Cuộc Đời Của Pi
Chương 32
Đêm càng khuya, gió càng mạnh và biển càng động dữ dằn hơn. Sợi dây nối bè với xuồng không còn giật nhẹ nữa mà căng thẳng như một cú giật nẩy người, và cái bè tròng trành mạnh không theo nhịp độ nào nhất định. Nó tiếp tục nổi, cười lên các con sóng, nhưng vì không có mạn che chắn nên sóng nước cứ việc ào qua trên người tôi như một con song chảy qua một hòn đá giữa dòng. Nước biển ấm hơn nước mưa, song người tôi thật không còn một chỗ tí xíu nào khô ráo trong suốt đêm hôm đó.
Ít nhất thì tôi cũng được uống. Thực ra tôi không khát, mà tôi buộc mình phải uống nước. Cái hứng mưa giống như một cái ô để ngửa, một cái ô bị gió thổi lộn ngược. Nước mưa chảy vào chỗ trũng ở giữa, qua cái lỗ, vào cái ống cao – su rồi xuống cái túi chứa bằng nhựa đầy đặn và trong suốt. Lúc đầu, nước có vị cao – su, nhưng chỉ một lúc sau thì mọi thức được rửa sạch và nước uống ngon lành.
Trong những giờ phút dài dằng dẵng, lạnh cóng và tối đen ấy, ù tai trong mưa, vất vưởng trên những ngọn sóng khi biển cả gầm rít, tôi vẫn đinh ninh một ý nghĩ: Richard Parker. Tôi nghĩ ra đủ các kế hoạch để thủ tiêu nó và giành lại chiếc xuồng.
Kế hoạch số một: Đẩy nó ra khỏi xuồng.Liệu có ích gì không? Trước hết là liệu có đủ sức đẩy một con hổ dữ đang còn sống và nặng hơn hai tạ ra khỏi xuồng không? Và chăng nữa, hổ lại là loài thú bơi giỏi. Tại Sundarban, người ta đã thấy hổ bơi hàng trăm dặm ngoài biển khơi sóng dữ. Vậy thì có bị đẩy xuống biển Richard Parker chỉ việc đạp vài cái, trèo lên xuồng trở lại và bắt tôi trả giá cho hành động phản bội của mình.
Kế hoạch số hai: Giết nó bằng sáu ống Morphine: Nhưng cũng không biết morphine có tác dụng gì không. Liệu có đủ để giết nó không? Và tôi sẽ tiên morphine vào người nó như thế nào? Cứ cho là tôi có thể lừa được nó một lần và bất ngờ tiêm một ống. Nhưng làm sao lừa nó sáu lần liên tiếp? Không thể được. Chỉ cần cắm kim tiêm vào nó là tôi sẽ lãnh đủ một cú tát có thể rụng đầu rùi.
Kế hoạch số ba: Tấn công nó bằng tất cả những gì có thể dùng làm vũ khí. Phi lí và nực cười. Tôi đâu phải Tazan. Tôi chỉ là một hình nhân ăn chay yếu ớt và nhỏ bé. Muốn săn giết hổ ở Ấn Độ, cần phải cưỡi voi khỏe và dùng súng lớn. Còn ở đây thì tôi làm thế nào? Ném một quả pháo sáng vào mặt nó chăng? Xông vào nó với hai tay rìu và mồm ngậm dao găm chăng? Giết nó bằng các kim khâu cong và thẳng ư? Làm cho nó ngứa ngáy thôi cũng là một chiến công rồi chứ đừng nói gì đến giết! Và đổi lại, nó sẽ xé tôi ra từng mảnh, chân tay, gan ruột. Một con thú bị thương nguy hiểm hơn một con thú lành mạnh rất nhiều.
Kế hoạch số bốn: Thắt cổ nó. Tôi có dây. Nếu tôi trụ ở mũi xuồng làm sao chạy được sợi dây vòng qua đuôi xuồng, rồi thắt một thòng lọng vào cổ nó, tôi sẽ kéo dây khi nó lao về phía tôi. Như thế, càng cố lao vào tôi, nó sẽ càng bị thít chặt cổ. Một kế hoạch tự vẫn thông mình.
Kế hoạch số năm: Đánh thuốc độc. Phóng hỏa. Phóng điện.Nhưng làm thế nào? Dùng cái gì.
Kế hoạch số sáu: Đánh nhau kiểu vây hãm cho chết đói. Chỉ việc để mặc nó với các quy luật khắc nhiệt của tự nhiên và tôi sẽ chiến thắng. Chẳng phải nhọc sức gì. Cứ đợi cho nó đói khát cho đến chết. Tôi có dự trữ nhiều tháng. Nó có gì? Chỉ một vài con mồi đã chết và sẽ thiu thối rất nhanh. Sau đó nó sẽ ăn gì? Và hơn nữa, nước đâu mà uống. Nó có thể nhịn ăn nhiều tuần lễ, nhưng không có con thú nào, dù khỏe đến đâu, có thể nhịn uống trong một thời gian dài.
Một tia hy vọng nhỏ nhoi lóe lên trong tôi, như ngọn nến trong đêm. Tôi đã có một kế hoạch và là một kế hoạch tốt. Chỉ cần tôi sống sót là thành công.
Ngày rạng và mọi thứ càng tệ hơn. Vì bây giờ, ra khỏi bóng đêm, tôi nhìn thấy cả những gì mà trước đây chỉ có thể cảm thấy: Những màn mưa mênh mang từ các tầng trời cao thẳm đổ xuống như muốn nghiền nát tôi, và những con sóng thay nhau cuốn tôi lên cao rồi dìm tôi xuống thấp.
Mắt đờ đẫn, run lẩy bẩy và tê dại, một tay quắp cái hứng mưa, tay kia bám chặt vào bè, tôi tiếp tục chờ đợi.
Một lúc sau, với sự bất ngờ được nhấn mạnh hơn nữa bằng cái yên ắng tiếp theo, mưa ngừng rơi. Trời trong, và dường như các con sóng đã theo mây mà biến đi. Thay đổi thật nhanh và triệt để, như khi ta đi từ nước này sang nước kia trên đất liền. Bây giờ thì tôi đang ở trên một đại dương khác hẳn. Một lát sau, mặt trời ngự trị trên cái vòm xanh và biển cả là một làn da mịn phản chiếu ánh sáng với ức triệu mảnh gương lấp lánh.
Tôi tê cứng hết người, đau nhức và kiệt sức, chẳng biết có nên mừng vì còn sống hay không nữa. Những từ “Kế hoạch số sáu, kế hoạch số sáu, kế hoạch số sáu”, lặp đi lặp lại trong đầu tôi như một câu thần chú và đem lại một chút an ủi, mặc dù tôi không còn nhớ nội dung của kế hoạch số sáu là gì nữa. Xương cốt tôi bắt đầu ấm trở lại. Tôi gập cái hứng mưa. Tôi quấn chăn quanh người và nằm nghiêng, cuộn tròn sao cho không có chỗ nào chạm xuống đến nước, rồi ngủ thiếp đi. Không biết tôi đã ngủ bao lâu. Tỉnh dậy thì thấy có vẻ đã gần trưa, nóng bức. Cái chăn đã gần như khô. Một giấc ngủ ngắn thật say. Tôi nghển cổ lên, chống một khuỷu tay.
Xung quanh tôi phẳng phiu vô tận, một toàn cảnh vô cùng tận của màu xanh nước biển. Không có gì cản tầm mắt. Cái mênh mang đập vào tôi như một cú đấm thúc vào bụng. Tôi nằm vật xuống, đầu óc quay tít. Cái bè này chỉ là một trò đùa. Nó chỉ là vài cái que và một mẩu nút chai buộc lại với nhau. Nước trào lên qua các kẽ hở. Đáy nước thăm thẳm bên dưới sẽ khiến cho ngay cả một con chim cũng phải chóng mặt. Tôi thấy cái xuồng nó chẳng hơn gì một nửa cái vỏ hạt dẻ. Nó nổi trên mặt nước cũng như mấy ngón tay đang bám víu lấy mép vực thẳm. Sớm muộn gì rồi trọng lực cũng kéo nó xuống mà thôi.
Kẻ cùng cảnh ngộ với tôi xuất hiện. Nó đứng hai chân trước lên mạn xuồng và nhìn về phía tôi. Cảnh tượng một con hổ thình lình xuất hiện thì bao giờ và ở đâu cũng choáng ngợp cả, nhưng nó càng choáng ngợp hơn trong khung cảnh lúc đó. Vẻ tương phản lạ lùng giữa bộ cánh da cam tươi có vằn đen của nó với màu trắng đục của vỏ xuồng thật mạnh mẽ và hấp dẫn không thể tưởng tượng được. Các giác quan mệt mỏi của tôi đột nhiên ngừng hết cả lại như một chiếc xe đang chạy hết tốc lực bị kéo hết phanh. Thái Bình Dương mênh mông là vậy, thế mà đột nhiên giữa chúng tôi, nó trở thành chật hẹp như thể chỉ là một hào nước hẹp, không rào không giậu.
“Kế hoạch số sáu, Kế hoạch số sáu, Kế hoặch số sáu”, tâm trí tôi thì thào khẩn cấp. Nhưng kế hoạch số sáu là cái gì? A, đúng rồi. Chiến tranh vây hãm và bỏ đói. Trò chơi chờ đợi. Trò thụ động. Kệ cho mọi việc tự nó xảy ra. Quy luật sắt của thiên nhiên. Cuộc hành quân không ngừng nghỉ của thời gian và việc tàng trữ lương thực. Đó là kế hoạch số sáu.
Một ý nghĩ ré lên trong đầu tôi như một tiếng thét giận dữ: “Đồ ngu ngốc! Thằng cả đần! Đồ khỉ! Kế hoạch số sáu là kế hoạch dở nhất! Richard Parker đang sợ hãi biển cả như một nấm mồ của chính mình. Nhưng đói khát sẽ làm cho nó hết sợ. Và nó sẽ làm đủ thứ để thoả mãn nhu cầu đó. Nó sẽ biến con hào nước hẹp thành một cái cầu. Nó sẽ bơi đến tận khi nào đến được bè để có thức ăn. Còn nước uống, chẳng nhẽ mi đã quên là ở Sundarbans người ta thấy hổ uống cả nước biển mặn đấy ư? Mi tưởng có thể thi gan với quả thận kiểu đó của nó hay sao? Ta nói cho mi biết, nếu mi phát động chiến tranh vây hãm và bỏ đói, mi sẽ thua! Mi sẽ chết! ĐÃ RÕ CHƯA?”.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!