Cưới Người Đã Có Vợ (Nụ)
Phần 18
Những ngày ở viện thực sự là những ngày bình yên nhất trong cuộc đời tôi, tôi không phải nghe tiếng nhiếc móc chửi bới đánh đập của mợ cả, không phải sợ những đêm cậu cả dày vò thân xác, càng không phải sống trong sự toan tính của cái Hằng. Ở đây chỉ có tôi, có cậu ba, có những người y tá bác sĩ hiền lành tốt bụng. Ở đây tôi được cậu ba chăm cho từng chút, tự dưng thấy mình chả khác gì mấy cô công chúa tiểu thư ngày xưa. Nhưng rồi…niềm vui nào cũng đến hồi kết, ngày cậu cả thi xong tốt nghiệp cũng là ngày ông bà từ dưới quê lên đón cậu và đón cả tôi về. Vết thương của tôi cũng đã lành lặn, trên mặt chỉ có vết sẹo nho nhỏ mờ mờ, ông bà lên vừa nhìn thấy tôi còn nói:
– Nằm viện về trông béo khoẻ lên nhỉ? Thế mà thằng ba nói yếu lắm suýt còn không qua khỏi.
Cậu ba thấy vậy thì nghiêm mặt đáp:
– Thầy mẹ không tin có thể hỏi bác sĩ, bệnh án thế nào con gửi về cho thầy mẹ như vậy mà?
Bà nghe vậy thở dài đáp:
– Thế những ngày con Nụ nằm viện ai chăm nó? Mẹ không dám nói với ai là mày mang con Nụ lên đây, sợ người ta nói ra nói vào.
– Bạn gái con chăm. Chứ mẹ nghĩ con đàn ông đàn ang đi chăm sao được cô ấy.
Nghe cậu nói vậy thì bà ngạc nhiên lắm hỏi lại:
– Mày có bạn gái bao giờ? Ở đâu? Làm gì?
– Ở thủ đô này luôn, thầy mẹ cô ấy cũng làm bác sĩ hết,
Tuy biết cậu ba nói thế cho bà đỡ nghĩ cậu một tay chăm sóc tôi mà sao nghe đến từ bạn gái tôi vẫn thấy buồn buồn sao á. Bà còn hỏi thêm mấy câu nhưng cậu ba không trả lời nữa mà gạt đi. Tôi cũng không biết cậu ba trước nói với ông bà những gì mà giờ chẳng thấy nhắc lại chuyện tôi khiến mợ cả sẩy thai. Mà thực ra cũng đúng thôi, trước nghe cái Hằng nói trong nhà cậu ba có tiếng nói nhất vì cậu học cao nhất, tuy có vài lần cãi nhau với ông bà vì những tư tưởng xưa cũ nhưng nhiều chuyện cậu nói ra ai cũng nghe theo răm rắp. Tôi lén nhìn cậu ba, cậu ăn nói thực sự rất thuyết phục, mà nói có sách mách có chứng, lại thêm phần nhờ mấy mối quan hệ cậu có được những tờ giấy đóng dấu đỏ chói nên mọi người tin cũng đúng thôi.
Khi tôi, cậu ba và ông bà về đến nhà đã thấy cái Hằng đứng ngoài cổng cười tíu tít. Nhìn mặt nó tôi chỉ hận không thể vả cho gãy hết răng, thế mà nó vẫn làm như không có chuyện gì xảy ra. Mợ cả thì vẫn ngồi trong buồng, thấy tôi về mợ lặng thinh không chửi không mắng. Nhưng mợ càng thế tôi càng cảm thấy sờ sợ. Cũng may cậu ba đã làm tư tưởng cho tôi trước rồi nên tôi cũng an tâm phần nào.
Tôi mang đồ về buồng cất, vừa cất xong thì có tiếng cửa mở, cái Hằng bước vào rồi đóng chặt then cửa sau đó kéo tôi xuống giường nói:
– Mợ hai, mợ đã khỏi hẳn chưa? Gần tháng nay ở nhà con lo chết đi được á.
Tôi không dám tin rằng con này nó vẫn có thể trơ trẽn mặt dày đến mức này. Thế nhưng tôi vẫn cười đáp lại:
– Cảm ơn Hằng đã lo cho tôi.
Nó nghe xong cúi mặt rồi bất chợt khóc nức nở, vừa khóc vừa nói:
– Mợ hai, con xin lỗi mợ.
– Sao mà xin lỗi?
– Xin lỗi vì đã không dám nói ra sự thật.
– Sự thật gì?
– Sự thật mợ cả bị sẩy thai là do cơ địa của mợ ấy. Hôm đó lúc mợ về ngoại tự dưng mợ cả chảy máu rồi sẩy thai, nhưng mợ ấy sợ ông bà chửi mắng nên đổ vấy cho mợ. Mợ ấy cấm con nói sự thật, nếu con nói ra mợ ấy sẽ đánh chết con, con chẳng còn cách nào khác đành im lặng để mợ chịu oan. Cũng may giờ cậu ba minh oan được cho mợ rồi nếu không con chết cũng không rửa hết tội.
Tôi nhìn nó, eo ơi trông kìa, cái mặt nó mới ngây thơ chân chất làm sao? Lời nói của nó cũng có tình có lý thật luôn nha. Nếu là tôi của vài tháng trước có khi tin tưởng tuyệt đối, nhưng giờ thì không! Phải rồi nó đâu biết rằng cái giấy xét nghiệm cậu ba gửi về chỉ là giả, nó đâu biết rằng cái món thịt kho nghệ của nó thực sự có chất gây sẩy thai trong đó, hôm đi cậu ba đã đổ vào chiếc hộp đạy nắp kín rồi đút vào túi, chỉ là cậu ba xét nghiệm rồi giấu nhẹm đi thôi. Phải rồi mợ cả không chịu tin tôi chắc chắn vì con Hằng bơm đểu, bởi duy nhất chỉ có nó biết món thịt kho nghệ có vấn đề. Vả lại, rõ ràng thái độ mợ cả hận tôi như vậy, nếu mợ tự khiến mình sẩy thai chắc chắn mợ chẳng bao giờ có thể ra tay tàn nhẫn như vậy với tôi. Mợ ác thì ác thật nhưng mợ không phải con người thâm độc. Rồi lại cả việc nó đổ món thịt kho nghệ lên đầu tôi, rồi chối bay chối biến sao mà nó có thể giả tạo đến mức này nhỉ? Nếu không phải cậu ba nói trước có khi giờ tôi cũng tin thật luôn ý chứ. May thế chứ nị. Thế nhưng nó đã muốn diễn tôi cũng diễn cùng cho vui, tôi liền cười đáp lại:
– Ừ tôi hiểu mà. Tôi biết cả rồi.
Nó thấy tôi nói vậy càng khóc lóc tợn, vừa khóc vừa ôm chầm lấy tôi kể lể. Nào là suốt thời gian qua nó thương tôi không đêm nào ngủ được, nào là con thương mợ đứt ruột đứt gan, nào là mợ ơi con hèn con không dám nói, nào là mợ cả hành con coi con còn chẳng bằng súc vật vì con bênh mợ.
Càng nghe càng thấy thê lê, sướt mướt hơn cả trên phim ảnh. Nó kể nhiều lắm, cho đến khi có tiếng bà giục nó lên dọn cơm nó mơi chịu thôi.
So với mợ cả, con Hằng quả thực thâm và cao tay hơn rất nhiều, mợ cả có đành hanh thì ít nhất cũng còn khiến cho tôi biết mà né, chứ cái thứ thảo mai thảo cỏ miệng nam mô bụng một bồ dao găm này khiến tôi chẳng biết đâu là lần. Cũng may có cậu ba giờ tôi đã tỉnh táo đôi chút!Lúc tôi và con Hằng lên dọn cơm mợ cả mới từ ở buồng bước ra, trông mợ có chút hồng hào hơn hôm tôi đi nhưng ánh mắt vẫn nhìn tôi căm phẫn lắm. Tôi đặt nồi cơm còn chưa kịp ngồi xuống mợ đã rít lên:
– Cút xuống kia, cả mày và con Hằng từ nay không được phép ngồi ăn cơm cùng cả nhà ngứa mắt tao.
Bà nghe mợ cả nói vậy xua xua tay tôi rồi nói:
– Thôi hai đứa bay đi xuống dưới đi, chiều ý nó một tý.
Con Hằng thì gật đầu đưa tay quệt nước mắt đáp:
– Dạ, mợ cả muốn ăn gì, thèm gì cứ bảo với con nhé để sau con đi chợ nấu nhé. Nhìn mợ xanh xao quá hôm nay con hầm ít gà lá ngải không biết mợ có thích ăn không?
Ôi giời cái giọng con Hằng mới ngọt làm sao, cảm động đến mức mợ cả cũng rưng rưng. Mợ ngồi xuống thở dài nói:
– Thôi, con Hằng ngồi xuống đây ăn đi, dù sao cũng ở đợ cả mười mấy năm rồi cũng như người nhà. Chả đâu như cái thứ ôn dịch hôi hám kia.
Tôi hiểu ý mợ, liền lủi thủi đi xuống, cậu ba định nói đỡ cho tôi nhưng tôi chỉ lắc đầu gạt đi. Giờ cậu càng bênh mâu thuẫn của tôi và mợ cả càng nặng nề thêm thôi. Tôi đi xuống bếp ngồi dưới đó, mùi khói củi bốc lên khiến mắt mũi tôi cay xè. Bên trên nhà có tiếng cười nói vui vẻ, tôi bỗng thấy mình cô đơn đến tội nghiệp. Khi ăn xong có tiếng bà gọi:
– Nụ, lên dọn đi với con Hằng.
Tôi nghe vậy liền lật đật chạy lên, chẳng ngờ mợ cả liền đổ hết bát xương gà lẫn xương cá vào nồi cơm trộn lên rồi nói:
– Hằng mang cái này ra kia đổ cho chó ăn.
Cậu ba thấy vậy thì quát lên:
– Chị cả, cơm đó để cho cô Nụ sao chị lại đổ xương gà vào?
– Ôi giời chị quên mất, từ hồi mất con nên lú lẫn lại tương mọi người ăn hết rồi. Thôi Nụ chịu khó nhặt hết đống xương đi giúp mợ nhé.
Tôi nhìn nồi cơm nham nhở xương xẩu, chẳng cần nói cũng biết mợ cả cố ý. Ngày xưa đọc Tấm Cám thấy dì ghẻ trộn đậu đen đậu trắng với nhau cho Tấm nhặt đã thấy khổ, giờ thấy mình còn khổ hơn cả Tấm. Ông bà thì chau mày nói mợ cả mấy câu rồi cũng đi vào trong, sau đó bà ném cho tôi cái bánh rán từ sáng bảo tôi ăn cho đỡ đói chứ cơm với xương thế kia có mà nhặt đằng trời. Tôi thở dài cầm chiếc bánh rán nhét vào trong túi áo rồi bê mâm bát đi ra giếng rửa, con Hằng vừa múc nước vừa nói nhỏ:
– Mợ cả ác thật mợ nhỉ? Chắc mợ ấy vẫn hậm hực với mợ. Rõ mợ có sai gì đâu cơ chứ? Thôi mợ vào đi để con rửa bát cho, sáng vừa đi xe cũng mệt rồi.
Thực mà nói tôi cũng không hiểu sao trên đời có một con như con Hằng được. Học hành chả đến đâu, mới tý tuổi đầu mà mưu mô, giả tạo không ai bằng. Bằng tuổi nhau mà tôi thấy mình chả khác gì con ngố, còn nó thì còn ác hơn nhưng bà phi tần ngày xưa luôn ý. Tôi cười cười đáp lại:
– Thôi để tôi rửa cho, không sao đâu.
– Thế mợ rửa con tráng cho. Mà nha những ngày mợ đi ấy mợ cả suốt ngày ở nhà chửi bới mợ. Con nghe đâu mợ ấy còn cho người đến doạ nạt ngoại của mợ cơ, mà ngoại mợ còn đang ốm yếu chứ.
Nghe con Hằng nói tự dưng tôi tức sôi máu, ghét tôi thì đụng vào tôi cũng được hà cớ gì tìm ngoại tôi. Dù sao ngoại tôi cũng ở tuổi gần đất xa trời, để ngoại sống thanh thản vui vẻ những năm tuổi già cũng không được sao? Nghĩ vậy tôi định đứng dậy vào tìm mợ cả, nhưng rồi tôi như sực tỉnh ra. Sao tôi lại suýt mắc mưu con Hằng lần nữa nhỉ, nếu như có người gây sự với ngoại chắc chắn không phải là mợ cả mà chính do con Hằng xúi giục. Tôi liền bình thản đáp:
– Thế à?
– Mợ không quan tâm hả?
– Không phải tôi không quan tâm, nhưng thân phận nghèo hèn thế này biết phải làm sao? Mợ cả đã muốn làm khó tôi cũng đành chịu.
– Nhưng…
– Nhưng gì nữa rửa bát đi không tý mợ cả ra lại chửi cho bây giờ.
Con Hằng thấy vậy thì ừ ừ gật gật sau đó là chuyên mục kể xấu mợ cả. Nào là con thấy mợ hiền lành nhưng ứ hiểu sao mợ cả cứ ác cảm nhỉ, mợ cả hình như ghen tỵ với mợ á, mợ cả đành hanh mợ nhỉ, mợ cả cứ ác ác sao á bảo sao không có con cũng đúng.
Tôi nghe nó nói mà sốt cả ruột, chỉ muốn táng hết đống bát vào cái mõm nó cho nó bớt tạo nghiệp.
Rửa bát xong mắt mũi tôi cũng hoa cả lại, định về buồng ăn cái bánh mà mới đến cửa bếp đã gặp ngay mợ cả. Mợ đưa tay vào túi giật chiếc bánh rồi ném thắng vào đống củi đang cháy đỏ rực. Tôi thấy vậy liền vội vàng cúi xuống nhặt, thế nhưng chiếc bánh bọc trong lớp báo đã bị vùi vào ngọn lửa. Mợ cả nhìn tôi khinh bỉ nói:
– Cái loại mày sống vẫn dai nhỉ, tao không nghĩ trên đời này có loại mặt dày như mày đâu. Mày ác ôn thế lương tâm có bao giờ cắn rứt không?
Tôi thở dài đáp lại:
– Mợ, thực sự con không hề…
Nhưng tôi còn chưa nói hết câu mợ đã tát tôi một cái, hình như sau bao ngày không gặp mợ dồn hết sức lực, hết thù hận vào trong cái tát này. Cái tát khiến tôi nổ đom đóm mắt, mũi cũng như gãy ra đến nơi.
Tôi biết mình chẳng nên giải thích nữa liền đi qua mợ, nhưng chẳng ngờ mới đi được hai bước mợ đã nắm tóc tôi rồi một phát đẩy mạnh khiến tôi ngã dúi dụi vào siêu nước đang sôi sùng sục trên bếp. Bàn tay tôi bị nước sôi làm cho bỏng rát, cũng may siêu nước chỉ bị xiêu vẹo chứ không đổ hết lên người tôi, chỉ có bàn tay là đỏ au. Mợ cả cười cười nhếch mép rồi đi lên nhà, tôi ra sau bể múc ít nước ngâm. Ngâm xong tôi liền đi về buồng, lúc đi qua bỗng dưng thấy cánh cửa buồng cậu ba cũng mở toang. Trời lúc này đã nhá nhem tối, có ánh điện le lói chiếu bóng cậu lên nền đất. Tôi vừa đi đến cánh cửa cậu liền gọi:
– Nụ…cầm lấy ăn đi.
Nói rồi cậu thò tay qua song cửa đưa cho tôi một túi xôi ruốc, tôi còn đang ngơ ngác cậu đã nói:
– Mau lên không tý con Hằng lại thấy bây giờ.
Tôi vội vàng nhận lấy, đột nhiên cậu cau mày hỏi:
– Tay bị sao thế này?
– Tôi…tôi không sao
– Thế này mà bảo không sao à? Định qua mắt bác sĩ hả?
– Tôi bất cẩn làm nước sôi đổ vào tay.
Cậu ba thở dài không đáp, kéo phần cổ tay tôi vào trong phía buồng cậu sau đó lấy thứ thuốc man mát thoa lên. Cậu thoa đến đâu tôi thấy dịu hẳn đến đó, thoa xong cậu liền nói:
– Bị bỏng tay phải, chắc lại chị cả khiến cô thành ra như vậy đúng không? Từ nay tránh đụng chạm chị cả đi, thấy chị ấy ở đâu thì né xa ra, trừ khi chốn đông người.
Tôi định đáp thì có tiếng cái Hằng phía sau:
– Mợ hai…mợ đang làm gì vậy?
– Tôi đang mượn quyển sách của cậu ba để đọc thôi.
Vừa nói tôi vừa nhét nắm xôi vào trong túi rồi đi về buồng. Vừa ngồi xuống giường con Hằng cũng đã đi theo. Nó đưa cho tôi hai cái bánh bao rồi nói:
– Mợ ăn đi, con vừa giấu ông bà chạy đi mua cho mợ đấy.
– Cảm ơn Hằng nhé.
– Không có gì đâu, mợ ăn đi cho nóng nhé. Không đêm lại đói.
– Ừ tôi biết rồi, tý tôi ăn.
– Mợ nhớ phải ăn nhé, đừng có nhịn không là không có sức đâu.
– Tôi biết rồi mà
Nó cười hì hì rồi chạy ù lên nhà, tôi nhìn hai cánh bánh bao, có chỗ bị bấu vào đến bên trong ruột bánh. Kể ra trước nhìn tôi cũng thấy bình thường, mà giờ không hiểu sao tôi cứ liên tưởng con Hằng cho gì vào bánh. Thấy thế tôi liền ném thẳng xuống gầm giường sau đó ăn túi xôi cậu ba mua cho rồi đi tắm táp.
Đến khi đêm xuống, xung quanh đã bắt đầu chìm vào giấc ngủ tôi liền lên gõ cửa sổ buồng cậu ba. Tôi gõ đúng hai nhịp thì có tiếng cọt kẹt sau đó cánh cửa từ từ hé ra. Cậu ba nhìn tôi khó hiểu hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
– Cậu ba tôi nhờ cậu một việc được không?
– Nói đi
– Cậu có thể giúp tôi nhờ người về qua xem ngoại tôi thế nào, có ổn không? Với cậu làm bác sĩ, nếu được cậu có thể đến thăm khám qua xem ngoại tôi bị sao được không? Dạo này ngoại tôi hay bị ốm lắm.
Cậu ba không đáp, tôi không kìm được van xin:
– Cậu giúp tôi đi mà, tôi không đi được mới phải nhờ cậu.
– Được rồi…mai tôi sẽ đi nhưng…
– Nhưng sao ạ?
– Nhưng tôi lo cô ở nhà sẽ bị bắt nạt.
– Không sao đâu, tôi sẽ cố gắng tránh xa mợ cả.
– Vậy cô phải tự biết bảo vệ mình nhé, mai trưa ăn cơm xong tôi qua rồi tối về
– Dạ cảm ơn cậu ba.
– Ừ thôi về đi ngủ đi.
Tôi gật đầu chạy ù về đóng cửa buồng, cả tháng nay không biết ngoại thế nào, cứ nghĩ đến hôm về ngoại ốm lại trào cả nước mắt ra. Cũng may có cậu ba giúp tôi, lần này tôi bằng giá nào có quỳ xuống cũng mong cậu sẽ chữa được bệnh cho ngoại.
Tôi cứ nằm nghĩ vẩn vơ rồi cuối cùng ngủ thiếp đi. Đến khi trời sáng vừa mở mắt tôi đã thấy tiếng ồn ào rồi có tiếng bước chân tiếng đập cửa mạnh. Tôi vội vàng bật dậy, vừa mở cửa đã thấy con Hằng hớt hơ hớt hải nói:
– Mợ hai…mợ hai…ngoại mợ…ngoại mợ mất rồi.
Tôi nghe nó nói đến đây, bật cười, con điên này lại định chơi đểu tôi chứ gì. Thế nhưng tôi chưa kịp cười đã thấy giọng bà Nghị phía ngoài sân, bà đang nói với bà Quế:
– Mất từ đêm hay sao ấy chứ, dạo này bà ấy đã ốm sẵn mà chẳng biết từ đâu có đám người suốt ngày đến gây sự phiền nhiễu. Sáng tôi qua thấy tắt thở liền gọi bác sĩ gần đó, bà này có tiền sử nhồi máu cơ tim, đêm qua cái đám người kia lại đến gây sự. Có khi bả ức quá lên cơn rồi chết ấy chứ.
Tôi nghe xong, bỗng dưng toàn thân sững lại. Con Hằng lấm la lấm lét nhìn tôi, lúc này tôi không còn để ý được chạy vội ra sân. Bà Nghị nhìn thấy tôi thì vội vã nói:
– Nụ, đi thôi con.
Nghe bà nói đến đây tôi không kìm được khóc nức nở, vừa khóc vừa nói:
– Bà Nghị, ngoại con…ngoại con…
– Bà ấy mất từ đêm qua rồi, sáng nay bà mới biết. Thôi đừng đứng ở đây nói nhiều nữa đi về không muộn
Tôi vẫn không kìm được, nước mắt nhoè đi, lúc đi qua buồng mợ cả thấy mợ vẫn đang ngồi, hai mắt mợ nhìn xa xăm tay thì ôm con búp bê nhỏ còn ru à ơi. Không hiểu sao tôi liền quay thẳng lại nhìn vào con Hằng, ánh mắt nó chạm ánh mắt tôi nhưng rồi nó liền bật khóc nói:
– Mợ hai, mợ đi sớm đi, có lẽ ngoại mợ đang chờ mợ đấy.
Tôi không đáp chạy vội theo bà Nghị ra đường bắt xe ôm về. Suốt quãng đường về nhà tôi đã ngàn vạn lần hỏi bà Nghi rằng:
– Bà ơi, ngoại con mất thật sao? Hay bà nhầm
Thế nhưng cho dù hỏi thế nào tôi cũng chỉ nhận được cái gật đầu đầy tàn nhẫn. Tôi dường như vẫn chưa thể tin nổi điều ấy, cho đến khi về đến cửa nhà, thấy ngoại tôi được người ta kê nằm ngay ngắn ở gian giữa, mắt ngoại mở ra trừng trừng, hai tay buông thõng, môi chỉ có một màu nhạt thếch tôi mới hiểu ra! Bà Nghị không nói dối! Tôi không còn giữ được bình tĩnh, lao thẳng đến nơi ngoại đang nằm, bàn tay ngoại lạnh giá không một chút hồng hào. Tôi nắm tay ngoại gào lên khóc, nước mắt rơi rớt xuống dưới cả gò má ngoại. Nhưng tôi có khóc bao lâu ngoại vẫn chẳng tỉnh lại. Ngoại cũng bỏ tôi mà đi, cũng để tôi bơ vơ lại giữa trần thế cơ cực. Trên đời này còn mỗi tôi và ngoại nương tựa vào nhau mà ngoại cũng nỡ bỏ tôi đi mất, chẳng phải chỉ gần tháng trước ngoại còn cười nói với tôi sao? Tôi vừa khóc, vừa trách bản thân mình, cứ nghĩ đến ngoại ốm đau vẫn phải ăn bát cơm trắng với cá khô tôi lại thấy mình bất hiếu vô cùng. Một thân một mình ngoại ở căn nhà nhỏ này nhìn đâu cũng thấy xót xa. Bà Nghị thấy tôi khóc nhiều quá liền nói:
– Nụ, vuốt mắt cho bà con đi.
Tôi đưa tay lên khuôn mặt nhăn nheo, khẽ vuốt đôi mắt mở ra đầy oan ức của ngoại. Vừa vuốt tôi vừa khóc nấc lên, đế giờ mới hiểu ngoại đã thực sự bỏ tôi mà đi. Bỗng dưng tôi nhớ lại lời bà Nghị nói với bà Quế ban nãy liền nghẹn ngào hỏi lại:
– Bà Nghị, bà nói có đám người nào đến gây sự với ngoại con sao?
– Ừ, mấy lần rồi, có đêm bà đi ra vườn tự dưng thấy ồn ào, chạy sang thấy hai thằng đang chửi mắng bà Cốm còn nói là do con ác ôn nên khiến ai đó sẩy thai gì nữa bà không nghe rõ. Mấy lần như vậy ba Cốm tức lắm, đã bệnh lại càng thêm bệnh.
Tôi nghe xong, cơn uất ức trào lên. Chẳng lẽ thực sự mợ cả làm vậy thật sao? Tôi đưa tay quệt ngang dòng nước mắt hỏi lại:
– Bà có biết mấy người đó không? Có phải gia đinh nhà con không?
– Không phải đâu, hội thằng Bình bà biết mà, nhưng đám này là lạ. Có hai thằng gì thôi mà chúng nó chửi rửa kinh khủng lắm. Nghe giọng thì giông giống kiểu giọng con bé ở đợ nhà bà Quế ấy. Mà này, hình như nói bà mới nhớ, lúc sáng sớm nay bà đi lên đấy sớm hình như bà thấy con bé ở đợ đấy nói chuyện với một thằng mà nhìn phía sau giống một trong hai thằng đến đây gây sự lắm nha. Hay bà hoa mắt chóng mặt nên nhìn nhầm nhỉ?
Hai tay tôi nắm chặt vì cơn phẫn uất. Bà Nghị không nhìn nhầm! Từ nay đi qua buồng mợ cả tôi đã có linh cảm không phải mợ cả làm rồi, đến giờ càng khẳng định mọi chuyện do con Hằng sắp xếp. Bằng chứng không rõ ràng, nhưng tôi đâu có ngu mà không nhìn ra được thái độ của nó.
Tôi đặt tay ngoại xuống chiếu, vừa khóc vì nhớ thương ngoại, vừa khóc vì bản thân bất hiếu, lại trách mình ngu muội đần độn.
Càng nghĩ lại càng xót xa, xót xa cho ngoại, xót xa cho chính bản thân mình.
Mấy người hàng xóm nhìn thấy vậy thì kéo tôi ra ngoài, có người còn tốt bụng lấy cho tôi cốc nước. Nhưng tôi không uống nổi, chỉ trân trân nhìn ngoại nằm bất động mà lòng quặn lại. Bỗng dưng bên ngoài có tiếng xôn xao, có cậu ba và ông bà Hiệp Quế bước vào. Mấy người hàng xóm chưa biết chuyện thì xì xào:
– Thằng Quyền đâu, chồng con Nụ đâu sao không thấy về?
Bà Quế nghe vậy dịu dàng đáp lại:
– Quyền nó chưa kịp về, nó đi làm xa nên nhà tôi mới báo tin.
Bà nói đến đâu nhanh chóng bước vào đến đó, bên ngoài mấy người gia đinh khiêng chiếc quan tài vào còn có cả vòng hoa được xếp bên ngoài. Cậu ba thì lo cùng mấy người gia đinh đưa bà tôi vào áo quan, tôi nhìn ngoại lại càng khóc nấc lên. Bà Quế đến bên cạnh rồi nói:
– Nụ, đừng khóc nữa, người cũng đã mất rồi, giờ lo tang lễ cho bà xong xuôi đi. Nhà thì có mỗi hai bà cháu, giờ mày khóc lóc thế này ai lo cho bà mày mồ yên mả đẹp.
Nghe bà Quế nói trong lòng tôi cũng chẳng nguôi đi chút nào, nhưng tôi biết lời bà chẳng sai. Nghĩ vậy tôi liền quệt nước mắt gật đầu, bà Quế nhìn tôi đầy thương cảm không nói gì. Thực ra tôi biết bà ông bà sang đây lo tang lễ là vì lời hứa trước kia khi tôi bước chân vào nhà làm lẽ, nhưng lòng tôi vẫn có đôi phần cảm kích.
Mấy người hàng xóm khen gia đình chồng chu đáo, có lẽ ngoại tôi nằm kia cũng được an ủi phần nào.
Tang lễ xong cho ngoại tôi cũng đến chiều, ngoại được đưa ra đồng, mộ đắp sát cạnh mộ thầy mẹ tôi. Hàng xóm cũng về hết, ông bà Hiệp Quế và cậu ba cũng về. Tôi xin ở lại một đêm bên cạnh bà mai sẽ về sớm, cũng may ông bà không làm khó mà đồng ý cho tôi ở lại.
Đêm ấy trong căn nhà gỗ đơn sơ chỉ có một tôi, tôi đốt ngọn đèn dầu đặt lên ban thờ, nhìn di ảnh của ngoại nước mắt thế lại rơi ra. Bóng tôi chiếu lên vách nhà cô đôi đến tội nghiệp. Những ngày ngoại ở đây một mình có lẽ cũng cô đơn như tôi lúc này. Tôi cứ ngồi sụp dưới chân bàn thờ lặng lẽ để mặc cho đau đớn bủa vây. Rốt cuộc thì tôi còn ai để cho hy vọng mà sống, đến ngay cả người thân duy nhất cũng chẳng còn nữa rồi. Càng nghĩ lại càng hận con Hằng thấu xương thấu tuỷ. Tôi chắp tay nghẹn giọng nói:
– Ngoại, nếu ngoại có thiêng thì phù hộ cho con, con nhất định bắt nó phải trả giá.
Thế nhưng xung quanh chỉ có tiếng im ắng, con Hằng ác hơn con quỷ tôi vừa mới chữa trị vết thương do mợ cả gây ra về đã phải gánh thêm chuyện này. Nó còn định đổ vấy cho mợ cả, ắt hẳn giờ nó vẫn nghĩ tôi hận mợ cả ghê lắm. Nhưng mà…dẫu sao ngoại tôi cũng là người già cả, ngoại có gây tội gây tình gì đâu mà nó tàn nhẫn vậy chứ? Ngày xưa ngoại tôi mắc bệnh tim, lại thêm đợt vừa rồi đi phẫu thuật ở phổi, nó chửi mắng, nó xúc phạm thì dù cho ngoại không bệnh cũng ngã bệnh ra thôi. Càng thương ngoại nỗi hận thù càng nhiều, đến bào thai mợ cả nó cũng không tha, đến ngoại tôi nó cũng phải dồn vào đường chết thì nó còn gì mà không làm được?
Khi tôi nằm ngồi đó, khóc chán chê rồi ngủ thiếp đi, lúc tôi đang ngủ bên ngoài chợt có tiếng lạch cạch. Tôi vừa kịp mở mắt thì đã nhìn thấy một bóng đen quen thuộc bước vào. Dưới ngọn đèn dầu tôi nhận ra đó là cậu ba, cậu cầm một chiếc cạp lồng trên tay rồi nói:
– Nụ, cô ăn đi, ăn một chút chứ đừng bỏ đói bản thân, cả ngày tôi thấy cô chưa ăn gì.
Tôi nhìn cậu kinh ngạc hỏi lại:
– Sao cậu…sao cậu lại ở đây?
– Tôi trốn ra đây, vì tôi không yên tâm, sợ cô kiệt sức mà ngất ra thì khổ…
Cậu vừa nói xong bất chợt tôi nghe uỳnh một phát sau đó cậu nằm vật ra nền đất, cháo cũng tung toé khắp nơi. Còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì tôi đã bị bịt miệng rồi lôi đi. Tôi nhìn cậu ba nằm trên nền đất cố giãy giụa gào hét nhưng bất thành chỉ có những tiếng ú ớ giữa không gian tĩnh mịch.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!