Đoạn Kiếm Thù
Chương 96: Công Tôn Vân Tặng Kiếm Tử Nguyên
Triệu Tử Nguyên cười rộ đáp :
– Chính là cái này!
Đột nhiên chàng vươn tay ra chụp.
Triệu Tử Nguyên ra chiêu thần tốc. Ban Ngọc Như không ngờ chàng ra tay đột ngột. Hắn muốn lảng tránh thì đã không kịp. Cổ tay mặt bị nắm giữ rồi. Dè đâu biến cố lại phát hiện. Triệu Tử Nguyên vừa chụp vào cổ tay Ban Ngọc Như, bất giác rú lên một tiếng kinh hãi, lùi lại hai bước.
Ban Ngọc Như ngơ ngác hỏi :
– Đại hiệp…
Đột nhiên hắn xoay mình chạy đi như bay.
Bọn Thẩm Trị Chương kinh ngạc đến ngẩn người. Chẳng ai hiểu đã xảy chuyện gì?
Bọn Thẩm Trị Chương đi tìm đến tòa Quan Đế miếu đổ nát ngoài trấn tập.
Ngôi miếu này ở lưng chừng sườn núi, đã lâu ngày chẳng có hương khói chi hết.
Thẩm Trị Chương hỏi :
– Triệu tiểu ca! Tiểu ca có thể nói lại chuyện vừa rồi xảy ra thế nào không?
Triệu Tử Nguyên đáp :
– Sao lại không được? Tại hạ cảm thấy Ban Ngọc Như dường như là một nữ nhân.
Mọi người nghe nói đều kinh ngạc.
Thánh Thủ thư sinh hỏi :
– Thảo nào tại hạ thấy mặt y lạnh như tiền thì ra y đeo mặt nạ. Triệu huynh có nhận ra y là ai không?
Triệu Tử Nguyên thở dài đáp :
– Nói ra có lẽ các vị không thể tin được. Y chính là Võ Băng Hàm, con gái Võ Khiếu Thu.
Thẩm Trị Chương giật mình hỏi :
– Thị ư? Vụ này rắc rối to rồi.
Viên Thiên Phong hỏi :
– Làm sao mà rắc rối?
Thẩm Trị Chương đáp :
– Võ Băng Hàm là đứa con gái rất quí báu của Võ Khiếu Thu. Nghe nói hai cha con y đều đến kinh thành. Nay Võ Băng Hàm đã xuất hiện, dĩ nhiên Võ Khiếu Thu cũng ở quanh đây.
Thánh Thủ thư sinh kinh hãi nói :
– Võ Khiếu Thu, Yên Định Viễn, lại còn Quỷ Phủ đại soái kết đảng với nhau. Theo nhận xét của tiểu đệ thì e rằng nơi đây chẳng còn gì là bí mật nữa.
Triệu Tử Nguyên đã có định kiến, lắc đầu đáp :
– Cái đó chưa chắc.
Thánh Thủ thư sinh sửng sốt hỏi :
– Sự thực là như vậy còn chưa chắc gì nữa?
Triệu Tử Nguyên nhăn nhó cười đáp :
– Chẳng giấu gì các vị: Tại hạ đã có lần gặp Võ Băng Hàm, dường như y muốn tố cáo nhiều bí mật nhưng bị Võ Khiếu Thu kêu đi. Sau đó một lát, Võ Khiếu Thu, Yên Định Viễn, lại còn Quỷ Phủ đại soái và Hoa hòa thượng đều xuất hiện.
Thẩm Trị Chương động tâm hỏi :
– Phải chăng bọn họ muốn hành động bất lợi cho tiểu ca?
Triệu Tử Nguyên gật đầu đáp :
– Đúng thế! Sau đó Ngọc Yến Tử cô nương giả tấu khúc nhạc của Đông cung khiến bọn chúng kinh hãi phải chạy đi. Nay Võ Băng Hàm cải trang tới đây, tại hạ đoán là y quả có điều cơ mật muốn cho tại hạ hay.
Thánh Thủ thư sinh nói :
– Đáng tiếc! Thật là đáng tiếc!
Triệu Tử Nguyên đáp :
– Y đã bỏ đi biết đâu mà kiếm? Chúng ta đành dùng chốn này làm chỗ liên lạc, xin các vị hàng ngày tới đây hội họp vào lúc xế chiều. Tại hạ còn mấy việc gấp phải làm, vậy xin cáo từ.
Thẩm Trị Chương trầm ngâm nói :
– Được rồi! Công việc đêm nay mong rằng tiểu ca bảo trọng.
Triệu Tử Nguyên đáp :
– Bất tất Trang chúa phải dặn bảo. Tại hạ hiểu rồi.
Dứt lời chàng cất bước ra cửa. Chàng tính thầm trong bụng :
– “Mấy ngày liền xảy chuyện, ở kinh thành nhiều người biết mặt ta rồi. Ta phải thận trọng lắm mới được, ẩn bí, hóa trang làm một văn sĩ ngoài ba chục tuổi rồi đàng hoàng tiến vào thành.”
Chàng biết đêm nay ở phủ Cửu Thiên Tuế không phải như ngày trước.
Chàng đang đi nghe ngóng, bỗng tìm đến một tiệm sắt chuyên đúc binh khí.
Tiệm sắt này không lớn mấy. Một lão già chừng năm mươi tuổi đang đứng ở cửa. Chàng tiến vào thì bên trong đã có một khách hàng. Người kia lối ngoài ba chục tuổi, y phục hoa lệ, hơn Triệu Tử Nguyên nhiều. Lão thợ rèn đang đánh một thanh đao. Xem chừng còn phải một thời gian khá lâu mới hoàn thành.
Triệu Tử Nguyên ngần ngừ lên tiếng :
– Chào lão trượng.
Lão thợ rèn đang thổi bễ, nghe nói không quay đầu lại, miệng hỏi :
– Phải chăng công tử muốn đúc kiếm?
Triệu Tử Nguyên lắc đầu đáp :
– Không phải. Tại hạ đang có việc gấp. Lão trượng có thanh kiếm nào bán hay không?
Lão thợ rèn đáp :
– Có một thanh nhưng giá tiền hơi đắt.
Triệu Tử Nguyên cười hỏi :
– Lão trượng muốn lấy bao nhiêu?
Lão thợ rèn bây giờ mới ngửng đầu nhìn Triệu Tử Nguyên nói :
– Lão hủ chẳng nói nữa là xong?
Triệu Tử Nguyên hỏi :
– Lão trượng thấy tại hạ có vẻ cùng nghèo mà thanh kiếm lại giá cao nên không muốn nói ra chứ gì?
Lão thợ rèn đáp :
– Lão hủ coi nhiều rồi. Công tử là rồng phượng trong loài người. Lão hủ có nói giá, công tử vị tất đã mua được nên không nỡ để công tử phải thất vọng.
Triệu Tử Nguyên giục :
– Lão trượng cứ nói đi! Mua được hay không cũng chẳng hề gì.
Lão thợ rèn đáp :
– Một vạn lạng bạc.
Lão nói rồi chẳng những Triệu Tử Nguyên kinh hãi mà cả thanh niên ăn mặc hoa lệ cũng giật mình. Lão thợ rèn cười hỏi :
– Sao? Quả nhiên lão hủ đã coi thấy chỗ cùng nghèo của công tử.
Triệu Tử Nguyên thở dài đáp :
– Tình thực hiện giờ ngàn lạng tại hạ cũng không có. Chắc thanh kiếm đó báu lắm! Lão trượng có thể cho coi một chút được chăng?
Lão thợ rèn lắc đầu đáp :
– Cái đó hãy khoan. Chúng ta hãy nói chính đề trước.
Triệu Tử Nguyên hỏi :
– Lão trượng có điều chi dạy bảo?
Lão thợ rèn đáp :
– Công tử hãy nghe cho rõ. Lão phu ra giá một vạn lạng, thiếu một đồng cũng không được. Nhưng nếu công tử biết được lai lịch thanh kiếm đó thì lão phu xin dâng không lấy một đồng.
Triệu Tử Nguyên sửng sốt nghĩ thầm :
– “Trong thiên hạ sao lại có chuyện hời thế được?”
Nhưng rồi chàng lại nghĩ vụ này rất khó khăn. Chỉ nhà cự phú sẵn tiền bỏ ra mua là dễ ợt.
Thanh niên y phục hoa lệ lạnh lùng nói :
– Cái đó kêu bằng của báu chỉ dành cho người biết.
Triệu Tử Nguyên mỉm cười nói :
– Thực tình tại hạ chẳng giỏi giang gì, nhưng lão trượng nói vậy tại hạ lớn mật muốn thử một phen. Xin lão trượng lấy kiếm ra.
Lão thợ rèn tay mặt vẫn thổi bễ, tay trái trỏ vào tường đáp :
– Chính là thanh kiếm kia. Tiểu ca tự tiện lại lấy mà coi.
Triệu Tử Nguyên và thanh niên ăn mặc hoa lệ đều ngửng đầu lên thấy một thanh kiếm dài. Cả bao lẫn chuôi bụi đất bám đầy. Thanh kiếm treo không xa mấy. Phân nửa vỏ kiếm bị lửa nung thành màu tía. Cứ trông bề ngoài thì chỉ thấy nó dài, còn chẳng có ấn tượng gì là thanh kiếm tốt. Triệu Tử Nguyên và thanh niên đều có cảm tưởng không thích, chẳng hiểu sao lão lại đòi đến một vạn lạng.
Triệu Tử Nguyên bước lại lấy kiếm xuống, cầm tay rất nặng. Chàng phủi bụi bên ngoài đi. Thanh kiếm này trừ chỗ chìa ra đã thành màu tía, còn toàn màu xanh biếc. Chàng cất tiếng khen :
– Hảo kiếm!
Chàng rút kiếm khỏi vỏ đánh soạt một tiếng. Một tia sáng xanh lè bay quanh trong nhà. Thanh niên áo hoa lệ biến sắc trầm trồ ca ngợi :
– Quả là kiếm tốt.
Lão thợ rèn vẫn thổi bễ, miệng hỏi :
– Chắc tiểu ca biết lai lịch thanh kiếm này rồi chứ?
Triệu Tử Nguyên nhìn kỹ chuôi kiếm bất giác chấn động tâm thần, hít một hơi chân khí, đáp :
– Tại hạ nói ra nếu có chỗ sai trật, xin lão trượng lượng thứ.
Lão già đáp :
– Tiểu ca bất tất phải khách sáo.
Triệu Tử Nguyên tra kiếm vào võ, vẽ mặt nghiêm trọng nói :
– Thanh kiếm này tên gọi là Thanh Ái. Tại hạ phỏng đoán kiếm đúc đã đến hai trăm năm. Lưỡi kiếm sắc bén không kém gì những thanh Mạc Gia, Can Tương.
Thật một trân phẩm hiếm có trong hồi cận đại.
Thanh niên ăn mặc hoa lệ chăm chú nhìn động tác của Triệu Tử Nguyên.
Gã nghe chàng nói là kiếm Thanh Ái. Mặt gã đột nhiên biến sắc, nhưng chỉ thoáng cái đã khôi phục lại vẻ thản nhiên.
Lão thợ rèn không chú ý nhìn thần sắc chàng, gật đầu hỏi :
– Đúng rồi! Đúng rồi! Lão hủ còn một điều muốn thỉnh giáo. Tiểu ca có hiểu bối cảnh về lịch sử thanh kiếm này không?
Triệu Tử Nguyên nghiêm nghị đáp :
– Về đời Đại Minh, vua Thái Tổ cùng Trương Tự Thành tranh dành thiên hạ. Cây kiếm này thuộc quyền sở hữu của Trương Tự Thành. Đại khái trải qua mấy cuộc tang thương, kiếm lọt vào tay một dị nhân trong võ lâm.
Lão thợ rèn hỏi :
– Xin hỏi bậc dị nhân đó là ai?
Triệu Tử Nguyên nghiêm nghị đáp :
– Là Kim Đỉnh Tước trong Linh Võ tứ tước.
Lão thợ rèn hơi biến sắc nói :
– Đúng lắm! Đúng lắm! Vậy cây kiếm này thuộc về tiểu ca rồi.
Thanh niên ăn mặc hoa lệ đột nhiên lên tiếng :
– Hãy khoan!
Lão thợ rèn nhìn gã lạnh lùng hỏi :
– Công tử có điều chi dạy bảo?
Thanh niên ăn mặc hoa lệ đáp :
– Cây kiếm này chưa thể thuộc quyền sở hữu của huynh đài đây được.
Lão thợ rèn không bằng lòng hỏi :
– Thanh kiếm này của lão phu. Lão hủ đã tuyên bố nó thuộc quyền sở hữu của công tử đây. Tại sao các hạ lại cản trở?
Thanh niên ăn mặc hoa lệ lạnh lùng đáp :
– Tại hạ cản trở là có nguyên nhân. Tại hạ hãy thỉnh giáo huynh đài: Cây kiếm này đã thuộc sở hữu của Kim Đỉnh Tước, tại sao lại lọt vào tay lão trượng đây?
Quả nhiên câu hỏi này thật hóc búa. Triệu Tử Nguyên không biết đường trả lời.
Thanh niên ăn mặc hoa lệ lại nói :
– Nếu huynh đài không hiểu, tại hạ có thể nói được, nhưng…
Triệu Tử Nguyên ngắt lời :
– Nhưng làm sao?
Thanh niên ăn mặc hoa lệ đáp :
– Thanh kiếm này không thể thuộc quyền sở hữu một mình huynh đài được.
Triệu Tử Nguyên liếc mắt nhìn lão thợ rèn thì chỉ thấy lão vẫn thổi bễ. Thanh đao đã nung đỏ mà dường như lão không hay, tiếp tục kéo bễ.
Triệu Tử Nguyên ngấm ngầm kinh hãi nghĩ thầm :
– “Lão già này có vẽ kỳ quái, mà thanh niên ăn mặc hoa lệ cũng không phải tầm thường.”
Chàng nói :
– Huynh đài hãy cứ đưa sự thực ra rồi tại hạ sẽ quyết định.
Thanh niên hoa lệ hắng dặng hai tiếng đáp :
– Những lời huynh đài vừa nói đại khái không lầm. Nhưng chưa tường tận từ đầu đến cuối. Theo chỗ tại hạ biết thì Linh Võ tứ tước ngày trước là Tứ đại vương gia dưới trướng Trương Tự Thành. Văn Thù Tước là Trung Hiếu Vương.
Kim Đỉnh Tước là Tín Nghĩa Vương. Phổ Hiền Tước là Nhân Ái Vương. Thái Ất Tước là Hòa Bình Vương.
Triệu Tử Nguyên kinh hãi vì lịch sử quá khứ của Linh Võ tứ tước chẳng hiểu gì, bây giờ nghe thanh niên nói vậy trong lòng chưa hết nghi ngờ, liếc mắt nhìn lão thợ rèn, thì thấy lão vẫn bâng khuâng thổi bễ, vẻ mặt bần thần như người hồi tưởng chuyện xưa kia.
Thanh niên ăn mặc hoa lệ lại nói :
– Một năm Trương Tự Thành tranh bá đồ vương của vua Thái Tổ rồi bị bại. Tứ đại vương gia bảo vệ Trương Tự Thành chạy trốn. Nhưng binh tướng của Thái Tổ càng ngày càng đông. Trương Tự Thành biết khó lòng tránh khỏi số trời, liền nhìn Tứ vương nói: “Trời hại ta rồi!”
Gã kể tiếp :
– Tứ Vương trong lòng bất phục. Nhưng quân Minh càng đánh càng hăng. Đại tướng Thường Ngộ Xuân và Từ Đạt rượt tới. Tứ Vương biết là đại sự hỏng rồi liền để Văn Thù Tước và Kim Đỉnh Tước đoạn hậu. Phổ Hiền Tước và Thái Ất Tước bảo vê. Trương Tự Thành vừa đánh vừa chạy. Đại binh của Trương bị hai tướng Thường, Từ tiêu diệt quá nửa. Lúc đó bên mình Trương Tự Thành ngoài Tứ Vương còn một đại tướng rất đắc lực là Công Tôn Vân.
Lúc này lão thợ rèn đã rút thanh đao trong lò ra để lên đe đập choang choảng.
Triệu Tử Nguyên hỏi :
– Rồi sao nữa?
Thanh niên ăn mặc hoa lệ đáp :
– Công Tôn Vân nguyên là ái tướng thủ hạ của Kim Đỉnh Tước cũng cam nguyện lưu lại. Thường Ngộ Xuân đuổi tới, Kim Đỉnh Tước hết sức chống đỡ. Thường đại tướng quen sử trường thương mà Kim Đỉnh Tước dùng kiếm nên kém bề mặt binh khí.
Thanh niên ăn mặc hoa lệ kể tiếp :
– Kim Đỉnh tước vẫn nhờ cây Thanh Ái Kiếm chiến đấu với Thường đại tướng quân được ba trăm hiệp. Kim Đỉnh Tước sau bị trúng một thương vào đùi. Công Tôn Vân phi ngựa lại cứu lão rồi cùng Văn Thù Tước xông ra ngoài trùng vi. Kim Đỉnh Tước cảm kích bèn tặng cây Thanh Ái Kiếm cho Công Tôn Vân. Sau Trương Tự Thành thất bại. Tứ Vương và Công Tôn Vân vẫn còn sống ở thế gian nhưng hai bên cùng lập lời trọng thề là không chép vào bản Minh Lục…
“Xèo”, “xèo”, “xèo”…
Triệu Tử Nguyên giương mắt lên nhìn thấy lão thợ rèn nước mắt nhỏ giọt vào thanh kiếm đỏ hồng. Chàng cả kinh, liền đoán ra lão thợ rèn này tức là đại tướng Công Tôn Vân dưới trướng Kim Đỉnh Tước ngày trước. Triệu Tử Nguyên hỏi :
– Thiên cố sự của huynh đài đến đây là hết?
Thanh niên ăn mặc hoa lệ đáp :
– Đúng thế. Chẳng lẽ nó khác cố sự của huynh đài.
Triệu Tử Nguyên cười khanh khách hỏi :
– Không sai! Không sai. Nhưng tại hạ muốn hỏi huynh đài đã gặp gia sư chưa?
Thanh niên ăn mặc hoa lệ sửng sốt hỏi lại :
– Đại hiệp là đồ đệ nào của Linh Võ tứ tước ư?
Triệu Tử Nguyên thản nhiên đáp :
– Kim Đỉnh, Cao Hiền, Thái Ất đều là sư phụ của tiểu đệ.
Thanh niên ăn mặc hoa lệ trợn mắt nhìn Triệu Tử Nguyên lộ vẻ không tin.
Lão thợ rèn cũng ra chiều ngờ vực.
Triệu Tử Nguyên hiểu ý liền hỏi :
– Nếu các vị hoài nghi thì tại hạ xin biểu diễn môn võ công của gia sư nên chăng? Nhưng tại hạ không hiểu huynh đài đã gặp ai trong ba vị gia sư để tại hạ biểu diễn võ công của vị đó.
Thanh niên ăn mặc hoa lệ đáp :
– Huynh đài tay đã cầm cây kiếm của Kim Đỉnh tước, vậy xin thi triển môn võ công này cho tại hạ được mở rộng tầm mắt.
Triệu Tử Nguyên lắc đầu nói :
– Kiếm thức của Kim Đỉnh sư sát khí nặng quá. Tại hạ biểu diễn môn võ của Thái Ất sư hay hơn.
Thanh niên ăn mặc hoa lệ bất phục nói :
– Không! Huynh đài cứ biểu diễn kiếm thức của Kim Đỉnh tước.
Triệu Tử Nguyên không sao được, tay mặt nắm chặt chuôi kiếm.
Thanh niên hoa lệ và lão thợ rèn đều chăm chú nhìn Triệu Tử Nguyên.
Triệu Tử Nguyên không biết cả lão thợ rèn cũng chú ý đến mình. Chàng ung dung nhìn thanh niên nói :
– Trước khi rút kiếm, tại hạ xin nói một điều là theo lời huynh đài thì Linh Võ tứ tước một lòng tận trung với nhà Hậu Chu đã thề nguyện không ghi vào Minh Lục, nhưng theo chỗ tiểu đệ biết đó là điều đã qua, hiện nay bốn vị lão nhân gia đều cải biến tâm tư chỉ tự than mệnh trời đã định, nhân lực không thể vãn hồi được. Tỷ như Văn Thù, Thái Ất đều đã qua lại giang hồ. Nếu Công Tôn Vân tiền bối còn tại thế thì tại hạ tin rằng lão nhân gia cũng thay đổi ý định.
Lão thợ rèn đập búa đánh “choang” một tiếng hỏi :
– Tiểu ca gặp hai vị Văn Thù và Thái Ất ở đâu?
Triệu Tử Nguyên đáp :
– Tại hạ chưa gặp Văn Thù lão tiền bối, nhưng biết đích xác lão nhân gia đã qua lại giang hồ. Còn Thái Ất lão tiền bối thì tại hạ vâng lệnh tiến kinh để gặp lão nhân gia.
Lão thợ rèn động tâm hỏi :
– Tiểu ca có biết Thái Ất Tước ở đâu không?
Triệu Tử Nguyên lắc đầu đáp :
– Lão nhân gia như con thần long thấy đầu mà chẳng thấy đuôi, nhưng tại hạ đoán chắc lão đã đến kinh rồi.
Lão thợ rèn buông tiếng thở dài lẳng lặng không nói gì nữa.
Thanh niên ăn mặc hoa lệ thúc giục :
– Huynh đài sử kiếm đi!
Triệu Tử Nguyên đáp :
– Huynh đài đã có lệnh, tiểu đệ xin rút kiếm.
Thanh niên và lão thợ rèn quả nhiên để hết tinh thần phòng bị vì Triệu Tử Nguyên đã nói rõ sát khí về kiếm thức rất trầm trọng. Nhất là thanh niên đứng ngay người lên để phòng khi phải lùi lại.
Triệu Tử Nguyên từ từ rút kiếm. Một làn sát khí âm hàn lạnh thấu xương. Cả lò lửa đang cháy đùng đùng cũng lập tức bị đè nén.
Đột nhiên nghe đánh “soạt” một tiếng. Một tia kiếm quang khác vọt ra bay quanh gian nhà rồi nhằm bắn vào Triệu Tử Nguyên.
Triệu Tử Nguyên đang để hết tinh thần rút kiếm không ngờ giữa lúc ấy có người phóng kiếm ra. Chàng vừa rút kiếm khỏi vỏ. Hai luồng kiếm quang sắp đụng nhau trên không. Chàng thanh niên bật tiếng la hoảng lùi lại.
Triệu Tử Nguyên thu kiếm về ngập ngừng hỏi :
– Huynh đài…
Thanh niên bị Triệu Tử Nguyên hất lùi, ngơ ngác một chút rồi gượng cười đáp :
– Tại hạ có ý muốn thử chiêu thức thần kỳ của Kim Đỉnh Tước, không ngờ tự rước lấy tình trạng vô thú vị.
Triệu Tử Nguyên hỏi :
– Huynh đài sao lại muốn thử thách? Nếu tiểu đệ không rút kiếm về cho lẹ thì e rằng…
Thanh niên đáp :
– Đã tạ huynh đài đã nương tay. Cây kiếm này xin để thuộc về huynh đài.
Dù gã hết sức che giấu nhưng vẻ mặt không được tự nhiên.
Lão thợ rèn thủng thẳng nói :
– Tiểu ca thi triển Thương Lãng tam kiếm thì đúng là đệ tử của Tín Nghĩa Vương rồi.
Triệu Tử Nguyên nghiêm trang đáp :
– Nếu tiểu tử đoán không lầm thì tiền bối là Công Tôn tướng quân rồi.
Lão thợ rèn thở dài nói :
– Đã mấy chục năm qua, lão hủ quên cả họ tên. Nếu tiểu ca trân trọng lão hủ thì cứ kêu bằng Công Tôn thiết tượng là xong.
Triệu Tử Nguyên chắp tay đáp :
– Vãn bối không dám.
Công Tôn Vân hỏi :
– Vương gia vẫn mạnh giỏi chứ?
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!