Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường - Chương 1: Lưu Lạc
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
96


Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường


Chương 1: Lưu Lạc


Mở đầu

– Lan, dậy nhanh!

– Không nhớ hả? Hôm nay bọn mình đi chơi mà.

– Trễ xe bây giờ. Năm giờ rồi. Dậy!…

Năm giờ. Mở mắt, không sai một phút. Đã thành thói quen, khi mở mắt, không nhìn đồng hồ tôi vẫn biết chính xác lúc này là năm giờ. Hôm nay khác lạ một chút, tôi mơ về Khánh, về chuyến đi phượt của chúng tôi. Tiếng cô ấy văng vẳng rõ ràng, đến nỗi tôi tưởng mở mắt ra là có thể nhìn thấy gương mặt tươi vui đó. Nhưng khi mở mắt thấy mình nằm ở một xó xỉnh tối tăm, ngửi được cả mùi ngai ngái của đất ẩm, tôi bị kéo ngay về thực tại.

Tôi đã cố gắng không nhớ về Khánh nhiều nhất có thể, vì khi nghĩ đến cô ấy lòng tôi lại quặn lên đau nhói. Xua ngay giấc mơ ra khỏi tâm trí, tôi ngồi dậy xếp lại mớ chăn bùng nhùng, rồi ngồi bật dậy. Tối qua mưa phùn, mưa rơi xào xào trên mái lều, nhẹ thôi nhưng cũng đủ làm ướt đất ở góc tôi nằm. Anh ta không có trong phòng, áo giáp cũng không treo ở trên giá, chắc là đã đi khảo sát các vùng mà dân mới trở về.

Ngoài suối đã có mấy người phụ nữ giặt ở đó. Tôi chọn một chỗ cách xa họ để giặt đồ của mình. Từ khi mới đến, tôi đã cố gắng tiếp xúc càng ít người càng tốt, và xem ra họ cũng chẳng có ý muốn làm thân với tôi.

Dọn phân ngựa xong trời đã gần trưa, tôi vào bếp phụ việc. Người phụ nữ lớn tuổi cau mày nhìn xuống đôi giày lấm lem của tôi, rồi ném cho hai thùng nước bảo đi xách nước, rồi rửa luôn đôi giày dính phân ngựa. Trong bếp thơm lừng mùi cơm vừa chín tới. Hôm nay mới nhận được lương thực từ triều đình, nên người hầu trong doanh trại cũng sẽ được ăn cơm gạo trắng, không phải ăn cháo như mọi ngày. Thật hiếm khi. Thảo nào cô đầu bếp cũng dễ tính hơn mọi ngày. Và…

Tôi ngẩn người vục thùng xuống dòng suối trong vắt. Phải rồi, hôm qua tôi đã được thông báo việc này. Và đó là lý do khiến tôi bỗng mơ về Khánh. Bởi vì khi mới tới đây, quả thật chúng tôi đã không biết rằng được ăn cơm là một sự xa xỉ đến thế.

Từng đoàn người ngựa kéo vào trại, tôi né sang một bên chờ họ đi qua hết. Thoáng thấy dáng anh ta ngạo nghễ trên lưng ngựa. Tôi tự hỏi liệu ta có tìm được thứ mà tôi cần tìm?

Phần 1: Trong chai thủy tinh

Chương 1: Lưu lạc

Ánh nắng chiếu xuống từ mái nhà tạo thành những vệt dài dài trên nền đất. Khánh đang ngồi trên phản gỗ, mỗi lần nhấp nhổm của cô lại khiến nó phát ra tiếng kẽo kẹt như đưa võng. Ngồi ở chiếc ghế gần đó, tuy đang có tâm trạng không muốn hỏi han gì nhưng tôi vẫn không khỏi tò mò khi Khánh cắt chiếc áo sơ mi đẹp của cô thành từng mảnh lớn.

– Cậu ngoảnh đi một chút được không?

Khánh khép cửa lại và nhìn tôi với ánh mắt tinh quái. Căn nhà gỗ chỉ có một gian nhỏ xíu, thực tình quay cũng chẳng biết quay đi đâu. Tôi đành úp mặt vào tường. Khi ngoảnh lại, tôi thấy Khánh khác hẳn với hình ảnh xinh đẹp trước đó của cô ấy. Khánh khoác lên người bộ áo quần màu nâu đất mà người ta cho khi chúng tôi tới đây, tóc quấn thành búi trên đầu cũng bằng một sợi vải màu nâu, mặt thì lấm lem đất, và…gần như không thấy vòng một của cô ấy nữa…

– Đừng nói với tớ là cậu giả dạng đàn ông đấy nhé?- Tôi ngạc nhiên.

– Chính xác! Giống không? Tớ sẽ làm cho tóc rũ rũ xuống một ít, trông sẽ khổ sở hơn, rồi tay chân cũng lấm thêm chút nữa.

– Để làm gì?

– Tớ sẽ ra bến bốc vác. Cậu biết mà, họ không cho phụ nữ làm. Mà đó là công việc khả quan nhất bây giờ, khi nào cũng cần người. Được bao nhiêu bì thì lấy bấy nhiêu tiền. Mà cậu xem tớ đã ổn chưa?

– Trông cứ như công tử bột quên rửa mặt ấy. Da cậu trắng quá. Cậu đừng bôi đất. Nếu muốn lấm lem thì lấy mủ rau gì đó cho sạch.

– Ừ.

Khánh loay hoay đi rửa mặt, còn tôi thì vẫn ngồi nguyên không nhúc nhích. Sáng nay lại đi bộ cả tiếng đồng hồ vào thành tìm việc, nhưng không có ai thuê tôi cả. Có vài quán thuê Khánh làm phục vụ bàn, nhưng cô ấy không đồng ý. Lý do là không được nhận tiền theo ngày, mà cuối tháng mới được nhận. Nhưng cả hai chúng tôi đều rõ là làm phục vụ ở quán rượu thì không tốt đẹp gì, dễ gặp những rắc rối mà hai người chúng tôi không hề muốn ở xứ xa lạ này.

Giờ thì Khánh đã xác định được một công việc, dù nó chẳng hợp chút nào với con gái. Tôi định ngăn lại, nhưng khi cô ấy nâng tôi lên nhẹ nhàng như nâng một con gấu bông thì tôi không còn gì để nói nữa. Cô ấy là dân học võ, chắc sức khỏe chẳng thiếu. Mà còn sự lựa chọn nào nữa đâu. Hôm nay chúng tôi đã chính thức hết tiền, sau năm ngày thích nghi với cuộc sống và tìm việc làm. Chúng tôi chỉ ăn cơm rau đạm bạc, nhưng toàn bộ số tiền chúng tôi có được do bán đồ- trong đó quý giá nhất là chiếc dây chuyền vàng của Khánh- giờ đã không còn một xu. Sáng nay cả hai đã phải cuốc bộ với cái bụng cồn cào. Và trưa nay số gạo còn lại chắc chỉ đủ nấu mỗi đứa một bát cháo.

Tôi chật vật với hai hòn đá đánh lửa, không tài nào khiến lửa bén vào lá khô được. Khánh bật cười, đến cầm đá cọ mạnh một cái. Những chiếc lá bắt lửa, lửa nhanh chóng tỏa lan ra.

– Chuyên nghiệp thật.

– Chuyện. Tớ mà lại.

Khánh lại quay trở lại với chiếc gương bé xíu, chỉnh tóc và bôi quệt đủ kiểu, tạo hình một người đàn ông đói khổ. Nhưng bây giờ nhìn thế nào Khánh cũng giống một chàng công tử bột. Cô ấy cao một mét sáu chín, dáng vóc của con gái nên hợp với hình ảnh một người đàn ông gầy gò. Tôi ngồi xổm nấu cháo và nghĩ vẩn vơ. Khánh bao giờ cũng thích nghi thật nhanh. Khi tôi chỉ biết chảy nước mắt vì hoang mang thì cô ấy vẫn cười được, xốc lại tinh thần cho tôi, nhanh chóng bắt tay dọn dẹp sửa sang lại ngôi nhà gỗ mà người ta giao cho cả hai. Đến bây giờ, khi tôi vẫn thỉnh thoảng nhéo má mình cho tỉnh mộng thì Khánh đã hoạch định rất nhiều thứ về tương lai cả hai. Khánh lúc nào cũng đáng ngạc nhiên như vậy.

***

Chúng tôi trọ ở cùng một phòng trọ. Tôi học năm nhất đai học y, còn Khánh năm nhất kinh tế. Gặp nhau cũng tình cờ, khi hai đứa cùng đến xem một phòng trọ, sau một lúc nói chuyện thì hai đứa quyết định ở cùng nhau thời gian đầu để tiện việc nhập học, sau một tháng nếu tìm được người thích hợp hơn thì chuyển. Thấy khá hợp, thế là quyết định ở với nhau lâu dài.

Vẫn biết bên ngoài thế giới nhỏ của một con bé nhà quê như tôi có nhiều người khiến bản thân mình ngưỡng mộ, nhưng tôi không ngờ có thể gặp nhanh như vậy, lại có thể cùng ăn, cùng ngủ, cùng nói chuyện. Khánh đẹp. Đôi mắt với cái nhìn thẳng tự tin. Nét môi cong nhưng không phải kiểu đỏ mọng hấp dẫn người khác giới, nó mảnh hơn một chút, khóe môi lúc nào cũng như sắp cười. Cả gương mặt cô ấy toát lên sự thông minh, nhất là khi cười, nụ cười và cả ánh mắt khiến người đối diện không khỏi bị thu hút. Khánh không hay nói về gia đình mình, chỉ biết cô ấy là con một. Nhưng cô ấy không có vẻ gì là một cô gái được cưng chiều. Tự túc về mặt kinh tế với việc làm mẫu ảnh, bồi bàn và nhiều việc mà cô ấy bảo là việc “linh tinh”. Ngoại ngữ tốt, ngoài tiếng anh thì tôi từng thấy cô ấy nói tiếng Nga với một người đàn ông một cách lưu loát, và không biết cô ấy còn nói thêm được tiếng gì nữa không. Cô ấy có một chiếc guitar, thỉnh thoảng lúc rảnh cô thường ngồi bên cửa sổ nghêu ngao. Những lúc ấy tôi chỉ biết ngẩn ngơ nghe, nhìn và cảm nhận. Sự phóng khoáng trong tâm hồn. Vẻ ngoài chất và hơi bụi bặm. Tôi ngạc nhiên là sao cô ấy chưa nổi tiếng, vì chỉ cần hình ảnh này của cô được tung lên mạng thôi, chắc hẳn người ta sẽ tìm mọi cách để biết về Khánh.

Khánh hay phì cười khi thấy bộ dạng thẫn thờ của tôi, cô ấy nói trông như nhà bác học đang suy nghĩ gì ghê gớm lắm. Thỉnh thoảng hai đứa hay đi chơi cùng nhau, khi thì một buổi ở những nơi gần nhà, khi là những chuyến đi chơi dài vài ngày. Đối với một con mọt sách như tôi thì quả là thú vị. Không biết Khánh thế nào chứ khi đi bên Khánh tôi tự hào một chút, có làm nền thì mặc kệ. Không đi cùng Khánh thì tôi cũng có đẹp đâu. Cao 1.55 mét, nhưng thân hình gầy gò nên trông tôi cứ nhỏ thó như một đứa trẻ. Lại thêm cặp kính cận to tổ chảng che hết cả mặt. Tôi cận hai độ, từ năm lớp bảy tới giờ, may là dù học nhiều nhưng độ kính thì chẳng bao giờ tăng. Điều đáng tự hào duy nhất của tôi là mái tóc dày và dài. Nhưng có vẻ nó khiến tôi trông thấp hơn.

***

Mỗi đứa được một bát và một nửa bát. Như uống nước thôi, nhưng nó xoa dịu cái bụng cồn cào và làm tâm trạng tôi tốt lên. Hai chiếc bát gỗ nhanh chóng được Khánh thu dọn. Xong xuôi, chúng tôi ra khỏi nhà,ra tới con đường nhỏ cả hai đi về hai hướng khác nhau. Khánh thì đi ra bến thuyền gần đấy. Còn tôi sẽ phải đi bộ khoảng một tiếng để vào thành.

Ngoại thành có nhiều khu dân cư, chủ yếu là dân nhập cư như chúng tôi, và có cả dân nghèo. May thay, chúng tôi là dân tị nạn được triều đình bảo vệ và đưa về đây, nên được cung cấp những thứ cơ bản nhất cho cuộc sống, không phải lang thang đầu đường xó chợ. Lúc nhận được, chúng tôi đã không hề tỏ ý cảm kích những người ấy. Anh lính trẻ dẫn hai đứa đến một cái nhà được đóng tạm bợ, trên lợp tranh thủng hổng lỗ chỗ, và bé như cái chuồng gà nhà tôi. Giá trị nhất bên trong chắc là cái chảo gang. Anh ta cũng đưa cho mỗi đứa một bộ đồ màu nâu, mới nhìn là biết đồ cũ, vì nó rách tươm. Cuối cùng là bốn xu cho hôm sau, sau đó anh ta đi cùng những người khác, bỏ lại chúng tôi với điệu bộ chán chường. Làm sao được, chúng tôi vừa trải qua những ngày thấp thỏm sợ hãi, để rồi khi đến nơi tất cả niềm hi vọng bị dập tắt. Nơi cả hai đến không phải là thành phố ngập ánh đèn điện, không có những ngôi nhà xây bởi những bê tông. Nơi mà ngay từ đầu chuyến đi, lúc họ nói là kinh thành, chúng tôi đã lờ mờ đoán được.

Đến bây giờ thì tôi có chút hối hận, và mong sao một lần được gặp lại để nói một tiếng cảm ơn mấy người lính. Mấy ngày qua đi tìm việc, nhận ra có nhiều người còn không có chỗ ở, nhận ra đồ họ đưa cho tươm tất hơn nhiều người. Đi một mình thì nghĩ thế thôi, chứ chắc rằng mình sẽ không gặp được, mà có gặp chưa chắc đã nhận ra.

Đi ba mươi phút thì qua hết khu dân cư ngoại thành, đến vùng đất trống mênh mông không có gì ngoài cây cỏ. Đất này có vẻ không được canh tác. Tôi tưởng tượng rằng nếu kinh thành được bao bọc thành hình tròn, thì khoảng đất trống này giống như một vòng tròn ngăn cách nó với khu dân cư nghèo bên ngoài, giống như một thứ gì đó trân quý được ngăn lại bằng lớp vỏ thủy tinh để tránh khỏi bụi bặm. Nội thành và ngoại thành, cách nhau ba mươi phút đi bộ thôi nhưng như hai thế giới tách biệt. Những con đường lát gạch. Những tòa nhà gỗ đồ sộ, đẹp đẽ với những cây cột chạm khắc công phu. Những khu chợ buôn bán sầm uất, nhiều người qua lại. Và cả những quán ăn với mùi thơm lan tỏa. Nó khác xa những dãy nhà lụp xụp ở ngoại thành. Không có nghĩa những người ở đây đều giàu có cả. Nó xô bồ và đủ thành phần người.

Nắng nhẹ thôi nhưng cũng đủ làm tôi đau đầu. Bước qua cổng thành, tôi đứng lại. Hôm nay đi về hướng nam.

***

Ra khỏi một quán bán vải nữa. Nhìn người qua lại, tôi chán nản. Không khó hiểu khi người ta không nhận tôi. Bề ngoài thì bình thường, không biết chữ, không có khả năng gì. Lại trông không đủ khỏe mạnh để làm lao động tay chân. Và nói cho cùng thì lai lịch không rõ ràng, người ta khó có thể tin tưởng giao công việc cho tôi.

Xế chiều. Lại một ngày thất bại nữa của tôi. Không tìm nữa, tôi quay ngược trở lại để ra khỏi thành trước khi họ đóng cửa. Khánh cũng dặn rằng sẽ không an toàn khi về một mình lúc trời đã tối. Thêm một tiếng đi bộ. Nhiều xe chở hàng chạy qua trước mặt tôi, những con ngựa sùi bọt mép vì mệt, nhưng vẫn phải chạy dưới những nhát roi của chủ. ”Thôi nào, mày không phải mang cái gì cả. Mày may mắn đấy.”

***

Về đến nhà lúc năm giờ bốn lăm, chưa thấy Khánh về. Tháng hai dương lịch, trời vẫn se lạnh. Nắng chiều sắp tắt, tự dưng thấy mình cô độc trong căn nhà nhỏ, hai dòng nước mắt chảy dài. Đôi chân đau nhức, các khớp chân như muốn lìa ra. Tôi thực sự đã ra khỏi vòng tay bố mẹ, sống một cuộc sống tự lập đúng nghĩa. Mười chín tuổi, nhưng tôi vẫn thấy mình bé quá, tôi chưa sẵn sàng rời khỏi sự bao bọc. Ngay cả khi mới vào đại học, bố còn lo lắng tôi không tự xoay sở được, giục mẹ bắt xe ra xem con gái sống thế nào. Nghĩ về bản thân, gia đình…tôi khóc. Tôi không dám khóc trước mặt Khánh, cô ấy sẽ cho rằng tôi là một con bé ủy mị, tôi cũng không muốn khiến Khánh phải bận tâm thêm nữa.

Rửa mặt xong và chờ cho mắt bớt đỏ, tôi ra bến thuyền tìm Khánh. Có vẻ như khi không ở cạnh cô ấy, tâm trạng tôi lại trở nên hoang mang. Trời đã nhá nhem.

Hàng người nối nhau chất hàng lên chiếc thuyền lớn. Trông họ như những con kiến, với chiếc bao tải to trên vai. Tôi đưa mắt tìm Khánh. Chợt trong hàng, một người trượt ngã, thứ gì đó màu trắng trong bao tải bung ra tung tóe, người đàn ông cầm gậy la ó khiến tôi giật mình. Người đó bị đuổi ra, sau khi xin tiền công không được thì lủi thủi đi. Dáng người gầy gò. Còn nghe thấy tiếng càu nhàu của người đàn ông nọ. Thật may đó không phải là Khánh.

Rồi tôi thấy Khánh, dù đứng hơi xa. Cô ấy đang cúi người xuống, hai người khác đặt bao tải lên lưng. Phải rất nặng, lưng Khánh khọm sâu xuống, ngay sau đó Khánh đứng thẳng hơn và bắt đầu bước đi. Cái dáng bước đi đó, cũng như bao bao dáng đi khác trên bến, nặng nề và khó nhọc. Họ đã phải khiêng như thế cả buổi chiều.

Chẳng hiểu sao khi Khánh nhìn sang chỗ tôi, tôi lại nép mình vào gốc cây to gần đó. Rồi quay về.

***

Tối đó Khánh về với một bọc gạo nhỏ và năm xu trên tay. Không thắc mắc, Khánh chỉ cười khi tôi thả hai chân cô ấy vào xô nước ấm, và ngồi kể đủ điều khi tôi xoa bóp cho cô ấy.

– Chiều nay tớ được khen. Ông ta bảo nhìn tớ thế này mà khỏe hơn khối người. Mà thoải mái thật. Ai dạy cậu đấy?

– Ông ngoại tớ dạy. Tớ hay đấm lưng bóp vai cho ông. Tớ biết mấy huyệt trên lưng và vai, nếu bấm vào đó sẽ rất thoải mái. Nhưng cậu phải nằm sấp một lúc.

Lúc Khánh nhắm hờ mắt thiu thiu ngủ, tôi đi nấu cháo. Đây là số gạo mà Khánh mua được với hai xu, là gạo đổ ra khi anh chàng thư sinh vác bì gạo. Vì lẫn một ít đất bẩn nên ông quản đốc bán với giá rẻ hơn, mấy người ở đó mua, trong đó có Khánh.

Trong khi nấu, thỉnh thoảng tôi nhìn sang Khánh. Gương mặt lúc ngủ của Khánh như trẻ thơ dưới ánh nến leo lắt. Dù khỏe mạnh đến mấy, Khánh cũng chỉ là một cô gái. Không biết cả buổi chiều Khánh đã vác mấy bì gạo, đi bao nhiêu lần mà bàn chân của cô ấy thâm lại, trời lại lạnh thế này. Và cả buổi chiều tôi đã mang tới những của hàng một khuôn mặt chán nản, thay vì cố gắng xin, cố gắng thương lượng để có được việc làm. Có lẽ đó mới là điều khiến người ta không muốn nhận tôi.

Ăn cháo với nhau, tôi ngập ngừng:

– Vác bao nhiêu bì mới được một xu vậy?

– Cậu đừng lo. Tớ làm việc trong mức của tớ mà. Tớ còn vác thêm được ấy chứ.

– Mai cậu đừng làm nhiều quá. Mỗi buổi một nửa hôm nay thôi. Như thế là đủ rồi mà. Cậu phải giữ sức.

– Được rồi. Hôm nay cậu lạ quá. Lại còn đấm lưng cho tớ nữa.

– Từ nay mỗi tối tớ đều làm thế. Mai cậu đưa tớ một xu nhé. Trưa tớ sẽ không về đâu. Đi lại mất thời gian quá. Mai tớ nhất định sẽ tìm được việc làm.

***

Hai đứa chuẩn bị chia tay ở ngã rẽ thì mọi thứ đột ngột hiện ra, khiến tim tôi chấn động. Chúng tôi đang ở nơi đó, mảng rừng phía Bắc mơn mởn sắc xuân. Trước mắt chính là tảng đá với hoa văn xoắn ốc cùng cái lỗ to đùng như cái miệng tham lam mở sẵn. Tôi run sợ, còn Khánh vui mừng kéo tôi đến và reo lên:

– Đường về nhà đây rồi!

Đường về nhà! Chỉ nghe đến đó thôi, tôi đã vui mừng lao đến. Nhưng Khánh chợt kéo tôi lại. Không thấy tảng đá đâu nữa, thay vào đó là những tên cưỡi ngựa hung hãn, cầm trên tay dao sáng loáng. Xung quanh dậy lên những tiếng la hét, những bóng người sợ hãi lướt qua chúng tôi. Và chúng tôi chạy, chạy…Máu tung tóe xung quanh. Tôi ngã ra. Một lưỡi dao vung xuống nghe vun vút. Khi mở mắt ra chỉ thấy Khánh đứng chặn phía trước. Lưỡi dao cắm ngập vào vai. Không còn nghe thấy gì nữa. Chỉ thấy Khánh ngã xuống. Tôi gào lên bất lực. Khánh!…

Mở mắt. Trời vẫn tối om. Đèn đồng hồ xanh xanh, sáng dòng số 2:35. Tiếng thở của Khánh vẫn nhè nhẹ bên tai. Trời lạnh mà mồ hôi ướt rịn trán. Vừa rồi là ác mộng. Bốn ngày vừa rồi tôi không mơ về nó nữa, nhưng không hiểu sao giờ nó trở lại. Mỗi lần một kiểu bắt đầu, có thể là hai đứa đạp xe đi chơi, hai đứa vác ba lô vào rừng, nhưng cuối cùng thì tảng đá cũng xuất hiện, và cảnh rượt đuổi của quân phản loạn lặp lại sống động như thật.

Tôi nằm yên nghe tiếng mối ken két như đưa võng. Mọi lần khi tôi mở mắt đều thấy ánh mắt lo lắng của Khánh, nhưng có vẻ chiều qua quá mệt, Khánh vẫn ngủ rất sâu. Sau mỗi lần mơ, tôi lại càng nhớ rõ hơn rằng mạng tôi là do Khánh cứu, không có Khánh lần đó tôi đã chết rồi. May mà khác với giấc mơ hôm nay, lần đó Khánh không chết. Lưỡi dao phứt đứt cành cây Khánh cầm, chạm vào vòng sắt nhỏ nơi quai ba lô trên vai Khánh. Khánh khuỵu xuống một chút, rồi nhanh như cắt đâm cành cây vát nhọn vào cổ con ngựa. Nó lồng lên hất chủ xuống. Lúc chúng tôi sắp sửa bị vây bởi những kẻ đi săn đang tức giận thì binh lính triều đình đến. Khánh xoay sở bảo vệ cho cả hai đứa, còn tôi lúc đó sợ hãi tới đờ người. Ngày hôm đó, tôi đã trải qua những khoảnh khắc đáng sợ nhất trong đời: bị một tảng đá hút vào, cái chết gần hơn bao giờ hết, và đáng sợ nhất là có thể không bao giờ được gặp lại những người thân yêu nữa.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN