Công Tử Có Bệnh - Chương 9: Cố nhân tương ngộ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
120


Công Tử Có Bệnh


Chương 9: Cố nhân tương ngộ


Mấy ngày này, giấc mơ kỳ lạ kia cứ quấy rầy ta.

Trong mộng, ta luôn trông thấy công tử của kiếp trước.

Trước kia, công tử rất hay cười, ta thích nhất đuôi mắt cong cong hiền hòa của chàng khi mỉm cười. Nhưng mà, trong những giấc mộng này, công tử không cười, cũng không khóc, từ lúc trẻ cho đến khi già đi, công tử vẫn như vậy, trầm tĩnh như nước, trầm tĩnh đến mức như là chết lặng, bóng lưng vẫn luôn quạnh quẽ cô độc.

Ta nghĩ, hẳn là ta nằm mộng vớ vẩn mà thôi.

Kiếp trước, sau khi ta chết đi, công tử sẽ cưới công chúa, sẽ sống hạnh phúc đến già, con cháu đầy nhà, phúc thọ viên mãn. Sao chàng có thể cô đơn tịch mịch như vậy chứ?

Có lẽ ta ở cạnh công tử lâu quá, cũng bị nhiễm bệnh của chàng, thần trí không tỉnh táo lắm.

Sau Thất Tịch, trời liên tiếp mưa liền ba ngày ba đêm.

Hôm đó, ta còn oán công tử chuyện chàng đánh mông ta, cả ngày đều trốn trong phòng không bước ra ngoài. Buổi chiều, công tử đến xem ta, mang theo một giỏ tre, bên trong chỉ có một bát mì xào, cùng một đĩa bánh hoa quế.

Công tử ngồi bên mép giường, đưa tay chạm nhẹ vào người ta, khẽ hỏi:

“Sao không ra ngoài dùng cơm? Y Y bệnh rồi sao? Hay là còn đau, để ta xem nào…”

Dứt lời, tay của công tử đã vươn về phía ta, ta lập tức cuộn chăn che kín người, hét toáng lên:

“Không được chạm vào nơi đó! Công tử mà còn chạm vào, Y Y chết cho người xem!”

Công tử che miệng ho nhẹ một tiếng, bóc ta ra khỏi chăn, ôm ta vào lòng dỗ:

“Không chạm vào… Không chạm vào nữa… Không được nói đến chết chóc, ta không thích nghe…”

Kỳ thực, công tử đánh vào mông ta không đau là mấy, chẳng qua là ta quá xấu hổ, cảm thấy còn khó chịu hơn là đau.

Mạng có thể mất, nhưng mông không thể đánh!

Công tử cũng tinh ý, không nhắc lại chuyện đó nữa, với tay mở giỏ tre, lấy ra bát mì, bảo:

“Y Y mau ăn đi cho nóng.”

Ta thấy bát mì nhìn rất ngon mắt, bèn vui vẻ gắp một đũa. Nào ngờ… Mùi vị thật sự không giống thức ăn cho người.

Ta đau khổ nuốt xuống, nước mắt tuôn như suối, nhăn mày hỏi:

“Công tử, mì này là ai nấu, sao lại khó ăn như vậy? Lại còn nhầm muối thành đường, không giống như tay nghề của thím Lý…”

Công tử có vẻ không được tự nhiên, lẩm bẩm:

“Tại sao lại là đường? Rõ ràng là muối mà…”

Ta trợn tròn mắt, kinh ngạc hỏi:

“Công tử… Đây là do công tử nấu sao?”

Công tử lại ho nhẹ một tiếng, cười bảo:

“Lần sau sẽ tốt hơn. Y Y ăn đỡ bánh này đi.”

Ta do dự nhìn mấy cái bánh xinh xinh nằm gọn trên đĩa, đưa tay cầm lên một cái, cảnh giác chỉ cắn một miếng nhỏ.

Quả nhiên, không ngoài dự đoán, tất cả muối nên cho vào mì đều nằm ở bánh này hết. =_=

Thức ăn do công tử nấu, nhìn thì đẹp, nhưng không thể ăn!

Ta mà còn tin lời công tử thử thêm một miếng nào nữa thì ta nhất định là kẻ điên.

Sau bữa ăn “nhớ mãi không quên” đó, công tử nhìn giỏ thức ăn còn nguyên vẹn chẳng hề động đũa, dường như buồn lắm.

Sau đó, ta thấy công tử ngồi bên khung cửa, đàn một khúc “Thanh thanh mạn”. Ngoài hiên mưa vẫn rơi rơi, hòa vào tiếng đàn dịu dặt, nghe ra có chút bi thương.

“Tầm tầm mịch mịch,

Lãnh lãnh thanh thanh,

Thê thê thảm thảm thích thích.

Sạ noãn hoàn hàn thì hậu,

Tối nan tương tức.

Tam bôi lưỡng trản đạm tửu,

Sạ địch tha vãn lai phong cấp!

Nhạn quá dã,

Chính thương tâm,

Khước thị cựu thì tương thức.” [1]

Ta bất giác nhẩm hát theo khúc ca quen thuộc.

Đinh!

Đàn ngân lên một tiếng lảnh lót. Dây đàn đã đứt.

Công tử quay lại, ánh mắt thảng thốt nhìn ta, run run hỏi:

“Y Y, sao nàng lại biết… Đây là khúc “Thanh thanh mạn”?”

Ta nào có biết gì, lại không thể nói là nghe công tử từng đàn ở trong mộng, vội đáp:

“Hình như đã từng xem qua ở cầm phổ nào đó…”

Công tử lắc đầu, nói:

“Đây là khúc do ta tự phổ.”

Ta biết mình lỡ lời, sợ bị lộ, liền cuống quýt đứng dậy, nói:

“Vậy chắc là… chắc là công tử từng dạy ta mà quên mất đó thôi… Y Y có chuyện phải đi gấp, xin phép cáo lui.”

Khi ta bước ra khỏi chủ viện, vẫn phảng phất nghe tiếng đàn tịch mịch vang lên, như ai như oán.

“Mãn địa hoàng hoa đôi tích,

Tiều tuỵ tổn,

Như kim hữu thuỳ kham trích?

Thủ trước song nhi,

Độc tự tránh sinh đắc hắc!

Ngô đồng cánh kiêm tế vũ,

Đáo hoàng hôn, điểm điểm trích trích.

Giá thứ đệ,

Chẩm nhất cá sầu tự liễu đắc.” [1]

Ta thầm nghĩ, công tử quả là kỳ tài, đàn đã bị đứt một dây mà vẫn còn gảy được như thế. Đoạn, lại rầu rĩ, lo sợ ngày sau công tử lại gạn hỏi chuyện khúc nhạc.

May mắn rằng, sau hôm đó, công tử cũng không dây dưa hỏi thêm. Nếu không, ta có miệng cũng không biết phải giải thích ra sao.

………..

Mấy ngày gần đây, công tử vẫn luôn bận rộn việc gì đó, không có thời gian rảnh rỗi gọi ta đến gặp, ta cũng được thảnh thơi ngồi ngắm mưa rơi.

Ta vươn tay, hứng lấy những giọt mưa mát lạnh. Từng hạt trong suốt như pha lê rơi xuống tay ta, xuyên qua kẽ tay, cuối cùng tan ra.

Ta bỗng nhiên nảy ra ý muốn ngâm mình dưới mưa.

Ta nghĩ, nước mưa có thể gột trôi tất thảy ân oán của tiền kiếp. Từ đây về sau, ta lại trở về là Thanh Y vô ưu vô lo, không cần nghĩ ngợi lo trước lo sau nữa.

Nghĩ vậy, ta bước ra ngoài hiên. Giữa khi ta đang đắm chìm trong màn mưa bụi mịt mù, bỗng nhiên một tán ô vươn ra, che chắn mưa gió cho ta.

Ta giật mình quay lại, nhìn thấy công tử.

Sắc mặt của chàng có chút lo lắng, nhẹ giọng hỏi ta:

“Y Y, tại sao trời mưa lại không vào nhà? Lỡ như bị bệnh thì phải làm sao?”

Đã từng, ta vẫn luôn đi theo công tử, vì chàng vươn ô che mưa chắn tuyết.

Bây giờ, lại đến phiên công tử vươn ô vì ta.

Nhưng mà, ta đã không cần nữa.

Ta nhìn công tử, trong lòng đột nhiên bình lặng đến lạ. Sau đó, ta nhẹ lắc đầu, nói:

“Y Y không có chuyện gì. Chẳng qua là vừa nãy nhớ lại một câu chuyện xưa, về một cô nương rất ngu ngốc, cứ mãi đuổi theo một bóng lưng vĩnh viễn không quay đầu.”

Công tử vẫn vươn ô che cho ta, quá nửa tán ô nghiêng về phía ta, bản thân chàng lại bị ướt đẫm nước mưa.

Một lúc sau, công tử chợt cất tiếng hỏi:

“Vạn nhất có một ngày, người đó quay đầu thì sao?”

Ta khẽ cười, đáp:

“Tiếc là, vạn vật đều sẽ thay đổi, khi người đó quay đầu, vị cô nương ấy chưa chắc đã còn ở chỗ cũ chờ đợi.”

Ta phủi phủi giọt nước đọng trên tay áo, nhìn sắc mặt trắng bệch vì lạnh của công tử, cười bảo:

“Công tử, vào trong thôi.”

Nói đoạn, ta liền quay lưng bước đi.

Phong thủy chuyển dời, cuối cùng cũng đến lượt ta mỉm cười vứt bỏ lại công tử ở phía sau, tiêu sái bước đi.

………

Công tử ngã bệnh rồi.

Ta cảm thấy, công tử quả thật là yếu ớt vô cùng, mới bị nước mưa làm ướt một chút, đã bệnh đến liệt giường, cũng không có sức lực đâu mà quản ta chặt như trước.

Dù gì cũng còn tình nghĩa cũ, sáng sớm ta liền chèo thuyền đi hái sen về pha trà thuốc cho công tử.

Hàng Châu có Tây Hồ, Dương Châu cũng có Tây Hồ. Tuy rằng nhỏ hơn Tây Hồ của Hàng Châu, cũng không nổi danh bằng, nhưng tóm lại nó vẫn gọi là Tây Hồ. Tô phủ vừa khéo ở cạnh bên Tây Hồ này.

Bấy giờ đương cuối hạ đầu thu, trời mưa nhiều, sen nở rợp hồ. Khi sương sớm còn đọng trên lá sen, chiếc thuyền con lướt nhẹ giữa một bể sen thơm mát, luồn qua từng tán lá xanh mướt, quả thực là một tình cảnh đẹp đến mức người không hiểu văn nhã như ta cũng muốn làm thơ.

Nhưng ta lại không biết làm thơ, bèn hát một khúc “Điệp luyến hoa” của Âu Dương Tu. Cảm tạ công tử bổ túc văn hóa bấy lâu, ta cũng nhớ được vài câu trong bài ấy, cất tiếng hát:

“Việt nữ thái liên thu thủy bạn

Trách tụ khinh la

Ám lộ song kim xuyến

Chiếu ảnh trích hoa hoa tự diện

Phương tâm chỉ cộng ti tranh loạn.” [2]

Ta vừa hát đến đó, bên bờ hồ bỗng có tiếng gọi:

“Cô nương, tiểu cô nương!”

Ta đang ở gần bờ, bèn quay đầu nhìn lại, chỉ thấy đằng ấy đứng một đám người, ăn vận có vẻ phú quý lắm, trong đó có hai người tướng mạo bất phàm, một vị là đại thúc trạc ngoài ngũ tuần, vị còn lại trẻ tuổi hơn, có lẽ chỉ chừng ba mươi tuổi.

Ta nhiều năm ở trong phủ, ít tiếp xúc với người bên ngoài, bấy giờ có hơi e dè.

Vị đại thúc kia thấy vậy, cười bảo:

“Tiểu cô nương, xin hỏi Tô phủ đi hướng nào?”

Ta hỏi:

“Các vị muốn tìm Tô phủ?”

Đại thúc gật gật đầu, bảo:

“Ta cùng Tô nhị công tử có quen biết, nghe tin công tử bị bệnh, liền đến thăm hỏi.”

Ta nhìn dáng vẻ bọn họ đều đường hoàng đoan chính, chỉ một cái ban chỉ trên tay đại thúc nọ đã giá trị liên thành, không giống phường trộm cướp, bèn cười nói:

“Nô tỳ chính là nha hoàn của Tô phủ. Các vị lên thuyền đi, nô tỳ đưa các vị sang bên kia cho nhanh.”

Đại thúc mừng rỡ, vội cùng nam tử kia bước lên thuyền. Bọn họ cũng rất ý tứ, gọi người hầu quay về khách điếm đợi. Nghe thấy tiếng lục lạc leng keng trên chân ta, cũng chưa từng hỏi han nửa lời.

Ta chèo thuyền rời khỏi bờ, vừa chèo vừa hát:

“Kê xích khê đầu phong lãng vãn

Vụ trọng yên khinh

Bất kiến lai thì bạn

Ẩn ẩn ca thanh quy trạo viễn

Ly sầu dẫn trước Giang Nam ngạn.”

Vị đại thúc kia lẳng lặng nghe ta hát, đợi ta hát xong mới cất tiếng hỏi:

“Xin mạo muội hỏi cô nương vốn quê quán ở đâu, song thân còn hay mất?”

Ta cười đáp:

“Nô tỳ vốn là cô nhi, thuở nhỏ được công tử mang về Tô phủ.”

Ông ấy vội hỏi thêm:

“Xin hỏi cô nương năm nay bao nhiêu tuổi, có phải sinh vào tiết Thanh Minh tháng ba năm Giáp Tị?”

Bàn tay đang cầm mái chèo của ta chợt run lên, đoạn cúi đầu, khẽ đáp:

“Không phải, ngài nói sai rồi.”

Khuôn mặt đại thúc lộ rõ vẻ thất vọng, nói:

“Xin lỗi cô nương, là ta mạo muội rồi. Chẳng qua là trông thấy dung mạo cô nương quá giống cố nhân, nhất thời lỗ mãng…”

Ta lắc lắc đầu, cười nói:

“Không sao, nô tỳ không để bụng đâu.”

………..

*Chú thích:

[1] Trích bài “Thanh thanh mạn” của Lý Thanh Chiếu, nghĩa là:

Tìm tìm kiếm kiếm,

Lạnh lạnh lùng lùng,

Thê thê thảm thảm rầu rầu.

Thời tiết chợt ấm lại chợt lạnh,

Rất khó nghỉ ngơi.

Đôi ba ly rượu nhạt,

Làm sao chống lại được lúc gió mạnh về đêm.

Nhạn bay qua,

Chính là lúc lòng buồn thương,

Là người đã biết nhau thuở xưa.

Đầy đất hoa vàng chất đống,

Rất tiều tuỵ,

Bây giờ đâu còn có ai chịu hái hoa?

Ở mãi bên cửa sổ,

Một mình thế nào mà trời đã tối đen.

Cây ngô đồng lại thêm mưa nhỏ,

Đến hoàng hôn, từng giọt nước rơi.

Tình cảnh này,

Một chữ “sầu” làm sao có thể nói rõ hết được.

Đây là bài từ nổi tiếng của Lý Thanh Chiếu sau những ngày chạy xuống Giang Nam. Trước nhiều đau khổ, bà đã lấy những nét sinh hoạt bình thường tả thành lời văn tha thiết, có ý nghĩa xã hội nhất định.

[2] Trích bài từ “Điệp luyến hoa” của Âu Dương Tu. Nghĩa là:

Gái Việt hái sen bên bờ sông thu,

Tay áo nhỏ nhẹ nhàng bay,

Đôi xuyến vàng ẩn trong sương mờ.

In hình hái hoa, hoa như mặt,

Lòng thơm cùng với tơ tranh nhau náo loạn.

Khê xích đầu thác nước, buổi chiều sóng gió,

Sương nặng, khói nhẹ,

Không trông thấy bạn tới.

Nghe thấp thoáng tiếng ca của khách chèo từ xa

Nỗi buồn ly biệt ở bờ nam sông.

………..

Công tử: Vạn nhất có một ngày, người đó quay đầu thì sao?

Y Y: Thì tự chơi một mình đi, ai rảnh mà chờ! =))))

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN