Cuộc Đời Của Pi
Chương 8
Những con thú hoang bị bắt lúc đã trưởng thành là một ví dụ khác của các con thú có tâm lí bỏ trốn; thường thì chúng đã quá quen với những nếp riêng trong cuộc sống hoang và không còn khả năng thích ứng với môi trường mới.
Nhưng ngay cả các con vật sinh ra và lớn lên trong vườn thú, chưa bao giờ biết thế giới hoang dã, thích nghi hoàn toàn với chuồng trại của mình và không hề căng thẳng với sự có mặt của người, cũng sẽ có những giây phút phấn khích thúc giục chúng tìm cách đào thoát. Hết thảy các loài sống đều mang trong mình một phần tâm lí điên rồ khiến chúng hành xử lạ lùng và đôi khi không thể giải thích nổi. Nhưng cái phần điên rồ này cũng là cứu cánh; nó cũng chính là một phần không thể thiếu của khả năng thích ứng. Không có nó, chẳng có giống loài nào có thể sinh tồn.
Cho dù có lí do muốn trốn là gì đi nữa, điên hay là không điên, những ai vốn chê bai vườn thú nên hiểu rằng thú vật không bỏ chạy đến một nơi nào đó, mà chỉ bỏ chạy khỏi cái gì đó. Có cái gì đấy trong lãnh thổ của chúng đã khiến chúng hoảng sợ – sự đột nhập của kẻ thù, sự tấn công của một con thú đầu đàn, một tiếng động lạ – và gây nên phản ứng trốn chạy. Con vật chạy trốn, hoặc cố chạy trốn. Tôi đã kinh ngạc đọc thấy ở vườn thú Toronto – một vườn thú rất tốt, phải nói ngay thế – những con báo hoa có thể nhảy dựng lên cao tới sáu thước. Chuồng báo hoa của chúng tôi ở Pondicherry có tường ngăn phía sau cao hơn năm thước; tôi đồ rằng Rosie và Copycat đã không nhảy qua tường không phải vì chúng không thể mà vì chúng không muốn mà thôi. Thú vật bỏ trốn từ chỗ quen thuộc ra chỗ lạ – và nếu có một thứ mà loài vật ghét nhất, thì đó là cái lạ lẫm. Những con thú bỏ trốn thường ẩn náu ngay ở chỗ đầu tiên mà nó cảm thấy an toàn, và chúng chỉ nguy hiểm đối với những ai tình cờ xen vào giữa chúng và nơi chúng nghĩ là an toàn đó.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!