Đạo mộ tàng thư - Chương 4: Bảo đồ bí ẩn
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
89


Đạo mộ tàng thư


Chương 4: Bảo đồ bí ẩn


“Đúng…Chính là nó…..”

“Không phải chứ…nhưng chẳng lẽ thứ trên tay mình là giả? Tại sao lại trùng hợp tới vậy ? Là mơ chăng ?”

“Không…Không phải mơ, những thứ này hoàn toàn là thật. Tên của dãy núi có ngọn núi trong giấc mơ đó và tên của dãy núi trên bảo đồ hoàn toàn là một.”

Những ý niệm liên tục ngang qua đầu tôi, chợt lóe sáng rồi lại vụt tắt như những ánh chớp.

Tất cả đều là sự thật, nhưng sự ngạc nhiên của tôi không đến từ sự trùng hợp giữa hai cái tên mà đến từ giấc mơ đó. Lẽ nào… tất cả những thứ trong giấc mơ đều là thật ? Nếu là thật thì, trên ngọn núi đó có tồn tại cổ mộ. Nhưng, tại sao lại mơ như vậy ? Điềm báo gì đây ? Thật khó hiểu…

Một loạt các câu hỏi xuất hiện nhưng không tài nào lý giải được, dường như có một thế lực vô hình nào đó tiến vào cuộc sống của tôi. Một giấc mơ kỳ lạ, một sự trùng hợp đến mức khó tin. Việc tôi đến buổi triển lãm hoàn toàn là chủ ý của tôi, không hề theo ý kiến của một ai khác. Rốt cuộc thì, gã đàn ông mặc toàn đồ đen, áo khoác da, kính đen răng vàng đó có thân thế thực sự như thế nào.

Ngoài trời, bầu trời đang nắng bỗng dưng đen kịt như phủ bởi một tấm liệm đen dày một góc trời, ánh chớp lóe lên, mưa đổ như trút nước.
……………………………………………………………………………

“Thế nào, cậu giao vật đó vào tay nó rồi chứ ?”

“Đã đưa tận tay. Nhị gia, ông rốt cuộc là có ý đồ gì vậy?” Gã đàn ông đồ đen hỏi:

“Cậu không cần bận tâm, cứ làm theo ta là được. Kịch hay còn ở phía trước. Cậu không nên nóng lòng.”

“Nhị gia, làm thế bất quá cậu ta có phát hiện ra không? Ngài làm sao có thể liệu được giấc mơ đó ? Hơn nữa còn biết trước cậu ta sẽ có mặt, quả là hành sự như thần.”

“Ngày đó rồi cũng sẽ đến, ta đã biết trước. Cậu lui xuống đi.”

“Vâng, Nhị gia”
……………………………………………………………………………..
Ô tô dừng lại trước cửa gia viên, Tiểu Hoàng Xuống trước, mở ô ra che cho tôi, chúng tôi bước vào tiền sảnh. Một vài vị khách đang xem hàng, Tiểu Viễn đang giới thiệu cho họ. Tôi nói với Tiểu Hoàng:

“Cậu ra phụ Tiểu Viễn tiếp khách, tôi lên phòng trước, nếu có gì khó hiểu cứ gọi tôi”

“Vâng, ông chủ.”

Tôi bước vội qua tiền sảnh, nhanh chóng đến hậu viện rồi nhanh chóng bước lên phòng. Gia viên này là từ thời Thái cố nội tôi, tính ra cũng đã được gần trăm năm. Năm đó ông nội tôi đi đổ được một cái đấu hời về, tiền nong đủ ăn cả năm, năm sau mới phải đi đổ tiếp. Hơn nữa, ông còn mở rộng gia viên này ra, mở hiệu cầm đồ. Nói là cầm đồ nhưng cũng thực ra chỉ là cái mác. Đây là địa điểm buôn bán cũng như cầm đồ cổ của gia đình tôi. Năm đó khi tôi nói tôi học khảo cổ, nhưng ra trường lại không thích đi theo mấy lão giáo sư già cổ hủ mà tôi không ưa trong trường đại học, tôi thích kinh doanh hơn. Nhờ vậy mà gia đình đã để tôi tiếp quản gia viên này, tính ra cũng được mười năm rồi. Việc kinh doanh cũng bình bình, thường thì vài ba tháng với có một mối, mối nhỏ thì cũng vài chục triệu, thi thoảng có một mối lớn vài chục nghìn USD. Nói chung là đủ ăn đủ tiêu. Cũng may là nội tôi từ khi mở ra cũng đã có chút kinh nghiệm lăn lộn trong giang hồ, gây dựng thế lực khá lớn ở đây, ngang hàng với hai đại thế gia khác cũng ở vùng này, vì vậy mà việc làm ăn của tôi khá thuận buồm xuôi gió, không gặp trở ngại gì lớn, chứ nếu không thì không phải “xã hội đen” thì cũng “Xã hội đỏ” mò tới tôi rồi. Ông già tôi thì tính tình cổ quái, từ nhỏ đã thích sống biệt lập, đợt sinh tôi cũng chỉ về nhà mấy tháng rồi lại đi làm ăn, thành ra tôi sống với mẹ và các chú, cô cùng ông bà nội là chủ yếu. Duy chỉ có lần ông không có mối làm ăn, vốn liếng thì lại bị bạn bè mượn hết chưa đòi được nên đành về nhà 2 năm, chính 2 năm đấy ông cấm tiệt tôi mon men đến cái nghề của ông nội. Ông tuy ngoài mặt thì vậy nhưng trong lòng thực ra lại rất tốt, luôn nghĩ cho tôi. Riêng có từ lần tôi thi đại học thì ông giận dỗi, đòi cạch mặt tôi. Nhưng không được, thi thoảng 2,3 năm lại về. Tuy thời gian tiếp xúc ít nhưng đối với ông tình cảm tôi dành cho ông cũng vẫn như con dành cho cha vậy, không hề có chút xa cách.

Cởi áo khoác ngoài ra treo lên mắc, tôi vội vã ngồi vào bàn làm việc điều tra tấm bảo đồ đáng nghi đằng kia. Đầu tiên là mở máy tính lên mạng tìm thông tin, nhưng thông tin về cái thứ này quả thực ít đến đáng thương, mà có thì cũng là một mớ hỗn độn, không biết nên bắt đầu từ đâu. Tôi đành chụp ảnh gửi mail đến mấy người bạn học cùng thời đại học, nhờ họ tìm thông tin về vật bí ẩn đó. Họ cũng hứa sẽ giúp đỡ tôi điều tra vật này. Tôi liên hệ gã chủ khách sạn triển lãm, hỏi về danh sách khách hôm đó xem có gì khả nghi không. Với địa vị và gia thế của tôi thì việc đó cũng không khó khăn lắm, nhưng danh sách đó chẳng có gì đáng nghi cả, có vẻ như kẻ đáng nghi kia đã xóa hết tên tuổi và dấu vết. Tôi đến phòng sách, lục tung đống tài liệu để tra xét. Việc này lâu đến gần nửa đêm. May thay ông trời không phụ lòng người, sau khi lục tung một cuốn hồ sơ khảo sát lịch sử các dân tộc Quảng Tây và Vân Nam Trung Quốc, tôi mới biết thứ văn tự đó là văn tự cổ của người Tráng và người Miêu, đối với người Việt thì người Miêu chính là dân tộc H’Mông. Nhưng để giải nổi nó thì là cả một vấn đề lớn như mò kim đáy bể.

Tôi bước ra ngoài ban công phòng sách, khẽ thở dài một tiếng rồi nhẹ châm điếu thuốc, làn khói thuốc miên man giúp tôi tỉnh ngủ hơn rất nhiều.

Ngước nhìn lên trời, một đêm đầy sao sáng. Có lẽ sau cơn mưa, trời quang mây tạnh hẳn. Những vì tinh tú đầy màu sắc từ phía xa xăm. Tôi ngắm nhìn chúng với một ý nghĩ vô định nào đó, tự hỏi

“Rốt cuộc thì những văn tự kia có ý nghĩa gì? Tại sao lại trùng hợp vậy? Tại sao lại có giấc mơ đó? Tại sao nó lại rơi vào tay mình? Thân thế của tên khả nghi kia thực sự là gì vậy? Hắn có quan hệ gì với mình?” Những câu hỏi nặng trĩu không có lời giải trong lòng tôi.

Đâu đó trên bầu trời khẽ lướt qua một ánh sao băng…..

……………

Tôi quay lại phòng sách. Lần này thì tâm trạng cũng đã khá hơn chút. Vài người bạn cũng đã gửi trở lại cho tôi kết quả. Nhưng đáng tiếc, kết quả đó cũng tương tự như cái tôi vừa tìm được, chỉ biết được thứ văn tự đó là gì nhưng giải thì không thể giải nổi.

Tôi đứng lên đi lại quanh phòng sách, cố gắng tìm xem liệu còn bút ký của ông nội không, có thể sẽ có một chút manh mối.

Thư phòng này vốn là phòng làm việc của ông nội tôi. Ngày xưa sau mỗi chuyến đổ đấu ông lại thường tìm thêm tài liệu để nâng cao vốn hiểu biết cũng như thếm kiến thức về cổ vật. Ông có thói quen ghi lại bút ký và hồi nhỏ tôi cũng có dịp may mắn được đọc một quyển. Quyển đó nói về kinh nghiệm đổ đấu, kĩ năng sinh tồn cũng như cách ứng phó với các loại trùng độc, bánh tông. Còn các quyển khác, ông giữ rất kỹ. Lần đó chẳng qua tình cờ tôi chơi trốn tìm, chốn vào phòng ông nên mới vô tình đọc được. Về sau lúc ông tôi mất, phòng làm việc này trở thành phòng sách của cả gia đình.

Tôi lướt nhìn xung quanh. Căn phòng khá rộng nhưng bày trí thì vô cùng cân đối, cơ hồ như một phòng sách của quý tộc Châu Âu thời cổ. 3 kệ sách lớn dựng ngay ngắn ngay phía sau bàn làm việc , phòng có kết cấu bầu dục, phía sát bàn có một cửa sổ kính rộng lớn. Trên bàn uống nước thì có một vài chai rượu tây quý mà vài người bạn của ông già tôi tặng, còn có một bàn cờ vua bằng đá lục bảo, hàng quý ông già tôi săn được trong một phiên đấu giá. Mặc dù không phải là cổ vật nhưng nó cũng khá có giá trị, dễ cũng phải đến vài ngàn USD. Giữa phòng có một tấm thảm hồng huyết dụ lớn, họa tiết nhìn rất sang trọng. Góc phòng có hai chậu cây cảnh được đặt cân đối.

Tôi bước đi quanh kệ sách, đảo mắt hết từng hàng sách một, nhất định phải tìm bằng được cách giải đống văn tự cổ kia. Nếu không được,chắc tôi phải dùng đến hạ sách cuối là gọi điện cho giáo sư Đông-giáo sư thời đại học của tôi. Mối quan hệ giữa tôi và ông ta không tốt lắm, thế nhưng ông ta là một trong những chuyên gia nổi tiếng hàng đầu giới khảo cổ hiện nay về văn tự cổ.

Lướt qua hàng sách cuối cùng, tôi vô ý thấy một quyển sách của ông bị lật ngược gáy tên. Bình thường tôi đã dặn kỹ người giúp việc vào dọn thì đừng động vào sách, nếu thấy sách bừa bộn thì xếp lại cho ngay ngắn cơ mà.

Thấy vậy tôi bèn thò tay lấy quyển sách ra, định bụng rút ra đặt lại.

Nhưng quyển sách dường như rất nặng, mặc dù nhìn nó chỉ bằng những quyển bên cạnh nhưng cơ hồ lại nặng hơn gần đến 3 lần. Cứ như là đóng đinh vào tường vậy. Chẳng nhẽ bên trong nó có cái gì à?

Tôi gõ vào quyển sách, nhưng âm thanh phát ra tương tự những quyển khác.

“Thật kỳ lạ.”-Tôi thốt lên đồng thời khẽ thử xoay gáy cuốn sách ngược lại. Cuốn sách quay ngược trở lại, trong phòng bỗng vang lên tiếng lục khục, có vẻ là có cái gì đó vừa được khởi động.

Tôi quay đầu lại thì cả kinh, sàn nhà có tấm thảm đã bị tách ra thành hai cánh cửa, để lộ một cánh cửa thông xuống.
Hình như là một mật thất, mà chắc chắn là mật thất. Ông nội thiết kế cái này trong thư phòng để làm gì cơ chứ ?

Tôi bật hết đèn trong phòng sách lên, tay cầm một cây nến nhỏ, từ từ chậm rãi từng bước tiến xuống cầu thang mật thất.

________________________________________________

chú thích
Xã hội đen: ám chỉ giới làm ăn bất chính trong giang hồ
Xã hội đỏ: ám chỉ công an.
Người Tráng: Còn được gọi là người Choang. Một dân tộc chiếm thành phần lớn dân số ở Quảng Tây Trung Quốc, hình thành nên một khu tự trị gọi là khu tự trị của dân tộc Choang, Quảng Tây-Trung Quốc.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN