Đàn Hương Hình - Chương 10
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
120


Đàn Hương Hình


Chương 10


Nghe nói câu trên của nhà vua là dành cho các thái giám và cung nữ, nhưng
các quan viên sáu Bộ, các vương công đại thần như bị đánh gãy chân, nhất loạt khuỵu xuống, dập đầu lạy tạ như tế sao, người cảm tạ ơn vua, kẻ hô vạn tuế, loạn cả lên! Ta và Già Dư được dịp nhìn thấu bản chất của các
quan!

Hoàng thượng đứng dậy, viên thái giám hô to:

– Khởi giá hồi cung!

Các nương nương về cùng Hoàng thượng.

Các thái giám cũng về nốt.

Còn lại là các đại thần rũ rượi như cục nước mũi và tên Mọt như một con hổ.

Bố tụi bay hai chân mỏi dừ, mắt nảy đom đóm, nếu như không có Già Dư dìu
đi, chắc chắn bố tụi bay sẽ ngã xuống bên cạnh thi thể thằng Mọt, trước
khi Hoàng thượng lên kiệu về cung.

Tụi bay còn trợn mắt nhìn ta nữa thôi?

Ta nói cả nửa buổi để các ngươi hiểu rằng, vì sao bố tụi bay dám nổi dóa
với bọn công sai. Một thằng Huyện Lệnh nhãi nhép, một chức quan to bằng
hạt vừng, sai hai thằng chó săn đến truyền lệnh gọi ta! Kiêu kỳ bắc bậc
quá đấy! Bố tụi bay lúc chưa đầy hai mươi tuổi đã đảm đương công việc
động trời trước mặt đức Kim thượng Hàm Phong và Từ Hi Hoàng Thái Hậu.
Sau đó, từ trong cung vọt ra lời vàng ngọc của Hoàng thượng:

– Bọn đao phủ của Bộ Hình hành sự tinh thông! Trình tự, lớp lang, đầu cuối, căng dịu… đâu ra đấy! Trẫm được xem một vở diễn hay!

Vương đại nhân được gia phong Thái tử Thiếu Bảo. Thăng quan tấn tước, vui vẻ
trong lòng, Ngài thưởng cho Già Dư và ta bốn tấm lụa điều. Con đi hỏi
cái tên họ Tiền, hỏi xem hắn đã nhìn thấy long nhan của vua Hàm Phong
chưa? Chưa. Ngay cả long nhan đương kim Hoàng thượng Quang Tự cũng chưa! Hắn đã nhìn thấy phượng nhan của đương kim Hoàng Thái Hậu cũng chưa. Do vậy bố tụi bay dám khoe mẽ trước mặt hắn.

Ta đoán
rằng, chỉ lát nữa, tri huyện Cao Mật Tiền Đinh sẽ đích thân đến mời ta.
không phải cá nhân hắn mời ta, mà Viên đại nhân trên tỉnh sai hắn đến
mời ta. Viên đại nhân thì ta đã mấy lần gặp mặt, ta đã giúp ngài làm một việc, làm rất gọn, rất đẹp mắt! Viên đại nhân vui lòng, thưởng cho ta
một hộp lớn bánh cuốn thừng của Thiên Tân. Ta về quê đã nửa năm không đi đâu cả, tụi bay đừng nghĩ rằng ta là cây gỗ mục! Kỳ thực, ta biết tuốt
mà làm ra vẻ hồ đồ. Lòng ta là một tấm gương, soi rõ từng chân tơ kẽ tóc cái thế giới này. Cô con dâu hiền của ta, những trò trộm gà bắt chó của con không che được mắt ta được đâu. Con trai bất lực, không thể trách
con dâu ăn mảnh, đàn bà mà lại, tuổi trẻ mà lại! Trẻ ngứa nghề, không
coi là tật. Cha đẻ của con làm phản bị tống giam đại lao, chuyện động
trời này, ta biết. Ông là trọng phạm mà người Đức chỉ đích danh, nòi gì
Cao Mật, ngay cả Sơn Đông cũng không ai dám thả ông ra. Vì vậy, ông chết là cái chắc! Đại nhân Viên Thế Khải là một sói chúa, giết một mạng
người đối với ông ta chẳng khác dẫm chết một con giòi! Ông ta đang được
người ngoại quốc tin dùng, đương kim Hoàng Thái Hậu cũng phải dựa vào
ông ta để ổn định thời cuộc. Ta đoan chắc rằng, ông ấy sẽ mượn tính mạng cha con để diễn một tấn trò, vừa cho người Đức xem, vừa cho dân chúng
Cao Mật và tỉnh Sơn Đông xem, cảnh báo họ yên phận làm ăn, không được
giết người, không được làm giặc. Người Đức làm đường sắt thì triều đình
đã chấp thuận, liên quan gì đến cha con? Vậy là “Mình làm mình chịu!”
Đừng nói con không cứu nổi, mà Tri huyện Tiền Đinh cũng không cứu nổi
cha con. Con trai của ta, giờ đây là lúc cha con ta xuất đầu lộ diện. Bố con vốn định rửa tay gác kiếm, ẩn tính mai danh, chết già ở nơi thôn dã này, nhưng ông trời không chịu. Sáng nay, đôi tay này đột nhiên nóng
ran, ta hiểu rằng, công việc của ta vẫn chưa xong. Đây là ý trời, không
cách nào tránh né. Con dâu này, con khóc cũng không ích gì, hận cũng
không ích gì, ta chịu ơn trời biển của đương kim Hoàng Thái Hậu, không
nhúng tay vào thì có lỗi với triều đình! Ta không giết cha con thì người khác giết! Để cái bọn bất thành nhân dạng giết ông ấy, chẳng thà để ta
giết còn hơn! Người ta có câu: “Thân này ví xẻ làm ba”, ta sẽ trổ tài,
để ông ấy chết một cái chết oanh liệt, sử sách lưu danh. Con trai của
ta, cha cũng muốn giúp con có nghề chính đáng, để hàng xóm láng giềng mở mắt ra! Họ chẳng rất khinh thường con đấy sao? Vậy được, ta phải cho họ hiểu rằng, đao phủ cũng là một nghề. Nghề này, người đứng đắn không
làm, kẻ lười nhác không làm nổi! Nghề này đại biểu cho tinh khí thần của triều đình. Nghề này mà phát triển, thì triều đình hưng thịnh; nghề này tiêu điều thì khí số của triều đình cũng hết! Con trai, nhân lúc kiệu
của quan lớn Tiền chưa đến, cha nói đôi điều về việc nhà mình, hôm nay
không nói, chỉ sợ sau này không còn dịp nào để nói nữa.

Năm bố con mười tuổi, ông nội con bị dịch tả. Sáng mắc, trưa chết. Năm đó ở Cao Mật sáng nào cũng có người chết, nhà nào cũng có tiếng khóc. Hàng
xóm không đỡ đần được nhau, nhà nào có người chết, nhà ấy chôn cất lấy.
Ta và bà nội con, nói vầy hơi khó nghe, lôi ông ra bãi tha ma như lôi
một con chó chết, đắp điếm qua quít cho xong. Ta và bà nội vừa quay
lưng, một đàn chó hoang đã xông tới, chỉ bới vài cái đã lôi được xác ông lên. Ta nhặt gạch vỡ xông tới định liều mạng, chúng giương những cặp
mắt đỏ ngầu, nhe hàm răng trắng nhởn, chĩa vào ta mà sủa. Chúng ăn thịt
người chết, béo mẫm, cơ bắp cuồn cuộn, con nào cũng khỏe và dữ như hổ.
Bà nội ngăn ta, bảo:

– Con ơi, đâu chỉ riêng cha con, đành để chúng ăn thôi!

Ta biết, một người đánh không lại cả đàn chó dại, đành đứng đấy mà nhìn lũ chó, miếng thứ nhất xé tan quần áo ông nội con, miếng thứ hai xơi gọn
da thịt, miếng thứ ba chén sạch ruột gan tim phổi, miếng thứ tư nhai
xương rau ráu.

Sau đó năm năm, vùng Cao Mật lại phát sinh bệnh thương hàn, bà nội con sáng bị, trưa tắt thở. Lần này, ta đặt xác bà nội giữa đống rơm, châm lửa đốt. Từ đó, bố con cơ khổ lênh đênh
không nơi nương tựa, ban ngày chiếc gậy cùng cái muỗng, xin ăn từng nhà. Tối đến rúc vào đống cỏ, chui vào bầu lò, tiện đâu ngủ đấy. Khi đó, ăn
mày trẻ con như ta có hàng đàn, xin được miếng ăn đâu có dễ! Có hôm gõ
cửa hơn trăm nhà mà không kiếm nổi mẩu dưa héo. Chết đói đến nơi, bố con chợ nhớ bà nội con lúc sinh thời có lần nói rằng, bà có người anh em họ làm công sai ở một phủ lớn ngoài kinh thành, cuộc sống không đến nỗi,
thường gửi tiền cho bà. Vậy là bố con quyết định lên kinh đô tìm ông ta.

Dọc đường xin ăn, đôi khi phụ giúp thiên hạ làm vài việc vặt, cứ như vậy
khi đi khi nghỉ, bữa đói bữa no, rồi cũng đến được kinh đô. Bố con theo
bọn buôn rượu, vào Bắc Kinh bằng cổng Sùng Văn. Nhớ mang máng bà nội nói ông ta là lính ở đại đường Bộ Hình, bèn hỏi thăm đường đến Lục Bộ Khẩu, rồi tìm đến Bộ Hình. Hai ông kính vai hùm lưng gấu đứng gác ngoài cổng. Bố con lân la lại gần, liền bị một ông dùng sống dao gạt bắn đến hơn
một trượng. Trăm núi nghìn sông mới đến được đây, tất nhiên không thể bỏ cuộc, bèn suốt ngày lượn lờ ngoài cổng Bộ Hình. Phố Bộ Hình hai bên có
mấy nhà hàng, nào là “Tụ Tiêu Lâu”, nào là “Hiền Nhân Cư”, đều rất đàng
hoàng, khách khứa nhộn nhịp, giờ cao điểm, ngựa xe xếp hàng chật cứng
hai bên đường, mùi thức ăn tỏa dài theo phố, thơm điếc mũi! Cũng có mấy
quán nhỏ bán điểm tâm: Bánh bao, thịt nướng, bánh xèo, óc đậu… Không
nghĩ rằng trong thành Bắc Kinh lại có nhiều món ăn ngon đến thế, chẳng
trách ai cũng muốn về Bắc Kinh. Bố con chịu khổ từ tấm bé, biết tìm việc mà làm, thường giúp những người làm công trong nhà hàng một số việc
vặt, đổi lấy bát cơm ăn. Bắc Kinh đất rộng người đông, xin ăn dễ hơn ở
Cao Mật. Những ông chủ giàu có thường gọi rất nhiều món, nhưng chỉ đụng
đũa đôi chút rồi bỏ, không ăn. Cơm thừa canh cặn cũng đủ bố con no bụng. No rồi, tìm nơi chân tường khuất gió đánh một giấc. Dưới nắng ấm, bố
cảm nhận được gân cốt mình đang lớn lên, năm sau bố con đã cao hơn năm
trước một cái đầu, chẳng khác cây lúa gặp mưa xuân!

Giữa lúc bố con đang thỏa mãn với cuộc sống vô tư của một anh chàng hành
khất thì đột nhiên tình thế thay đổi hẳn: Một lũ ăn mày đánh bố gần
chết. Cầm đầu bọn chúng là tên Chột, hắn hỏng một mắt, con mắt còn lại
sáng lạ lùng, vết sẹo chém bằng dao chạy dài trên mặt, trông phát khiếp! Hắn nói:

– Thằng súc sinh, mày chui ra từ xó xỉnh
nào mà dám khua khoắng trên địa bàn của ông? Còn trông thấy mày lảng
vảng ở phố này, ông sẽ đánh què cái chân chó của mày, sẽ móc đuôi hai
con mắt chó của mày!

Nửa đêm, bố con gắng gượng mãi
mới bò được ra khỏi rãnh nước bẩn, thu mình trong một xó tối, người đau
như giần, bụng lép kẹp sôi ùng ục. Ta cảm thấy cái chết đã gần kề. Đúng
lúc ấy, ta mơ màng nhìn thấy bà nội đứng trước mặt, bảo:

– Con đừng buồn, vận may của con sắp đến rồi!

Ta vội mở mắt. Không thấy gì hết! Chỉ nghe gió thu hiu hắt rì rào trên
những ngọn cây và tiếng ri rỉ của mấy con dế sắp chết cóng. Còn nữa, cả
một bầu trời đầy sao hấp háy nhìn ta. nhưng hễ nhắm mắt là ta lại thấy
bà nội đứng trước mặt, bảo rằng vận may sắp đến với ta, còn mở mắt thì
lại không thấy gì cả. Sáng sớm hôm sau, mặt trời đỏ rực, nhuốm hồng
những giọt sương long lanh trên cỏ, trông thật đẹp mắt! Đàn quạ kêu ầm
ĩ, bay về phía nam kinh thành. Về sau, tự nhiên ta hiểu, sáng sớm đàn
quạ bay về hướng đó để làm gì? Ta đói không chịu nổi, muốn xin chút gì
dằn bụng nhưng lại sợ tên Chột. Chợt trông thấy cái đống than bên đường
có cái thân của cây cải bẹ, liền ra nhặt về chỗ chân tường, ngồi nhai
rau ráu. Đang ăn ngon lành, ta thấy có đến mười mấy con ngựa xuất phát
từ sân Bộ Hình, trên lưng là những lính dõng quần áo nẹp đỏ, phi nước
kiệu trên con đường mới đắp vằng đất da ban màu vàng xỉn. Các lính dõng
của mình cài yêu dao, tay cầm roi ngựa, gặp người vụt người, gặp chó
đánh chó, cái phố lớn như vậy mà toắt cái trở nên vắng tanh.

Lát sau, một chiếc xe tù bằng gỗ, từ sân Bộ Hình chạy ra. Con la kéo xe tù
rất gầy, sống lưng nhọn như sống dao, chân gầy như que củi. Xe tù chở
một phạm tóc xõa, khuôn mặt mờ nhạt, mắt mũi không rõ. Xe lắc lư trên
đường, trục khô dầu, rít kin kít. Dẫn đường cho xe tù là mấy lính kỵ mã
khi nãy, sau đám kỵ mã là hơn chục lính thổi tù và. Tiềng tù và thì
không thể hình dung nổi, tì… tì… như đàn trâu khóc. Phía sau xe tù, là
một nhúm quan viên mặc triều phục, người to béo đi giữa để ria chữ bát,
trông như ria dởm dán bằng keo. Phía sau các quan viên, lại là mười mấy
kỵ mã. Đi kèm hai bên xe tù là hai người mặc quần áo màu đen, thắt lưng
to bản, đầu đội mũ đỏ, tay cầm đại đao. Hai người sắc mặt đỏ gắt – khi
ấy ta chưa biết họ bôi máu gà lên mặt – bước chân nhẹ nhàng không một
tiếng động. Bố tụi bay nhìn họ không chớp, phong độ của họ làm ta mê
mẩn! Khi ấy ta nghĩ, bao giờ mình có được cái dáng đi ấy nhỉ? Chợt ta
nghe có tiếng bà nội nói sau lưng:

– Con ơi, cậu con đấy!

Ta lập tức quay lại, sau lưng là bức tường màu xám, không có ai cả. Nhưng
ta biết bà nội đã hiển linh. Thế là ta gào lên: “Cậu ơi!” Cùng lúc ấy
như có ai đẩy mạnh ta một cái, ta mất đà, lao về phía xe tù.

Đúng là không biết trời cao đất dày! Các quan viên và đám lính kỵ mã ngớ ra. Một con ngựa giật mình cất cao hai vó trước hí vang, tên lính kỵ văng
xuống đất. Ta nhào đến trước mặt hai người áo đen tay cầm đại đao, vừa
khóc vừa nói: “Cậu ơi, thế là cháu đã tìm thấy cậu!”… Nỗi niềm bấy lâu
nay chất chứa trong lòng khiến ta trào nước mắt. Hai người áo đen cầm
đại đao cũng ngẩn người ra. Ta thấy họ đưa mắt nhìn nhau, người nọ như
có ý hỏi người kia: “Ông là cậu thằng ăn mày này à?”

Hai người áo đen chưa kịp có phản ứng gì, đám lính kỵ đã hoàn hồn vung đao
vung kiếm hè nhau xông tới vây quanh ta, kiếm quang lấp lóa trên đầu ta. Một bàn tay vạm vỡ chộp lấy cổ ta nhấc bổng lên, ta có cảm giác như
xương cổ mình gãy vụn, ta giẫy giũa trên tay họ, miệng gào to: “Cậu ơi,
cậu!”… Rồi ta bị quẳng xuống đất, đè chết tươi một con nhái. Miệng ta
vập phải đống phân ngựa còn nóng hổi.

Phía sau xe
tù, một người to béo mặt đen, đội mũ triều thiên chóp bạc bằng pha lê
màu lam, áo bào thêu con báo trắng trước ngực, ngồi ngay ngắn trên lưng
con tuấn mã. Ta hiểu đây là ông quan to. Một lính dõng khuỵu một chân
thưa lên:

– Bẩm đại nhân, một thằng ăn mày ạ!

Hai lính dõng điệu ta đến trước mặt đại quan, một tên ghìm tóc bắt ta ngẩng lên để đại quan xem mặt. Ông quan béo nhìn ta một thoáng, xì một cái,
chửi:

– Thằng ăn mày ngu xuẩn! Xéo!

Tên lính dõng thưa lên một tiếng, rồi cầm tay ta lôi sang bên kia đường, dúi ta một cái, chửi: “Cút mẹ mày đi!”.

Người ta bay theo tiếng chửi, rơi tõm xuống rãnh bùn, nước thối hoắc.

Bố tụi bay loay hoay mãi mới mò được lên bờ, mắt không mở được, tối mò. Ta vơ nắm cỏ khô lau bùn đất trên mặt. Lúc mở được mắt ra, con đường đất
ba dan bụi tung mù mịt, đội hành quyết đã đi về hướng nam. Ta nhìn theo
mà cảm thấy trong lòng ngao ngán. Lúc này, lời bà nội lại văng vẳng bên
tai: “Con nên đi xem! Người ấy là cậu con đấy!”.

Ta
nhìn quanh, tìm bà nội. Chỉ thấy con đường đất màu vàng, bãi phân ngựa
đang bốc hơi và những con chim sẻ nghiêng đầu, mắt bé tí đen láy, đang
nổ thức ăn trong đống phân ngựa. Không thấy bà nội đâu cả! “Mẹ ơi!”… Ta
buồn quá, cất tiếng khóc, tiếng khóc dài lê thê như cái rãnh nước bẩn
chạy dọc theo bên đường. Ta nhớ bà nội, oán bà nội. Mẹ ơi, mẹ bảo con
đến nhận mặt cậu, nhưng ai là cậu của con? Người ta xách cô con lên như
xách mèo xách chó, rồi quẳng con xuống cái rãnh thối, suýt nữa cái mạng
của con không còn! Lẽ nào mẹ không nhìn thấy? Mẹ ơi, mẹ có linh thiêng
thì đưa đường chỉ lối, giúp con thoát khỏi bể khổ. Nếu mẹ không thiêng
thì đừng nói gì nữa, dù phải cạp đất mà ăn, con trai cũng không cần mẹ
lo toan! Nhưng bà nội tụi bay không nghe, cứ vo ve như con nhặng sau tai ta:

– Con đi mà xem, người ấy là cậu của con!

Vậy là bố tụi bay chạy như điên, đuổi theo đội hành quyết. Chỉ khi chạy
thật nhanh, bà nội mới chịu ngậm miệng. Hễ chạy chậm là tiếng rủ rỉ bên
tai lại vang lên. phải chạy thật nhanh mới thoát cái tiếng ấy, dù rằng,
rất có thể lại bị quẳng xuống rãnh lần nữa. Ta đuổi theo đội hành quyết, ra khỏi cửa Tuyên Vũ, chạy miết trên con đường sống trâu đầy ổ gà, nước đọng thành vũng. Đây là lần đầu ta chạy trên con đường nổi tiếng trong
thiên hạ, giờ đây nó in những vết chân của ta. Cảnh quan ngoại thành
tiêu điều, không được như nội thành. Hai bên đường nhà cửa thấp lè tè,
xen kẽ những vạt rau xanh: cải thìa, cải bẹ, củ cải; riêng đậu ván thì
thân, lá đã khô héo trên giàn. Có mấy người đang lom khom trên những
ruộng rau, họ không quan tâm nhiều đến đội hành quyết, người ngó qua một thoáng, người cắm cúi làm, không ngẩng đầu lên.

Gần đến pháp trường, con đường sống trâu chui tụt vào bãi rộng mênh mông,
chính giữa là cái bệ cao, có rất nhiều người vô công rỗi nghề xúm quanh. Trong đám đông có một số là ăn mày, trong đó có tên Chột, thì ra đây
cũng là địa bàn của hắn. bọn lính thúc ngựa dàn thành đội hình. Hai đao
phủ rất phong độ nói trên mở xe, lôi phạm xuống. Phạm có lẽ gãy chân, đi cà nhắc khiến ta tưởng đến củ hành bị héo. Đao phủ dìu phạm lên bục,
nhưng vừa buông tay, anh ra lại rũ xuống, chẳng khác người không xương!
Những người đứng vây quanh xì xào, họ không bằng lòng thái độ hèn nhát
của người tử tù. Đồ giẻ rách! Quân hèn! Đứng thẳng lên xem nào! Hát bài
gì đi! Được mọi người cổ vũ, tên phạm khe khẽ cựa quậy, động đậy từng cơ bắp, từng cái xương cực kỳ khó khăn. Mọi người lên tiếng động viên anh
ta. Anh ta chống tay ngồi lên rồi vươn người đứng dậy nhưng lập tức hai
chân lại khuỵu xuống. Đám người xem kêu to: Anh kia, anh kia! Nói đôi
lời gì đó đi! Chẳng hạn câu “Chém rơi đầu hôm nay, hai mươi năm sau lại
là một hảo hán!”. Nhưng người tử tù, trái lại, nhếch miệng khóc òa, sau
đó gào lên: “Trời ơi, oan cho tôi quá!”.

Những người đến xem ắng họng, đứng im như phỗng, nhìn lên bục. Hai đao phủ thần
thái vẫn như cũ. Lúc này, âm hồn bà nội lại xì xào sau tai ta: “Gọi đi
con, mau lên! Người ấy là cậu con!”. Bà nội hối thúc ta, càng lúc càng
cao giọng, điệu bộ càng gay gắt, luồng khí lạnh phả thẳng vào gáy ta,
nếu ta không gọi, chắc chắn sẽ bị bà bóp cổ. Không còn cách nào khác, ta chấp nhận để bọn lính dõng hung hãn chém bể đầu, gọi thật to: “Cậu
ơi!”.

Chỉ trong một thoáng, các cặp mắt đều dồn về
phía ta. Ánh mắt quan giám trảm, ánh mắt bọn lính dõng, ánh mắt bọn vô
công rỗi nghề, tất tật ta quên hết, chỉ mỗi ánh mắt người tử tù là ta
suốt đời không thể nào quên! Người tử tù ngẩng đầu lên, giương cặp mắt
sưng húp vì bọng máu che khuất, nhìn ta, tia mắt như hai mũi tên màu đỏ, nhanh như chớp bắn rụng ta. Lúc này, viên quan giám sát thi hành án hô
lớn: “Đến giờ rồi!”.

Cùng với tiếng hô là tiếng tù
và bi tráng nổi lên, những lính dõng cũng chụm miệng huýt sáo lanh lảnh. Một đao phủ cầm đuôi sam của người tử tù kéo mạnh về đằng trước để cổ
người tử tù vươn dài ra. Người đao phủ kia dùng cánh tay nâng đao, hơi
vặn mình sang phải, rồi thoắt cái xoay người sang trái, “phập”, ánh đao
sáng trắng cùng với tiếng rú nửa chừng, đao phủ phía trước đã giơ cao
cái đầu của người tử tù. Đao phủ hạ thủ cùng đao phủ cộng sự, xếp hàng,
hô lớn:

– Mời đại nhân nghiệm hình!

Viên quan to béo mặt đen vẫn ngồi trên mình ngựa, phẩy tay một cái như vẫy
chào cái đầu, rồi giật cương quay ngựa rời pháp trường. Lúc này, những
người đến xem hành hình cất tiếng reo hò, bọn ăn mày tranh nhau chạy đến chỗ cái bục, đợi lột quần áo người tử tù. Nửa cổ còn lại của người tù
bỗng duỗi thẳng, máu vọt ra có vòi, còn thân hình thì ngã úp sấp, y hệt
cái vò rượu bị đổ.

Cuối cùng thì ta cũng hiểu, quan
giám trảm không phải cậu ta, đao phủ cũng không phải cậu ta, bọn lính
dõng cũng không phải cậu ta. Người tù bị chém đầu mới là cậu ta.

Đêm ấy, bố tụi bay chọn một cây liễu mọc nghiêng, cởi dây làm thòng lọng
buộc lên cây liễu rồi chui đầu vào. Cha chết rồi, mẹ chết rồi, người cậu có thể nhờ vả thì bị người ta chặt đầu rồi, bố tụi bay tứ cố vô thân,
không nơi nương tựa, chết quách cho rảnh! Sắp sờ được mũi Diêm vương thì một bàn tay vạm vỡ đỡ lấy đít bố.

Chính là người đã chém đầu cậu của bố!

Ông dẫn ta đến một quán cơm, gọi bát canh đậu phụ nấu với đầu cá, bảo ta
ăn. Ta ăn, ông không ăn, chỉ lặng lẽ ngồi nhìn ta. Người chạy bàn đưa
đến một tách trà, ông cũng không uống. Ta ăn no, ợ hơi nhìn ông. Ông
bảo:

– Ta là bạn thân của cậu con. Nếu con bằng lòng, hãy làm đồ đệ của ta!

Tư thế lúc ban ngày của ông tái hiện trước mắt ta: trước tiên, người đứng
thẳng, sau đó nhanh chóng xoay sang phải, cánh tay phải như cầm nửa vầng trăng, “phập”, cái đầu của ông cậu giơ cao cùng với tiếng kêu oan nửa
chừng tắt lịm… Bà nội lại thì thầm bên tai: “Con ơi, mau quì xuống lạy
sư phụ đi!”.

Ta quì xuống lạy sư phụ, mắt ầng ậng
nước. Thực ra, ông cậu sống hay chết ta không quan tâm, ta chỉ quan tâm
bản thân ta. Nước mắt lưng tròng, ta không nghĩ rằng giấc mộng ban ngày
lại biến thành hiện thực nhanh đến thế. Ta cũng muốn trở thành một đao
phủ giết người không chớp mắt. Mặt họ lạnh như tiền mà cứ tỏa sáng trong giấc mơ của ta.

Con ơi, sư phụ chính là Già Dư,
người mà ta kể cho con nghe đã hàng trăm lần. Sau đó, Già bảo ta, Già
cùng ngục tốt – cậu ta, kết nghĩa anh em. Cậu ta phạm tội, chết dưới tay sư phụ, đúng là con tạo xoay vần! “Phập” một nhát, nhanh hơn gió. Già
Dư nói, khi rơi xuống, cái đầu cậu bảo ông:

– Anh ơi, cháu em đấy, chăm nom nó hộ em!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN