Diễm Chi
Chương 19
Tôi đi thật nhanh về nhà nhưng nhà trống trơn chẳng có ai, xe của bố vẫn còn ở nhà mà sao lại chẳng thấy người. Tôi gọi khắp nơi cũng không ai thưa, gọi điện thoại thì bố không nghe máy. Mãi sau ông Tư thấy tôi gọi nhiều quá mới chạy sang bảo:
– Bà đi cấp cứu rồi cháu không biết à?
– Bà cháu đi cấp cứu ạ, cấp cứu ở đâu, sao mà phải cấp cứu hả ông.
– Chắc là ra viện tỉnh ông không đi nên không rõ.
Bà tôi đi cấp cứu, tại sao chứ, đêm qua hai bà cháu vẫn còn nói chuyện rất lâu cơ mà. Bà còn dặn dò tôi đủ thứ, còn khuyên tôi:
– Chi này, con cứ mải chơi thế bà buồn lắm, bà chỉ mong con nghĩ lại, chú tâm mà học hành không sau này lại hối hận.
– Bà không phải lo, con tự biết sắp xếp.
– Mỗi lần bà thấy có giấy mời phụ huynh vì con bỏ học là đêm ấy bà lại không ngủ được. Bà thì già rồi trời gọi lúc nào đi lúc ấy, bố chúng mày giờ thì lo nợ nần rồi tiền học hành cho 2 đứa cũng chẳng còn nhiều thời gian. Con thương bà, thương bố thì chịu khó học hành cho bà vui.
Tôi lặng im không nói gì vì tôi biết bản thân tôi hiện tại gần như là đã mất gốc kiến thức nên mỗi lần nghe giảng nó cứ từ tai nọ sang bên tai kia, cảm giác mông lung không hiểu mình đang học gì. Cộng thêm với việc của mẹ càng khiến tôi chán nản.
Lâu dần tôi đã gật đầu đi theo đám bạn, bỏ học lần 1 lần 2 còn thấy sợ chứ từ lần thứ 3 trở đi là lại thấy vui. Đi cũng với đám bạn mà mọi người vẫn hay gọi là xấu ấy tôi lại thấy thoải mái, thấy bản thân được sống là chính mình. CHúng nó chẳng bận tâm xem gia cảnh nhà tôi thế nào, chằng trêu ghẹo tôi về việc mẹ có chồng mới. Chúng nó chỉ cần tôi chơi hết mình chỉ vậy thôi.
Hai cảm xúc ở hai môi trường trái ngược nhau lại càng khiến tôi bị hút theo đám bạn ấy. Dần dần tôi thành cạ cứng trong nhóm lúc nào chẳng hay. Tôi nhìn thấy bà buồn, đọc được sự thất vọng trong mắt bố nhưng lại chẳng thể dứt khỏi đam mê.
Trò chơi Audition như đưa tôi vào một thế giới mới, thế giới mà tôi có thể sống bằng con người mà tôi tự vẽ ra theo ý thích của mình. Chẳng gò bó bới những lễ nghi, cũng không có khuôn phép, ở đó mọi người được thoải mái thể hiện bản thân, có lẽ chính điều đó đã cuốn hút giới trẻ bọn tôi.
Tôi không ngờ, mãi mãi cũng không thể ngờ nổi đó lại là lần cuối cùng bà khuyên bảo tôi, lần cuối cùng tôi được nói chuyện với bà. Bởi vì bố nói:
– Con đi đón em về hộ bố, bố gọi cho cô giáo chủ nhiệm lớp em rồi, con cứ đến nói với cô rồi đón em về.
– Sao lại đón em về giờ này hả bố, mà bà sao rồi bố.
– Bà không ổn con ạ, thôi con đi đón em đi, bố làm nốt mấy thủ tục còn đưa bà về.
Sau cuộc điện thoại ấy lòng tôi bỗng nóng như lửa đốt, chân tay thì gần như không còn sức lực, dường như có một nỗi bất an mơ hồ đang bao trùm lên tôi. Luống cuống đến mức dắt xe đạp ra mà cũng đánh đổ mấy lần, khi tôi chuẩn bị đi thì thấy cô Tươi cùng mấy người họ hàng nữa đến. Không ai bảo ai họ cứ thế chia nhau dọn dẹp quét tước nhà giúp tôi từ trong ra ngoài.
Khó hiểu quá tôi kéo tay cô Tươi hỏi:
– Cô, sao mọi người lại sang nhà cháu thế, nhà cháu sạch mà sao phải dọn nữa.
Cô thở dài bảo:
– Dọn để còn đón bà về con ạ, thế cái Hương đâu, đã đi đón em chưa.
– Giờ cháu mới đi.
– Đi nhanh đi kẻo lại không kịp nhìn bà lần cuối.
Hai chữ “lần cuối” của cô như xoáy xâu vào trí óc tôi, nó khiển cho cơ thể tôi mất tự chủ mà đổ nhào xuống sân khóc mếu hỏi:
– Lần cuối là sao hả cô, sao lại lần cuối?
Cô không trả lời câu hỏi ấy chỉ bảo tôi mau đi đón em, nhưng vì thấy tôi cứ liên tục bị ngã nên đành nói:
– Thôi để cô đi cho, chứ mày thế này rồi không khéo mà tai nạn. Cất xe đi rồi vào xem dọn dẹp phụ với mọi người.
Cho tới khi cô đón cái Hương về đến nhà tôi vẫn ngồi nguyên vị trí đấy, khôgn nhúc nhích, không khóc mà cứ thế bất động như một pho tượng. Cái Hương chắc cũng được cô tươi nói qua tình hình, nó tiến đến tôi với bộ dạng khóc mếu mà hỏi:
– Chị Chi ơi, bà không ở với chị em mình nữa đâu.
Tôi ôm em chẳng biết phải nói gì, trong đầu tôi những ký ức, những khoảnh khắc hạnh phúc bên bà đang được tái hiện lại. Lúc tôi ốm bà thức cả đêm để chăm, khi tôi bị mẹ đuổi đi cũng là bà ôm tôi vào lòng an ủi. Những lúc tôi tủi thân vì miệng đời cũng chỉ có bà và bố giúp tôi vượt qua. Tôi chưa từng nghĩ sẽ có một ngày phải xa bà, dường như sự chia cắt này tôi chưa từng chuẩn bị tâm lý nên hoang mang, chới với vô cùng.
Phía ngoài cổng có xe của mấy cô chú trong nhà, có cả bác cả và ông nội về nữa. Gương mặt ai cũng đau buồn, ngay cả bầu trời trên kia hôm nay cũng mang một mầu xám tro u uất.
Bố tôi là con trai út nên được ở trên đất ông cha, có trách nhiệm hương khói cho các cụ. Còn ông nội thì đang ở với bác cả ở ngoài thành phố. Trước kia bà cũng ở đó nhưng vì thời gian đó bố mẹ tôi bận quá nên có ra đón bà về phụ giúp.
Có lần thấy bà vất vả tôi đã nói:
– Bà, sau này con lớn nhất định con sẽ báo đáp bà.
Vậy nhưng tôi cũng chẳng biết bản thân có còn cơ hội báo đáp nữa hay không.
– Hai chị em sao lại ngồi cả đây, cặp sách cũng chưa cởi nữa, vào nhà đi cháu.
Tiếng ông nội cất lên phá tan dòng ký ức của tôi, chị em tôi dù không gần gũi với ông như bà. Nhưng ông cũng thương chị em tôi nhiều lắm, ông từ từ đỡ cái hương dậy, tháo cặp sách cho nó rồi lại quay sang đỡ tôi. Ba ông cháu cùng bám lấy nhau đi vào trong nhà chờ bà về.
Một lát sau tôi cũng nghe thấy tiếng xe cấp cứu đang vọng lại, không cần ai nói cứ thế tôi chạy vội ra ngõ. Bà đang nằm kia, bất động trên chiếc cáng, bên cạnh là bố đang bóp quả bóng hơi giúp bà cầm cự. Bà của tôi hôm nay không vẫy tay gọi tôi lại gần, cũng chẳng còn nhìn tôi rồi cười trìu mến nữa. bà cứ nằm đó lặng im khiến tôi đau lòng tới mức chạy xồ đến ôm bà mà hét lên:
– Bà ơi, bà nhìn cháu này, chỉ cần bà mở mắt ra nhìn cháu thôi sau này bà nói gì cháu cũng nghe, cháu nhất định sẽ ngoan, sẽ đi học đều, bà muốn gì cháu cũng đều làm theo cả, bà nhìn cháu đi mà bà ơi.
Bố nén sự kích động mà nhắc tôi:
– Chi, con để bố đưa bà vào nhà đã, vào nhà rồi nói, bà yếu lắm không ở ngoài này lâu được đâu.
Tôi vâng lời phụ cùng bố đưa bà vào trong nhà, các cô nhìn thấy bà cũng đau lòng quá mà khóc lớn. Bác cả thấy thế thì quát:
– Nín ngay, không ai được khóc cả, không được khóc để ảnh hưởng đến mẹ.
Bà vẫn còn thở nhưng không còn nhận được nữa, bà rất yếu, cầm cự được từ viện về đến nhà đã là rất cố gắng rồi. Đặt bà nằm ngay ngắn trên giường, mấy bác mấy cô mau chóng giúp bà lau người và thay một bộ quần áo mới.
– ——-*———*———-
Đám tang của bà chính là ngày buồn nhất với tôi, buồn hơn cả lúc tôi bị mẹ đuổi đi. Tôi hối hận, tôi day dứt nhiều quá mà chẳng thể thay đổi được gì. Mặc cho mọi người khuyên bảo tôi nhất quyết không chịu dời xa linh cữu nửa bước. Tôi không khóc mà chẳng hiểu sao nước mắt cứ rơi, làm mở đi cả di ảnh của bà trong mắt tôi.
Mọi người an ủi tôi rằng:
– Bà cũng lớn tuổi rồi nên việc ra đi là hợp với lẽ trời đất. Biết là con buồn nhưng mà bà đi cũng nhẹ nhàng nên con đừng khóc nữa kẻo bà lại lưu luyến.
Tôi đâu có khóc chỉ là nước mắt tự rơi trong vô thức thôi bà, phải rồi bà cũng đã gần 80, chỉ có tôi là không nhận ra rằng tuổi già đã cận kề với bà như thế. Chỉ có tôi hư nên mải chơi khiến bà phiền lòng, để bây giờ bà ra đi mới ân hận thì đã quá muộn.
Tôi nhìn sang bên cạnh thấy cái Hương cũng đang ngồi trong lòng cô Tươi mà thất thần nhìn linh cữu của bà. Chẳng biết nó có hiểu thế nào là chết không, chỉ thấy nó buồn lắm, gương mặt, ánh mắt cứ trùng xuống, buồn bã vô cùng.
Bố cũng đau buồn chẳng kém tôi, nhưng vì là con trai nên phải cùng các bác tất bật lo tang lễ ngoài kia chứ chẳng có thời gian ngồi bên cạnh bà như chị em tôi.
Đêm hôm qua bà nói chuyện với tôi rất nhiều, khi thì thủ thỉ khuyên bảo, lúc lại nghiêm giọng răn đe, vậy mà tôi lại không nhận ra dấu hiệu lạ của bà. Có lẽ bà mơ hồ cảm nhận được mọi thứ nên mới như thế, tôi không ngừng trách mình vì sự vô tâm ấy.
Đám tang của bà mẹ tôi cũng xuất hiện, tôi nhìn mẹ chăm chăm nhưng không thể đọc nổi mẹ đang vui hay buồn. Mẹ thắp hương bà rồi ra phía ngoài nói chuyện với mấy người hàng xóm cũ. Mấy người ngồi tiếp chuyện cùng mẹ đa phần đều chẳng tốt đẹp gì.
Nhất là bà Huệ, mẹ thằng Hùng béo, ở giữa đám tang của bà nội tôi mà mụ ta lại đi hỏi về người chồng mới của mẹ. Căm hận hơn khi tôi thấy gương mặt mẹ thoáng ý cười khi nhắc đến ông ta.
Vẫn biết giữa mẹ và bà bây giờ cũng chỉ là người dưng, nhưng ít nhất ngần ấy năm là con dâu mẹ cũng nên giải bộ đau buồn lấy một chút chứ. Nếu không phải vì sợ bà sẽ đau lòng mà không siêu thoát được thì tôi đã lao ra ngoài kia mà đuổi họ đi.
Kết thuc đám tang của bà mọi người cũng về cả, chỉ còn lại ba bố con tôi trong căn nhà hưu quạnh. Mỗi buổi sáng sau khi lai cái Hương tới trường tôi lại vòng xe về để ra mộ bà. Vừa là để nói ra hết mọi thứ cho nhẹ lòng, và cũng vì tôi sợ bà ở đó một mình sẽ buồn nên ngồi đó hàng giờ, lúc thì tôi nhắc lại về ký ức bên bà, khi lại tâm sự cùng bà những suy nghĩ trong lòng tôi.
Có mấy lần đám bạn rủ tôi đi chơi game nhưng tôi đều từ chối cả, bọn chúng tưởng tôi quay lại làm trò ngoan nên có vẻ không vui chứ khôgn hề biết rằng toàn bộ thời gian ấy tôi dành để nói chuyện với bà.
– ——-*———*——–
Người chết cũng đã chết, người sống vẫn cứ phải tiếp tục sống, và nỗi đau nào rồi cũng sẽ nguôi vì thời gian chính là liều thuốc có thể chữa lành tất cả.
Tôi bỏ học nhiều quá nên nhà trường bắt đầu gửi giấy về nhà, nội dung thì thông báo rằng nếu tôi nghỉ thêm thì sẽ bị buộc thôi học vì nghỉ quá số tiết quy định. Tôi chẳng mấy quan tâm đến điều ấy vì tôi đã xác định sẽ nghỉ học. Lý do là vì tôi tự thấy với lực học hiện tại tôi sẽ không theo nổi. Thứ 2 tôi cũng chẳng có hứng thú với việc đi học mà bắt đầu có suy nghĩ sẽ đi làm hoặc kiếm một mặt hàng nào đó để kinh doanh. Bố vừa đỡ 1 khoản học phí cho tôi mà biết đâu nếu thuận lợi tôi còn có thể phụ với bố để trả nợ.
Tôi đã suy nghĩ mấy đêm liền nên dù bố có nói thế nào tôi cũng quyết không trở lại trường mà ở nhà tính toán xem sẽ làm gì. Đi làm công ty thì tôi chưa đủ tuổi, mà kinh doanh thì lại chẳng có vốn. Có quá nhiều dự định mà không biết lựa chọn cái nào.
Bố thì lúc nào cũng nhẹ nhàng phân tích:
– Chi bố biết con nghĩ gì nhưng mà nghe bố còn còn nhỏ việc của con bây giờ là đi học. Không học nhiều thì cũng cố gắng mà lấy cái bằng tốt nghiệp cấp 3. Con thấy bây giờ làm công nhân người ta cũng cần phải có bằng chứ có như thời ngày xưa đâu.
– Con thấy con không phù hợp với việc học, con chỉ muốn đi làm thôi.
– Bố nói con không hiểu à, làm gì có công việc nào dành cho đứa chưa học hết lớp 7 không? Thời giờ mà không có bằng cấp là người ta coi khinh chứ ai người ta thèm thuê mà làm. Nghe bố mai đi học lại đi, sợ thì mai bố lai lên trường bố nói chuyện với thầy hiệu trưởng rồi xin cả cô chủ nhiệm cho.
Bố dừng lại nhìn tôi thấy tôi cứ lặng im không nói thì lại thở dài bảo:
– Con phải chịu khó học, phải nghe lời bố thì bố mới thảnh thơi đầu óc để làm ăn. Chứ con cứ như thế này thì bố chết chứ bố chẳng sống được nữa. Bố buồn con lắm, đáng ra con là chị con phải làm gương cho em nó còn noi theo chứ con thế này thì bố còn nói sao được em. Bây giờ bà mất rồi, còn có 3 bố con mình nương tựa vào nhau, con lớn phải phụ bố lo cho em rồi cố gắng mà học hành. Chứ con mà thế này thì bố sống làm gì nữa.
Giọng nói của bố đang dần nghẹn lại, từng câu từng chữ đều thể hiện sự đau lòng, sự bất lực. Nhưng bố mãi mãi không hiểu tôi nghỉ học một phần do muốn cùng bố làm kinh tế để lo cho em. Vì tôi biết bản thân cố theo học cungz chỉ phí tiền chứ chẳng thể đi đến đâu.
Đáng tiếc là mấy lời ấy tôi lại không thể nói ra, tôi sợ nếu bố biết được sẽ càng dằn vặt và tự trách bản thân hơn. Nên thà để bố hiểu lầm về tôi còn hơn là để bố nghĩ rằng mình là một ông bố vô dụng.
Bố hết nhẹ nhàng khuyên nhủ lại quay sang van xin cuối cùng là đánh mắng tôi vẫn quyết không chịu đến trường.
Chẳng biết ai nói cho mẹ tôi biết tôi đã nghỉ học mà hôm đó mẹ đến từ sáng sớm, chẳng nói chẳng rằng mẹ chỉ vào mặt bố mà chửi:
– Mày đã sáng cái mắt mày ra chưa, tao đã bảo mày để con dùng điện thoại thì khác nào dạy hư con đâu. Giờ mày thấy chưa, mày làm hỏng cả tương lai của nó rồi đấy. Giờ mày có nói được không, nếu không thì để tao đưa nó về dưới kia tao tìm việc làm cho nó?
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!