Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra
Chương 38
BÀI DIỄN VĂN LÝ THÚ CỦA ĐÔN KIHÔTÊ VỀ NGHỀ VÕ VÀ NGHỀ VĂN
Đôn Kihôtê nói tiếp:
– Chúng ta đã bắt đầu bằng phân tích sự nghèo khó của một thư sinh cùng những hậu quả của nó; bây giờ ta thử xem một người lính có sung túc gì hơn không. Chúng ta sẽ thấy rằng trong số những người nghèo khó, không ai nghèo hơn anh lính vì anh ta sống bằng đồng lương chết đói trả chậm hoặc không trả, hay bằng cách đánh đổi tính mạng và lương tâm lấy những của cải do chính tay mình cướp bóc. Có những anh nghèo túng đến nỗi chỉ có độc chiếc áo da nát như băm để mặc ngày thường cũng như ngày hội. Mùa đông tháng giá, giữa nơi đồng không mông quạnh, để chống lại thời tiết khắc nghiệt, anh ta chỉ biết hà hơi từ trong bụng ra cho ấm người, nhưng vì bụng trống rỗng cho nên theo lẽ tự nhiên hơi thở ra cũng lạnh toát. Mong sao trời chóng tối để anh ta có thể ngả lưng trên giường lấy lại sức sau một ngày cực nhọc. Cái giường mới rộng làm sao! Mặt giường là cả mặt đất, tha hồ cho anh ta lăn lộn, xoay ngang xoay dọc chẳng sợ mất chăn. Thế rồi ngày thăng quan tiến chức tới, đó là ngày anh ta đi chiến trận: người ta sẽ đội cho anh một cái mũ tiến sĩ làm bằng vải thưa để băng bó vết thương do một viên đạn xuyên qua thái dương hoặc làm anh què chân cụt tay. Nếu việc đó không xảy ra vì trời kia rủ lòng thương cho anh được sống sót nguyên vẹn, có thể anh sẽ vẫn nghèo khổ như trước, và cần phải có những cuộc đọ sức mới, những cuộc chiến đấu mới để kiếm được chút đỉnh nếu như anh ta toàn thắng trở về. Nhưng, nếu các ngài có quan tâm đến vấn đề này, các ngài sẽ nhận thấy rằng trong chiến tranh, kẻ được khen thưởng quá ít so với con số tử vong. Chắc chắn các ngài sẽ phải công nhận rằng không thể đem so sánh được vì số người chết thì nhiều, còn số người sống sót được khen thưởng không quá số trăm. Đối với các văn nhân, tất cả những điều nói trên đây đều đảo ngược lại. Họ chẳng phải vất vả gì lắm cũng đủ sống; thành thử người lính phải làm nhiều nhưng hưởng ít hơn. Tuy nhiên, người ta có thể trả lời rằng việc ban thưởng cho hai ngàn văn nhân dễ hơn cho ba vạn quân nhân vì đối với các văn nhân, có thể giao cho họ những công việc phù hợp với nghề nghiệp của họ, còn nếu ban thưởng đầy đủ cho các quân nhân thì những lãnh chúa của họ sẽ phải chịu thiệt thòi. Nhưng thôi, ta hãy gạt vấn đề này sang một bên vì nó quá rắc rối, không có đường ra. Bây giờ ta quay trở lại vấn đề đang bàn tức là nghề võ quan trọng hơn nghề văn. Vấn đề này còn đang được bàn cãi vì mỗi bên đều có lý lẽ của mình. Những người bênh vực nghề văn nói rằng nếu không có nghề văn, nghề võ không thể tồn tại được vì chiến tranh cũng có những luật lệ, do đó phải phụ thuộc vào nghề văn và các văn nhân. Trái lại những người bênh vực nghề võ đối lại rằng nếu không có nghề võ thì những luật lệ cũng không tồn tại được vì nhờ có nghề võ mà các quốc gia được bảo vệ, các vương quốc được duy trì, các thành phố được giữ gìn, đường xá được bảo đảm, biển khơi không còn bóng hải tặc; tóm lại nếu nghề võ không thịnh hành, các quốc gia, vương quốc, triều đình, thành phố, các đường bộ và đường biển sẽ chìm đắm trong sự hỗn loạn chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn với tất cả sự tốn kém và tàn khốc của nó. Rõ ràng là một việc làm càng tốn công tốn sức bao nhiêu, càng phải được coi trọng bấy nhiêu. Một người muốn đạt tới đỉnh cao của nghề văn phải có thời gian, phải thức khuya dậy sớm, ăn đói mặc rách, chịu đựng những cơn nhức đầu đầy bụng và còn nhiều chuyện khác như tôi đã kể ra một phần ở trên kia. Nhưng một người muốn trở thành một quân nhân xuất sắc cũng phải chịu mọi gian khổ như một thư sinh nhưng ở mức rất cao không thể so sánh được bởi vì mỗi bước đi của anh ta đều có thể dẫn tới chỗ chết. Nỗi lo sợ cảnh thiếu thốn nghèo khổ của một anh học trò không giống nỗi lo sợ của một người lính bị vây *** trong thành, đang đứng gác trên một trạm tiền tiêu bỗng đâu phát hiện thấy kẻ địch đặt mìn ngay dưới chân mình mà không dám rời vị trí để tránh một nguy hiểm gang tấc đang đe dọa. Anh ta chỉ có thể báo cáo cho người chỉ huy biết để có biện pháp phá mìn, còn bản thân vẫn phải giữ nguyên vị trí mặc dù trong bụng nơm nớp không biết khi nào mình bị hất tung lên trời để rồi sẽ rơi xuống vực thẳm một cách miễn cưỡng. Nếu như điều đó chưa lấy gì làm nguy hiểm lắm, tôi xin đưa ra một ví dụ khác để xem có nguy hiểm bằng hoặc hơn không: giữa biển cả, hai chiến thuyền gặp nhau trong một trận giáp lá cà, mũi thuyền hai bên sát vào nhau, muốn xông sang thuyền đối phương phải băng qua một lối rất hẹp ở mũi thuyền; trước muôn ngàn sứ giả của thần chết, trước những họng súng trái phá tua tủa của đối phương chĩa thẳng vào mình, chỉ lỡ sẩy chân là xuống thăm Thủy cung; người chiến binh, với lòng dũng cảm phi thường và với ý thức cao về danh dự đang sôi sục trong lòng, đã lao lên hứng đựng hỏa lực dày đặc, cố băng qua khoảng cách nhỏ hẹp để vượt sang thuyền địch. Điều đáng khâm phục nhất là khi một người vừa ngã xuống để rồi không bao giờ trở dậy nữa, người khác đã thế chân ngay, và nếu người này cũng lăn xuống biển cả sâu thẳm, tuy anh ta chưa chết hẳn đã lại có những người khác tiếp tục thế chân; những gương dũng cảm và gan dạ như vậy luôn luôn xuất hiện trong chiến tranh. Hạnh phúc thay những thế kỷ trước đây không biết tới sự khốc liệt của những khẩu pháo ma quỷ! Kẻ đã phát minh ra những vũ khí khủng khiếp ấy đáng phải xuống địa ngục để nhận phần thưởng. Vì sự phát minh quỷ quái đó mà một kẻ xấu xa hèn nhát có thể kết liễu cuộc đời của một chiến binh dũng cảm; giữa nơi trận tiền bừng bừng khí thế chiến đấu làm nức lòng dũng sĩ, một viên đạn lạc (có thể do một kẻ nhát gan hoảng sợ cả tiếng nổ của chính khẩu súng mình đang bắn) bỗng đâu cắt đứt và kết liễu cuộc đời của những con người đáng được hưởng một cuộc sống bền lâu. Một khi nghĩ tới điều đó, thâm tâm tôi, tôi cảm thấy ân hận vì đã bước vào nghề hiệp sĩ giang hồ ở một thời đại đáng ghét như thời đại chúng ta đang sống. Gian nguy tôi không sờn, nhưng tôi thấy ngài ngại khi nghĩ rằng một chút thuốc súng và một viên chì nhỏ sẽ làm tôi lỡ cơ hội sử dụng cánh tay dũng mãnh và lưỡi gươm để trở nên lừng lẫy tiếng tăm khắp nơi nơi. Nhưng thôi, tất cả đều do Thượng đế định đoạt; tôi sẽ cố gắng thực hiện, và bước đường tôi đi càng gian lao nguy hiểm hơn của các hiệp sĩ giang hồ trước kia bao nhiêu, tôi sẽ càng được người đời quý trọng bấy nhiêu.
Trong lúc mọi người đánh chén, Đôn Kihôtê làm một bài diễn văn dài dằng dặc, quên cả ăn uống mặc dù đôi lúc Xantrô Panxa có nhắc chàng hãy ăn đã, rồi sau đó muốn nói bao nhiêu cũng được. Những người có mặt lại càng ái ngại cho chàng vì thấy một người thông minh, hiểu biết rộng, nói năng rành rọt như vậy mà hễ động tới những chuyện nhảm nhí về hiệp sĩ đạo là đầu óc bỗng dưng trở nên u mê lú lẫn. Cha xứ nói rằng những lý lẽ mà Đôn Kihôtê đã đưa ra để bênh vực nghề võ là rất đúng, và tuy là một người đi theo nghề văn có đỗ đạt hẳn hoi, Cha hoàn toàn đồng ý với chàng.
Lúc này, mọi người đã ăn xong. Sau khi dọn dẹp bàn ghế, bà chủ quán, con gái và cô hầu Maritornêx thu dọn lại căn buồng của Đôn Kihôtê để cho mấy cô gái ngủ. Đôn Phernanđô yêu cầu Người Tù kể lại cuộc đời, chàng nói:
– Căn cứ vào những hiện tượng khi ngài thoạt bước chân vào quán trọ này cùng với cô gái Dôraiđa tôi đoán rằng cuộc đời của ngài phải ly kỳ và lý thú.
Người Tù đáp:
– Tôi xin vui lòng tuân lệnh, chỉ e câu chuyện kể ra đây không đáp ứng sự mong muốn của ngài mà thôi; tuy nhiên, vì không dám cưỡng lại ý ngài, tôi xin kể.
Cha xứ và mọi người xung quanh cũng ngỏ ý muốn nghe và cảm ơn Người Tù trước. Thấy tất cả đều yêu cầu, Người Tù nói:
– Các ngài hà tất phải yêu cầu thêm vì lệnh của ngài đây cũng đủ rồi. Bây giờ, xin hãy chú ý, các ngài sẽ được nghe một câu chuyện hoàn toàn thật, khác những câu chuyện tưởng tượng do những kẻ dối giả đã nặn óc bày đặt ra.
Nghe Người Tù nói vậy, mọi người thu xếp lại chỗ ngồi và hết sức giữ yên lặng. Thấy các thính giả ngồi yên chờ mình lên tiếng, bằng một giọng êm ái, Người Tù chậm rãi mở đầu câu chuyện như sau:
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!