Đàn Bà Không Biết Đẻ
Phần 5
Bố mẹ đẻ của tôi ở quê, sau khi nghe tin con rể bị thương cũng sốt ruột lắm. Ông bà không biết dùng điện thoại nên phải nhờ em gái tôi gọi điện lên hỏi thăm chồng tôi, sau đó còn dặn nó đem ít trứng gà ở quê lên cho anh tẩm bổ.
Em gái tôi đang học đại học thương mại ở Mai Dịch, mặc dù hai chị em ở chung một thành phố nhưng kể từ lần gia đình tôi lên thăm nhà Tuấn, thấy thái độ khinh rẻ của nhà chồng tôi như vậy nên nó không bao giờ đến nữa. Hôm đó, Hạnh từ quê lên mang theo trứng gà và ít đồ sạch ở quê lên cho chồng tôi, tôi thì bận không ra ngoài được cho nên đành bảo nó đi xe ôm mang đến.
– Sao chị gầy thế? Ở đây ăn uống không quen à?
Từ khi lấy chồng đến nay đã hơn bảy tháng mà tôi vẫn chưa được về nhà lần nào, cũng lâu lắm mới gặp em gái, thấy nó nói vậy, tự nhiên sống mũi tôi lại cay cay.
– Ừ, ăn quen đồ ở nhà rồi, giờ lên đây tạm thời chưa quen, sút mất mấy cân ấy. Bố mẹ ở nhà có khỏe không?
– Bố mẹ vẫn bình thường, mẹ bảo nhớ chị đấy. Xem có lúc nào rỗi về chơi với bố mẹ, cả thằng Út nữa, nó bảo chị không về, nó được học sinh giỏi đấy, về mà thưởng cho nó.
– Ừ, để anh Tuấn khỏi đã rồi chị thu xếp về. Mà mẹ gửi lên cái gì đấy?
– Mẹ bảo có ít trứng gà, với có con gà, cả rau nữa. Sáng sớm bố dậy sớm làm thịt gà sạch sẽ rồi bảo em mang lên đấy.
Tôi nhìn túi đồ lỉnh kỉnh, toàn những món ăn ở quê mà em gái tôi cầm, không biết sao nước mắt lại chảy ra. Ở trên này tôi ăn uống gì cũng phải nhìn người này người kia, ngồi ở bàn ăn thì chỉ dám gắp những món ở gần mình nhất, dần dần những điều đó khiến bữa ăn trở thành áp lực đối với tôi, rồi nhiều thứ nữa khiến tôi càng ngày càng héo mòn.
– Ơ, chị sao thế? Sao lại khóc?
Tôi lấy tay quệt vội mấy giọt nước mắt, nói:
– Tại tự nhiên nhớ bố mẹ quá.
– Chị… ở đây… không tốt à?
Hạnh vừa ngập ngừng hỏi tôi, vừa dáo dác nhìn xung quanh, dường như con bé chỉ sợ nhà chồng tôi nghe thấy.
Tôi lắc đầu:
– Tốt mà, anh Tuấn tốt với chị lắm. À phải rồi, đợi chị tý, chị có cái điện thoại cũ không dùng nữa, em mang về cho mẹ để chị có cái gọi về nhé.
– Vâng.
Nói xong, tôi vội vàng chạy vào nhà lấy điện thoại, rồi lại chạy hùng hục xuống đưa cho em gái, đưa xong mới nhớ ra mình nãy giờ vẫn đứng ở ngoài cửa, vừa nắng vừa bụi:
– Vào nhà uống nước đã. Ở ngoài này nắng quá.
– Thôi, em về luôn đây, chị cầm mấy đồ này cho anh Tuấn tẩm bổ nhé. Cuối tuần được nghỉ thì em vào viện thăm.
– Không vào thăm phòng chị à?
– Không, chiều em có tiết, em về đây.
Em gái về rồi mà tôi cứ khóc mãi. Khóc vì nhớ nhà, khóc vì có hai chị em ở đây mà đến nhà tôi nó cũng chẳng dám vào, cũng chẳng dám đến thăm tôi. Bỗng nhiên tôi lại có suy nghĩ: thà lấy chồng nghèo, thà hai vợ chồng làm công nhân rau cháo nuôi nhau mà hạnh phúc, còn hơn phải sống trong nhung lụa nhưng không có bất cứ quyền lợi hay tiếng nói gì.
Tối hôm đó, tôi đang hì hục nấu nồi cháo gà cho chồng thì mẹ chồng từ viện về, tôi còn chưa kịp chào, bà đã nói:
– Mày nấu gì đấy?
– Dạ, bố mẹ con gửi lên con gà với ít trứng. Con nấu cháo nửa con cho anh Tuấn tẩm bổ, nửa con thì con rang lên cho nhà mình ăn ạ.
– Gà gì? Gà ở quê mày ấy à?
– Vâng ạ.
– Có sạch sẽ không mà ăn? Mày không biết bây giờ gà đang bị dịch chết cả đống đấy à? Định cho con tao ăn gà rù cho nó ngộ độc chết à?
– Không phải đâu mẹ ơi. Gà ở nhà con gà sạch mà, không bị dịch đâu ạ.
– Ôi giời tao lạ gì, dịch với các loại bệnh tật chả từ quê ra à? Bẩn thỉu ô nhiễm nên mới lắm dịch như thế. Vứt hết đi, nhà tao, con tao không ăn cái của đấy.
Tôi nghe mẹ chồng nói vậy thì giận lắm. Bố mẹ tôi biết trên này sạch sẽ nên đã phải dậy từ sớm làm thịt gà rồi mới gửi lên, dù gì đây cũng là tấm lòng của bố mẹ tôi, vậy mà mẹ chồng tôi lại coi như dịch bệnh và rác rưởi.
Hôm đó, lần đầu tiên tôi cãi lại mẹ chồng:
– Mẹ ạ. Bố mẹ con dù ít học nhưng vẫn biết cái gì nên, cái gì không nên. Bố mẹ con cũng không đến mức gửi lên gà dịch bệnh để anh Tuấn tẩm bổ đâu ạ. Đây là tấm lòng của bố mẹ con, nếu mẹ sợ dịch bệnh thì để con nấu cháo cả con cho anh Tuấn.
Mẹ chồng tôi nghe thấy thế lập tức vứt đồ đạc trên tay xuống đất, tru tréo:
– Á à con này, mày dám cãi lại tao à cái loại nhà quê rách như tổ đỉa. Tao nói cho mày biết, tao cho mày bước chân vào cái nhà này đã là phúc tổ bảy mươi đời cả dòng họ nhà mày rồi, cái loại đũa mốc mà đòi chòi mâm son. Mẹ chồng nói mà mày cãi lại như thế à? Nhà tao, con tao không cần mấy cái thứ rác rưởi nhà quê như chúng mày nhé, loại vô phúc.
– Với mẹ, cái này là rác rưởi, nhưng với con, đây là tấm lòng của bố mẹ con, nên con không vứt đi đâu ạ.
– Đúng là cái loại ăn lông ở lỗ, loại ăn chui ở rúc, được bước chân vào nhà này còn không biết điều. Tao cấm mày cho thằng Tuấn ăn mấy thứ đó nhé con kia. Nhà mày mang lên ba cái thứ rác rưởi này, còn mày thì dấm dúi ăn cắp đồ nhà tao gửi về cho bố mẹ mày đúng không?
– Con không ăn cắp đồ của mẹ.
– Mày còn cãi à? Mày tưởng nhà tao không có camera đấy à? Con kia nó đưa túi đồ cho mày, rồi mày vào nhà ăn cắp đồ trong siêu thị đưa cho nó mang về cho bố mẹ mày đúng không? Tao biết ngay mà, cái loại nhà quê khố rách áo ôm như mày thì chả tốt đẹp gì, mới cưới có mấy tháng đã lộ rõ bản chất ra rồi đấy. Thấy nhà tao dễ nên định đào mỏ mang về đúng không?
Lúc này, tôi mới nhớ ra, chắc mẹ chồng tôi xem camera thấy tôi đưa điện thoại cho Hạnh, nhưng camera khuất nên chỉ thấy tôi đưa đồ chứ không rõ đưa đồ gì.
– Mẹ đừng nói oan cho con như vậy. Mẹ thử kiểm tra đồ đạc và hỏi nhân viên trong siêu thị xem con có lấy đồ gì không ạ. Con nghèo, gia đình con cũng nghèo nhưng từ nhỏ bố mẹ con đã dạy không được ăn cắp đồ của người khác, cũng không được vu oan cho người khác mẹ ạ.
– Mày nói xóc xỉa tao phải không? Mày bắt đầu đủ lông đủ cánh rồi nên không thèm coi ai ra gì nữa phải không? Loại đàn bà mới nứt mắt ra mà đã trộm cắp mất dạy, bố mẹ mày dạy mày thế hay mày tự bịa ra thế? Nhà quê nửa chữ bẻ đôi còn không biết, là loại vô học chứ dạy dỗ cái quái gì?
Tôi tức đến nỗi cả người run lên. Bà ta chửi tôi, tôi còn chấp nhận được, nhưng bà ta chửi bố mẹ tôi vô học, tôi không thể nào nuốt trôi được nỗi nhục này. Tôi thà không có chồng, thà sống cuộc đời nghèo khó còn hơn để người ta sỉ nhục bố mẹ mình như vậy.
– Mẹ ạ. Con nghĩ mẹ cũng nhiều tuổi rồi, mẹ biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói, ai nên tôn trọng, ai không nên tôn trọng. Anh Tuấn đang nằm viện, con mang cái này đến bệnh viện cho anh ấy, con hy vọng con với mẹ sẽ không để người đang bị thương như anh ấy phải suy nghĩ thêm nữa. Con chào mẹ.
Nói xong, tôi mặc kệ bếp đang nóng, dùng tay không bắc nồi cháo xuống. Tay tôi bỏng nhưng trong lòng tôi còn cảm thấy rát hơn gấp cả nghìn lần, tôi đổ cháo vào cạp lồng rồi cầm đồ đi thẳng, cũng tiện tay cầm luôn nửa con gà sống kia mang đi.
– Đúng là cái loại vô phúc, vô phúc. Nhà này vô phúc mới có loại con dâu như mày, đã không biết đẻ còn mất dậy. Thằng Tuấn nó mù mắt mới rước cái thứ của nợ, cái thứ ở đất khỉ ho cò gáy về nhà, loại ngu học, loại nhà quê dịch bệnh.
Bà còn chửi rất nhiều câu khó nghe nữa nhưng tôi mặc kệ, tôi xách cạp lồng ra đường, bắt xe ôm đến bệnh viện. Khi đứng ngoài cửa, tôi nghe bác sĩ vào thăm khám cho chồng, nói:
– Anh thấy sao rồi? Giờ có đau nhức vết thương hay chóng mặt khó chịu không?
– Không ạ. Tôi thấy bình thường thôi, cảm ơn bác sĩ.
– Vợ anh nhìn gầy thế mà giỏi thật đấy, truyền cho mấy mấy chục đơn vị máu xong vẫn đi đi về về suốt. Bảo chị ấy chịu khó nghỉ ngơi rồi tẩm bổ vào cho nhanh lại sức.
– Vợ tôi truyền máu cho tôi ạ?
– Thế anh không biết à? Lúc anh vẫn còn hôn mê, máu dự trữ bệnh viện không có nên vợ anh phải truyền máu đấy thôi.
Nghe bác sĩ nói vậy, tôi tủi thân đến mức cứ thế đứng ngoài hành lang khóc. Tôi cũng chẳng mong phải khoe mẽ gì công lao của mình với chồng, nhưng mẹ chồng chèn ép tôi nhiều khiến tôi ức quá, trong khi đó chồng tôi thì lại không hay biết một thứ gì, để tôi một mình chống chọi trong cô đơn và tủi nhục như thế. Sống ở một nơi xa lạ, trong một thế giới xa lạ, với những người không cùng dòng máu mà cũng chẳng có ai thương yêu mình, tôi đã cô độc và lẻ loi như vậy đấy.
Lát sau khi bác sĩ ra ngoài, tôi mới lau sạch nước mắt rồi cầm cạp lồng cháo vào thăm chồng. Anh thấy tôi mang theo nửa con gà sống thì ngạc nhiên lắm:
– Sao em lại mang cả gà sống đến thế?
– Bố mẹ gửi gà với trứng ở quê lên cho anh tẩm bổ, nãy em vội quá nên cầm nhầm cả vào.
Tôi đặt cạp lồng lên bàn rồi đi lại gần chồng, nhìn sắc mặt anh hôm nay đã khá lên nhiều cho nên tâm trạng tôi cũng cảm thấy bớt thấy nặng nề.
– Anh còn đau không? Em múc cháo cho anh ăn luôn nhé.
– Anh đỡ rồi, chắc mấy hôm nữa được ra viện thôi. Bố mẹ gửi đồ qua ai thế em?
– Con Hạnh nó về nghỉ mấy hôm thế là cầm lên luôn. Nó bảo cuối tuần vào thăm anh đấy.
– Ừ. Có mấy triệu anh để trong tủ quần áo ấy, em lấy hai triệu gửi về biếu ông bà, với cho Hạnh 500k nhé. Lâu rồi bận không về thăm ông bà được.
– Thôi, bố mẹ cần tiền làm gì đâu. Anh đang thế này, cứ tẩm bổ đi đã.
Tuấn nhìn tôi cười cười, lần đầu tiên từ sau khi cưới anh cười với tôi dịu dàng và thoải mái như thế:
– Anh mới nghe bác sĩ nói, hôm trước em truyền máu cho anh à?
Tôi múc xong tô cháo, đem lại gần chồng, chẳng biết phải trả lời thế nào nên chỉ gật đầu. Tuấn định nói cái gì, nhưng sau đó nhìn thấy cả bàn tay bị bỏng đến phỏng nước tùm lum trên tay tôi, anh chợt dừng lại. Một lát sau mới quát lên:
– Tay em làm sao thế?
– Em nấu cháo không cẩn thận bị bỏng ấy mà.
– Bỏ tô cháo xuống anh xem nào.
Có lẽ thời gian đẹp nhất giữa chúng tôi, những ký ức đẹp đẽ nhất của tôi và Tuấn chính là thời gian anh nằm viện này. Tuấn thấy tôi chần chừ bèn giật lấy tô cháo trên tay tôi, đặt xuống bàn. Nhìn bàn tay vừa đỏ vừa phỏng của tôi, anh nói:
– Em nấu nướng kiểu gì mà bỏng nặng thế? Không ngâm nước lạnh luôn à, để nó phỏng hết lên thế này?
Nghe anh nói thế, tự nhiên bao nhiêu tủi thân uất ức của tôi lại trào hết cả lên, cuối cùng tôi cúi đầu khóc như mưa, khóc nức khóc nở.
Tuấn thấy tôi như thế bỗng nhiên lại đờ người ra, không biết dỗ thế nào, mãi lâu sau anh mới lóng ngóng ôm tôi vào lòng, tay xoa xoa bàn tay bị bỏng của tôi:
– Thôi nín đi, không khóc nữa, tý nữa anh băng lại, mai là hết đau luôn đấy.
Tôi nghe vậy càng khóc tợn. Cũng vì như thế cho nên có lẽ Tuấn mới đoán ra, tôi khóc vì lý do khác chứ không phải khóc do đau tay. Anh im lặng một lúc rồi nói:
– Em ở nhà anh chắc vẫn chưa quen đúng không? Giờ anh về làm ở gần nhà rồi, có vợ có chồng, có chuyện gì thì cùng chia sẻ với nhau.
Tôi không tin chồng tôi sau khi bị tai nạn, tự dưng lại có thể nói được câu tình nghĩa như thế, nên hỏi lại:
– Thật không? Có chuyện gì thì chia sẻ với nhau được hả anh?
– Thật chứ. Thôi nín khóc đi, ngồi dậy anh băng lại tay cho.
Nói xong, anh với tay lấy hộp thuốc để sẵn ở tủ bệnh nhân gần đó, vụng về lau rửa vết thương rồi băng lại cho tôi. Đêm hôm đó, Tuấn gọi điện thoại về nhà, nói với bố mẹ chồng chuyện tôi ngủ lại bệnh viện, mẹ chồng tôi có vẻ cũng không hài lòng nhưng cũng không dám thêm nói gì nữa.
Cúp máy xong, anh quay sang vỗ vỗ vào bên cạnh giường, nhìn tôi cười:
– Lâu nay mẹ cứ thuê thằng Tú ngủ lại trông anh, nó chẳng biết chăm cái gì, suốt ngày ngủ, chả lẽ mình đi vệ sinh cũng nhờ nó. Giờ có vợ rồi, đêm nay ôm ngủ cho sướng.
– Mấy lần em cũng định xin mẹ vào ngủ để chăm anh, mà mẹ bảo có anh Tú rồi nên thôi.
– Thì chắc mẹ sợ em vất vả, sáng mai còn dậy sớm đi dạy nữa mà.
Tôi gượng cười, nếu chồng tôi biết những ngày anh ngủ ở nhà, mẹ chồng tôi dặn tôi năm giờ sáng mới dậy làm đồ ăn sáng, tránh lục đục làm mất giấc ngủ của anh. Còn khi anh không có nhà, giờ tôi phải dậy là ba giờ sáng, làm quần quật không kịp ăn gì đã đến giờ đi làm luôn, không biết anh nghĩ thế nào?
– Em làm nhiều quen rồi, vất vả gì đâu. Người nhà quê toàn dậy sớm làm việc thôi.
– Thế tối có làm việc được không? Mấy ngày này chỉ có ăn với ngủ, nằm nhiều nên anh thừa năng lượng quá.
– Thừa cái gì mà thừa, anh đang bị thương đấy, nghỉ ngơi đi.
– Có máu em truyền sang khỏe hẳn rồi, hay bây giờ anh truyền lại cho em nhé.
Có lẽ từ khi nghe bác sĩ nói tôi là người truyền máu cho anh, Tuấn cũng cảm thấy trân trọng tôi hơn, đối xử với tôi tốt hơn. Tôi nghĩ chỉ cần có anh thương mình thì dù mẹ chồng có cay nghiệt với tôi thế nào, tôi cũng có thể chịu đựng được hết. Thế nên, khi ấy tôi quyết định không nói ra mà vẫn âm thầm chịu đựng, và có lẽ, đó chính là quyết định sai lầm nhất của tôi.
– Nghĩ cái gì thế? Lâu rồi không ngủ cạnh mà không nhớ anh à?
– Nhớ chứ sao không nhớ. Nhưng anh đang…
Anh giơ tay lần mò cởi hàng cúc áo trước ngực tôi, ánh mắt sáng lấp lánh:
– Thế thì làm thôi, muốn em quá.
Tuấn vừa nói đến đó thì tự nhiên điện thoại để trên tủ có tiếng chuông tin nhắn đến, anh dừng tay sờ soạng ngực tôi, sau đó cầm lấy điện thoại đọc tin nhắn.
– Ai nhắn vậy anh?
– À không có gì, tin nhắn quảng cáo vớ vẩn ấy mà.
Tôi vừa định ngẩng đầu lên nhìn thì anh đã nhanh tay xóa tin nhắn đi rồi tắt luôn nguồn, vứt điện thoại lên tủ:
– Thôi giờ tập trung vào vấn đề chính nào, mấy hôm không gặp hình như ngực vợ to hơn tý rồi đấy.
– Á buồn thế, thôi đừng sờ nữa, buồn quá.
Đêm hôm đó ở bệnh viện, chúng tôi có một đêm mất ngủ!!!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!