Đàn Hương Hình - Chương 23
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
158


Đàn Hương Hình


Chương 23


Ông mở mắt, thấy tia nắng lọt qua một chạc cây, rọi xuống. Cảnh
tượng mà ông mục kích trên cây, lại thoáng hiện trong đầu, nỗi đau của
ông chẳng khác con trâu lúc bị thiến, rúm người lại. Từ giờ phút này trở đi, trong tai ông ầm ầm như tiếng gõ cấp tập của trống và thanh la, y
như màn dạo đầu của một vở Miêu Xoang. Tiếp theo là tiếng dài lê thê của sáo và kèn bầu, mở đường cho dàn miêu cầm liên miên bất tận những điệp
khúc. Những âm thanh làm bạn với ông suốt nửa đời người, giúp ông thuần
hóa nỗi đau sắc nhọn trong tim, như gạt đi mỏm nhọn của núi cao, lấp
bằng vực sâu nghìn trượng, biến nỗi đau thành cao nguyên mênh mông. Từng đàn chim thước bay lượn rất kịch tính, đệm cho cho dàn nhạc trong lòng
ông. Chúng như những cụm mây nhỏ có màu lam của ngói lưu ly, nhẹ nhàng
bay lượn. Còn như tiếng mổ cốc cốc không mệt mỏi của con chim gõ kiến
thì đúng là nhịp phách, cầm trịch tiết tấu của bản nhạc. Tơ liễu phất
phơ trước làn gió nhẹ, y như bộ râu đẹp của ông khi xưa…

Tui tui tui cầm ngược cây côn… mình giắt yêu đao sắc như nước… đi một bước
kêu trời… đi hai bước hận đời… Tui tui tui bước gấp, đường mòn heo hút
còn xa lắc…

Tiếng hát bi phẫn dội lại trong tim ông. Ông vịn cây, đứng lên một cách khó nhọc, đầu lắc lư, chân đập đập…

Tang tang tang tang tang tang… tang bụp tang bụp tang bụp… tang! Tôn Bính
tui ngó về quê nhà phương bắc, cuồn cuộn khói đen che kín nửa trời. Vợ
tui nàng nàng nàng chôn thây bụng cá, các con tui… thảm lắm trời ơi… một gái một trai mệnh táng suối vàng… Đáng hận thay, bọn giặc tóc trắng mắt xanh, độc như rắn rết, táng tận lương tâm, giết người vô cớ, khiến tui
tan cửa nát nhà, thân đơn bóng chiếc… Tui tui tui… thảm lắm trời ơi…

Tôn Bính chống cây gậy gỗ táo đã gây tai họa cho ông, loạng choạng ra khỏi
rừng liễu… tui tui như con nhạn lạc đàn, như hổ xuống đồng bằng, như
rồng mắc cạn trong vũng hẹp… Ông giơ cây gậy lên, vụt đông vụt tây, vụt
nam vụt bắc, những cây liễu bị đáng đến tróc vỏ, cả đàn cây bật khóc hu
hu…. Bớ giặc Đức, ngươi ngươi ngươi giết vợ giết con tui, ác như loài
thú… thù sâu như biển này, tui quyết báo… tang tang tang tang tang tang… thù này không báo, không làm người… Ông vung cây gậy, loạng choạng nhảy xuống sông Mã Tang, nước sông ngập ngang bụng. Tháng Hai tuy băng tan,
nhưng vẫn buốt thấu xương. Vậy mà ông không cảm thấy, ngọn lửa báo thù
thiêu đốt trái tim ông. Ông lội nước rất khó khăn, nước như bọn lính Tây ngăn trở ông, níu kéo ông. Ông tả hữu đột, vụt mặt nước lia lịa…bốp bốp bốp bốp bốp, mặt nước tung tóe, bọt bắn tứ tung… như hỗ giữa đàn dê…
nước bắn lên mặt ông, tối mắt tối mũi, một màu xám nhạt, một màu đỏ như
máu… Xông vào nơi hang hùm ổ rắn, giết một lèo máu chảy thành sông, tui
tui tui giữ sổ Nam tào, lấy mạng chúng bất kể khi nào… Ông bò cả tay lẫn chân lên mặt đê, quì xuống sờ vết máu chưa khô trên mặt đất… Kiều nhi
ơi Kiều nhi, nàng đã xuống suối vàng, tui đứt từng khúc ruột… tui choáng mày choáng mặt, tui trời đất quay cuồng, tui tóc tai dựng ngược… Tay
ông dính đầy máu và bùn đất. Ngôi nhà đang cháy dở, nóng hầm hập. Tro
bay đầy trời. Ông thấy ngọt mặn đắng cay ở họng, cúi xuống nôn ra một
bụm máu tươi.

Hai mươi bảy sinh mạng của trấn Mã
Tang bị tàn sát. Mọi người khiêng xác lên mặt đê, đặt thành hàng, đợi
quan huyện về khám. Ông hai Trương nhờ cậy mấy thanh niên xuống sông mò
vớt xác Đào Hồng cách đó năm dặm và xác bé Bảo, bé Vân, lên bờ, để cùng
chỗ với xác người trong trấn. Người ta đáp cho vợ ông cái áo rách lên
người, cặp chân trắng nõn duỗi thẳng, thảm quá! Tôn Bính nhớ lại những
vai nữ tướng mà vợ mình đã sắm, trên đầu cài lông chim trĩ, lưng giắt
thanh bảo kiếm, chân đi giày thêu, mũi giày đính quả hồng nhung to bằng
nắm tay, tay áo phất phơ, dáng đi uyển chuyển, mặt tựa hoa đào, eo như
cành liễu, tiếng oanh thỏ thẻ, cái nhìn đắm say… Vợ của tui, nào ai ngờ
mưa gió dập vùi, sao chịu nổi gió sao sương kiếm, tui tui tui huyết lệ
chảy tràn… Kìa ma8tt trời đã ngả về tây, vầng trăng sớm treo cao, mục
đồng ca bi tráng, tiếng quạ gọi đêm về… thanh la xủng xoảng, đòn kiệu
lắc lư, kìa tri huyện Cao Mật đã tới…

Tôn Bính
trông thấy ông lớn Tiền khom người chui ra khỏi kiệu. Tấm lưng cánh phản của ông vốn luôn luôn thẳng đuỗn, nay gập xuống một cách kỳ quặc. Bộ
mặt vốn tươi tắn, nay co giật đáng sợ. Bộ râu vốn mượt như lông đuôi
ngựa, nay rối bù khó coi. Cặp mắt vốn tinh nhanh sắc sảo, nay tối rầm,
chậm chạp lừ đừ. Hai tay ông không biết làm gì, lúc nắm lại, khi thì vỗ
trán. Mấy lính thị vệ đeo vũ khí, thận trọng bám sát ông lớn, không rõ
bảo vệ ông hay giám sát ông. Ông xem xét từng thi thể trên đê, khi ấy,
mọi người yên lặng nhìn ông. Ông đưa mắt nhìn bao quát đám đông đứng im
như thóc mục, lập tức mồ hôi trên đầu ướt đẫm tóc. Cuối cùng, ông chấm
dứt những bước chân hoang mang. Lấy ống tay áo thấm mồ hôi. Ông nói:

– Các vị phụ lão và bà con, các vị phải kiềm chế…

– Thưa ông lớn, ông lớn định liệu cho chúng con… – những người dân gào khóc, quì cả xuống, đen ngòm một mảng.

– Bà con mau đứng dậy! Xảy ra thảm án này, bản quan lòng như dao cắt,
nhưng người thì chết thì không thể sống lại, các vị hãy chuẩn bị áo
quan, khâm liệm, chôn cất cho họ mồ yên mả đẹp…

– Lẽ nào người nhà chúng con chết oan uổng như vậy sao? Chẳng lẽ cứ để bọn giặc Tây hoành hành như vậy sao?

– Bà con, nỗi đau của các vị cũng là nỗi đau của ta – Tri huyện nước mắt
lưng tròng – Cha mẹ của các vị cũng là cha mẹ của bản quan. Con cái của
các vị cũng là con cái bản quan. Vạn lần mong các vị bình tĩnh, đừng
nóng vội, không thể cứ ý mình mà được việc. Ngày mai bản quan lên tỉnh
xin gặp Tuần phủ đại nhân, nhất định phải làm cho ra nhẽ.

– Chúng con khênh xác lên tỉnh!

– Không nên, không nên, quyết không nên – Ông lớn vội ngăn – Các vị hãy
tin ở ta, bản quan sẽ dùng lý lẽ mà ra sức tranh đấu, dù phải trả giá
bằng cái mũ đầu trên đầu!

Trong khi dân chúng kêu gào thảm thiết, Tôn Bính trông thấy ông lớn Tiền len lén đi tới, ấp úng bảo ông:

– Tôn Bính, phiền ông đi cùng bản quan một chuyến.

Tiếng nhạc hồi vọng trong lòng Tôn Bính, đột nhiên chuyển sang cao trào như
trời long, như đất lở, âm thanh cao vút. Lông mày dựng ngược, mắt tròn
như mắt hổ, ông giơ cao cây gậy gỗ táo…

Hỗi tên
quan chó má, ngươi đạo mạo mà chỉ giỏi giả vờ, ngươi nói rằng vì dân
tranh đấu, nhưng rõ ràng ngươi đánh lừa ta, ngươi bắt ta nộp trên lĩnh
thưởng! Ngươi làm quan mà không lo cho dân, cam tâm tiếp tay cho giặc.
Vợ con ta chết oan chết khốc, không báo thù ta sống bằng thừa! Dù cho
ngươi hai bằng tiến sĩ, dù cho ngươi có là Hoàng đế, ta chẳng coi ngươi
là đáng kể! Ta xắn tay áo, ta xoa bàn tay, ta liều thân như chẳng có, ta quyết đập chết màu… Nhằm đầu quan lớn Tiền giáng mạnh… Chà chà chà,
rụng đầu chẳng qua là vết thương bằng miệng bát. Đập chết ngươi, tên tri huyện giúp hổ cắn người… Quan huyện Tiền nhanh nhẹn né tránh, Tôn Bính
đập hụt. Các nha dịch thấy ông lớn gặp nguy, múa đao xông tới định bắt
Tôn Bính. Tôn Bính gầm lên, chẳng khác con thú bị trọng thương, mắt tóe
lửa. Đúng là một người liều mạng, nghìn người khó đánh lại. Công chúng
đồng loạt ra tay, lửa giận ngất trời. Tôn Bính múa cây gậy vù vù, một
nha dịch bị quật ngang lưng, lăn lông lốc xuống chân đê. Quan huyện Tiền ngửa mặt than rằng:

– Hừ, bản quan tốn bao tâm cơ, xin có trời xanh chứng giám! Bà con nông dân, chuyện này liên quan đến
người Tây, nhất thiết không được manh động. Tôn Bính, ông tránh được
mồng một, nhưng không tránh khỏi ngày rằm, hãy giữ mình cho cẩn thận!

Quan huyện Tiền được các nha dịch bảo vệ, chui vào kiệu. Cỗ kiệu chuyển
động, các phu kiệu chạy như bay, chân không bén đất, cả đoàn người bị
màn đêm nuốt chửng. Đêm ấy, trấn Mã Tang thức trắng. Đây đó vang lên
tiếng gào khóc của phụ nữ, tiếng đóng áo quan, cho đến khi trời sáng.
Ngày hôm sau, họ giúp nhau khâm liệm, chôn cất người chết, các quan tài
nhất loạt dùng đinh đóng nắp.

Chôn cất người chết
xong xuôi, mọi người đâm ra ngơ ngác, y như tỉnh dậy sau cơn ác mộng.
Mọi người tụ tập trên đê, nhìn về phía lều trại đường sắt. Nền đường cao to đã đến Liễu Đình, thôn tận cùng phía đông vùng Đông Bắc Cao Mật,
cách trấn Mã Tang chỉ sáu dặm. Phần mộ tổ tiên bị đè bẹp, con kênh tiêu
úng bị san lấp, phong thủy ngàn năm bị phá hoại, huyền thoại về cắt đuôi sam bắt linh hồn, sống động bày ra trước mắt, cái đầu của con người
không được bảo vệ. Quan phụ mẫu chỉ là chó săn của người Tây, cuộc sống
khốn khổ của quần chúng sắp tới gần. Chỉ một đêm mà tóc Tôn Bính bạc
trắng, mấy sợi râu còn sót biến thành cỏ khô, sợi rụng sợi gãy. Ông kéo
lê cây gậy gỗ, nhảy nhót trên đường như một võ sinh dở người. Mọi người
nhìn ông thông cảm, cho rằng tinh thần ông không bình thường. Không ngờ
ông cực kỳ thông minh khi nói những lời sau đây:


Thưa bà con, Tôn Bính tui đánh chết tên kỹ sư Đức, tai họa này liên lụy
đến mọi người, tui xấu hổ lắm, tui sợ lắm! Các vị hãy trói tui nộp cho
quan huyện Tiền Đinh, để ông ta nói chuyện tình cảm với người Đức. Chỉ
cần họ đồng ý thay đổi tuyến đường, Tôn Bính có chết cũng không oán
hận.

Mọi người đỡ ông dậy, năm người mười câu khuyên can:

– Ông Bính ơi ông Bính, ông là hảo hán, đáng mặt nam nhi, không sợ quan
không sợ Tây, ông là anh hùng. Tuy họa Mã Tang là do ở ông, nhưng chuyện này khó lòng tránh khỏi. Xảy ra muộn chẳng bằng xảy sớm. Bọn giặc mà
làm xong đường sắt, cuộc đời ta cũng khó yên lành! Nghe nói con rồng ấy
nó núi rung đất chuyển, nhà cửa ta chắc chắn tan tành. Nghe đâu phủ Tào
Châu có Nghĩa hòa quyền, cùng giặc Tây một mất một còn. Ông hãy trốn đi
Tào Châu phủ, đưa về các viện binh, chấn hưng Trung Hoa, diệt giặc Tây
dương, cứu chúng sinh!

Mọi người góp tiền, đưa Tôn Bính lên đường ngay trong đêm. Tôn Bính mắt ngậm lệ mà hát rằng:

Ơi bà con, đẹp không đâu đẹp bằng quê hương, thân không đâu thân bằng tình cố hương. Tôn Bính tui rụng hết răng vẫn không quên ơn đức, không mời
được viện binh, tui quyết không về!

Quần chúng hát rằng:

Hãy giữ mình, đường xa dặm thẳm, hãy giữ cho tỉnh táo cái đầu! Bà con sẽ ngửa cổ ngóng trông, mong cho ngày viện binh về tới!

Hai mươi ngày sau. Buổi chiều. Tôn Bính mặc áo dài trắng, ngoài khoác áo
giáp trắng, sau lưng cài sáu lá cờ lệnh, trên mũ đính quả tú cầu lụa
bằng nắm tay, mặt tô màu đỏ chu sa, lông mày vẽ xếch ngược, chân đi ủng
đế cao, tay cầm gậy gỗ táo, ba bước lại rung gậy một cái, trở về trấn Mã Tang. Theo sát nút ông là hai hổ tướng, một người tầm thước, chân tay
nhanh nhẹn, quần da hổ, đầu đội kim cô, tay cầm gậy như ý, giọng choe
chóe, chạy nhảy lung tung, trông giống như Tề thiên đại thánh Tôn Ngộ
Không. Vị thứ hai bụng phệ, khoác áo thụng đen, đầu đội mũ tì lư, tay
cầm đinh ba đảo phân. Chẳng nói cũng biết đó là Thiên Bồng nguyên soái
Trư Ngộ Năng.

Đoàn ba người nay xuất hiện trên đê
Mã Tang đúng lúc ánh nắng lọt qua kẽ mây rọi lên người họ. Họ áo quần
sặc sỡ, hình dung cổ quái, y hệt thiên bình thiên tướng từ trên mây nhảy xuống. Người đầu tiên trông thấy họ là cậu cả Ngô. Cậu cả Ngô không
nhận ra Tôn Bính. Tôn Bính cười với cậu, khiến cậu không hiểu ra sao,
sau đó sợ run lên. cậu nhìn theo ba con quái vật đi vào cửa hiệu bán bếp lò ở đầu phía tây của thị trấn rồi không thấy đi ra.

Lúc hoàng hôn, dân phố theo thói quen, bê bát cháo ra đường ăn. Cậu cả Ngô
chạy từ đầu đông sang đầu tây con đường lớn, thông báo tin yêu quái xuất hiện ở trấn. Cậu cả Ngô vốn hay trên mây dưới gió, nên mọi người chỉ
nửa tin nửa ngờ, nghe thì nghe, nhưng chỉ coi như dấm ớt trong bữa cơm.
Lúc này đầu phía tây thị trấn bỗng nổi thanh la, thấy Tư Hỉ, người giúp
việc ông thợ bếp lò, đội tấm da mèo đen, vẽ mặt con linh miêu trên mặt,
nhanh nhẹn chạy ra, cái đuôi mèo vung vẩy sau gáy. Anh ta vừa gõ thanh
la vừa hét to:

– Tôn Bính rất phi thường, học được
Tào Châu Nghĩa hòa quyền. Dẫn về Tôn, Trư hai đại tiên. Phá đường sắt,
giết Hán gian, đuổi giặc Tây cho dân bình an. Đêm đêm tập luyện Nghĩa
hòa quyền, địa điểm tại đầu cầu, trẻ già nam nữ đều đến tập, ai ai cũng
học Nghĩa hòa quyền. Học được Nghĩa hòa quyền, gươm đao không dính thân, sống lâu và sống khỏe. Học được Nghĩa hòa quyền, bốn bể là anh em, ăn
cơm không mất tiền. Học được Nghĩa hòa quyền, Hoàng thượng phải chiêu
an, một khi đã chiêu an, ai cũng làm đại quan, vợ con hưởng phú quí,
được chia ruộng cấp lương…

– Thì ra là Tôn Bính! – Cậu cả Ngô sững người – Chả trách trông rất quyen, lại còn cười với mình nữa!

Cơm tối xong, chỗ đầu cầu đốt một đống lửa trại, sáng nửa bầu trời. Mọi
người tụ tập quanh đống lửa với tâmtrạng tò mò cao độ, đợi Tôn Bính biểu diễn Nghĩa hòa quyền.

Trước đống lửa kê một chiếc
bàn bát tiên, trên bàn đặt bát hương, trong bát cắm ba nén hương. Hai
bên bát hương là hai giá nến, mỗi giá cắm một cây nến đại màu đỏ, làm
bằng mỡ cừu. Aùnh nến bập bùng càng tăng vẻ huyền bì. Lửa cháy rực, nổ
tí tách, nước sông phản chiếu lửa trên bờ, lăn tăn những vẩy bạc.

Cửa hàng của ông thợ đắp lò, cửa vẫn đóng im ỉm. Mọi người sốt ruột, có người gọi:

– Tôn Bính, Tôn Bính, mới xa nhau có mấy hôm mà đã không nhận ra nhau
sao? Ỡm ờ gì ma với quỉ? Mau ra biểu diễn thần quyền của ông cho bọn tui xem nào!

Tư Hỉ lách qua cửa ra ngoài, nói nhỏ:

– Đừng ồn, các vị đang uống bùa.

Cửa quán bỗng mở rộng y hệt một con thú há miệng. Đám người đứng im như
phỗng, mắt mở to, ngóng Tôn Bính và hai vị đại tiên chẳng khác ngóng
diễn viên ra sân khấu. nhưng Tôn Bính vẫn chưa ra. Im lặng, im ắng đến
nỗi nghe thấy nước chảy dưới chân cầu, ngọn lửa phần phật như cờ bay
trước gió. Mọi người đang đợi thì chợt nghe vút lên giọng nam cao của
làn điệu Miêu Xoang, cao và hơi rè nên càng hấp dẫn:

Trả thù sâu nên phải xa quê…

Giọng hát cao từng cung bậc như các đốt của cây trúc, cao đến chín tầng mây,
từ từ xuống thấp, rồi đột nhiên lại vút lên cao, cao cao mãi, đến nỗi
không thể nghe thấy gì nữa. Tiếng thanh la của Tư Hỉ dồn dập, không tiết tấu, không giữ nhịp. Cuối cùng, Tôn Bính xuất hiện. Ông vẫn ăn mặc như
ban ngày: áo bào trắng, mũ bạc, mặt đỏ, mày xếch, ủng đế cao, cậy gậy
cầm ngược. Theo sát ông là Ngộ Không và Bát Giới. Tôn Bính chạy kiểu
chạy đàn tràng quanh đống lửa, gần như không nhấc chân khỏi mặt đất,
trên cơ sở vũ đạo cua kịch nghệ, bổ sung công phu của võ nghệ, nên bước
chân càng thoăn thoắt, như hành vân lưu thủy. Rồi thì đấm đá, lắc mình,
nhào lộn, cuối cùng là động tác ra mắt đầy kịch tính, hát tiếp:

… Tại phủ Tào Châu học Nghĩa hòa quyền, các lộ thần tiên đều về hỗ trợ,
bọn Tây dương không thể sống còn. Lúc chia tay, đại soái dặn dò, lập
thần đàn tại quê ta Cao Mật, truyền thụ nhân quyền, luyện tập võ nghệ,
nhân tâm một mối, bẩy được Thái Sơn. Biệt phái sư huynh hai hộ pháp,
chân tiên hạ phàm chính hai ông…

Khi hát điệu Miêu
Xoang trên, Tôn Bính bị quần chúng coi thường ngay. Thần quyền ở đâu mà
thần quyền, vẫn là bình cũ rượu cũ! Tôn Bính vòng tay thi lễ:

– Thưa các vị láng giềng hàng xóm, người anh em lần này đến Tào Châu bái
kiến đại sư huynh Chu Hồng Đăng. Nghe tin giặc Đức làm con đường sắt vắt qua vùng Đông Bắc Cao Mật giết hại người vô tội, đại sư huynh lửa giận
cành hông. Đại sư huynh vì nghĩa quên thân, những muốn dẫn thần binh,
thân chinh đánh Đức, nhưng ngặt nỗi quân vụ nặng nề, không dám bỏ cho
ai. Đại sư huynh bèn truyền thụ cho tui thần quyền tâm pháp, lệnh cho
tui trở về thiết lập thần đàn, dạy thần quyền, đánh đuổi Tây dương khỏi
Trung nguyên. Hai vị đây là Hầu nhị ca và Trư tam ca, có thần lực dao
đâm không thủng, đạn bắn không vào, đợi lát nữa biểu diễn các vị xem.
Tiếp theo đây, tui biểu diễn một lượt, âu cũng là thi triển tài mòn để
đại sự thành!

Tôn Bính đặt cây gậy xuống, lấy từ
bao hành lý của Tôn Ngộ Không một tệp giấy màu vàng, đốt một tờ. Tờ giấy cháy trên tay ông, tàn tro theo dòng khí lưu của đống lửa trại, bay lên theo đường xoắn ốc. Xong xuôi, Tôn Bính quỳ trước hương án, kính cẩn
lạy ba lạy. Sau đó, lấy trong túi đựng hành lý của ông một đạo thần phù, đem đố trong một cái bát màu đen. Ông rót nước từ hồ lô đeo bên mình
vào bát, lấy đôi đũa mới tinh khuấy tan tro, đặt bát lên hương án, rồi
lại quỳ xuống lạy ba lạy, rồi vẫn quỳ, hai tay bê bát uống cạn một hơi,
uống xong lại lạy ba lạy, rồi lim dim mắt đọc thần chú, mọi người nghe
câu được câu chăng, những lời hàm hồ không rõ nghĩa. Giọng ông lên bổng
xuống trầm, du dương thánh thót, liên miên bất tậm. Dài dặc như chức cẩm hồi văn, khiến quần chúng hai mắt lim dim, ngáp ngắn ngáp dài, ngủ gà
ngủ gật. Bỗng ông thét lên một tiếng, méo sùi bọt trắng, toàn thân co
giật, ngã ngửa ra sau. Mọi người bừng tỉnh, định chạy lên cứu, nhưng Ngộ Không và Bát Giới ngăn lại.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN