Dấu Chân Người Lính - Phần II: Chiến Dịch Bao Vây - Chương 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
259


Dấu Chân Người Lính


Phần II: Chiến Dịch Bao Vây - Chương 3


Tất cả mọi người lính đều có những chuyện riêng của mình, giữa khung cảnh mặt trận người ta vẫn sống với nó, có khi âm thầm như những dòng nước chảy dưới cỏ, nhưng có khi thật là mãnh liệt.

Đến sau này Lượng vẫn còn ngượng, một người cứng cỏi như Lượng mà vẫn không khỏi hết sức ngượng mỗi khi anh chợt nhớ tới hôm nào trên chặng đường hành quân qua trạm giao liên 34, anh đã nói với Nhẫn xin phép tạt vào đó giữa những ngày đoàn đang đi với tốc độ hành quân mỗi ngày đêm vượt bạ trạm. Anh nói với Nhẫn mình cần gặp người nhà của một cậu chiến sĩ trong đại đội để đưa một bức thư. Nhẫn nghe anh báo cáo như vậy liền quay cổ tay nhìn vào mặt chiếc đồng hồ dạ quang rất to: “Cậu cần đi bao lâu?”. Lượng nói anh chỉ cần một tiếng là đủ. Anh tưởng có đôi mắt hết sức lạnh lẽo và nghiêm khắc của Nhẫn đang nhìn theo mình từ sau lưng với một câu chế giễu: “Tôi đã biết tỏng anh đi đâu rồi!”.

Lượng tìm vào một trạm giao liên nằm cách đường trục một cánh bãi toàn là những mạch đá vôi đã rữa, từ đó có thể nghe tiếng nhiều con suối nhỏ chảy tràn ra khắp mặt đất. Vừa đặt chân lên một vỉa đá trắng toát, anh nhìn con đường ướt át và lấy làm ngại ngùng. Anh càng không hiểu sao mình lại trở nên một con người lẩn thẩn từ trước tới giờ không hề làm như thế. Anh đã toan quay trở lại nhưng đôi chân vững chãi lại vẫn bước, nhảy từ hòn đá này sang hòn đá khác giữa dòng nước còn lờ mờ tối. Lúc ấy vào khoảng bốn giờ sáng. Trời bỗng mưa như trút nước xuống. Lượng khoác chúi nòng tiểu liên AK, chiếc báng súng nhô lên sau vai trùm kín trong lần vải nhựa nước mưa nổ lộp bộp. Lượng đứng chôn chân hồi lâu trước một cái khuôn cửa bếp, cánh cửa lợp cỏ may chỉ khép hờ, những giọt nước từ trên mái đổ xuống lạnh buốt rơi bắn tung tóe dưới cổ áo quân phục. Chao ôi, Lượng ngó vào bên trong thấy mới ấm cúng làm sao? Một ngăn bếp có những ống thoát khói làm bằng thân cây hóp chôn ngầm dưới đất dẫn thẳng ra chỗ Lượng đang đứng, khiến cho Lượng cứ nghĩ đến đôi giày vải cao cổ của mình đang bén lửa. Những đống cơm nắm cao lù lù và trắng phau chất đầy trên những cánh phản gỗ cũng đang bốc khói nghi ngút làm mờ các khuôn mặt ngồi chung quanh. Năm sáu cô con gái, có cô to lớn và béo tròn, có cô sốt rét cổ cứ ngẳng ra như cổ cò hương đang ngồi vắt cơm và không ngớt xuýt xoa nhìn hai bàn tay đỏ như vừa bị bỏng. Người ta toàn con gái ngồi riêng với nhau như thế này mà nói chuyện cứ gục vào nhau cười phá lên thì chỉ có chuyện dính líu đến anh con trai, Lượng chưa hề bao giờ được nghe lỏm những mẫu chuyện táo bạo đến trắng trợn nhường ấy anh phát hoảng đã định rút lui nhẹ nhàng thì tự dưng bên trong một người đã đứng dậy bước ra cửa.

– Đồng chí muốn hỏi việc gì? – Người con gái (thoạt nhìn thì có vẻ khá xinh) bèn lên tiếng hỏi, mục đích để cho các chị em bên trong biết có người mà giữ mồm giữ miệng.

– Đồng chí có phải đồng chí Nết không? – Lượng cất tiếng lí nhí và ngắm đôi má đỏ rựng vì lửa, qua những sợi nước mưa óng ánh rỏ xuống từ vành mũ sắt.

– Tên tôi không phải là Nết. Đồng chí cần gặp chị Nết có việc gì vậy?

– Tôi muốn đưa một bức thư của người em ruột cô ấy.

– Đồng chí Nết chuyển sang bên trạm 34B từ lâu rồi. Nghe nói kỳ này trên binh trạm cho chị ấy đi học y tá hay y sĩ gì đó, người ta sắp từ biệt nồi niêu bếp núc để được ra ngoài ấy với các anh rồi! Nhưng mà trạm 34B cũng ở gần đây thôi đồng chí cứ để thư lại đây rồi chúng tôi chuyển sang bên 34B hoặc tới trường y tá có được không?

– “Thôi” – Lượng thốt lên một tiếng cộc lốc rồi xốc súng quay lưng đi. “Ông nào đến thăm con Nết vậy?”, “Người ta trông mã thế nào hả mày?”, “Sao không giữ anh ta lại khảo xem anh ta là ai mới được chứ?”. Những tiếng con gái hăm hở ríu rít đuổi theo Lượng ra sát ngoài bãi đá vôi, như một toán quân đang hè nhau đuổi sát sau lưng.

– Xong việc chưa, Lượng? – Nhẫn đứng giữa đường hỏi, khi trông thấy Lượng quay trở về, trông nét mặt thật là âm thầm và hơi có vẻ ngượng ngập.

– Xong rồi. Ta đi thôi anh!

Lá thư của Khuê vẫn còn nằm cồm cộm trên túi ngực nhưng Lượng đã hoàn toàn quên lãng câu chuyện vừa qua. Đến 34B, đoàn nghỉ lại một đêm nhưng Lượng cũng không nghĩ tới cái việc làm mất thì giờ và có phần nào lẩn thẩn ấy nữa. Anh rời cái trạm khách ấy không hề nấn ná nửa bước với một ý nghĩ dứt khoát: mình là anh bộ đội đang đi ra mặt trận, nay sống mai chết biết thế nào, và Lượng hoàn toàn cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng như con chim vừa được cởi cánh ra khỏi sợi dây trói bằng sợi chỉ ngũ sắc.

o O o

Qua 34B năm trạm là kho tiền phương. Đây là thuộc phạm vi chiến trường. Hôm đó đoàn chuẩn bị chiến trường của Lượng đang đi trên một chiếc cầu mây bắc qua cơn suối lũ nước dâng đỏ ngầu. Bên kia suối từ một con đường mòn sâu hun hút vẳng đưa ra tiếng chó sủa và tiếng dao chẻ củi chan chát. Hai bên con đường mòn chạy dọc theo bờ suối lũ, rừng hoa mai đang nở trắng xóa. Bông hoa mai chỉ nhỏ bằng chiếc khuy áo, cánh hoa đã lìa cành trút mình xuống mặt đất như những cánh bướm không một tiếng động.

– Đẹp quá, hoa gì nở trắng rừng trắng suối đi thế này hở các cậu? – Một cậu trong đoàn của Lượng, cao lớn, mặt cứ ngẩn ngơ, đang đi trên chiếc cầu mây lắc lư bỗng kêu lên một tiếng rồi khoác súng đứng tại chỗ.

– Hoa mai đấy, “thằng ngỗng” ạ! Có đi lên không thì bảo?

– Vậy thì tết sắp đến rồi còn gì hở các cậu?

– Tết, “đứt đuôi con nòng nọc” đi rồi chứ lỵ!

Những người lính ra đi từ những miền hậu phương mùa xuân chỉ có hoa đào nở trước ngõ, tất cả mọi người đều hết sức bỡ ngỡ ngắm không chán cái màu trắng mộc mạc rừng hoa mùa xuân miền Tây ở chiến trường. Chợt dưới mé suối xuất hiện một đoàn người mang gùi đang lùi lũi bước trên những phiến đá trơn nhẫy, đá lởm chởm kết thành một dãy chắn ngang khúc suối hẹp, ở chỗ đó tiếng nước réo ồ ồ, bọt tung trắng xóa. Lòng những người lính đang vui vẻ chợt se lại. “Đồng bào đấy!”, một anh bộ đội nào đó kêu lên. Đoàn người đi dưới suối không đông lắm: Một ông già rách rưới ngậm chiếc tẩu thuốc, gương mặt tạc nhiều nếp dăn tối sầm. Một người đàn bà hai bầu vú thõng xuống và lép kẹp, địu đứa con sau lưng bằng một manh áo quân phục đã bẩn, hai ống tay áo quàng trên chiếc cổ ngẳng ra của người mẹ, một cái đầu xám ngoét sần sùi như củ nâu rúc trong chiếc cổ áo quân phục. Hai cô gái e lệ. Một con chó gầy. Lon ton đằng sau ba bốn em bé, một đứa cởi trần, hai đứa khác cũng mặc những chiếc áo bộ đội có cầu vai. Tiếng ho khúc khắc của đứa trẻ trên lưng người mẹ. Tất cả bằng chừng ấy cặp mắt ngước lên nhìn chòng chọc về phía những người lính.

– Đồng bào đi đâu vậy?- Chính trung đoàn trưởng Nhẫn lên tiếng hỏi trước.

– Chúng tôi đi lĩnh gạo.

– Bản cách đây có xa không?

– Đi mười lăm ngày.

– Bản còn đâu nữa mà hỏi?

Mấy đứa trẻ giơ những bàn tay nhỏ xíu lên vẫy vẫy, con mắt đen ngây thơ nhìn nghé nghiêng. Ông già bỗng rút chiếc tẩu thuốc không cầm tay, ngửng phắt lên, hai con mắt vàng vàng đỏ đỏ long lanh như mắt hổ:

– Bộ đội cụ Hồ này, cả một bản chúng nó giết còn bằng từng này người!

– “Bộ đội về giết hết chúng nó đi! – Người đàn bà địu con kêu như hóa ngộ – Bộ đội về giết hết những thằng Mỹ đóng đồn đi! “.

Con đường mòn bên kia suối liền hút lấy các đoàn bộ đội và đồng bào đi qua đây. Mưa rơi xiên chéo, những hạt nước to nổi bong bóng trên mặt suối. Chẳng mấy chốc mây đen đã đùn lên, những cánh hoa mai trắng rợn khảm vào làn hơi nước. Tiếng ve kêu trong rừng hoa nghe như đã gần đứt giọng.

– Đồng bào ta ở vùng du kích nam đường 9 ra phải không? Nhẫn trao cho ông già một dúm thuốc lá, hỏi.

– Phải – ông già cào mười đầu ngón tay sần sùi và cáu đen lên dúm thuốc rồi nhét cả vào cái nõ điếu bằng đất nung, nói tiếng phổ thông bằng một giọng đơn đớt nhưng rất thạo – Chúng tôi cứ hằng tháng đi lấy gạo của bộ đội về ăn, cũng không ai muốn lấy đâu. Năm ngoái, chúng tôi phải ra Bãi Hà tận ngoài miền Bắc lấy gạo về ăn kia. Mùa màng con thú trên trời phá hết sạch rồi!

– Chúng nó thả chất độc hóa học ư cụ?

– Ác lắm! Cái thứ bột trắng của thằng Hoa Kỳ còn ác hơn con thú. Nó ác một cái là chúng nó chờ lúa trên nương sắp đỏ lá rồi mới đem tàu bay đến phá. Con người thì nó

giết, cái mầm hạt thóc giống chúng nó cũng muốn giết!

– Đồng bào trong khu du kích có súng không?

– Có, có một ít.

– Không bắn nó à?

– Có chứ. Không bắn nó thì nó đã càn vào giết sạch như năm sáu sáu rồi – ông lão khoát tay chỉ những người đàn bản lầm lỳ đang nối nhau đi bên – Anh bộ đội ạ, du kích cả đấy! Người nào cũng thù thằng Mỹ cả đấy!

Hai cô gái Vân Kiều trong đoàn lúc nào cũng nhìn những người lính bằng cái nhìn lấm lét, cặp mắt nhỏ màu khói, khuôn ngực che kín bởi hai cánh tay rám nâu để trần cứ rét run lên nom rất thương hại.

Trận mưa xoáy tròn trên mái lán dãy nhà kho. Các đoàn người đi từ ngoài con suối vào đều ướt hết. Mấy anh bộ đội xổ áo mưa ny lông che cho các em bé. Bùn sục tới bắp chân khắp nơi xung quanh kho. Dưới chân lèn đá có khói. Một anh bộ đội đang bổ củi chan chát vội vàng đứng bật dậy:

– Vào đây đồng bào vào đây. Cả các đồng chí bộ đội nữa. Trong này có chỗ trú! – Mấy anh bộ đội ôm các em bé trong vạt áo mưa chạy vào. Anh bộ đội kho da vàng bủng quăng con dao chạy vào trong vòm đá, anh ta bưng ra hai tay hai chiếc chậu nhôm quân dụng đựng cơm độn ngô và bí ngô xào mỡ: “Ăn đi các cháu! ” Một anh chàng mồm mép và vui tính nhất trong đoàn của Lượng cầm chiếc thìa ấn vào tay một em bé tóc rễ tre chổng ngược tất cả lên như một cái bàn chải: “Đừng việc gì mà “khái” quá cháu ạ! Đây, các chú bộ đội toàn người của các cháu cả. Hồi còn bé, chú có bao giờ thèm đụng một hạt cơm của nhà đâu, chú toàn đi ăn chực. Hàng xóm đều biết tính chú, nhà ai khua đũa bát chú cũng vào!”

Dưới một vòm hang chất đầy những bao bện bằng rơm. Mùi cá khô xông lên tanh nồng mũi, mấy anh trinh sát không biết của đơn vị nào đang ghếch chân đứng phì phèo hút thuốc bàn tán:

– Đứng về mặt hình thức mà xét con gái Vân Kiều nói chung là xấu!

– Đâu chả có người đẹp người xấu.

– Ở đây người ta sống khổ quá, bì đâu được như đồng bào vùng cao ngoài mình.

– Thế mà vẫn có người đẹp không tưởng tượng được.

– Cô áo đen, búi tóc cao đứng kia chứ gì?

– Đâu?

– Cô ta đang đi lấy phiếu xuất kho trước cửa cái nhà hầm kia kìa.

Anh bộ đội kho cầm dao chẻ toác một thanh củi ruột trắng nõn như lụa, tay làm miệng nói:

– Người ta có chồng rồi đấy. Không khéo rồi nay mai các cậu được chạm trán chồng cô ấy chưa biết chừng!

– Lính ngụy à?

– Biệt kích lưu động.

– Hoài của, sao không nán lại mà lấy bộ đội “Việt cộng” chính cống.

Lượng cùng hai chiến sĩ đội mưa tiến đến trước một ngôi nhà cỏn con cuối dãy kho, mái nhà lợp nứa non, một hàng gióng tre theo kiểu gióng chuồng trâu vùng Thượng đánh đai lấy ngôi nhà. Bộ đội bao gạo vắt vai đứng lẫn với nhân dân thành hàng dọc bên những hàng gióng tre nhoáng nước mưa. Đã lâu Lượng lại mới ngửi thấy mùi thuốc lá Vân Kiều nặng đến nỗi ngày xưa chỉ đi qua một người đang hút anh cũng phải phát sặc. Ngay từ lúc Lượng vừa bước xuống cái bậc cửa ghép ván, anh đã bắt gặp một khuôn mặt như đã gặp ở đâu rồi?. “Chào khách, chào khách!”. “Con vẹt ở đây chứ ở đâu anh Lượng ơi! ” – Cậu chiến sĩ đứng sau lưng Lượng đưa tay chỉ một con vẹt đang rúc chiếc mỏ đỏ sặc sỡ vào bên cánh nửa vàng nửa xanh, đậu ngay bên chiếc bàn của anh bộ đội mặc áo trấn thủ phụ trách xuất kho, chiếc bàn ngập giấy tờ sổ sách và con vẹt đậu ở đó, ngay từ lúc mới tới Lượng cứ bảo rằng nó đậu ở trên một cành cây nào cao lắm.

Bên trong nhà hầm, bóng tối mờ mờ. Chỉ trông thấy một nửa mái tóc búi cao (búi tóc thật là to) và cái lưng áo đen của người đàn bà, màu áo đen bạc phếch bó sát vào mình. Tiếng anh bộ đội ngồi trước bàn hỏi:

– Sao chị không lấy gạo?

– Anh cứ cho thóc.

– Chị mang thóc sẽ nặng hơn đấy, đường lại xa?

– Được em mang được!

Nửa tiếng sau, đoàn của Lượng đã đóng đầy gạo vào các bao tượng và lĩnh mỗi người năm hộp thịt. Lượng bèn chạy sục đi khắp nơi. Chỗ nào có bà con Vân Kiều trú mưa Lượng đều tìm vào hỏi thăm: “Bản Chây có ai ở đây không?”.

Lượng nói vui với Nhẫn:

– Vùng Bản Chây phía nam đường 9 tôi có biết một ông già rất tốt. Ngày xưa ông cụ nuôi tôi ở ngoài rừng mãi.

– Cậu đã gặp ông cụ ấy ở đây phải không?

– Không. Con dâu ông ta có đi lĩnh gạo ở đây mà lúc nãy tôi quên mất, nom cứ ngờ ngợ. Cậu bộ đội làm cấp dưỡng vừa nói tên, tôi mới sực nhớ ra.

Đoạn đường từ ngoài suối vào kho không còn là con đường mòn ban nãy nữa: Nước mưa tràn ngập chảy xiết như một dòng suối nhỏ. Trên cao đóa hoa mai chết rũ trên cành khẳng khiu đen màu bồ hóng, đầy những đốt. Những đoàn chiến sĩ từ trong kho kéo ra, ba lô nặng trên lưng, cười nói vui vẻ đi vượt lên từng tốp đồng bào cõng gùi đi nhẩn nha bên đường. Nước đã dâng ngập dãy đá xếp chắn ngang suối Lượng gặp bà con Bản Chây vừa trong kho ra ở chân cầu mây. Anh dừng trước mặt người con gái mặc áo đen dẫn đầu. Từ trung đoàn trưởng Nhẫn đến tất cả những người lính dang đi bên cạnh đều phải ngửng lên nhìn, trầm trồ trước vẻ đẹp khỏe mạnh hết sức rực rỡ của người con gái đang đứng nói chuyện với Lượng. Nhưng sao khuôn mặt loáng ướt nước mưa, với cặp mắt đen hình quả trám có gì thật là buồn thảm? Sợi mây đeo gùi tỳ một vệt trước vầng trán trắng xanh như men sứ, dẻ tóc rối bị nước mưa dính bết sát đường lông mày.

Lượng hỏi:

– Chị có phải con dâu ông cụ Phang không?

– Phải – Chị ngước lên nhìn Lượng, bàn tay vén mấy sợi tóc ướt

– Chị tên là Xiêm có phải không?

– Phải – Xiêm vẫn nhìn Lượng không hề tỏ vẻ ngạc nhiên chút nào.

– Chị còn nhớ không, ngày xưa tôi có đến nhà cùng ông cụ, hồi tôi bị địch bắt.

– Nhớ chứ, chỉ không nhớ tên anh thôi!

Lượng thấy chị không đẹp như lần trước anh thoạt trông thấy ngồi bên bếp lửa năm nào, nhưng thực hơn. Anh thấy hai bàn tay của chị rất to, có lẽ to và rắn chả kém gì bàn tay của anh.

– Ông cụ còn khỏe không, chị?

– Ông cụ tôi vẫn khỏe, như trước thôi!

Chị nói bằng giọng chậm chạp, như gieo xuống từng tiếng, như một người đang học nói. Lượng được biết cái nhà rất đẹp của ông cụ Phang ngày xưa, địch đã đốt mất rồi! Cả bản Chây bây giờ đã sơ tán tận trên núi đá. Lượng để ý thấy chiếc gùi đan bằng giang đã lên nước đen bóng khoác sau lưng Xiêm đựng đầy thóc, liền hỏi:

– Chị lấy thóc về lại phải mất công giã, sao tiện, cứ lĩnh gạo về mà ăn có hơn không?

– Tôi lấy thóc về để còn tra nương. Chúng nó thả thuốc độc trắng, mùa xuân chẳng còn hạt thóc làm giống nữa đâu!

Lượng vốc một dúm thóc trên lòng bàn tay:

– Thóc này là thóc ruộng, trồng ở đồng bằng, đem tra nương có lên không?

– Được. Hạt thóc nào vùi xuống đất rồi cũng nảy mầm được!

Mãi trước lúc từ biệt Xiêm, Lượng mới hỏi thăm tin tức chồng chị, người con trai của cụ Phang. Nhưng chị không trả lời, cũng không quay đi, cứ nhìn vào mặt Lượng như một người đàn bà câm.

o O o

Đoàn chuẩn bị chiến trường đi rất gấp rút. Lượng cũng không có thì giờ nghĩ tới người thiếu phụ Vân Kiều và hoàn cảnh gia đình của cụ Phang, người ân nhân cũ của mình nữa. Lượng cùng trung đoàn trưởng Nhẫn đặt chân tới động Phu Nhôi, một khu rừng nam đường 9 vào cuối tháng mười một âm lịch. Đoàn chia thành hai bộ phận riêng biệt: bộ phận cán bộ do Nhẫn trực tiếp phụ trách bao gồm các tiểu đoàn trưởng, một số cán bộ tham mưu và hậu cần. Bộ phận thứ hai do Lượng nắm, tất cả đều là chiến sĩ trinh sát trong đại đội của Lượng được phái đi trước, gồm mười lăm người chia làm ba toán, mỗi toán đều trang bị điện đài 2 oát có thể liên lạc với nhau trong phạm vi bán kính hoạt động mười hoặc mười lăm cây số, mật mã tín hiệu đều do sư đoàn quy định trước từ hậu phương. Công việc đầu tiên của Lượng là tìm đường lên hướng Bắc và đặt các đài quan sát. Những toán tiềm nhập đều có nhiệm vụ theo các mục tiêu cấp trên giao cho trung đoàn.

Lượng trở lại vùng rừng miền Tây Quảng Trị lần này vào giữa tháng mưa to nhất, không khí bao giờ cũng lạnh xuống đến mười độ. Núi dốc đứng không có chỗ đặt ba lô. Rừng đại ngàn xung quanh Khe Sanh từ lâu hầu như không hề có chút dấu tích một con đường nhỏ, một dấu chân người trước đó đã đặt tới, dường như từ thời khai thiên lập địa ở đây chỉ có một thứ hoạt động duy nhất là lá cây rụng xuống gốc. Sự yên tĩnh thăm thẳm khiến cho Lượng càng phải đề cao cảnh giác. Anh tổ chức khu vực trú quân hết sức bí mật. Mỗi khi phái một toán trinh sát ra ngoài anh đều theo dõi chặt chẽ. Theo những đồng chí quân báo của Bộ Tư lệnh chiến dịch thông báo cho biết, khu vực từ bờ sông Xê Pôn vào tới động Phu Nhôi, động Cô Ác, Cơ Plang, Co Pát đều nằm trong vòng hoạt động của bọn thám báo Mỹ ở Khe Sanh. Về phía bắc đường 9, chúng còn hoạt động ra sát tận bờ nam sông Bến Hải. Thám báo Mỹ thường quấn khăn mặt lên đầu, nom xa như thường dân, hoặc cải trang thành chiến sĩ Giải Phóng, thằng nào cũng đeo khẩu tiểu liên AK. Chúng từ trong các vị trí Khe Sanh được phái ra hoặc máy bay trực thăng từ trên trời thả xuống từng đại đội, chúng chia thành từng toán đi sục sạo rất rộng, liên lạc với nhau bằng máy vô tuyến điện, dăm hôm hoặc một tuần lễ lại quay trở về chỗ tập kết, đã có máy bay trực thăng tới đón. Kỷ luật bí mật của bọn lính này rất nghiêm, chúng lại là những tên đã được huấn luyện về chiến tranh du kích, nhưng sau bước đi của chúng, những người lính trinh sát của ta cũng có thể tìm thấy dấu vết của một đội quân viễn chinh: một mẩu tàn thuốc vương trong gốc cỏ tranh, vài lốt giày cao su để lại lờ mờ trên lớp lá rụng, một cái giấy gói kẹo hoặc một cái hố con con lấp sơ sài đã lâu còn thoảng mùi phân người.

Hàng chục toán thám báo biệt kích thường xuyên hoạt động ráo riết chung quanh các khu rùng già miền Tây Bắc tỉnh Quảng Trị này chả khác nào một hàng phòng tuyến thủy lôi thả ngầm dưới đáy biển. Tất cả đều nhằm bảo vệ cho một chiếc tàu chiến đang neo đậu một chỗ. Hãng USIS của Mỹ đã bình luận: “Tầm quan trọng chiến lược của tiền đồn Khe Sanh được coi như một chiếc mỏ neo phía tây tuyến phòng thủ về hướng Bắc của Mỹ”. Chiếc tầu chiến Hoa Kỳ đang thả neo giữa rừng này chở trong lòng nó một lúc sáu ngàn lính thủy đánh bộ mặc áo cổ da và đội mũ có gắn hình mỏ neo bằng bạc. Đó là con số Mỹ đóng ở Khe Sanh trước khi những người lính trinh sát quân Giải Phóng xuất hiện. Có lúc con số ấy đã tăng lên tới bốn vạn rưỡi tên, kể cả Mỹ và ngụy, kể cả những tên làm nhiệm vụ đóng chốt và những tên làm nhiệm vụ ứng cứu từ xa đến gần. Rõ ràng con mắt của Giônxơn – Mắc Namara ở tận bên Mỹ, và con mắt tướng Oétmôlen ngồi ở Sài Gòn luôn luôn chú ý theo dõi chiếc tàu chiến đang thả neo ở đây. Đứng vững cuối tuyến phòng thủ bằng điện tử đường số 9, lính thủy đánh bộ đang làm một nhiệm vụ chiến lược quan trọng được coi như một vấn đề sinh tử của nước Mỹ. Theo chúng phỏng đoán, vùng rừng núi bao la ở đây chả khác nào một cái rây đã để cho các sư đoàn chủ lực miền Bắc lọt vào miền Nam. Và nếu theo quan niệm của những tên cầm đầu nước Mỹ, biên giới Hoa Kỳ bắt đầu từ bờ nam sông Bến Hải thì rõ ràng tập đoàn cứ điểm Khe Sanh đúng là chiếc tàu chiến bọc thép đang giữ nhiệm vụ bảo vệ cho miền biên giới “tổ quốc thiêng liêng của nước Mỹ ở phía bên kia địa cầu(!)

Khe Sanh là một thung lũng ngang dọc mỗi bề khoảng chừng mười cây số. Với tầm quan trọng như thế Bộ chỉ huy viễn chinh Mỹ đã thiết lập một hệ thống phòng ngự vững chắc bao gồm cứ điểm Tà Cơn, chi khu quân sự Hướng Hóa và cứ điểm Làng Vây mới thiết lập trên các điểm cao 656, 658, v.v… Những người lính trinh sát của ta nhìn xuống lòng chảo Khe Sanh thấy ngổn ngang những công sự, trận địa pháo, rađa, xe cơ giới, máy bay và những con thú – người Mỹ đi lại. Xa hơn về phía Bắc, căn cứ Tà Cơn loang lổ đất đỏ chạy dài khoảng hai cây số và rộng một cây số, Tà Cơn san sát lô cốt, đường hào, kho tàng, máy rađa với nhiều hệ thống công trình phòng ngự dày đặc như mạng nhện. Quân chiếm đóng gồm năm tiểu đoàn lính đánh bộ Mỹ, một số đơn vị quân ngụy, cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng, công binh, trinh sát, thám báo,… Giữa căn cứ là đường băng sân bay lát bằng kim loại chạy dài hơn một cây số từ bắc xuống nam. Phía Tây Nam cứ điểm Tà Cơn bề thế khoảng tám cây số là trại lực lượng đặc biệt Làng Vây, như một cái chốt sơn đỏ ngoài cửa ngõ trung tâm phòng ngự, có một nghìn tên đóng giữ. Đông Làng Vây, dọc theo đường 9 là thị trấn Hướng Hóa có ba đại đội ngụy binh do Mỹ chỉ huy. Đó là khu vực hành chính và chỉ huy chi khu quân sự với nóc nhà thờ, nhà mái tôn, những bức tường phố xá, các hàng rào dây thép gai mắc chằng chịt chung quanh khu vực lính chiếm đóng. Tất cả ba cứ điểm nằm trong một hệ thống phòng ngự yểm trợ lẫn nhau hình tam giác, là khu vực rắn nhất của tuyến đường 9 cắt đôi nước Việt Nam và nước Lào. Đó cũng là chiếc tàu chiến chở một canh bạc và một lời thách thức của tướng Oétmôlen.

Vào cuối tháng mười một âm lịch, khi đại bộ phận bộ đội đang trên đường chuyển quân thì chung quanh tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, nhất là ở phía nam, xen giữa các toán thám báo biệt kích của địch đã có nhiều toán trinh sát cùng các đoàn cán bộ nghiên cứu chiến trường của ta len lỏi nắm tình hình địch. Hai bên cũng đã có vài lần đụng nhau hoặc phải chạm súng chung quanh Khe Sanh. Cán bộ và chiến sĩ phía bên ta được lệnh không được để lộ ý đồ mở chiến dịch, đã thủ tiêu mọi dấu vết cuộc sống của mình. Công việc giữ bí mật thật là hết sức gian khổ. Riêng đoàn cán bộ trung đoàn 5, Nhẫn quy định đồ đạc mang theo của tất cả mọi người, từ trung đoàn trưởng đến liên lạc, ngoài vũ khí mỗi người chỉ có một mảnh vải bạt và một cái ruột tượng đựng cơm nắm quấn quanh bụng. Tất cả phải bỏ hết giày dép, qua gai góc và bãi tranh đều phải đi chân đất lồng bít tất. Lúc qua suối không được đạp lên đá. Phân phải chôn rất sâu ăn cơm không được để vãi một hạt. Cấm hút thuốc, cấm nói to, cấm lộ lửa. Ngủ xong phải dẹm cỏ lại như cũ hoặc lăn tròn một vạt giống y hệt dấu voi.

Chỉ có trong vòng không đầy một tháng, gần ba chục người ngồi bên nhau cũng không ngửi thấy mùi mồ hôi xông lên nữa. Da người nào cũng khô và tái mét, nom ai nấy đều gầy rộc đi, những đầu xương nhô ra, những chỗ ngày trước là bắp thịt bây giờ đã rắn teo lại. Gần ba chục người trong đoàn trung đoàn 5 chỉ có một mình Lượng là vẫn còn khỏe như cũ, không hề bị gầy sút đi chút nào. Suốt gần một tháng, các chiến sĩ trinh sát đều phải lắc đầu khâm phục Lượng, người nào cũng thích được đi với anh nhưng người nào cũng phải chuẩn bị tinh thần thực đầy đủ mới có thể theo kịp. Lượng hết sức xông xáo nhưng cũng khôn ngoan rất mực. Anh ăn khỏe, bụi gai xó rừng chỗ nào cũng lăn vào ngủ được. Lượng có thể nhịn ăn một vài ngày, chỉ uống một thứ nước đục ngầu đọng trong các dấu chân voi. Anh luồn giữa bãi dây thép gai và các công sự địch như thằn lằn, con mắt chỉ liếc qua đã xác định được phía trước có địch hay không. Anh phát hiện thám báo bằng cách đánh hơi thấy từ xa mùi mồ hôi và mùi thuốc lá của chúng. Ngay sau hai ngày đặt chân tới động Phu Nhôi, Lượng đùm bốn nắm cơm trong một cái bao gạo thắt chặt quanh bụng, trực tiếp đi theo một toán trinh sát của mình lên phía Bắc. Anh đã tìm được đường và đặt xong một cái đài quan sát cơ bản cho trung đoàn.

Mỏm Cô An, điểm cao ghi trong bản đồ bằng ký hiệu 656 ấp đầy mây trắng. Cô An có dáng hiên ngang đường bệ vượt lên trên các mỏm nhấp nhô chung quanh. Đó là nơi bọn thám báo đã qua lại nhiều lần và còn để lại nhiều dấu tích: một cái bếp, vài ba hố cá nhân kiểu phòng ngự, những mẩu ét xăng khô, một tấm ảnh đàn bà khỏa thân bị xé nát… Từ sườn Cô An, chỗ Lượng vừa đặt đài quan sát nhìn xuống Khe Sanh như nhìn xuống lòng bàn tay, có thể trông thấy từng tốp lính Mỹ mặc áo trắng đi lại trên mặt đất trống trải, và có thể quan sát thấy bọn địch đang đào thêm công sự hoặc sửa chữa hàng rào dây thép gai.

Hôm đó, Lượng dẫn trung đoàn trưởng Nhẫn lách qua một bãi gai um tùm để leo lên đài quan sát. Lượng ôm trước ngực chiếc ống nhòm vỏ da hãy còn mới nguyên. Lúc hai người còn đi ở dưới chân mỏm Cô An, Lượng đã quay lại nói đùa với Nhẫn:

– Tôi tìm được cho anh một chỗ đứng xem xiếc thích lắm.

– Xiếc gì vậy?

– Xiếc khỉ.

– Xiếc khỉ đột hử?

– Chốc nữa anh đứng xem bọn khi đột Mỹ làm trò trong ấy, trông vui mắt vô kể.

Nhẫn có vẻ bề ngoài trông thanh lịch như một chàng sinh viên. Tiếng nói chậm rãi và nhỏ nhẹ, anh ít khi cười nhưng nét mặt bao giờ cũng nhẹ nhõm, mỗi lúc có điều không vừa ý hay phải suy nghĩ một điều gì, dấu vết để người ta dễ nhận thấy là thái độ im lặng, nét mặt không hề thay đổi, chỉ có hàng râu xanh lờ mờ trên khuôn mặt xương xương hơi sậm đen lại. Tương phản với vẻ bề ngoài dịu dàng, Nhẫn là một người chỉ huy quân sự nghiêm khắc hơi quá mức. Nhẫn không quen nói đùa đâu! Giá như ở trường hợp khác, một cán bộ tiểu đoàn hoặc một trợ lý tham mưu nào đó thốt lên một câu đùa như Lượng vừa nói ban nãy, không khéo Nhẫn đã nín lặng, hoặc cau mày lại, và có thể anh sẽ thốt lên: “Cậu đã nói tếu rồi đấy!” hoặc: “Không khéo cậu chủ quan đấy!”. Nhưng riêng đối với Lượng, Nhẫn bao giờ cũng có cách đối xử đặc biệt. Không những Nhẫn không tỏ thái độ nghiêm khắc mà còn hưởng ứng câu đùa của Lượng. Bởi vì Nhẫn biết tính tình cậu đại đội trưởng trinh sát của mình chẳng mấy khi đùa cợt, và Nhẫn biết rõ khả năng cùng tác phong ủy mị cẩn thận của Lượng.

Nhẫn là một người chỉ huy trung đoàn biết coi trọng công tác tham mưu, ngay trong những ngày huấn luyện bộ đội bao giờ Nhẫn cũng chú ý tìm cho mình những người đại đội trưởng trinh sát và thông tin vừa ý, “những tay có thể giúp việc cho mình trong chiến đấu được” do chính anh tự lựa chọn lấy.

“Hắn lầm lì như một tảng đá, vậy mà thỉnh thoảng cũng biết nói đùa. Cái gì đang làm cho thằng cha Lượng dạo này có vẻ hào hứng vậy?”. Nhẫn quay lại định hỏi Lượng một câu gì đó nhưng với bản tính ít nói vốn có, anh lại im lặng.

Hai người đã lên tới nơi, chỗ đó có một cái hầm kín đáo mới đào bên một gốc cây làm chòi quan sát. Một tốp chiến sĩ trinh sát đang ngồi quanh chiếc máy vô tuyến điện, người nào lông mày cũng bạc trắng. Sương rủ lòng thòng dải dưới chân núi. Qua làn sương mù đang tan, con đường số 9 dần dần hiện ra, nằm vắt ngang một dãy đồi không cao lắm. Nhẫn dùng ống nhòm quan sát chung toàn cảnh thung lũng. Anh đã có một ý niệm chung về cách bố trí khá chặt chẽ của địch từ ngoài vào trong. Nhẫn nhận xét thấy địch đang tăng cường bố phòng.

– Đêm nay Nôen phải không? – Nhẫn trao chiếc ống nhòm có tiêu cự rất lớn cho Lượng, hỏi mấy cậu chiến sĩ trinh sát.

– Đêm nay Nôen – Lượng đáp – Anh định thế nào?

– Cậu cho chuẩn bị cơm nắm đi. Mỗi người tám nắm. Bốn rưỡi chiều xuất phát – Nhẫn chỉ thị – Nội đêm nay phải vượt đường sang tới rừng cà phê phía ngoài hàng rào. Cậu bảo nắm cơm cho cả mình.

Lượng hỏi:

– Anh đi một chuyến với chúng tôi có tiện không?

– Sao không tiện?

Mới sáu giờ tối, Nhẫn, Lượng và bốn chiến sĩ trinh sát chia làm hai toán đã tiếp cận tới bên một cái bờ khe dốc đứng, dây leo mọc um tùm. Từ bờ khe vào tới đầu phía đông thị trấn Khe Sanh chỉ ước khoảng bảy tám trăm thước. Nhẫn quan sát địa hình chung quanh bằng mắt thường và tính toán trên thực địa. “Hình cái khe uốn theo hình vai cày. Nếu địch từ bên trong bắn cỡ súng máy từ đại liên trở lên, bộ đội tập kết trong khu rừng lau tiến ra có thể bị lướt sườn Nhất định hỏa lực cầu vồng của địch đã “can” sẵn theo sườn dốc – Nếu cho anh em chạy thật nhanh thì từ bờ khe vào đến đầu thị trấn, một đại đội vận động hết mấy phút?”. Lúc Nhẫn nhổm dậy lần từng bước theo sau cái bóng to lớn của Lượng, con mắt anh đủ thu được hết mọi khía cạnh quân sự của địa hình, và trong óc Nhẫn đã chứa thêm nhiều nhận định và câu hỏi khác. Lượng cúi lom khom tiến từng bước, con mắt nhìn dán về phía địch. Hầu như Lượng không có thì giờ nghĩ hay cảm xúc một điều gì khi chợt nhớ lại lần nào anh cũng đã vượt qua cái bờ khe này để tìm cách trốn thoát khỏi thị trấn Khe Sanh. Anh đang tập trung tư tưởng điều khiển cả hai tổ sắp vượt qua thị trấn. “Từ bờ khe muốn qua bên phía bắc đường 9 chỉ có một lối vượt qua khu vực phía đông thị trấn. Ông Nhẫn chọn đêm Nôen hôm nay thật khôn ngoan!”. Lượng nheo mắt ngắm chùm ánh điện xanh đỏ hắt ra từ cửa sổ ngôi nhà gác ở cuối phố. Bên trong khung cửa sổ có nhiều bóng người ăn mặc sang trọng. Tiếng kèn hát vẳng ra. Hai toán trinh sát lợi dụng hàng cây bên đường để tiến theo lối sâu đo. Toán đi trước áp dụng kỹ thuật đi đêm vòng qua lọt một cái trạm gác rồi nằm cảnh giới cho Nhẫn vượt qua phía sau lưng hắn. Từ trong bót gác chiếu xuống lòng đường và những vạt cỏ hai bên một thứ ánh sáng xanh lét.

Trong phút chốc những dãy nhà dân trong phố nuốt lấy bóng các trinh sát viên.

12 giờ đêm.

Tiếng chuông nhà thờ Tin lành dưới phố khua gióng giả. Nhẫn và các trinh sát viên tiến sát đến trước một dãy hàng rào bùng nhùng nằm giữa những hàng cây cà phê. Mọi người quan sát thấy phía sau dãy hàng rào rải sơ sài có một đoạn chiến hào mới đào, đất còn mới.

– Chiến hào bỏ không anh Nhẫn ạ! – Lượng bò sát bên Nhẫn thì thào.

– Có lẽ chỗ này là vị trí phục kích ban đêm của chúng nó?

– Tôi cũng đoán vậy, nhưng tôi đã quan sát kỹ thấy hào bỏ trống.

– Cho nên phải sục sạo kỹ – Nhẫn nói khẽ – Chúng nó láu cá có thể bỏ trống công sự mà ra phục bên ngoài chăng?

Lượng cho sục sạo bên ngoài một lần nữa nhưng không có gì. Nhẫn hạ lệnh tiếp tục tiến.

Nửa giờ sau thì đến chân hàng rào Tà Cơn.

Tà Cơn hiện ra trước mặt mọi người như một con thú khổng lồ đang gầm thét: Tiếng nhiều máy phát điện nổ cùng một lúc. Tiếng máy rađa. Tiếng máy bay khởi động trên đường băng. Ánh sáng điện từ dưới mặt đất chiếu hắt lên nền trời tùng cụm một. Đèn điện sáng từng dãy trên sân bay.

Một giọt sương rơi sau gáy Nhẫn lạnh như một mũi kim chính vào da thịt. Nhẫn thấy nhạt miệng và nuốt nước miếng để quên cơn thèm thuốc lá. Trong lòng Nhẫn chợt rung lên một cảm giác sung sướng lẫn lo lắng của một người cầm quân đầy tự tin đang đứng trước trách nhiệm. Trên bầu trời phía Nam một chiếc máy bay cánh quạt bay thấp, từ dưới đôi cánh vuông tối đen lướt đi từ từ chốc chốc lại vãi ra một chùm pháo sáng màu vãi tung tóe như những chùm pháo hoa, anh mỉm cười: “Đêm nay chúng mày ăn tết đây!”.

o O o

Từ sau đêm tiềm nhập đầy thuận lợi ấy, Nhẫn cùng toán trinh sát của Lượng vẫn bám bên dãy hàng rào. Các chiến sĩ gác mấy cành cây trên một chỏm cây rất cao, từ đó ban ngày Nhẫn dùng ống nhòm quan sát vào trung tâm. Ban đêm anh cùng Lượng chui vào tận trong hàng rào cuối cùng. Sau gần một tháng lặn lội chung quanh Tà Cơn và khắp thung lũng, Nhẫn đã vẽ xong sơ đồ phía nam và vị trí, một phần cơ thể của con vật khổng lồ đã được Nhẫn xem xét và giải phẫu. Trong những ngày làm việc với Nhẫn, Lượng tỏ ra một tay đại đội trưởng trinh sát xông xáo và thính nhạy nhưng đôi lúc chính Lượng cũng phải sốt ruột vì cách làm việc tỷ mỉ, đầy tính toán của trung đoàn trưởng.

Một hôm, sau vài đợt đi trinh sát, Nhẫn tỏ ý muốn gặp nói chuyện với một vài người dân địa phương thông thuộc địa hình vùng chiến trường. Lượng nghe Nhẫn nói vậy liền sực nhớ đến ông cụ Phang, người có công giúp anh thoát khỏi nhà tù thị trấn Khe Sanh ba năm về trước.

Đã lâu Lượng vẫn còn nhớ hình dáng ông già ấy. Ông lão là một người có thân hình cao lớn quá khổ. Ông lão cao lớn sừng sững, đầu, cổ, vai đều lực lưỡng. Chân đi vòng kiềng, hai ngón chân cái tõe giao nhau. Lúc ông cụ khoác chiếc áo dạ, xách khẩu súng kíp đi giữa rừng, cái lưng hơi gù gù, ai cứng bóng vía trông thấy cũng phải sửng sốt. Sau ba năm lần này Lượng lại tìm đến nhà. Anh đến đây sau hơn một tháng kể từ hôm gặp Xiêm ở kho C. Lượng đi qua bản Chây, cái bản cũ anh đã từng tới. Đúng như Xiêm nói, cái bản đẹp đẽ ngày xưa không còn nữa. Lượng đứng trước một cái sàn nhà chỉ còn mấy cây cột rất to đứng trơ trụi, một cái nhà cháy dở đổ giụi xuống đất, những con sóc nâu mõm nhọn hoắt rung rung những sợi râu chạy đi kiếm ăn chung quanh cái khuôn bếp bằng gỗ nằm úp sấp dưới đất. Bây giờ bà con bản Chây đã sơ tán đi nơi khác. Họ lên dựng lán ở tận một mỏm núi đá xa tít, cây cối rậm rạp. Từ mỏm Cô An nơi Lượng đặt đài quan sát trông sang dãy núi ấy chỉ thấy một vệt cây xanh um, suốt ngày mù cứ trắng chẳng bao giờ tan.

Bây giờ cụ Phang cùng con dâu ở trong một túp nhà sàn bằng nứa. Túp nhà hẹp và tối, đứng tựa lắt lẻo vào vách núi đá. Chiếc cầu thang buộc bằng mây sơ sài. Hai hàng cột chống sàn mảnh khảnh, mặt sàn chỉ cao hơn mặt đất nửa tầm người. Tất cả vẻ đơn sơ chứng tỏ ông cụ chủ nhà (một người già quen chăm sóc nhà cửa rất cẩn thận) bây giờ đã chán với cái thú vui chăm sóc nơi ăn chốn ở. Lượng trèo lên những bậc đá, ngước mắt ngắm túp nhà có vẻ xuềnh xoàng và tạm bợ, anh bỗng chạnh thương hại ông cụ. Suốt cả một đời ông già để hết tâm sức và gây dựng cho đứa con trai duy nhất thành người thì thằng con trai đã bỏ đi theo giặc. Vậy ông già còn thiết gì nhà cửa?

Tuy mang nỗi thất vọng đau đớn vì đứa con nhưng hình như tấm lòng của ông lão vẫn nguyên vẹn. Ông lão rất yêu các loài súc vật Cũng hồi xưa ở dưới bản Chây, bây giờ trong túp nhà sơ tán chật hẹp, ông lão vẫn giữ thói quen thích nuôi các loài thú vật trong nhà. Đó là những con vật kỳ lạ: Hai con cu ly lông xám. Một chú chồn bay lông vằn mặt gần giống như mặt mèo, giữa bốn chấn có một vài cái màng da khi xòe ra như đôi cánh khiến con vật có thể bay được. Dưới sàn, một ổ gấu chó bốn con chưa mở mắt tuy mắt còn nhắm tít mà chúng đã tham ăn cả bốn con cứ gục đầu vào một cái máng bương chứa sữa ngựa đặt bên cầu thang, con này nhảy lên lưng con kia và một con hỗn nhất đã nhảy vào nhằm giữa cái máng sữa.

Lượng tới giữa lúc ông cụ Phang đi vắng. Chỉ có một mình Xiêm ngồi bên bếp, đang nhặt những hạt thóc vàng mẩy để riêng trong một cái đấu đan bằng giang. Thấy Lượng bước lên cầu thang, Xiêm nhận ra ngay, trong ánh mắt ngước lên nhìn có cái gì ngơ ngác và hình như thoáng mừng rỡ. Cái bếp lạnh và tối khiến Lượng lúng túng. Chị nhen lửa. So với hôm gặp ở kho C, trông Xiêm trẻ và đẹp hơn, như ba năm trước Lượng đã thấy. Nhưng sao chị đón tiếp Lượng lạnh nhạt vậy, khác với hôm chị gặp anh ở kho C. Chị nhen lửa rồi lại tiếp tục cúi xuống nhặt thóc, dáng lặng lẽ đến kỳ lạ, khuôn mặt đẹp vẫn phảng phất một cái gì bí ẩn của người đàn bà ở rừng.

– Ông cụ đi đâu hả chị Xiêm? – Lượng hỏi phá tan bầu không khí im lặng.

– Bố tôi đi nương, sắp về rồi!

Lượng nói tiếp:

– Chị Xiêm ạ, ban nãy tôi có đi qua bản Chây…

– Nó cháy rồi!

– Cái nhà của ông cụ ngày xưa đẹp thế. Thật tiếc!

– Tôi chẳng tiếc cái nhà đẹp đâu.

– Chị nói sao?

– Nó cháy đi tôi chẳng tiếc đâu…

Tiếng bước chân trên cầu thang nặng nề khiến cả cái sàn nhà thấp phải lay động. Ông cụ đã về. Ngôi nhà sàn quá thấp khiến ông cụ đứng chạm đến mái. Ông lão bước tới nắm lấy cành tay Lượng, cặp mắt già hấp háy nhìn tận mặt Lượng, thái độ mừng rỡ đến luống cuống:

– Hôm trước tôi nghe con Xiêm đi lĩnh gạo về nói chuyện nó gặp anh. Tôi không tin anh lại trở lại vùng này đâu – ông lão cúi xuống túm lấy gáy con gấu con tham ăn và ôm con vật trong cánh tay – Tôi vừa đi tỉa lúa ngoài nương về. Chao ôi, đâu đâu cũng bỏ hết làng bản nương rẫy mà đi hết. Người Vân Kiều cực khổ vì thằng Mỹ quá lắm rồi! Chúng dồn người vào các ấp rồi phát gạo phát súng. Ai không chịu theo nó thì đã chạy tản mát về khắp các ngọn núi, các khe suối. Nhưng rách rưới lắm, đói khát lắm! Người Vân Kiều chỉ còn cái bụng trung thành với Cụ Hồ, không quên đâu, cho nên được trông thấy các anh, ai cũng mừng.

– Nhưng người ta có tò mò bàn tán về công việc của anh em bộ đội không? – Lượng dò hỏi.

– Người ta thấy bộ đội về thì mừng lắm. Biết cả đấy.

– Bà con biết thế nào ạ?

– Người ta bảo nhỏ với nhau bộ đội về đánh cái đồn thằng Mỹ, giải phóng cho nhân dân. Người ta bảo nay mai ai nấy lại trở về bản cũ, nương cũ, lại dựng lại nhà, lại trồng lúa mà ăn. Đấy, anh xem – ông cụ xòe hai bàn tay – Tôi báo bà con, mùa rẫy này hãy chịu khó ăn ngô, ăn củ mài, hãy ra kho bộ đội lĩnh một ít thóc về làm giống, tỉa một ít làm giống. Rồi nay mai làng bản được giải phóng thì bà con đã có hạt giống lúa mà trỉa, nương rẫy không còn bỏ hoang nữa.

Ông cụ ép Lượng uống rượu. Nể lới ông già, anh chỉ nhấm nháp vài giọt, nhắm với những miếng thịt nai sấy đen như thục rồi bắt vào câu chuyện của mình. Khi nghe Lượng ngỏ ý kiến muốn nhờ mình giúp đỡ bộ đội, ông cụ nhìn anh hồi lâu, uống cạn chén rượu rồi hỏi:

– Các anh vẫn còn tin người già này ư?

– Một người như cụ sao chúng tôi không tin?

– Anh có biết tôi là người như thế nào mà các anh dám tin?

– Cụ là người của cách mạng. Tôi không quên ơn…

– Tôi là bố thằng con trai đi theo Mỹ. Anh biết chưa? Anh đã nói cho đồng chí chỉ huy của anh biết chưa?

– Chúng tôi biết thằng Kiếm đã đăng lính Mỹ chứ không phải không biết đâu.

– Vậy các anh không sợ bố nó dẫn các anh đem nộp cho Mỹ ư?

Cuộc nói chuyện giữa Lượng và ông cụ Phang vừa mở đầu đã có vẻ gay go. Ông lão mỉa mai dằn vặt mình bằng những câu hỏi khiến Lượng cũng phải sốt ruột và thấy hết sức vô lý. Sao ông lão bây giờ trở nên lẩn thẩn vậy? Ông lão thích nói vậy hay chính đang nghĩ như vậy? Có cái gì vừa sụp đổ trong tinh thần ông lão già kiên nghị mà Lượng hằng kính trọng và chịu ơn?

Ông cụ Phang lại dốc rượu trong vò ra. Chưa cạn hết chén này đã rót chén khác. Cặp mắt ông lão trở nên dữ dội, đỏ như hai hòn than đang cháy trên khuôn mặt bừng bừng một vẻ phẫn nộ.

Chỉ có Xiêm mới có thể hiểu được cái trạng thái tâm lý của ông già lúc bấy giờ. Trước đây, đã lâu, hồi Xiêm và ông cụ còn ở ngôi nhà to dưới bản Chây, ngày nào Xiêm ra ngoài rừng hái nấm, hái măng bương cũng gặp thoáng bóng ông cụ trên các nẻo Xiêm hay đi qua. Ông cụ đi đâu vậy? Chẳng lẽ ông cụ đi săn con thú nào chăng? Đang phân vân ngạc nhiên trước chuyện đó thì một bận, Xiêm mới chợt vỡ lẽ. Hôm ấy, Xiêm vừa tháo cái gùi khỏi vai, đang định lội xuống suối rửa mặt thì bỗng nghe một tiếng động của bước chân đi rất khẽ sau lưng. Xiêm ngoảnh lại trông thấy thằng Kiếm đứng lù lù giữa một bãi lau bên bờ suối. Phấn lau trắng dính đầy trên khuôn mặt lờ đờ dầy hốc tối. Thằng Kiếm tiến về phía Xiêm, con mắt nghiêng ngó hai bên. Xiêm phát hoảng sắp bỏ chạy thì thằng chồng đã lên tiếng: “Đứng lại! ” Xiêm sợ hãi, hai bàn chân cứ luýnh quýnh. Hắn nói gì nhỉ? Xiêm nghe hắn hẹn với Xiêm những câu này: “Tao sẽ đón mày sang Huội San. Hãy thu xếp đi với tao tối nay. Nhưng mà hãy nhớ lấy: Mày báo cho bố biết thì tao sẽ giết mày!” Hắn vội vàng bỏ đi như đang bị bóng ma đuổi. Hắn vừa đi khuất, Xiêm chưa kịp định thần lại để có thể nhớ rành rọt hình ảnh thằng chồng vừa gặp thì đã thấy ông cụ Phang hiện ra sau một đám cây đầy gai góc. Ông già chẳng nói chẳng rằng, khẩu súng săn cầm lăm lăm trong tay, ông già vụt chạy qua đám cây gai trước mặt Xiêm rồi xông thẳng vào giữa các bãi lau cao ngập đầu. Ông cụ tìm thấy dấu giày xéo lên bùn của tên lính ngụy và cứ thế lần theo dấu vết chân đuổi theo mãi. Cuộc săn đuổi giữa hai người thật đáng sợ! Và Xiêm chợt hiểu ra: Lâu nay thằng Kiếm không dám về nhà nhưng nó vẫn thường mò về các lối Xiêm hay đi qua để rình cơ hội gặp chị. Xiêm không biết nhưng ông cụ biết. Ông cụ luôn luôn theo sát thằng con trai.

Đêm hôm ấy Xiêm không dám ngủ trong nhà. Thằng Kiếm trở về tìm không thấy vợ, chỉ thấy bố đang ngủ bên cửa sổ. Hắn đến ngồi hồi lâu bên cạnh. Trời sáng trăng muộn. Hai bố con nhìn nhau. Một người nằm, một người ngồi. Một người thức, một người vờ ngủ. Ông cụ Phang bất ngờ nhổm dậy đưa tay túm lấy cổ nó nhưng thằng Kiếm vùng chạy thoát được, để lại trên tay ông cụ một cải cổ áo lính biệt kích màu rêu đá. Ông cụ Phang nâng khẩu súng trên tay rồi hạ xuống. Người cha quỳ giữa khuôn cửa sổ nhìn theo cái lưng của thằng con trai cứ nhấp nhô ẩn hiện rồi đột ngột dừng lại bên một cây cột chống sàn ngoài sân thượng. Hắn đã tụt xuống đất và chạy thoát. Lần đó, ông cụ không dám nổ súng. Về sau ông cụ nghe tin hắn cùng bọn biệt kích đi dồn dân và phá nhiều bản dọc hai bờ sông Xê Pôn. Bàn tay hắn đã tùng đốt nhà giết người rồi. Tội ác ấy cần phải được xử! Bao nhiêu bận, Xiêm như trông thấy cái ý nghĩ hết sức quyết liệt của người cha hiện giữa những bữa rượu uống một mình, trong hai con mắt đỏ như mắt hổ của ông cụ Phang, Xiêm đã biết tính ông già bố chồng mình: Khi đã quyết định điều gì thì làm thôi!

Bấy giờ Xiêm chỉ mong cho ông cụ đừng nói ra, đừng nói ra cái điều đó! Bới vì Xiêm biết lúc này, trước mặt Lượng, ông cụ có thể nói ra cái ý nghĩ đã tính toán và nung nấu trong lòng bấy lâu, như nói ra một lời nguyền vậy.

Làm sao Lượng có thể biết ông lão đang nghĩ gì về đứa con?

– Sáng ngày mai cụ đi công tác với chúng tôi được chưa? – Lượng hỏi.

– Đi tận đâu?

– Về chỗ đồng chí chỉ huy của chúng tôi ở hiện nay.

– Đi ngay bây giờ cũng được. Nhưng liệu tôi có thể giúp các anh làm được gì?

– Cụ thông thuộc hết vùng này. Chúng tôi đang cần cụ giúp đỡ nhiều lắm – Lượng thấy cần giải thích và động viên cho ông già yên tâm. Anh nói tiếp – Còn thằng Kiếm, cụ không nên quan tâm đến. Nó là lính biệt kích, nếu nó không ở bên Huội San thì ở Làng Vây thôi. Nhất định bọn Mỹ không đưa nó đi đâu xa. Sau này biết đâu chúng tôi sẽ chẳng có dịp gặp nó? Nó có trọng tội nhưng chúng tôi có thể khoan hồng được!

Lượng không ngờ chính câu động viên của anh lại khơi dậy một ngọn lửa đang chờ dịp bùng cháy. Ông lão liền đáp:

– Anh thương hại tôi hả? Tôi không cần đâu! Tôi là người trồng cây, một cái cây bị mối thì phải hạ nó xuống. Tôi không chờ các anh về giải phóng để khoan hồng cho thằng con trai của tôi đâu. Trước sau tôi cũng phải…

– Bố, bố say rồi! – Xiêm ngồi bên bếp lửa, nói sẽ.

– Cả mày nữa. Mày cũng không phải làm con dâu tao nữa. Mày cứ việc đi kiếm chồng khác…

Lượng nói xen vào:

– Cụ nói vậy là sai chính sách Mặt trận rồi. Thằng Kiếm vẫn còn sống…

– Tôi sẽ giết nó! Tôi đã quyết định rồi. Tôi vẫn để dành cho nó một viên đạn trong khẩu súng săn của tôi kia!

– Bố!

Từ bên ngọn lửa đã sắp tàn. Xiêm kêu lên một tiếng đau đớn. Sau đó cả hai cha con đều im lặng. Ông lão ngồi trầm ngâm rất lâu, chẳng nói chẳng rằng, hai con mắt bốc hơi men nhìn như đóng đinh vào cái khoảng ánh sáng nhờ nhờ ngoài khung cửa sổ, từ đó mù trắng bay là là cuộn lên từng đám thốc cả vào nhà.

Trời tối hẳn. ông lão đứng dậy như người vừa chợt tỉnh một cơn mê. Ông lão quẹt lửa châm ngọn đèn dầu trám rồi bảo con dâu bằng giọng khàn khàn, mệt mỏi:

Mày thu xếp chỗ cho anh bộ đội Lượng đi nghỉ con!

Yêu thích: 5 / 5 từ (1 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN