Dấu Chân Người Lính - Phần I: Hành Quân - Chương 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
543


Dấu Chân Người Lính


Phần I: Hành Quân - Chương 1


Nơi đây khi đang mùa thu hãy còn là một cánh rừng già im lìm như ngủ. Lúc bấy giờ những người chiến sĩ bộ binh và cả những người chiến sĩ trinh sát dày dạn và ưa hoạt động nhất của cấp trung đoàn hoặc sư đoàn hãy còn ở tuyến hậu phương. Suốt cả một dải rừng núi âm u rậm rạp, thỉnh thoảng mới thấy sáng bừng lên vài bông hoa chuối rừng đỏ nở trên những thân cây gầy khẳng. Tiếp giáp với bìa rừng là bãi lau hoang vu rồi lại một cánh rừng khác, một bãi lau khác ăn thẳng ra con đường số 9 rải sỏi dẫn tới một thị trấn và ngoại vi khu đồn địch. Suốt cả mùa thu, ở đây còn hết sức yên tĩnh. Trên mặt đất khô ráo đang đón đợi mùa mưa ngàn tới, chỉ có bước chân những đàn voi đi thủng thỉnh xéo nát từng bãi tranh, và báo trước cho chiến dịch sắp mở là bước chân không để lại chút dấu tích của những người lính trinh sát Bộ Tư lệnh chiến dịch và bọn thám báo Mỹ giậm đè lên nhau.

Khuê, chiến sĩ cần vụ của chính ủy trung đoàn 5 đã tùng sống trên mảnh đất này suốt từ trận đánh mở màn chiến dịch. Nhưng anh không khỏi bỡ ngỡ mỗi khi có dịp rời khỏi hầm sở chỉ huy, đi trở lại khu rừng trú quân hồi trung đoàn mới từ giã trạm giao liên cuối cùng tận ngoài bờ sông Xê Pôn. Thế là sau một loạt trận đánh, địch đã dự đoán được đôi chút hướng xuất kích của những đơn vị chiến đấu lớn của chúng ta. Chúng rải thuốc độc hóa học và dùng máy bay B.52 rải bom theo lối “rải thảm”. Chỉ có trong vòng nửa tháng, từ khi tiếng súng đầu tiên của ta nổ vào giữa thị trấn, các cánh rừng chung quanh đã quang đi từng vạt, từng vạt cỏ tranh bị thiêu cháy, ở các chân lèn đá và dọc khe suối đã bị phát quang, máy bay trinh sát các loại lượn đi lượn lại thăm dò suốt ngày đêm. Ban đêm tùng chùm pháo sáng liên tiếp treo lơ lửng trong bầu sương thăm thẳm trắng rừng trắng núi. Mặc cho máy bay địch trinh sát và bắn phá, dưới mặt đất bộ đội vẫn chen chân nhau đi đông nghìn nghịt. Họ tranh thủ đi nhanh hơn, nhận mặt nhau, chào hỏi nhau. Con đường cứ hình thành dần những khu vực tọa độ của địch (Khu vực toạ độ: Khu vực mà máy bay địch đã tính sẵn trên bản đồ từng quãng thời gian nhất định bay qua ném bom một lần). Trên chặng đường đầy cây cối đổ nghiêng, khói bom khét lẹt và đất đỏ lật lên lấp hết cây cối, tùng đơn vị cứ đi qua, hết đơn vị này đến đơn vị khác, hết binh chủng này đến binh chủng khác. Ban ngày có những khi máy bay trinh sát không làm nhiệm vụ chỉ điểm cho máy bay phóng pháo, với đôi cánh bằng gỗ dán, nó liệng từng vòng tròn rất hẹp trên từng chỏm cây một. Từ bên thành cửa sổ trống hoác như con mắt mù thò ra một chiếc loa phóng thanh và một giọng nói õng ẹo: Các anh bộ đôi Việt Công dũng cảm! Đây là tiếng nói của người em gái mến thương của các anh. Các anh hãy suy nghĩ mau mau trở về với người em gái mến thương và Chính phủ quốc gia. Các anh sẽ được trọng dụng và chiều chuộng. Em đang trông thấy các anh…

Dưới từng gốc cây, lính nhà ta vẫn thản nhiên ôm nhau ngủ, thảng hoặc mới có anh chàng đang ngáy như sấm bỗng trở mình, không thèm mở mắt cáu tiết văng tục: “Trông thấy cái… mẹ mày! “

Không phải bây giờ mà từ đầu mùa xuân năm ngoái, Khuê đã quá quen thuộc với khung cảnh này. Khuê đã quen với khu rừng suốt ngày đêm dội vang những trận bom hất tung từng đám rễ cây và đất đá, những cuộc chuyển quân trong tầm súng của địch, những con đường tiềm nhập ở vị trí tập kết quân bị địch phát quang. Anh đã quen với những trận bom B.52 như dựng lửa, với khung cảnh bề bộn tạm bợ của chiến rường, với cả mùa mưa dai dẳng xô rừng ngập suối của rùng miền Tây vốn từ bao đời còn âm u và hoang dại. Chính khung cảnh của chiến trường như thế, trước đây vài tháng, khi anh còn mài gót giày trên những chặng đường đi dài dằng dặc của núi Trường Sơn, anh như đã trông thấy, hình như nó đang vẫy gọi, đang giục giã anh và đồng đội của anh bằng tất cả sức mạnh quyến rũ không thể nào lường được.

Ngày trung đoàn mới xuất quân từ hậu phương, Khuê là một tiểu đội tưởng xuất sắc của đại đội trinh sát. Trên đường giao liên, ở một chặng nào đó, đại đội trinh sát gặp u bộ (bí danh chỉ trung đoàn bộ) giữa lòng dốc, đang ngồi nghỉ. Một đám người lố nhố bên rìa cỏ, anh nào anh nấy mặt mũi trắng trẻo, mồ hôi ướt đầm đìa suốt dọc lưng áo thấm sang cả ba lô cóc, túi tài liệu lớn, túi tài liệu bé xếp dọc lối đi. Một anh phụ trách quân lực mặc quần đùi áo lót, khuôn mặt còn trẻ mà đã hói lên tận đỉnh đầu, anh ta ngồi doạng chân trước chiếc ba lô cóc to kềnh càng để quấy sữa bột, chợt trông thấy cái dáng nhỏ bé và nhanh như sóc của Khuê vác súng tiểu liên đi vụt qua liền cất tiếng gọi ầm ĩ cả rừng:

– Khuê ơi, về u bộ đi chứ!

Hai đồng chí cấp dưỡng vây quanh bởi đống nồi niêu xoong chảo cũng góp vào một câu:

– Chúng tớ cũng thổi cơm rồi, vắt cơm có thịt rang hẳn hoi. Chúng tớ phải mang đi theo cho cậu đây này!

– Các cậu vắt thì các cậu cứ việc ăn! Khuê vốn là con người vui vẻ nhưng lúc đó anh lại đã gắt với hai đồng chí cấp dưỡng trung đoàn bộ lành như đất.

Ở bãi khách kề trạm giao liên trung đoàn vừa qua, Khuê đã khoác ba lô tới trung đoàn bộ một lần, sau khi anh nhận được một tờ giấy đánh máy từ quân lực trung đoàn gửi xuống, điều động anh rời đại đội trinh sát về giúp việc cho chính ủy Kinh. Hôm đó, Khuê đến vào sau giờ ăn cơm, bãi khách trung đoàn bộ đóng im lặng như không có một đoàn quân nào đang trú. Những chiếc võng bạt mắc đan nhau từ gốc cây này sang gốc cây khác, trên mỗi đầu võng treo lủng củng nào là xắc cốt, bi đông nước, dao rừng, súng đạn. Loáng thoáng sau hàng cây một vài mái đầu đang cúi xuống hí hoáy viết, và ngoài xa không biết từ một bãi khách nào khác vang tới tiếng dao chặt trên thớt lách cách, tiếng động vang dội vào tận lèn đá. Khuê đi quanh quẩn, anh tới bên một cái võng mắc thõng sát đất và vặn vẹo như một cái vỏ đỗ, bên trong một người nằm đó và vẫn còn thức, cặp mắt đang ngước lên nhìn cái kẽ xanh giữa vòm lá, một vết sẹo dài như một nhát dao chém ngang đuôi lông mày.

– Cậu ơi thủ trưởng Kinh ở đâu nhỉ?

– Mình đây, mình là Kinh đây!

– Báo cáo thủ trưởng…

Chính ủy Kinh cất tập giấy đánh máy dày gần bằng quyển sách vào trong một chiếc túi vải hoa, khoác túi lên vai rồi kéo Khuê đến bên một cái túp sàn ken bằng thân những cây sậy giập vỡ, đó là chiếc lán cỏ tranh duy nhất của cả khu vực bãi khách.

– Ô… ông lên có việc chi mà khoác ba lô nặng đến thế vậy?

Câu nói của Kinh đầy tiếng địa phương, rất nặng. Ông mặc bộ quần áo vải nâu, vóc cao lớn, tóc húi ngắn và đã bạc ít nhiều, con mắt bên trái bị thương hơi trắng đục luôn luôn như có một ánh giễu cợt người đang đứng trước mặt mình. Khuê ngắm ông, chợt nhớ ngày anh mới về đại đội trinh sát, còn đóng quân ở một làng mạn trung du, Khuê dẫn một đàn bò gần chục con của đại đội đi chăn ở mé đồi hoang. Thả cho bò đi ăn rong vừa xong là Khuê gục vào đọc “Ruồi trâu” không còn biết ngẩng đầu lên nữa, cho đến lúc nghe tiếng la khản giọng từ một xóm ở bên kia cánh đồng, anh mới ngừng đọc. Lúc bấy giờ, Khuê mới biết bò của mình đang gặm lúa của dân, từ dưới chân đồi một người nông dân mặc chiếc áo quân phục đã bạc trắng đang lùa bò lên. Khuê vất sách vội vàng chạy đến xin lỗi. Anh tưởng người đó là một người nông dân trong làng nên đề nghị được đền số lúa những con bò đã ăn mất. Người đó cười với anh bằng con mắt chế giễu, và liền bỏ đi sau khi nói: “Lần sau đồng chí nhớ đừng để cho bò gặm lúa của dân, nhớ nhé!”. Về sau Khuê mới biết người nông dân đó chính là chính ủy của trung đoàn mình.

Khuê xốc chiếc ba lô và trang bị quân dụng nặng gần bốn chục cân trên lưng. Anh giập gót đứng thẳng rồi móc túi lấy tờ giấy đánh máy “Quyết định thuyên chuyển”:

– Báo cáo thủ trưởng, tôi là Khuê ở đại đội trinh sát.

Kinh khoát tay rất rộng vỗ vai Khuê:

– A… ông đặt ba lô xuống, ngồi đây chúng mình nói chuyện. Biết hút thuốc lá không nào?

– Có ạ!

– Ông hút thuốc lá, mình hút thuốc lào. Chúng ta nói chuyện làm quen với nhau đi nào, lên đây ở với mình có thắc mắc gì không?

Khuê nhận ngay thấy nếu mình nói thật với con người này cũng chẳng có tội vạ gì cả.

– Báo cáo thủ trưởng…

– Thế nào, có gì cứ nói…

– Tính tôi hay nghịch lắm, sợ nhận công tác phục vụ thủ trưởng không chu đáo.

– Thì tôi cũng nghịch! – Kinh đáp một cách hăng hái.

– Và thưa thủ trưởng, thú thật tôi đi chiến đấu chỉ muốn được ra ngoài chiến hào.

– Thì tôi cũng ra chiến hào!

Tuy đã nổi tiếng là “cây nói” ở đại đội trinh sát, Khuê cũng không còn biết làm thế nào trước cái cách đối đáp của Kinh. Anh đành đứng im lặng.

Lát sau, Kinh nói tiếp với Khuê như nói với một người ngang hàng:

– Nếu ông ở gần, ông sẽ hiểu tôi hơn. Nhưng tôi cũng không nài ép ông.

Chính ủy cho phép Khuê được trở về vừa hành quân vừa suy nghĩ, hẹn sau hai chặng đường giao liên sẽ lên trả lời.

Khuê lại trở về hành quân cùng đại đội trinh sát. Nhưng ngay hai hôm sau, anh đã khoác ba lô tới chính thức nhận nhiệm vụ ở trung đoàn bộ. Trong những ngày trung đoàn sắp bước vào chiến đấu, Khuê không muốn về cơ quan một chút nào nhưng anh biết mình không thể từ chối nhiệm vụ mới. Vì anh biết đó là quyết định của cấp trên.

o O o

Đã sang những ngày mưa dầm và rét. Mùa xuân sắp đến. Bầu trời trên các chỏm rừng suốt ngày mù mịt mưa sương. Các con đường mòn chạy xuyên qua Trường Sơn bao giờ cũng lõng bõng một lớp bùn nhão đầy vết giày in chi chít ngang dọc. Các ngả đường ngập những lính, đâu đâu trong rừng cũng sực lên hơi người, đâu đâu cũng gặp những bếp than cháy dở, những cái túp cỏn con kề bên suối bên trong ba hòn đá vực dưới suối lên đã cháy đen thui. Bất cứ một người nào đi trên con đường này cũng phải tự hỏi: Ai là người đầu tiên tới đây dựng lên cái bếp lửa sơ sài bên con đường rừng? Bàn tay người lính nào đã dùng mìn bẫy đã cầm dao phát cây? Và người cán bộ tham mưu nào đã từng mang một chiếc địa bàn và một bản đồ, đứng chon von trên đỉnh núi để ngắm hướng cho việc mở đường? Con đường nào sẽ là con đường thẳng nhất, ít gặp núi cao vực sâu nhất? Con đường giao liên bắt đầu chỉ hẹp như lối đi của người địa phương mở lên rẫy, đầy những mối vỡ tổ hăng mùi nhựa cây và thỉnh thoảng còn thấy in những vết chân hổ giống như những con dấu của rừng hoang, những con hổ đêm đêm vượt qua đường để tìm mồi. Chính ủy Kinh là một trong những người đã từng đặt bàn chân lên con đường này từ những ngày mới khai phá đó. Ngày đó Kinh là một cán bộ tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị. Ông có nhiệm vụ vào thấu một vùng chiến trường nằm khá sâu để truyền đạt nhiệm vụ và chủ trương vũ trang của Đảng. Ngày đó ở quê, vợ Kinh chưa đẻ đứa con thứ năm và ở đây, lối đi vừa mở chưa có nhiều bàn chân giậm lên để in thành một con đường mòn hẳn hoi như bây giờ. Kinh còn nhớ ngày đó đường rất vắng, thỉnh thoảng mới gặp một đoàn đi. Các con suối còn mọc đầy rêu, chưa có những cái bếp dựng lên rải rác. Và trong các khu rừng, những căn nhà của trạm giao liên cũng chưa thật là chật chội phải chen chúc, nhân viên của trạm chưa phải bận tíu tít lên vì công việc đón tiếp. Ngày đó cũng chưa phát quang mặt đất từng khu vực rộng để thiết lập các bãi khách đủ chỗ cho hàng tiểu đoàn mắc võng.

Đoàn đi của Kinh có chưa đầy một chục người, do Kinh làm tiểu đội trưởng kiêm tổ trưởng Đảng. Lượng, đại đội trưởng đại đội trinh sát của trung đoàn 5 bây giờ cũng có mặt trong số những người cùng đi với Kinh năm đó. Năm đó Lượng mới hăm ba tuổi nhưng vào bộ đội đã lâu. Lượng là một chiến sĩ hết sức tháo vát vì trong cuộc đời Lượng phải lo tự lập thân từ hồi còn nhỏ. Chuyến đi cũng vào một mùa đông. Đêm nào Lượng cũng nhóm lửa cho cả đoàn. Một ngọn lửa cháy sáng, những chiếc võng mắc chung đầu với nhau trên những thân cây xung quanh bếp. Từng người nằm nghiêng trên võng, tay bóp chân để ngày mai đi chặng tiếp, mặt hướng về phía ngọn lửa ở giữa mà nói chuyện hoặc nghe đài. Cứ tầm nửa đêm khi mọi người đều ngủ cả, thỉnh thoảng Lượng lại trở dậy, thò chân vào dép đi lẹp kẹp tới quẳng thêm củi vào cho ngọn lửa luôn luôn cháy sáng để xua hổ. Lượng rất ham được nghe Kinh kể những trận đánh hồi kháng chiến chống Pháp, những cuộc hành quân, những trận Kinh một mình chiến đấu giữa vòng vây giặc. Lượng hiền và ít nói, hơi khó tính, cách sống như một người đã đứng tuổi. Kinh coi Lượng như một đứa con hay em. Ngược lại Lượng rất kính trọng và yêu mến Kinh, mặc dầu cái tính chểnh mảng và hay quên của Kinh dọc đường cũng khiến cho Lượng đôi lúc phải khó chịu.

Đoàn đi gần tới đích vào những ngày mưa dai dẳng đến nỗi ba bốn ngày không sao đặt ba lô xuống chỗ nào mà thổi cơm được. Đến chặng nghỉ, tùng người cứ khoác chiếc ba lô như một cái bướu mọc sau lưng mà nhai gạo rang rồi lại tiếp tục đi. Gạo rang trộn đường đựng trong túi ny lông của từng người cũng sắp cạn, đó là khẩu phần “sẵn sàng chiến đấu” đáng lý không được đụng tới. Nhưng tìm cái gì để ăn thay?

Lượng bàn:

– Anh Kinh ạ, ta sẽ khắc phục để thổi cơm.

Kinh vuốt nước mưa chảy ròng ròng trên mặt:

– Ông thổi được cơm giữa lúc này thì chả thua gì cái cô nào đó vừa chăn cóc, vừa ăn mía, vừa ngồi trên thuyền thổi cơm thi ngày xưa!

– Được! Tôi sẽ khắc phục thổi cơm. Anh cho anh em tìm chỗ mắc võng ngủ đi, và đồng chí nào vác mấy bao gạo ướt ra đây cho tôi.

Lượng cởi ba lô. Anh rút dao đi men bờ suối, lát sau đã đội về những bó lá và hai ba tấm phên kết bằng lá mây và lá dong rừng. Một cái túp mái uốn cong chỉ cao đến bụng được dựng lên bên bờ suối. Anh nhảy xuống giữa lòng suối khuân ba hòn đá bằng nhau rồi dùng xẻng xén đi một lượt cỏ ướt, lại hớt đi một lớp đất dày bên trên. Đất rừng giữa mùa mưa nhưng trong lòng vẫn khô ráo. Chỉ trong một tiếng đồng hồ sau, một ngọn lửa đã bùng lên bên trong cái túp bằng lá hãy còn xanh biếc, một cuộn khói ấm áp lách qua kẽ lá bay thoát ra ngoài. Lượng đánh đường thoát nước chung quanh cái túp rồi ngẩng lên, cất tiếng gọi vui vẻ:

– Anh Kinh và các anh ơi, nửa tiếng nữa sẽ có cơm nóng nhé, cứ ngủ đi!

Trong những ngày mùa đông, cái khó của tất cả mọi người là làm sao gây cho được ngọn lửa. Rừng mưa ướt đầm đìa hằng tháng trời. Ai đã tùng sống qua một mùa mưa trên Trường Sơn hẳn biết. Lá cây bao giờ cũng cụp xuống và ướt loáng. Thân cây đầy rêu. Đá trơn tuột. Mái lán không bao giờ ngớt cái âm điệu lộp độp của mưa rơi nghe váng óc như có người cầm gậy xăm trên đầu. Ngọn lửa nhen mãi vẫn không bén, chỉ khói mù. Lại chổng mông thổi. Ba hòn đá con con nước đã ngập đến lưng. Ngọn khói lan trên nóc lán rồi bám chặt lấy các vòm cây ướt át, đọng lại ở đó mãi. Tiếng máy bay ỳ ầm. Tiếng ve. Tiếng suối lũ. Con chim gì đó kêu tút tút không hề biết mỏi. Giữa những ngày mưa dầm dề như thế, rừng Trường Sơn ban đêm càng lạnh lẽo. Bao nhiêu người bốn phương quen biết nhau và chưa hề quen biết nhau cùng đến ngồi bên nhau trong bóng tối. Bên ngoài căn nhà trạm giao liên dành cho khách đi đường, tiếng mưa đổ ào ào và tiếng ve mùa đông kêu như có ai đem cạo tinh nứa ở đầu giường. Chiếc đài nói oang oang từ trong lòng một người nào đó tố cáo Mỹ vừa đưa hàng vạn quân vào miền Nam. Những người khách đi đường tìm củi để nhen lửa sưởi với nhau. Nhưng lần mò hì hục hằng tiếng đồng hồ lửa vẫn không cháy. Mọi người đã nản. Thì vào giữa lúc mọi người sắp đi nằm, ngọn lửa nhen từ một bàn tay cần mẫn nào đó cháy lan dần, ban đầu còn le lói, chẳng mấy chốc đã bùng dậy rắc ánh sáng lên khắp gian nhà. Lửa cháy phần phật như một lá cờ vừa mở, bắt hơi nóng lên bằng chừng ấy khuôn mặt và bàn tay. Giữa nhiều bàn tay mở xòe chìa về phía ngọn lửa, bàn tay của người vừa nhen lửa cũng chìa ra lẫn trong những bàn tay người khác. Câu chuyện vui bắt đầu nở. Tiếng cười phá lên. Rồi những người đi đường tới muộn lọc cọc chống gậy đến. Những người đang ngủ choàng thức giấc cũng tung chăn tới ngồi lẫn giữa vòng người chung quanh bếp.

Liên khu X…, sau ngày đoàn Kinh đi công tác tới đó đã nhất loạt trỗi lên một phong trào tự võ trang và đồng khởi hết sức mạnh mẽ. Đế quốc Mỹ và tay sai tưởng có thể dập tắt được ngọn lửa cách mạng nhưng từ trong bóng tối, ngọn lửa đã được Đảng nhen nhóm dậy. Những người đảng viên và những quần chúng của Đảng ở các cơ sở làng xã đã đứng dậy tổ chức cuộc chiến đấu của họ. Từ trong vũng máu, ngọn lửa mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ đã được nhen dậy bởi bàn tay những con người bình thường và trung kiên nhất.

o O o

Chuyến đi công tác, nửa năm sau Kinh mới quay trở ra. Trên chặng đường đi vào và lúc ra về, đoàn vẫn nguyên vẹn. Nhưng đến một chặng cuối cùng bên con đường số 9, lúc đã sắp về đến căn cứ hậu phương thì thình lình địch đổ quân xuống con đường đi. Một buổi sáng, những chiếc trực thăng sơn màu kẽm, bụng phình to như những con cá lóc chửa bay rùng rùng từ phía Đông Nam lên. Một chiếc trực thăng chở một trung đội lính Mỹ, có ba cánh quạt Cánh quạt trực thăng quay tít khiến lá tranh đổ ngả rạp. Lượng nằm ngửa, gió quạt thốc vạt áo trùm kín cả đầu cả mặt. Anh nhổm dậy, gió xô ngã. Lại ngồi dậy. Anh quỳ lom khom để ngó chúng. Bỗng Lượng thấy ngọn lửa chớp nhoàng một cái trước mặt: Bọn chúng bắn dọn bãi rồi!

– Anh Kinh ơi, cho tôi bắn trực thăng nhé! – Lượng hét to át cả tiếng hai mươi ly nổ chung quanh.

Kinh phán đoán: Tụi thám báo mặt đất đã phát hiện được đoàn của mình nhưng chúng vẫn còn gờm không dám nổ súng nên phải gọi trực thăng đến chụp bắt.

Kinh không do dự, liền hạ lệnh cho bắn.

– Ngon xơi quá! – Lượng reo lên.

Bọn địch láo nháo xúm quanh một cái thành cửa sổ, đang thả đạn cối xuống. Lượng kề súng vào vai xiết cò lia trọn một băng hạ ngay chiếc trực thăng đầu tiên. Cuộc chiến đã bắt đầu. Bọn chúng có đến một đại đội. Bên ta, chín người của một đoàn đi công tác được chia thành ba tổ chiến đấu.

Kinh hạ lệnh cho đoàn phó nắm hai tổ. Đại bộ phận vừa mở đường rút về phía dãy núi đá cách đấy độ hơn năm trăm thước. Kinh trực tiếp nắm một tổ trong đó có Lượng, ở lại yểm hộ cho anh em rút. Lượng cùng một chiến sĩ và đoàn trưởng Kinh, ba người chiếm một cái gò đất giữa bãi tranh. Những cây mù u mọc chung quanh gò bị đẵn từ khi nào không biết chỉ còn trơ những cái gốc. Lượng cởi chiếc áo bị cháy trải xuống bên một gốc mù u. Anh trịnh trọng bày lên một hàng lựu đạn Mỹ vừa cướp được, lẫn với những quả lựu đạn chuôi dài của ta:

– Anh Kinh ơi, những quả lựu đạn Mỹ này sử dụng thế nào nhỉ?

– Cậu tháo khuy ra nhưng tay cứ phải nắm chặt cái mỏ vịt. Thế, cứ vứt ra tự khắc nó nổ!

– Tiên sư cái thằng Mỹ này, quả lựu đạn giết người của nó cũng “văn minh” và tiện lợi gớm!

Tàn tro trộn lẫn mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, trong hai hố mắt, trên ngực Lượng. Chung quanh cái gò đất, nắng và lửa cháy, cùng với tàn tranh bay đen trời. Xác những tên Mỹ nằm co quắp khắp nơi. Ngay trước mặt Kinh, bên kia gốc cây, ba bốn thằng chết nằm ngửa tênh hênh. Nắng như giội xuống những khuôn mặt chúng. Bấy giờ, cối và đại liên lại nổ ầm ầm vào chân gò. Kinh bế đồng chí chiến sĩ đã bị thương nặng vào giấu sau một bụi cây, mắt vẫn nhìn về phía trước:

– Này Lượng!

– Có tôi

– Nghe đây. Đợt này nhất định chúng sẽ kéo lên rất đông. Cậu có nghe được tôi nói không?

– Bây giờ cậu để tất cả lựu đạn lại cho tôi… Anh em đằng sau đã rút xong. Cậu hãy lui ra sau dùng tiểu liên yểm hộ cho tôi, và cõng thương binh về…

Lượng hiểu ý định người chi huy.

– Tôi phải là người rút sau cùng – Lượng trả lời kiên quyết

– Anh là đoàn trưởng, anh phải rút về trước đi, anh Kinh!

Quân Mỹ tiếp tục xô vào. Ngay hai loạt tiểu liên đầu tiên, hai người đã quật ngã hai tên hăng hái chạy trước. Tất cả chùn lại. Nhưng một quả đạn cối bỗng nổ tung đất đá và tàn tro vọt lên. Kinh bật lên một tiếng chửi, một nửa khuôn mặt Kinh tự nhiên tê dại đi. Lượng bồi thêm một chùm đạn vào đám quân Mỹ đang nằm bẹp sau các xác chết rồi chạy vội về phía Kinh. Anh thấy hố mắt trái của Kinh như tụt sâu xuống. Một dòng máu từ bên trong cái hố mắt rỏ thành giọt lăn qua vành má lấm đầy bụi tro xuống cằm. Khoảng túi áo ngực và cả báng súng Kinh đang cầm tay cũng đọng những vết máu lẫn với tàn tro.

Kinh ngồi bệt giữa đất cho Lượng quấn vòng băng cá nhân trùm kín đầu. Kinh dặn Lượng cách vừa đánh vừa rút. Kinh đã bị choáng nhưng vẫn còn khỏe lắm. Ông cúi xuống xốc đồng chí bị thương lên lưng, bước từng bước chắc chắn và chậm chạp về phía sau, thỉnh thoảng dừng lại kẹp súng vào nách bắn yểm hộ cho Lượng.

Cuộc chiến đấu tiếp theo dưới chân lèn đá, bọn chúng bỏ xác lại từng đống. Năm giờ chiều, quân Mỹ thu dọn chiến rường một cách máy móc và đúng thời giờ như những người thợ làm xong một buổi trong xưởng máy. Ngồi trên vách núi đá, Kinh nhìn ra khoảng gò bãi tranh, con mắt trái đau nhức nhối. Bọn địch bắt đầu kéo xác ra đường cái ngồi hút thuốc lá, ăn kẹo, chờ trực thăng tới đón. Thật tiếc! Tất cả các khẩu súng của Kinh và của anh em trong đoàn đều hết đạn, lựu đạn cũng hết nhẵn, mỗi người chỉ còn có một con dao găm dùng để phát cây. Chúng vừa rút lui, Kinh liền cho mọi người xuống bãi tranh để tìm Lượng. Tìm khắp nơi không thấy. Cũng không thấy xác. Kinh quyết định cho đoàn ở lại thêm một ngày nữa để tìm, và dò la tin tức thì biết Lượng đã bị địch bắt. Cơ sở trong vùng cho biết quân địch chết và bị thương gần ba chục tên, Lượng bị thương ngất đi, đã bị chúng bắt đem lên trực thăng chở về thị trấn Khe Sanh.

Sau khi đoàn công tác về đến hậu phương một thời gian rất lâu, Kinh vẫn chưa hề báo tin tức gì cho gia đình của Lượng. Nhưng Kinh nghĩ chắc chắn Lượng không còn nữa! Khoảng ba năm sau, Kinh từ trên cơ quan Tổng cục Chính trị về nhận chính ủy trung đoàn 5. Kinh về hôm trước thì sáng hôm sau, Nhẫn, trung đoàn trưởng, đề nghị ông xuống một đại đội để theo dõi tình hình kiểm tra vũ khí, nhân tiện làm quen với anh em cán bộ và chiến sĩ dưới đơn vị. “Có đại đội nào ở gần đây không?” – Kinh hỏi trung đoàn trưởng.

– Có “thằng” trinh sát!

Kinh xuống đại đội trinh sát một cách thực là tình cờ. Ông vừa bước chân vào đến sân thì đã thấy Lượng đang ngồi chồm hỗm trước một đống vũ khí: Súng trường, tiểu liên báng gập, tiểu liên cực nhanh của Mỹ, lựu đạn, thuốc nổ, các thứ được bày biện thứ tự trên những tấm ván nằm. Lượng mặc bộ quân phục còn nguyên nếp hồ. Vẫn cái thân hình cao lớn và chắc nịch, vẫn con mắt có một vệt đỏ bên khóe, vẫn những cử chỉ và tiếng nói cứng cỏi như ngày trước. Lượng cầm cuốn sổ mở ra chỉ bằng nửa bàn tay, đang to tiếng với một người cán bộ đứng bên cạnh: “Đồng chí thử soát lại xem, thế mà cũng gọi là nắm thực lực vũ khí ư?”

“Hắn nom già đi nhiều quá. Như một người ngoài ba mươi”, Kinh nhận xét. Phải sau một lát, Kinh mới nhận ra được nhưng vẫn còn nghi hoặc.

– Gì mà gắt om lên vậy hả ông? – Kinh bước tới bên cái bậc thềm lát đá, mỉm cười hỏi.

Lượng ngẩng đầu lên ngắm con người vừa mới đến, nhìn chòng chọc vào con mắt bên trái rồi ném cuốn sổ tay xuống thềm:

– Chao ôi, anh Kinh!

Khi Lượng kẹp đôi cánh tay rắn chắc như chiếc đòn gánh vào sau lưng ông đến đau điếng, Kinh mới thực sự tin rằng Lượng hãy còn sống.

Lượng buông Kinh ra rồi vội vàng lôi ngay vào trong nhà:

– Anh đi đâu mà tìm tới đây được hả?

– Mình mới về làm chính ủy ở đây, mới về chiều hôm qua – Con mắt trái của Kinh hình như có ngấn nước mắt – Kể đi, làm sao cậu lại còn sống được? Hồi ấy chúng mình cứ xắn quần đi tìm xác cậu suốt một ngày ở cái bãi tranh. Sau cùng mình biết cậu bị bắt, và mình đoán không khéo chúng nó đã “làm thịt” cậu rồi!

– Chính tôi cũng nghĩ thế. Nhưng những người như chúng ta dễ gì chúng giết chết được! Chao ôi, quả đất thật là tròn nhỉ? Ai sắp đặt mà khéo thật. Tôi với anh lại về với nhau ở trung đoàn này. Gia đình vợ con anh hồi này thế nào?

Kinh kể vắn tắt những công việc trong gia đình cùng tình hình con cái cho Lượng nghe.

Lượng hỏi thăm:

– Còn thằng đầu lòng của anh, cái thằng hồi đi đường anh hay kể chuyện về nó ấy?

– Nó là thằng Lữ, cái thằng ấy là thứ hai. Tôi đã cho đi bộ đội và gửi nó vào một trung đoàn pháo – Kinh than thở- Vào bộ đội nhưng nó vẫn giữ thói cũ, nó vẫn chọc trời

khuấy nước ở bên đó, ông tính có ghê không?

Lượng đứng dậy với tay lên xà nhà lấy khẩu súng bảo Kinh:

– Anh ở nhà đợi tôi một lát. Tôi ra đầm kiếm một con vịt trời. Anh em mình phải ngồi với nhau hết buổi chiều hôm nay, tôi mới kể hết chuyện của tôi cho anh nghe được.

Kinh sực nhớ ra:

– Nhưng còn việc kiểm tra vũ khí, các cậu làm đến đâu rồi?

– Anh cứ yên tâm. Thời gian tôi đi với anh, anh hẳn biết tôi giữ khẩu súng như thế nào? Bộ đội ở đây đừng có lơ mơ với tôi về cái khoản đó mà được đâu.

Kinh đi quanh quẩn một vòng chung quanh cái thôn đại đội của Lượng đang đóng quân. Tất cả đều hết sức yên tĩnh trong một buổi sớm mùa hạ. Những tốp máy bay phản lực của địch đi bắn phá hậu phương chưa bay qua vùng trời trong trẻo. Ngoài bãi dâu, một con vịt đủng đỉnh dẫn lũ con vừa mới nở đi kiếm ăn, con nào cũng vàng rộm như những nắm bông nhuộm phẩm. Tiếng mấy cậu anh nuôi kháo chuyện lao xao với những người con gái ngoài bờ giếng. Dọc lối đi lát gạch ngoài cổng làng, người ta đang phơi thóc. Và ngoài xa tít nơi cuối cánh đồng lúa bỗng nổ ran một tiếng súng. Kinh nhìn ra. Chỗ có tiếng súng vừa nổ, một bóng người cởi trần chạy lom khom giữa những vạt cỏ xanh mướt cao lút đầu, khiến Kinh chợt nhớ lúc mình và Lượng luồn qua bãi tranh đang cháy.

Hôm đó chính ủy Kinh ở lại ăn cơm trưa với đại đội trinh sát và nói chuyện suốt cả buổi chiều với Lượng. Nhập nhoạng tối, Kinh mới trở về khu vực đóng quân của trung đoàn bộ. Trong bóng tối, Lượng và Kinh đi dọc con đường gạch, Lượng hỏi dò:

– Rồi chúng ta lại kéo nhau đi làm một trận nữa chứ anh?

Kinh đáp:

– Tất nhiên, chúng mình đâu phải là một trung đoàn pháo cao xạ. Chẳng lẽ nhân dân nuôi nấng những chiến sĩ bộ binh để ngồi ở đây mà ngắm lưỡi lê chơi hay sao?

o O o

Các cán bộ tiểu đội trinh sát đặt cho Khuê nhiều biệt hiệu khác nhau, vào từng thời kỳ một: “ớt chỉ thiên”, “Cây nói”, “Nhà chiến lược”… Không biết ra chiến trường lần này Khuê có “ăn nên làm nổi” không, chứ như cách sống ở hậu phương thì anh tiểu đội trưởng nhỏ nhắn có mái tóc cum cúp, đôi mắt hẹp và đen ấy, đã được mọi người trong đại đội, kể cả cán bộ trên ban Hai (Ban trinh sát sư đoàn) xác nhận anh ta vào bộ đội để làm chiến sĩ trinh sát chứ không phải để làm một việc gì khác. Hầu như suốt cả ngày lúc nào Khuê cũng vui vẻ, ăn nói lúc thì như thằng trẻ con, lúc đĩnh đạc như một người đứng tuổi, có lúc hắn ta nhận xét mọi việc như người đã tùng trải hết sự đời. Những chàng tiểu đội trưởng trinh sát đều là những tay cự phách không phải là vừa vậy mà với tuổi mười chín, mặt lại còn non hơn nữa, Khuê được các bạn đồng cấp khen cho là: ” Thằng cha Khuê ấy thật tinh đời”, “Con mắt ti hý và đen láy của nó chính là mắt chết gái”, “Việc này phải có miệng thằng cha Khuê vào mới xong”. Vừa mới về đại đội trinh sát chưa bao lâu, vậy mà Khuê đã thông tỏ hết mọi chuyện trong đơn vị như một người đã từng sống hằng năm. Mỗi lần dự cuộc hội ý buổi tối xong Khuê thường ở nán lại trên đại đội bộ chơi, cùng các cậu phụ trách tiểu đội khác hút thuốc, uống nước, cho nhau xem thư, có khi vật nhau, đuổi nhau chạy huỳnh huỵch ngoài sân như một lũ trẻ. Đại đội trưởng Lượng ban đầu thấy Khuê chơi đuổi bắt với hai đứa trẻ nhà mình đóng quân, anh tự phàn nàn: “Cán bộ thế đấy, y như một thằng con nít!”. Hôm sau anh ngồi trong nhà nghe Khuê tán chuyện với cô con gái lớn của chủ nhà ở ngoài sân, anh vội giật mình bảo: “Thằng này chẳng trẻ con chút nào đâu!”. Đến những ngày đơn vị bắt đầu diễn tập, nhiều buổi Lượng đi theo Khuê, xem cách cậu ta huấn luyện tiểu đội, anh bất giác nghĩ “Thằng này thử cho nó một đại đội, nó nắm quân đánh nhau được!”.

Một hôm Lượng hói Khuê:

– Cậu đã đánh nhau chưa?

Khuê mới châm một điếu thuốc, chậm rãi và trân trọng mới Lượng cùng hút, phả khói rồi nhìn Lượng qua đôi mắt hẹp:

– Mới sơ sơ…

– Bao giờ?

– Mùa mưa năm ngoái.

– Ở đâu?

– Bên khu Đông đường số 9.

Khuê trả lới nhát gừng vậy mà trong hồ sơ quân nhân của Khuê, Lượng giở ra xem đã thấy có hai tấm huân chương. “Những tay cấp dưới này không thể xem thường được” Lượng nghĩ. Nhận xét của Lượng hoàn toàn được xác nhận là đúng. Hôm đó, Lượng sắp cùng Nhẫn và đoàn cán bộ tham mưu của trung đoàn lên đường để chuẩn bị chiến trường, anh xuống bếp anh nuôi nhờ bác Đảo, tổ trưởng nấu ăn hớt tóc hộ. Bác Đảo quấn chiếc khăn dù quanh khuôn ngực vạm vỡ của đại đội trưởng, cầm chiếc kéo díp tanh tách, mắt lúng liếng, cái cổ ngúc ngoắc.

– Vẽ chuyện – Lượng nhìn bác thợ cắt tóc mặc chiếc bờ lu đầy nhọ nồi đang làm điệu bộ – Tôi đang sốt ruột đây!

– Gì đi nữa thì anh cũng là một người chưa có vợ, tôi phải cắt cho anh cái tóc thật đẹp!

– Chẳng có lẽ kỳ này bác cho tôi đi trưng diện với thám báo Mỹ?

– Cũng phải cho nó biết thêm một điều là bộ đội chúng ta sống rất ung dung, và những người chiến sĩ anh nuôi lão luyện ở phía bên ta chi cần một chiếc kéo cũng có thể tạo được một cái đầu tuyệt mỹ!

– Thôi đi bác Đảo, bác lại đem rế úp lên đầu tôi, tôi biết thừa!

Cắt tóc xong, khi Lượng đã sắp ra về, bác Đảo chợt hỏi:

– Anh đã biết chuyện gì về thằng Khuê chưa?

– Gì vậy?

– Buổi trưa hôm kia nó lên nằm ngủ với tôi. Tôi với “thằng nhóc” nằm chung cánh phản. Tôi thấy nó cứ trằn trọc hết vật mình sang bên này lại vật mình sang bên kia. Tôi chửi ầm lên: “Mày dửng mỡ đến thế kia ư hả thằng nhóc! Có để cho tao chợp mắt một tẹo để chiều còn nấu cơm cho mà ăn không thì bảo?”. Nó đứng dậy bỏ đi, tôi đang thò bàn chân xuống giường xỏ dép, chợt nhìn thấy một chiếc phong bì nó đánh rơi lại trên cánh phản, liền rút bức thư ra đọc. Chữ trong thư đúng chữ thằng em trai của nó đang ở nhà. Anh Lượng ạ, nhà nó bị bom chết một đứa em lên năm, bà mẹ bị thương nặng, nhà bay mất không còn một mảnh ván!

Chiều hôm đó, Lượng ra bãi tập.

Từ bên này sườn đồi đã nghe hô xung phong ran ran và ở đâu đó có tiếng reo vui vẻ của những người chiến sĩ đang hun chuột đồng. Tiểu đội của Khuê đang nghỉ. Những người chiến sĩ của Khuê đang ngồi thành vòng tròn giữa một đám ruộng vừa gặt, người nào cũng mang áo lá ngụy trang trông chả khác những khóm cây nho nhỏ mọc lên giữa đám gốc rạ cắt bằng liềm cứ bằng thiến sát mặt đất khô khốc và nứt nẻ. Khói rạ mới thơm phức bay trên cánh đồng tháng mười. Từ xa Lượng đã nghe tiếng nói mạch lạc và bình tĩnh của Khuê. Anh đang cùng tiểu đội rút kinh nghiệm sau một đợt tập.

Lượng gọi Khuê ra ngoài. Hai người đi dọc bờ ruộng có những đám lúa đang gặt dở trông nham nhở. Khuê đang đi chợt Lượng thấy anh cúi khom người xách khẩu tiểu liên lủi vào trong vạt lúa. Khuê nằm sấp xuống và một bàn tay quơ ra. Lập tức một tiếng “chít” rung lên của chú chuột đồng béo núc cổ đã bị kẹp chặt giữa hai ngón tay rất mảnh.

– Khuê này, mình sắp đi trước đây – Lượng nói.

– Sao anh định cho tôi đi trước với anh kỳ này rồi lại thôi?

– Cậu ở lại đi phép đã! – Lát lâu Lượng mới nói tiếp một cách khó nhọc – Khuê, vừa rồi cậu nhận được thư nhà phải không, nhà cậu có chuyện buồn phải không?

– Sao anh biết?

– Mình nghe bác Đảo nói…

– Chắc hẳn bác Đảo đã xem lá thư của tôi?

Khuê bóp mạnh giữa cái ức trắng muốt của con chuột đồng, và đưa những ngón tay lần bẻ từng chiếc răng bé xíu.

– Cái giống này cắn lúa khiếp lắm đấy! Một đêm, nó kéo cả đàn bâu tới có thể cắn hết một sào lúa, như người ta cắt bằng lưỡi liềm hoặc bằng hái vậy.

– Mình nghe bác Đảo nói thằng Mỹ ném bom trúng nhà cậu, nhà cậu mất một đứa em và bà cụ bị thương nặng, có đúng không?

– Đúng đấy, anh ạ!

Lượng nhìn vào bàn tay Khuê có những vết máu hoen trên các đầu ngón tay:

– Sao cậu không nói chuyện đó cho trên đại đội chúng mình biết?

– Để làm gì? – Khuê hỏi lại, nét mặt thoáng đượm một chút buồn rất khó nhận thấy và tan rất nhanh. Những ngón tay của anh càng xiết chặt lấy khoảng giữa ức của con vật khiến nó gần tắc thở.

Khuê giơ thẳng cánh tay. Lượng tưởng Khuê sắp quật chết con chuột nhưng không ngờ anh đã thả nó ra. Con vật co mình lại, rung rung những sợi râu đỏ rồi quăng mình chạy vụt đi rất êm và biến mất ở một góc ruộng.

Khuê vung tay ném nhũng chiếc răng chuột giữa vạt lúa đang cắt dở trước mặt, hỏi Lượng:

– Anh có gì cần dặn tôi nữa không?

– Không đâu, Khuê ạ.

– Vậy thì tôi lại đàng ấy cho anh em tiếp tục tập đây?

Lượng cũng không hiểu thật là rõ ràng vì cớ gì đêm hôm ấy, sau khi đã chuẩn bị ba lô, bao gạo và vũ khí đầy đủ, chỉ cần nhấc lên vai là có thể đi được, anh đã cầm đèn pin lần xuống ngủ với Khuê. Suốt dọc đường tối mò mò có những bó rạ mới cắt xếp ngổn ngang hai bên, giữa không khí ấm áp ram ráp bụi rơm khô, Lượng đặt từng bước chân trên mặt đường và chiếc đèn pin mỗi lúc lóe lên tia ánh sáng lại giống như một con mắt đang trêu chọc anh. Thường ngày anh em trong đại đội hay trêu Lượng, gán ghép anh với người chị ruột của Khuê. Chính Khuê cũng đã có lần nửa đùa nửa thật nói với Lượng chuyện ấy.

‘Tôi coi tướng của anh không phải là người dễ làm quen với bọn con gái đâu”. – Khuê nói với Lượng trong một buổi tối anh cùng các tiểu đội trưởng ngồi chơi ở đại đội bộ. Lượng đang cúi viết, cũng ngẩng lên, miệng cười ngượng nghịu như đứa trẻ: “Đúng vậy, mình khô khan mà lại nhạt nhẽo với phụ nữ thế nào ấy”. – “Anh cứ yên chí – Khuê nói tiếp – Tôi sẽ làm mối chị ruột tôi cho anh. Chị tôi ngoan, đứng đắn, về mặt hình thức thì dứt khoát là ăn đứt cô con gái lớn nhà này. Anh mà trông thấy chị tôi thì phải hạ bút phê ngay cho bốn điểm chứ tôi không nói ngoa đâu!”. Lúc bấy giờ mọi người ngồi chung quanh đều làm ồn ào, có người phấn chấn lên đã bàn lấn sang tới chuyện làm sao để hai người tìm hiểu và tổ chức lễ cưới ra sao? Chợt khi một anh trong đám cất tiếng hỏi: “Vậy cô chị của cậu Khuê bây giờ ở đâu?” thì mọi người đều cười ồ tỏ vẻ thất vọng nghe Khuê thản nhiên đáp: “Chị tôi làm cấp dưỡng trong tuyến đường Thống Nhất!”. Chao ôi; thật là “cá biển chim trời”! Cô Nết, cô chị ruột của Khuê có thể là một cô gái xinh đẹp, lại ngoan ngoãn và đứng đắn, nhưng người ta lại đang công tác ở tít tận “trong đó” thì làm sao mà gặp, mà làm quen với nhau được? Nhưng thế mà ai ngờ tình hình bây giờ lại khác! Bây giờ Lượng cùng đơn vị sắp phải đi qua con đường mòn dài dằng dặc đó.

Lượng vốn là người đàn ông khô khan và vụng hết sức. Gần ba chục tuổi, Lượng đã tùng xông pha các mặt trận nhưng anh nhớ mình chỉ được cầm tay người con gái nào đó khi hãy còn là đứa trẻ nhỏ chưa hề biết gì. Một lần khác, anh gặp một người con gái Vân Kiều gốc Kinh mà cho đến bây giờ anh hãy còn nhớ. Hồi đó, anh bị địch bắt trong chuyến đi với chính ủy Kinh. Chúng đem nhốt anh trong một xà lim bốn bề bịt kín mít, tối đến mức xòe bàn tay trước mặt cũng không nhìn thấy một cái bóng lờ mờ. Sau đêm anh tìm cách trốn được ra ngoài rừng, buổi sớm hôm đó anh đứng tựa sau một gốc cây nhìn trở lại mới biết cái xà lim đó xây bằng đá như một cái lô cốt nằm ngoài rìa một dãy phố lèo tèo nằm bọc quanh con đường số 9, gọi là thị trấn Hướng Hóa. Một ông già địa phương đã giúp anh vượt ra khỏi nhà giam đưa anh về nhà. Vừa đặt chân lên cái sàn nhà làm bằng cây bương đập giập lâu ngày đã lên bóng, Lượng đã phải hoa mắt trước vẻ đẹp của một người con gái đang ngồi bên cạnh bếp lửa. Người con gái nửa người từ ngực trở lên để trần. Lượng chỉ dám nhìn lấm lét cặp vai tròn và khuôn ngực tạc bằng đá trắng. Khuôn mặt người con gái ở rừng sao mà thanh tú nhường vậy: một bộ tóc đen như mun, dày tõe ra hai bên mép khăn, đôi mắt mỗi lúc ngước lên hay cụp xuống đều phân biệt được lòng đen. Đuôi mắt dài. Môi quả tim hơi dày và đỏ sậm. Và như để hoàn chỉnh cho vẻ đẹp ấy, hàm răng đều đặn và trắng long lanh, cái cổ rất cao hơi to xuôi xuống đôi vai trần. Từ lúc Lượng bước vào cho đến khi bước ra, anh chỉ thấy chị ngồi bên bếp im lặng không nói câu nào. Tuy vậy, Lượng vẫn có cảm tưởng chị đang nói năng, đang đi lại qua hàng mi khẽ động đậy và những cái nhìn, những cái ngước mắt dứt khoát đẹp kỳ lạ. Xiêm! Anh vẫn nhớ người con gái tên là Xiêm. Hình ảnh người đàn bà ngồi bên bếp gặp thoáng qua, đẹp trong sáng như vị nữ thần của núi rừng ấy không hiểu vì sao càng khiến cho Lượng yêu đời và muốn hoạt động. Tất cả những đòn tra tấn do bàn tay man rợ của bao nhiêu tên giặc đều trở thành vô nghĩa. Phải, Lượng chưa từng yêu một người đàn bà nào, cũng như chưa có một người đàn bà nào anh gặp tỏ ra yêu mến và chiều chuộng anh. Tình cảm, cái phần yếu mền trong tâm hồn Lượng từ thuở nào đã bị bọc kín giữa một cái vỏ gai góc cứng rắn: đó là khổ người cao lớn, là dáng đi đứng cứng nhắc, là tiếng nói và cái nhìn đầy nghiêm nghị, và cả sự suy nghĩ của Lượng cho rằng mình đi bắt quen với một người con gái, phải chiều chuộng họ thật là phiền phức và mất thì giờ. Nhưng sao lại thế nhỉ? Lúc Lượng sắp khoác ba lô đi chuẩn bị chiến rường, trong hàng loạt công việc của một người đại đội trưởng, trinh sát sắp bước vào chiến đấu, Lượng vẫn nhớ được trên con đường Trường Sơn mà mình sẽ qua, sẽ có một bếp lửa ở một trại giao liên nào đó mình phải ghé lại. Sẽ có một người con gái chưa hề biết mặt trao cho anh một nắm cơm ủ trong tàu lá chuối rừng đã được hơ mềm, và anh sẽ trao lại một câu khiến người con gái phải nắm lấy tay anh để hỏi vồ vập: “Thằng Khuê hả anh? Tôi là chị ruột nó. Anh là người bạn thân thiết cùng đơn vị với nó đấy ư?”

Lượng đến giữa lúc Khuê vẫn còn thức, đang nằm nói chuyện với một cậu nào đó ở phía trong. Ngôi nhà tiểu đội Khuê ở khá rộng, bốn bề ghép toàn bằng ván. Hai hàng giường bên kia cái bàn thờ đều để trống, trên mỗi đầu giường có những chiếc ba lô và bó chăn màn xếp gọn ghẽ.

– Khuê ơi, tớ xuống ngủ với cậu một tối đây!

Lượng bấm đèn pin soi thấy nấp sau lưng Khuê một đôi mắt lấp lánh, hết sức tinh khôn và ranh mãnh đang nhìn thẳng vào cái luồng ánh sáng từ trên tay anh.

– Tưởng anh tìm ở đâu để ngủ, chứ đi ngủ chung với thằng Khuê thì chán quá!

– Hồi cũng ngủ đây hả?

– Vâng, tôi sang nằm chơi thôi – Hồi toan ngồi dậy xỏ giày ra về nhưng Khuê đã kéo vai cậu chiến sĩ nằm xuống. Hai người nằm xích sát vách gỗ nhường nửa phần chiếu cho Lượng. Nhưng Lượng vẫn đứng, anh xách chiếc đèn trên án thư xuống, miệng hỏi:

– Các cậu có hút thuốc lá không?

Hai người vội vàng nhổm dậy. Khuê nói:

– Anh em tiểu đội tôi đi tập đêm rồi anh Lượng ạ.

– Đêm nay có tập đêm đâu? – Lượng hỏi.

– Nhưng tôi cứ cho tập, anh em người ta đang thích tập đêm. Tôi mệt quá nên phải giao cho cậu tiểu đội phó chỉ huy.

Bên ngoài có tiếng máy bay địch bay vút qua, một loạt bom nổ phía chiếc cầu ngoài đường. Lượng nói với Khuê:

– Mình đã trao đổi trong ban chi huy, sáng mai cậu có thể thu xếp để đi phép trước được.

Hồi gần như reo lên:

– Vậy thì đại đội sáng suốt quá!

Khuê đập tay lên vai Hồi:

– Thằng này ở cùng xã với tôi, kể ra còn có họ hang nữa – Khuê trao cho Lượng một bức thư để ngỏ đã viết sẵn – Anh đi trước nhớ ghé vào trạm giao liên 34, chị tôi công tác ở đó. Anh nên nhớ trong thư này tôi giới thiệu anh với chị Nết tôi đấy nhé.

Hai con mắt Hồi như hai chiếc đèn pin chiếu thẳng vào Lượng làm cho khuôn mặt Lượng cũng phải đỏ ửng.. Cái thằng chiến sĩ thật láu cá, hắn cười tủm tỉm, đưa cả hai bàn tay nắm lấy cái bàn tay run run của đại đội trưởng đang cầm bức thư mà giật giật: “Chúc thủ trưởng thành công! Chúc thủ trưởng thành công!”.

o O o

Từ ngày về trung đoàn bộ làm cần vụ cho chính ủy Kinh, Khuê lại được tất cả các mặt quen biết và chưa hề quen trong đơn vị đặt cho cái biệt hiệu mới: Thằng Khuê ” chính ủy con”!

Chính ủy Kinh và cần vụ Khuê, cả hai người đang trong thời kỳ tìm hiểu và làm quen với nhau bằng những công việc hằng ngày ở dọc đường.

Những năm dài làm công việc tuyên huấn tạo cho Kinh thói quen nghiên cứu tâm lý và những diễn biến nhiều vẻ của chiến sĩ. Một đồng chí chính ủy có tiếng là đức độ một lần nói với Kinh và các cán bộ dưới: “Chiến sĩ hằng ngày sống bên cạnh người chỉ huy chả khác nào một đứa trẻ sống bên cạnh người lớn, người lớn hay thì đứa trẻ hay, người lớn dở thì đứa trẻ cũng dở”. Điều ấy thật là đúng. Chiến sĩ cần vụ của đồng chí đó về sau là một chính trị viên dũng cảm và gương mẫu, giống người chỉ huy cũ từ cách đi đứng, cách điều khiển một buổi họp. Nhưng xét cho cùng, theo Kinh nghĩ, chiến sĩ họ đã biết cầm khẩu súng đánh giặc thì cũng không hoàn toàn chỉ biết bắt chước như một đứa trẻ. Tuổi trẻ, họ có cái nhìn của họ, cách phán xét riêng của họ. Một lần khi còn ở hậu phương, Kinh vô tình nghe lỏm được một câu chuyện của người cần vụ cũ của ông cùng các chiến sĩ thuộc tiểu đội cảnh vệ và liên lạc kháo với nhau về tính cách của từng người trong ban chỉ huy. Ban đầu Kinh hết sức giận, định đem ra phê bình ngay. Nhưng nghe câu chuyện thật là hấp dẫn. Kinh cứ phải nghe mãi. Kinh nhận thấy họ chẳng hề có ý nói xấu ai, và nghe tới đoạn họ bàn luận về mình, Kinh thấy có nhiều chuyện khiến mình phải suy nghĩ. Đêm hôm đó, Kinh gọi cậu cần vụ tới, ông cố lấy giọng thật bình thản hỏi:

– Tối qua các cậu tán chuyện về chúng mình mới khiếp chứ?

Mặt người chiến sĩ liền xám lại. Cậu ta ấp úng:

– Chúng tôi có khuyết điểm…

– Vậy thì tôi mời đồng chí tới để sửa chữa khuyết điểm ấy.

– Vâng, tôi xin tự giác nhận kỷ luật.

– Chẳng cần đến kỷ luật trong vấn đề này. Tôi chỉ muốn đồng chí hãy nói lại những điều anh em người ta nhận xét về tôi, nói kỹ hơn, và nói trước mặt tôi.

Từ lần đó Kinh nảy ra cái ao ước được nghe tất cả mọi người trong trung đoàn nói về những ưu điểm và khuyết điểm của ông, được đặt mình dưới con mắt nhận xét của mọi chiến sĩ, được thử thách trước họ. Ông tin nếu được như vậy, ông sẽ trở nên một chính ủy vô cùng sáng suốt và làm việc tốt hơn. Từ hôm đầu mới làm việc với Khuê, Kinh đã hỏi:

– Ông Khuê, ở dưới trinh sát anh em người ta thường nói về tôi ra sao?

– Làm anh lính mà đem chuyện cấp trên ra kháo là chuyện không hay ho gì đâu thủ trưởng ạ.

– Nhưng tôi còn lạ gì chiến sĩ dưới chỗ các ông. Tôi nghe nói cánh trinh sát còn lôi chuyện gì đó của đại đội trưởng ra mà diễn kịch cho nhau xem cơ mà?

– Lại thuộc về vấn đề khác thủ trưởng ạ, đó là một chuyện vui của ông Lượng. Còn đối với thủ trưởng trên này thì tôi không nghe thấy gì hết cả.

– Như vậy tức là mình chưa có một quan hệ thật chặt chẽ với anh em. Thường thường có sát với nhau thì ưu khuyết điểm mới lộ ra được.

– Tôi chi nghe anh em bàn tán vu vơ rằng, chính ủy trung đoàn là một người xuề xòa và “gia đình chủ nghĩa”!

– Ừ, sao nữa?

– Chi huy đánh nhau dũng cảm, có thế thôi.

– Còn ông thì tôi nghe khá nhiều – Kinh nói.

– Báo cáo thủ trưởng, người ta nói về tôi như thế nào ạ?

– Chẳng có gì xấu đâu. Người ta bảo ông là người tháo vát tinh tường và quen biết nhiều anh em ở các đơn vị.

– Tôi có quen biết nhiều nhưng tôi vẫn còn non nớt lắm. Tôi đề nghị được thủ trưởng giúp đỡ.

– Tất nhiên. Tôi sẽ coi ông như thằng con trai thứ hai của tôi, nó cũng ở bộ đội, cũng trạc tuổi ông. Nhưng ông thấy tôi có điều gì vừa mắt hoặc chưa vừa mắt, cứ nói thẳng. Tôi không “trù” ai đâu. Tôi trọng dụng ông hoặc tôi gạch tên ông ra khỏi hàng ngũ những người thân của tôi, việc đó tùy ông. Tôi nghe nói ông đã tùng chiến đấu rồi phải không?

– Vâng.

– Trước mặt thằng Mỹ ông có tỏ ra là một chiến sĩ Việt Nam anh hùng không?

Khuê đỏ mặt, suýt nữa anh bật cười vì chưa quen cách nói năng của chính ủy Kinh mỗi lúc cao hứng. Nét mặt Kinh vẫn nghiêm nghị:

– Ngày nay cả thế giới đang phục dân tộc ta anh hùng, có thể đánh thắng Mỹ, vậy lẽ nào ông và tôi, chúng ta đứng trên con đường này lại tự nhận mình là hai thằng hèn nhát hay sao?

Chính Khuê cũng bị kính thích bới những lới rất thẳng thắn, cũng như cách xưng hô ấy. Khuê đáp:

– Thú trưởng hãy tin ở tôi.

Kinh tỏ ra hài lòng:

– Vậy tôi coi ông như một người thân của tôi từ giờ phút này.

Khuê tò mò hỏi:

– Thủ trưởng có những ai là người thân?

– Những người mà tôi tin. Khi bước vào giáp mặt với thằng Mỹ, tôi tin sẽ không phải gạch tên một người nào trong số những người thân của tôi. Ông Khuê, ông hiểu chứ?

Rõ ràng cái mà Kinh đã bước đầu chiếm được sụ kính trọng và cảm tình của Khuê, tay tiểu đội trưởng trinh sát đầy nghị lực và sắc sảo này, chưa phải đã là tài năng chỉ huy và lãnh đạo bộ đội, mà đó mới chỉ là tấm lòng chân thành cách mạng và tình yêu thương bộ đội của một người chính ủy. Có một lần khi giao nhiệm vụ cho Khuê, Kinh nói rằng trên đường hành quân, ông phải tập trung thì giờ làm hai việc: Động viên tinh thần bộ đội lúc nào cũng sẵn sàng khí thế đánh giặc, và lo đôi chân, cái bụng cho thật tốt.

Về việc ăn uống của bộ đội trong hành quân, khẩu hiệu của Kinh đề ra tưởng rất dễ thực hiện: Làm sao cho bộ đội được ăn hai bữa cơm nóng và một bữa cơm nguội. Không thể nói hết giá trị một bữa cơm nóng dọn ra khói bốc nghi ngút trước mặt những người lính sau một chặng hành quân mưa dầm ướt át. Niềm phấn khởi của bộ đội là ở đó, sức vóc bộ đội ở đó, bệnh kiết ly và bệnh sốt rét được phòng ngừa cũng ở đó. Nhưng việc nấu ăn có biết bao nhiêu là khó khăn vì bộ đội đi gấp quá! Kinh đã tìm hết cách tổ chức những cán bộ hậu cần và cấp dưỡng ở các tiểu đoàn lại, ông đích thân đi liên hệ với các trạm giao liên. Hôm nào cũng vậy những người lính đến nơi trú quân, vừa kịp đặt ba lô xuống đã thấy chính ủy của mình mặc quần “soóc”, gậy đi đường gác ngang trên đùi, đang cười nói ầm ĩ trong gian nhà của trưởng trạm giao liên. Mọi người rất lấy làm ngạc nhiên, vừa thấy ông đứng với mình ở một quãng nào đó, lại hội ý hội báo với cán bộ, la cà tán chuyện với lính suốt dọc đường lại còn bao nhiêu việc khác vậy mà làm sao ông đã “bay” tới ngồi ở đây được?

Tất cả mọi trưởng trạm mà Kinh gặp đều nhăn nhó:

– Thủ trưởng hiểu cho, đường hồi này đông quá, chúng tôi có mười tay mới hòng xoay xở nổi việc ăn uống cho bộ đội được thật chu đáo.

Kinh cười ha hả:

– Tôi biết nỗi khó khăn của các đồng chí. Nỗi khó khăn ấy mới thật đáng phấn khởi chứ! Tôi chúc con đường của các đồng chí cứ đông nghìn nghịt như một ngày hội. Ba bốn năm trước, tôi đi qua đây còn được ngồi ăn chung mâm cơm với các đồng chí cơ mà. Đồng chí chắc không còn nhớ vì khách khứa bây giờ đông quá phải ra ở bãi, mà mấy cái bãi khách của các đồng chí cũng không đủ đề chứa khách đi đường nữa rồi. Phải không, chúng mình đáng phải mừng rỡ mới đúng chứ?

Những nếp nhăn trên khuôn mặt những người trưởng trạm bớt dần. Ai nấy đều thấy phấn chấn về nhiệm vụ nặng nề và vinh quang của mình. Kinh không biết hút thuốc lá nhưng trong chiếc túi vải hoa bao giờ cũng có một vài bao. Ông liền xé một bao thuốc khoát tay mời mọc mọi người không phân biệt nhân viên trạm hay là ai: “Thuốc lá hậu phương đây, các ông hút đi để ăn mừng con đường của chúng ta nào”. Thế rồi trong làn khói thuốc đã làm mờ cả gian phòng, Kinh bắt đầu đem ra kể những mẩu chuyện về tinh thần bộ đội của mình. Ông ngâm những bài thơ tự mình sáng tác ra, ca tụng tinh thần bộ đội và những người chiến sĩ giao liên âm thầm phục vụ bộ đội ở trong rừng sâu. Trong khi đó, ở ngoài sân, anh nuôi trung đoàn 5 gồng gánh kéo nhau tới như đã được ngầm hẹn trước. Sau buổi trò chuyện của Kinh, cả trạm giao liên như bừng tỉnh dậy vào công việc nấu nướng.

Thường thường trong những buổi gặp mặt như vậy, Khuê ngồi bên cạnh Kinh. Anh im lặng để xem xét. Đến một chặng, Khuê nói với Kinh:

– Lần này thủ trưởng để cho tôi nói chuyện với họ.

Kinh cười cười:

– Ừ, được. Tôi thử ngồi nghe ông “thuyết khách” xem ra sao?

Trưởng trạm lần ấy là một người đã đứng tuổi, bị thương, một bên má hóp vào như quả bầu khô, vẻ mặt rất cứng cỏi. Sau vài câu trao đổi, vẫn những khó khăn như các trạm trước. Khuê biết trưởng trạm không phải là người thiếu trách nhiệm nhưng anh cũng nói thẳng thừng:

– Yêu cầu cho bộ đội ăn cơm nóng là yêu cầu do chính bên các đồng chí binh trạm đã đề ra, và chúng tôi chỉ là những người được phổ biến.

– Nhưng chúng tôi đã chất vấn bên tham mưu. Chính cơ quan tham mưu binh trạm cũng không ngờ bộ đội đi dồn dập quá, vượt hết các chặng đã quy định.

– Thế sự khắc phục cao nhất theo yêu cầu của Đảng của đồng chí ở đâu? Bộ Tư lệnh Mặt trận yêu cầu chúng tôi đến mặt trận sớm hơn thì sao? Tôi hỏi như thế. Nay mai ví dụ chúng tôi chỉ có hai người mà gặp địch đông gấp bội thì sao?

– Mặt cậu còn non choẹt mà làm gì cứ như “búa bổ” vậy?

Một bên má bị thương của trạm trưởng chợt rựng lên những chấm đỏ như những hạt máu đang chảy ở phía sau. Anh đã tỏ ra hết sức tức giận nhưng Khuê nào có hề nao núng, cũng không hề bớt găng đi một chút nào.

Khuê đứng dậy:

– Mặt tôi còn non không đáng cho đồng chí nói chuyện ư?

– Cứ ngồi xuống – Trưởng trạm đấu dịu – Hay là các đồng chí có thể cho bộ đội nghỉ tạm ăn cơm nắm, tôi sẽ nấu thức ăn thật nóng.

– Không được, đồng chí ạ. Bộ đội vừa ăn cơm nắm tối hôm qua. Nếu khó khăn, tôi sẽ đưa cấp dưỡng của đơn vị chúng tôi ra bãi khách tự nấu lấy. Đồng chí hãy phát gạo và thực phẩm cho chúng tôi. Nếu bếp bãi khách không đảm bảo để lộ khói lửa thì phần trạm phải chịu trách nhiệm. Tôi nói vậy có được không?

Người trưởng trạm chống hai ngón tay lên má. Anh bỗng đứng dậy:

– Thôi được, tôi sẽ xuống bắc thêm một cái bếp nữa tự tay nấu cơm nóng cho các đồng chí, các đồng chí ra bãi cho bộ đội nghỉ đi.

Hai người bắt tay và cảm ơn đồng chí trưởng trạm. Lúc. ra về, Kinh nói với Khuê đang khoác tiểu liên đi một bên:

– Đồng chí trưởng trạm đó chính là một đồng chí tốt, Khuê ạ.

– Tôi cứ trông con mắt tất cả mọi người ở trạm tôi biết. Người nào mắt cũng đỏ khè, khóe mắt đầy dử. Thức đêm nhiều đấy mà. Ông trưởng trạm cũng vậy, giá cho ông ta ngủ, tôi đoán ông ta có thể ngáy ngay giữa lúc nói chuyện được. Họ mệt quá rồi cho nên tôi phải làm găng, thủ trưởng ạ?

Kinh đáp:

– Làm như ông cũng là một cách.

– Cách ấy thủ trưởng thấy sao?

– Ông là một chiến sĩ trẻ tuổi nói chuyện thẳng thắn, tôi biết – Kinh nói nhỏ và chậm rãi – Nhưng chúng mình nên nghĩ rằng các đồng chí giao liên đều là những người chiến sĩ cách mạng, họ cũng vất vả. Chúng ta đi đường cũng cần phải biết luôn luôn động viên các đồng chí đó. Tôi so sánh ví dụ tinh thần của họ như một cái bếp không bao giờ được tắt lửa. Chúng ta, hàng ngàn con người đi qua đây đều ghé vào hơ bàn tay và ăn một bữa cơm nóng. Trong khi ngồi bên bếp, người nào cũng nên đặt vào một thanh củi chứ, phải không?

Yêu thích: 3 / 5 từ (2 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN