Độc Thân Cần Yêu - Chương 5: Buổi tối không đến nỗi nào
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
142


Độc Thân Cần Yêu


Chương 5: Buổi tối không đến nỗi nào


Phương phóng xe khỏi hầm tòa nhà lao vào đêm mùa đông rét mướt. Số tiền lương overtime vừa lĩnh nóng hổi trong túi nhưng chẳng giúp cô cảm thấy ấm lên chút nào. Thời tiết thay đổi thật đột ngột. Buổi sáng đi làm vẫn thấy nắng hưng hửng, trưa đi ăn mặc một áo len mỏng thậm chí còn có cảm giác nóng, đến cuối buổi chiều không khí lạnh đã gào thét ầm ầm ngoài cửa kính. Bảng điện tử trước cửa trung tâm điện máy ở ngã tư chạy lừ lừ một hàng chữ số: 22:37, đèn giao thông đ

chỉ còn nhấp nháy màu vàng, Phương tăng ga, mặc cho gió mùa đông bắc cùng bụi cát châm những mũi kim nhoi nhói vào mặt vào cổ. Cô còn hơn 20 phút để chạy từ trung tâm thành phố về chỗ cô đang ở – một khu tập thể cũ ven đô, tiết kiệm phút nào hay phút đó. Nhà trông xe duy nhất dưới tầng hầm một của khu tập thể thường chỉ mở cửa đến mười một giờ đêm.

Nhưng không may cho Phương, chưa đến mười một giờ, cánh cổng có tấm biển “Nhận trông xe” đã khóa im ỉm, bên trong đèn tắt, tối om. Có lẽ thời tiết lạnh khiến ông bà chủ nhà không kiên nhẫn thức đợi khách như mọi hôm. Sau khi bấm chuông một đôi lần nhưng không thấy ai trả lời, Phương vòng xe đi ngược trở ra ký túc xá sinh viên cách đó vài trăm mét. Bãi xe của ký túc xá mở cửa đến tận mười một rưỡi hoặc muộn hơn, có lẽ cô vẫn còn thời gian kiếm cái gì đó nóng nóng lót dạ. Gần nửa tiếng đi ngoài đường với chiếc áo len mỏng khiến năng lượng từ chiếc bánh kẹp Gogo Green mà tiệm KFC đưa lên văn phòng lúc sáu giờ tiêu hao sạch. Dạ dày cô réo lên những tiếng óc ách ồn ào, vừa hay mắt cô liếc thấy tấm biển ghi mấy chữ “Bánh khúc gia truyền” dựng bên chiếc chõ ở một góc vỉa hè.

Bà bán hàng thoăn thoắt bới lấy nắm bánh khúc màu sẫm dính hạt xôi trắng lấm tấm đặt vào gói giấy lót nylon, vừa bới thêm xôi bên ngoài vừa xuýt xoa “trời rét thế này ăn bánh khúc là nhất”. Phương mở ví lấy tiền. Chẳng còn đồng lẻ nào, chỉ còn mấy tờ năm trăm nghìn vừa lĩnh lúc chiều. Bà bán hàng đang cầm lọ muối vừng định rắc vào bánh, thấy tờ tiền trong tay cô, liền bỏ luôn lọ xuống, giọng nói đang xởi lởi bỗng lạnh như ướp đá:

– Đưa tiền lẻ đi, không có tiền trả lại đâu.

– Nhưng cháu hết sạch tiền lẻ rồi.

– Thế thì thôi. – Bà ta ụp chỗ xôi bánh khúc trở lại chõ.

– Hay cô bán chịu cho cháu, mai cháu qua cháu trả.

– Biết mày ở đâu mà cho chịu. Ra hiệu tạp hóa đổi tiền đi rồi mua.

Theo hướng tay chỉ của bà bán xôi bánh khúc, Phương đến trước cửa hiệu tạp hóa. Cửa hiệu đã dọn hết hàng vào trong nhưng vẫn mở cửa, một cô bé chừng mười lăm tuổi đang xếp lại mấy hộp các tông.

– Em ơi, đổi cho chị tờ năm trăm với.

Cô bé ngoan ngoãn cầm tờ tiền vào trong nhà. Có tiếng mắng nhiếc vọng ra nhưng cụ thể thế nào thì Phương nghe không rõ. Rồi cô bé quay lại, bối rối đưa trả tờ năm trăm ngàn cho cô, nói qua quýt.

– Cô cháu cầm hết tiền về rồi. Cháu chỉ dọn hàng thôi ạ.

Phương nhìn cử chỉ thiếu tự nhiên của cô bé giúp việc, chỉ thấy tội nghiệp chứ không thấy giận. Có lẽ cô bé mới bị bà chủ ở bên trong mắng cho vì không biết từ chối, đêm hôm khuya khoắt không lo dọn cho xong còn đổi tiền đổi nong, ngớ ngẩn. Ừ mà cô thấy mình cũng ngớ ngẩn thật. Hàng quán quanh đấy đã nghỉ hết, đường càng lúc càng vắng, điện thoại thì đã hết sạch pin, vậy mà vẫn đứng đực ra đây, hy vọng đổi được năm trăm ngàn ra tiền lẻ để mua xôi bánh khúc. Đáng ra cô nên gửi nhanh cái xe cho xong rồi về nhà mới phải.

Bãi xe của ký túc xá vẫn sáng đèn. Ông trông xe chìa chiếc vé ép plastic cáu bẩn, nhìn Phương chăm chú một lát như nhận dạng tội phạm rồi mới mở lời. Câu nói của ông khiến Phương thực sự lâm vào cảnh dở khóc dở cười:

– Cho xin tiền trước nhé.

– Sáng mai lấy xe cháu trả được không ạ?

– Bọn mày cứ leo lẻo bảo sáng mai con trả rồi sáng mai lại đùn đẩy loạn lên rồi lấy xe đi mất, tao còn lạ gì!

– Cháu không phải sinh viên đâu ạ. Nhà cháu trong B3.

– B3 gì mà B3, không trả tiền trước thì đi chỗ khác mà gửi!

– Giờ này làm gì còn chỗ nào bác ơi. Với cả cháu có tiền chứ không phải không có

– Có tiền sao không trả?

– Nhưng cháu không có tiền lẻ.

– Thì đưa tiền chẵn rồi tao trả lại.

– Đây ạ. – Phương rút ví chìa nhanh tờ năm trăm nghìn.

– Hả? Mày đùa bố mày à, con ranh con. Biến!

Nói dứt câu, ông trông xe giật lại cái vé trên tay Phương, quày quả bỏ vào trong. Phương vừa bực mình vừa buồn cười, đành rồ ga chạy đi. Nếu không tìm được chỗ gửi xe, có lẽ cô phải nổ máy rồi dắt nó lên tận tầng năm để cất vào nhà. Cầu thang khu tập thể có lối hẹp để dắt xe ở giữa, nhưng từ tầng ba trở lên, cầu thang rất dốc chứ không thoai thoải như tầng một tầng hai. Với một cô gái đang đói và lạnh như cô lúc này, việc lôi chiếc xe ga lên tận tầng năm cũng đồng nghĩa với việc khẳng định mình có vấn đề về tâm thần. Nếu lát nữa vẫn không thể tìm ra chỗ gửi xe, có lẽ cô sẽ phải tính đến chuyện tạt vào nhà nghỉ nào đó để cả người và xe trú tạm qua đêm nay… Không, mấy nhà nghỉ đèn hồng ngoài đường lớn kia không phải chỗ dành cho những người đàng hoàng. Thà cô đi sang tận đầu kia thành phố đập cửa nhà mấy đứa bạn hồi đại học để xin ngủ nhờ còn hơn!

Ánh sáng của một cabin đặt máy ATM của Viettinbank thu hút sự chú ý của Phương. Tại sao cô không nghĩ ra sớm hơn nhỉ? Cô có thẻ của một ngân hàng cùng liên minh thẻ với Viettinbank nên có thể dùng thẻ của mình rút tiền trên máy này. Mà ATM của Viettinbank thì cho phép rút cả tờ tiền polyme mệnh giá nhỏ nhất. Vậy là cô sống rồi, sắp được ăn xôi bánh khúc và gửi xe rồi…

Nhưng thông báo máy ATM ngừng hoạt động hiển thị giữa màn hình đã ngay lập tức dập tắt niềm vui nho nhỏ mới nhen lên trong tâm trí cô. Đêm càng về khuya càng rét, cái áo len cổ tim và chiếc khăn lục không thể ngăn những cơn gió khô buôn buốt lùa sâu vào đường hô hấp, cô bắt đầu ran rát. Có lẽ phải bỏ ý định chạy xe lòng vòng tìm thêm điểm đặt máy ATM thôi, mình ốm đến nơi rồi, cô thầm nhủ, quả quyết dừng xe trước cửa một nhà thuốc.

Cửa cuốn đã hạ xuống một nửa nhưng biển hiệu hộp đèn của nhà thuốc vẫn sáng. Phương dựng xe nhìn vào. Người ngồi sau quầy hình như còn khá trẻ, đang vừa ghi chép nhãn thuốc vừa huýt sáo theo một bản nhạc trong bộ phim Hàn đang nổi. Cô ngập ngừng lên tiếng gọi rồi khom lưng chui qua cửa, vào bên trong. Người kia ngừng huýt sáo, ngẩng lên, có vẻ khá… kinh hãi khi bắt gặp bộ dạng tím tái xơ xác của Phương. Cô nhìn lướt qua thuốc trong tủ kính, dõng dạc nói:

– Anh bán cho em một hộp Strepsils.

– Chị lấy Strepsils cam hay bạc hà? – Người thanh niên bán thuốc hỏi, có vẻ cũng lấy lại bình tĩnh khá nhanh.

– Loại nào cũng được. Bao nhiêu tiền ạ?

– Một hộp hai nhăm nghìn.

– Thế anh cho em hai, à không, bốn hộp đi.

Người thanh niên bán thuốc đang lom khom lấy thuốc trong tủ, thấy Phương nói thế thì ngẩng lên nhìn một cái, như muốn xác định cô nói thật hay đùa. Phương cười gượng gạo, chìa tờ năm trăm nghìn:

– Em còn mỗi tờ này, sợ mua một hộp thì anh phải trả lại nhiều, không bán.

– Bán chứ, – Người kia đứng thẳng dậy, vừa cho thuốc vào túi vừa cười. – nhà thuốc làm gì mà không đủ bốn trăm mấy chục nghìn trả lại chị.

– Thôi, anh cứ bán cho em bốn hộp, đằng nào thì em cũng đang cần.

Nói đến đây Phương hắt xì liền mấy cái nước mắt nước mũi giàn giụa. Người thanh niên định đưa cái túi có bốn hộp Strepsils cho cô, thấy vậy lại bỏ hai hộp ra. Anh chỉ một hộp thuốc khác trong tủ kính.

– Hay là chị mua hai hộp Strepsils và một hộp Cảm Xuyên Hương này, vẫn hết từng ấy tiền mà lại chữa được hai triệu chứng. Chị hắt hơi nhiều như thế chắc là đi gió, bị lạnh. Uống Cảm Xuyên Hương với nước ấm sẽ phòng cảm mạo.

– Vâng, thế cũng được. À, nhà mình có bán giấy không anh

Sau một tiếng cười khẽ, hộp khăn giấy chìa ra trước mặt Phương cùng một lọ thuốc muối sinh lý:

– Chị nhỏ cái này rồi hãy dùng giấy, nhớ xì mũi từ từ từng bên một.

Phương làm theo lời người thanh niên, tự nhiên cảm thấy rưng rưng trong mắt. Người thanh niên cúi xuống tiếp tục kiểm kê số thuốc, không nhận ra rằng những cử chỉ rất bình thường của mình đã khiến người đối diện xúc động thế nào. Xếp mấy tờ tiền vừa được trả lại vào ví, Phương chào người thanh niên bán thuốc rồi vội vã quay về bãi xe ký túc xá, vừa kịp đẩy xe vào bãi gửi trước khi hết giờ. Ông trông xe dù vẫn cằn nhằn “sao không chuẩn bị tiền lẻ” nhưng không xua đuổi tờ năm mươi ngàn mà cô chìa ra. Bà bán xôi bánh khúc đã dọn hàng, cô cũng không thấy thèm hay tiếc chiếc bánh mua hụt nữa. Đồ ăn do một người không biết cảm thông và thay đổi thái độ còn nhanh hơn thời tiết như bà chuẩn bị có lẽ cũng chẳng ngon lành gì.

Phương rảo bước trên con đường nằm giữa hai khối nhà, lắng nghe tiếng chân của chính mình hòa nhịp với tiếng gió đập vào cánh cửa sổ nhà ai đó quên đóng. Từ lúc ở trong hiệu thuốc, cô đã bóc một viên Strepsils ra ngậm. Viên thuốc đang dần tan hết, mang theo vị ngọt của sirô cam và vị đắng của thuốc, cổ họng cô đã bớt đau rát so với lúc phóng xe trên đường. Khi cô mở cửa vào nhà, đồng hồ trên tường đã sắp chỉ mười hai giờ. Một buổi tối tưởng rằng chỉ gặp toàn những thứ lạnh lẽo, cuối cùng lại kết thúc bằng mấy viên Cảm Xuyên Hương uống với nước ấm, cũng chẳng đến nỗi nào. Trước khi chui vào chăn, cô bật điện thoại lên, cắm sạc và đặt lại chuông báo thức thành bản nhạc trong bộ phim Hàn đang nổi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN