Đồng Đạo - Chương 37
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
98


Đồng Đạo


Chương 37


Người dịch: Nguyễn Bá Long

Nhà xuất bản: NXB Văn học

Shared by: CCG –

“Tôi đã có lần xử lý một vụ tai nạn xe, ngay sau khi tôi vào làm cho Hãng. Vụ tai nạn xảy ra ở đường 40, trên quận Stone, gần Wiggins. Các thân chủ của chúng tôi đang đi về hướng bắc khi một chiếc xe tải từ đường nhánh chạy ra, ngay phía trước mặt họ. Một vụ khủng khiếp. Có ba người trong chiếc xe của phía chúng tôi, người lái xe bị chết, vợ anh ta bị thương nặng, một đứa trẻ ngồi ở ghế sau gẫy một chân. Chiếc xe tải kia là của một công ty giấy, được bảo hiểm khá nhiều tiền, và bởi vậy vụ đó có khả năng được đền bù lớn. Họ giao cho tôi, và tôi rất hăng hái vào cuộc bởi mình là người mới. Chiếc xe tải kia có lỗi là điều không có gì phải nghi ngờ, nhưng người lái nó, không hề bị thương, cho rằng chiếc xe của thân chủ chúng tôi chạy quá tốc độ. Điều đó trở thành vấn đề lớn – chiếc xe của thân chủ chúng tôi đã chạy với tốc độ bao nhiêu ? Tay chuyên gia dựng lại hiện trường của tôi ước tính khoảng sáu mươi dặm một giờ, không đến nỗi quá đáng lắm. Tốc độ cho đường cao tốc là năm mươi lăm; và mọi người đều chạy ít nhất là sáu mươi. Các thân chủ của tôi đang trên đường đến Jackson để thăm gia đình, và không có gì phải vội vàng.

“Tay chuyên gia dựng lại hiện trường do Hãng bảo hiểm của chiếc xe tải kia thuê thì lại ước tính là bảy mươi lăm, và tất nhiên, điều này sẽ gây khó khăn lớn cho vụ kiện của chúng tôi. Bất kỳ một hội thẩm đoàn nào cũng sẽ cau mày với việc vượt quá tốc độ cho phép tới hai mươi dặm. Chúng tôi tìm được một nhân chứng, một ông già trong số hai hay ba người gì đó có mặt tại hiện trường lúc đó. Tên ông ta là Clovis Goodman, tám mươi mốt tuổi, mù một mắt và chỉ nhìn được bằng mắt kia.”

“Thế cơ à ?” Sandy hỏi.

“Phải, nhưng thị lực của ông ta chỉ giảm ở một mức nào đó. Ông ta vẫn lái được xe, và vào hôm đó, khi đang chạy trên xa lộ với chiếc xe thùng Chevolet đời 1968 thì chiếc xe của thân chủ chúng tôi vượt qua. Thế rồi, mới chỉ qua mỏm đồi tiếp theo đó thì ông thấy vụ tai nạn. Clovis là một ông già rất đôn hậu, sống có một mình, không có người thân, bị lãng quên, và rất xúc động trước vụ tai nạn khủng khiếp này. Ông ta đã cố gắng giúp đỡ cho các nạn nhân, và quanh quẩn ở đó một lúc rồi mới đi. Ông ta không hề nói chuyện gì với bất kỳ ai. Ông ta quá buồn. Sau này, ông ta nói với tôi là đã mất ngủ một tuần.

“Đại khái là chúng tôi được tin là một trong những nhân chứng đến sau đó đã quay video lại hiện trường vụ tai nạn trong khi xe cứu thương, xe cảnh sát và xe cứu hỏa còn đang ở đó. Giao thông bị chặn lại, người ta chán nản và có trời mà biết, họ đã quay video những thứ gì. Vậy là chúng tôi đã mượn cuộn băng. Một trợ lý đã xem kỹ và ghi lại tất cả các biển số xe. Rồi anh ta tìm các chủ xe, cố kiếm các nhân chứng. Vì thế mà chúng tôi đã tìm được Clovis. Ông ta nói rằng thực sự là đã nhìn thấy vụ tai nạn, nhưng quá buồn nên không muốn nói gì với ai. Tôi xin được đến thăm, và ông ta đồng ý.

“Clovis sống trong vùng nông thôn, bên ngoài Wiggins, trong một ngôi nhà gỗ mà ông ta và vợ đã làm từ thời trước chiến tranh. Bà vợ đã chết từ nhiều năm. Người con duy nhất, lại hư hỏng, của ông ta cũng vậy. Ông ta có hai cháu nội: một sống ở Califorrnia và một sống ở gần Hattiesburg, và đã không gặp mặt trong nhiều năm. Tôi được nghe tất cả những điều đó trong vòng một tiếng đồng hồ đầu tiên. Clovis là một ông già cô độc, thoạt đầu thì cộc cằn bởi lẽ dường như không tin vào các luật sư và không muốn mất thời gian, nhưng chẳng bao lâu sau lại đã đi đun nước sôi để pha cà phê và ngồi kể lể những chuyện kín trong gia đình. Chúng tôi ngồi ngoài hiên, trên những cái ghế đu với hơn một chục con mèo quây dưới chân, và nói về mọi chuyện, chỉ trừ cái vụ tai nạn kia. Cũng may hôm ấy là thứ bẩy nên tôi có thời gian rảnh và không phải lo về chuyện ở Hãng. Ông ta là người có tài kể chuyện. Cuộc “Suy thoái kinh tế” là một đề tài ưa thích, cùng với cuộc chiến tranh. Sau một vài tiếng đồng hồ, cuối cùng thì tôi cũng nhắc tới vụ tai nạn kia, và ông ta trở nên trầm lặng, trông đầy đau đớn và khẽ khàng nói với tôi rằng mình chưa thể nào nói tới chuyện đó. Ông ta bảo có biết vài điều quan trọng, nhưng chưa phải lúc nói ra được.

Tôi hỏi ông ta đang chạy với tốc độ bao nhiêu khi chiếc xe của thân chủ chúng tôi vượt qua. Ông ta nói là chưa bao giờ chạy quá năm mươi. Song khi tôi liệu ông ta có thể áng chừng được tốc độ chiếc xe của thân chủ chúng tôi không thì ông ta chỉ lắc đầu.

“Hai ngày sau, tôi ghé lại vào lúc chiều muộn, và chúng tôi lại ngồi ngoài hiên trò chuyện về đề tài chiến tranh. Vào lúc sáu giờ, Clovis kêu đói bụng, nói rằng thích món cá trê, và hỏi tôi có muốn cùng đi ăn tối không. Lúc đó tôi chưa lấy vợ, và bởi vậy sẵn sàng ngay. Tất nhiên là tôi lái xe còn ông ta thì nói chuyện. Chúng tôi được ăn món cá trê béo ngậy với giá sáu đôla một suất no nê. Clovis ăn rất chậm, cằm chỉ cách đĩa thức ăn có dăm bảy phân. Cô bồi bàn để hóa đơn thanh toán lên bàn và Clovis không hề để mắt tới. Nó nằm đấy có tới mười phút. Ông ta vẫn vừa ăn vừa nói nhồm nhoàm. Tôi tính rằng chi tiền cho bữa ăn tối đó cũng đáng nếu như Clovis nói lại những gì ông ta biết. Sau cùng, chúng tôi rời khỏi đó và trên đường trở về ngôi nhà của mình, ông ta nói là muốn uống một lon bia, chỉ một thôi là đủ, và đó là lúc mà chúng tôi đang tới gần một cửa hàng. Tôi dừng xe. Ông ta không nhúc nhích, và bởi vậy lại tôi là người mua bia. Chúng tôi vừa đi trên đường vừa uống, và ông ta nói muốn giới thiệu với tôi nơi ông ta đã lớn lên. Không xa lắm, ông ta nói vậy. Hết con đường này tới con đường kia, và sau hai mươi phút thì tôi không còn biết là mình đang ở đâu nữa. Clovis không nhìn được rõ lắm. Ông ta muốn một lon bia nữa. Tôi hỏi người bán hàng phương hướng rồi Clovis và tôi lại lên đường. Ông ta chỉ lối này lối kia, và sau cùng chúng tôi tới thị trấn Necaise Crossing ở quận Hancock. Vừa đến đó, ông ta lập tức bảo là có thể quay về được rồi. Ông ta đã quên chuyện về ngôi nhà tuổi thơ của mình. Lại bia nữa. Lại phải hỏi đường từ những người bán hàng.

“Khi về gần tới ngôi nhà của ông ta, tôi nhận ra chúng tôi đang ở đâu, và tôi bắt đầu hỏi về vụ tai nạn. Ông ta nói vẫn còn quá đau thương để có thể nhắc lại. Tôi đưa ông ta vào nhà và ông ta nằm vật xuống chiếc xôpha, ngáy khò khò. Lúc đó đã gần nửa đêm. Chuyện cứ như vậy gần một tháng trời. Ngồi ngoài hiên. Đi ăn món cá trê vào các ngày thứ ba. Đi uống bia. Khoản tiền bảo hiểm có giới hạn là hai triệu đôla. Trường hợp của thân chủ chúng tôi đáng được hưởng tất cả, và lời chứng của Clovis ngày càng trở nên quan trọng mặc dù ông ta không hề biết điều đó. Clovis bảo đảm với tôi rằng chưa hề có ai khác liên hệ với ông ta về vụ tai nạn, bởi thế điều cốt lõi là tôi phải tóm được những lời xác nhận của ông ta trước khi người của Hãng bảo hiểm mò tới.”

“Đã bao nhiêu thời gian trôi qua kể từ khi vụ tai nạn xảy ra ?” Sandy hỏi.

“Bốn hay năm tháng gì đó. Sau cùng, một hôm tôi đã bức bách Clovis. Tôi bảo ông ta rằng chúng tôi đã đi tới một thời điểm quan trọng trong vụ kiện đó, và đã đến lúc ông ta phải trả lời một vài câu hỏi. Ông ta nói là sẵn sàng. Tôi hỏi chiếc xe của thân chủ chúng tôi chạy với tốc độ bao nhiêu khi vượt qua ông ta. Ông ta nói chắc chắn là phải nhanh lắm, với những người bị thương đến mức độ như vậy, gẫy xương và chảy máu, đặc biệt là thằng bé ngồi đằng sau. Ông già tội nghiệp đó ngân ngấn nước mắt. Vài phút sau đó, tôi lại hỏi, Clovis, ông có thể ước chừng chiếc xe của thân chủ chúng tôi chạy với tốc độ bao nhiêu khi vượt qua ông không ? Ông ta nói tất nhiên là rất muốn giúp cho gia đình đó. Tôi nói chắc chắn là họ sẽ đánh giá cao điều này. Và rồi, ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi, và hỏi, Anh muốn nó chạy với tốc độ bao nhiêu ?

“Tôi nói rằng theo ý kiến tôi thì nó chạy vào chừng khoảng năm mươi lăm dặm một giờ. Clovis nói, Vậy thì đúng là thế. Năm mươi lăm dặm một giờ. Tôi đang chạy năm mươi, và họ chỉ nhanh hơn tôi một chút thôi.

“Chúng tôi ra tòa, và Clovis Goodman là nhân chứng tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy. Ông ta già, nhún nhường, nhưng khôn ngoan và tuyệt đối đáng tin cậy. Đoàn hội thẩm đã phớt lờ tất cả những thêu dệt của đám tái dựng hiện trường và chỉ dựa vào Clovis để đưa ra phán quyết của họ. Họ đã cho thân chủ chúng tôi hưởng hai triệu ba trăm nghìn đôla.

“Chúng tôi đã giữ liên hệ. Tôi làm di chúc cho Clovis. Ông ta chẳng có gì nhiều; chỉ độc ngôi nhà và sáu mẫu đất, bảy nghìn đôla trong nhà băng. Khi chết, ông ta muốn bán tất cả đi và trao tiền cho hội Những người con gái của Liên bang miền Nam. Không một thân nhân nào được nhắc tới trong di chúc. Cậu cháu trai ở California đã biệt tăm biệt tích từ hai mươi năm qua. Cô cháu gái ở Hattiesburg thì không liên lạc gì kể từ lần ông ta nhận được lời mời dự lễ tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 1968. Ông ta đã không dự và cũng không gửi quà. Hiếm khi ông ta nhắc đến họ, nhưng tôi biết Clovis thèm được có chút liên hệ với gia đình lắm.

“ Ông ta trở nên ốm đau và không thể nào sống một mình được nữa, bởi vậy tôi đã đưa ông ta đến một nhà dưỡng lão ở Wiggins. Tôi bán ngôi nhà và trang trại của ông ta đi, và lo hộ mọi chuyện về tài chính. Lúc bấy giờ, tôi là người bạn duy nhất của ông ta. Tôi đã gửi thiệp, gửi quà, và mỗi khi đi Hattiesburg hay Jackson tôi đều ghé thăm ông ta với thời gian lâu nhất có thể được. Chí ít cũng mỗi tháng một lần, tôi đến kiếm và đưa ông ta đi ăn món cá trê. Rồi lại đi lòng vòng trên đường. Sau một hay hai lon bia gì đó thì ông ta lại bắt đầu kể chuyện. Có một hôm, tôi đưa ông ta đi câu cá, chĩ có tôi và Clovis trên một cái thuyền trong tám tiếng đồng hồ, và chưa bao giờ trong đời tôi lại được một bữa cười vỡ bụng đến thế.

“ Ông ta bị viêm phổi vào tháng Mười một năm 91, suýt chết. Trận ốm đó làm ông ta sợ. Chúng tôi sửa lại bản di chúc. Ông ta muốn để lại một chút tiền cho nhà thờ xứ của mình, phần còn lại mới là cho những người còn sống sót của Liên bang miền Nam. Ông ta đã chọn đất đặt mộ, dàn xếp chuyện lễ tang. Tôi còn nêu vấn đề di chúc sống, để ông ta khỏi phải sống nhờ vào những cái máy. Ông ấy rất thích và khăng khăng đòi tôi phải được lập làm người sẽ ngắt công tắc, tất nhiên là có sự tham khảo với các bác sĩ. Clovis chán nhà dưỡng lão, chán sự cô độc, chán sống. Ông ta nói là trái tim ông ta đã về với Chúa, và rằng ông ta sắp ra đi rồi.

“Căn bệnh viêm phổi đã tái phát dữ dội vào đầu tháng Giêng năm 92. Tôi đã cho đưa ông ta tới bệnh viện Biloxi để có thể trông chừng được. Ngày nào tôi cũng ghé, và tôi là người duy nhất đến thăm Clovis. Không còn bạn bè nào khác. Không người thân thích. Không mục sư. Không ai cả ngoài tôi. Tình trạng của ông ta từ từ xấu đi, và thấy rõ là ông ta sẽ không bao giờ ra viện được. Ông ta rơi vào tinh trạng hôn mê, không hề tỉnh lại. Họ đưa ông ta lên máy cứu sinh, và sau chừng một tuần thì các bác sĩ nói là não của ông ta đã chết. Chúng tôi, tôi và các bác sĩ, cùng đọc bản di chúc sống của ông ta, rồi ngắt máy.”

“Vào ngày nào ?” Sandy hỏi.

“Ngày 6 tháng Hai năm 1992.”

Sandy thở dài, mắt nhắm chặt lại, và chậm rãi lắc đầu.

“Ông ta không muốn được làm lễ ở nhà thờ bởi biết sẽ chẳng có ai đến. Chúng tôi chôn cất ông ta trong một nghĩa địa bên ngoài Wiggins. Tôi có mặt ở đó, làm một người hộ tang. Thêm ba bà góa già trong giáo xứ cũng có mặt, than khóc, nhưng người ta có ấn tượng rằng họ đã khóc như vậy với bất cứ đám chôn cất nào ở Wiggins trong cả năm chục năm qua. Ông mục sư có mặt, cùng với năm người trợ tế già nua để hộ tang. Ngoài ra còn có hai người khác, tổng cộng là mười hai người. Sau một buổi lễ chóng vánh, Clovis được an táng.”

“Hẳn là cái quan tài rất nhẹ phải không?’ Sandy hỏi.

“Đúng vậy.”

“Clovis đâu ?”

“Linh hồn ông ta đã đang hân hoan bên các vị thánh rồi.”

“Thi hài của ông ta ở đâu ?

“Ngoài hiên ngôi nhà đi săn của tôi, trong một cái thùng lạnh.”

“Anh là một kẻ bệnh hoạn.”

“Tôi đã không hề giết ai, Sandy. Ông già Clovis ấy đã đang ca hát với các thiên thần khi thi hài của ông ta được hỏa thiêu. Tôi nghĩ rằng ông ta cũng chẳng bận lòng.”

“Anh luôn có lý do cho mọi chuyện, phải không. Patrick ?”

Patrick để chân thõng ra ngoài giường. Hắn không trả lời.

Sandy đi đi lại lại một chút, rồi đứng dựa người vào tường. Anh nhẹ nhõm bao nhiêu khi biết người bạn của mình đã không hề giết ai thì dường như lại ghê tởm bấy nhiêu khi nghĩ tới cái việc đốt một cái xác người kia.

“Hãy cho tôi nghe nốt đi nào,” Sandy nói. “Tôi chắc là anh đã sắp xếp trước mọi thứ.”

“Phải, tôi đã có thời giờ để nghĩ tới chuyện đó.”

“Tôi nghe đây.”

“Mississippi có một điều luật hình sự về tội đào mộ, nhưng không áp dụng đối với tôi được. Tôi không đánh cắp thi hài Clovis từ mộ. Tôi chỉ lấy ông ta ra từ quan tài. Có một điều luật khác liên quan tới việc làm tổn thương tới một thi hài, đó là điều luật duy nhất mà Parrish có thể dùng đối với tôi. Đó là một tội có khung hình phạt cao nhất là một năm tù. Tôi cho rằng đó là tất cả những gì mà họ có thể làm được, bởi vậy Parrish sẽ rất cố gắng để có được cái án một năm đó.”

“ Ông ta không thể nào cho anh phủi tay được.”

“Đúng là ông ta không thể. Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ này. Ông ta sẽ không biết gì về Clovis trừ phi tôi nói cho ông ta biết, nhưng tôi sẽ phải nói với ông ta trước khi ông ta chịu từ bỏ những cáo buộc về tội giết người. Lúc này, nói với ông ta về Clovis là một chuyện, còn cung khai trước tòa thì lại là chuyện khác. Ông ta không thể buộc tôi phải cung khai trước tòa nếu như ông ta truy tố tôi về tội làm tổn thương thi hài. Ông ta sẽ chịu sức ép buộc phải truy tố tôi về một tội gì đó, bởi lẽ, như anh nói, ông ta không thể nào chịu để cho tôi phủi tay một cách dễ dàng, ông ta có thể truy tố tôi, nhưng không thể kết tội tôi được bởi lẽ tôi là nhân chứng duy nhất và không có cách nào có thể chứng minh được rằng cái thi hài bị hỏa thiêu đó là của Clovis.”

“Parrish là một người rất xảo quyệt đấy.”

“Đúng thế. Không còn các cáo buộc của Liên bang nữa, và khi chúng ta ném quả bom này thì Parrish sẽ điên cuồng muốn buộc được tôi vào một tội gì đó. Nếu không thì tôi sẽ được tự do.”

“Vậy kế hoạch là thế nào ?”

“Đơn giản thôi. Chúng ta sẽ giải tỏa sức ép cho Parrish và để ông ta giữ được một chút thể diện. Anh đi gặp các cháu của Clovis, nói với họ sự thật, hứa cho họ một số tiền. Chắc chắn là họ sẽ có quyền kiện tôi một khi sự thật được biết rõ, và anh có thể giả thiết rằng họ sẽ làm điều đó. Vụ kiện của họ không đáng bao nhiêu bởi vì họ đã bỏ rơi ông già kia trong phần lớn cuộc đời họ, nhưng cầm chắc là dù sao thì họ cũng vẫn sẽ kiện. Chúng ta can thiệp giữa chừng. Chúng ta lặng lẽ giải quyết với họ, và đổi lại việc nhận được tiền họ sẽ phải đồng ý đòi Parrish thôi không truy tố gì nữa.”

“Anh quỷ quyệt quá lắm.”

“Cảm ơn. Như vậy thì phải được chứ ?”

“Parrish có thể truy tố anh bất chấp mong muốn của gia đình kia.”

“Nhưng ông ta sẽ không làm thế bởi vì ông ta không thể nào kết tội được tôi. Kịch bản xấu nhất cho Parrish sẽ là việc mang tôi ra xử, và thất bại. Với ông ta sẽ là an toàn hơn nhiều nếu đi lối cửa sau lúc này, lấy gia đình kia làm cớ, và tránh phải mất mặt bởi thua cuộc trong một vụ án được dư luận để ý.”

“Có phải đây là điều anh đã nghiền ngẫm trong suốt bốn năm qua không đấy ?”

“Có thế thật.”

Sandy bắt đầu đi lại dọc nơi chân giường, trầm ngâm, đầu óc cố bám theo dòng suy nghĩ của Patrick. “Chúng ta phải trao cho Parrish thứ gì đó,” anh gần như lẩm bẩm với chính mình, chân vẫn bước.

“Tôi thì quan tâm tới bản thân mình nhiều hơn là tới Parrish,” Patrick nói.

“Không chỉ là Parrish. Đó là vấn đề về hệ thống, Patrick. Nếu như anh phủi tay dễ dàng, vậy cũng có nghĩa là đồng tiền đã giúp anh tránh được cảnh tù tội. Điều đó tạo ra hình ảnh xấu cho tất cả mọi người, trừ anh ra mà thôi.”

“Có lẽ là tôi mới chỉ quan tâm đến chính mình.”

“Tôi cũng vậy. Nhưng anh không thể xúc phạm cả một hệ thống và rồi nghĩ tới chuyện quay lưng đi như không có chuyện gì xảy ra.”

“Không có ai buộc Parrish phải vội vã lo một bản cáo trạng về tội cố sát. Ông ta đã có thể chờ đợi một hoặc hai tuần lễ. Không ai buộc ông ta phải loan báo bản cáo trạng đó với báo chí. Tôi không thể thông cảm với ông ta.”

“Tôi cũng không. Nhưng chuyện này khó đấy, Patrick.”

“Vậy thì tôi sẽ làm cho nó trở nên dễ dàng hơn một chút vậy. Tôi sẽ nhận tội gây tổn thương thi hài, nhưng không chấp nhận vào tù. Một ngày cũng không. Tôi sẽ ra trước tòa, nhận tội, nộp phạt, để Parrish được tiếng nhưng tôi sẽ được ra khỏi đây.”

“Anh sẽ là một người có tiền án.”

“Không, tôi sẽ là người tự do. Ma nào ở Braxin quan tâm tới chuyện tôi có từng bị xích tay hay không hả ?”

Sandy thôi đi lại và ngồi xuống giường cạnh hắn. “Vậy là anh sẽ trở lại Braxin ư ?”

“Nơi đó sẽ là nhà tôi, Sandy ạ.”

“Và cô gái kia ?”

“Chúng tôi sẽ có mười hoặc mười một đứa con. Chúng tôi còn chưa quyết định chắc chắn về con số đó.”

“Anh sẽ còn có bao nhiêu tiền ?”

“Hàng triệu. Anh phải đưa tôi ra khỏi đây, Sandy. Tôi còn phải sống một cuộc đời khác.”

Một cô y tá ngó vào, bật công tắc đèn và nói, “Mười một giờ rồi. Patty (1). Hết giờ thăm.” Cô ta đặt tay lên vai hắn. “Anh không sao chứ, anh yêu ?”

“Tôi không sao.”

“Anh có cần gì không ?”

“Không. Cảm ơn.”

Cũng như khi đi vào, cô ta đi ra rất nhanh. Sandy cầm cái cặp lên. “Patty cơ à ?” Anh nói.

Patrick nhún vai.

“Lại còn anh yêu nữa ?”

Thêm môt cái nhún vai.

Đầu óc Sandy đã nghĩ tới một điều khác trong khi bước ra cửa. “Một câu hỏi nhanh. Khi anh lái xe lao ra khỏi mặt đường, lúc đó thì Clovis ở đâu hả ?”

“Vẫn ở đó thôi. Được buộc trên ghế sau. Tôi còn để một lon bia vào giữa hai đầu gối ông ta và chúc ông ta thượng lộ bình an. Trên mặt ông ta lúc đó như có một nụ cười.”

____________

(1) Patty = Cách gọi Patrick âu yếm.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN