấm toàn bằng lông bước lên xe làm cô nhớ lại những ngày trong quá khức. Theo sau cũng là một dáng người quen thuộc làm cô rất khó chịu. Người đó chính là Becky, với tư cách là người hầu, luôn vui vẻ đi bên cạnh cô chủ bé nhỏ của mình. Becky bây giờ trông đã có da có thịt và khuôn mặt đã bắt đầu đầy đặn hơn.
Một lúc sau cỗ xe dừng lại ngay trước hiệu bánh, mọi người ra khỏi xe. Thật ngẫu nhiên cũng đúng vào lúc bà chủ vừa bưng ra một khay bánh nóng thơm phức. Bà ngẩng lên, nhận ngay ra Sara và khuôn mặt phúc hậu của bà tươi hẳn lên.
“Bác tin là bác vẫn còn nhớ cháu.” Bà chủ hiệu bánh nói. “Và… mặc dù…”
“Đúng ạ, có lần cháu chỉ có bốn xu mà bác đã cho cháu sáu chiếc bánh, và…”
“Và cháu đã cho đứa bé ăn mày những năm cái đúng không.” Bà hồ hởi và tiến lại gần Sara “Bác luôn nhớ đến việc làm đó của cháu và lúc đầu bác không sao hiểu nổi…” Bà nói rồi quay sang phía ông Carisford “Xin lỗi ông nhưng tôi phải nói rằng lúc đó trông cô ấy tội nghiệp lắm, cái đói hiện ngay ra trên nét mặt của cô ấy.” Bà lại quay sang Sara nói “Ơn chúa, bây giờ trông cháu khá nhiều rồi.”
“Bây giờ cháu không những khá hơn mà còn rất hạnh phúc nữa và cháu đến để nhờ bác một việc.”
“Việc gì vậy cháu?” Bà chủ hiệu bánh đon đả hỏi. “Bác có thể làm gì giúp cháu.”
Sara cúi xuống tủ bánh làm điệu bộ như ngày em phải chịu cái đói khủng khiếp và nói ý định của mình làm bà chủ hết sức ngạc nhiên.
“Lạy chúa!” Bà chủ hiệu bánh nói sau khi đã nghe ý định của Sara. “Tôi cũng rất sung sướng khi giúp được những đứa trẻ khốn khổ tội nghiệp đó, nhưng tôi cũng chỉ là người lao động tôi không thể giúp chúng được nhiều, sự thực là tôi cũng đã cho chúng nhiều bánh lắm rồi, kể từ sau cái buổi chiều mưa rét ấy cũng chính vì tôi luôn nghĩ đến cháu. Ôi hôm đó cháu trông vừa đói vừa rét, ướt như chuột lột thế mà cháu có thể nhường tất cả những chiếc bánh nóng đó cho một đứa trẻ ăn xin. Một hành động chỉ có một công chúa mới làm được.
Nghe vậy người đàn ông Ấn Độ cười và Sara cũng cười và nhớ lại những gì em đã nói với đứa trẻ ăn xin hôm đó khi em đặt những chiếc bánh nóng lên đùi nó.
“Nó trông đói lắm bác ạ, thậm chí còn đói hơn cả cháu nữa.” Sara nói.
“Đúng vậy cháu ạ: rất nhiều lần nó nói với bác là hôm đó, ngồi dưới mưa nó đói đến mức cảm thấy như có con chó sói đang xé ruột gan nó vậy.”
“Ôi thế bác có gặp lại cô ấy à?”
“Có, bác có gặp.” Bà nói với nụ cười đôn hậu chưa từng có. “Nó ở đằng sau kia kìa. Khoảng một tháng nay tôi nhận nó vào phụ giúp làm bánh và dọn dẹp cửa hàng. Chắc khó mà tin được bây giờ nó đã tự lao động kiếm sống được chứ không phải đi ăn xin nữa.”
Bà quay ra phía sau gọi và một đứa bé gái bước ra đứng sau bà. Đúng là cô bé ăn xin dạo nọ bây giờ đã ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng và trông như chưa từng bị đói. Nó hơi nhút nhát nhưng dễ thương. Giờ đây trông nó không còn hoang dã như trước nữa. Nó cũng nhận ra Sara ngay lập tức và nhìn em chằm chặp như chưa bao giờ được nhìn.
“Cháu biết không, bác bảo con bé cứ lại đây ăn bánh mỗi khi quá đói. Mỗi lần nó đến bác cho nó ăn và cũng bảo nó làm một vài việc vặt và thấy nó cũng siêng năng, biết việc, hơn nữa bác cũng cảm thấy yêu thương nó và cuối cùng bác đã cho nó một mái nhà và nó cũng giúp được bác chút đỉnh. Bác chỉ biết tên nó là Anne còn chẳng biết họ là gì nữa.
Hai đứa trẻ đứng nhìn nhau hồi lâu, Sara rút tay ra khỏi túi áo chìa ra và đứa bé gái kia nắm lấy tay em, cả hai cùng nhìn nhau không chớp mắt.
“Tôi rất vui.” Sara nói. “Có lẽ bà Braun sẽ giao cho bạn việc phát bánh cho những đứa trẻ nghèo đói. Bạn hợp với công việc đó vì bạn đã thấm thía thế nào là đói rồi.”
“Vâng, thưa cô.” Anne đáp lại.
Sara ra về, cảm thấy hiểu được tâm trạng của bé gái mặc dù nó chẳng nói gì, chỉ đứng lặng, nhìn mãi theo bóng của Sara khi em bước ra khỏi hiệu bánh cùng người đàn ông Ấn Độ, bước lên xe đi mất./.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!