Đau Thương Đến Chết - Quyển 2 - Chương 47: Trái tim tan vỡ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
132


Đau Thương Đến Chết


Quyển 2 - Chương 47: Trái tim tan vỡ


Công ty khai thác các chế phẩm sinh học “Trầm Luân” đặt tại nơi sầm uất thực ra chỉ là một cửa hàng nhỏ, trong các quầy tủ bày làm phép một số thuốc bổ. Đậu Hoán Chi mở cửa, rảo bước vào rồi đóng ngay cửa lại. Sau quầy hàng còn có một cửa nhỏ, lão mở khóa bước vào, rồi cũng đóng lại luôn.

Lão bật đèn lên. Đây là một phòng thí nghiệm rộng rãi và rất sạch sẽ, đặt các thiết bị tiên tiến của nước ngoài, máy ly tâm siêu tốc, máy đo sắc phổ chất lỏng, máy phân tích men đa chức năng, máy tổng hợp DNA… đều là thiết bị mới nhất trong mấy năm gần đây.

Lão mở két sắt lấy ra chiếc máy tính xách tay, đọc các ghi chép mấy hôm vừa rồi, chợt cảm thấy gai lạnh.

Một cảm giác mà nhiều năm qua không thấy có.

Tay run run mở tủ lạnh lão lấy ra một ống nghiệm nho nhỏ.

Trong đó là máu.

Cách đây không lâu, lão đã cải trang thành y tá trong viện lén đến lấy mẫu máu của Tư Dao lúc đang hôn mê.

Tư Dao là vật thí nghiệm. Đây là một phần trong toàn bộ kế hoạch của lão. Cho đến giờ, kế hoạch đang thực hiện rất suôn sẻ.

Năm xưa thế giới này đã không chứa ta, thì nay ta trở lại làm chúa tể cái thế giới này.

Bản thân lão cũng không nhớ rõ mình có cảm giác ngông cuồng cao ngạo từ khi nào, cảm giác này không ngừng củng cố lòng tin của lão; mọi hành vi của mình tuy điên rồ thật nhưng vẫn rất hợp tình hợp lý.

Người chị thì chết, Đỗ Nhược thì bạc tình khiến Đậu Hoán Chi cảm nhận sâu sắc câu nói cửa miệng của các vị cao niên trong thôn: ngươi không thuộc về thế giới bên ngoài, ra đó ngươi chỉ có thể ‘đau thương đến chết’. Nếu nỗi đau có thể đo được chiều sau, thì ‘đến chết’ cũng không phải là nói quá. Khi người chị qua đời, Hoán Chi đã ý thức được sự thất bại của mình; giữa cõi đất trời mình chỉ là hạt bụi bất lực, đành nhìn người chị thân yêu duy nhất ra đi, rồi người yêu thân thiết bỏ đi. Một mình một bóng, Hoán Chi đã khóc đến nghẹn thở tức ngực, Hoán Chi thậm chí không muốn nhìn thấy những ánh mắt thông cảm của mọi người, vì đó là sự thương hại dành cho kẻ yếu – chẳng khác gì đối với con mèo con chó lạc đường về, hoặc con chim gãy cánh. Thông cảm đấy, nhưng không giúp được gì. Cái cảm giác đó như một mũi dao dần cắm sâu vào trái tim vốn đã sắp nát tan của Hoán Chi.

Chỉ Hoán Chi mới biết trái tim này kiêu ngạo nhường nào, và cũng tràn ngập yêu thương nhường nào.

Chỉ anh mới biết Đỗ Nhược là quan trọng với anh đến đâu; sau khi mất nàng, anh lại nhìn càng rõ hơn, càng thật hơn nữa.

Yêu càng nặng lòng, nỗi hận càng sâu. Từ khi Đỗ Nhược rời xa anh, anh luôn theo dõi nàng, phá rối các cuộc hẹn hò với kẻ chen ngang kia, thậm chí định đến đập phá đám cưới của họ. Lãnh đạo nhà trường và công an đã can thiệp, anh trở thành đối tượng bị giám sát.

Nếu không có người chị vợ là Đỗ Dung luôn luôn thông cảm với anh, động viên anh hãy cứng rắn đứng lên đi tìm cuộc sống mới, thì chắc anh đã trở thành kẻ bỏ đi trong xã hội.

Đương nhiên, với một con người mà trái tim đã chết, thì “cuộc sống mới” thực ra chỉ là một cách nói dễ nghe hơn “kiếp sống vật vờ” mà thôi. Anh cần có sự thăng bằng để cho lòng tự trọng đã bị phá hủy, lòng yêu thương đã bị tàn phá bị ruồng bỏ có được sự thăng bằng. Con thuyền mất bánh lái đã trôi vào dòng chảy xiết của sự phục thù.

Khi mà gần như không thể nào tồn tại ở Giang Kinh nữa, anh nhớ đến câu nói của một vị cao niên trong thôn: nếu cháu gặp trắc trở, thì hãy trở về, nơi này mãi mãi là nhà của cháu.

Nhưng lúc này lùi về thì còn khó hơn cả bước về phía trước.

Xin nghỉ công tác ở Giang Kinh, trở về với non xanh nước biếc ở quê nhà đương nhiên là một niềm an ủi cho tâm hồn, tránh xa đô thị ồn ã tất nhiên là một sự nghỉ ngơi dành cho tinh thần. Nhưng, ngần ấy năm mải miết vươn lên không cho phép anh lại chìm xuống, cuộc sống nơi thôn dã không đủ thỏa mãn tham vọng của anh, và càng không thể cho phép anh thực hiện kế hoạch trả thù.

Vì anh đã giấu tên để báo cáo tình hình dịch bệnh với Trung tâm phòng chống dịch bệnh của tỉnh, nên anh đã có một khoảng cách đối với thôn của mình; những kiến thức y học chính thống mà anh được trang bị khiến anh không thể thỏa hiệp với tập quán hủ lậu “thay máu” trong lịch sử và văn hóa của thôn. Trở về thôn, anh như vừa quen vừa lạ. Mọi thứ ở quê hương là nơi gửi gắm tình cảm tốt đẹp, giúp anh có được sự thăng bằng, nhưng không thể trở thành khởi đầu của một cuộc sống mới.

Anh sống đơn độc trong vùng thung lũng bí hiểm kia và từ đó cái thung lũng vô danh đã có tên mới: Tân Thường Cốc – cái thung lũng khiến anh đau đớn, hang Thập Tịch khiến anh vỡ mộng, vách Niết Bàn – là sự tuyệt vọng của anh đối với cuộc sống mới.

Hai năm trôi qua ở núi Vũ Di non xanh nước biếc, nhưng anh không nhàn rỗi một phút nào.

Ngày nào anh cũng mặc chiếc áo mưa lùng thùng – theo tục lệ của thôn cũ, áo mưa chính là áo tang, sau khi chị gái qua đời, anh nguyện sẽ mãi mãi để tang chị.

Nỗi hận không bao giờ nguôi. Càng cô độc anh càng hận sâu. Hận Đỗ Nhược, hận kẻ chen ngang kia, hận cái thói yếu đuối và tham lam của bản tính con người.

Anh dần hiểu rõ nỗi sợ hãi của các bô lão trong thôn đối với bên ngoài và xu thế khép kín của văn hóa nội bộ thôn.

Một sự khép kín đáng tôn trọng, nó là một cách tự vệ sau bao phen khốn đốn, đương nhiên là thế.

Cho nên, sau khi một tài liệu quan trọng – tức là tập bản đồ do các bậc cao niên vẽ tay – bị chuyển ra Giang Kinh thì Hoán Chi đã vạch kế hoạch tỉ mỉ, để “không cần gươm đao” cũng lấy được nó từ két sắt của Diêu Tố Vân.

Diêu Tố Vân chân chất, cùng người chồng ham chơi bời kia hình như vẫn đang tập dượt cho một tấn bi kịch ‘đau thương đến chết’ khác, đã cho Hoán chi biết thêm một tài liệu để cười nhạo bản tính con người. Vợ chồng họ đã minh chứng thêm rằng, chương trình hành động lần này mà Hoán chi đã trù tính từ nhiều năm, thực ra là nhằm cứu vớt loài người.

Nhiều năm về trước, khi đi khỏi Giang Kinh, Hoán Chi đã bán đi tất cả mọi thứ mình có, gần như dùng toàn bộ số tiền ấy để mua sách chuyên môn, nhất là các tác phẩm trong và ngoài nước viết về vi sinh vật học phân tử. Trong sách không chỉ có hoàng kim và mỹ nhân (2), mà còn có cả những gợi mở về phục thù nữa. Hoán Chi dần hình thành một kế hoạch khá rõ ràng, bèn “hạ sơn” bắt tay vào thực hiện.

Hoán Chi trốn sang Mỹ, dựa vào các thủ đoạn gian lận để có được danh nghĩa hợp pháp. Sau đó thi đỗ nghiên cứu sinh với thành tích cao, trở thành tiến sĩ, làm trợ giảng, phó giáo sư, giáo sư, rồi đứng vững trong lĩnh vực vi sinh vật phân tử, có phòng thí nghiệm riêng và nhân viên của mình, có sáng chế độc quyền, thành đạt cả về sự nghiệp lẫn tiền bạc.

Nhưng Hoán Chi không bao giờ quên ý nghĩa thật sự của việc mình tiếp tục sống.

Chí phục thù là động lực khiến Hoán Chi phát triển nhanh, vì thế anh đã thức trắng bao đêm dài, các đồng nghiệp đều không sao hiểu nổi anh lấy đâu ra tinh lực và sự kiên nhẫn để luôn luôn tiến lên đỉnh cao trong học tập và công việc.

Khoa học đã tiến mạnh, có thể tác động vào tận nhiễm sắc thể của con người, nhưng vẫn không thể làm thay đổi những nét thấp kém trong bản tính con người. Mọi nét thấp kém trong bản tính con người đều gây nguy hại cho người khác, chúng cần phải chịu hậu quả, hậu quả nặng nề; có thế mới bảo đảm để không tái phạm sai lầm và gây tổn thương.

Đỗ Nhược và thằng cha họ Mạnh kia phải gánh chịu hậu quả, họ phải mất hết mọi thứ kể cả đứa con gái yêu quí Mạnh Tư Dao – đang độ thanh xuân và cũng xinh đẹp như Đỗ Nhược ngày nào.

Cái thế giới này cần phải nghe thấy tiếng nói của ta, nó là lời tuyên bố vang dội mạnh như sấm sét: bất cứ ai, nếu buông thả bản tính thấp hèn thì sẽ phải hứng chịu hủy diệt.

Đây là trái đất trước khi có con thuyền cứu vớt của Nô-ê, là đế quốc La Mã trước thời kỳ thiên tai chiến loạn, bản tính thối nát sa đọa, tất cả lật nhào.

Đó là nguyên nhân chủ yếu để Hoán Chi “chế tạo” ra loại virút kia. Phục thù, nếu chỉ vì nhằm vào cả nhà Đỗ Nhược thì không cần Hoán Chi phải dùng đến kỹ thuật vi sinh vật phân tử. Hoán Chi “chế tạo” virút là vì muốn cứu vớt nhân loại. Chúa cứu thế và Người kết liễu luôn luôn là một thể thống nhất của một mâu thuẫn rất hoàn hảo.

Trước khi rời Giang Kinh, Hoán Chi đã chiết suất được độc tố của virút dịch bệnh tại Thôn quái dị, cất giữ trong hầm lạnh đặc biệt của nhà trường. Hoán Chi biết rõ, việc quản lý nghiên cứu khoa học của nhà trường rất luộm thuộm, nếu không biết rõ nó là độc tố của một loại virút nào đó thì người ta cũng không tùy tiện vứt đi, vẫn cứ bảo quản lâu dài làm tư liệu, để khỏi bị “rách việc”.

Mười năm sau Hoán Chi về nước, vào đại học Giang Kinh lấy lại cái chất độc ấy. Sau ngần ấy năm, việc quản lý phòng thí nghiệm lại còn có nhiều lỗ hổng hơn xưa. Dùng độc tố ấy làm nền, sử dụng những virút Ke-sa-ji bình thường rất sẵn có, Hoán Chi dồn tâm huyết nghiên cứu suốt chục năm, cuối cùng đã sản xuất ra loại virus được “cải tạo”, đặt tên là virus DBH – viết tắt từ “Death from a broken heart” (Chết vỡ tim; Đau thương đến chết). Những con chuột thí nghiệm bị nhiễm virút này, sau ít lâu có một số phát điên, số còn lại đều chết vì rối loạn nhịp tim.

Đây đúng là một bức tranh minh họa rất chuẩn cho cho “Cái chết đau thương”.

Rối loạn thần kinh cộng với rối loạn nhịp tim, hai tầng đau khổ tâm lý và sinh lý, là đỉnh điểm của sự tàn phá con người. Hoán Chi đã trải qua cảm giác này, khi người chị qua đời, tình cảm và sự nghiệp – hai bề đều tổn thất; mọi thứ đã có bất chợt mất trắng, rơi xuống tận đáy sâu. Hoán Chi đã phải chịu nổi đau khổ như thế. Mình không làm điều gì sai trái. Cái thế giới này đã đảo điên rồi, đam mê và khát vọng khám phá bị coi là xấu, buông thả và ích kỷ thì lại được người đời khoan dung.

Tuy không thể chứng minh bằng thí nghiệm ở động vật, nhưng Hoán Chi tin chắc rằng, trước khi chết cá thể đã phát điên thì hẳn là phải nhìn thấy một cái gì đó rất đáng sợ. Những người ở Thôn quái dị trước khi chết đã nhìn thấy gì? Người thì lặng lẽ gục xuống chết luôn, người thì đang khóc than bất chợt tắt thở…sẽ vĩnh viễn không có một công trình nghiên cứu nào có thể cho kết luận trước khi chết họ đã nhìn thấy những gì.

Những virút tồn tại ở Thôn quái dị và hang quan tài treo, không có mấy sức sống, chu kỳ hoạt động lại quá xa nhau, hàng chục năm mới phát tác một lần. Trong các loại côn trùng để “thay máu”, cá biệt có loại mang rất nhiều virút này, vì thế mới lây nhiễm trong dân thôn. Còn thứ virút mà Hoán Chi “phục chế” được trong phòng thí nghiệm, thì có thể tung ra tràn lan bất cứ lúc nào.

Khi tung loại virút này ra trên quy mô lớn, cũng sẽ là Hoán Chi thật sự đồng thời sắm hai vai Chúa cứu thế và Người kết liễu.

Đương nhiên, trước khi phát tán virút này trên diện rộng, Hoán Chi còn rất nhiều việc phải làm, ví dụ, cần nắm được quy mô dịch bệnh do virút “Đau thương đến chết” lây lan trong cộng đồng… Ở cái thôn nhỏ quê hương, virus này tồn tại dai dẳng đã lâu, nhưng triệu chứng nhiễm bệnh ra sao, lây lan ở môi trường đông người ra sao, có tác dụng thần kỳ 100% “Đau thương đến chết” thật không…đều chưa rõ. Phải nắm được các vấn đề này đã mới có thể phát tán một cách chắc chắn và nhịp nhàng để hoàn thành kế hoạch của mình.

Quá trình nghiên cứu này còn là một cuộc chơi đầy ngụ ý sâu xa; thiên hạ vẫn nói là “trò chơi cuộc đời” đấy thôi? Cái lối nhận thức méo mó về cuộc sống đã gây ra bao nhiêu bi kịch? Đã dẫn đến bao nhiêu chuyện suy đồi cho bầu không khí xã hội? Bây giờ ta phải đứng ra chấn chỉnh và kiểm soát trò chơi này, những kẻ mải miết ăn chơi ở chốn đời thường bụi bặm các người phải sắm vai! Cuối cùng chỉ có ta mới biết kết cục của trò chơi – không có người thắng, chỉ có đau thương đến chết mà thôi.

Mạnh Tư Dao là mục tiêu hết sức lý tưởng. Có lẽ vì Hoán Chi rất “quan tâm” đến Đỗ Nhược, nên từ 5 năm trước đã bắt đầu tìm hiểu Tư Dao. Bằng sự cẩn trọng của một nhà khoa học, lão đã kiên nhẫn theo dõi và điều tra, tìm hiểu toàn bộ cuộc sống của cô. Cô có những người bạn tràn trề nhựa sống, họ sống giữa đô thị đông đúc, mỗi người đều có điểm yếu của mình; ngoài tình bạn ra, họ cũng có nghi ngờ, đố kỵ, và phản trắc. May sao, cô gái này lại đam mê du lịch, lão sẽ cho cô ta lĩnh hội một chút cái chốn đau thương ấy. Hồi lão cùng Đỗ Nhược yêu nhau hai người đã từng đắm mình giữa cảnh sắc trải ra vô tận này. Những tiếng cười vui, những nụ hôn say đắm như vẫn còn đọng lại giữa cây cỏ hoa lá khắp vùng núi.

Địa điểm bắt đầu trò chơi là “hang Thập Tịch” do lão đặt tên. Tuy hang này là một ổ virút đã nhiều lần phát bệnh “chết đau thương”, nhưng lão đã quan sát và phán đoán, không phải quanh năm đều có virus tồn tại. Lão đã đem virút DBH “đau thương đến chết” mình sản xuất cấy vào một giống đỉa Nam Mỹ, thả chúng sinh sống trong vũng nước ở hang Thập Tịch. Sở dĩ lão chọn đỉa, vì đỉa hút máu sẽ là con đường lý tưởng để lây truyền virút, và đặc biệt là vết cắn của chúng luôn để lại một hình trái tim vỡ.

Lão đã làm thí nghiệm trên chuột. Sau khi bị cấy virút DBH này, chúng đột tử vì rối loạn nhịp tim; giải phẫu khám nghiệm, thấy rõ cơ tim bị thương tổn nặng, có nhiều vết rạn.

Đây cũng là ‘biểu tượng’ lão đã thiết kế cho trò chơi này, để kỷ niệm sự kiện “vỡ tim” của lão; tan nát cõi lòng, là một trạng thái tình cảm mà loài người thường rất hay gặp.

Biết rõ Tư Dao và đám bạn kia sau khi tốt nghiệp vẫn thường liên lạc với Hội du lịch của đại học Giang Kinh, lão bèn truyền cho Hội này một tờ quảng cáo du lịch Tân Thường Cốc. Quả nhiên, Tư Dao và đám bạn đã rủ nhau đi luôn. Nhóm “Thất kiếm” của đại học Y Giang Kinh kéo đến, khiến lão thấy hơi bất ngờ, nhưng vẫn “vui vẻ tiếp nhận”. Cũng hay, lão sẽ có thêm vật thí nghiệm nhưng cũng lúng túng, vì lão cần quan sát thật kỹ diễn biến bệnh tật sau khi nhiễm virút, nếu đông “đối tượng” thì khó mà làm được đầy đủ. Cũng may, phần lớn “Thất kiếm” đều ở Giang Kinh.

Các sinh viên trẻ tuổi tinh lực dồi dào, phát bệnh tương đối sớm, có lẽ là vì phản ứng miễn dịch mất thăng bằng. Lão đã bỏ rất nhiều công sức để sưu tầm hồ sơ bệnh án của những người đã miễn bệnh. Hễ thấy ai đi khám bệnh kêu ca mệt mỏi hoặc bị ngoại tâm thu, lão đều rất lưu ý, vì lão biết rằng một khi đã phát bệnh thì người đó sẽ nhanh chóng đột tử. Thế rồi, lão đã chứng kiến Trương Thông và Phó Sương Khiết đột tử, trước đó cả hai đều đã từng đến phòng y tết của trường để kiểm tra vì rối loạn nhịp tim.

Trương Thông thực đáng thương, sau khi bị người yêu Phó Sương Khiết “cho ra rìa”, chắc đã đau xót đến cùng cực, dẫn đến rối loạn nhịp tim rồi đột tử. Còn Sương Khiết, chắc cũng vì xúc động sau cái chết của Trương Thông nên tâm trạng rất bất ổn, dẫn đến rối loạn nhịp tim. Nếu sớm biết thế này thì lúc trước lão làm bừa! Trò chơi “Đau thương đến chết” đã tóm được hai người phải đau thương mà chết, đáng buồn và cũng đáng cười!

Trong quá trình quan sát đám bạn bè của Tư Dao, Viên Thuyên khiến lão thấy rất hào hứng. Một cô gái cực kỳ thông minh, nhưng cũng hơi có tham vọng. Sao khi phát hiện ra đặc trưng tính cách của cô, lão bèn thiết kế ra một trò chơi nằm trong trò chơi.

Hồi ở Philadelphia, lão từng quen với Lý Bá Thụy là một kiến trúc sư Hoa kiều. Chơi với ông Thụy, là vì muốn nhờ ông “cải tạo” lại hang quan tài treo – một nơi không ai dám vào. Lão biết, thực ra hang đó chẳng có gì đáng sợ, cũng không hề có “lời nguyền” nào cả; chỉ có đặc điểm cách một số năm, hang này lại xuất hiện một số sâu bọ côn trùng hút máu, có mang virút. Cải tạo hang, là vì lão muốn treo quan tài của người chị ruột lên tận đỉnh hang, quan tài treo càng cao thì người chết càng gần thiên đường hơn. Lão cũng chẳng rõ mình tin cái quan niệm có từ lâu đời này khi nào. Lão chỉ biết, mình đã nắm được, thậm chí đã kiểm soát thao túng được cõi đời hiện tại, còn sau khi chết thì lão vẫn mơ hồ; lão chỉ nghĩ rằng chị gái mình sau khi chết phải được hưởng đãi ngộ cao nhất.

Ông Lý Bá Thụy đã giúp Đậu Hoán Chi thiết kế “cỗ máy” treo quan tài và hai người trở thành bạn thân. Ông Thụy thì quanh năm thấp thỏm, luôn cảm thấy có kẻ định hại mình, ông đã kể với lão sự việc mà mình lo lắng nhất trong đời. Sau khi trở thành một cổ đông của tập đoàn Đắc Quảng, ông phát hiện thấy Đắc Quảng đã dùng rất nhiều thủ đoạn phi pháp để không ngừng phất lên trong thị trường địa ốc. Ông đã để tâm thu thập các chứng cứ phạm tội của Đắc Quảng, nhưng rồi ông chợt nảy tham vọng – dùng nó để uy hiếp lãnh đạo tập đoàn Đắc Quảng, hòng trở thành cổ đông lớn hơn nữa. Chung Thục Minh tuy bề ngoài vẫn hiền hòa nhưng đã có ý định khử ông Thụy. Ông Thụy, sau khi bộc lộ tham vọng, thấy hối hận nhưng đã muộn, ông vội nói cho bạn thân Đậu Hoán Chi biết một số bí mật kể cả bí mật về bức “tường kép”. Ông Thụy rất tin tưởng Hoán Chi, trước tiên vì ông biết Hoán Chi còn giàu hơn mình; ông cũng không biết rõ mọi phương diện của Hoán Chi ở Mỹ, và cũng đã nói với luật sư của mình rằng không lo Hoán Chi sẽ bán đứng ông.

Sau khi cả nhà ông Thụy bị hại, Hoán Chi đoán ngay rằng Đắc Quảng là thủ phạm. Vậy thì kế hoạch của lão càng nên tăng tốc, trên đời này đang có lắm chúng sinh đáng chết, có lắm chúng sinh mang đủ loại dục vọng rồi trượt xuống vực sâu, và có vô số chúng sinh chịu khốn khổ đủ cả đường! Ta phải trừng phạt, dẫn dắt và giải cứu! Vì đang có kế hoạch của riêng mình nên lão chưa muốn hành động sớm – phanh phui tập đoàn Đăc Quảng. Lão chịu khó chời thời cơ; cần phải mượn sức của người khác để chơi một trò chơi thật đặc sắc!

Viên Thuyên là một ứng viên quá hay nhất là khi lão biết cô có một vị hôn phu lắt léo đầy dã tâm.

Lão giấu tên, khéo léo cung cấp cho Viên Thuyên vài thông tin về Lý Bá Thụy, kể cả về số tiền kia. Đúng là một thiết kế hoàn hảo, để cho bản tính tham lam, đớn hèn, cạn tình của con người hiện ra đầy đủ.

Lão đã không phải thất vọng. Quả nhiên Viên Thuyên đã “ngắm” vào số tiền ấy. Có điều, lão không ngờ, cô gái rất khôn ngoan cẩn thận Viên Thuyên khi vào “tường kép” lại đồng thời phát hiện ra bản vẽ thiết kế hang quan tài. Thế là cỗ quan tài treo của bà chị lão đã biến thành nơi cất giấu tiền bạc của Viên Thuyên. Tiếp đó, sự bộc lộ càng kích thích lão; những điều này thật quan trọng đối với “sự nghiệp” mà lão đang làm: bản tính con người, “cái ác” mãi mãi chiếm ưu thế. Những điều này càng củng cố tín điều của lão: trong một số hoàn cảnh nào đó, những người trông có vẻ như vô tội, thực ra, chết là đáng đời!

Lão vẫn không ngừng quan sát những thanh niên đã nhiễm virút.

Viên Thuyên đi khám bệnh, được kết luận “nghi viêm cơ tim”. Lão biết cô ta chẳng thọ được mấy ngày nữa, lão cũng theo cô đi Thượng Hải, định ghi chép chính xác về hiện tượng bệnh lý và khung cảnh tử vong, cũng muốn biết cô ta có đến Thượng Hải gặp Lâm Mang để ‘vui thú’ hay không – bởi lẽ, trong khi quan sát diễn biến bệnh tật, lão đặc biệt chú ý cái diễn biến của con người khi bị cám dỗ. Nhưng bất ngờ, ở Thượng Hải, Viên Thuyên chỉ cùng ăn trưa với Lâm Mang rồi vội vã phóng xe đi Nam Kinh. Lão cũng thuê tắc-xi bám theo. Quả nhiên, trên đường cao tốc Thượng Hải – Nam Kinh, Viên Thuyên bất chợt rối loạn nhịp tim, chiếc xe chạy ngoằn ngoèo hồi lâu. Chắc là cô ta đã xuất hiện ảo giác gì đó, hoặc trước đó đã nhìn thấy lão ngồi trong xe, nên mới dùng đèn cảnh bảo của xe để đánh tín hiệu mã số điện báo “Đau thương đến chết”.

Lão còn cho rằng, khi bị rối loạn nhịp tim, rất có thể Viên Thuyên đã trông thấy bốn chữ “Đau thương đến chết”; vì trong tiềm thức cô ta đã sẵn lo âu về số phận của mình, lo rằng lời nguyền kia sẽ thành sự thật.

Sau khi Viên Thuyên chết không lâu, lão lại phát hiện ra Thương Tiểu Mạn ở Vũ Hán cũng bắt đầu trục trặc. Nhưng vấn đề tim mạch của cô đã bị chìm đi bởi chuyện có thai và sảy thai. Nhân thấy Tiểu Mạn đi công tác Giang Kinh và Đại Lý, lão cũng bám theo. Ở Đại Lý, Tiểu Mạn ngồi trên xe buýt đã nhìn thấy lão đang ở trong một chiếc tắc-xi, cô ta bỗng bị rối loạn nhịp tim kém theo chứng rối loạn tâm thần, chạy lên giằng vô-lăng của tài xế, dẫn đến tai nạn lật xe. Điều này chứng minh rằng rối loạn nhịp tim bất chợt cũng sẽ kèm theo rối loạn tâm thần. Tiểu Mạn đã nhìn thấy gì? Lão không biết nhưng chắc chắn phải là một cái gì đó rất đáng sợ. Lúc đó cô ta sợ cái gì nhất? Hồn ma của Kiều Kiều? hay “đau thương đến chết”? Hoặc có lẽ, sợ vì “thần chết” là mình cũng nên!

Thương Tiểu Mạn là con bé có tội. Trước tiên nó đã nẫng bạn trai của bạn thân là Kiều Kiều, rồi lại “tham gia” vụ án kinh tế có thể đẩy bố nó vào tù.

Tuy bản chất cô ta có lẽ vẫn là lương thiện, nhưng dục vọng và sự ích kỷ đã điều khiển hành vi, khẳng định sự hủy diệt của cô ta. Đâu có thể nói cô ta hoàn toàn vô tội? Lúc cô ta sắp chết đã xuất hiện ảo giác khiến cô ta kinh hãi, nhưng cô ta vẫn không chịu chấp nhận sự phán xét của số phận, còn định cướp vô-lăng của tài xế hòng xoay chuyển định mệnh! Rốt cuộc, đã khiến bao người phải chết theo!

Có bao nhiêu nạn nhân đã phải đau thương đến chết vì chuyện đó?

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, có phải số nạn nhân ấy đều trong sạch hay không? Phải chăng trong đời bọn họ cũng từng khiến người khác phải đau thương đến chết?

Lại còn hai gã Lâm Mang và Lưu Dục Chu trong nhóm người đến Tân Thường Cốc, đều có cái mẽ khôi ngô đường hoàng nhưng ẩn trong đó là tâm hồn cực kỳ bẩn thỉu. Chính cái trò chơi này đã khiến chúng phải lộ ra bản chất xấu xa, cả hai chết đều đáng đời.

Sau khi Lâm Mang, Dục Chu chết, các đối tượng quan sát đã thu hẹp vào ba người Tư Dao, Thường Uyển và Lâm Nhuận. Trò chơi đang tiếp diễn, khi Tư Dao mơ hồ không rõ đầu mối nữa thì lão đã cài tấm ảnh cả nhà Lý Bá Thụy vào trong bụng con sóc, “chuyển phát nhanh” cho Tư Dao. Tấm ảnh đó do chính tay lão chụp cho họ.

Quả nhiên Tư Dao thấy ngờ ngợ. Cô gái trong sáng này bắt đầu theo dõi Lịch Thu đang suy sụp tinh thần vì thương nhớ người em gái đã chết. Lịch Thu là cô gái yếu mềm, yếu mềm cũng là một nhược điểm của con người. Còn Thường Uyển, cô ta mang quá nhiều nhược điểm của các cô gái: nhút nhát, ủy mị, chuộng hư vinh, lúc nào cũng muốn “yêu rất nhiều”, thậm chí đã quá lớ ngớ rồi trở thành kẻ tiếp tay cho Lâm Mang! Có lẽ đến chết cô ta cũng không hiểu: không thể cầu mà được, cũng không phải cứ yêu là cho lắm rồi sẽ lần mò ra tình yêu.

Rất nhiều khi, yêu chỉ là một chữ duy nhất trên tấm bia mộ.

Thường Uyển đang ngủ thì bị giết, lão cảm thấy có phần kì lạ. Tại sao Tư Dao lại có thể sống đến lúc này? Tại sao quá trình diễn biến bệnh tật của cô ta lại dài như thế? Nào là chôn sống, nào là nổ trong hầm phòng không, rồi thì bọn Đắc Quảng vào chiếm ngôi nhà… mấy lần lão đều đến cứu Tư Dao và lúc gay cấn nhất, chỉ vì lão muốn xem xem bao giờ thì cô ta tự chết? Có phải chết vì bệnh tim không? Tư Dao là con chuột thí nghiệm mà lão tâm đắc nhất, lão cần quan sát đến cùng. Sau đó lão thấy Tư Dao bắt đầu đi viện. Đúng là cô ta mắc chứng viêm cơ tim; đau thương đến chết chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi, cô ta đâu phải siêu nhân? Lão vẫn rất hào hứng nên đã trà trộn vào bệnh viện rút một ít máu của Tư Dao đem về phân tích.

Đúng thế, máu của cô ta có virút, và cũng đã bị viêm cơ tim. Việc lão phải làm tiếp theo là khoái trá ngắm xem đoạn kết của đời cô ta diễn biến ra sao.

Nhưng lão phải thẳng thắn công nhận rằng mình có phần thán phục cô gái có vẻ như mảnh mai yếu mềm này. Cô ta cũng nhạy cảm và cứng cỏi như mẹ. Không rõ từ đâu ra, cô ta còn có lòng can đảm ham sống mãnh liệt, thậm chí có thể gan góc ráng chịu. Người bình thường, sau mấy lần kinh sợ như thế thì đã giương cờ trắng đầu hàng từ lâu, nhưng cô ta thì lại coi như mình đã hoàn thành sứ mệnh – có lẽ với cô ta thì sự sinh tồn chính là sứ mệnh!

Nhưng sự chấm dứt của sứ mệnh này là bất khả kháng.

Điều khiến lão cảm tháy kinh ngạc là Chung Lâm Nhuận. Anh ta thừa biết cái lời nguyền “Đau thương đến chết” của hang Thập Tịch mà vẫn cứ vào để cứu Tư Dao. Và, đáng kinh ngạc hơn nữa: anh ta là “thái tử” của tập đoàn Đắc Quảng – có thể sở hữu đủ thứ trên đời – mà lại xung phong làm một vật thí nghiệm của lão.

Có lẽ, tình yêu còn phức tạp bộn bề hơn cả kỹ thuật vi sinh vật phân tử.

Có lẽ, lão chưa nhìn nhận thấu đáo như lão vẫn tưởng.

Khi mọi việc đang tiến hành suôn sẻ thì lại xuất hiện một tình thế bất ngờ. Nếu chuyện bà Đỗ Dung nói là đúng, thì Đỗ Nhược dẫn đứa con nhỏ đi Tân Thường Cốc để làm gì?

Muốn gặp ta chăng? Hôn nhân ngày ấy đã đổ vỡ, vì cả hai bên đều không bình tĩnh nên đã coi nhau như kẻ thù, oán hận rất sâu; cô ta dù sau đó có hối hận thì cũng không có lý do gì để dẫn Mạnh Tư Dao không hề là huyết thống của ta, đến gặp ta.

Lão hơi lo sợ, sợ một giả thiết…nếu nó đứng vững.

Lão rút vài cc máu trong ống nghiệm đựng máu của Tư Dao. Lại lấy một sơ-ranh cắm kim tiêm, chọc vào tĩnh mạch ở cẳng tay lão.

Đêm đã rất khuya, lão ngồi trong phòng thí nghiệm trống trải, ngây như khúc gỗ, bất động liền hai giờ đồng hồ.

Kết quả nhiều lần xét nghiệm DNA, Mạnh Tư Dao là con đẻ của lão.

Chú thích

(1) Chết vì vỡ tim

(2) Mượn ý câu cổ văn đời Tống: “Trong sách có lầu son gác tía, có mỹ nhân…” hàm ý cổ vũ việc học.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN