Cưới Người Đã Có Vợ (Nụ) - Phần 52
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
3262


Cưới Người Đã Có Vợ (Nụ)


Phần 52


Tối hôm ấy chị Thư không về, chị nấu cơm với bà bắt tôi với mợ cả đi nghỉ. Chị bảo với tôi chị muốn lấy lòng cậu hai nhưng tôi cũng hiểu chị lấy lòng cậu hai một phần thôi, mà chị muốn giúp đỡ tôi với mợ cả nhiều hơn. Chẳng thế mà cả tối đó ăn cơm dọn dẹp xong chị còn xông xáo giúp tôi với mợ cả nấu chè.

Chị Thư nhìn có vẻ bộp chộp nhưng nấu ăn rất ngon và tỉ mỉ. Khi nồi chè cuối cùng xong chị mới nhìn ra ngoài trời rồi nói:

– Ối, khuya mất rồi, chị còn chưa tắm táp gì nữa. Làm sao đây trời còn tối, ai đưa chị về đây.

Chị nói đến đâu hướng ánh mắt về cậu hai đến đấy, cậu hai liền chạy vào lấy chiếc áo bông khoác lên người chị đáp lại:

– Mặc vào đi cho đỡ lạnh rồi tôi đưa về.

– Nhưng nhà em xa lắm đấy, đi hết mấy cánh đồng rồi còn phải đi sang cuối làng mới đến.

– Không sao đâu, tôi đi được mà.

– Nhưng em sợ em không đi được, nãy đứng chân em mỏi nhừ quá.

– Không đi được thì tôi cõng.

Tôi nghe xong không kìm được bật cười, chị Thư năm nay hai lăm, hai sáu tuổi rồi. Ở quê thế là ế, chị tuy được cái xinh đẹp nhưng tầm này chưa chồng người ta vẫn cứ dị nghị. Thế nên chắc mới nghe tin cậu hai ly dị vợ chị định úp sọt cậu luôn chắc. Mặt chị chưng hửng nhìn cậu hai rồi chào ông bà sau đó lững thững đi men theo cánh đồng. Cậu hai cũng đi ngay phía sau, dưới ánh trăng bóng hai người đổ dài xuống ao. Tôi nhìn theo mà lòng dạ cũng thấy hạnh phúc lây.

Mợ cả giục cậu cả, cậu ba kéo nồi chè đạy kín rồi chui vào lều. Trời tuy giá rét nhưng trong lều ai cũng mấy cái chăn bông. Chính ra có khi ở đây lại hay, vừa được hít khí trời, lại vẫn không sợ lạnh giá. Nói là ra ao ở chứ thực ra vẫn còn sướng chán, chăn ấm đệm êm, có màn mắc nên chả con muỗi nào chui được vào.

Cậu ba kéo tôi, bấu vào eo tôi rồi nói:

– Tôi thương mợ quá, tự dưng nhà thế này mợ phải chịu khổ cùng tôi.

– Cậu hấp, nói linh tinh, thế này mà cậu đã bảo khổ á? Hồi bé nha tôi còn ở với thầy mẹ ở tàu đánh cá, màn không có muỗi cắn sưng người. Mùa đông chăn không đủ ấm, mùa hè quạt nan không đủ mát cơ.

– Kệ chứ, tôi vẫn thương mợ đấy.

Tôi nhìn cậu, tự dưng không hiểu sao mà sống mũi cứ cay cay. Hai vợ chồng cưới nhau trải qua chẳng biết bao nhiêu sóng gió, giờ đây tiền bạc đều đổ lên vai cậu gánh vác. Cậu cả, cậu hai giờ chưa có việc để làm chỉ ở nhà. Sáng nay cậu ba phải ứng trước tiền lương đưa cho tôi chi tiêu, tôi vuốt vuốt tóc cậu rồi nói:

– Cậu lúc nào cũng thương, cũng lo nghĩ cho tôi. Nhưng tôi chả bao giờ thấy cậu lo cho bản thân. Từ lúc lấy tôi không thấy cậu mời anh em bạn bè đi nhậu, cũng chẳng thấy cậu mua cho mình bộ quần áo nào tử tế nữa. Tiền nong cậu đưa hết cho tôi rồi cậu lấy gì mà tiêu?

– Tôi có cần tiêu gì đâu mà, vả lại tôi có vợ rồi cần gì đẹp mà mua quần với chả áo. Chỉ cần ngày hai bữa có cơm ăn là được rồi, giờ mợ chửa to thế này còn sinh đôi, không tiết kiệm sau này đẻ đái rồi chẳng biết lấy gì nuôi con ấy.

Tôi chẳng biết nói gì nữa, chỉ thấy nước mắt trào ra hai bên khoé mắt. Cậu đưa bàn tay chạm lên mặt tôi rồi nói:

– Mợ đừng khóc, tôi thương lắm. Thực sự càng nghĩ càng cảm thấy cuộc đời tôi lấy được mợ là phúc phần của tôi.

Cậu ba tự dưng nói mấy lời sến sẩm, tôi nghe xong bật cười, đêm ấy, tự dưng tôi ngủ rất ngon. Sớm hôm sau tôi với mợ cả lại ra chợ bán chè. Hôm nay chị Thư được nghỉ nên cũng theo chân ra giúp đỡ. Cậu ba gánh chè xong thì lên huyện, cậu cả, cậu hai thì đi tìm việc để làm.

Cũng chẳng biết phải có duyên với buôn bán hay không mà việc bán chè của tôi với mợ cả ngày càng thuận lợi. Chỉ hơn một tuần mà kiếm được số tiền lớn hơn cả mức quy định.

Mà lại nói đến chị Hà, chị đi biệt tích từ ngày đó đến tận ngày mợ cả sinh chị mới về. Đó là vào một buổi sáng còn chưa kịp gánh chè đi bán tự dưng mợ cả đau bụng đẻ. Xe của cậu cả đã bán nên thầy mẹ mợ phải chạy sang đưa mợ lên viện. Lúc tôi sắp quần áo cho mợ thì thấy chị Hà về, chị nom mặt vui vẻ lắm. Nhà có mỗi tôi, cậu hai, cậu ba ở nhà, chị Hà chẳng thèm chào ai mà vênh mặt nói:

– Tôi đã nói rồi, anh đừng bao giờ đi tìm tôi nữa tại sao vẫn cứ tìm. Toà có gọi tôi khắc biết anh không cần phải đên làm phiền tôi như vậy. Giờ tôi với anh đi giải quyết cho dứt điểm được chưa?

Ừ nhỉ, nói tôi mới nhớ ra vài ngày trước cậu hai có đề cập đến chuyện hôm nay là ngày cậu và chị Hà ra toà dứt điểm ly hôn. Thế mà cứ mải mê nhiều chuyện mọi người cũng chẳng quan tâm được nữa. Cậu hai đứng dậy hỏi lại:

– Em nghĩ kỹ chưa?

– Tôi nghĩ kỹ lắm rồi, tôi chờ ngày này cũng lâu lắm rồi.

– Ừm. Anh biết rồi.

Chị Hà nhếch mép nhìn tôi nói tiếp:

– Công nhận Nụ hợp ở đây ghê, từ xưa chị đã nghĩ em phải sống ở túp lều tranh mới hợp chứ sống ở nhà cũ chả hợp chút nào. Cứ có cảm giác cóc ghẻ sống trong cung điện ấy.

Tôi chả thèm chấp, nhặt xong quần áo thì đứng dậy đi ra ngoài rồi cùng cậu ba bắt xe lên huyện. Chuyện của cậu hai với chị Hà tôi để mặc cậu giải quyết tôi không muốn xen vào làm gì.

Nghe đâu dạo này chị Hà đang mồi chài một gã đàn ông nào đó, có địa vị lắm thì phải. Ừ chả thế mà mặt chị vênh tận giời.

Tôi chẳng bao giờ có cái suy nghĩ như chị Hà, tôi chỉ cần được ở cạnh người tôi yêu, được sống cùng người đó thì dù khó khăn thế nào tôi cũng cố gắng vượt qua.

Khi tôi lên đến viện huyện, mợ cả đã nằm trong phòng sinh. Thầy mẹ hai bên đứng ngoài, ai ai cũng đều có vẻ mặt hồi hộp ngóng trông. Tôi còn chưa kịp ngồi nóng ghế bất chợt đã thấy tiếng oe oe cất lên. Nghe vậy tôi định ngó đầu qua ô của kính nhìn vào thì cánh cửa đã mở ra. Hai y tá bế hai đứa bé đỏ hỏn lần lượt đưa cho mợ cả. Hai tay mợ giữ hai bên rồi đột nhiên tôi thấy mợ bật khóc tu tu. Mợ khóc to lắm, to hơn cả tiếng khóc của hai thằng cu. Thầy mẹ hai bên đứng ngoài cũng bật khóc nức nở. Cũng đúng thôi, Sau mười năm lấy chồng giờ mợ mới sinh được con sao mợ không khóc? Nhìn mợ khóc tôi cũng khóc theo, tôi khóc vì hạnh phúc thay mợ, cuối cùng người tốt như mợ cũng nhận được trái ngọt. Cậu cả thì cứ cầm chiếc khăn vừa lau máu bẩn cho mợ, mắt thì đỏ hoe miệng thì lẩm bẩm gì đó. Mợ cả thấy vậy liền gọi cậu lên rồi nói:

– Sao vậy? Xấu hổ vì lần đầu được gặp con hả? Ôm con đi chứ.

Cậu lắc đầu ngây ngô đáp:

– Thôi, em cứ ôm đi…

– Làm sao đấy? Mau lên nó đang khóc oe oe này.

Cậu cả thấy vậy mới chầm chậm bước lên ôm một đứa bé vào lòng, thế mà nước mắt nước mũi cậu cũng chảy thành dòng. Tôi bật cười, cậu cả ba mươi mấy đến nơi mà vẫn còn như đứa trẻ.

Mà phải công nhận mợ cả sinh dễ, sinh đôi mà mợ vào phòng sinh một chút đã xong.

Sinh xong mợ được đưa sang phòng khác, hai đứa trẻ thì được y tá đem đi tắm táp rồi mới đưa về để mợ cho ti, trộm vía hai thằng cu kháu khỉnh khôi ngô lắm. Lúc mợ cho thằng cu lớn ti mợ liền quay sang phía mẹ ruột nói:

– Thầy mẹ, mai cho Nguyệt Anh lên đây nhé. Con cho con bé bú sữa mẹ nữa. Sữa con mới về đã nhiều thế này, khổ thân con bé từ lúc sinh tới giờ toàn phải uống sữa ngoài. Mai mẹ bảo vú Ngọ cho nó lên với con.

Những lời mợ cả nói khiến ai ai cũng xúc động. Đến ngay cả khi sinh xong mợ vẫn nghĩ đến Nguyệt Anh, đứa bé chẳng phải con ruột của mợ.

Đến chiều tôi với cậu ba và hai ông đi về, còn hai bà thì ở đấy cùng cậu cả chăm sóc mợ cả.

Về đến lều tôi thấy trống hươ, có lẽ cậu hai với chị Hà vẫn trên toà chưa về chăng?

Tôi vào lều đột nhiên thấy con lợn đất tôi nuôi vỡ tan tành, toàn bộ tiền trong đó đều không cánh mà bay liền gào lên:

– Cậu ba, cậu ba ơi…

Cậu nghe vậy thì chạy vào rồi hỏi:

– Có chuyện gì vậy?

Tôi chỉ con lợn đất rồi nói:

– Tiền…tiền tôi tiết kiệm mất rồi.

Cậu ba nhìn theo tay tôi chỉ thì hiểu ra vấn đề. Thế nhưng cậu không nói gì lẳng lặng nhặt con lợn đất lên rồi mới nói:

– Tôi biết ai lấy cắp rồi.

– Ai hở cậu?

– Còn ai vào đây ngoại trừ chị Hà? Từ sớm chỉ có mình chị ấy đến đây. Mà lúc anh Minh đi, anh ấy có nhờ anh Bình trông nhà nên làm sao mà có người lạ khác được nữa? Với lại mợ nhìn đi, đây chẳng phải kẹp tóc của chị Hà sao? Chắc lúc lấy tiền chị ấy đánh rơi ở đây.

Tôi vừa ức vừa xót tiền, công sức tôi với mợ cả bán chè bao nhiêu lâu mới tiết kiệm được ngần ấy. Định bụng mang đưa cho mợ cả một nửa trước còn một nửa tôi để dành đến ngày đẻ vậy mà giờ thấy cảnh này.

Bên ngoài chợt có tiếng của cậu hai, tôi liền chạy xồng xộc ra hỏi:

– Anh Minh, chị Hà đâu rồi?

– Sao vậy? Cô ta về rồi.

Tôi uất ức nói:

– Anh đưa em đến nhà chị ấy em đòi tiền đi, chị ấy đập vỡ con lợn đất của em ăn trộm hết toàn bộ tiền trong đó rồi.

Tôi còn tưởng cậu hai sẽ hỏi tôi chứng cớ, thế nhưng không cậu đáp lại:

– Anh biết, nhưng mà kệ cô ta đi em.

– Kệ? Anh biết mà sao vẫn kệ được cơ chứ? Đó là tiền mồ hôi công sức em với chị dâu cả làm lụng vất vả kiếm được. Giờ nhà mình khó khăn, lại thêm chị dâu mới sinh, em cũng sắp sinh rồi tiền đó…

Cậu hai liền túi cho tôi một sấp tiền khác rồi nói:

– Em cầm tạm ít tiền này đi.

– Không, đây là tiền công sức của anh làm ra em không cầm được. Em muốn đòi số tiền chị Hà ăn trộm của em thôi.

– Nụ, em cứ bình tĩnh đã. Tiền đó sau này anh sẽ đòi lại cho em sau vì giờ cô ta về Hà Nội mất rồi.

Tôi chẳng còn cách nào đành phải đồng ý, nhưng tôi không nhận tiền của cậu hai mà trở về buồng thở dài thườn thượt. Cậu hai, cậu ba ra sức an ủi tôi nhưng tôi vẫn chẳng thể nào vui vẻ được. Đến tối hôm ấy chị Thư sang giúp tôi nấu chè, tôi liền kể hết mọi chuyện với chị. Chị nghe xong thì nói:

– Biết là giờ an ủi gì cũng vô ích vì chị biết tiền mồ hôi xương máu của em với chị Quỳnh làm ra không dễ mà lại mất một cách trắng trợn như vậy. Nhưng thôi em ạ, nghiệp ai người đó tự trả, cố gắng nghĩ thông là của đi thay người là được.

– Em biết vậy nhưng vẫn khó chịu lắm.

– Thôi đừng khó chịu gì nữa, từ nay tối nào chị cũng sang nấu chè cùng. Từ từ cũng được mà..

Tôi gật đầu nghe lời chị, tâm trạng cũng khá lên hơn một chút. Thế nhưng nói vậy thôi tôi vẫn tiếc đứt gan đứt ruột. Chị Hà hãm thật, đến mức này chị vẫn còn ăn trộm tiền của chúng tôi được. Đến lúc nấu chè xong tôi liền đi vào lều, cậu ba khẽ dúi cho tôi một sấp tiền rồi nói:

– Tiền của tôi tiết kiệm, mợ cầm lấy mà chi tiêu, mợ đừng nghĩ nhiều mà ảnh hưởng tới con.

Tôi nhận lấy bất chợt thấy tay cậu chai sần lại không còn sự mềm mại như trước kia. Dạo này cậu hay đi sớm về khuya,có những ngày tối muộn mới về. Có đôi lần tôi còn nghĩ hay cậu ngoại tình, dù cho cậu tự nói cậu đi trực. Thế nhưng giờ khi cầm vào đôi tay chai sần này tôi không khỏi tò mò mà hỏi:

– Cậu ba…sao…sao tay cậu chai sần thế?

– À, chắc dạo này gánh chè cho mợ nên bị thế.

Cậu rõ điêu, gánh chè trên vai tay cậu có hoạt động gì lắm đâu. Tôi im lặng không hỏi nữa nhưng trong lòng chợt cảm thấy xót xa. Hôm sau tôi bán chè về sớm, cậu hai với ông ở nhà trông nhà, không hiểu sao nghĩ đến đôi tay chai sần của cậu ba tôi liền nhờ chị Thư sang nấu cơm chiều cho ông và cậu hai còn tôi thì bắt xe lên huyện. Lúc lên đến nơi trời đã chập choạng tối.

Giờ này bệnh viện cũng tan ca, bất chợt tôi thấy cậu ba mặc bộ quần áo công nhân màu xanh, bịt kín mặt đi ra. Dù cho cậu có bịt kín tôi vẫn nhận ra liền đi theo. Cậu ra khỏi bệnh viện rồi bắt xe đi đâu đó, tôi vẫn bám theo ngay phía sau. Đi mấy cây số thì cậu dừng lại, trả vài đồng tiền lẻ cho bác xe ôm rồi đi thẳng đến chiếc xe chở nước đá đông lạnh gần đó. Tôi thấy cậu đeo găng tay rồi cùng mấy người khác bốc vác đá mang vào bên trong. Tự dưng tôi không kìm được nước mắt nước mũi cứ chảy ra. Hoá ra việc cậu bảo cậu đi trực là đây sao?

– Này cô, cô bị sao thế? Sao cô lại khóc?

Tiếng một người phụ nữ the thé cất lên. Tôi định quay sang giải thích thì chợt thấy cậu ba sững người đứng bên kia đường nhìn tôi. Tôi cũng nhìn theo cậu, bốn mắt chạm nhau rồi bật khóc tu tu.

Cậu ba liền tháo găng tay chạy về phía tôi nói:

– Sao…sao mợ lại ở đây?

Tôi khóc nghẹn không nói được thành lời, cậu liền kéo kéo tôi vào lòng vỗ về an ủi:

– Đừng khóc nữa…đừng khóc nữa mà tôi đau lòng lắm.

– Tôi mới đau lòng này, sao tự dưng cậu lại đi làm cái này.

Cậu không giải thích chỉ cười cười nắm lấy tay tôi rồi kéo đi. Hai chúng tôi cứ im lặng như vậy, chẳng ai nói với ai câu nào. Đến khi lên xe về nhà cậu mới nói:

– Thực ra tôi mới đi bốc đá được có nửa tháng thôi. Tại có hôm đi qua đấy thấy người ta treo biển tuyển người mà bốc tính theo giờ, lương cũng khá cao nên tôi làm thêm kiếm thu nhập ý mà.

– Cậu làm ở viện đã đủ mệt rồi còn đi làm thêm cái này làm gì cơ chứ? Rồi người ta ở viện nhìn thấy lại nói ra nói vào.

– Ai nói kệ chứ, tôi có ăn cướp ăn trộm của ai đâu. Với lại cứ tan làm tôi mới ra bốc, ngày nào trực tôi cũng chả làm được ý.

Tôi thương cậu phát khóc, vừa thương còn vừa cảm thấy hạnh phúc tự hào. Thế nhưng tôi biết công việc của cậu đã rất vất vả, còn làm thêm thế này tôi thực sự không chịu được liền nói:

– Tôi không biết đâu, tôi không cho cậu làm nữa đâu. Cậu tập trung làm bác sĩ thôi, tiền từ từ tôi bán chè tôi kiếm cậu khỏi lo. Cậu có thấy ngày tôi bán lãi nhiều thế nào không, vậy nên cậu đừng có lo chuyện tiền bạc nữa, cứ để cho tôi. Tôi nói cậu phải nghe tôi, chuyện gì tôi cũng nghe cậu nhưng riêng chuyện này thì không, mấy nữa tôi đẻ xong tôi mở hẳn công ty chè NỤ HOA QUỲNH, cậu yên tâm đi. Tôi cho mợ cả làm phó giám đốc, lúc đó tôi lên làm giám đốc luôn, cậu không phải lo nghĩ gì cả.

Cậu ba nghe tôi nói vậy cười khanh khách đáp lại:

– Được rồi, được rồi tôi nghe mợ hết! Được chưa.

Chẳng nghe thì sao, mấy nữa tôi mà làm giám đốc oai lắm chứ chứ, có khi cậu muốn làm nhân viên cho tôi tôi còn chả thèm tuyển
***
LỜI TÁC GIẢ: Mai truyện sẽ full. Cái kết hoàn toàn rõ ràng, và em chỉ nói một câu “Kết truyện của em bao giờ cũng là cái kết đẹp cho những người tốt”. Vậy nên mọi người hoàn toàn yên tâm mà lọt hố.Mai kết rồi, mọi người tương tác mạnh lên, để mai đăng trọn vẹn cái kết. Chứ không lại dây dưa ra em cũng không thích lắm.
Cảm ơn mọi nguời

Yêu thích: 4.3 / 5 từ (66 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN