Đằng Nào Cũng Ly Hôn - Phần 20
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
3242


Đằng Nào Cũng Ly Hôn


Phần 20


Thấy tôi bỗng dưng cứ nhìn chằm chằm ra ngoài cửa chính, Vỹ mới cau mày hỏi:
– Nhìn cái gì thế?
– Hình như có người vừa ở cửa. Anh ngồi dậy đi.
Tôi nghĩ Tú Anh đã lựa chọn bỏ đi như vậy nghĩa là không cần chồng tôi đuổi theo, mà tôi cũng không muốn cả Vỹ và tôi đều phải khó xử nên không nói thẳng mà chỉ bảo một câu đại khái như thế.
Chồng tôi nghe vậy mới liếc ra bên ngoài, thấy cánh cửa chưa khép chặt thì gương mặt lộ rõ vẻ mất hứng. Anh ta lặng lẽ hít sâu vào một hơi rồi chống tay ngồi thẳng dậy, chỉnh lại cà vạt rồi bảo tôi:
– Tôi phải đi họp bây giờ, lát nữa về trước đi.
– Anh không kịp ăn canh gà à?
– Tý nữa ăn sau. Số điện thoại bàn của lễ tân là 012, nếu không nhớ đường xuống thì cứ ngồi yên ở đây rồi gọi lễ tân lên đón là được.
– Tôi biết rồi, xong thì nhớ ăn luôn đi không nguội mất. Mẹ mất công chuẩn bị cả sáng cho anh đấy.
– Biết rồi.
***
Sau hôm đó thì tạm thời tôi không gặp lại Tú Anh nữa, cũng tạm thời không nghe tin gì về chuyện cô ta với chồng tôi. Thế nhưng có một lần, nửa đêm nên tôi đã ngủ được một giấc rồi lại bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại, nhưng không phải là điện thoại của tôi mà là của Vỹ.
Tôi loáng thoáng nghe thấy đầu dây bên kia có tiếng nhạc ầm ỹ, có cả những tiếng cười cười nói nói, sau đó là giọng của một người đàn ông cố hét to lấn át âm thanh kia:
– Anh Vỹ, sao hôm nay hẹn mà không đến? Bọn em chờ anh nãy giờ rồi đấy.
– Hôm nay tôi mệt, đi ngủ rồi. Hôm khác gặp đi.
– Ngủ là ngủ thế nào, giờ mới 12 giờ. Trước có bao giờ anh đi ngủ sớm thế đâu, hay giờ lấy vợ rồi nên bị quản, không ra ngoài chơi được nữa? Em là em không tin là anh sợ vợ thế đâu đấy.
– Vớ vẩn.
Người bên kia bật cười ha ha, sau đó lại tiếp tục nói:
– Hôm nay ở quán Bar này có chai rượu được lắm, macallan 1924, bọn em nãy giờ không dám uống, chờ anh đến mới dám khui rượu đây. Anh đến đi, có cả bọn Ngọc với Vân ở đây nữa, lâu lắm cả bọn không tụ họp rồi còn gì, thiếu anh thì còn gì vui nữa.
– Muộn rồi, cứ chơi đi. Ngày mai tôi còn phải đi làm.
– Rượu ngon cũng không uống à? Này, anh đừng nói lấy vợ xong là bỏ luôn bạn bè anh em đấy nhé. Ngày xưa ai bảo cưới vợ thì cưới vợ, không ảnh hưởng gì đến cuộc chơi? Ông Hưng đã thế rồi, giờ anh cũng thế nữa là bọn em hơi bị buồn đấy.
– Mọi người cứ uống đi, hóa đơn hôm nay cứ ghi tên tôi thanh toán. Đợi vài hôm nữa có thời gian gặp sau.
Tôi thấy tối ấy Vỹ có vẻ mệt, anh ta về đến nhà cũng chỉ đi tắm rồi leo lên giường ngủ, ngay cả điện thoại cũng không muốn nhìn. Thế nên bạn bè rủ ra ngoài tụ tập vào giờ này, anh ta từ chối cũng chẳng có gì là lạ.
Chỉ là vài giây sau bỗng nhiên có một giọng phụ nữ chen vào cuộc điện thoại kia, chất giọng kiêu căng này, tôi chỉ cần nghe lướt qua một cái cũng nhận ra giọng của Ngọc:
– Cả bọn hẹn tụ tập thế thôi chứ mục đích chủ yếu an ủi Tú Anh, mấy hôm nay nó buồn, cả ngày chỉ ru rú ở nhà chẳng gặp ai nên bọn em mới kéo đến đây. Hai người dù sao cũng ở bên nhau bao nhiêu năm rồi, giờ nó như thế anh không đến an ủi được à?
– Có mọi người ở đó rồi thì cứ chơi cho vui đi.
– Anh nghĩ có thể vui nổi không? Anh đến đây đi, Tú Anh hôm nay nó cũng uống hơi nhiều rồi đấy, mà mấy thằng này như hổ đói, anh mà không đến bọn nó dễ ăn thịt nó lắm.
Ngay sau đó là âm thanh lè nhè của cả đám đàn ông vọng vào:
– Ai mà dám ăn thịt người yêu của anh Vỹ, cùng lắm là chỉ nhìn mấy cái thôi, không dám đụng đến đâu.
– Tú Anh đẹp thế cơ mà. Bọn em chỉ nhìn, ngửi với nuốt nước bọt thôi.
– Im đi, Tú Anh có thơm thì cũng không đến phần mình.
Có lẽ hội con nhà giàu hay đùa nhau kiểu đó nên Ngọc không có vẻ gì là tức giận, cô ta chỉ cười khúc khích mấy tiếng rồi bảo bọn họ thôi đi. Sau đó mới quay sang tiếp tục nói chuyện với Vỹ:
– Giờ này anh chăn ấm đệm êm, còn có đứa thì ngồi ở đây lẳng lặng uống rượu đấy. Bọn em chịu thôi, không quản được nó. Maccallan 1924 thì chưa khui, nhưng chai 1982 thì một mình nó uống đến nửa chai rồi. Anh xem thế nào…
Ngọc nói đến đây thì bỏ lửng, vế sau có lẽ muốn Vỹ tự hiểu. Mà chồng tôi nghe xong thì chỉ im lặng một lúc, qua chừng nửa phút sau mới lặng lẽ trả lời:
– Em đưa cô ấy về nghỉ đi. Anh ngủ đây.
Sau đó thẳng thừng cúp máy.
Tôi nghĩ từ sau lần cãi cọ ở nhà hàng mà My kể cho tôi nghe, đến giờ anh ta và Tú Anh vẫn chưa làm hòa cho nên mới có chuyện cô ta buồn bã đi uống rượu, sau đó Ngọc mới gọi điện đến khuyên Vỹ tới an ủi Tú Anh.
Thế nhưng chắc là chồng tôi vẫn còn giận nên không đến. Mà chẳng hiểu sao thấy anh ta không đi gặp người yêu cũ, trong lòng tôi lại lén lút có cảm giác vui mừng. Không rõ là tôi xấu tính hay là vì lý do gì, nhưng tôi thấy anh ta cứ ở bên tôi thế này là tốt rồi, tôi đã quen với việc ở bên cạnh Vỹ, nếu anh ta rời đi, nửa đêm tôi quờ tay sang bên cạnh không cảm nhận được độ ấm quen thuộc nữa, chắc chắn tôi sẽ giật mình.
Có điều niềm vui ấy của tôi cũng chẳng kéo dài được bao lâu, chỉ ít phút sau tôi lại nghe mấy âm thanh rì rì báo tin nhắn đến, Vỹ cầm lên cau mày đọc một lượt rồi lại tắt điện thoại đi. Không gian tiếp tục chìm vào yên tĩnh, nhưng có lẽ vì đáy lòng ai kia thì không tĩnh lặng lại được, cho nên Vỹ chỉ nằm thêm năm phút rồi bực bội ngồi dậy, nhanh chóng thay quần áo rồi đi ra ngoài.
Trong suốt quá trình đó, tôi vẫn nhắm mắt giả vờ như mình đang ngủ. Nằm nghe tiếng cửa nhẹ nhàng đóng lại, tiếng động cơ xe nổ máy, cuối cùng là những âm thanh từ từ nhỏ lại rồi mất hút sau màn đêm tĩnh lặng, lúc ấy không hiểu sao tâm trạng cũng trở nên tịch mịch theo.
Chồng ra ngoài vào nửa đêm nửa hôm thế này, có dùng đầu ngón chân để nghĩ cũng biết anh ta sẽ đến quán Bar gặp người yêu cũ. Đêm khuya rượu say, một người buồn, một người đau lòng, sau cùng chắc hẳn sẽ tìm đến phương thức an ủi nguyên thủy nhất để xoa dịu tâm trạng của đối phương.
Tôi biết, tôi hiểu, tôi cũng rất rõ mình không có quyền can thiệp vào chuyện tình cảm riêng của chồng tôi, nhưng có lẽ mấy tháng nay tôi đã bắt đầu quen với việc trở thành vợ của Vỹ rồi, thế nên giờ chỉ cần nghĩ đến việc anh ta chung đụng với người phụ nữ khác, tôi lại cảm thấy rất khó chịu.
Không, không hẳn là khó chịu mà còn có chút nặng nề, một chút bức bối, thậm chí có cả một chút đố kị, những loại cảm xúc này trộn lẫn khiến trái tim tôi có cảm giác rất chật vật, hoang hoải một cách vô định mà không biết phải làm sao.
Tôi phát hiện hình như mình càng ngày tôi càng bắt đầu sa chân vào mối quan hệ này rồi thì phải…
Sau khi anh ta ra ngoài thì tôi nằm mãi cũng không thể ngủ tiếp nữa, thế là đành ngồi dậy đọc tài liệu y khoa mà chiều nay Nam vừa gửi đến cho tôi.
Bình thường, khi đầu óc bị chi phối bởi những chuyện khiến tôi mệt mỏi, tôi thường tập trung nghiên cứu những thứ liên quan đến công việc để giúp tinh thần bình ổn trở lại. Hôm nay cũng vậy, tôi rất ghét việc mình suy nghĩ nhiều đến Tú Anh cho nên ôm laptop ngồi tựa vào thành giường, vừa lấy quyển sổ tay ghi chép vừa nghiền ngẫm điên cuồng, chẳng mấy chốc tâm trí cũng đã đặt hết lên mấy phương pháp phẫu thuật, Mohs Micrographic, tia laser và Cryosurgery.
Nhằn hơn hai mươi trang tài liệu xong cũng đã hơn bốn rưỡi sáng, khi kéo đến trang cuối cùng, tôi đang chuẩn bị tắt máy tính thì bỗng nhiên lại thấy một dòng chữ bên dưới không hề liên quan gì đến lĩnh vực y khoa, dường như là Nam cố ý viết cho tôi. Anh viết:
– Đọc đến đây chắc mờ mắt lắm rồi đúng không? Thử massa xung quanh vùng mắt đi, sẽ dễ chịu hơn đấy. À, anh có để trong ngăn kéo bàn phòng trực một hộp thuốc nhỏ mắt Refresh. Bác sĩ không chỉ cần giữ đôi tay, mà còn phải giữ mắt sáng nữa. Nhớ giữ mắt để còn triển khai phẫu thuật Mohs micrographic nhé.
Đọc đến đây, tôi bất giác nhoẻn miệng cười, tâm trạng vốn đang căng lên cũng trở nên dễ chịu đi rất nhiều. Tôi ngẫm nghĩ một lúc, cuối cùng ngón tay nhanh chóng gõ xuống, gửi lại một Email:
– Cảm ơn anh, đợi đến lúc bệnh viện mình đủ điều kiện để làm phẫu thuật Mohs micrographic thì em sẽ nghiêm túc đứng xem anh mổ.
Chỉ chưa đầy nửa phút sau đã thấy mail trả lời, tôi cứ nghĩ giờ này anh vẫn còn ngủ, thế mà mở ra lại thấy Nam nhắn:
– Em ngủ muộn hay là dậy sớm đấy?
– Anh đoán xem.
– 50% là dậy sớm.
– 50% còn lại là ngủ muộn chứ gì. Bác sĩ trưởng khoa, hình như anh càng ngày càng gian trá đấy nhé.
Nam gửi lại một icon mặt cười, bảo tôi:
– Quen biết nhau 8 năm rồi, giờ em mới biết anh gian trá hả?
– Em biết từ lâu rồi, chỉ là đang đợi thời cơ để nói thôi. Mãi đến hôm nay mới có đấy.
– Bình minh chỗ anh lên rồi, buổi sáng tốt lành nhé bác sĩ Quỳnh Anh.
Tôi vui vẻ soạn một tin “Vâng, buổi sáng tốt lành, em dậy đi tập thể dục đây, hẹn gặp lại anh ở bệnh viện”. Thế nhưng còn chưa kịp ấn gửi đi thì bỗng dưng lại nghe tiếng mở cửa, ngẩng lên thì thấy Vỹ về.
Anh ta thấy tôi đang ôm laptop cười tủm tỉm một mình thì hơi ngạc nhiên, sau đó lập tức cau mày:
– Không ngủ à?
– Đâu, tôi vừa ngủ dậy, đang tranh thủ check mail. Anh ra ngoài sớm thế?
Tôi tỏ vẻ như không biết Vỹ đi cả đêm, vừa cười vừa hỏi một câu bâng quơ như vậy. Anh ta nghe vậy cũng không phản bác mà cũng chẳng đồng tình, thậm chí cũng lười giải thích nên chỉ nói đúng một câu:
– Có việc.
– Vẫn còn sớm, anh nằm ngủ thêm một lúc đi. Tôi dậy chuẩn bị quần áo.
– Còn hai tiếng nữa.
Anh ta vừa nói vừa bước lại giường, xốc chăn lên rồi nằm xuống. Lúc này tôi đang ôm laptop duỗi chân ngồi ngang giường nên khi Vỹ nằm xuống lại vô tình gối đầu lên chân tôi.
Có điều, anh ta không hề để tâm đến việc đó, chỉ có tôi hơi khó chịu định rút chân về, thế nhưng còn chưa kịp nói ra thì Vỹ đã nhắm mắt, thờ ơ nói một tiếng:
– Tốt nhất là cô ở yên một chỗ đi, đừng gây ra tiếng động để tôi ngủ.
Tôi lẳng lặng cúi xuống nhìn anh ta, thấy gương mặt của Vỹ trông có vẻ rất mệt mỏi, trên người chồng tôi không có mùi rượu, nhưng tôi có thể ngửi được thoang thoảng mùi thuốc lá và mùi nước hoa phụ nữ. Tôi nghĩ có lẽ cả đêm “tốn sức” như vậy nên anh ta cũng cần nghỉ ngơi, thế là không làm phiền nữa, cũng không rút chân ra mà cứ để mặc anh ta gối đầu như vậy.
Yên lặng ngồi đó một lúc, sau cùng tôi lại thấy rít mắt, ngáp ngắn ngáp dài mãi rồi ngủ quên lúc nào không biết, đến khi tỉnh dậy thì anh ta đã đi làm rồi, mà laptop tôi ôm khư khư trên đùi cũng đã được cất gọn gàng lên bàn trà từ khi nào.
Nhìn căn phòng trống trơn bỗng dưng tôi lại bật cười, tôi làm bác sĩ thường xuyên phải thức đêm mà còn không dã man như chồng tôi, cả một đêm anh ta cũng chẳng ngủ được bao nhiêu, thế mà đến giờ vẫn dậy đi làm như thường. Một tổng giám đốc giơ bàn tay thôi cũng che được nửa bầu trời như anh ta, lẽ ra không cần thiết phải chăm chỉ một cách quá mức như vậy, thế nhưng chồng tôi dù mệt đến mấy thì vẫn cứ đúng 6 rưỡi sáng là sẽ ra khỏi nhà. Kiểu người như anh ta, chơi thì vẫn chơi mà làm thì vẫn làm, rất có chính kiến và nguyên tắc, tôi thích!
Ngủ thêm được một giấc nên tinh thần tôi khá tốt, đến bệnh viện mở ngăn kéo ra, lấy chai thuốc nhỏ mắt mà Nam đưa rồi đặt vào đó một mấy vỉ singum Double Mint. Bác sĩ trưởng khoa tôi không hút thuốc, nhưng hôm nào trực thường rất buồn ngủ nên tôi mới cố ý mua singum loại thông mũi mát họng này để Nam nhai cho tỉnh táo.
Đặt singum vào xong, tôi mới lôi điện thoại ra nhắn cho anh ấy một tin:
– Cảm ơn bác sĩ Nam nhé, em để vào ngăn kéo mấy vỉ singum. Chúc bác sĩ vừa có hàm răng khỏe, vừa thức đêm tốt.
– Cái này là có đi có lại đấy hả?
– Đâu có, tại em thấy phẫu thuật không chỉ cần có mắt sáng, tay dẻo, mà còn phải có tinh thần minh mẫn nữa. Nhai cái này em thấy đỡ buồn ngủ đấy, lúc nào rảnh anh qua phòng trực lấy nhé.
– Cảm ơn em, mổ xong anh qua.
Mặc dù làm cùng khoa nhưng công việc của mỗi người đều khá bận nên cả ngày hôm đó tôi với Nam chỉ đụng mặt đúng hai lần, mà chỉ đi lướt qua nhau thôi chứ không kịp nói chuyện gì cả.
Bận tối mắt tối mũi đến tận 5 giờ chiều lại có ca mổ nên tôi đành phải nhắn tin báo với mẹ chồng mình sẽ về muộn, sau đó tất tưởi vào phòng phẫu thuật để thực hiện một ca mổ lấy thai cho một người phụ nữ lớn tuổi.
Ở tuổi của chị gái ấy thường được khuyên không nên mang thai, nhưng vì gia đình chồng nhất quyết muốn đẻ được con trai nên 46 tuổi rồi mà vẫn phải sinh con thứ 3. Tôi chẳng biết cái hủ tục trọng nam khinh nữ này còn tồn tại đến bao giờ, nhưng nhìn người phụ nữ kia phải đánh cược cả sinh mạng mình chỉ để sinh một đứa con trai cho nhà chồng, tự nhiên lại cảm thấy vừa đáng thương mà cũng vừa đáng trách.
Nhưng dù sao cứu người cũng vẫn là trách nhiệm của tôi, cho nên tôi chỉ biết thở dài, động viên chị gái đó vài câu rồi cùng ekip tiến hành mổ lấy thai. Thực ra, so với các bạn cùng trang lứa thì tôi được đứng mổ chính gần như sớm nhất, lý do bởi vì trước kia học ở trường Đại học cũng đạt được khá nhiều thành tích nên được rút ngắn thời gian học chuyện khoa và được thực hành nhiều, cách đây mấy tháng lại được cấp chứng chỉ chuyên khoa nên gần đây mới được tự tay cầm dao phẫu thuật.
Tôi rất tự tin thực hiện các bước mổ lấy thai, chỉ mười lăm phút sau, một em bé gái khỏe mạnh chào đời, cất tiếng khóc rất to trên tay tôi. Tôi đưa em bé cho chị gái kia, cười bảo:
– Con của chị đây nhé, lành lặn khỏe mạnh, khóc to thế này nở phổi lắm đây.
Người phụ nữ kia nhìn con, đột nhiên nước mắt thi nhau chảy xuống. Chị ấy thều thào hỏi một câu:
– Vẫn là con gái à bác sĩ?
– Vâng, con gái, trộm vía mắt to xinh xắn.
Đáy mắt chị ấy lộ ra vẻ thất vọng, chỉ đưa tay ôm con vài giây rồi trả lại cho tôi. Tuy nhiên, khi trao em bé cho điều dưỡng và chuẩn bị khâu lại vết mổ trên bụng cho người phụ nữ đó, đột nhiên tôi thấy máu trào ra khắp nơi. Bác sĩ phụ mổ đứng bên cạnh tôi hét to:
– Băng huyết rồi, chị Quỳnh Anh, băng huyết rồi.
– Tiến hành các bước cầm máu.
– Vâng.
Mặc dù đã làm hết các biện pháp rồi nhưng băng huyết nhiều như thế này chỉ có thể cắt bỏ tử cung, thế nhưng, khi thông báo với gia đình bệnh nhân, mẹ chồng của chị ấy lại kiên quyết không đồng ý, bà ấy muốn giữ lại tử cung để bắt con dâu đẻ đến khi sinh được con trai thì thôi.
Tôi đứng trong phòng mổ nghe loáng thoáng tiếng bà ấy nói với con trai mình:
– Cắt cái gì mà cắt, đẻ đến 3 đứa con gái rồi thì vẫn phải tiếp tục đẻ. Băng huyết thì cầm máu vào, bác sĩ các người không được tích sự gì à? Cầm máu mà cũng không cầm được, còn đòi ký vào giấy cam kết cắt tử cung, tôi nói cho mà biết, còn lâu tôi mới cho con trai tôi ký. Phải đẻ, đẻ bằng được con trai thì thôi.
– Bác ơi, bây giờ không cắt bỏ tử cung, mất máu không cầm được thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bây giờ bác bảo chồng chị ấy ký vào đây cho kíp mổ tiến hành cắt bỏ tử cung, con nào chẳng là con, gái hay trai gì cũng là con của anh chị ấy mà.
– Không là không, không ký.
Bên ngoài tranh cãi dùng dằng rất lâu, mà ở bên trong tình trạng mất máu của chị vợ kia càng lúc càng nặng, truyền rất nhiều máu rồi nhưng cũng không ăn thua gì. Cuối cùng, để cứu tính mạng của chị ấy, tôi phải xin ý kiến bác sĩ trưởng khoa rồi mổ chủ động mà không cần đợi người nhà ký giấy cam kết.
Thế nhưng thật buồn, dù tôi và ekip mổ đã làm hết sức rồi, thậm chí tất cả các bác sĩ giỏi nhất trong khoa tôi cũng đến nhưng chị gái ấy vẫn trút hơi thở cuối cùng trên bàn mổ, dưới dao mổ của tôi.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, có một bệnh nhân chết dưới bàn tay phẫu thuật của tôi, đây là một đả kích rất lớn mà tôi không thể nào chấp nhận được.
Tôi đứng sững sờ nhìn cơ thể dần lạnh ngắt của người phụ nữ kia trên giường phẫu thuật màu xanh, muốn nói những người xung quanh hãy vuốt mắt cho chị ấy an nghỉ, nhưng cổ họng khàn đặc không thể nào phát ra tiếng được.
Trong lúc tâm trí tê liệt, tôi thấy Nam vỗ vỗ vai mình, anh nói:
– Không sao, không sao hết. Sinh tử là chuyện không thể tránh được trong phòng phẫu thuật, em đừng tự trách mình.
– Không đâu, không đâu, em không cứu được chị ấy. Lỗi do em, em không cứu được chị ấy.
– Chị ấy lớn tuổi rồi, mang thai rồi sinh con rất nguy hiểm, hơn nữa còn mổ đến lần thứ 3, không phải lỗi do em. Quỳnh Anh, nhìn anh này.
Tôi cứng ngắc quay đầu nhìn Nam, lúc ấy không khóc, nhưng lồng ngực giống như bị một tảng đá lạnh ngắt đè nặng, khắp nơi đều là nặng nề và lạnh buốt, đau đến mức tôi không biết nói làm sao.
Cuối cùng, Nam phải đứng ra thông báo với người nhà của bệnh nhân giúp tôi, bọn họ ban đầu nhất định không chịu ký giấy mổ, thế nhưng khi nghe tin con dâu chết lại lao vào cào cấu đấm đá tôi. Tôi không né tránh, không giải thích cũng không phản kháng, chỉ đứng im lặng chịu trận, lát sau, mọi người phải can ngăn mãi tôi mới có thể thoát ra khỏi đó.
Nam bảo sẽ đưa tôi về, nhưng thực sự dù tâm trạng tệ đến mấy thì tôi cũng không dám để cho anh đưa về, đành miễn cưỡng từ chối:
– Em tự lái xe về được. Em về được, em không sao đâu.
– Quỳnh Anh, tinh thần em không ổn lắm đâu, để anh đưa em về nhé, anh chỉ đưa em đến cổng rồi đi ngay.
– Em ổn mà, ổn mà. Anh yên tâm, em về đến nhà sẽ nhắn tin cho anh. Anh đi giải quyết giúp em việc kia, ngày mai em viết biên bản giải trình sau, được không?
Nam không nói được tôi, mà thấy tôi thế này cũng không thể ngồi viết nổi biên bản, thế nên đành thở dài một tiếng rồi gật đầu:
– Ừ, được rồi. Em về đi. Anh đưa em xuống lấy xe.
Lấy xe xong, một mình tôi run rẩy lái xe về nhà. Bình thường, chứng kiến rất nhiều chuyện sinh tử trong phòng mổ nên tôi nghĩ nếu một ngày có ai đó mất đi dưới dao mổ của tôi, thì tôi cũng sẽ cố gắng chấp nhận một cách mạnh mẽ và kiên cường. Thế nhưng có lẽ vì tôi quá non nớt, cho nên lần đầu tiên thấy một sinh mạng lặng lẽ rời đi mà mình không thể làm được gì, tim tôi cảm thấy bức bách và khó chịu giống như ai đang thò tay vào bóp nghẹt nó lại vậy.
Đau và bất lực đến không thở được. Tôi tự trách mình rất nhiều, tôi thấy mình rất ngu ngốc và kém cỏi. Tôi nghĩ nếu tôi làm tốt hơn thì tôi sẽ cứu được chị gái đó, nếu tôi quyết đoán hơn, cắt tử cung ngay từ đầu thì em bé mới chào đời kia đã không mồ côi mẹ. Nếu tôi giỏi hơn, người phụ nữ ấy đã không tuyệt vọng nắm chặt lấy tay tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt cầu xin tôi giúp chị ấy sống tiếp mà tôi thì lại không làm được gì.
Từng làn xe cộ vụt qua trước mắt tôi, tâm trạng trống rỗng, lái xe mà không biết mình nên đi hướng nào mới có thể về nhà. Mãi đến khi lần mò đến được một đoạn đường quen thuộc, bỗng nhiên tôi lại thấy khoang xe nghiêng ngả, xóc nảy mạnh đến mức mắt tôi nhòe đi. Vội vàng tắt máy xe nhảy xuống mới phát hiện ra hai bánh xe trước sau đã lép kẹp, không thể đi tiếp được nữa.
Tôi hít sâu một hơi, cố đè nén cảm giác khó chịu đang tiếp tục dâng lên trong lòng, định mở điện thoại ra gọi cứu hộ thì mới phát hiện ra ngay cả điện thoại cũng đã hết pin, bật mãi mà màn hình vẫn là một mảng đen ngòm.
Khi đó, thực sự tôi có cảm giác mình đã chịu hết nổi, ngày hôm nay mọi thứ giống như đang cố chống đối tôi, từng chút, từng chút một những chuyện không hay xảy đến, bào mòn dần đi ý chí của tôi, khiến tôi không thể tiếp tục kiên cường được nữa.
Tôi ngoảnh đầu nhìn người đi đường, muốn vẫy tay nhờ giúp nhưng hai mắt nhòe quá, nhìn cái gì cũng không rõ, chỉ giơ tay vẫy bừa một cách loạn xạ. Tuy nhiên, có lẽ vì gương mặt tôi lúc ấy thẫn thờ như kẻ điên nên không có một ai dừng lại giúp, mọi người cứ lạnh nhạt vô tình lướt qua người tôi.
Khi đó, nỗi ấm ức âm ỉ trong lòng giống như ngọn núi lửa đã đến hồi phun trào, tôi gần như phát khùng lên chạy ra giữa đường định chặn xe, thế nhưng vừa bước được ba bước thì lại bị một bàn tay đột ngột kéo lại.
Lúc vừa bị lôi vào vệ đường thì một chiếc xe ô tô tải lập tức sượt qua người tôi, gần đến mức tôi có thể cảm nhận thấy sống lưng mình lạnh toát, tóc bị gió thổi đến bay tứ tung, bụi tràn vào đầy mắt. Khi đó mới biết nếu bị kéo lại chậm một giây thôi thì tôi đã bị xe đâm rồi.
Tôi hốt hoảng ngẩng lên thì thấy Vỹ đang túm tay mình. Sắc mặt anh ta hơi tái đi, trừng mắt quát:
– Cô điên à?
– Sao… sao anh lại ở đây?
– Tự nhiên chạy ra giữa đường làm gì?
– Xe tôi bị hỏng…
Nói đến đây, cổ họng tôi hơi nghẹn lại, phải ngừng lại vài giây mới có thể tiếp tục:
– Hình như bị rách lốp rồi, không đi được nữa.
Vỹ cau mày quay đầu lại nhìn xe tôi, thấy đúng là có hai chiếc lốp đã bẹp rúm hết hơi thật. Nhưng việc nhỏ như thế này không đáng để phải mạo hiểm chạy ra giữa đường vẫy xe rồi suýt bị ô tô đâm thế này, cho nên anh ta lại càng cáu:
– Có thế mà cũng…
Nói đến đây, đột nhiên gương mặt anh ta hiện lên vẻ sửng sốt, sau đó ngay lập tức dời ánh mắt xuống nhìn tay tôi. Nãy giờ tôi vẫn đang còn run, cổ tay rung bần bật, thậm chí vẫn vương một ít máu vì bị người nhà của chị gái kia cào cấu. Cuối cùng, Vỹ không nói hết câu còn lại mà chỉ hỏi tôi:
– Có chuyện gì thế?
– Lốp xe bị hỏng mà. Lốp xe bị hỏng đấy.
– Nói tôi nghe xem nào, có chuyện gì?
Bình thường thì tôi không khóc, thế nhưng cảm giác lúc này thật sự rất tệ, gần như đã đánh sụp toàn bộ lý trí của tôi. Hoặc là chỉ một việc xảy ra ở phòng phẫu thuật thì tôi vẫn cố cắn răng chịu được, nhưng lại thêm chuyện bị hỏng xe cỏn con này, thành ra giọt nước nhỏ cũng khiến ly nước bị tràn, giờ nghe Vỹ hỏi thế thì tôi không chịu được nữa, ngoạc mồm ra khóc to:
– Phẫu thuật… tôi không cứu được… chị gái đó chết rồi… dao mổ của tôi… dưới bàn phẫu thuật… tôi không cứu được. Chị gái đó chết rồi… Huhuhu.
Chắc tại lúc đó đầu óc hỗn loạn quá nên tôi nói một câu rất lộn xộn, nhưng may sao anh ta vẫn có thể hiểu được đại khái ý của tôi. Vỹ im lặng vài giây, sau đó đột ngột siết chặt tay tôi rồi vụng về nói:
– Không sao, làm bác sĩ phải quen với việc ấy. Không cần phải khóc.
– Không, tôi không quen được… đó là… bệnh nhân đầu tiên… tôi không quen được… tôi không cứu được chị ấy… Tại tôi… tại tôi…
Tôi khóc to quá, làm người đi đường ai cũng ngoái đầu lại nhìn, cuối cùng Vỹ phải dắt tay tôi đi vào trong vỉa hè, để tôi mặc sức gào mồm ra khóc cũng không nói gì, thậm chí cũng chẳng buồn ngăn cản tôi.
Lúc ấy, trong lòng thực sự rất khó chịu nên tôi không thèm để ý đến hình tượng gì cả, chỉ muốn khóc thật to thôi, mỗi tội giấy ăn không có, cứ vừa khóc vừa lấy ống tay áo lau nước mắt lẫn nước mũi, mà càng lau thì càng lem nhem hết đầy trên mặt. Cuối cùng Vỹ chịu không nổi cảnh bẩn thỉu ấy mới đi lại xe, lấy một tập khăn giấy đưa cho tôi:
– Muốn khóc to cũng được, nhưng đừng lau nước mũi vào áo nữa, bẩn chết được.
– Bẩn cũng được, anh không hiểu đâu. Bẩn sạch có tác dụng gì, chẳng giải quyết được gì cả, huhuhu, anh không hiểu đâu.
– Ừ rồi, tôi không hiểu.
Anh ta rút ra một tờ giấy, lau vệt máu khô trên mặt tôi, khẽ thở dài:
– Sinh tử là chuyện bình thường của đời người, không cứu được không có nghĩa là do cô chưa làm hết sức, mà người đó số mệnh chỉ đến như vậy thôi. Không phải lỗi của cô.
– Không phải, anh chưa nghe bác sĩ là người solo với thần chết để cứu bệnh nhân à? Tại tôi làm chưa đủ tốt, tôi không solo được với thần chết, tôi không cứu được chị ấy.
– Thế thì cần về luyện tập thêm.
Nghe thế tôi lại càng khóc tợn, lắc đầu lia lịa:
– Tôi không luyện tập kiểu đó nữa đâu, không tập nữa. Tôi muốn cứu người, tôi không muốn ai chết dưới dao mổ của tôi. Tập như thế thà tôi không làm bác sĩ phẫu thuật nữa còn hơn.
– Thế thì về sau cứu thật nhiều người vào. Cô không thể cứu được một người, nhưng cô vẫn có thể cứu được nhiều người khác. Việc của cô là sau mỗi lần đều phải làm tốt hơn, có tốt hơn thì mới solo với thần chết được.
Cái lý luận solo với thần chết là do My nghĩ ra, nó luôn bảo bác sĩ là người giành giật sinh mạng cho bệnh nhân, còn ở chiến tuyến bên kia là thần chết đang đợi để mang họ đi. Thế nên, bác sĩ là người trực tiếp đấu tranh với thần chết.
Lẽ ra, lý lẽ vớ vẩn này chỉ có mình tôi và My dùng thôi, hôm nay ấm ức quá nên buột miệng mới nói ra với Vỹ, ai ngờ anh ta cũng hùa theo tôi, cũng nói mấy từ trẻ con này khiến tôi đang khóc to cũng phải bật cười.
Tôi gượng gạo cầm giấy lau mắt, vừa nấc vừa nói:
– Thật à?
– Ừ. Bác sĩ mà đứng ở đường khóc như thế này không sợ mất mặt à?
– Anh thì sao? Tổng giám đốc Nhật Thành nổi tiếng như thế, đứng với một đứa khóc giữa đường như tôi không sợ mất mặt à?
– Sợ.
Anh ta dúi cả tập khăn giấy vào tay tôi, ngừng chừng một giây rồi mới bổ sung thêm một câu:
– Thế nên nếu cô không muốn cả tôi với cô bị cả thiên hạ cười thì đi nhanh lên.
– Đi đâu?
– Về nhà.
***
Lời tác giả: Đoạn này có ngọt không chị em? Ngọt thì thả tim điiiii.

Yêu thích: 4.8 / 5 từ (141 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN