Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường - Chương 5: Những Mảnh Của Đời
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
123


Cùng Tôi Đi Một Đoạn Đường


Chương 5: Những Mảnh Của Đời


Bên ngoài có tiếng đổ vỡ. Không biết vị khách nào làm loạn hay Liên lại lỡ tay đánh đổ mâm bát. Dạo này Liên có vẻ không khỏe, cô ấy hay run tay làm rơi đồ. Tôi đã khuyên cô ấy nên nghỉ một vài ngày cho khỏe, nhưng cô ấy lắc đầu. Tôi rửa vội tay rồi tất tả chạy ra. Không biết là may hay rủi khi tôi đoán sai. Đứng giữa quán lại là con gái bà chủ. Cô ấy ăn bận cực xinh đẹp, áo lụa nhiều tà là lượt, đối nghịch với bộ áo và cái tạp dề đơn sơ của bà chủ. Nụ cười của cô ấy vẫn nhàn nhạt như thế, cô ấy thẳng tay gạt luôn một mâm khách đang ngồi, khiến bát đũa rơi loảng xoảng, một ít canh dây lên áo lụa trắng khiến mặt cô ấy nhăn lại chút ít. Bà chủ trông rất khổ sở, chỉ biết vò chiếc tạp dề trong tay thành nùi, khẩn khoản nhìn con.

-Nếu không kiếm đâu ra tiền thì bà dẹp cái quán này đi. Bán đi. Tương lai con gái của bà không bằng cái quán ăn tồi tàn này hay sao?

-Không phải. Nhưng nó là…

-Đây là cơ hội lớn. Bà định lôi tôi xuống đống bùn rồi nhận tôi luôn dưới đó sao?

-Nhưng…

-Nếu năm đó bà để tôi sống thế này, thì tốt nhất đừng bế tôi theo. Để tôi lại Đoàn gia, ít ra giờ đây tôi cũng đang là tiểu thư của một gia đình danh giá chứ không phải chật vật tìm kiếm cơ hội thế này. Rồi khi cơ hội đến, bao giờ bà cũng nói không có tiền, nhỏ giọt cho tôi vài đồng mọn rồi tưởng như thế là xong. Bà đã phá hủy cả tương lai của tôi, bà phải chịu trách nhiệm chứ.

-…

-Bán đi. Tôi chỉ cần một bức họa. Còn lại, bà đủ tiền mở một quán bán hàng nhỏ. Tôi cũng sẽ không làm phiền bà nữa.

Nước mắt đã rơi lã chã trên khuôn mặt bà chủ. Khách trong quán lặng lẽ rời đi, Thành đứng yên, Liên cũng không biết làm thế nào, chỉ đứng lặng bên tôi. Quyên nãy giờ đứng một góc, lúc này không còn đủ kiên nhẫn nữa, tiến đến:

-Sao cô lại đối xử với mẹ cô như vậy. Mẹ cô nuôi cô, cho cô không thiếu thứ gì. Cổ tưởng ở lại Đoàn gia thì cô là tiểu thư à? Hay chỉ được cái mác, còn sống không bằng con hầu trong đó.

-Quyên…- Bà chủ khổ sở.

-Cô cứ để cháu nói. Cháu nhịn lâu rồi. Cô ta biết thừa quán ăn này do ba cô để lại, thế mà còn làm thế. Cháu cũng thừa biết tiền kiếm ra từ cái quán này đã nuôi cô ta đến giờ, cô cũng đã chiều cô ta quá khiến cô ta hư người rồi. Không làm gì để giữ cho bàn tay đẹp, để giờ cô ta gạt phăng mọi thứ mà cô cố giữ gìn thế à. Nghe mẹ cháu kể, cháu chỉ nghĩ rằng hồi đó cô đừng đưa cô ta theo, kiếm một người chồng tốt mà lấy thì tốt biết mấy.

Quyên đến gần hơn, nhìn thẳng vào khuôn mặt của con gái bà chủ, lại tiếp:

-Tiểu thư Hương đây cũng tự tin quá đi. Nghĩ rằng mình chắc chắn được làm thủy thần năm nay? Nói thật cô cũng chỉ hơn người khác ở quần áo mà thôi. Nghĩ bỏ ra mười mấy đồng thuê họa một bức là lập tức có thể một bước làm phu nhân quan lớn luôn chắc? Hay sau đó lại về cái quán nhỏ của mẹ đòi tiền?

-Thời thế thay đổi rồi- Hương cười nhạt- ngay cả đứa con gái chuyên ve vãn đàn ông cũng có thể lên mặt dạy đời.

-Cô dám…

Bà chủ phải ngăn Quyên lại thì con gái bà mới không bị một cái tát từ Quyên. Quyên tức tối đi ra phía sau, còn nghe thấy tiếng cô ấy đá vào cửa cái rầm. Hương vẫn đứng đó, còn bà chủ sau những lời nói của Quyên có vẻ như đã bình tĩnh lại, gương mặt dãn ra đôi chút. Nhìn con, bà nhẹ giọng:

-Có lẽ người mẹ này cũng chỉ làm được như thế cho con thôi. Mẹ sẽ bán quán. Khi nào nhận tiền mẹ sẽ đưa cho con.

-Cô Hiên…

Quyên gào lên, ngoảnh lại thấy cô ấy đứng ngay ở cửa, nước mắt lưng tròng.

-Chị Liên, chị nói gì đi. Chị cứ để thế à. Thành! Cô Hiên. Quán là nhà chúng ta cơ mà. Sao vậy cô? Bỏ quách đứa con bất hiếu đó đi, cháu làm con gái cô cũng được mà…

Liên lắc nhẹ đầu, đến ôm Quyên. Bà chủ cũng khóc, còn Hương, ít ra cô ta không cười nữa.

-Khoan đã bà chủ, hay là bà cho tôi vẽ cô Hương xem sao? Tôi cũng biết chút ít. Nếu mà được thì không phải bán quán nữa…- Tôi ngập ngừng.

-Biết chút ít? Cô tưởng biết chút ít là được à? Nếu được thì cô đã không phải làm thuê trong cái quán này rồi.- Hương nhếch mép.

-Tôi không biết một bức họa mà có giá đắt đến thế. Cô hãy để tôi thử. Sáng mai cô tới đây. Cô chỉ cần chịu khó ngồi trong một vài giờ, tôi…

-Ôi trời. Cái quán này loạn rồi. Con bé lau dọn đòi vẽ. Với bàn tay bẩn thỉu đó? Nực cười.

Nói rồi cô ta bước ra phía cửa. Tôi ái ngại nhìn mọi người. Xem ra tôi chẳng giúp được gì. Chợt Liên bước tới chặn trước mặt Hương :

-Hãy để Lan vẽ thử. Cô thử nhìn cô ấy xem? Da trắng, dáng người mảnh dẻ. Có phải là người lao động hay không? Quý tộc của loạn dân phía Bắc về kinh thành cũng không thiếu.

Nói rồi Liên hướng ánh mắt về phía tôi. Không nói thẳng nhưng ý nghĩa quá rõ ràng, cả Quyên và Thành nhìn tôi với vẻ khá sửng sốt. Rất nhanh chóng, vẻ mặt Quyên chuyển thành vui mừng, cô nói lớn:

-Ngày mai, xin mới tiểu thư Hương tới đây. Cô sẽ được thấy bức họa còn đẹp hơn cả bản thân mình.

Hương nheo mắt nhìn tôi một lượt, trước khi bước chân ra khỏi quán buông lại một câu:

-Được thôi.- rồi nhìn sang bà chủ- Dù sao bà cũng nên nhanh chóng tìm người mua quán đi.

***

Quyên tươi tỉnh nhất, chụp lấy tay tôi hỏi dồn:

-Cô là quý tộc thật hả ? Sao chỉ nói cho mỗi chị Liên biết.

-…

– Xin lỗi vì có mấy lần mắng cô nhé. Cô bỏ qua cho tôi.

Tôi không biết phải trả lời thế nào. Liên nhẹ nhàng nói:

-Quyên. Chỉ là chị nói thế để Lan có cơ hội thử xem thôi.

Quyên xìu ngay xuống.

-Nhưng tôi biết vẽ thật. Chẳng nhẽ ở đây quý tộc mới biết vẽ à ?

-Rõ quá mà. Có tiền đi học vẽ không quý tộc thì cũng là người nhà dòng dõi. Nếu chỉ là vẽ kiểu dân gian hay tự vẽ tự xem thì…Cô cứ nói thẳng đi để tôi còn hy vọng.

-Ở chỗ tôi ai cũng có thể học vẽ. Ông nội tôi vốn là họa sỹ nên tôi có học chút ít.

Điều tôi lo lắng đó là không biết một bức tranh đẹp sẽ như thế nào, liệu có theo tiêu chuẩn của nơi tôi sống hay không. Tôi cũng sợ mình không làm được, sẽ khiến mọi người thất vọng. Nhìn sang bà chủ, tôi nhỏ giọng:

-Mai bà chủ mua giấy vẽ cho cháu, cỡ mà cô Hương muốn. Không biết có được hay không, nhưng cháu sẽ cố gắng hết sức.

-Ta cảm ơn cháu nhiều lắm. Chỉ là làm gần như không công, vậy mà cháu vẫn muốn giữ quán lại. Chỉ như thế cũng đã quý lắm rồi.

Bà chủ ôm tôi một cái thật chặt. Sống mũi cay cay.

***

Thấy tôi lục ba lô, Khánh nghiêng đầu thắc mắc:

-Cậu tìm gì thế?

-Hộp bút. Tớ lấy mấy cái bút chì.

-Làm gì?

-Mai tớ vẽ cho con gái bà chủ.

-Hả? Cậu biết vẽ?- Khánh hất luôn mớ tóc ướt ra sau, tròn mắt nhìn tôi.- Sao cậu không nói cho tớ biết?

-Có gì đâu. Chỉ là biết chút thế thôi.

-Tớ đã bao giờ thấy cậu vẽ đâu?

-À. Học đại học bận mà. Ông ngoại tớ có phòng tranh nhỏ. Tứ bé suốt ngày quanh quẩn nên cũng biết một ít.

-Ơ. Vậy thì tính ra cậu cũng học được mười mấy năm còn gì.

-Cũng không hẳn. Từ khi lên lớp sáu tớ cũng không còn hay vẽ nữa, chỉ thỉnh thoảng sang phụ ông thôi. Lớp tám ông tớ mất, rồi sau học hành bận nên hầu như tớ không đụng tới bút vẽ nữa.

Rồi tôi kể lại chuyện lúc sáng, rồi cả chuyện của bà chủ nghe được từ Liên. Bà là con chủ quán cơm, có nhan sắc, bị ép gả làm thiếp cho nhà họ Đoàn. Bị vợ cả ghét, lại bị dèm pha, bà bị chồng bỏ. Bà ôm con gái về nhà ngoại, sống trong quán ăn và tiếp quản quán ăn tới giờ. Nghe xong Khánh cũng chỉ biết lắc đầu. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ở đây số phận người phụ nữ lại càng khổ hơn.

Tối đến Khánh làm mẫu cho tôi. Nói là lâu ngày chưa đụng bút, nhưng thực ra thỉnh thoảng trong khi học, tôi vẫn khua bút như một thói quen trên nền giấy trắng. Tôi mạnh hơn về màu nước. Nhưng ở đây biết kiếm đâu ra màu nước, có bút chì đã là may mắn lắm rồi.

-Cậu không cần phải ngồi yên đâu. Tớ chỉ vẽ thử thôi mà. Vả lại tớ đã quen thuộc gương mặt cậu rồi.

Hoàn thành. Tôi đưa cuốn sổ cho Khánh xem. Khánh nhìn tôi, rồi lại nhìn cuốn sổ, môi không cười mà như cười.

-Này! Ngạc nhiên thật. Sao cậu không làm họa sĩ?

Tôi vẽ Khánh ở nhiều góc độ. Nhìn thẳng, nhìn nghiêng, lúc nhướng mắt hay cúi người. Tôi cũng phác thảo hình ảnh của Hương trong cuốn vở. Ngày mai không biết sẽ thế nào.

Đêm đó, một lần nữa Khánh lặp lại câu hỏi, không phải để khen nữa, mà là thắc mắc thật.

-Không phải làm bác sĩ sẽ hơn làm họa sĩ sao? Có tương lai hơn mà.

-Quan trọng là cậu thích gì hơn thôi.

-Tớ à? Chắc là thích cả hai.

-Thật không?

Khánh trở mình. Tôi thở dài, lấy hai tay gối đầu.

-Thực ra tớ cũng không biết nữa. Tớ thích vẽ. Còn làm bác sĩ, tớ nghĩ là mình thích. Như một định hướng từ đầu, tớ đi theo nó. Cũng có thể là tớ là một cái bóng của người khác. Tớ cũng không biết nữa.

Thế là tôi kể với Khánh bằng những câu không đầu không cuối. Tôi vốn không giỏi điễn đạt những thứ trong đầu. Chẳng biết Khánh có hiểu tôi nói gì không.

***

Chú tôi là một người làm kinh doanh, chú sống ở thành phố, thỉnh thoảng mới về khi có giỗ hay công việc. Con trai chú bằng tuổi tôi. Một lần chú về, tự hào khoe với mọi người là anh mới được giải nhất thành phố về môn toán. Năm đó tôi học lớp sáu. Mới lớp đó thôi, anh đã có mục tiêu là thi vào quân y. Chú hỏi tôi, tôi vẫn chưa có một chút gì gọi là định hướng học tập, tôi vẫn tuổi ăn tuổi chơi, sáng đi học, chiều theo ông ngoại ra đồng chăn trâu, câu cá, tìm cảm hứng mới cho việc vẽ. Chú bảo bố tôi rằng nếu muốn cho tôi học y cần bảo tôi cố gắng học từ bây giờ, nếu không sẽ không kịp, bố tôi cười gạt đi.

Tôi hiểu đôi chút. Câu chuyện bố tôi thi y ba năm không đậu, sau phải học trung cấp làm bác sĩ thú y cả làng tôi đều biết. Tối đó ngồi trên trần ngắm sao, tôi hỏi bố:

-Bố muốn con làm bác sĩ không?

-Giờ còn qua sớm để nói về ngành nghề con ạ.

-Vậy…bố muốn con học tốt như anh Quang không?

-Được thì tốt chứ sao. Bố mẹ nào chẳng mong con học tốt.

-Vâng.

-Mà…nếu con thích làm bác sĩ thì cũng tốt. Làm bác sĩ là mong muốn của bố mà.

Bố cười xòa. Còn tôi, tôi muốn làm bác sĩ.

Tôi bắt đầu lao vào học toán, ăn ngủ với những công thức, tham gia bất cứ cuộc thi nào liên quan. Tôi cũng nghe ngóng thông tin về anh họ. Năm sau khi gặp chú bố tôi cũng có thể tự hào lôi ra một mớ thành tích của tôi để sánh với những thành tích của anh. Lớp tám, thi olympic toán trên mạng, tôi được giải nhì quốc gia, đứng thứ hạng cao hơn anh. Lớp chín thi toán toàn tỉnh, tôi cũng đậu cao hơn. Tôi vui ngầm. Nhưng về sau nghĩ lại, dù đứng ở phía trước, tôi vẫn là cái bóng của anh.

***

Tôi hỏi Liên về thủy thần. Nước Lương Yên thờ hai vị thần tối cao nhất, đó là thủy thần và hỏa thần. Lương Yên có nhiều mỏ kim loại và than. Hỏa thần đại diện cho sự hưng vượng của đất nước trong nghề đúc kim loại, rèn vũ khí- điều mang lại sức mạnh quân sự cho đất nước. Còn thủy thần ẩn mình trong những dòng sông, mang lại nguồn nước, nguồn phù sa để cây cối phát triển, mang lại mùa màng bội thu. Trái với sự dữ dội của hỏa thần, thủy thần được tưởng tượng là một vị nữ thần dịu dàng, xinh đẹp với bộ áo màu trắng nhuộm chút xanh lam, tay cầm bình bạc và chiếc lông công để ban nước. Liên làm tôi tưởng tượng tới hình ảnh Bồ Tát, chắc cũng không khác nhau là mấy.

Khổ giấy không quá lớn, chất giấy rất tốt. Tôi và Hương được đưa vào phòng bà chủ, bà nhìn tôi gật đầu rồi bước ra ngoài. Hương mặc một bộ váy áo màu trắng có thêu hoa nhỏ màu xanh, ngồi ở chiếc ghế kê sẵn, môi mỉm cười nhẹ. Tôi nhìn Hương, định đưa bút vẽ, lại đặt xuống. Cô ấy đẹp, nhưng đẹp kiểu sắc sảo, đôi mắt thể hiện tham vọng chứ không ôn hòa như nước, đôi môi cười kiêu hãnh chứ không phải hiền từ. Nếu thể hiện đúng tâm thái của cô ấy, tôi sợ rằng cô sẽ không được chọn.

-Rốt cuộc là cô có biết vẽ không? Nếu không được thì nói luôn, để tôi khỏi mất thời gian.

-Được mà. Tiểu thư chờ chút.

Tôi bắt đầu vẽ. Tạo xong những khối cơ bản, tôi bắt đầu chuyển sang chi tiết. Tôi có thể chỉnh sửa một chút, bề ngoài vẫn là Hương, nhưng ánh mắt chuyển thành Liên- ánh mắt đằm thắm dịu dàng. Hương thỉnh thoảng rướn người tới một chút, nhưng đương nhiên không thể xem được. Tôi phải hoàn thành mới cho cô ấy xem, giữa chừng lúc mọi thứ còn ngổn ngang trên nền giấy, cô ấy đổi ý cũng không biết chừng. Tôi nhìn đồng hồ. Hai tiếng trôi qua- ứng với một giờ ở đây- Hương bắt đầu sốt ruột. Lúc cô ấy đứng dậy lại gần xem bức vẽ thì cũng là lúc tôi hoàn thành.

Cô ấy cứ nhìn thế mà không nói một lời nào khiến tim tôi không dám đập mạnh. Quá căng thẳng, tôi đẩy cửa bước ra ngoài, với mục đích là tìm một người ở đây xem xem tôi vẽ như thế đã ổn chưa. Tôi vừa hé cửa Quyên đã lao ngay vào, cô ấy đi thẳng tới bức tranh, sau một giây im lặng, cô ấy chuyển ánh nhìn kinh ngạc sang phía tôi, miệng nói lắp bắp:

-Trời ơi Lan…Cô Hiên…chị Liên. Mau tới mà xem. Như là Hương mới bước vào trong tranh ấy.

-Quyên. Như thế là ổn hay không?- Tôi sốt ruột nhìn Quyên, nhìn cả bà chủ và Liên mới vào.

-Cô hỏi ngớ ngẩn quá. Không phải ổn. Mà là đẹp. Đẹp hơn người thật.

-Hừ…- Hương lên tiếng- Có thế này thôi mà cũng nhặng cả lên.

-Vậy…như thế này đã được chưa? Như thế này đủ tiêu chuẩn để nộp chứ.- Tôi kìm không được mà lấy tay kéo nhẹ vạt áo trắng.

-Cũng…tạm.

Hương nhíu mày kéo vạt áo ra khỏi tay tôi. Liên nhìn tôi mỉm cười rồi gât nhẹ đầu. Riêng bà chủ thì lặng đi một lúc lâu, rồi tới nắm lấy tay tôi:

-Cảm ơn cháu.

Hương không đủ kiên nhẫn, xen ngang:

-Thôi. Cô mau viết tên tôi và cô lên bức họa đi để tôi còn mang đi.

-Tôi…tôi…không biết chữ.

Tôi bối rối nhìn quanh xấu hổ. Liên vỗ nhẹ vai tôi rồi nói:

-Không sao. Để chị viết cho. Cô Hiên lấy bút và mực hộ cháu.

Viết xong tên Hương, Liên quay sang tôi:

-Tên đầy đủ của em là gì?

-Nguyễn Hoàng Lan.

Nét chữ của Liên thanh thoát, lượn trên nền giấy. Hương ra khỏi quán, ngoảnh lại nói một câu:

-Tôi giữ lời hứa, sẽ không bao giờ tìm đến đây nữa.

Bà chủ không nói gì, chỉ lặng lặng trở vào bếp.

-Tốt quá. Vậy là xong nợ với cô ta rồi. Từ nay cô ta mà còn đến đòi tiền nữa thì biết tay tôi. Lan, cô chắc chắn là con nhà dòng dõi rồi. Liên nói thật đúng không?

-Tôi chỉ là con nhà bình thường thôi.

-Thôi kệ đi. Dù sao cũng cảm ơn cô.

-Không có gì. Tôi vẫn còn muốn ăn cháo ở đây mà.

Tôi thở phào. Giờ ăn trưa, Quyên lân la hỏi tôi:

-Này, cô vẽ giúp tôi một tấm được không? Không cần lớn như lúc nãy đâu, chỉ cần bằng một phần tư là được rồi.

-Được thôi. Nhưng để làm gì?

-Để tôi đưa cho bà mai. Gương mặt tôi cũng không tệ, nhỉ ? Nếu có tranh chắc tôi sẽ tìm được mối nào tốt tốt.

-Cô còn trẻ mà. Lo gì việc cưới xin.

-Trẻ gì nữa. Mười bảy tuổi, chị Liên đã lấy chồng được một năm rồi. Còn tôi vẫn chưa có mối nào ra trò hỏi tới.

-Mười bảy? Cô và chị Liên?

Liên đặt đĩa rau xuống rồi ngồi cạnh tôi:

-Sao? Trông chị già lắm à?

-Cũng không hẳn- tôi ngại ngùng gãi gãi đầu- chỉ là chị rất…chín chắn.

Thực ra Liên trông còn nhiều nét trẻ con trên gương mặt. Nhưng đôi mắt cô ấy là đôi mắt của người trải qua nhiều chuyện. Cùng tuổi nhưng Quyên vô lo hơn nhiều. Chăchẳn khi có gia đình người ta sẽ như thế

-Cô cũng lo dần đi là vừa.- Quyên nói thêm- Thành mười sáu tuổi, vài năm nữa cũng lập gia đình được rồi. Cô chắc cũng ít hơn Thành một hai tuổi chứ mấy. Mười bốn, mười lăm rồi còn gì.- Nói rồi Quyên với tay lấy bát nước, mắt liếc sang Thành một cái.

-À. Tôi…mười chín tuổi.

-Gì?

Cả Thành và Quyên đang uống nước, Thành thì phụt hết cả ra ngoài, còn Quyên ho sù sụ. Cả bà chủ và Liên cũng nhìn tôi không chớp mắt.

-Cô nói thật hay đùa đấy?- Quyên vừa nói vừa vỗ vỗ ngực.

-Thật.

-Hơ. Trông cô thật là…Không thể tưởng tượng nổi. Hôm nay cô khiến tôi ngạc nhiên nhiều quá.

Quyên nói tiếp :

-Mà cô không sợ không lấy được chồng à? Tuổi này rồi.

-Không. Chỗ tôi hai mươi chín chưa lấy chồng vẫn là chuyện thường. Tôi vẫn đang tuổi đi học thôi.

-Chỗ cô lạ thật. Vậy cô là chị của cả bọn này rồi. Mà cô, à…chị nhớ nhé. Mai phải vẽ cho tôi một bức.

-Ừ.

Tôi vừa ăn vừa nhìn mọi người. Đột ngột lên bậc thế này thật không quen chút nào.

Chiều về bà chủ dúi cho tôi bảy xu. Tôi không nhận, nhưng bà chủ cứ đẩy vào tay tôi, bảo bà không có nhiều, số tiền này chỉ coi như tiền bút thôi, còn ơn tôi bà không trả được. Thế là tôi nhận cho bà đỡ áy náy.

Có một chuyện hôm nay tôi mới nhận ra và cũng khá phiền lòng, đó là ở đây tôi không hề biết chữ.

-Chán thật. Tự dưng thành người mù chữ.

-Có sao đâu. Chũng mình sẽ nhanh chóng rời khỏi đây thôi. Mà cậu có nghĩ tới việc vẽ chân dung kiếm tiền không? Nếu rẻ và vẽ đẹp thì chắc nhiều người sẽ tới.Tớ nghĩ nó sẽ đỡ vất vả hơn việc cậu phải làm công việc trong quán.

-Tớ cũng có nghĩ tới. Nhưng còn phải mở tiệm, rồi nộp thuế, nhiều thứ phát sinh như giấy bút, hiện giờ chúng ta cũng chưa có tiền.

-Ừ. Hay để tớ làm việc thêm?

-Không, đừng như thế. Tớ cũng không muốn cậu quá vất vả vậy. Công việc hiện giờ của cậu cũng có nhẹ nhàng gì đâu. Để tính sau đi.

-Được rồi.

***

Sau hôm đó có vài người tới nhờ tôi vẽ với giá năm xu một tấm, chủ yếu là gửi cho bà mối, toàn là qua giới thiệu của bà chủ., tôi xem như cũng kiếm được chút đỉnh.

Lễ hội rước thần sắp diễn ra, các con đường ở kinh thành bắt đầu được trang trí bởi những màu rực rỡ, những chiếc đèn lồng được treo trước mỗi quán, dọc theo con đường. Nghe nói theo lệ thì thủy thần sẽ múc nước từ sông Huyền, rồi được khiêng từ ngoại thành vào. Hỏa thần nhận ngọn đuốc từ lò rèn Hoàng gia, đi qua truyền lửa thắp đèn lồng trên các con đường. Cả hai sẽ gặp nhau ở trung tâm kinh thành, nơi đó quan lại và quý tộc đã ngồi sẵn. Một trong các quý tộc sẽ nhận ngọn đuốc và nước từ tay hai người, cùng quan tư tế tiến hành nghi lễ.

Nghe nói lễ hội này tổ chức nhằm cầu sự sung túc, hưng vượng cho cả đất nước. Thảo nào dân trong kinh thành ai cũng có vẻ mong đợi.

Hương được chọn làm thủy thần. Chúng tôi chỉ nghe nói thế, chứ Hương không hề đến quán. Hôm đó bà chủ vui vẻ cả ngày, còn cao hứng đãi chúng tôi món thịt nướng- món đăt tiền nhất quán ăn.

***

Trời bắt đầu không còn lạnh nữa, nắng nhiều hơn, ruồi muỗi cũng nhiều. Phiền nhất là muỗi, ban đêm hai đứa cứ đánh vào tay chân đen đét cả đêm, không tài nào ngủ được. Khánh than thở, nếu mùa hè đến thật, trời còn nóng bức nữa thì không biết sẽ sống thế nào. Đang dự định gom tiền mua một tấm vải mỏng làm màn thì chị Liên đưa tôi một bó hoa khô màu tím mùi khá thơm, bảo để đầu giường đuổi muỗi. Tối đó muỗi vẫn còn, nhưng ít hơn hẳn. Sau mấy ngày mất ngủ, hôm đó tôi ngủ ngon lành.

Một điều đáng mừng là đột nhiên tôi có thêm nhiều khách hàng. Một phần nhờ sự giới thiệu của Quyên và bà chủ, một phần là nhờ tên tôi có trên bức tranh vẽ người đóng vai thủy thần năm nay. Có thể tranh tôi vẽ không đẹp bằng họa sĩ ở đây, nhưng nó rẻ hơn rất nhiều lần. Và nếu một họa sỹ bình thường ít khi hạ mình vẽ cho dân lạo động, thì tôi chẳng có lý do gì quan tâm tới điều đó. Thế là những chủ sạp hàng nho nhỏ hay những cô gái bán rau ai cũng vui vẻ nhận về một bức chân dung chỉ với giá dăm bảy xu. Bận rộn, nhưng tôi kiếm được tiền.

Hai đứa chúng tôi không cần phải quá lo lắng về tiền bạc nữa. Nhân dịp này Khánh dự định nghỉ việc bốc vác và tìm một công việc mới phù hợp hơn.

-Tớ định buôn bán gì đó nhưng tìm hiểu thì thấy tất cả các cửa hàng ở kinh thành hầu như đều có liên hệ mật thiết với nhau trong việc cung cầu, người mới đến nếu không có vốn lớn chen vào rất khó khăn.

-Hay cậu đến làm công việc dọn dẹp ở quán tớ? Dù gì tớ cũng vẽ, không phụ giúp Liên được. Tiền cũng đủ cho hai chúng ta dùng, mà hai đứa lại ở gần nhau được.

-Không. Tớ muốn kiếm nhiều tiền. Tớ có dự định rồi. Hiện giờ mỗi ngày cậu cũng kiếm được ba bốn đồng, tiền dư mỗi ngày khá nhiều. Nếu tớ kiếm được việc nào đó, chúng ta có thể tiết kiệm đủ để đi tới và sinh sống ở gần nơi hai đứa đã đến. Nếu có cơ hội, hai đứa có thể tìm được đường về nhà luôn, không cần chờ triều đình nữa.

-Tớ nghe nói vẫn còn loạn lắm.

-Đợi đến lúc mình để dành đủ tiền có thể sẽ khác. Nửa tháng trước tớ nghe tin quân triều đình dẹp gần xong, bây giờ lại nghe tin loạn trở lại. Nếu chúng ta chờ tớ sợ không biết lúc nào về được.

-Ừ.

Tôi ngỏ ý trả tiền phòng cho bà chủ, ngay lập tức bà chủ gạt ngay, cả Quyên và Liên cũng gạt đi, thế là tôi không nói thêm nữa. Tôi vẫn vẽ, tranh lớn có, nhỏ có, nhiều người đặt đâm ra tôi không chú ý tới cảm xúc nữa, chỉ cần vẽ thật giống là được. Nó đỡ mất thời gian hơn, và hầu hết người tới thuê tôi vẽ đều không quá để ý, ai cũng khen tôi vẽ như mang người đặt vào trong tranh. Có một vấn đề duy nhất: bút chì sắp hết. Thế là đêm về tôi phải tập vẽ bằng mực mài, cũng may tôi đã từng dùng qua.

Khánh thì vẫn đi loanh quanh tìm kiếm việc, chiều lại tới quán cùng tôi về. Lần đầu Khánh bước vào với nụ cười mỉm, ai cũng ngạc nhiên. Liên tinh ý nhận ra ‘anh trai câm’ của tôi. Lần này thì Quyên và Thành nói như đinh đóng cột rằng Khánh hẳn phải là con nhà quý tộc, tôi chắc chắn có xuất thân cao quý mới thân quen được với Khánh, còn nói thảo nào mười chín tuổi không lấy chồng cũng chả sao. Hai người làm tôi buồn cười cả mấy ngày sau đó.

Thỉnh thoảng Khánh ngồi nói chuyện với bà chủ, hỏi về tình hình công việc trong thành. Bà chủ cũng nói như nói với tôi trước đó thôi: công việc cần sức lao động thì thiếu, nhưng công việc cần tới tài riêng thì rất nhiều.

-Nếu không tìm được việc trong vài ngày tới, có lẽ tớ sẽ trở lại công việc cũ, có thể kiếm chút tiền, khi vận chuyển hàng vào thành cũng có thể tìm hiểu thêm nhiều thứ.

Thường khi tôi ra khỏi phòng vẽ Khánh đã ngồi ở quầy tính tiền rồi.Hô nay khi tôi đẩy cửa phòng bước ra cũng là lúc Khánh bước vào quán. Có một tên đang uống rượu nhác trông thấy Khánh thì níu tay, cô ấy nhẹ tay hất ra. Tên đó lèm bèm trong miệng, tiến tới níu tay Khánh thêm lần nữa. Những tưởng sẽ có đánh nhau, ai ngờ Khánh đưa mắt liếc một cái, tên đó liền bỏ tay ra rồi trở về chỗ ngồi. Ra khỏi quán được một đoạn, Khánh lên tiếng:

-Kinh thành đúng là không an toàn. Hồi chiều tớ gặp một cô gái, về ăn mặc rõ ràng là nhà giàu, dáng điệu rất đài các, thế mà vẫn bị trêu ghẹo trên đường. Mà không phải trêu ghẹo thường, gã đó ăn nói rất cợt nhả, cô ấylại bị kéo đi mà không ái ho hegì.

-Cậu đánh hắn à?

-Chính xác. Tớ chúa ghét mấy gã sàm sỡ.

-Cậu thật là…

-Đừng lo. Tớ bịt mặt lại rồi, không phiền phức gì đâu. Lại còn được cảm ơn. Giọng cô ấy rất hay. Cô ấy cũng che mặt. Xem như qua đường giúp đỡ nhau thế thôi.

-Cậu không bị thương ở đâu chứ?

-Không. Tên đó yếu xìu, không đỡ nổi hai đòn, bị tớ cho tua bầm dập. À. Lúc chiều tớ có vào một quán trà nhỏ thử đàn. Loại như đàn tranh ấy. Nhưng vì nó có nhiều dây hơn, tớ đánh không quen nên nó lộn xộn cả lên, và… tớ bị loại từ vòng gửi xe.

-Cậu chơi được cả đàn tranh à?

-Ừ. Bà tớ có rất nhiều mấy loại đàn kiểu truyền thống ấy, đàn nguyệt, tam thập lục, cả đàn nhị nữa. Tớ cũng có chơi vài loại. Sau thì chuyển sang guitar cho hợp, chứ chơi mấy đàn kia không hợp thời đại.

-Tuyệt thật. Nếu có một cây đàn để cậu tập thì cậu có đánh được không?

-Được thì được thôi. Nhưng tớ hỏi qua rồi. Một cây đàn mới cũng phải tới bốn mươi đồng, cũ cũng hai lăm, ba mươi đồng. Ngần ấy tiền cũng sắp đủ cho chúng ta đi thuyền mấy ngày về phía bắc, thuê tạm một căn nhà trong mấy ngày rồi. Mình đang tích tiền chứ có phải phung phí tiền đâu.

-Ừm.

Miệng thì nói thế, nhưng tôi đã có dự định riêng khi nhìn vẻ mặt hơi tiếc của Khánh. Trước lễ hội một ngày là sinh nhật Khánh. Tôi sẽ cố gắng gom đủ tiền mua một cây đàn. Có thể Khánh sẽ trách tôi. Nhưng không sao, cô ấy sẽ cười và bỏ qua nhanh thôi.

***

Tôi vào tiệm đàn gần đó, ngắm và hỏi giá những cây đàn cũ. Ông chủ không mặn mà với tôi lắm, chỉ trả lời cho xong, có lúc để mặc tôi và niềm nở tiếp người khác. Tôi cũng hiểu là mình đang làm phiền người ta, nên chỉ lẳng lặng đi quanh và xem. Cuối cùng cũng tìm được một cây đàn, có nứt một chút xíu ở bên hông, nhưng nhìn còn mới, âm thanh khi ông chủ gảy lên vẫn rất tốt. Giá hai bảy đồng.

-Ông chủ, ông để bốn ngày sau tôi đến lấy được không? Tôi đặt trước mười đồng, hôm sau tới lấy tôi sẽ trả nốt.

-Được. Nếu bốn ngày sau cô không tới lấy tôi không cam đoan là nó còn đâu. Cây này còn tốt, không đâu kiếm được một cây đàn như thế này mà giá được vậy đâu.

Tôi đã có khoảng mười tám đồng. Mong khách trong bốn ngày tới vẫn như mọi ngày, như thế tôi có thể mua được rồi. Tối về lúc tập võ, tôi tủm tỉm cười, Khánh cốc đầu tôi một cái rõ đau. Đúng là không thể lơ là với ‘bà cô’ này được.

Hai ngày vẫn trôi qua bình thường. Ngày thứ ba. sau bữa trưa ở quán, một người tới tìm tôi, đưa một mảnh giấy và một cái khăn thêu rồi đi mất hút. Theo Liên nói thì có người hẹn lúc kẻng canh điểm tám tiếng mời tôi và người bạn tới lầu Bích Nguyệt, một trong hai lầu của trà quán Thanh Hương. Chiếc khăn thêu một con bướm, đường thêu rất tinh tế. Hai thứ này khiến quán ăn một phen náo loạn. Kể cả những người đang ăn cơm cũng xúm tới nhìn cho rõ, rồi xi xào bàn tán, trong khi tôi không hề hiểu gì.

-Cô quen biết với tiểu thư Ngọc Điệp sao?- Một người lạ mặt quay qua hỏi tôi. Tôi chỉ biết lắc đầu.

-Là một người nổi tiếng à? Có khi nào cô ấy muốn thuê tôi vẽ không?

-Không đời nào!- Tất cả mọi người đồng thanh, làm tôi giật mình tới mức co cả cổ lại.

Mọi người vẫn xôn xao vì tôi được gặp Ngọc Điệp, nói về nó giống như một vinh dự lớn lao. Tôi yên lặng lắng nghe, và biết về cô gái tên Ngọc Điệp.

Ngọc Điệp là bông hoa rực rỡ nhất của cả trà quán Thanh Hương và tửu quán Mẫu Đơn nổi tiếng nhất trong thành. Nghe qua thì vô lý, vì tửu quán là nơi buôn son bán phấn, còn trà quán lại là nơi thanh cao. Sở dĩ có chuyện lạ như thế vì mẹ cô ấy từng là kĩ nữ, hiện giờ là chủ của tửu quán Mẫu Đơn.

Xuất thân không tốt, nhưng ít người quan tâm tới, vì cô ấy là mỹ nhân đệ nhất kinh thành, cũng là người con gái tài giỏi nhất. Cả một nơi khắt khe về xuất thân như Thanh Hương cũng đồng ý để cô ấy vào.

Nói về tài năng, cô ấy tinh thông nhiều thứ: đàn, múa, cờ, và đặc biệt giọng hát hay không ai sánh được. Hoàng thượng nghe danh, cũng đã từng mời cô ấy vào cung, sau thưởng cho cô ấy bốn chữ ‘ thiên hạ đệ nhất’. Về vẽ, cô ấy không thua một họa sĩ bậc nhất nào chốn kinh thành.

Nói tới Ngọc Điệp, người ta liên tưởng tới hoa sen. Rõ ràng mọc từ bùn đất, khi nở ra lại tỏa hương thanh khiết, khiến người người ca ngợi như vậy. Dù không biết lý do gì mà cô ấy muốn gặp tôi, tôi cũng muốn gặp cô ấy một lần.

***

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN