Động Đình Hồ Ngoại Sử
Chương 1: Nay Hán xuống Bạch thành đóng lại
– Tôi với Phương-Dung phải lên đường đi Kinh-châu. Đạo Kinh-châu do
Đại-tư-mã Đặng Vũ thống lĩnh. Đặng là một đại-tướng giỏi nhất của Hán,
ngặt vì phó tướng của Đặng là Mã Viện không ai chịu ai, vì vậy hơn năm
qua, không thắng được Thục. Nếu tôi có mặt, thì hai người mới không dám
kình chống nhau.
Phương-Dung hỏi:
– Mã Viện là ngưới thế nào?
– Mã Viện được phong chức Phục-ba tướng quân. Hồi phụ thân ta làm tướng
cho Trường-sa vương. Viện là một huyện-úy. Sau cô Viện trở thành
Vương-phi Trường-sa vương, y được cất nhắc lên chức Đô-úy, rồi Thái-thú. Hồi ta cùng Kiến-Vũ thiên-tử khởi binh, y đem toàn quân theo. Kiến-Vũ
thiên-tử cảm động là người trung lương, chỗ con cô con cậu, nên cho y
giữ đại quân. Lúc ta với Đặng Vũ đánh chiếm Kinh-châu, có bàn với
Thiên-tử rằng: “Đất Kinh-châu địa thế phân chia Nam, Bắc Trung-nguyên
bằng sông Trường-giang. Phía Bắc là hàng rào bảo vệ Lạc-dương, phía Nam
tiếp giáp Lĩnh-nam, nơi các Thái-thú bất phục. Phía Đông giáp Mân-Việt,
lòng người nan trắc. Phía Tây giáp Thục, Công-tôn Thuật hùng cứ, bất cứ
lúc nào cũng gặp nguy hiểm, cần có người văn võ kiêm toàn, trung lương
trấn thủ. Ta đề cử Mã Viện trấn giữ chín quận Kinh-châu, còn em y là Mã
Anh làmThái-thú Trường-sa. Trong khi ta đánh vùng Giang-đông, chiếm
Mân-việt, rồi kinh lược Lĩnh-nam”
Lê Ngọc-Trinh hỏi:
– Tại sao Kiến-Vũ thiên-tử không giao cho Mã Viện đánh Thục, mà lại giao cho Đặng Vũ?
Nghiêm Sơn lắc đầu:
– Mã Viện tuy là người trung lương, nhưng so với Đặng Vũ y chỉ là một
đại tướng dưới quyền. Cho trấn thủ Kinh-châu là quá sức rồi. Chứ còn
thống lĩnh quân nghiêng nước, các tướng khác như Sầm Bành, Mã Vũ không
phục. Tuy vậy Kiến-Vũ thiên-tử vẫn giao y trấn thủ Kinh-châu kiêm phó
tướng cho Đặng Vũ.
Nghiêm Sơn thở dài tiếp:
– Mã cậy thế là người thân của Mã thái-hậu, trấn thủ vùng trọng địa,
trong khi tài ba, công lao y thua xa 9 đại tướng dưới quyền Đặng Vũ,
được ta tặng cho danh hiệu “Tương-dương cửu hùng”.
Phương-Dung tỏ vẻ hiểu biết:
– Tương-dương cửu hùng là chín đại tướng võ công vô địch, tài dùng binh
không thua Tôn Vũ, dường như họ tên là Sầm Bành, Mã Vũ, Cảnh Yểm, Tế
Tuân, Tang Cung, Lưu Hán, Phùng Tuấn, Đoàn Chí, Lưu Long. Tất cả chín
người theo Kiến-Vũ thiên-tử từ khi mới khởi binh. Hiện họ đều ở đạo
Kinh-châu cả sao?
– Đúng thế. Vì võ công cao, tài dùng binh giỏi, lại nhiều công lao hơn
Mã Viện. Mã Viện làm phó tướng, họ bất phục. Đã vậy Mã Viện còn muốn hất cẳng Đặng Vũ, khi Đặng Vũ cầm quân đánh vào Thục, y tìm cách chần chờ
không chịu cung ứng lương thảo, bổ sung binh lính, cho nên Đặng Vũ mới
thua.
Phương-Dung gật đầu:
– Vì vậy đại ca cần có mặt ở Kinh-châu phải không? Dường như Mã Viện chỉ sợ có Thiên-tử với đại ca thì phải?
Nghiêm Sơn gật đầu:
– Đúng thế. Việc dùng binh quan trọng nhất là trị quân cho nghiêm. Ta
thành công nhờ đều đó. Một lần Mã Viện ỷ thế Mã thái-hậu, ta sai đem ra
chặt đầu. Kiến-Vũ thiên-tử xin ta tha tội cho y. Ta phạt đánh y 30 côn,
cách chức xuống còn sư trưởng, sai đi lập công chuộc tội. Từ đó y thấy
ta như gà thấy cáo. Sư muội thấy đấy ta đối xử với anh hùng Lĩnh-nam, sư bá, sư thúc, sư đệ, sư muội bằng tất cả tình ruột thịt, họ là anh hùng, họ biết vì đại nghĩa tuân phục lệnh ta, thì có gì xảy ra đâu?
Lê Ngọc-Trinh nói:
– Bọn em là người hiệp nghĩa. Đem chữ hiệp ra làm việc, mà lại gây sự
với nhau. Đem chữ nghĩa ra giúp đại ca Dù mất mạng cũng không từ, còn
đâu là chuyện bất tuân lệnh nữa.
Nghiêm Sơn gật đầu:
– Sư muội nói đúng đó.
Vương nói với Nam-hải nữ hiệp:
– Phàm việc xung phong, tranh thắng, cần bảo vệ hậu quân cho vững. Lỡ
hậu quân có biến cố, thì tiền quân bị lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch.
Hai vị Đinh Công-Thắng, Triệu Anh-Vũ đã vượt Kim-sơn. Đào Kỳ đang chiếm
Độ-khẩu, song địa thế quá hiểm trở, vậy cần bảo vệ hậu quân thực kiên
cố. Cho nên tôi mới nhờ Nam-hải nữ hiệp, sư thúc Lương Hồng-Châu, sư
muội Lê Ngọc-Trinh là những người tinh minh mẫn cán, thống lĩnh đạo
Nam-hải với ba Quân-bộ, ba Sư-kỵ dàn ra làm trừ bị, bảo vệ hậu quân.
Phương-Dung hỏi:
– Trong sáu đạo quân Lĩnh-nam, đạo Nam-hải bảo vệ hậu quân, đạo Nhật-nam sư bá Lại Thế-Cường đã điều lên Kinh-châu trợ chiến, đạo Cửu-chân do
Hoàng sư-tỷ chỉ huy, đạo Quế-lâm do Minh-Giang chỉ huy, đạo Tượng-quận
do sư đệ Đào Hiển-Hiệu thống lĩnh đánh Độ-khẩu. Đại ca nghĩ xem quân số
đánh vào mặt sau Ích-châu như vậy đủ chưa?
Nghiêm Sơn nói:
– Ta được Tế-tác báo cho biết, Công-tôn Thiệu dồn toàn lực ra Kinh-châu, Hán-trung. Mặt Nam do một tướng trẻ, con nuôi Công-tôn Thiệu tên là
Công-tôn Phúc tước phong Bình-nam vương trấn thủ. Quân số chưa quá 5
vạn, làm sao địch lại Tiểu sư-đệ với hai vị Đinh Công-Thắng, Triệu
Anh-Vũ?
Phương-Dung, Nghiêm Sơn lên đường đi Kinh-châu. Nghiêm Sơn chỉ mang theo mười tiễn thủ của phái Hoa-lư hộ vệ. Phương-Dung mang theo mười
Thần-ưng liên lạc với các cánh quân.
Lần đầu tiên Nghiêm Sơn thấy Phương-Dung cỡi con ngựa Ô. Ngựa Ô là một
loại ngựa rừng Tây-vu. Hồ Đề phải mất công khó nhọc lắm mới bắt được nó. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, nàng tặng cho Phương-Dung. Nghiêm Sơn thấy
Phương-Dung cưỡi ngựa không yên cương thì ngạc nhiên.
– Ngựa không cương làm sao mà điều khiển được?
Phương-Dung cười:
– Nó là ngựa hoang, được chị Hồ Đề dạy dỗ, hiểu được tiếng người, không cần cương.
Nàng hô lớn:
– Chạy mau!
Con ngựa Ô vọt lên như tên bắn. Nghiêm Sơn phi ngựa theo.
Hai người tới Kinh-châu vào khoảng nửa đêm. Vương với Phương-Dung gọi
cửa. Đặng Vũ, Trưng Nhị mở cửa thành ra đón. Trưng Nhị nhìn mặt
Phương-Dung biết đã thành công, nàng hỏi:
– Chiếm được Độ-khẩu, Kim-sơn rồi à?
Phương-Dung gật đầu:
– Quân đã qua Kim-sơn và Độ-khẩu rồi. Có lẽ giờ này họ đang trên đường
tới Thành-đô. Cho nên em với Nghiêm đại-ca lên đây xem Đặng đại tư-mã
cùng chị chiếm ải Xuyên-khẩu vào Bạch-đế. Với hùng tài đại lược của Đặng đại tư-mã thì vào Thành-đô chắc nhanh hơn Đào tam-ca.
Đặng Vũ thất kinh hồn vía nghĩ: Trước đây Kiến-Vũ thiên-tử thường nói
rằng Nghiêm Sơn vừa có mưu, vừa có trí, lại thêm tính tình hào sảng của
võ lâm hiệp sĩ không sai. Vương từ Lĩnh-Nam lên đạo quân ít hơn ta
nhiều, nhờ tinh thần hiệp nghĩa, vương được một số cao nhân hiệp sĩ giúp đỡ, mới thành công như vậy. Kiến-Vũ thiên-tử, Ngô Hán với ta đều cho
Tế-tác thám thính tìm đường đánh mặt sau Ích-châu mà tuyệt vọng, vì sông nước chảy xiết, núi cao vời vợi, không thể vượt qua. Nay vương đã làm
được, thì vương hơn ta gấp bội, vương xứng đáng là người trên ta.
Kiến-Vũ thiên-tử hứa rằng, ai bắt hoặc giết được Công-tôn Thuật sẽ cho
làm chúa Ích-châu. Nghiêm Sơn làm chúa Lĩnh-Nam, nơi bờ xôi giếng mật,
vương đâu có thèm làm chúa Ích-châu? Ta cần phải được lòng vươn mới mong vào Ích-châu.
Vì vậy Đặng Vũ đối với Nghiêm Sơn cực kỳ cung kính. Y sai chuẩn bị
trướng gấm cho Nghiêm Sơn nghỉ, để hôm sau còn tiếp tục nghĩ kế đánh
Xuyên-khẩu. Phương-Dung ở chung với Trưng Nhị, Hồ Đề.
Sau khi rời Phiên-ngung, Trưng Nhị điều động anh hùng Lĩnh-Nam theo Đặng Vũ lên Kinh-châu trước. Còn Lại Thế-Cường với Hồ Đề thống lĩnh đạo
Nhật-nam cùng với binh đoàn đặc biệt Tây-vu lên sau. Phải hơn tháng mới
tới. Trong khi chờ đợi Lại Thế-Cường, Hồ Đề tới, Trưng Nhị suốt ngày
cùng Đặng Vũ lo bổ sung binh mã, tiếp thu lương thảo, thao luyện binh
sĩ. Mọi việc vừa hoàn tất thì Nghiêm Sơn tới.
Chỉ cách nhau một tháng mà Trưng Nhị, Hồ Đề cảm thấy như xa Phương-Dung
một năm vậy. Họ là những thiếu nữ trẻ tuổi tài năng xuất chúng, cùng
hướng về đaÏi cuộc phục hồi Lĩnh-Nam, coi nhau như chân tay. Trần Năng
hỏi về kế hoạch đánh Độ-khẩu và Kim-sơn, Phương-Dung trình bày tỉ mỉ
từng chi tiết một.
Hồ Đề bảo Phương-Dung:
– Sau này nếu chúng ta khởi binh, phải chia thành khu vực, đánh nhiều mặt trận cùng một lúc, theo ý em phải chia như thế nào?
Phương-Dung đáp:
– Em đã nghĩ đến chuyện này rồi. Chúng ta chia làm bốn khu vực khác
nhau. Khu vực Quế-lâm thì sư bá Triệu Anh-Vũ, Lương Hồng-Châu sẽ đứng
chủ trương đại cuộc. Nhưng người điều khiển phải là Minh-Giang. Sư huynh Minh-Giang kinh nghiệm hành quân lại, lại hiểu nhân vật địa phương;
huyện-lệnh, huyện-úy người nào theo ta, người nào chống ta, y biết hết.
Trưng Nhị trầm ngâm một lúc tiếp:
– Phương-Dung nhận xét đúng, chắc em đã thổ lộ mưu kế của chúng ta với
Minh-Giang. Hiện giờ em để Đào tam đệ chỉ huy mặt Nam Ích-châu, còn
Minh-Giang là Phấn-oai đại tướng-quân. Y là người Hán, liệu y có chống
Quang-Vũ không?
Phương-Dung gật đầu:
– Chúng ta đã có 5 Thái-thú, 6 Đô-úy, Đô-sát, 5 Đại tướng-quân, thì
Lĩnh-Nam đã là của chúng ta rồi. Chỉ còn Tô Định mà thôi. Tô bây giờ như người cụt tay, cụt chân. Đô-úy là sư thúc Trần Khổng-Chúng. Anh hùng
Lĩnh-Nam do Đặng Thi-Sách, Trưng Trắc thống lĩnh. Kỵ binh có đaÏo
Văn-lạc và Đăng-châu chiếm Luy-lâu. Các đạo Mai-động, Cối-giang, Thái-hà chiếm Long-biên. Còn các nơi khác như Thiên-trường, có sư thúc Trần
Quốc-Hương, Lục-hải có Hùng Bảo, Trường-yên có phái Hoa-lư…Nghĩa là
chúng ta cùng khởi binh một ngày. Quan lại địa phương ai theo ta thì để, ai không theo, chặt đầu.
Trần Năng tiếp:
– Vấn đề trước mắt là, ai thống lĩnh quần hùng? Từ trước đến nay, chúng
ta mạnh ai nấy làm, chưa có người làm chúa tướng? Em sợ khi đánh đuổi
giặc đi rồi lại lâm vào hoàn cảnh tranh giành địa vị.
Phật-Nguyệt nói:
– Đúng đấy, hiện chúng ta tôn Nam-hải nữ hiệp là người cầm đầu anh hùng
Lĩnh-Nam. Nam-hải nữ hiệp chỉ là người đạo đức, cầm đầu anh hùng thì
được, chứ tổ chức, cai trị một quốc gia thì không được.
Phương-Dung suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Bàn chung những người sau đây có đủ tài năng, đức độ để làm chuyện đó: Đào-hầu, Đinh-hầu ở Cửu-chân, Đặng đại-ca, Nhị Trưng, sư thúc Đào
Thế-Hùng. Em nghĩ sáu người này đều không ai bằng Nghiêm đại-ca.
Trưng Nhị gật đầu:
– Ta cũng nghĩ thế, tại sao ta không để Nghiêm đại-ca làm Lĩnh-Nam hoàng đế?
Phương-Dung cười:
– Em gần Nghiêm đại-ca nhiều, em biết chí của người lắm. Khi đứng ra
giúp chúng ta xin Quang-Vũ cho phục hồi Lĩnh-Nam, thì Nghiêm đại-ca xin
từ chức Lĩnh-nam vương, để tỏ ý không vì tham quyền cố vị mà chống lại
nghĩa huynh Quang-Vũ. Người cũng như sư tỷ Hoàng Thiều-Hoa, chỉ thích
tiêu dao sơn thủy. Vì vậy nếu Quang-Vũ thuận, người sẽ để Lĩnh-Nam cho
chúng ta tổ chức thành một nước. Còn Quang-Vũ không thuận ắt có chiến
tranh. Trường hợp đó Người sẽ đứng ngoài, không muốn giúp Quang-Vũ đánh
chúng ta, cũng không muốn vì chúng ta mà phản Quang-Vũ.
Phương-Dung trầm tiếng:
– Em nghĩ thế này có đúng không: Sáu vùng Tượng-quận, Quế-lâm, Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam, Nam-hải, các lạc-hầu bầu lấy một vị vương. Sáu vị
vương đó bầu lấy một Lĩnh-Nam hoàng đế: Lệ đặt ra 5 năm bầu lại một lần.
Trần Năng vỗ tay:
– Sư thẩm hay thật, nghĩ ra được lối giải quyết đó. Ngày xưa, các động,
trang đã bầu người thống lĩnh Tây-vu là An-Dương vương, nổi lên đánh vua Hùng. Có điều họ chỉ biết bầu lên, mà không biết ấn định thời gian tái
bầu. Thành ra Ngài trở thành vị Hoàng-đế, cho đến lúc già, đầu óc thiếu
minh mẫn, lầm lần trong vụ Trọng-Thủy.
Trưng Nhị gật đầu:
– Bây giờ chúng ta tạm coi thống lĩnh Cửu-chân là Đào-hầu, Nhật-nam là
sư bá Lại Thế-Cường, Giao-Chỉ là Đặng đại-ca, Quế-lâm là sư bá Triệu
Anh-Vũ, Nam-hải là Khúc-giang ngũ hiệp. Còn Tượng-quận thì phải lên
Trường-sa mời Tượng-quận tam anh.
Phương-Dung nói:
– Còn Lĩnh-Nam hoàng đế, vấn đề khó đây. Bây giờ chúng ta cùng đoán xem, ai sẽ được bầu. Rồi mỗi người cùng viết vào một mảnh giấy kín, xem có
ai giống nhau không?
Các anh hùng cầm bút, viết lên giấy. Lại Thế-Cường thu các tờ giấy, mở
ra. Thấy có 9 tờ thì 8 tờ ghi chữ Trưng Trắc, một tờ ghi chữ Đào
Thế-Kiệt. Ông cười tủm tỉm nói với Trưng Nhị:
– Ta gấp đôi tuổi cháu, ta nhận xét không sai đâu, trước sau gì chị cháu cũng phải lĩnh chức Lĩnh-Nam hoàng đế. Thực là từ tiền cổ đến giờ mới
có một. Muôn ngàn năm sau, anh hùng thiên hạ đều lắc đầu không hiểu tại
sao chúng ta lại cử nữ hoàng đế. Song không cử Trưng Trắc thì không biết cử ai đây?
Trưng Nhị khẳng khái nói:
– Nếu tất cả anh hùng đều đề cử, chắc chị cháu nhận lĩnh. Đã là con cháu Hùng vương, An-dương Vương đâu sợ khó, sợ nguy hiểm.
Đám anh hùng nói chuyện cho đến trời sáng, họ mới nhắm mắt dưỡng thần, vận khí lấy lại sức khỏe.
Sáng hôm sau Nghiêm Sơn truyền đánh trống tụ tập các tướng. Tướng sĩ Hán trước đây đều dưới quyền chỉ huy của Nghiêm Sơn. Cách nhau một thời
gian lâu dài, bây giờ giữa lúc họ bại trận, Nghiêm Sơn trở về với một
đạo hùng binh, hàng trăm hào kiệt giúp sức. Họ nghiêm chỉnh đứng nghe
lịnh, lòng tràn đầy hy vọng.
Đặng Vũ trình bày:
– Đạo quân Kinh-châu từ khi bại trận, án binh bất động để bổ sung, tướng sĩ đã phục hồi lại tinh thần. Nay nhờ Vương gia, binh lương đầy đủ. Sĩ
tốt muốn ra trận phục thù. Trước mắt là ải Xuyên-khẩu kiên cố, phía sau
Xuyên-khẩu là thành Bạch-đế. Binh tướng Xuyên-khẩu, ước 5 vạn bộ, hai
vạn kỵ.
Nghiêm Sơn gật đầu:
– Bây giờ chúng ta ngồi xem Đặng đại tư-mã với Trưng Nhị trổ tài thần vũ. Tướng trấn thủ bên giặc là ai?
Sầm Bành nói:
– Là Công-tôn Thiệu, em ruột Công-tôn Thuật, tài kiêm văn võ. Về võ công y xử dụng đại đao, đoản đao đều thần sầu quỷ khốc. Về quyền cước, y xử
dụng một pho chưởng pháp rất hùng hậu. Tôi đã đấu với y mấy trận, bất
phân thắng bại. Y là một trong Thiên-sơn thất hùng.
Phương-Dung giật mình hỏi:
– Tôi nghe Nghiêm nguyên soái nói, Kiến-Vũ thiên tử khởi binh từ
Hoài-dương, thì Đặng đại tư-mã cắp gươm theo hầu bên người, đánh thẳng
về Lạc-dương. Võ tướng của Vương Mãng anh hùng là thế, mà không ai chịu
nổi của Tư-mã lấy 10 chưởng. Sau Đặng đại tư-mã bị thua về tay tướng
quân. Tiếp theo tướng quân đánh tới Kinh-châu, Xích-mi cõ công cao biết
mấy, mà rút cục cũng thua tướng quân. Bên giặc nghe tên là khiếp đảm,
thế mà y đấu ngang tay với tướng quân thì không phải tầm thường. Võ công y thuộc loại dương cương, ở đây chúng ta có sư thúc Phật Nguyệt xử dụng âm nhu có thể trị được. Còn hai người nữa, võ công dương cương tuyệt
đỉnh là Khất đại phu với Đào tam ca, nhưng hai người không có ở đây. Vậy đối vối Công-tôn Thiệu, chúng ta cần đánh một trận bằng mưu trí, để y
mất nhuệ khí và đánh baị y bằng võ công, để binh sĩ tin tưởng.
Đặng Vũ muốn Trưng Nhị điều binh xem sao, nên bưng ấn kiếm đưa cho nàng. Y nghĩ rằng, nếu trận này thất bại, y đổ cho Nghiêm Sơn. Còn thành công thì y hưởng:
– Xin nhờ Trưng cô nương trổ thần oai cho.
Trưng Nhị không khiêm tốn cầm ấn kiếm nói:
– Trước hết ta đánh cho giặc một trận để chúng mất nhuệ khí và lấy nhuệ khí cho quân ta.
Các tướng Hán thấy một nữ quân sư tuổi chưa quá 25, khuôn mặt đẹp như
ngọc, uy nghi lên trướng, chưa chi đã coi như thắng địch thì không tin
cho lắm. Trưng Nhị đọc được nét mặt họ, nàng thản nhiên cầm bút viết một phong thư.
“Trưng Nhị, lĩnh Quân sư đạo binh Kinh-Sở nhà Đại-Hán, thư cho Trường-sa vương. Tiểu nữ từ Lĩnh-nam, được Lĩnh-nam vương hạ cố mời làm Quân-sư
cho Đại tư-mã. Vương gia lịnh cho tiểu nữ phải vào Thành-đô trước Tết,
thưởng hoa xuân đất Thục. Vậy xin mời các vị anh hùng Thiên-sơn xuất
thành quyết chiến một trận”.
Nàng nói với Hồ Đề:
– Phiền sư muội cho chim ưng đưa vào thành dùm.
Hồ Đề gật đầu, hú lên lanh lảnh. Một con chim ưng bay lên đậu vào tay
nàng. Nàng đưa phong thư nó cắp vào mỏ. Nàng huýt sáo, ra hiệu chỉ chỗ,
nó gật đầu bay bổng lên trên mây, hướng vào thành Xuyên-khẩu.
Trưng Nhị thăng trướng ra lệnh:
– Phía bắc thành Xuyên-khẩu có rừng Đại-xuyên, bây giờ mùa Đông, cây cỏ
không lá khó phục binh. Nữ tướng Lê Chân dẫn một nghìn quân kỵ vá 50
thớt voi, vòng phía Đông sang Tây phục sau đồi. Đợi khi Đại tư-mã và
Công-tôn Thiệu giao chiến, thế nào chúng cũng cho một đội kỵ binh xuất
cửa Bắc đánh vào sườn phải của chúng ta. Khi giặc xuất thành, đợi cho
chúng dàn quân đánh vào hữu quân của ta đang hồi kịch liệt, lập tức thả
50 thớt voi và phục binh đánh vào hậu quân chúng. Bị đánh bất ngờ, chúng cùng đường tất tử chiến. Bấy giờ phải mở một đường cho chúng chạy vào
rừng. Ở đấy sẽ có đội quân bắt chúng.
– Phía Nam thành Xuyên-khẩu có rừng Nghi-đô. Nữ tướng Trần Năng mang 50
thớt voi cùng 5000 quân phục tại đây. Khi Đặng đại tư-mã giao chiến với
Công-tôn Thiệu, tất giặc xuất cửa thành phía Nam đánh vào tả quân của
ta, tôi sẽ cho đốt pháo lệnh, bấy giờ xua voi và phục binh ra đánh. Giặc bị đánh trước sau thế nào cũng bỏ chạy vào rừng. Giặc đông quá không
bắt hết đâu, phải dùng cung nỏ mà bắn. Giặc tất bị tử thương nhiều, bấy
giờ hãy đổ quân ra mà bắt lấy.
– Công-tôn Thiệu xuất thành, chúng ta chờ y ở Vu-sơn. Đặng đại tư-mã với tôi ở trung quân. Sư thúc Phật Nguyệt cầm tả quân, sư thúc Lại
Thế-Cường cầm hữu quân. Chúng ta cùng xuất trận. Nếu Công-tôn Thiệu xuất trận, Đặng tư-mã sẽ đấu vối y. Dù thắng, dù bại, tôi cũng xuất quân và
đội voi tràn sang trận địch. Quân giặc bị đánh bất thình lình, quân
trong thành sẽ đổ ra cửa Bắc, Nam cứu viện. Sư bá Lại Thế-Cường chia
quân ra làm đội, một nửa chống với tả quân địch, một nửa chống với đội
quân cửa Bắc. Khi thấy mình núng thế thì đốt pháo lệnh, sư muội Trần
Năng cho đổ phục binh ra đánh. Giặc thua tất chạy vào rừng. Hồ Hác sư đệ phục ở đây một đội binh mà bắt sống. Quân cửa Nam đổ ra thì sư thúc
Phật Nguyệt sẽ chia quân làm hai, một nửa chống với hữu quân địch, một
nửa đánh quân tiếp viện cửa Nam. Khi thấy mình núng thế thì đốt pháo
lệnh lên. Sư muội Lê Chân sẽ đổ phục binh ra đánh vào hậu quân đội tiếp
viện cửa Nam. Bấy giờ sư thúc Phật Nguyệt phải giết cho bằng được tướng
địch để giặc mất nhuệ khí. Tôi có lời dặn chung: Khi giặc bị thua nên
bắt sống càng nhiều càng tốt, tôi sẽ dùng đám quân sĩ này làm tan nát
đoàn quân Thục còn lại.
Các tướng thấy Trưng Nhị điều quân phải phép, đều ngẩn người ra khâm
phục. Chính Đặng Vũ cũng ngẩn người, vì y đã thấy Phương-Dung điều quân. Y cho rằng Phương-Dung chỉ biết ước tính về chiến lược mà thôi, không
ngờ bây giờ thấy Trưng Nhị chỉ huy quân tỏ ra thông thạo cả chiến thuật
lẫn chiến lược.
Trưng Nhị tiếp:
– Lĩnh-nam vương gia và quân-sư Phương-Dung sẽ ra trước trận để khích lệ tướng sĩ.
Vừa lúc ấy thì chim ưng trở về. Hồ Đề nói:
– Nó đưa thư rồi.
Đến chiều có sứ từ trong thành đưa thư qua. Trưng Nhị cầm lấy thư đọc. Thư viết:
“Dã phu phái Thiên-sơn là Công-tôn Thiệu kính gửi Trưng Nhị cô nương thuộc phái Tản-viên, đất Lĩnh-nam”.
Nàng đọc xong đưa cho Phương-Dung xem:
“Tôi là tên nhà quê, ở núi Thiên-sơn, cùng huynh trưởng xuất thân theo
đòi nghiệp võ. Chúng tôi gồm bảy người sư huynh đệ đồng môn, thề cùng
nhau dùng võ công giúp kẻ khó, cứu người nguy, trừ đạo tặc. Thời thế
nhiễu nhương, vua thì hôn ám, quân thì nhũng lạm, giặc giã nổi lên tứ
phương, Trăm họ khốn khổ, muốn sống không nổi. Vì vậy huynh trưởng tôi,
tụ tập đệ tử chiếm vùng Kinh-châu, Ích-châu, Hán-trung, tổ chức thành
một nước Nghiêu-Thuấn. Trước đây tôi có giao tình với sư huynh Đặng
Thi-Sách rất hậu. Giữa hai người cùng một ý chí cầm gươm cứu dân. Nay
chúng tôi đang làm, trong khiến trăm họ yên ổn, vua với tôi, quân với
dân coi nhau như ruột thịt. Vì vậy tuy Ích-châu đất hẹp, dân nghèo, mà
Quang-Vũ đem hùng binh trăm vạn, chia làm ba đạo, bao lần tiến vào đều
bị đánh bại. Mới đây Tế-tác báo rằng Trưng cô nương cùng Lĩnh-nam vương
xuất lĩnh hào kiệt phò Hán diệt Thục. Dĩ nhiên Lĩnh-nam nhân tài như
rừng, như biển, cùng Hán diệt Thục thì Thục nguy vong. Thục nguy vong
thì trăm họ Ích-châu lầm than, cũng chẳng đáng nói gì, nhưng khi Hán đã
diệt Thục, liệu Lĩnh-nam có còn đứng vững được không? Lĩnh-nam vương có
còn được tại vị hay không?
Trước đây, thời Tây-Hán, Sở-vương Hàn Tín, công lao dường nào, cuối cùng cũng bị diệt tộc. Nay Lĩnh-nam vương công đã không bằng Hàn Tín, mà uy
lại bao trùm thiên hạ, thì cái họa không xa là mấy.
Kính cẩn mong cô nương nghĩ lại”.
Phương-Dung đọc xong chuyển cho Hồ Đề, Trần Năng cùng đọc. Trần Năng nói:
– Tế tác của Thục thật tài. Chúng ta họp tại Quế-lâm, cơ mật bảo toàn,
chỉ có chư tướng được biết thôi, thế mà Thục biết rồi. Đợi ngày mai ra
trận sẽ định liệu.
Sáng hôm sau Đặng Vũ cho lệnh xuất quân, tới đồi Vu-sơn dàn nghiêm
chỉnh. Công-tôn Thiệu dàn quân, quân khí hùng tráng, uy vũ ngất trời.
Trưng Nhị, Hồ Đề, Phật Nguyệt, Lại Thế-Cường đứng trước trận uy thế phiêu phiêu phiêu, hốt hốt, trong cái uy có cái nhàn tản.
Công-tôn Thiệu thủng thỉnh cưỡi ngựa ra trước trận nói với Đặng Vũ:
– Quang-Vũ thế cùng lực kiệt, tướng sĩ nản lòng, binh tướng không muốn
chiến đấu, nên phải đi cầu viện Lĩnh-nam về đối phó với chúng ta. Đặng
Vũ! Ngươi là Đại tư-mã, theo hầu Quang-Vũ đã lâu, tự hào trí dũng song
toàn, vậy ngươi có dám cùng ta đấu không? Hay phải dựa vào mấy vị cô
nương đất Lĩnh-nam?
Đặng Vũ cầm roi chỉ sang trận Thục:
– Lĩnh-nam hay Ích-châu cũng đều là đất của nhà Đại-Hán, mấy vị cô nương Lĩnh-nam, sang đây để trừ diệt bọn anh em phản tặc các người.
Công-tôn Thiệu quát lên:
– Bọn mi sức cùng, lực kiệt, đem đàn bà ra trận mà làm cái gì?
Trưng Nhị bước ra trước trận nói :
– Công-tôn vương gia. Vương gia hỏi câu đó đủ tỏ ra vương gia không biết cái lý của trời đất. Trong thế gian có trời thì có đất, có nóng thì có
lạnh, có nam thì có nữ. Cho nên quân Hán mới có nữ tướng, nữ binh. Vương gia coi thường phụ nữ, chẳng hóa ra không hiểu lẽ biến hóa của vũ trụ
ư?
Hồ Đề là người của Tây-vu theo chế độ mẫu hệ, nàng ghét nhất những người khinh thường phụ nữ. Trong đại hội Tây-hồ, Đinh Công-Thắng chế nhạo
Hùng Bảo phải phục tùng vợ, nàng đã đánh cho y phải chui qua háng Trần
Năng. Bây giờ nghe Công-tôn Thiệu nói giọng khinh nữ, nàng nổi giận cành hông, phất tay hai cái, hú lên một tiếng dài, vang tới trời cao. Trưng
Nhị biết nàng nổi giận, chắc lại tinh nghịch cái gì đây. Nàng không can
gián, nói nhỏ với Đặng Vũ:
– Để cho Công-tôn Thiệu chịu nhục một chút cũng không sao.
Từ phía sau trận một thiếu niên, tuổi khoảng 13-14, quần áo da, phi ngựa đến bên Hồ Đề. Hồ Đề nói nhỏ:
– Sún Lé, em cho chúa tôi bên Thục ăn cứt đi.
Sún Lé hỏi :
– Mấy bãi?
Hồ Đề đáp:
– Hai trăm bãi.
Sún Lé cầm tù và thổi lên trời mấy hơi dài liên miên bất tận. Từ chân
trời xa xa, một đoàn chim ưng bay đến trước trận. Đàn chim ưng lông màu
nâu, dưới ánh nắng phản chiếu lóng lánh đẹp vô cùng. Đàn chim chia làm 5 toán, mỗi toán 25 con xếp hàng rất ngay ngắn, bay đến trước trận lượn
thành vòng tròn.
Sún Lé lại cầm tù và thổi lên một hơi dài nữa, từ chân trời xa xa đoàn
chim ưng khác bay đến, cũng 25 con xếp 5 hàng ngay ngắn. Hai đàn chim
lượn vòng vòng trên nền trời.
Tướng sĩ Hán, Thục cùng ngửa cổ lên nhìn hai đoàn Thần-ưng không biết
những gì sẽ xảy ra. Ngay cả Nghiêm Sơn, Đặng Vũ, Phương-Dung, Trưng Nhị
thấy Hồ Đề mang theo đội Thần-ưng, họ không hiểu nàng cho chúng tham
chiến dưới hình thức nào? Nhất là đội này được chỉ huy bởi bọn thiếu
niên tuổi chưa quá 15, đều có bộ răng đẹp, mà có hỗn danh là Sún Lé, Sún Cao, Sún Lùn, Sún Rỗ và Sún Hô. Bây giờ thấy Hồ Đề hú lên một tiếng
vang vang, thì Sún Lé phi ngựa ra. Sún Lé cầm tù-và thổi, đoàn thần ưng
bay lượn rất nhịp nhàng. Bỗng cả đoàn bay vọt lên mây rồi bất thần đâm
bổ xuống với tốc độ kinh khủng vào giữa trận Thục. Binh tướng Thục vội
vàng chuẩn bị vũ khí đối phó. Nhưng đoàn thần ưng bay xuống cách họ hơn
trăm trượng thì vọt trở lên, đồng kêu một loạt. Tướng sĩ Thục thấy trên
đầu, y phục, ngựa đều bị một loạt phân chim rơi xuống. Họ đưa tay lên sờ mặt rồi ngửi, mặt mũi nhăn nhó khó chịu.
Đứng lược trận phía xa, Nghiêm Sơn thấy tướng sĩ Thục bị Thần-ưng ị tập
thể xuống đầu, trông thực thảm thiết. Vương là người nghiêm trang, cũng
phải cười đến sùi bọt mép ra.
Hai đoàn Thần-ưng sau khi thả phân vào trận Thục, đồng ré lên một loạt, biến vào chân trời xa.
Các tướng sĩ bên Hán cười ầm lên, vỗ tay hoan hô. Hồ Đề thấy như vậy đã
đủ. Nàng hú lên một tiếng. Sún Lé gò ngựa trở về trận, đứng chờ lệnh.
Hồ Đề hỏi Công-tôn Thiệu:
– Công-tôn vương gia, thế nào, nữ nhân có tài hay vô tài? Lời vương gia nói ra, chỉ đáng so sánh với phân chim mà thôi.
Công-tôn Thiệu người đầy cứt chim, giận quá, y chỉ một tướng cạnh là Công-tôn Đoàn:
– Ngươi hãy ra giết đứa con gái kia cho ta.
Công-tôn Đoàn vọt ngựa ra đứng trước Hồ Đề:
– Nữ tướng kia! Hãy cùng ta đấu ít trăm hiệp.
Hồ Đề vọt ngựa ra trước, tay nàng rung lên, cây roi da đã chụp xuống đầu Công-tôn Đoàn. Nguyên cái roi Hồ Đề cán ngắn, khoảng vài gang tay, còn
lại là những sợi da. Đầu mỗi sợi da móc những tấm lục lạc và dao, móc
câu. Nàng vung lên một cái thì Công-tôn Đoàn thấy một cái lưới chụp vào
người. Y múa đao đỡ nhưng không kịp, một vài móc câu trúng vào người y,
máu chảy ra lênh láng. Hai người quấn lấy nhau giao phong. Hồ Đề thấy võ công Đoàn cao hơn mình, bản lĩnh ngang với Trần Năng, nên không dám coi thường. Đánh được trên trăm hiệp, Hồ Đề đuối sức, nàng lùi dần về phía
sau. Công-tôn Đoàn lợi dụng nàng sơ hỏ, quát lên một tiếng, chém cụt đầu con ngựa nàng. Hồ Đề biết thế nguy, là người ở rừng núi, đánh dư trăm
trận, nhiều kinh nghiệm chiến đấu, nàng đạp chân vào yên ngựa, vọt người lên. Công-tôn Đoàn vớt một đao lên cao định kết liễu tính mạng nàng,
thì y cảm thấy một ám khí chụp xuống đầu. Ám khí là sợi dây mềm trói tay y lại, đao rơi xuống đất. Y vùng vẫy thoát khỏi sợi dây, thì Hồ Đề đã
rơi xuống sau ngựa y, chụp cổ bắt sống, phi ngựa chạy về trận Hán, liệng y xuống đất.
Bấy giờ mọi người mới nhìn ra, thấy Công-tôn Đoàn bị một con trăn to bằng cổ tay, dài hơn trượng siết chặt, không giẫy được.
Nguyên Hồ Đề thường nuôi, dạy trăn, rắn làm vũ khí. Nàng cũng như các
hào kiệt Tây-vu, kể cả Lục Sún đều đeo trên lưng một cái túi. Trong túi
có hai con trăn lớn và hơn chục con rắn nhỏ cực độc. Chúng được huấn
luyện tinh vi. Khi lâm trận, chỉ cần xùy một tiếng, chúng từ trong túi
đeo trên lưng vọt ra tấn công địch. Vì vậy trong lúc nguy cấp, Hồ Đề xùy một tiếng, con trăn nằm trong túi dưới bụng ngựa, vọt ra quấn lấy
Công-tôn Đoàn. Công-tôn Thiệu nhảy ra định cứu tướng của mình thì Sầm
Bành vung đao chém xả ngay mặt kình lực mạnh vô cùng :
– Công-tôn Thiệu, chúng ta tái đấu.
Sầm Bành chĩa đao ngay đầu y chém xuống ! Hai người quay cuồng đấu vơi
nhau. Trưng Nhị chỉ giỏi về chưởng pháp, kiếm pháp, nàng không hiểu
nhiều về đao pháp, quay lại nhìn Phật-Nguyệt để hỏi ý kiến. Phật-Nguyệt
là đệ tử yêu của Nguyễn Phan, kiếm thuật của nàng thần thông, không kém
gì Phương-Dung, Đào Kỳ, nàng phân biệt được đao pháp của Công-tôn và
Sầm. Nàng nói nhỏ cho Trưng Nhị nghe :
– Đao pháp của hai người thuộc loại dương-cương, nhưng hai môn phái khác nhau. Bành thuộc Bắc phái, trầm mãnh, thiếu biến hóa tinh vi. Còn Thiệu dường như thuộc vùng Kinh-Sở, vừa trầm vừa hùng, biến hóa tinh kỳ. Hai
bên nội lực cùng cao ngang với Khất đại-phu, Đào tam-lang, Lê Đạo-Sinh.
Có điều cả hai cùng kinh nghiệm chiến đấu, khó mà biết ai thắng bại. Nội lực Bành hùng hậu hơn một chút, nếu đấu chưởng thì thắng. Tôi cần quan
sát võ công hai người, để Phương-Dung, Đào Kỳ nghiên cứu cách phá. Lỡ
một mai họ sang Lĩnh-nam, ta biết phá võ công của họ. Biết cách phá ta
không còn sợ gì nữa.
Hai tướng đấu trên hai trăm hiệp. Hồ Đề hỏi Trưng Nhị :
– Chị muốn em cho tên Công-tôn một bài học hay không ?
Trưng Nhị thấy Hồ Đề thích tinh nghịch mà bấy lâu nay phải trở thành đại tướng, không có dịp phát tiết cũng buồn, ban nãy nàng cho Công-tôn
Thiệu ăn phân chim, dùng trăn bắt sống Công-tôn Đoàn, lòng đầy phấn
khởi. Bây giờ nàng muốn mang Công-tôn Thiệu ra đấu nữa, thì tính trẻ con của Trưng Nhị cũng nổi dậy, nàng hỏi :
– Em muốn cho hắn bài học như thế nào ?
Hồ Đề bưng miệng cười :
– Em muốn nó trần truồng trước trận cho bõ ghét, vì nó có tội khinh thường đàn bà.
Trưng Nhị gật đầu :
– Ừ, em làm thử chị xem.
Hồ Đề phi ngựa đến trước hai tướng hô lớn :
– Công-tôn vương-gia, Sầm đại tướng quân xin ngừng tay ?
Hồ Đề người rừng núi, nàng ưa nói mộc mạc. Nhưng từ khi rời Giao-chỉ
sang đây, lúc nào cũng đi cạnh Trưng Nhị, được Trưng Nhị dạy dỗ rằng :
Bất cứ trường hợp nào, dù là kẻ thù, cũng phải nói năng lịch sự, tỏ ra
chúng ta dù là võ tướng cũng vẫn không mất vẻ đoan chính, nhu thuận của
gái Lĩnh-nam. Cho nên lời nói vừa rồi của nàng mới văn vẻ như vậy.
Hai tướng cùng lui ngựa lại.
Hồ Đề bảo Sầm Bành :
– Sầm tướng quân, tôi thấy võ công Công-tôn vương-gia vô cùng kỳ diệu
nên muốn lĩnh giáo ít chiêu. Xin Đại tướng-quân nhường cho tôi được
không ? Hai vị đã đánh nhau nhiều rồi mà chưa chán ư ?
Công-tôn Thiệu vừa bị nàng chỉ huy đội Thần-ưng ỉa đầy đầu, quần áo, y
chưa nguôi giận, tiếp theo cháu là Công-tôn Đoàn bị nàng dùng trăn bắt
sống. Y thấy võ công nàng không mấy gì cao, nhưng nàng chỉ huy được
trăn, chim ưng huyền bí kỳ lạ, y đã ngán. Nàng thấy võ công y cao mà còn dám thách đấu, thì chắc là có mưu đồ gì đây, y không muốn ra tay, vẫy
một cái. Một tướng trẻ khoảng ba mươi tuổi, dáng điệu hiên ngang hùng vĩ bước ra trước trận nói lớn :
– Ta là Thượng-tướng Vũ Chu, nếu bên người có ai địch nổi thì ra đây đối chiêu.
Mã Viện nói nhỏ :
– Vũ Chu là tướng vô địch bên giặc, thất học, vô mưu, nhưng có võ công cao hơn tôi. Tôi bị bại về tay hắn một lần.
Hồ Đề xua tay :
– Vũ tướng quân ! Ta thấy người coi cũng đẹp đẽ đấy, ta không muốn đấu
với ngươi. Ta muốn đánh nhau với Công-tôn Thiệu kia. Ngươi về trận nghỉ
đi, đừng đánh nhau với ta, không tốt đâu.
Nàng là người Tây-vu, ngẫm nghĩ câu nói bằng tiếng Mường, xong mới dịch
sang tiếng Hán, nên giọng hơi ngọng. Người Mường nghĩ sao nói vậy, nàng
thấy Vũ Chu dáng điệu hiên ngang, hùng vĩ thì dịch sang tiếng Hán là đẹp đẽ.
Người Trung-nguyên vào thế kỷ thứ nhất bị ảnh hưởng sâu đậm của đạo lý
Khổng Mạnh, nam ra ngoài xã hội, nữ ở trong nhà : Nam tại ngoại, nữ tại
nội. Đàn bà con gái khi đi đường gặp đàn ông lạ nhìn vào mặt một cái, đã phải che mặt xấu hổ. Thế nhưng nay họ thấy các nữ tướng Lĩnh-nam nhu mì xinh đẹp, trang phục tươi như hoa, giống như những đóa hoa xuân, ra
trước trận đã là một điều hiếm thấy. Họ còn thấy Hồ Đề bắt sống Công-tôn Đoàn dễ dàng, bây giờ nàng lại khen Vũ Chu đẹp đẽ, thì không thể nào
hiểu nổi.
Công-tôn Thiệu ngẫm nghĩ :
– Ta chỉ cần đánh một hiệp là bắt được con nhỏ, đem về làm tỳ thiếp cũng sướng một đời. Đất Ích-châu làm gì có đàn bà thế này ?
Nghĩ vậy y chỉ mặt Hồ Đề :
– Ngươi dùng chim ưng làm người ta dơ bẩn, được ta sẽ bắt ngươi, đem về lột trần truồng cho quân sĩ coi.
Đối với người Hán thời bấy giờ, con gái bị người ta nắm lấy tay, phải
chặt tay đi để bảo toàn danh tiết. Con gái bị lột trần truồng ra thà
giết đi còn sướng hơn. Hồ Đề là người Mường, nàng thường cùng các bạn
gái đêm đêm ra suối, cởi trần truồng tắm với nhau, đùa vui ca hát, đó là điều thích thú. Bây giờ nghe Công-tôn Thiệu nói, nàng cười :
– Ta không cần ngươi lột đâu. Ta biết tự cởi lấy để tắm mà !
Trưng Nhị nói nhỏ với Hồ Đề :
– Y nói lột quần áo sư muội ra là nhục lắm đấy. Sư muội trả đũa đi.
Con ngựa của Hồ Đề đã bị Công-tôn Đoàn chém chết, nàng mượn con ngựa ô
của Phương-Dung. Nàng huýt sáo một tiếng, con ngựa lao thẳng vào
Công-tôn Thiệu. Các tướng sĩ cũng ngạc nhiên khi thấy con ngựa đen nhỏ,
không cương, phóng nhanh như lao. Thiệu vung đao chém vào đầu ngựa ô,
định giết ngựa, bắt tướng. Nhưng ngựa ô là linh vật của rừng Tây-vu, nó
thấy kình lực đao chém vào đầu thì khuỵu vó trước xuống, uốn cong lưng,
dựng vó sau lên đá vào ngực Công-tôn Thiệu. Thiệu vội thu đao về đưa
ngang cắt hai chân sau ngựa Ô. Ngựa Ô chui dưới bụng ngựa Thiệu, luồn
qua phía sau. Trong khi đó Hồ Đề nhảy xuống đất vung tay một cái, cả
trăm quả mắt mèo chụp xuống đầu Công-tôn Thiệu. Thiệu vội trở đao lên
lia đứt những sợi dây nhưng không kịp nữa, mấy cái móc câu đã trúng
người y, đau đớn thấu xương, máu chảy đầm đìa. Con ngựa Ô chui qua bụng
ngựa Thiệu, há mồm đớp một cái đứt nghiến hai trứng ngựa Thiệu, rồi vọt
ra sau. Ngựa Thiệu bị đứt nghiến hai trứng đau quá hí lên một tiếng ngã
lăn ra. Nói chậm chứ diễn tiến ngựa Ô lao tới chui qua bụng, đớp trứng
liên hợp với hai đao của Thiệu và một roi của Hồ Đề thật mau. Công-tôn
Thiệu là võ học danh gia, y thấy ngựa đổ xuống vội vọt mình lên cao để
khỏi ngã. Hồ Đề ném vào người y một nắm ám khí, y vung chưởng lên gạt,
thì ra là một đám phấn gì đó, chứ không phải ám khí.
Y rơi xuống đất, nhìn ngựa mình bị đứt hạ bộ, máu đầm đìa, trong khi đó
Hồ Đề đã lên lưng ngựa Ô ngồi, tay nàng cầm hai cái cật ngựa máu còn nhỏ giọt, đưa ra trước ba quân nói :
– Cật ngựa mà xào rau ăn thì chắc là ngon lắm. Cám ơn vương-gia ban cật ngựa.
Tướng sĩ bên Hán cười đến phun bọt miệng ra. Quân lính bên Thục không
nhịn được cũng phì cười. Họ vội bụm miệng lại vì thấy chủ soái mình bị
nhục mạ, cười có khác gì cổ võ bên địch.
Con ngựa của Công-tôn Thiệu giẫy mấy cái thì chết. Hồ Đề rú lên một
tiếng dài, một đàn chim ưng từ trên trời lao xuống xúm nhau rỉa thịt con ngựa Thiệu. Phút chốc con ngựa chỉ còn bộ xương.
Người nghiêm trang nhất là Nghiêm Sơn với Lại Thế-Cường cũng phải cười
đến sùi bọt mép ra. Nghiêm Sơn đã biết Hồ Đề ngỗ nghịch, nhưng không ngờ nàng còn dạy con ngựa Ô ngỗ nghịch theo nàng đến thế. Phương-Dung là
một thiếu nữ tinh nghịch, thấy Hồ Đề nghịch quá, phải gật đầu nhận rằng
mình còn thua nàng quá xa.
Trưng Nhị bảo sẽ Đặng Vũ :
– Hồ Đề tinh nghịch qúa sợ Công-tôn Thiệu nổi giận, xin tướng quân chuẩn bị đánh với y.
Quả nhiên Công-tôn Thiệu nổi giận, vung đao nhảy đến tấn công Hồ Đề. Con ngựa Ô vọt chạy ngược về phía trận Thiệu. Thiệu mừng quá đuổi theo.
Phía trận Thục, ba tướng đứng đầu thấy ngựa Hồ Đề chạy đến định dùng vũ
khí đánh, nhưng ngựa Ô lạng một cái trở đầu chạy ngược về. Nó vung cước
đá ngược ra sau, trúng đầu hai con ngựa tướng Thục. Hai con ngựa đau quá hí lên, quật chủ rơi xuống đất. Khinh công Công-tôn Thiệu tuy cao nhưng không đuổi kịp ngựa Ô. Không cương, Hồ Đề huýt sáo chỉ huy, nó cứ chạy
vòng vòng quanh trận, làm Thiệu đuổi một lúc mệt quá ngừng lại, thì ngựa Ô cũng ngừng lại. Công-tôn Thiệu cảm thấy vết thương do roi Hồ Đề đánh
vào ngứa ngáy, y đưa tay lên gãi, thấy ở cổ cũng ngứa. Y không chịu
được, cởi giáp quăng xuống đất mà gãi. Y càng gãi, càng ngứa.
Trưng Nhị hỏi Hồ Đề :
– Sư muội, em làm gì hắn vậy ?
Hồ Đề cười :
– Em tung vào người hắn một ít bột móc mèo. Bột này trúng da thì ngứa
lắm, nhưng không làm chết người. Thông thường trúng da thì không đáng
ngại, nếu người ta chạy nhiều, mồ hôi đổ ra, phấn móc mèo lọt vào lỗ
chân lông, thì ngứa đến điên lên được.
Công-tôn Thiệu nhảy lên ngựa của một tướng Thục, giật quần áo ra mà gãi. Y ngứa quá, râu tóc dựng đứng lên. Hồ Đề cười ha hả nói :
– Công-tôn vương gia ! Vương-gia đòi lột quần áo tôi. Tại sao vương gia lại tự lột quần áo mình vậy?
Vũ Chu thấy chủ tướng bị làm nhục, vọt ngựa ra trước trận định đánh với
Hồ Đề, Trưng Nhị vẫy tay cho Hồ Đề lùi lại, Phật-Nguyệt tiến ra.
Phật-Nguyệt phi ngựa ra tới trước Vũ Chu nói:
– Ta là Phật-Nguyệt, gái Việt đất Lĩnh-nam, muốn cùng anh hùng Ích-châu qua lại mấy chiêu;
Vũ Chu thấy một thiếu nữ mảnh mai, mặc quần áo lụa xanh, không mặc giáp trụ, lưng đeo bảo kiếm, nói năng nhu nhã, y coi thường:
– Được, vậy cô nương muốn cùng ta đấu quyền hay đấu kiếm?
Phật-Nguyệt gật đầu:
– Tôi muốn lĩnh giáo tướng quân mấy chiêu kiếm.
Công-tôn Thiệu đã được y sĩ thoa thuốc, hết ngứa, mặc giáp trụ lại. Y rút kiếm sau lưng đưa cho Vũ Chu:
– Vũ tướng quân, nếu ngươi bắt được cô gái này, ta gả cho tướng quân làm vợ đấy.
Binh Thục cười ầm lên. Vũ Chu cầm kiếm, cởi giáp trụ bỏ lại trận, nhảy
xuống ngựa đứng đối diện với Phật-Nguyệt. Trống trận hai bên khua vang
lừng. Vũ Chu cầm kiếm vòng một chiêu khoanh tay như chào. Phật-Nguyệt
cũng cầm kiếm nhảy lên cao quay một vòng, giải khăn lụa bay phấp phới
trông thật đẹp. Nàng đáp xuống khoanh tay chào. Tướng sĩ hai bên thấy
chiêu này, biết khinh công của nàng không tầm thường. Vũ Chu tấn công
trước, kiếm chiêu kình lực mạnh kêu lên những tiếng vo vo. Bên này trận
Lại Thế-Cường nói với Trưng Nhị:
– Trưng cô nương! Cô nương bảo Phật-Nguyệt đừng giết Vũ Chu vội, để y
diễn hết kiếm thuật Thục, hầu chúng ta hiểu rõ địch hơn đã.
Đặng Vũ nhăn mặt nhìn Trưng Nhị, Lại Thế-Cường tự nói thầm: Chúng mày
thật hỗn láo! Võ công Vũ Chu vô địch đến Sầm Bành còn không địch lại, mà chúng mày dám bảo Phật-Nguyệt đừng giết y, cứ làm như là giết y dễ dàng lắm. Ta sợ Vũ Chu chỉ chém vài kiếm là con nhỏ kia mất mạng ngay.
Đặng Vũ xuất thân từ một danh gia đệ tử, năm 25 tuổi theo Quang-Vũ với
Nghiêm Sơn khởi binh, các tướng của Vương Mãng không ai địch lại y. Mãi
tới trận đánh Hoài-dương gặp Sầm Bành về hàng Hán, từ đó bên Thục không
còn một tướng nào là đối thủ của y. Sầm Bành, Đặng Vũ, Phùng Dị là ba đệ nhất cao thủ Đông-Hán. Ngày nọ y đến đầu quân theo Quang-Vũ. Nghiêm Sơn đã đấu thử với y, chỉ chịu được có 7 chưởng rồi chịu thua. Sở dĩ y phải ở dưới quyền Nghiêm, vì một là y không có công trạng bằng Nghiêm với
hai mươi lần cứu giá. Hai là Quang-Vũ với Nghiêm Sơn có tình kết nghĩa
huynh đệ. Ba là Nghiêm xuất thân nghĩa hiệp, có tài dùng người, khiến
anh hùng quy phục. Bốn là tài dụng binh của Nghiêm vô địch thiên hạ.
Từ khi cầm quân đánh Thục, Đặng Vũ đấu ngang tay với Thiên-sơn thất hùng của Tây-xuyên, mới đây y lại bị bại dưới tay Vũ Chu. Thế mà hôm nay
nghe Lại Thế-Cường dặn Phật-Nguyệt rằng đừng giết Vũ Chu, có nghĩa là
nàng thừa khả năng giết Vũ Chu, đời nào y tin.
Còn Lại Thế-Cường, ông biết Phật-Nguyệt là đệ tử yêu của Nguyễn Phan,
được Nguyễn Phan dốc túi truyền nghề, kiếm thuật của nàng đến chỗ siêu
việt như Phương-Dung. Hơn nữa, cách nay mấy trăm năm, Vạn-tín hầu Lý
Thân sang Hàm-dương đấu với anh hùng đời Tần. Ông tổng hợp kiếm thuật
Trung-nguyên thành những nguyên lý chính, rồi tìm ra phá cách đó là kiếm thuật Lĩnh-nam, lưu truyền đến nay là Long-biên kiếm pháp. Đối với các
võ công khác Long-biên kiếm pháp chưa chắc là vô địch, vì phải đợi đối
phương ra chiêu, rồi mới thuận thế đưa ra những thức khắc chế chống lại. Nhưng kiếm pháp Long-biên chế ra để khắc chế kiếm pháp Trung-nguyên,
mỗi chiêu, mỗi thức đã hàm khắc tinh. Cho nên Lại Thế-Cường biết rõ
Phật-Nguyệt thắng Vũ Chu.
Kiếm của Vũ Chu phát ra kình lực vo vo, mỗi chiêu thức bổ xuống mạnh đến long trời lở đất, mạnh đến không thể tưởng tượng được. Y đánh đã mười
chiêu, chiêu nào cũng biến ảo phi thường, người ngoài những tưởng
Phật-Nguyệt sẽ lâm nguy. Nhưng nàng cứ trơn tuột như con chạch, mấy lần
kiếm Vũ Chu chỉ nhích một chút nữa là đả thương được nàng.
Các tướng Hán, Thục đều nín lặng hồi hộp theo dõi, mỗi chiêu Vũ Chu đánh ra, có tiếng kêu lên:
– Ái chà!
– Úi! Quá!
– Chết!
Sau khi tránh mười chiêu của Vũ Chu. Phật-Nguyệt nhận ra nội công của
nàng khắc chế nội công của y đã đành. Còn kiếm pháp của nàng dường như
thức nào cũng dùng để phá kiếm pháp của y.
Các tướng Hán như Sầm Bành, Đặng Vũ, Cảnh Yểm, Mã Vũ đều nhận thấy kiếm
pháp Phật-Nguyệt nhẹ nhàng, phiêu hốt, chiêu nào cũng bao hàm sát thủ,
biến hóa quái dị không biết đâu mà lường. Bất giác họ đưa mắt nhìn
Nghiêm Sơn :
– Lĩnh-nam vương tài như Y Doãn, Chu Công có khác. Một mình, một ngựa
kinh lược Lĩnh-nam, mấy năm sau, đem về hơn ba mươi vạn hùng binh, vơi
hơn một trăm anh hùng. Một cô gái đơn sơ, mộc mạc, võ công tầm thường
như Hồ Đề, mà điều khiển được chim ưng, ngựa ô, làm cho bên Thục kinh
hoàng. Bây giờ một thiếu nữ ẻo lả, cả ngày không nói một câu, xuất trận
với kiếm thuật kinh thiên động địa, mỗi chiêu nàng phóng ra, mọi người
đều rùng mình tự hỏi kiếm pháp này là kiếm pháp gì, mà mỗi chiêu, mỗi
thức đều khắc chế với võ công của mình ?
Bất thình lình, Phật-Nguyệt lộn liền ba vòng ra xa, bóng trắng lấp loáng với giải khăn hồng ngang lưng, như một bông hồng bay lượn trong gió. Vũ Chu vọt người lên theo, xả liền ba nhát. Đến nhát thứ ba, y vừa chém
xuống thì Phật-Nguyệt vọt người lên cao như chiếc pháo thăng thiên. Vũ
Chu chém một chiêu bao trùm dưới chân nàng. Tướng sĩ hai bên đều nhắm
mắt lại, không muốn nhìn một thiếu nữ xinh đẹp như nàng bị đứt làm hai.
Phật-Nguyệt tà tà đáp xuống làn kiếm quang của Vũ Chu. Nàng xỉa một
chiêu vào giữa trung tâm. Nàng lại bay vọt lên cao. Vũ Chu vọt người
lên. Ở trên không hai người chiết với nhau trên mười chiêu, rồi cùng đáp xuống một lúc.
Thình lình Vũ Chu đổi kiếm pháp. Kiếm của y chậm hẳn lại, chiêu nào kình lực cũng veo véo. Phật-Nguyệt nhảy lui liền mười bước, rồi nàng quay
tròn người như một con quay, người ta chỉ thấy bóng trắng ở giữa có sợi
dây hồng. Nàng lăn vào làn kiếm quang của Vũ Chu. Bỗng choảng một tiếng, cả hai cũng nhảy lui lại.
Phật-Nguyệt đã tra kiếm vào vỏ. Còn Vũ Chu thì ôm tay, cườm tay ứa máu ra, mặt lộ vẻ vừa kinh hoàng, vừa khâm phục.
Phật-Nguyệt chắp tay nói :
– Vũ tướng quân ! Đa tạ tướng quân nhẹ tay.
Vũ Chu nhăn nhó đáp :
– Cô nương Phật-Nguyệt, tiểu-tướng vẫn chưa phục, vì vừa rồi cô nương ra chiêu thế nào tiểu-tướng hoàn toàn không nhìn thấy.
Câu nói của Vũ Chu chính là ý nghĩ của tướng sĩ Hán, Thục. Tất cả không
ai hiểu Phật-Nguyệt đã ra chiêu như thế nào. Chỉ có một mình Phương-Dung đứng lược trận phía sau biết mà thôi.
Phật-Nguyệt là một thiếu nữ nhu nhã, tính tình ôn hòa, nàng thấy Vũ Chu
quả có bản lĩnh chân thực. Nàng thắng y là nhờ kiếm pháp Long-biên khắc
chế kiếm pháp Thiên-sơn, chứ không phải kiếm pháp nàng cao hơn y. Nàng
nói :
– Vũ tướng quân, trên thế gian này ngoài,ân sư của tiểu nữ ra, có lẽ chỉ có hai ngừơi là thắng được kiếm thuật của tướng quân mà thôi. Tiểu nữ
cũng như họ, thắng tướng quân là nhờ kiếm pháp của bản môn khắc chế kiếm pháp Thiên-sơn, chứ không phải võ công tiểu nữ cao hơn tướng quân đâu.
Bên trận Thục Công-tôn Thiệu và các tướng nghe Phật-Nguyệt nói, họ cảm
thấy cô gái Lĩnh-nam này hiệp nghĩa, thật thà đáng kính, không phải
người tàn nhẫn độc ác. Công-tôn Thiệu là một người trí dũng tuyệt vời, y nghĩ rất mau :
– Hoàn cảnh đưa day, những người này ở vào thế đối nghịch với ta. Ta với Đặng Thi-Sách là chỗ thâm giao, vậy ta phải cho người khẩn sang
Lĩnh-nam gặp y, nếu không kéo được những người này về với Thục, ít nhất
họ cũng không giúp Hán.
Nghĩ vậy Công-tôn Thiệu nói :
– Cô nương! Cô nương có thể diễn lại cho Tiểu-vương được mở rộng tầm mắt không ?
Phật-Nguyệt gật đầu. Nàng vọt người lên cao, tay rút kiếm đưa xuống
dưới, nàng vận khí, thanh kiếm cong đi, rồi bật sang phải. Kình lực làm
lưỡi kiếm kêu lên vo vo.
Bây giờ Vũ Chu mới biết rằng, y vung kiếm lên chém nàng, nàng đưa kiếm
gạt, rồi vận khí lưỡi kiếm bật sang ngang, vì vậy y mới bị trúng cườm
tay. Y ra nhặt kiếm, nhìn Phật-Nguyệt cẩn thận, rồi bay vọt lên tấn
công. Lần này Phật-Nguyệt rút kiếm đâm ngược trở lại. Kiếm pháp của nàng nhanh quá, hư hư ảo ảo, không biết đâu mà lường. Người ta chỉ thấy bóng trắng nhấp nhô chập chờn khi trái, khi phải.
Đặng Vũ đứng lược trận nhìn tình cảnh của Vũ Chu, y nghĩ :
– May là Vũ Chu, nếu là mình có lẽ bị giết lâu rồi.
Đánh được hai trăm hiệp, Phật-Nguyệt thấy kiếm pháp của Vũ Chu có tới 36 chiêu khác nhau, mỗi chiêu đều biến hóa mãnh liệt vô cùng, nên nàng
tránh không đỡ. Đợi khi Vũ Chu đánh hết một lượt, nàng đã hiểu rõ kiếm
pháp của y. Y chém liền ba chiêu véo véo véo. Phật-Nguyệt nhảy vọt lên
cao ánh kiếm quay thành những vòng tròn bao phủ khắp người Vũ Chu. Chỉ
một chiêu đó nàng đã biến thành 72 chiêu khác nhau. Vũ Chu hoa mắt nhảy
lui lại 7 bước, mà kiếm quang vẫn bao phủ lấy người. Phật-Nguyệt thu
kiếm nhảy lui lại cười :
– Vũ tướng quân, người thấy rõ chưa ?
Vũ Chu lắc đầu :
– Như thế không kể, cô nương dùng tà thuật, chứ có phải dùng kiếm thuật đâu, ta không phục.
Phật-Nguyệt cười :
– Vậy thì được, bây giờ ta cắt chỏm mũ của tướng quân đây.
Thân hình thấp thoáng một cái, ánh kiếm lóe lên, không ai nhìn rõ nàng
ra chiêu như thế nào, đã nhìn thấy nàng tra kiếm vào vỏ đánh cách một
tiếng, khoanh tay cười. Vũ Chu nhảy lui lại, mặt tái mét, vì chỏm mũ của y bị cắt đứt, y cúi xuống nhặt lên tay phát run.
Bên này Sầm Bành nhìn thấy kiếm chiêu của Phật-Nguyệt, y tỉnh ngộ :
– Trước đây có một người ở Lĩnh-nam tên Lý Thân sang Hàm-dương đánh
thắng tất cả võ sĩ của Tần Thủy-Hoàng bằng chiêu kiếm thần tốc vô cùng,
sau được phong là Vạn-tín hầu. Vậy con này tất là đệ tử đời sau của
Vạn-tín hầu chứ không sai. Kiếm pháp của nó thần sầu quỷ khốc. Nếu ta là Vũ Chu, ta cũng không biết làm sao đỡ được. Ta nghe con nhỏ Phật-Nguyệt kiếm pháp còn thua Phương-Dung với Đào Kỳ, thế thì kiếm pháp của chúng
còn cao siêu tới đâu ?
Ngoài trận Phật-Nguyệt vung kiếm lên ánh bạc bao trùm người Vũ Chu. Y
chỉ đỡ mà không kịp. Được mấy chục hiệp, mồ hôi vã ra. Lần này Trưng Nhị hô lớn :
– Giải quyết đi thôi.
Phật-Nguyệt vung kiếm lên, choảng một tiếng, Vũ Chu bị đâm trúng cườm
tay. Kiếm rơi xuống đất. Tay trái Phật-Nguyệt bắt kiếm quyết, tay phải
dí kiếm vào cổ y, giải khăn đỏ bay phấp phới trông như một nàng tiên. Vũ Chu bật ngửa người ra sau, lăn đi mấy vòng, rồi vọt người đứng dậy,
tưởng đã thoát được kiếm Phật-Nguyệt, nhưng vừa đứng dậy, y đã thấy cổ
đau nhói, kiếm Phật-Nguyệt dí vào. Y sợ quá biết khó thoát khỏi cái
chết, hiên ngang nói :
– Ta giận vì học nghệ chưa tinh, bị bại dưới tay cô nương. Cô nương giết ta đi. Vũ Chu này không sợ chết đâu.
Phật-Nguyệt cười lớn :
– Vũ tướng quân, người có khí phách anh hùng thật hiếm thấy. Tiểu nữ
trót mạo phạm mong tướng quân rộng lượng thứ lỗi. Trên đời tiểu nữ chưa
bao giờ gặp một kiếm thuật danh gia như tướng quân. Tiểu nữ dám hỏi :
Tướng quân với Thiên-sơn lão tiên là thế nào ?
Vũ Chu đáp:
– Thiên-sơn lão tiên là Thái-sư phụ của tiểu tướng.
Phật-Nguyệt, Phương-Dung, Trưng Nhị đều à lên một tiếng kinh ngạc. Ngày
nọ trên thuyền từ đảo về Bắc, Khất đại-phu kể chuyện rằng cách nay 20
năm ông cùng Nguyễn Phan sang Trung-nguyên chơi, đấu với khắp anh hùng
thiên hạ, để tìm bạn đồng đạo. Sau hơn một năm, hai người chỉ tìm được
Thiên-sơn lão tiên là người hiệp nghĩa, rồi kết bạn với nhau.
Công-tôn Thiệu hỏi :
– Chẳng hay cô nương có quen biết với Thái-sư phụ của chúng tôi chăng ?
Phật-Nguyệt đáp :
– Tôi bằng này tuổi, làm sao quen được với một lão tiên như Thiên-sơn
đại hiệp! Chẳng qua sư phụ tôi với lão tiên là bạn tri kỷ. Cách nay 20
năm sư phụ tôi với Khất đại-phu, cùng lão tiên đấu võ, uống rượu, rồi
kết bạn. Khi rời Lĩnh-nam sang đây, sư phụ dạy rằng, nếu biết tin tức
lão tiên ở đâu, cho người biết để người sang cùng đối ẩm.
Công-tôn Thiệu kêu lớn lên:
– Thì ra cô nương là đệ tử của Long-biên thần kiếm Nguyễn Phan tiên sinh. Chúng tôi thua là phải lắm.
Đặng Vũ thấy Phật-Nguyệt, Công-tôn Thiệu thân mật, sợ hai bên hòa hoãn
thì khó khăn cho y. Y cầm roi ngựa chỉ một cái. Các tướng Hán xua quân
tràn sang trận Thục.
Bỗng trận phía trái, phía phải đều xáo trộn, thì ra trong thành đã cho hai đạo quân đánh vào trận Hán.
Trưng Nhị sai đốt pháo lệnh, cho quân sĩ lui lại, một đàn voi trận xuất
hiện. Lần đầu tiên binh tướng Thục thấy voi, thất kinh hồn vía bỏ chạy.
Hai đội quân bên trái, phải không sợ vẫn đánh thúc vào mạn sườn quân
Hán. Hán quân cương quyết xua voi trợ chiến. Chỉ được một lát hai đạo
trái, phải dao động, thì ra hai đội của Lê Chân, Trần Năng xuất hiện.
Binh Thục bị ba đội voi bao vây chạy hỗn loạn. Công-tôn Thiệu bỏ
Phật-Nguyệt xông về phía Bắc gặp Trần Năng. Y không nói không rằng phóng chưởng đánh liền. Trần Năng vận khí, phát chiêu trong Phục-ngưu thần
chưởng Ngưu tọa ư điền đánh lại. Bùng một tiếng, nàng thấy nảy đom đóm
mắt, khí huyết đảo lộn. Vội nhảy vọt lên cao hít một hơi chân khí. Trong khi đó Công-tôn Thiệu cũng rung động toàn thân bởi y không ngờ nữ tướng có công lực mạnh như vậy. Y vung chưởng nữa đánh lên không. Trần Năng
trên cao phát chiêu Ác ngưu nan độ đánh xuống. Bùng một tiếng người nàng lại bay lên. Nàng là người can đảm nhiều mưu trí, đá gió một cái đáp
xuống đất. Công-tôn Thiệu bị tê cả tay. Y nói :
– Thiếu nữ kia, ngươi tên gì ? Trên đời này chỉ có Đặng Vũ, Sầm Bành đỡ
được chưởng của ta mà thôi. Ngươi đỡ được mấy chưởng của ta, thì công
lực không phải tầm thường. Sư phụ của ngươi là ai ?
Trần Năng đáp :
– Tôi họ Trần tên Năng, sư phụ tôi họ Trần húy Đại-Sinh.
Công-tôn Thiệu nghe đến tên Trần Đại-Sinh thì mặt y cau lại. Y nói :
– Trần cô nương, xin cô nương hãy kíp liên lạc với tôn sư, hỏi người xem việc cô nương đánh Thục có hợp đạo lý hay không ? Trần lão tiên sinh
với Thái sư-phụ tôi là chỗ giao hảo thâm tình. Sư huynh Đặng Thi-Sách
với tôi vốn là chỗ cựu giao. Thôi tôi rút quân đây.
Trưng Nhị phất c
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!