Đàn Cổ Cầm Khỏa Thân - Chương 10
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
122


Đàn Cổ Cầm Khỏa Thân


Chương 10


Đêm đến, thu mình trong phòng, nàng khóc cay đắng. Ngày xưa, nàng nghe ông nội nói: “Người thượng lưu, giới quý tộc ở Trung Nguyên chỉ gặp gỡ những người thượng lưu thôi!” Kết hôn không môn đăng hậu đối với một người nhà binh gốc gác bình dân, nàng đã bị loại khỏi thế giới này.
Cây cối mà nàng đã trồng những năm qua bắt đầu nở hoa. Ngọn non bộ giờ đã phủ cỏ xanh rì, trên đó là một ngôi nhà cảnh có mái ngũ giác. Những cây cầu đã bắc xong. Dọc theo hành lang quanh tòa nhà, những bức vẽ đã bắt đầu. Đối với xà nhà và mái nhà, Bà Mẹ Trẻ đã chọn một trăm cảnh lịch sử và vô số các hình họa phúng dụ. Nàng không muốn ra đi. Qua từng công trình một, nàng đã chậm rãi tạo dựng thế giới của mình trong buồn rầu. Cái đẹp là niềm đam mê của nàng. Cái đẹp xoa dịu nàng.

Trong thành, nơi hôn phu của nàng đã cho nhiều toán quân tới đóng, nàng chỉ có binh lính theo hầu chứ không được gặp người thân. Dù những bữa ăn vẫn còn đạm bạc, nàng không còn phải ăn rễ cây bùi nhùi hay vỏ ngũ cốc nữa. Hôn phu của nàng đã ra lệnh cho người mang cá tươi mới bắt dưới sông lên cho nàng mỗi ngày. Nhưng sáng nay, không thấy chúng đem tới. Người ta giải thích với nàng rằng những xác chết sau trận thủy chiến đã làm dòng sông nhiễm độc.

Bà Mẹ Trẻ câm lặng vì sợ hãi. Nàng đã thức dậy lúc nửa đêm, tim đập thình thịch, trán vã mồ hôi. Nàng đã vội vã lao đến phòng đứa con gái, rồi ngồi canh giữ nó mặc cho vú em can ngăn. Tiếng khóc của đứa trẻ làm nàng yên tâm. Đêm, không ngủ được nên nàng đi lại lang thang trong vườn dưới những tán cây trẩu đang nở hoa.

Ánh trăng chiếu xuyên qua các tán cây, soi sáng vô số những bông hoa màu xanh và những cây mẫu đơn vàng. Bên bờ hồ, bước chân nàng làm lũ ếch sợ hãi nhảy xuống mặt nước. Trăng vỡ ra thành hằng hà sa số những con cá li ti.

Chồng nàng lúc này đang làm gì, ở nơi đâu trên dòng sông? Chàng đang nghỉ ngơi sau một ngày chiến đấu? Hay chàng có đang ngắm trăng mơ màng đến những chiến trận mới chăng? Dù chàng chưa bao giờ nói với nàng nhưng nàng biết cha mẹ chàng là những nông dân không biết đọc biết viết. Làm sao một đứa con của nông dân lại có thể đánh thắng Hoàn Huyền gốc gác từ những vương hầu và hoàng tử sáng ngời?

Cha hắn là Hoàn Ôn, quan thống soái của triều Tấn, đã cưới Công chúa Nam Khang. Người ta kể rằng nàng là con gái đầu trong một gia đình hoàng tộc và là con gái yêu của cha nàng. Công chúa Nam Khang thích võ thuật và là nỗi sợ hãi cho các anh chị em. Nàng đã được chọn làm thiếp cho Hoàn Ôn vì hắn là tướng quân khéo léo nhất và mạnh mẽ nhất của đế chế. Khi hắn đánh bại vương triều ở vùng núi Tây Nam, trong số chiến lợi phẩm hắn đem về có cô em gái của Vua Lý, hắn giấu nàng trong một dinh thự bên ngoài kinh đô. Khi công chúa Nam Khang biết chuyện tình bí mật này, nàng đã cầm kiếm, nhảy lên ngựa và phóng về miền quê cùng những nàng hầu ăn mặc như chiến binh. Nàng đã đánh tan đám binh lính bảo vệ Công chúa Lý và đạp cửa xông vào phòng. Nàng công chúa nhỏ đang ngồi vấn tóc bên gương. Mái tóc dài của nàng quấn quanh khuôn mặt trắng trẻo và mảnh dẻ rồi lượn xuống đến đôi chân như một dòng suối đen. Không thèm quay lại, nàng ngước nhìn hình ảnh kẻ tình địch trong gương đang lăm lăm thanh kiếm.

“Triều đại của tôi và gia đình tôi đã bị giết sạch, từ ngày đó tôi chỉ muốn chết thôi. Tỷ tỷ, đừng ngần ngại nữa. Giết tôi đi, xin hãy giết tôi đi.”

Công chúa Nam Khang xúc động vì nỗi tuyệt vọng của nàng. Công chúa buông kiếm, ôm chặt nàng vào lòng.

“Chính ta còn bị vẻ đẹp của nàng chinh phục nữa, nói chi đến Lão Già Khốn Nạn kia!”

Bà Mẹ Trẻ không gặp lại chồng từ ngày bữa tiệc trở thành bãi máu. Người ta nói chàng đã được các tổng đốc muốn chém đầu Hoàn Huyền phong làm tư lệnh. Nếu chàng thắng cuộc chiến này, ai sẽ là kẻ thù tiếp theo của chàng?

Ngày như dải lụa cuộn vào rồi lại nhả ra. Những ngày đã qua là những phiến lá đã được vẽ, còn những ngày sắp đến là những chiếc lá còn trinh nguyên. Chúng rụng xuống từ trời cao như những bông tuyết xen vào cánh hoa mận rồi rơi lên bàn tay đang mở rộng của Bà Mẹ Trẻ, người có cuộc đời giống như một cuộn tranh thật lớn.

Những quả vải, mới vừa hái trên đồi Nam, được thuyền bè trở về và tỏa hương thơm ngào ngạt khắp dinh thự của nàng.

Bà Mẹ Trẻ chuẩn bị mực, màu và nước sạch đựng trong đĩa và chai lọ. Nàng trải một dải lụa trên chiếc bàn thấp, nhúng đầu bút vào mực rồi phác những nét đầu tiên. Theo từng đường nét, những ngọn sóng trào dâng rồi trở thành những thác nước. Những thác nước lại xô nhào về phía trời cao rồi cuồn cuộn dưới dòng chảy giữa hai bờ.

Dòng sông là điểm bắt đầu, thời thơ ấu. Dòng sông quét qua mặt đất, để lại vô số ao hồ. Một tường thành màu mật ong chạy quanh một kinh thành đầy kênh rạch và bo quanh những ao hồ đầy hoa sen, hoa súng, những cây cầu hình bán nguyệt, những cây dương liễu nhúng tóc vào mặt nước, những thi sĩ và những nghệ nhân.

Những buổi tiệc sang trọng không dừt nhưng sương mù bỗng nổi lên cùng từng đám thuyền chiến từ đâu kéo tới. Chiến tranh bắt đầu từ thượng nguồn và hạ nguồn dòng sông. Một cơn mưa tên ập xuống kinh thành, từ kinh thành túa ra từng toán lính tráng. Tay cầm khiên, giáo mác, búa và kiếm, binh lính lao vào nhau, hòa vào nhau, để lại sau lưng họ một mặt đất đầy rẫy xác chết và những vũ khí gãy nát.

Những con thuyền chiến mờ đi trong sương mù, những con thuyền chiến biến mất. Thành quách nghẹn ngào trong im lặng, tất cả những cánh cửa đều bị mở toang. Tiếng chó sủa văng vẳng lang thang khắp ngõ. Chúng cắn tai những người hấp hối đang bơi trong vũng máu, xé nát cánh tay những phụ nữ bị ném lên mái chùa, cắn cụt ngón chân của những người đàn ông bị phanh thây trên từng thân cây. Chúng chạy vào các tòa nhà, kéo lụa là về làm nùi ổ cho chúng rồi nằm đó thở hổn hển.

Chiến tranh là linh hồn của dòng sông. Chiến tranh là mất đi tuổi ngây thơ. Những ngọn thác rì rầm tiếng ngựa hí và tiếng vùn vụt của giáo mác. Bên bờ sông, đất đai màu mỡ làm người ta phải đánh nhau để giành lấy chúng. Khi chiến trận chấm dứt, những mô đất nổi cao ở góc phố, ở giữa đồng, hay ở dưới chân những cây cối đang nở hoa um tùm. Đó là nơi nông dân thờ những anh hùng đã trở thành huyền thoại. Họ dâng cúng cho linh hồn những anh hùng đó, xin họ ban lại những cuộc hôn nhân hạnh phúc và phù hộ cho tai qua nạn khỏi.

Bên bờ sông, những anh hùng sống mãi. Các triều đại đổi thay làm tên tuổi của họ lừng danh hơn nữa. Hình ảnh của họ được sơn vẽ hoặc khắc vào gỗ, chiến công của họ được ghi trong những cuốn địa đồ. Họ xâm chiếm những buổi trà dư tửu hậu và nói chuyện qua miệng lưỡi của những kẻ ngợi ca cuồng tín. Họ ám vào những người diễn viên lưu động diễn lại những chiến công của họ trong góc phố góc chợ.

Gió thổi qua bờ sông. Những đám mây biến thành cơn mưa vần vũ. Những ngọn sóng đập nát vào bờ, nhấn chìm đồng ruộng rồi rút ra để lại những ngôi làng bị tàn phá. Vô cảm với nỗi khốn khổ của con người, dòng sông lại tiếp tục lên đường ra biển lớn. Cũng như vòng luân chuyển vĩnh cửu này, con người sinh ra bên sông tiếp tục xây dựng lại kinh thành bị tàn phá, cày cấy lại những ruộng lúa bị ngập úng. Và cuộc đời lại nở hoa.

Mùi hương ngai ngái của hoa cúc bay quanh ngôi nhà. Mùa thu đã đến.

Bà Mẹ Trẻ nghe có tiếng xao động trong kinh thành, thậm chí tiếng huyên náo nhỏ nhất cũng làm nàng run lên. Nàng tưởng tượng cảnh chồng nàng thất trận, còn quân lính của Hoàn Huyền ùa vào kinh thành để tiêu diệt những người thân cận và hủy diệt dòng họ.

Cuộc đời là một giấc mơ mà Bà Mẹ Trẻ ghi lại trong bức tranh của mình.

Nơi những hố sâu dưới lòng sông, nuối tiếc và sầu não chỉ là bọt sóng mà thôi. Khi đến tuổi trưởng thành, dòng sông chậm lại. Sương mù tản ra rồi nhập vào đặc nghẹt. Những con thuyền như đang trôi đi giữa trời. Bầy mòng trở thành những chấm đen treo lơ lửng trên một nền màu nâu. Núi Bắc nhô ra, cắt dòng sông bằng những vệt tối có viền.

Núi Bắc rất nguy hiểm, những người hầu thường rỉ tai nhau như vậy. Ở đó, thời gian trôi đi rất nhanh và những cơn bão dường xuất hiện như không báo trước. Những con đường mòn biến mất vào trong những ngọn đèo mù tối vì bị mây phủ, nơi cọp beo rình mò lảng vảng. Du khách thường bị những băng đảng trộm cướp dùng vũ khí tấn công. Đó là những người lính chạy trốn khỏi vương triều phương Bắc và những người nông dân không chịu nộp thuế cho triều đình miền Nam. Họ sống lẩn khuất trong rừng rậm, trong những ngôi làng được xây trên những độ cao bất khả xâm phạm. Sự xuất hiện đáng sợ của họ không làm mờ đi ánh sáng chói của bảy ngôi đền thờ Phật giáo. Nhờ vào sự bảo trợ của các Hoàng đế nhà Tấn, sự trong sạch của các nhà sư và các nữ tu đã thu hút vô số người hành hương kéo về.

Mới đây, Bà Mẹ Trẻ vừa gửi bố thí đến chùa Đại Bi, một ngôi chùa nổi tiếng của núi Bắc. Lo lắng cho cuộc đời của chồng và con gái, nàng xin các nữ tu cầu nguyện cho họ. Một ngày nọ, đại sư Phát Quang đến thăm nàng để ngỏ lời cảm ơn. Từ đó, theo lời thỉnh cầu của Bà Mẹ Trẻ, bà thường lui tới và giúp nàng học kinh Phật.

Sư Phát Quang không sợ trộm cướp và cọp beo vì sư học võ thuật. Sư biết dùng kiếm đạo nhưng không bao giờ mang theo. Sư xuống núi với tay không và đề huề gió trong tay áo. Theo thỉnh cầu của Bà Mẹ Trẻ, sư chấp nhận tham gia một buổi biểu diễn. Lính tráng cầm giáo mác và kiếm vây lấy sư. Sư dùng sức mạnh tấn công của họ để tung mình vào không trung. Sư đi lại trên vai họ, giẫm chân lên đầu họ và lướt qua những lưỡi gươm của họ. Thấy sư di chuyển trên cao như một cánh chim lớn, Bà Mẹ Trẻ mỉm cười mơ mộng.

Núi Bắc gồm những đám mây đen của người chết và những đám mây vàng của những bức tượng Phật, sư Phát Quang nói với nàng. Những người leo lên núi sẽ biến mất hoặc tìm lại được niềm hy vọng. Dù chết hay được chữa trị, dù trôi mãi vào hư ảo hay băng qua những ngọn sương mù và ôm choàng ánh sáng, ngọn núi luôn mang lại sự lựa chọn một số phận. Bà Mẹ Trẻ nhìn đứa con gái chơi với đám người hầu trong vườn. Lên bốn tuổi, Huệ Viên lanh lẹ và náo nhiệt. Nó là sợi dây nối nàng với thế giới tục, không cho nàng trở thành nữ tu.

Trên bức tranh, dòng Dương Tử kéo dài vô tận và núi Bắc trập trùng hết đỉnh này đến đỉnh khác, hết thung lũng này đến thung lũng khác. Những mái nhà thếp vàng của các đền đài trôi trong mây. Trên một con đường mòn dốc đứng, Bà Mẹ Trẻ vẽ thêm một nam nhi mặc đồ trắng. Chàng mang trên lưng một cây đàn cổ cầm cùng kiểu dáng với cây đàn của nàng Sái Văn Cơ. Núi cao và rộng, con người xuất hiện bé nhỏ và đơn độc. Bà Mẹ Trẻ đã cho chàng một cái bóng cao ráo của cha nàng, tướng người ngạo nghễ của chồng nàng và vẻ phiền muộn của chính nàng.

Bất ngờ, một tiếng xì xào lớn ập vào phố. Tiếng la hét lặp đi lặp lại của binh lính, lính gác, nô lệ và người hầu ập đến tai Bà Mẹ Trẻ đang vẽ:

– Đại nhân đã chiến thắng, đang trên đường trở về. Hãy chuẩn bị đón tiếp ngài!

Từ phòng ngủ đến cổng vào, từng cánh cửa nối tiếp nhau rộng mở. Nhạc và tiếng hò hét nổi lên. Tòa thành trong cơn cực hỷ, toàn bộ dân chúng hô to tên chồng nàng, người chiến thắng trong cuộc chiến chống kẻ soán ngôi Hoàn Huyền.

Mặt đất rung lên. Nàng có cảm giác như một đoàn quân vừa ùa vào dinh thự của mình. Chồng nàng, nóng lòng được gặp vợ, đã phóng ngựa đến thẳng chỗ nàng.

– Ta sẽ đi ngay lập tức, – chàng hét lên ngay khi thấy nàng. – Hoàn Huyền đã chết nhưng lũ thân cận của hắn vẫn đang bắt Hoàng đế làm con tin ở sâu trong vùng Tây Nam. Ta phải quay lại đó! Trong khi chờ đợi, ta muốn có một đứa con trai. Ta phải có một đứa con trai!

Con ngựa đen của tướng Lưu giậm chân trong chuồng. Nó bồn chồn gõ cộc cộc xuống mặt đất rồi đạp vào cửa chuồng bằng bộ vó chân sau. Cuồng Phong ghét sự yên tĩnh, sự ngơi nghỉ, ghét những cọng rơm khô. Nó không thích đứng không có bộ yên cương và không có sức nặng của người ngồi trên đó. Nó ghét bị gỡ mất tấm mặt nạ bằng đồng. Không có đồ trang sức bằng tía đội trên đầu, nó thấy mình rất tệ. Nó sợ trại huấn luyện, nơi người ta bắt nó chạy vòng vòng phát chán và sợ cái chuồng được những người lính trẻ chưa ra trận lần nào quét sạch sẽ mỗi ngày. Sự chiều chuộng của họ sỉ nhục nó. Họ cho nó ăn cà rốt, cọ mông cho nó và thì thầm vào tai nó. Họ tắm cho nó bằng nước ấm. Khi nó vã mồ hôi, họ lau cẩn thận, tỉ mỉ. Đêm tới, trước khi bỏ đi, họ đặt lên lưng nó một tấm thảm lụa thêu hoa và chim chóc. Đứng trong đêm lại phải mang một cái mền nực cười, Cuồng Phong nghiền ngẫm những ý nghĩ tệ hại. Đôi lúc nó nghĩ nó đã bị cho nghỉ, đôi lúc nó nghĩ chắc đang có âm mưu gì đó lởn vởn quanh đây cốt làm cho cơ bắp của ta nhão nhoẹt ra, làm chân ta đứng không vững, làm gối ta yếu mòn. Nó đạp mạnh từng cú và hí lên giữa đêm khuya. Nó khóc vì không còn được nghe tiếng trống trận đánh dồn, tiếng vũ khí va vào nhau, tiếng mặt đất gầm gừ. Nó sống nhờ phi nước đại, nhảy lên mặt nước, trên cỏ, trên những bãi đá gập ghềnh, nhờ leo trèo trên những ngọn núi cao và lao xuống những sườn đồi dựng đứng. Nó thích mùi mồ hôi của binh lính dưới ánh mặt trời, tiếng ù ù điếc tai và tiếng hét của chiến tranh làm rung cả mặt đất. Cuồng Phong giậm vó khi nó nghe tiếng tù và cùng tiếng trống. Nó nhảy về phía trước, phóng vùn vụn trên mình lũ giặc để đạp chúng và cắn chúng. Có những con ngựa giãy nảy lên hất chủ nhân xuống đất. Những con khác dũng cảm hơn thì lao vào đánh nhau. Cuồng Phong cảm nhận được ý chí của chủ nó. Cơ thể của họ trong cuộc chiến chỉ còn là một. Nó ngoặt mình, lao tới, lùi lại, chồm lên, đá hậu, đá vó.

Cánh cửa chuồng ngựa mở ra và ánh sáng ban ngày nhấn chìm nó. Lính tráng dẫn nó ra rồi thắng yên cương cho nó trong sân. Cuồng Phong vểnh tai lên rồi giậm chân vui mừng. Tướng Lưu đến gần rồi nhảy lên lưng nó. Không chờ chủ ra lệnh, vì sợ ông ta lại nhảy xuống, Cuồng Phong chạy nước kiệu ào ra cổng, đầu ngước lên kiêu hãnh. Nghe tiếng một người phụ nữ đi theo ông chủ, nó kêu lên. Đó là một tiếng khóc nghẹn ngào:

– Chàng ơi, khi nào chàng trở về?

– Ta sẽ sớm trở về… Hẹn ngày chiến thắng!

Năm 405

Thời gian đình chiến rất ngắn ngủi. Chiến tranh lại tiếp diễn. Tin tức cứ lần lượt đến tai Bà Mẹ Trẻ. Chồng nàng được tôn làm thủ lĩnh tối cao đã chinh phạt đến tận vùng núi Tây Nam. Những lời đồn đại âm mưu nói rằng không phải chồng nàng đang truy tìm những thân cận của Hoàn Huyền, mà là đang tìm diệt tất cả những ai không đồng lõa với mình.

Bà Mẹ Trẻ ngồi xuống bên chiếc gương đồng. Khung gương tròn tráng thủy ngân phản chiếu khuôn mặt tròn trĩnh của nàng. Làn da nàng trước kia đen sạm vì gió sương qua những trận chiến, nay đã trở lại trắng trẻo như xưa. Mái tóc nàng lại trở nên óng mượt. Khi nàng cười, đôi môi hồng hé mở hai hàng ngọc ngà trắng muốt. Từ ngày chồng nàng ra đi, Bà Mẹ Trẻ không son phấn nữa. Tuy nhiên, khi để mặt mộc, nàng lại giống như một bông hoa mẫu đơn nở vào độ xuân thì, càng ngày càng đẹp. Vẻ đẹp của nàng làm nàng sầu não và nàng đã chán phải nghe lời tán dương của bọn hầu gái trong nhà. Một bông hoa mẫu đơn không còn đẹp khi nó nở trong đêm đơn gối chiếc. Không có chồng nhìn ngắm, vẻ đẹp xuân sắc của người vợ không còn giá trị gì.

Vẻ xinh đẹp của người phụ nữ phải chăng đang báo hiệu độ xuân tàn? Da nàng sẽ nhanh chóng mất đi vẻ tươi tắn và trán nàng rồi sẽ đầy nếp nhăn. Bà Mẹ Trẻ không muốn đẹp nữa, nàng muốn làm chồng thỏa mãn và mang thai. Nàng muốn mình có mang và sinh một đứa con trai. Nàng mơ được mang thai trong một căn phòng ấm áp trên nệm lông. Nàng muốn được quấn đứa bé mới sinh trong lụa êm ái và có đầy đủ sữa cho con bú. Lũ gia nhân lấp lửng nói với nàng rằng chồng nàng có một dinh thự sang trọng ở kinh đô Kiến Khang. Bà Mẹ Trẻ sôi máu. Trái tim của chồng nàng chắc đang bị lũ tỳ thiếp trẻ hơn và quyến rũ hơn nàng bắt giữ rồi.

Nàng viết thư cho chàng rồi lại xé đi. Chàng chắc không hiểu những lời nàng nói bóng gió, những điều nàng liên hệ tới những áng văn cũ, những đoạn nàng trích thơ cổ xưa và những bài thơ vận dụng nét đẹp của thể phú thời nhà Hán.

Nàng quay sang mẹ mình, cầu xin bà chấp nhận nàng: “Con hoẵng lạc lối tìm mẹ trong rừng thông, con ngỗng rừng mỏi cánh muốn về ngơi nghỉ trên đất tổ.” Người đưa tin đã trở về. Mẹ nàng vẫn im lặng.

Một vị khách không mời đã kết thúc chuỗi ngày day dứt đơn độc của nàng. Một phụ nữ trạc tuổi Bà Mẹ Trẻ xuất hiện trước cửa nhà nàng, dẫn theo một đứa con gái. Cả hai đều mặc đồ nhà nông.

– Đây là người vợ đầu tiên của đại nhân, nàng Tăng, – viên quản quân giới thiệu.

Bà Mẹ Trẻ nghẹn lời tê cứng cả người trước người chị em của mình. Nàng không biết là chồng mình có một người vợ khác. Nàng không biết cuộc đời kẻ bắt cóc mình trước khi hắn chiếm đoạt nàng.

Nàng Tăng cùng tuổi với chồng nàng. Khuôn mặt rám nắng của nàng đầy những nếp nhăn và chấm nâu. Giống như một nàng hầu, nàng mặc một bộ áo vải không nhuộm màu, vấn tóc thành búi rồi giữ bằng một cây cài gỗ và quấn lại bằng một sợi gai dầu. Bà Mẹ Trẻ không biết phải xưng hô thế nào: là người thượng lưu, luật cấm nàng cúi mình trước phàm phu tục tử, còn trong vai trò là vợ thứ, nàng phải cung kính người vợ cả.

Nàng Tăng nhìn nàng từ đầu tới chân.

– Đừng chào ta, – nàng ta nói giọng sang sảng. – Ta chỉ là một kẻ quê mùa thôi. Quỳ xuống Hưng Đệ, hãy chào mẹ của con đi. Con phải nghe lời mẹ đó.

Bé gái quỳ gối rồi cúi đầu chào. Không chờ Bà Mẹ Trẻ phản ứng, nàng Tăng nói ngay:

– Hãy chỉ cho ta phòng của Ký Nô, và ta sẽ không làm phiền nàng nữa. Con gái ta và ta sẽ đến sống ở nhà chàng.

Bà Mẹ Trẻ lấy quạt lụa che nửa dưới khuôn mặt và cắn môi. Ký Nô, “đồ bỏ đi”, là tên tục của chồng nàng? Chàng có phải là một nô lệ trước khi trở thành thủ lĩnh quân đội không? Nàng gắng gượng không hỏi han rồi dẫn cô vợ cả về phòng tổng đốc.

– Sang trọng quá! – Nàng Tăng thốt lên ngay từ cái nhìn đầu tiên. – Binh lính giày xéo ruộng đồng và phá hết các kho thóc. Khắp nơi nông dân đói khổ. Sao Ký Nô lại có thể giữ lụa là, gấm vóc trong phòng ngủ như màn trướng như vậy được? Tháo hết xuống cho ta!

Bà Mẹ Trẻ cúi đầu, cố giấu đôi giày lụa thêu đính ngọc trai dưới chiếc váy dài. Nàng Tăng quay về phía nàng.

– Tin đồn đến tận miền quê nơi ta đang canh giữ ngôi nhà và mồ mả tổ tiên của hắn. Ta đã quyết định đi tìm gặp và nói cho hắn nghe ý kiến của ta.

Bị bối rối nên Bà Mẹ Trẻ đành im lặng.

Nàng Tăng tiếp tục:

– Dù có danh dự của một thủ lĩnh tối cao nhưng Ký Nô không được quên gốc gác của mình. Nàng không phải là vợ một thương nhân giàu có đâu, mà là vợ của một nông dân được may mắn. Sự giàu sang và phí phạm đã làm hắn ngoảnh mặt đi! Nhìn đây, ta có mang theo cái này.

Nàng ta xắn tay áo lên, giật lấy túi vải từ tay con hầu rồi lôi ra một bộ đồ đã gấp cẩn thận, trải nó ra dưới mắt Bà Mẹ Trẻ. Mùi mỡ lan khắp nơi. Đó là áo choàng đàn ông bằng vải lót bông may từ những mảnh vá của vải cũ.

– Một trăm lần tay ta vá đi chắp lại, Ký Nô đã từng mặc nó suốt tuổi trẻ của mình. Đó là cái áo duy nhất của hắn! Hắn không được quên hắn đã từng đói ăn và khổ nhọc kiếm từng bát gạo thế nào! Hắn phải ngừng đánh nhau lại ngay. Ở quê, nông dân sẽ nổi giận!

Ở cửa phòng, Huệ Viên đến chào Mẹ Lớn. Không hiểu chuyện người lớn nên nó lặp lại lời lẽ văn vẻ mà bà vú nuôi đã dạy nó.

– Lại một đứa con gái nữa! – Nàng Tăng hét lên khi nhìn thấy nó. – Chuyện gì đã xảy ra vậy? Khi con gái hắn chào đời, Ký Nô đã gọi nó là Hưng Đệ, “đứa con gái dẫn các anh em đến”, hòng sau đó, hắn sẽ có được nhiều con trai. Hắn ra chiến trận ngay sau đó rồi thì ta chẳng còn gặp hắn lần nào nữa. Làm sao hắn để cho bụng nàng cũng lại sinh ra con gái như vậy? Quả thật là ta thấy thương xót cho chúng ta quá!…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN