Đàn Cổ Cầm Khỏa Thân - Chương 16
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
111


Đàn Cổ Cầm Khỏa Thân


Chương 16


Nghĩa Phù đã thôi bú. Nó dựa đầu trên đùi mẹ nằm ngủ.
– Mẹ! Mẹ!

Huệ Viên kéo rèm rồi nhảy tót vào phòng. Vừa thấy Nghĩa Phù, nó đứng yên, lăn vào vòng tay mẹ. Nó bĩu môi lay thằng em.

– Dậy đi, đồ lười nhác, tới giờ học đàn cổ cầm rồi.

Những nàng hầu mang bàn thấp đến rồi đặt trước mặt Huệ Viên và Nghĩa Phù hai cây đàn được làm riêng cho chúng.

Bà Mẹ Trẻ bắt đầu bài học bằng một tràng dài cầu nguyện. Bắt chước mẹ, Nghĩa Phù và Huệ Viên chắp tay lại. Một ngày nào đó có lẽ nàng sẽ giải thích cho chúng tràng cầu nguyện này là lời xin tha tội gửi đến tất cả những kẻ vô tội bị chồng nàng, tức là cha hai đứa trẻ, giết chết.

Một làn hương mỏng manh thoát ra khỏi lư hương chạm vàng. Làn hương có hình cung tròn uốn lượn rồi biến thành một nữ thần mặc váy đuôi dài, rồi thành một đoàn quân ngựa phi nước đại để trở thành những cuộn mây khổng lồ rồi bay vút đi trong hình dáng một bầy ngỗng trời. Hương là chữ viết của linh hồn bay đi giữa cái hữu hình và vô hình. Mùi hương nhè nhẹ là niềm sảng khoái của nỗi cô đơn. Giống như hương, âm nhạc là một thể tự do, Bà Mẹ Trẻ dạy những đứa con. Nàng đi theo linh hồn bay lên đến tận trời.

Nghĩa Phù và Huệ Viên bắt đầu lên dây đàn. Từng cặp dây được khẩy lên. Một dây đàn lên hoàn chỉnh khi nó phát ra âm hòa hợp với dây nghịch của nó. Khi Nghĩa Phù lên ba tuổi, Bà Mẹ Trẻ dạy nó chơi đàn cổ cầm để nó có được các đức tính theo lời dạy của cố nhân. Biết rằng nó sẽ được thừa hưởng vị trí của cha, nàng muốn nó trở thành một bậc nhân từ và đúng đắn.

– Chữ “Cầm”, cây đàn bảy dây, cũng là chữ “Cấm”, điều bị cấm, – nàng dạy các con. – Một người giống như một cây đàn có bảy dây lụa rung lên mỗi ngày. Đàn phải được lên dây, người phải được dạy và biết sửa chữa. Cấm, điều cấm là sự thấu hiểu cái không. Khi ta cấm những ý nghĩ sai trái, những ham muốn dư thừa và những hành động xấu xa, con người đi vào con đường Thiện nhờ nhận ra con đường Ác…

Bên ngoài, mùa xuân đã bừng nở sắc xanh, sắc hồng, sắc đỏ, sắc da trời và sắc tím. Bên trong, bóng những bụi tre đung đưa trên sàn nhà loang loáng bóng mặt trời. Gió thổi, để lại trên đồ đạc những cánh hoa muôn màu. Huệ Viên lên tám. Vẻ cao phổng làm nó như đã lên mười và thừa hưởng những nét kiêu kỳ của cha nó.

– Cầm có phải là Thanh, sự trong sạch không mẹ? – Con bé hỏi.

Bà Mẹ Trẻ khuyến khích nó nói tiếp. Huệ Viên bắt chước giọng cha nó khi ông đang bàn việc quân:

– Một khi linh hồn đã bám bẩn như một mặt hồ bị khuấy bùn thì lỗ tai trở thành Trọc và không nghe thấy âm thanh tinh tế của đàn cổ cầm nữa. Khi một linh hồn đã khép kín và bình thản thì lỗ tai nghe ra tiếng mặt hồ trong xanh phản chiếu mọi động tĩnh của thiên nhiên. Đó là lý do vì sao người chơi đàn cổ cầm phải tập cho tâm bình ổn, phải rửa sạch tay, phải đốt hương trầm và suy tư trước khi chạm vào bảy dây đàn.

Bà Mẹ Trẻ khẽ gật đầu đồng ý. Nàng rất hài lòng. Huệ Viên là một đứa trẻ thiên bẩm, có thể đọc thuộc lòng Kinh thư của Khổng Tử từ lúc còn nhỏ. Đã nhiều lần chồng nàng thầm tiếc tại sao con bé không phải là nam nhi để thừa hưởng chức tước của mình. Bên cạnh chị mình, Nghĩa Phù há miệng cười sảng khoái. Nó ngưỡng mộ chị nhưng cũng sợ chị. Huệ Viên vừa chăm sóc em vừa chọc ghẹo tính ẻo lả của nó. Con bé luôn tìm cách nổi bật hơn khi chúng cùng ở bên mẹ.

Huệ Viên và Nghĩa Phù là hai ngọn cây nở hoa mỗi ngày. Huệ Viên cao lớn và mạnh dạn như một cây rừng nhỏ trong khi Nghĩa Phù mảnh dẻ và nhạy cảm như một bông hoa mẫu đơn. Bà Mẹ Trẻ sợ chúng bị một trận gió lốc nào đó đánh gục! Nàng canh chừng từng bữa ăn, giấc ngủ. Nàng luôn lo chúng có bị lạnh, bị sốt, bị say nắng, dầm mưa hay không. Nàng biết một ngày nào đó Huệ Viên sẽ kết hôn và rời xa nàng đi về nhà chồng, rồi Nghĩa Phù sẽ phải theo cha trên những cuộc chiến tàn khốc. Những giờ bình an được học đàn này có lẽ là những khoảnh khắc hạnh phúc cuối cùng mà nàng có với con mình. Chúng sẽ sớm trưởng thành, sẽ rời xa nàng, nàng không còn gặp lại chúng nữa.

Bà Mẹ Trẻ quay mặt đi, âm thầm chùi nước mắt. Rồi nàng tiếp tục lời dạy:

– Hôm nay ta sẽ dạy các con bản Hoa lan trong thung lũng, một khúc nhạc do Đức Khổng Tử soạn. Ngày xưa, khi bị đuổi khỏi quê hương, Đức Khổng Tử lang thang từ vùng đất này đến vùng đất khác cùng những đồ đệ đi tìm một đức vua anh minh biết nghe theo lời dạy của mình. Không có ai quan tâm tới những gì ông nói. Một ngày nọ, khi đi ngang thung lũng, ông phát hiện ra một loài hoa lan nở giữa bụi rậm. Ông dừng lại, chơi một khúc cổ cầm trước hoa. Các con nói xem, tại sao ông lại soạn khúc nhạc này?

Tranh thủ lúc học đàn cổ cầm, Bà Mẹ Trẻ dạy các con những bài thơ cổ, dậy đạo đức Khổng giáo, dạy các nguyên tắc Lão Tử và kinh Phật. Cả hai đứa bé là một dải lụa trắng tinh mà nàng muốn vẽ lên những bức tranh đẹp nhất trong cuộc sống.

Nghĩa Phù mở to mắt. Huệ Viên nhanh nhẹn trả lời:

– Giống như loại hoa quý phái nở trong rừng hoang, Khổng Tử bị các ông vua ghẻ lạnh nhưng vẫn tiếp tục truyền bá các bài học thông thái trong dân chúng.

– Con của mẹ giỏi lắm!

Bà Mẹ Trẻ không giấu được niềm sung sướng.

Nàng chơi khúc nhạc hai lần rồi nói hai đứa con chơi lại.

Huệ Viên bắt đầu trước rồi Nghĩa Phù chơi theo. Hai cây đàn vang lên như hai con hoẵng chạy nhảy ở bìa rừng.

Tiếng đàn rõ ràng, sáng sủa vẽ nên những cây cối um tùm trong thung lũng.

Đến khoảng lặng, những bờ đá dốc đứng lại hiện ra.

Những âm thanh bềnh bồng vẽ ra một màn sương mờ lang thang ám vào những hang động.

Những âm thanh xoắn mạnh gợi những dòng nước quanh co xuyên qua rừng.

Các nốt nhạc tung lên như thác nước đổ trong gió.

Những âm “hãm” rung lên rồi trở thành từng chiếc lá mảnh dẻ của loài hoa lan.

Bà Mẹ Trẻ quay mặt đi rồi lại lau nước mắt.

Những cơn ác mộng chiến tranh đã chấm dứt. Dinh thự là một khu vườn đang trổ hoa. Con trai nàng sẽ là đấng quân vương có dáng đi quý nhân và trái tim nhân hậu. Niềm hạnh phúc này làm nàng đau khổ!

Năm 416

Những cột khói bắc lên tận trời như mái tóc một người phụ nữ buông lơi trong gió.

Những dải sắc đỏ lượn sóng, xoắn lại. Đó là những ngọn lửa bắc thang lên trời để gặm nhấm mây.

Sau tấm màn the, nàng thấy một người phụ nữ đang gội đầu. Ngồi trước một tấm gương đen, người phụ nữ vận đơn giản một chiếc áo trong màu trắng. Từ khuôn mặt không son phấn tỏa ra một ánh sáng nhẹ nhàng như đồ sứ cổ. Đôi mắt bà được tô để tôn lên khuôn mặt hình trái xoan, đôi môi là hai cánh hoa đào không bao giờ biết đến bão tố. Những ngón tay bà thon dài dỡ từng thanh cắm tóc khảm ngọc cùng cái lược bằng vàng chạm đá ngọc thạch rồi đặt chúng lên một khay nhung. Tháp tóc nghiêng xuống rồi xõa ra. Làn tóc đen chảy qua gáy bà, lượn trên lưng bà rồi lao xuống đất. Người phụ nữ nằm ra, ngả đầu trên gối bằng ngà rồi nhắm mắt lại. Một chậu bạc đầy nước ấm và cánh hoa hồng được đưa tới. Một nàng hầu nhúng mái tóc vào bồn rồi chải chuốt nó. Tay cầm một bình nhỏ, nàng hầu thứ hai đổ nước lên trán của người phụ nữ. Nàng hầu thứ ba mở một lọ dầu hương nhài mà nó đã chuẩn bị trước để làm mượt tóc. Tóc vẫn còn ướt được chải từng búi một trong dầu. Những cọng tóc rụng được nhặt từng cọng một, túm lại thành lọn rồi đặt vào một cái túi nhỏ. Tóc là một phần cơ thể, một vật phẩm của thánh thần.

Bà Mẹ Trẻ giật mình tỉnh dậy. Nàng nhận ra rằng người phụ nữ đó là mẹ mình và giấc mơ là một ký ức về thời thơ ấu.

Mùa xuân khỏe khoắn đã đến trong thành Kinh Châu và đêm xì xầm muôn lời to nhỏ. Đó là tiếng măng tre nhú lên, tiếng nụ hoa khép lại, tiếng lá sen duỗi thẳng trên mặt nước. Bà Mẹ Trẻ thu mình co ro. Dù đắp ba lớp lụa, cái lạnh ẩm vẫn chui vào. Nàng ho.

Rồi tiếng một con hầu nhanh chóng cất lên ngoài cửa:

– Phu nhân thức dậy ạ? Chúng con có phải thay lò than không ạ?

– Vào đi, – nàng trả lời.

Một lát sau, cánh cửa kéo được vén lên. Năm nàng hầu im lặng đi vào. Một nàng mang lò than lạnh đi bằng một cái kẹp đồng, một nàng khác đặt trước giường nàng một lò than mới trong đó than đang tí tách ửng hồng, nàng thứ ba mang đến một lồng ấp chân nhỏ bằng bạc đặt trên khay cùng hai chén nước cất, nàng thứ tư đưa đến một chậu đựng đầy nước ấm ướp hương kim ngân, nàng thứ năm mang đến khăn mặt và ống nhổ. Nàng nhúng một khăn vào nước, lau mặt và tay, rồi dùng một khăn khác để lau khô. Nàng súc miệng bằng tách nước cất đầu tiên, nhổ vào ống nhổ rồi cầm lấy tách thứ hai để uống. Nàng lấy cái lồng ấp chân rồi đi ngủ lại. Bên ngoài, lính canh đi tuần gõ chuông báo giờ Dần. Trời sắp sáng. Dù có cái lồng ấp chân, nàng vẫn không thể thoát khỏi cảm giác lạnh lẽo. Nàng kéo chăn lên đến tận cằm.

Đêm qua, nàng bất ngờ gặp lại đứa em trai út. Khi họ chia lìa nhau mười sáu năm về trước, nó vẫn còn là một đứa trẻ con. Bây giờ, nó đã có râu quai nón, trở thành một con người, một người vô danh. Nó đã kể cho nàng nghe mẹ nàng đã rời khỏi cõi đời để gặp những tổ tiên đáng kính. Rằng gia đình đã không hề nhận được tin tức và không ngừng tìm kiếm nàng. Không biết tên của tên tướng đã cướp nàng, họ nghĩ rằng nàng đã chết, cho tới một ngày họ biết rằng nàng đã thành hôn thê của thống soái, phu nhân thượng cấp trong triều, người phụ nữ đáng kính nhất của vương quốc chỉ sau hoàng hậu.

Cuộc gặp gỡ giữa đứa em trai và chị là một tình huống cay đắng đến mức không hề có một tiếng thở dài hay nước mắt. Câu chuyện của đứa em trai, bài ca đều đều về những năm dài xa cách làm nàng lạnh cứng cả thân thể. Nàng đã chào từ biệt nó bằng một động tác buồn bã để rồi lại một mình đối diện với nỗi đau.

Tại sao những người đưa tin nói dối nàng? Tại sao chồng nàng cố giấu những bức thư? Nàng đã là một tù binh mà không hề hay biết.

Mười sáu năm, thật dài khi đếm ngày đếm tháng, nhưng đó chỉ như cái chớp mắt trong đời người phụ nữ. Trong mơ, nàng luôn là một cô gái trẻ còn chưa hề biết cuộc đời tàn bạo; lúc thức dậy, nàng đã là mẹ, là phu nhân trong triều, đã ngán ngẩm những vụ âm mưu ngày càng nhiều quanh mình. Hôm qua, cuộn hai búi tóc hình hoa trà, nàng nhảy cẫng, chạy, hát reo vui vẻ. Hôm nay, nàng đi lại giữa một bầy hầu gái và thái giám, rồi luật lệ trong cung buộc nàng phải đi kiệu và xe đính từng chiếc là bằng vàng. Từng động tác của nàng không còn tự do nữa; nàng là chiếc áo lộng lẫy của chồng và con mình, là thứ trang hoàng cho sức mạnh của họ.

Trước căn phòng, có tiếng sột soạt của váy áo. Đó là những nàng hầu thay ca. Toán hầu ngày đến thay toán hầu đêm. Nàng ho một tiếng, tức thì cánh cửa mở lớn rồi một toán cô gái trẻ bước vội vào. Họ xếp thành ba hàng rồi quỳ lạy trước giường nàng, đồng thanh hô lớn:

– Nô tỳ bái kiến phu nhân! Kính chúc phu nhân trăm tuổi xuân thì!

Nàng để cho các nàng hầu lau rửa và thay đồ. Một số mang cho nàng nước cất lúc thức dậy buổi sáng, số khác lại lo việc chải tóc và trang điểm cho nàng. Bên ngoài cánh cửa đang mở rộng, nàng thấy ngày đã đến. Những lũy tre và các tòa nhà sơn son thếp vàng xa xa vẫn chìm trong bóng tối.

Người làm tóc vấn từng búi tóc của nàng lên rồi quấn quanh những sợi tóc giả, tạo thành một tháp cao để cắm vào đó những đồ trang sức hợp với danh vị của nàng. Các nàng hầu bôi lên da mặt nàng một lớp dầu thơm. Sau khi đã đánh bóng cổ nàng, xoa hai bên má, viền mắt và thái dương, họ phủ lên da một lớp phấn làm từ sữa và thảo mộc.

Khi nàng thay đồ xong, mặt trời đã rọi những tia nắng vàng xuống khu vườn; vô tư không biết đến nỗi đau và khốn khổ của con người, những chú chim hát vang vui mừng.

Trong phòng sinh hoạt, các nàng hầu mang đến hàng chục khay đựng thức ăn cho bữa trưa, nhưng nàng chỉ có thể nuốt một tách trà.

– Mẹ! Mẹ!

Nàng run run. Ngoài thềm, Huệ Viên và Nghĩa Phù đang cúi chào nàng. Nàng ra hiệu cho chúng vào. Mặc một bộ áo gấm và mang một búi tóc lớn hình con gà, Huệ Viên ngồi trên ghế vững vàng, khuôn mặt khép nép.

Nghĩa Phù đã mười tuổi. Nó là một cậu bé dễ thương quấn tóc theo kiểu thông chúi xuống. Như một người thượng lưu, nó mặc áo có tay dài thêu ngọc trai và mang đôi dép gót cao bằng gỗ quý. Nghĩa Phù ngồi cạnh Huệ Viên. Bỗng nó lấy tay áo che mặt rồi nức nở.

Bà Mẹ Trẻ cố giấu nước mắt. Nàng đã mong con gái được thứ hạnh phúc mà nó sẽ không biết: một đám cưới linh đình với con trai một người thượng lưu ở Trung Nguyên. Nhưng nàng không biết chồng nàng đã ra tay để Huệ Viên được chọn vào triều. Ông thích dùng con gái để đạt những mục đích chính trị hơn. Trở thành thiếp trong triều, Huệ Viên sẽ là con tốt được đặt dưới quyền Hoàng đế. Nếu nó sinh được một hoàng tử thì đứa bé sẽ được thừa kế ngai vàng. Khi Hoàng đế đương trên ngai bị ép thoái vị, đứa bé con sẽ trở thành Thiên tử. Trong vai vế là ông ngoại, thống soái Lưu sẽ là nhiếp chính và cai trị hợp pháp toàn bộ đế chế ở bờ Nam.

Những nàng hầu quỳ lạy trước thềm.

– Bẩm phu nhân, xe triều đình đã đến. Thái giám trong cung sẽ vào dinh thự. Xin phu nhân trở gót diện kiến ạ!

Ôm chặt đứa em trai, Huệ Viên gục xuống trong nước mắt. Tay choàng quanh cổ chị, Nghĩa Phù la hét đến khàn cổ. Bà Mẹ Trẻ lảo đảo đứng dậy. Nàng dựa vào cánh tay nàng hầu để không ngã xuống. Nàng biết rằng tất cả các cô gái trẻ vào Tử Cấm Thành đều không được gặp cha mẹ nữa và phải sống trong im lặng. Phải cạnh tranh với mười nghìn tỳ thiếp khác để được sự sủng ái của Hoàng đế, con bé sẽ chết vì tủi nhục, vì bị đầu độc hoặc vì bị lãng quên.

Bà Mẹ Trẻ đi qua hai đứa bé mà không nhìn chúng. Bên ngoài, mặt trời chói chang. Nàng nhìn lại chiếc váy cưới mà nàng đã không mặc nữa khi lánh nạn chiến tranh. Hằng hà sa số những nét thêu vẽ thành hình hoa mẫu đơn, bướm, chim, cây cỏ và mây trời. Tại sao cái niềm hạnh phúc đơn giản này cô con gái nàng lại không thể có?

Nàng chùi nước mắt rồi ra lệnh cho người trang điểm dặm phấn lại mặt mình cũng như cô con gái. Nàng ngẩng cao đầu rồi lấy lại giọng điệu quý phái và lạnh lùng của một phu nhân thượng cấp trong triều. Nàng túm váy lên rồi đi xuống thềm để đón đoàn thái giám của triều định đến tìm Huệ Viên. Theo đúng luật, lối đi chính điện được phủ một dải lụa dài và vải lông đỏ thẫm. Dưới chân mang đôi giày vàng mũi cong, nàng cảm thấy một dòng sông máu đang chảy.

Năm 417

Mười hai tháng đã trôi qua mà Bà Mẹ Trẻ không thể thoát khỏi sự đờ đẫn bắt nhốt nàng, làm nàng vô cảm với mọi cơn đau và vô cảm với mọi sự.

Ở trên núi Bắc, chùa Đại Bi trôi giữa mây trời, Bà Mẹ Trẻ từ chối đi kiệu để leo ba nghìn bậc thang thể hiện lòng thành Phật pháp. Khi nàng đến được cổng vào, sư Phát Quang ngạc nhiên chào nàng.

– Đừng từ chối ta, – Bà Mẹ Trẻ nói với sư. – Ta mới vừa bỏ cung đình. Hãy cho ta ngồi trong một phòng tu như một người đàn bà bình thường lánh nạn nơi đất Phật.

Ở chùa, những nữ tu thức dậy lúc sáng sớm và chỉ ăn hai bữa nhẹ mỗi ngày. Đã rời bỏ áo lụa và trang sức vàng bạc, Bà Mẹ Trẻ mặc một chiếc áo vải gai thô và theo một chế độ ăn chay: một bát cháo trắng, một nhúm ngũ cốc và vài cọng rau. Đôi má tròn trĩnh, cơ thể đầy đặn, mái tóc dày và óng mượt của nàng tương phản với cánh tay xương xẩu và sắc da xanh nhợt nhạt của các tu sĩ. Da sạm và khô, các nữ tu giống như những cây khô rụng lá vào mùa đông. Họ đi theo đoàn chậm rãi, ngồi xuống mỗi người một góc không gây ra tiếng động trong các phòng tu và gặp nhau để đọc kinh. Họ ít nói, không tán gẫu, không bao giờ cười. Không ai hỏi Bà Mẹ Trẻ tại sao nàng lại muốn đến nơi này. Khuôn mặt họ không chút biểu cảm. Cái không của tôn giáo, sư Phát Quang nói với nàng, đó là sự xa rời khỏi nhục dục và những tình cảm phàm trần. Người ta phải dẹp bỏ bản ngã và chấp nhận làm một nét tối. Nhiều nét tối sẽ làm thành bức thư pháp mà thần linh tìm kiếm.

Trên bậc thềm vào chùa, khi trời đẹp, Bà Mẹ Trẻ mở tầm mắt nhìn cánh rừng mở rộng đến tận đầu ngón chân nàng và ngắm dòng sông Dương Tử. Quanh nàng, những đỉnh núi nhuốm hồng khi mặt trời xuống. Khi thời tiết xấu, từng đám mây cuồn cuộn kéo tới vây quanh, sương mù từ dưới đất sâu dâng lên, cây cối biến mất, con đường mòn dẫn lên chùa biến mất, thế gian trở thành một quả cầu tròn mờ đục, làm người ta thấy con đường giữa thế giới bên ngoài và thế giới trong chùa vĩnh viễn bị ngăn cách.

Trong phòng Tam Thế Phật, nàng tụng kinh đến tận khi cảm thấy cơn sốt sắp tóm lấy mình và linh hồn nàng rời khỏi cơ thể để hòa vào những nén hương. Nàng xin Phật tha tội cho chồng nàng, người đang viễn chinh ở phương Bắc, khi chinh phục được nhà Yên do một bộ tộc Tiên Ti dựng lên, đã cho xử chém ba nghìn quan lại giữa chợ. Nàng cầu xin chư thế Phật bảo hộ những đứa con thơ dại của mình để chúng không phải chịu đựng số phận tồi tệ lần nữa.

Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Dược Sư và Phật A Di Đà, những người chủ của Hiện tại, Quá khứ và Tương lai vừa lắng nghe nàng vừa mỉm cười.

– Phu nhân! Phu nhân!

Tiếng la hốt hoảng của những người phụ nữ chen vào dòng suy nghĩ của nàng. Nàng nhận ra tiếng một nàng hầu:

– Bẩm phu nhân! Xảy ra chuyện lớn rồi! Xin phu nhân theo chúng con ngay. Chúng con vừa biết cậu nhà phải rời thành Kinh Châu theo thống soái ra mặt trận phương Bắc!

Bà Mẹ Trẻ ngước nhìn Tam Thế Phật. Trán nhăn nheo, đôi mắt khép hờ, khóe môi nhoẻn cười, họ chỉ cho nàng con đường nhập định.

Những nàng hầu đã vào trong phòng và quỳ gối.

– Xin phu nhân mau trở về. Chỉ có phu nhân mới phá được âm mưu đang vây quanh cậu nhà. Kiệu cho phu nhân đã sẵn sàng, đang chờ phu nhân ở cửa ạ!

Nàng thở dài rồi đứng dậy. Kinh Châu đã nhắc nàng về chức vị và nghĩa vụ. Sư Phát Quang tiễn nàng đến tận cửa chùa mà không đưa ra bất kỳ lời bình phẩm nào. Chắp tay lại, sư cúi đầu chào nàng. Bà Mẹ Trẻ cũng chào sư rồi đôi mắt nàng dừng lại nơi cái đầu đã cạo của vị nữ tu. Khi tóc của Bà Mẹ Trẻ được gội và chải thẳng, chúng quấn quýt vào nhau và ru nàng ngủ làm nàng có cảm giác trở lại thuở ấu thơ. Từ đâu sư Phát Quang có được sức mạnh để từ chối bộ phận này trên cơ thể, bộ phận đã làm nên tính nết hiền hòa của một người phụ nữ?

Trên đường xuống núi, Bà Mẹ Trẻ biết rằng Trường An, trái tim của Trung Nguyên, cố đô của các triều Hoa Hạ, vùng đất đầy mộ tổ tiên nàng, đã được chồng nàng giải phóng; những cư dân Trường An đã đón thống soái như người cứu độ Hoa Hạ và tôn chàng làm thủ lĩnh. Nhưng vì vội vàng về lại phương Nam, nơi chàng đánh hơi thấy một âm mưu chống lại mình, chồng nàng đã theo lời khuyên của những người hầu cận và quyết định đem Nghĩa Phù lên miền Bắc cai trị thay mình.

Ở cảng Kinh Châu, ánh sáng đã tắt và sương mù bao phủ. Những con thuyền bị che mất đỉnh buồm và phần cánh buồm. Chúng trở thành những đường cong đứt đoạn, những nét rời rạc.

Lúc nhỏ, nàng đã biết ở phía đông, dòng sông mở rộng ra rồi trở thành biển cả. Nơi đó, có hai hòn đảo trôi nổi theo sóng, cây cối luôn xanh tươi quanh năm và trổ ra những trái thơm ngát, những thác nước mù hơi đổ vào hồ nước nóng. Mặc đồ may bằng mây và bằng ánh sáng, những con người bất tử ở đó sống thỏa mãn, vô tư lự. Hoàng đế đầu tiên, Tần Thủy Hoàng, đã cho đóng một con thuyền khổng lồ sơn đỏ mạ vàng và đá quý. Năm trăm thanh niên và năm trăm cô gái đã được chọn để đi đến tận cùng thế giới tìm những hòn đảo này, nơi cất giữ bí mật về sự bất tử. Là ông hoảng của các vương quốc mà mình đã đánh sập thành, ông hoàng của các đoàn quân vượt qua mưa tuyết, nhưng Hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã không được những người bất tử lựa chọn. Con thuyền đi mãi không về.

Trên bờ, đứng đầu đoàn người, Bà Mẹ Trẻ chờ đợi. Sau lưng nàng, Nghĩa Phù run lên vì lạnh và muốn về nhà. Nàng buộc nó phải đứng đó và mở mắt thật to để nhìn. Một bóng tối kéo đến. Cái miệng hung tợn của con ác thú ló ra khỏi sương mù, rồi để lộ ra thân hình quái vật, nơi những mái chèo có vô số chân di chuyển nhịp nhàng, đánh lên từng đợt sóng cuồn cuộn. Nàng quay lại để chắc chắn Nghĩa Phù đang chắp tay trên trán và cúi chào con thuyền của cha nó.

Một con thuyền nhỏ cập bờ. Trong tiếng ồn ào của binh khí, một toán lính tuôn ra từ đó rồi chia thành hai hàng. Ở cuối hàng, một người quân sư thân cận của chồng nàng bước lên. Thất vọng và bực tức, Bà Mẹ Trẻ vẫn cố giữ nguyên cốt cách. Đã lâu rồi nàng không được gặp lại chồng mình và họ chỉ trao đổi với nhau gián tiếp qua người đưa tin. Quân sư vội vã bước chân và quỳ gối trước Bà Mẹ Trẻ. Ông rút ra một cuộn giấy từ tay áo rồi dâng bằng hai tay qua đầu.

– Bẩm phu nhân, đại thống soái, tổng quân bình định phương Bắc, tể tướng đương triều đang chờ mong quý tử ở Trường An. Ngài đã gửi thần đến để hộ tống quý tử về phương Bắc.

Mắt Bà Mẹ Trẻ liếc qua cuộn giấy. Nàng nhăn mặt, nhấc cằm rồi trang trọng nói:

– Trong vai trò là người nối dõi họ Lưu, con trai ta Nghĩa Phù sẽ không đi về phương Bắc. Nó sẽ không rời khỏi thành Kinh Châu. Ngươi hãy trở về đi.

Gió thổi giọng nói mạnh mẽ của nàng. Hoàn toàn sững sờ, viên quân sư cúi đầu rồi lạy tạ, hai tay để dọc bên đùi.

– Bẩm phu nhân, đây là lệnh.

Bằng một động tác nhanh gọn, nàng xé bức thư viết lệnh của chồng có con triện của thống soái rồi ném nó xuống đất. Quan lại và binh lính la lên sợ hãi rồi đứng nghiêm lại. Nàng quay đi, nhẹ nhõm vì lần đầu nói không với chồng.

– Đến đây, chúng ta về! – Nàng nói với Nghĩa Phù đang đứng sững như tượng.

Nàng nắm tay nó, dẫn tới xe ngựa. Các quan thái giám đi theo, cùng với quân lính hộ vệ. Đoàn người rời khỏi bến thuyền, để mặc những người đưa tin từ phương Bắc.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN