Đảo Tường Vy
Chương 3
Trong gian hoả táng, cô nhìn thấy bố được đẩy vào lò hoả táng. Cô đứng trong gian phòng rất lớn vọng âm, khắp sàn đầy vụn phấn khô. Nhân viên hoả táng nói với cô, Đây là nơi mà mỗi chúng ta đều phải đến. Nơi cuối cùng. Đi đi. Không nên đứng ở đây quá lâu.
Gương mặt bố trước khi bị đẩy vào nom rất xa lạ. Mặt đã được trang điểm và thoa một ít son để nom được hồng hào. Trên khuôn mặt bố đã không còn dấu ấn trong ký ức của cô. Cô tin rằng ông đã đi rất xa. Đi xa mãi xa mãi. Ông không ở đây. Thứ mà người ta sắp đốt chỉ là một cái xác mà thôi.
Trên sàn đất trống đầy xác pháo, cô thấy khói đen nồng phụt ra từ ống khói lớn. Khói đen xoay tròn trên khoảng không xám, rồi dần tan ra, mãi cho tới khi tan biến hết.
Lúc nhận tro ở ô cửa, cô cảm nhận được hơi nóng trên tay. Cô lấy phong bì đựng một ít tro, chuẩn bị mang về Bắc Kinh. Vật chứng. Cô cần phải giữ lại vật chứng của tình cảm. Không thể để tay trắng.
Theo phong tục, phải đem lọ tro nhập mộ trước mười hai giờ trưa. Lúc xe đi qua thôn, mẹ gọi điện dặn, Đây là nơi bố con đã dạy học rất nhiều năm, trên đường phải đốt pháo nhé. Mưa lớn. Bên đường đã có người dân đứng giương dù, khênh sẵn vòng hoa đứng đợi. Bố đã từng dạy tiểu học và sống hết thời thanh xuân tươi trẻ ở cái thôn nhỏ hẻo lánh nhưng đẹp đẽ này. Tốt nghiệp trung học, không có cơ hội vào đại học vì khi cách mạng văn hoá vừa bắt đầu, bố bị ép xuống nông thôn. Khi ông quay về thành phố, thực sự bắt đầu lập nghiệp đã quá tuổi ba mươi.
Không ai có thể lựa chọn cuộc sống cho mình. Cậu cũng biết đấy.
Xe dừng ở bên đường. Men theo con đường ruộng đầy bùn, từng đoàn người nối dài. Ruộng và dãy núi bát ngát đều ngập chìm trong màn mưa giăng giăng. Mưa nặng hạt quá, cô cởi chiếc áo khoác ngoài, bọc lấy lọ tro của bố. Ôm lọ tro vào ngực, sao mà nặng đến vậy. Cô thấy mình dường như đang gắng sức nâng cả trọng lượng của bố. Một đống trọng lượng màu xám trắng.
Một loạt các nghi lễ. Ở nông thôn, tang lễ đã mang ý nghĩa tôn giáo rất thần thánh. Mỗi một phong tục đều được dùng để an ủi vết thương người còn sống, không tự nguyện thừa nhận sự ra đi của người chết. Giống như khi xe tang tới đón thi hài bố, họ nói với cô rằng nhớ rắc tiền vàng trên đường đi, coi như tiền mua đường. Lúc qua cầu, phải nói rõ với bố là qua cầu rồi. Nén nhang trong tay không được tắt, phải liên tục thắp, liên tục thắp. Phảng phất như linh hồn bố đang ngự trị trên đốm lửa đầu nén nhang mỏng manh. Nhưng cô tận mắt nhìn thấy họ dùng một tấm vải bọc thi thể bố lại, thắt nút, rồi đút vào phần trống bên dưới của chiếc xe tang màu trắng. Bố bị bọc tròn như một cái thân cây.
Lúc 11 giờ 48 phút, lọ tro của bố đã hạ huyệt. Những thứ bố vẫn dùng thường ngày như bút, cặp sách, lược, áo len lông cừu mà cô mua cho bố, những cuốn sách của cô đã xuất bản cũng được đặt chung vào đó. Bố chỉ có thể mang theo những thứ này. Trên đám đất bùn trong nước mưa cắm đầy nhang vừa đốt. Họ bắt đầu đốt một đống tiền giấy và những vật dụng khá của bố. Lửa kêu vang trong gió. Mưa đột nhiên thưa hẳn.
Trên đường về nhà, xe phải chờ qua phà. Chờ rất lâu. Cô ngủ thiếp đi. Mơ rất rối rắm và kỳ quái. Trong mơ, thấy một cây ăn quả, trên cây có quả lê được buộc sẵn bằng dây thừng. Từng quả một cứ được buộc sẵn ở đó, dài lòng thòng. Đó là một vườn cây ăn quả trống trơn. Không nhìn thấy tận đầu. Núi xanh mịt mùng. Trên con đường ruộng nhỏ hẹp hoang vắng, một người đàn ông đi tới. Quay lại cười với cô. Gương mặt hoan hỉ. Nụ cười rạng rỡ.
Cô chợt tỉnh, phát hiện thấy toàn thân đang run rẩy, không tài nào khống chế nổi. Cô giơ tay ra, nhìn vân tay. Những ngón tay của cô co quắp như muốn khép lại.
Ngoài cửa là hoàng hôn thành phố. Cũng lặng phắc như bao ngày. Từng tầng mây bên trời màu hoa hồng xám. Người đi trên đường nét mặt thản nhiên. Cuộc sống vẫn diễn ra như vậy. Người chết biến mất rồi. Thời gian cấp tốc phủ bằng tất cả. Giống như nước biển phủ kín mọi chỗ lõm trên địa cầu.
*
Tô này, mình biết chết là một việc rất bình thường như thế. Trên thế giới này mỗi ngày đều có vô số người qua đời. Bệnh tật, tai nạn, mưu sát, chiến tranh, tử hình, nghèo đói, ngu dốt, tự sát… Tính mạng y hệt cỏ dại, hừng hực nhưng hèn mọn.
Chúng ta chẳng bao giờ xót thương cho nỗi đau của kẻ khác. Bởi vậy thế giới của chúng ta luôn tối tăm và đau khổ. Địa cầu chỉ là một quả bóng màu xanh cô độc, chuyển động rất yếu ớt. Không ai biết khi nào nó dừng lại. Con người bị tước bỏ hết mọi sức mạnh. Chúng ta chỉ có phút giây ngọt ngào ngắn ngủi của cuộc đời: lễ tết, yêu thương, hơi ấm, chuyện cũ, xác thịt… Chúng ta sinh tồn vì chúng. Cứ mù quáng như vậy nhưng không hề hay biết.
Chúng ta phải tận tay tiễn người yêu thương. Nhìn ông hoá thành một đống tro tàn. Chính chúng ta sau này cũng như vậy.
Tô này, nếu chúng ta còn biết xót thương. Chúng ta phải trĩu nặng ra sao, phải ôm nhau như thế nào. Ai có thể tới mách bảo chúng ta làm thế nào để vượt qua nỗi tuyệt vọng dài dằng dặc, dằng dặc…
Họ rời nhà thờ. Trên bầu trời xanh sẫm xuất hiện những đám sao sáng lạ thường. Gần tới mức có thể nhìn thấy được ánh sáng nhảy nhót. Trong những căn nhà dân xa xa có ánh đèn lấp loé. Đèn đường soi sáng con đường núi. Trên bậc thềm của nhà nghỉ bên cạnh có chàng trai trẻ ngồi một mình trong bóng tối, đang uống bia lon. Họ men theo con đường lớn nhấp nhô cao cao, đi về phía Hồ Xuân Hương, quay trở lại khu trung tâm.
Trời gần sáng, mọi người trên bãi đất dần tản hết, chỉ còn lại một đống rác rưởi và hoang giá sau những ồn ào. Tô rút máy ảnh. Cô dùng đèn flash. Rất thích dùng nó và giải thích rằng thứ ánh sáng chói mắt này giúp cảm nhận mạnh mẽ hơn về sự ngưng đọng của thời gian.
Tô chụp những cây hồng khô quắt vương vãi trên đất, người ăn xin đang ngủ say, những cô cave ngồi trong bóng tối, thần sắc nom mệt mỏi và lạnh lùng, những bức tường cũ kỹ dưới ánh đèn ảm đạm.
Cô đứng bên cạnh, châm một điếu thuốc.
Bắt đầu dọn dẹp những kỷ vật của bố.
Rất nhiều hình.
Bố năm 15 tuổi, đứng bên bờ ngoại ô ở Thượng Hải. Cậu thiếu niên sớm từng trải, gương mặt rắn rỏi, kiên cường. Hoàn cảnh gia đình lúc đó đã bắt đầu sa sút. Cậu là con trai trưởng trong nhà.
20 tuổi, xuống nông thôn. Sống cùng lũ trẻ trong một thôn nhỏ bên núi hẻo lánh.
27 tuổi, lấy mẹ. Hai người chụp hình lưu niệm tại Tây Hồ ở Hàng Châu. Mặc bộ đồ Trung Sơn màu đen. Bên cạnh là một cô gái xinh đẹp tóc thắt bím mắt đen láy. Mặt hai người phảng phất buồn. Đã sống bên nhau gần ba mươi năm.
30 tuổi, quay về thành phố. Đi làm. Bỏ cơ quan nhà nước, lập công ty riêng. Lăn lộn trên chục năm. Rất nhiều tấm hình chụp ở các bến xe của nhiều thành phố trong nước. Gầy gò nhưng tuấn tú, mắt vẫn rực sáng.
40 tuổi, trải qua những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông nội mất, dần lộ rõ nỗi cô đơn. Thần sắc mệt mỏi.
50 tuổi, công ty lại mở rộng. Người đàn ông bệnh tật và béo phì. Đứng dưới ánh nắng trong công viên. Bên cạnh là vợ và con gái về nhà ăn Tết. Cô độc và lý tưởng, áp lực và tình cảm, trắc trở và trí tuệ, bận rộn và trách nhiệm. Luôn bầu bạn suốt chặng đường.
56 tuổi, xuất huyết não. Qua đời.
…
Còn có một đống đồ cũ: sách cũ, báo cũ, tạp chí cũ, hình cũ. Tài liệu đủ loại. Hoá đơn, bằng cấp, vé tàu xe của hơn ba mươi năm trước.
Có một lá thư lớn bằng giấy da trâu đã ngả vàng. Bóc ra, bên trong là một cái yếm cô mặc hồi nhỏ do bà nội tự làm, giờ đã bạt màu. Hóa đơn học phí nhập học cấp một, bảng báo cáo thành tích, nhật ký viết nghiêng ngả, cứ thế cho tới tận lá thư giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp, những ghi chép bồi dưỡng nghiệp vụ khi đi làm… Tất cả những thứ mà chính cô đã không còn nhớ nổi hoặc vứt đi đã lâu đều được bố thu cất lại.
Két bảo hiểm trong ngân hàng. Kéo ra. Bên trong không hề có một tờ ngân phiếu hoặc sổ tiết kiệm nào, chỉ có một đống hóa đơn cũ, tất cả đều là hóa đơn rút tiền. Bố đã lấy toàn bộ số tiền mà ông có để đầu tư mở rộng công ty. Không để lại một đồng. Có một tập hình, một phụ nữ lạ. Hẳn phải là người ông đã từng yêu. Còn có một giấy gói. Bên trong là một nhúm tóc tơ đen nháy. Là tóc cô hồi bé.
Hết. Đó chính là những cất giữ bí mật nhất của bố. Chưa bao giờ tiết lộ với bất kỳ ai.
Tình cảm của bố sâu sắc và khép kín như vậy. Rơi vào trong trĩu nặng của đám đồ cũ, chuyện cũ. Không bao giờ kể ra. Do không có thói quen, và cũng không tìm được cách. Vì vậy không thổ lộ. Chưa bao giờ bày tỏ.
Cô nhìn mẹ đứng bên cạnh. Cô nói, Mẹ ơi, bố đã đi rồi. Đừng có chấp nhất. Mẹ cúi đầu. Bố và mẹ là những người lương thiện như thế. Những người lương thiện sống bên nhau không thể bảo đảm được hạnh phúc. Mỗi người đều có nỗi cô độc riêng. Không thể sát gần nhau.
Tới lúc phân ly, thậm chí cũng không kịp nói câu giã biệt.
Tối đó, cô nắm mớ tóc tơ bé bỏng của mình trong lòng bàn tay, bên cạnh đặt chiếc yếm vải lỗ chỗ. Cảm giác nhẹ nhõm sau khi kiệt sức, cuối cùng cũng ngủ thiếp đi. Bé con. Cô nghe thấy tiếng bố gọi. Không sửa được, hơn 25 tuổi rồi vẫn gọi như vậy. Cách gọi âu yếm của người Giang Nam với trẻ nhỏ. Cô là cục cưng trong tay ông. Chỉ có điều không ai chịu nói mà thôi. Trong mơ, cô thấy mình đang soi gương. Mớ tóc dài rậm đen nháy cứ rụng xuống. Tất cả đều rụng hết.
Mình rất muốn nói lời giã biệt, Tô ạ. Chỉ một lời thôi.
Tạm biệt thời gian.
Tạm biệt tình yêu của tôi.
Trong bóng tối, tất cả cửa sổ trong phòng đều mở toang. Gió lớn rít qua. Gió ồ ạt bốn phương tám hướng.
Đó là trong khách sạn nhỏ của cô. Cô và Tô cùng nằm trên chiếc giường lớn phủ ga trắng. Cô co quắp người, tư thế của một hài nhi trong bụng mẹ. Tô ôm lấy cô từ phía sau. Cơ thể ấm nóng của Tô cận kề bên cô. Bàn tay của Tô, những ngón tay mềm mại, vuốt ve bờ vai gầy và đầu gối của cô, từng tí một, giúp chúng duỗi thẳng.
Tớ đang ôm cậu đấy. Có thấy không?
Ừ. Cậu đang ôm mình.
Tớ chẳng có cách nào làm tình với cậu được. Nhưng tớ yêu cậu.
Mình cũng yêu cậu, Tô ạ.
Đừng sợ.
Không. Mình không sợ.
Chúng ta yêu nhau. Tuyệt biết bao.
…
…
Chỉ có tình yêu mới đem lại sự sống. Mới có thể sống. Sống tiếp.
Nó xuyên qua đau khổ, đem lại an ủi. Nó ấm áp. Rất đơn giản.
Tô kể, Năm tớ lên 7, có một người đàn ông đi qua thị trấn, bước vào tiệm tạp hóa nhà tớ, mua một bao thuốc. Tớ đứng bên quầy. Anh ta khoác một chiếc ba lô nặng trịch, mặc một cái áo vải thô màu vàng nhạt. Anh ta hỏi thăm đường tới vịnh Phổ. Tớ chỉ đường. Rồi anh ta hỏi, Cô bé có muốn đi cùng tôi không? Mình đáp, Có. Thế là chúng mình cùng đi.
Đó là lần đầu mình nhìn thấy biển. Tụi mình ở đó một đêm. Ngắm biển suốt đêm. Anh ta là một nhà nhiếp ảnh. Tớ không biết anh ta từ phương Bắc xa xôi tới. Anh ta chụp ảnh cho một tạp chí. Anh ta dạy tớ ngắm biển qua ống kính máy ảnh. Anh ta hỏi, Nhìn thấy chưa? Tất cả thời gian đều chạy về phía trước, nhưng chỉ cần cô bé khẽ bấm một cái, tách. Nó sẽ tự nguyện dừng lại cho em đấy.
Nửa đêm, trời đổ mưa. Trong căn phòng khách sạn trên núi cạnh bờ biển, anh ta vuốt ve tớ. Chưa bao giờ có ai vuốt ve tớ nồng ấm như thế, từ đầu tới chân. Những ngón tay của anh ta như nước chảy, không một tiếng động, cũng không để lại dấu vết. Ít nhất anh ta cũng phải gần 30 tuổi. Tớ thích cái mùi của anh ta, làn da nóng bỏng của anh ta, ngón tay của anh ta. Chúng tớ ôm siết lấy nhau. Anh ta ôm tớ suốt đêm.
Anh ta không nói gì chăng?
Không. Anh ta không nói gì. Như thể cố hết sức. Anh ta muốn cho tớ không phải là dục vọng của mình, cũng không phải là nỗi tuyệt vọng. Anh ta yêu mình, giống như thích ngắm biển lúc bình minh, như yêu đoá hoa dành dành nở ngoài khách sạn, như yêu mỗi đêm đi rồi lại đến.
Ngày thứ hai, anh ta rời khỏi thị trấn. Để lại cho tớ một tấm hình.
Trên đó có gì?
Hình khoả thân của tớ. Hoa dành dành. Trắng tinh trong đêm tối. Anh ta nói với tớ, Cô bé và hoa đều đẹp như nhau. Tuy tất cả đều đã biến mất. Sau hình có một chữ tiếng Anh. Phải mười năm sau, tớ mới biết được ý nghĩa của nó. AIDS. Đối với tớ, đã không còn quan trọng nữa. Vì sau khi anh ta bỏ đi, tớ không bao giờ gặp lại nữa.
Cả hai đều không biết gì về nhau ư?
Cứ mù quáng nhưng chân thực như thế trong đêm tối.
Sau đó tớ bỏ nhà đi. Được ngắm rất nhiều bãi biển khác nhau, bao gồm cả một lần quay trở lại vịnh Phổ. Nhưng không còn là biển trong thời thơ ấu của tớ. Không giống vậy. Nó đã in dấu trong ký ức. Không thể nói ra lời…
…
Anh ta cắt đầu húi cua, rất gầy, trên người có mùi man mát như nước khử độc. Đôi mắt rất sáng giống như hòn than sau khi ninh.
Cậu còn nhớ tới anh ta?
Ừ. Vẫn luôn nhớ.
Trong phim có nhiều cảnh biển. Chẳng có gì. Chỉ có tiếng sóng vỗ.
Bình minh lên. Hoàng hôn xuống. Vội vã quay lại. Gió thổi về phương Nam, lại chuyển sang hướng Bắc, không ngừng thổi, nhưng rồi lại quay về nhịp cũ. Các con sông đều chảy ra biển, nhưng biển vẫn chưa đầy. Sông hồ từ đâu chảy tới, rút cục vẫn quay về nơi đó.
Chúng mình đi ngắm biển. Chỉ vì muốn ngắm nhìn chân lý hư không.
Ngoài trời đã hửng sáng. Màu xanh của bầu trời nhàn nhạt. Tô thiếp đi. Khuôn mặt Tô tinh khiết như đoá sơn trà.
Cô nhìn Tô. Ngắm rất lâu. Đưa tay ra, vuốt ve làn da trên gương mặt Tô. Rồi dịch xuống dưới, cái cổ, xương vai, bầu ngực, cái eo… Những đám da đó đều sống động, mới mẻ, tươi tắn. Có thể cảm nhận được dưới làn da yếu ớt đó là nhịp đập của huyết quản, tiếng máu chảy rì rầm. Con có cả hơi ấm li ti toả ra. Cô nhận thấy những lưu luyến giữa các đầu ngón tay mình. Đôi bàn tay dã từng vuốt ve thi hài bố, đầy ắp cảm nhận mói mẻ về sinh mệnh.
Làn da mới tuyệt làm sao. Mới sống động làm sao.
Cô áp mặt lên cổ Tô. Sát gần cô ấy. Cô cảm nhận được nhịp tim của Tô, kiên cường và mạnh mẽ.
Cô nhắm mắt lại.
Đó là một nơi rất xa quê hương miền Nam của cô. Đại Lải của Việt Nam. Một thị trấn nhỏ trên núi cao.
Trong phim, hai cô gái ôm nhau ngủ trong cuộc hành trình. Họ hoàn toàn xa lạ. Họ sát gần nhau. Họ sắp phải giã từ. Không còn những lời tâm sự hay thở than.
Những thứ đã xảy ra, chỉ là quá khứ.
Gió ào ạt. Xa xa, có tiếng biển reo.
Chuyến xe trong đêm.
Lâu lắm rồi tôi không đi xe khách đêm. Nhiều năm trước, tôi đi du lịch Phúc Kiến, vẫy xe hàng của công trường về nhà. Đó là một chiếc xe tải lớn, lúc chạy kêu rầm rầm. Tôi đi cùng bốn người đàn ông. Họ thay phiên nhau lái. Lúc nửa đêm chạy trên đường núi, phải đề phòng cướp. Đó là chuyện có thật. Lúc lái xe qua một con đường khúc khuỷu, một khe núi cây cối rậm rạp, họ tranh cãi rằng đây chính là địa điểm đã xảy ra sự cố lần trước. Bọn cướp đã giết người, cướp xe đi.
Xe chạy được hơn bốn mươi tiếng đồng hồ. Chúng tôi ngủ trên băng ghế dài phía sau. Họ dừng xe ăn cơm, tôi cũng xuống theo. Họ đều là những trai tráng lao động, khoẻ mạnh, không thích trò chuyện, ánh mắt rất thẳng thắn. Lúc nửa đêm và sáng sớm, do xe cộ ít, xe phóng như bay, như bừng bừng cơn điên. Ngoài cửa sổ là con đường quốc lộ phẳng lỳ trong đêm tối. Đèn xe rọi sáng cánh đồng và cây cối. Còn có những tiệm nhỏ bên đường đã đóng cửa. Lúc chạy vào đường thuộc địa phận tỉnh Phúc Kiến, trời đổ mưa.
Còn nhớ rõ chuyện hồi đó. Ghế ngồi trong bóng tối lắc lư chao đảo. Trong xe chở hàng của những người lạ, bóng đêm trở nên thần bí và ly kỳ. Tốc độ xuyên qua những bình nguyên, sơn cốc, thôn trang, thị trấn nhỏ cùng chuyển đổi với thời gian, khiến cuộc sống như trở nên mãi mãi không thể dừng lại. Tôi nghĩ mình như dạng người đã được định sẵn phải vứt bỏ quê hương, đi trên đường. Vì trong khoảnh khắc đó, dục vọng tuôn trào, như biển xanh gào thét.
Ở Việt Nam, hành trình chuyến xe đêm của tôi chỉ có một đoạn. Đó là từ Hà Nội tới Huế. Mua vé đường dài của công ty du lịch, có thể lên xe bất kỳ lúc nào. Hệ thống phục vụ của cả ngành du lịch Việt Nam khá hoàn thiện và lớn mạnh.. Có thể cảm nhận được từ rất nhiều chi tiết. Những bác đạp xích lô đều biết nói tiếng Anh. Ở Trung Quốc, điều này thật khó khăn.
Bóng đêm ập xuống. Dăm khách Tây ba lô túm tụm bên đường. Có một số đã gặp mặt trên đường, ở khách sạn, tiệm ăn hoặc quán bar. Đều trở nên quen thuộc. Trên chặng đường, họ luôn im lặng, có lúc chỉ khẽ thì thào. Không hề thấy trách móc. Kiên cường và nhẫn nại như động vật. Trong tay mỗi người đều có một cuốn sách hướng dẫn cho du lịch một mình. Rời khỏi đất nước giàu có của họ, đi quanh địa cầu.
Thân phận không rõ ràng. Người Đài Loan làm phần mềm ở Mỹ, ông già người Anh làm ngành bất động sản ở Liverpool, cô hoạ sĩ người Pháp, chàng nhiếp ảnh gia người Thuỵ Điển, cô gái Nhật Bản làm việc văn phòng trong công ty… Đa dạng như vậy. Nhưng tất cả đều đi du lịch một mình. Ăn vận rất thoải mái, đeo một chiếc ba lô to đùng. Lúc trò chuyện rất hăng say. Nụ cười lịch sự mà ấm áp. Luôn mỉm cười với người lạ. Còn nhớ không hề đem lại phiền phức cho người khác. Rất biết giữ trật tự.
Điều này khiến tôi nhớ lại đoàn du lịch trong nước thỉnh thoảng gặp trên đường. Một đám đông ồn ào, làm tắc cả một đoạn đường, khiến những người khác không tài nào đi qua được. Chụp ảnh kỷ niệm khắp nơi, tiện tay vứt rác khắp nơi. Cái kiểu ăn to nói lớn của người Trung Quốc lúc đó khiến người ta phải xấu hổ. Tôi luôn vội vã lướt nhanh qua họ. Cách du lịch kiểu bầy đoàn như vậy vốn đã có vấn đề. Giống như rất nhiều thể chế và bối cảnh trong nước, tác dụng duy nhất chính là phá vỡ cá tính và tính độc lập. Nếu một người không có cá tính, không có không gian cá nhân riêng, tự khắc sẽ không bao giờ nghĩ tới, không tôn trọng cá tính cùng không gian cá nhân của người bên cạnh.
Người của công ty du lịch chất đống ba lô ra khoang hành lý sau xe. Mọi người bắt đầu lên xe, chọn chỗ ngồi. Cô gái da trắng rất nhanh chóng tuột dép ra, gác đôi chân trần lên thành ghế. Cởi tuột chiếc áo phông mềm mại, chèn vào sau gáy. Lôi ra cuốn từ điển tiếng Anh dày cộp. Mang theo đồ ăn vặt, kẹo sôcôla, bánh bích quy, đựng trong túi vải nhỏ. Đó là kinh nghiệm ngồi xe đêm. Dù sao suốt đêm cũng không thể ngủ ngon, lắc lư trên xe không phải là chuyện dễ chịu.
Xe chậm rãi lượn vòng quanh thành phố, đến khách sạn này tới khách sạn khác đón khách. Hành khách muốn lên xe có thể chờ tại khách sạn. Cứ như vậy, tôi lại được ngắm Hà Nội trong đêm một lần nữa. Góc phố cổ toả ánh sáng lấp loé như một con tàu ra biển khơi, đầy ắp âm nhạc, đồ ăn, dòng người, mùi vị và âm thanh. Rồi chiếc xe hướng về vùng ngoại ô tối om.
Đầy một xe toàn Tây. Không ai nói chuyện. Chàng trai tuấn tú ngồi sau bật chiếc đèn nhỏ, đọc sách. Hai cô gái châu Âu nom rất đầy đặn bên cạnh đã cuộn tròn người ngủ như lũ mèo. Chiếc xe chạy trên đường lớn trong đêm tối. Tốc độ cũng không quá nhanh. Lẽ ra có thể chạy nhanh hơn.
Có một lần, ở Hồ Bắc, tôi ngồi trên xe buýt. Chiếc xe cũ kỹ có hai toa xe ghép lại chạy như bay trên con đường Vũ Hán chật chội. Lúc rẽ, nó phát ra những tiếng rít chói tai. Cả chiếc xe bị khống chế bởi một sức mạnh phi thường, không thể ngừng lại. Không ai có thể tháo chạy. Người trên xe không thốt nổi câu nào. Tất cả đã bị bác tài đáng sợ làm khiếp hãi.
Nhưng tôi thích bác tài. Nom bác như một người đàn ông bình thường, nhưng kỹ thuật cao siêu. Chỉ có những người tự tin mới có thể ung dung như vậy. Thông thường đều thế. Nhưng tôi tin rằng bác sẽ bị bật khỏi tình thế rất nhanh. Nếu bác có một chiếc xe riêng cho mình, không gì tốt hơn thế. Tôi hy vọng có được người đàn ông tự tin như thế, đưa tôi đi hóng gió.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!