Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường - Chương 3: Ngày Lặng
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
103


Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường


Chương 3: Ngày Lặng


Chương 3: Ngày lặng

Tối đó, Khánh đã đưa ra một giải pháp. Thế là sáng sớm, tôi cùng Khánh đi ra bến, nơi có những con thuyền mới cập bến tối qua. Anh chàng hôm qua nhanh nhảu giới thiệu. Mọi người chào tôi rất niềm nở. Khánh và anh chàng đó phụ trách đẩy một xe gạo vào thành. Xe gạo khá đầy. Tuy Khánh tỏ ý không muốn tôi đẩy cùng, tôi vẫn phụ giúp một tay. Đoạn đường đầu khá im lìm, tôi và Khánh thỉnh thoảng nhìn nhau cười. Quả thật rất mệt. Sau đó đến lượt Khánh kéo, đoạn đường chợt rôm rả hẳn lên. Anh chàng đi cùng nói liên tục.

-…Hôm qua cô cũng may đấy, đúng lúc gặp chúng tôi. May thì bị bán làm người hầu, xui thì bị đưa hoa lâu, tửu quán, cả đời không có đường ra.

Tôi gật nhẹ đầu. Điều này tôi hiểu, cũng đã cảm tạ trời đất không biết bao lần. Tôi quay sang thắc mắc:

-Hoa lâu thì tôi hiểu. Nhưng tửu quán? Chẳng nhẽ quán bán rượu cũng mua người sao?

-Hiểu nôm na là quán bán rượu. Nhưng tửu quán là nơi bán cả rượu lẫn sắc cho người có tiền. Về bản chất thì không khác hoa lâu là bao.

-Vậy tôi nghe nói có trà quán Thanh Hương có các cô gái rất nổi tiếng. Nơi đó có giống hai chỗ này không?

-Khác xa. Trà quán là nơi thưởng thức trà, có thể thêm nghe đàn, xem múa. Đặc biệt trà quán Thanh Hương là nơi mấy người cao quý hay đến thưởng thức. Ở đó có tất cả loại trà ngon, tài nghệ các cô gái ở đó khó ai sánh kịp. Đó là nghe nói thế, chứ tôi làm gì có đủ tiền mà vào. Không phải cô gái nào vào đây cũng được, phải qua tuyển chọn khắt khe. Nhiều người vào được sau trở thành thê thiếp của quan hay công tử nhà giàu. Vì vậy nhiều cô gái muốn vào đó để đổi đời lắm.

-Ra là vậy.- Tôi gật gù.

-Mà cậu câm, à…anh của cô tên gì thế? Cậu ta không nói được nên không ai biết.

-Tên Khánh.

-Tôi hỏi thật nhé, hai người có phải xuất thân cao quý trong tộc không? Cả hai không có vẻ là người lao động. Bình thường thì người vùng núi rất đậm người, nhất là đàn ông, vì thế họ hay được thuê khuân vác ở những công trình lớn. Còn hai người da đều trắng, dáng người thì mảnh dẻ, ngón tay thon, chứng tỏ không phải lao động nhiều. Mà cậu câm, à…Khánh, tuy cậu ta luôn để bộ mặt lem luốc nhưng không khó phát hiện cậu ta rất anh tuấn. Mấy người ở bến đều công nhận. Sao? Tôi đoán đúng chứ?

-Anh nhầm rồi. Chúng tôi đều là dân thường thôi, không phải quý tộc gì cả. Tại hai chúng tôi ốm yếu nên mới như thế.

-Yếu? Cậu ta mà yếu á? Hôm đầu tiên bốc vác mà vượt mặt cả anh em bọn tôi. Cô biết không, hôm đầu tiên quản đốc cá với bọn tôi cậu ta không chịu nổi việc quá hai ngày. Mà quả thực nhìn cái tên mảnh dẻ như phụ nữ thế kia thì ai chẳng nghĩ vậy. Nhưng bọn tôi vẫn cứ cá.

-Kết quả?

-Ông ta phải bỏ tiền uống rượu cho cả bọn trưa hai ngày sau. Cũng mất bộn tiền đấy. Ha ha. Mà cậu ta uống cũng khá lắm chứ. Đâm ra ông quản đốc thích cậu ta chết đi được, chắc là nhắm cậu ta làm rể rồi. Thế mới giao cho công việc này đấy chứ. Hả, cô cười gì? Nhà ông ta cũng khá giả, có mỗi mụn con gái. Cậu ta mà lấy được đúng là như chuột sa chĩnh gạo…

Hẳn Khánh cũng bật cười, vì tôi thật xe gạo hơi chững một chút. Thầm nghĩ nếu quả thực ông quản đốc có ý định gả con gái cho Khánh thật thì không biết cô ấy sẽ từ chối ra sao.

***

Chiều đó tôi xin bà chủ cho mang cơm về, bà ấy cũng đồng ý, cho cơm cùng thức ăn vào tô có nắp đậy. Quán bao giờ cũng mở tới tận tối, bà chủ cũng chỉ là thương tình cho tôi làm việc. Trước sau gì tôi cũng phải tìm một công việc phù hợp. Tôi cũng dò hỏi bà chủ xem gần đây có nơi nào có việc không thì bà ấy lắc đầu. Dân lánh nạn về nhiều, phần lớn công việc thiếu người họ đều đã làm hết.

Khánh chờ tôi ở chỗ cũ. Cô ấy cười kể về anh chàng đi cùng. Anh ta tên Toàn, là gia nhân của ông quản đốc. Là người tốt, lại hoạt ngôn. Đi với Khánh anh ta cũng khá ấm ức vì không nói được chuyện gì. Thực ra ông quản đốc nhắm anh ta làm con rể, ai cũng biết, mỗi anh ta ngu ngơ không hiểu. Tôi nghe cũng bật cười.

Qua Toàn, tôi cũng biết kha khá về những chuyện ở đây, cũng như công việc của Khánh. Kể cả việc ăn trưa cùng nhóm bốc vác ở bến như thế nào, rồi một ngày mấy chuyến xe…

Hôm nay Liên lại có một vết rách ở trán, máu đã khô nhưng vết thương vẫn sưng lên. Liên bảo tối qua cô ngã vào đống đá do không cẩn thận. Tôi nhăn mặt thì Liên cười, nói vốn tính cô ấy hậu đậu. Giọng cô ấy cứ cay đắng thế nào. Thấy ánh mắt lo lắng của tôi, Liên lắc đầu bảo đừng bận tâm, vết thương này chẳng là gì, chắc chắn không để lại sẹo. Liên vốn là người hiểu biết nhiều, chắc cô ấy tự lo cho bản thân được. Chỉ là tôi thấy cô ấy cười buồn buồn.

Cô con gái bà chủ hôm nay lại tới đòi tiền may đồ để thi vào Thanh Hương. Không phân bua với con gái như lần trước, lần này bà chủ dưa cho con gái năm đồng. Cô ta cười khẩy, cầm tiền đi luôn không thèm nói một tiếng. Không như mọi ngày khi có chuyện buồn bà thường than thở tới khi hết chuyện thì thôi, lần này bà không nói gì cả, đi luôn vào bếp. Quyên nói rằng bao nhiêu tiền trong quán bị cô con gái vét hết. Hình ảnh cô gái trong mắt tôi không còn đẹp như khoảnh khắc gặp gỡ đầu tiên, đôi mắt nhu huyền đó dành cho mẹ những cái nhìn khinh thường, còn khuôn miệng hồng nhỏ nhắn nói ra những lời như cứa vào lòng người khác.

Tôi định kể cho Khánh nghe, nhưng không hiểu sao khi gặp cô ấy lại thôi. Không nên để cô ấy bận tâm tới những chuyện không đáng. Đêm về hai đứa lại thổi nến sớm. Tôi chợt nghĩ về mẹ. Mẹ mạnh mẽ như vậy, liệu có khóc khi nghe con gái nói “bà cản đường tôi”, hay “bà làm tôi khổ”…không? Hẳn mẹ sẽ thẳng tay tát một cái cho người nói tỉnh ngộ. Mẹ Khánh sẽ thì sao nhỉ? Chắc cũng sẽ làm thế. Mẹ Khánh trong tưởng tượng của tôi giống Khánh, nhưng già hơn một chút. Tôi chưa bao giờ nhìn mặt ai trong gia đình Khánh. Facebook của Khánh chẳng bao giờ đăng gì, chỉ có mấy tấm ảnh mà bạn bè tag, ví dụ như tấm ảnh cô ấy cười toe toét trong bộ đồ võ với chiếc cúp vàng, lúc đó tóc Khánh còn ngắn cũn cỡn, hay tấm ảnh lớp mười hai đứng bên rìa lớp lạc lõng. Không biết Khánh đã ngủ chưa, chỉ thấy tấm lưng cô ấy và đôi vai khẽ rung theo nhịp thở. Sáu tháng ở cùng nhau, hai đứa tưởng đã thân nhau đến mức nhiều khi nghĩ không đủ thời gian nói chuyện. Nhưng đó chỉ là lúc mà học hành và công việc hai đứa đều bận rộn, thời gian nghỉ ngơi trong mùa thi đầu cũng hiếm hoi. Ở đây thời gian nhiều đến mức khoảng cách tưởng là nhỏ giữa hai đứa giãn ra, có thể thấy được rõ ràng như là khoảng cách giữa hai tấm lưng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN