Động Đình Hồ Ngoại Sử
Chương 9: Não người áo giáp bấy lâu Hồn quê qua đó mặt sầu chẳng khuây
Ngô Hán sai bày tiệc khao quân, Nghiêm Sơn thấy anh hùng Lĩnh Nam đều hờ hững, vui cười miễn cưỡng. Là người lãnh đạo hàng triệu tướng sĩ trong
bao nhiêu năm qua, nên người dưới buồn vui, giận hờn hiện trên nét mặt
Vương đều nhận ra ngay. Vương cho rằng ngày Tết sắp đến, đám anh hùng
Lĩnh Nam phải xa nhà, lòng tưởng nhớ quê hương khiến họ kém vui.
Sáng hôm sau có quân vào báo. Công-tôn Tư mời Nghiêm Sơn ra trận.
Nghiêm Sơn cầm bút phê:
– Ngày mai quyết chiến ở đồi Quảng-nguyên.
Nghiêm Sơn đánh trống triệu tập quân sĩ nghe lệnh. Các tướng có công với nhà Hán, như Chinh-tây đại tướng quân Phùng Dị, Hổ-nha đại tướng quân
Cáp Diên, Vũ-oai đại tướng quân Lưu Thương, Hoành-giả tướng quân Vương
Thường, Trung-lang tướng quân Lai Háp, bị đặt dưới quyền Ngô Hán. Họ cho Ngô là người đọc sách, không xứng đáng làm chủ tướng. Bây giờ được
chính Nghiêm Sơn chỉ huy, họ hăm hở chờ lệnh.
Nghiêm Sơn nói:
– Xa-kị tướng quân Ngô Hán mang ba vạn quân bộ và một vạn quân kỵ cùng
với Hậu-quân hiệu-úy Đỗ Mạo và Thần-nỏ Âu-lạc tứ hùng trợ giúp đi theo
đường Nam-giang đến thành Ba-trung. Không cần chiếm được thành, chỉ cần
đốt lửa, công phá để làm loạn lòng quân của Công-tôn Tư mà thôi.
– Trường-yên đại hiệp cùng Tham-quân Vương Hữu Bằng trấn giữ Dương-bình quan.
– Quân-sư Phùng Vĩnh-Hoa cùng với Thái sư-thúc Khất đại-phu ngay đêm nay đến Võ-đô điều động binh mã, đạo này từ Bình-võ kéo về đánh Khúc-giang.
– Tây-lương Thứ-sử Mã Thành mang bản bộ binh mã đóng tại Thành-xuyên làm hữu dực, Hán-trung Thứ-sử mang bản bộ binh mã phục tại Đại-thạch làm tả dực.
– Hành-quân Tư-mã Vương Bá mang ba vạn quân bộ, ba vạn quân kỵ dàn ra tại Quảng-nguyên.
– Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa mỗi sư muội lĩnh một vạn binh đem theo sáu sư-đệ
Hoàng, Hắc, Bạch hổ và Hoàng, Hắc, Bạch báo đóng ở hai bên vùng đồi
Quảng-nguyên, khi thấy ta lui binh, giặc đuổi, để cho chúng đi qua. Đợi
khi có pháo lệnh, ta đánh quật lại, tả dực, hữu dực đánh bít đường về
của chúng, thì kéo đến đánh Kiếm-các.
– Trung-lang tướng dẫn bốn vạn binh phục ở trái Quảng-nguyên, Hổ-nha đại tướng-quân dẫn bốn vạn quân phục ở bên phải Quảng-nguyên. Khi thấy
chúng ta rút lui, đổ ra đánh bít lối về của giặc.
Sáng hôm sau Nghiêm Sơn cùng Phương-Dung dẫn các tướng Phùng Dị, Lưu Thương, Trần gia tam nương đem quân tới đồi Quảng-nguyên.
Công-tôn Tư phi ngựa ra trước trận, bên phải có Lũng-tây vương Triệu
Khuôn, bên hữu có Quân-sư Trung-lang tướng Tào Mạnh. Tào Mạnh hô lớn:
– Mời Lĩnh-nam vương, Tả tướng quân, Nghiêm đại soái ra nói chuyện.
Nghiêm Sơn gò ngựa nói:
– Nghiêm Sơn ở Quế-lâm đây.
Triệu Khuôn vận khí vào đơn điền nói lớn:
– Lĩnh-nam vương gia, tôi nghe Vương-gia là anh hùng hào kiệt
Trung-nguyên, vì nghĩa cứu Quang-Vũ, một đêm đánh 20 trận với võ sĩ của
Vương Mãng. Được Quang-Vũ kết huynh đệ phong làm Bình-nam tướng quân,
Lĩnh-nam công, trấn thủ 6 quận Cửu-chân, Nhật-nam, Giao-chỉ, Quế-lâm,
Nam-hải, Tượng-quận. Nay Hán bị chúng tôi đánh bại, phải triệu người về
phong làm Lĩnh-nam vương. Kẻ thôn phu núi Thiên-sơn này vẫn hằng nghe
danh Vương-gia như sấm động. Mới rồi được tin Vương-gia đẹp duyên giai
ngẫu với đệ nhất giai nhân đất Lĩnh-nam. Vương-phi là người trong võ
lâm. Lão phu chưa kịp cử người mang lễ đến mừng, thì Vương-gia đã mang
quân đến đánh anh em lão phu rồi. Lão phu thấy mình thực vô duyên. Tuy
nhiên lễ vật đã sẵn, lão phu xin dâng Vương-gia tại đây.
Y ngoắc tay ra sau vẫy một cái, có hai thiếu nữ bưng hai hộp gỗ sơn son
thếp vàng. Hai thị đến trước ngựa Nghiêm Sơn, quì xuống dâng lên.
Vũ-oai tướng-quân Lưu Thương bảo Nghiêm Sơn:
– Xin Vương-gia cẩn thận sợ có cạm bẫy gì bên trong.
Phương-Dung cười:
– Lũng-tây vương là đệ nhất hào kiệt đời nay, khi nào lại làm chuyện đó. Đại ca cứ mở ra đi.
Nghiêm Sơn xuống ngựa mở cái quả thứ nhất. Chàng ngẩn người ra, vì trong quả có 9 bộ quần áo bằng gấm Thục với 9 mầu khác nhau. Trên ngực mỗi
chiếc áo đều thêu một bông cúc tuyệt đẹp.
Nguyên bông cúc là biểu hiệu của Hoàng Thiều-Hoa, cho nên Nghiêm Sơn
nhìn thấy, tim Vương đập mạnh một cái. Đậy quả lại, Vương mở tiếp quả
thứ nhì, bên trong có hai hộp nhỏ. Vương mở hộp thứ nhất, là một cành
đào. Hoa bằng hồng ngọc, lá bằng bích ngọc. Cành đào đó giống như cành
đào biểu hiệu của phái Cửu-chân. Vương mở hộp thứ nhì là con Thần-ưng
bằng vàng, mắt là hai hạt kim cương. Con Thần-ưng nầy là biểu hiệu của
phái Quế-lâm nhà Vương. Bên dưới có tấm danh thiếp đề tên Thiên-sơn thất hùng.
Nghiêm Sơn nhân hai cái quả. Vương chắp tay tạ:
– Chưởng môn phái Quế-lâm xin đa tạ các vị đại hiệp phái Thiên-sơn đã
cho quà. Tiện nội hiện không có đây. Khi nào rảnh rang, tại hạ sẽ cùng
tiện nội lên Thiên-sơn bái tổ và tạ ơn các vị đại hiệp.
Triệu Khuôn ngiêng mình đáp lễ:
– Tại hại được nghe Nghiêm đại hiệp gọi anh em tại hạ bằng tiếng hiệp
nghĩa thật mát lòng, mát dạ. Nghiêm đại hiệp quả là tri kỷ của anh em
tại hạ vậy.
Nghiêm Sơn nghe Triệu Khuôn nói vậy thì tự nghĩ:
– Thực là hỏng bét, mình thấy họ dùng lễ võ lâm đồng đạo đối với mình
thì buột miệng gọi là đại hiệp như vậy chẳng hóa ra họ khởi binh là có
chính nghĩa ? Thực là hỏng bét.
Triệu Khuôn hướng vào Phương-Dung:
– Đào phu nhân, tại hạ là người Trung-nguyên, không rành đạo lý võ lâm
Lĩnh Nam. Xin phu nhân cho biết thế nào là võ đạo, hiệp nghĩa Lĩnh Nam?
Phương-Dung biết Nghiêm Sơn bị mắc bẫy Triệu Khuôn, vì Vương gọi họ là
đại hiệp, anh em họ đều là nghĩa hiệp cứu khổn phò nguy. Như vậy việc họ xưng đế ở Thục là chính nghĩa, còn Hán thì trở thành tà đạo. Biết thế,
từ hôm sang Trung-nguyên, nàng là nhân vật thứ hai sau Nghiêm Sơn, nhưng thấy việc mình đánh Thục trợ Hán quả là giúp kẻ hung tàn. Còn đám anh
em Thiên-sơn đối xử với nhau như ruột thịt, sợ rằng đám Lĩnh Nam của
nàng cũng không bằng. Chỉ mấy năm họ đã kiến thiết đất Thục thành một
quốc gia giàu có, dân chúng hưởng no ấm, trên khắp Trung-nguyên không
đâu bằng. Vì vậy nàng muốn nhân câu trả lời Triệu Khuôn thức tỉnh Nghiêm Sơn.
Nàng dõng dạc nói:
– Triệu đại hiệp! Võ đạo Lĩnh Nam so với Thục, với Trung-nguyên đại thể
cũng giống nhau, có khác nhau về chi tiết do hoàn cảnh địa phương mà
thôi. Người được gọi là đại hiệp thấy kẻ ác phải trừng trị, thấy người
gặp hiểm nguy dù mất tính mạng cũng phải ra tay cứu trợ. Đó là phần
giống nhau. Còn phần khác như Nghiêm vương gia thấy Kiến-Vũ thiên tử bị
võ sĩ Vương Mãng giết hại, một đêm đánh 20 trận, bị thương 15 lần cứu
cho được. Như chúng tôi đây, đất nước bị chìm đắm nô lệ trên 200 năm,
người Hán sang cai trị nước tôi coi dân như trâu như chó. Kịp đến khi
Nghiêm đại ca sang trấn nhậm, trước giết tham quan, sau hạ lệnh bỏ những luật lệ quái ác, vì vậy chúng tôi đáp lễ đại ca, bằng cách giúp người
đánh thục.
Nghiêm Sơn tiếp:
– Nghiêm tôi xuất thân làm hiệp sĩ lấy nhân nghĩa làm vũ khí. Cứu
Kiến-Vũ thiên tử là do lòng nhân cứu người khi hoạn nạn há vì công danh
mà làm chuyện đó. Khi Thiên-tử ủy cho tại hạ chức Bình-nam tướng quân,
việc đầu đầu tiên tại hạ cách chức bọn Thái-thú tham ô, bọn Huyện-úy ác
độc chính nhờ đó mà nhân sĩ Lĩnh Nam không coi tại hạ là kẻ thù, giúp
tại hạ như giúp bằng hữu. Đất Lĩnh Nam, nam cũng như nữ đều được trọng,
đều có tài.
Ngưng một lúc Vương tiếp:
– Tại hạ tiến quân vào đất Thục, giúp nghĩa huynh của tại hạ là Kiến-Vũ
thiên-tử. Trước kia tại hạ vì nghĩa, một đêm đánh 20 trận cứu người, rồi kết huynh đệ. Cho đến nay, trong thiên hạ, ngoài Thiên-tử, tại hạ là
người thứ nhì. Từ xưa đến giờ, giữa chúa tôi chưa từng có một bầy tôi
nào được biệt đãi như Nghiêm nầy. Vì vậy Nghiêm tôi dù biết Thiên-sơn
thất hùng là hào kiệt, là nghĩa sĩ đời nay cũng vẫn tiến quân đánh Thục. Khi tiến quân vào Thục, tại hạ sai truyền hịch khắp nơi không được đụng đến một sợi cỏ của dân. Vì vậy khi chiếm được Dương-bình quan, Phùng
Vĩnh-Hoa hạ lệnh giết Lữ-trưởng Võ Hữu Hạnh vì xâm phạm vợ con, tướng sĩ Thục. Lại sai niêm phong tài sản, đưa vợ con tướng Thục trả về, như vậy có phải là Nhân, Nghĩa, Hiệp không?
Triệu Khuôn cười:
– Trước đây Vương-gia truyền hịch, hứa rằng tướng sĩ Thục đầu hàng sẽ
được giữ nguyên chức tước cũ? Vậy Vương-gia có thấy ai đầu hàng chưa?
Tại hạ nói để Vương-gia biết, vận nhà Hán đã hết rồi, nên chúa ta mới
phất cờ dựng nghiệp. Trước kia Lưu Bang mang quân từ Ích-châu ra tranh
thiên hạ với Hạng Võ mà thành công, bây giờ cái vòng cũ lại trở về: Chúa ta sẽ đem quân tranh thiên hạ với Quang-Vũ và sẽ chiếm Trung-nguyên. Ta thấy Vương-gia tài trí anh hùng đâu kém gì Văn Vương? Bỏ xa Lưu Bang,
sao Vương-gia không kéo quân, trước chiếm Hán-trung, Lương-châu, sau
chiếm Lĩnh Nam, Kinh-châu lên ngôi hoàng-đế, đem nhân đức cai trị dân có hơn không?
Nghiêm Sơn cười lớn:
– Triệu huynh nói vậy là không hiểu ta rồi. Ta xuất thân hiệp sĩ, phải
lấy nghĩa làm đầu. Đối với thiên hạ, Quang-Vũ là kẻ bất nhân bất nghĩa,
nhưng Quang-Vũ đối với ta bằng tất cả tấm lòng tri kỷ, ta phải đáp nghĩa người. Ta đã nói với người, khi đại sự xong rồi, một thanh gươm, một
con ngựa tiêu dao tự tại. Ta há vì phú quý mà phản nghĩa huynh ư?
Triệu Khuôn cười gằn:
– Lĩnh-nam vương biết chúng tôi dựng Thục là hành hiệp cứu người, mà vẫn muốn đánh chúng tôi. Đất Thục tuy hẹp, dân Thục tuy nghèo nhưng không
thiếu nghĩa sĩ. Chúng tôi nhất quyết giữ đến hơi thở cuối cùng. Nào
Vương-gia, hãy tiến lên cùng chúng tôi đánh một trận, chứ cứ đi núp bóng quần hồng Lĩnh Nam thì đâu phải anh hùng.
Phương-Dung lên tiếng:
– Lũng-tây vương-gia, tiểu nữ ở Lĩnh Nam nghe danh ngài như sấm nổ ngang tai: Nào kết huynh đệ với Thục-đế, một tay dựng nghiệp cho Thục, chiếm
Ích-châu, bình Kinh-châu, kinh lược Tây-xuyên, Có thể nói giang sơn nhà
Công-tôn là do tiên sinh dựng nên. Tiên sinh là sư phụ của Đông-cung
thái-tử. Thái-tử Công-tôn Tư là Đại tư-mã đất Thục, như vậy tiên sinh là một Thái thượng hoàng rồi còn gì nữa? Nhưng tại sao tiên sinh lại hủ
lậu quá vậy? Tiên sinh chê Nghiêm đại ca của tôi núp bóng quần hồng, như vậy tiên sinh không biết lẽ tự nhiên của trời đất. Phàm trong trời đất
có Dương, ắt có Âm. Âm, Dương là đạo của trời. Đàn ông là Dương, đàn bà
là Âm, có gì khác nhau đâu? Bên Trung-nguyên thiếu gì anh thư lỗi lạc
làm nên chuyện kinh thiên động địa, huống hồ đất Lĩnh Nam chúng tôi.
Ngưng một lúc, nàng nói:
– Tiên sinh bỉ thử phụ nữ Lĩnh Nam, vậy người đã thấy Phùng sư-tỷ của
tôi chưa? Sư-tỷ mới 24 tuổi, văn liệu tiên sinh có bằng không? Nhất định là không! Còn võ thì hai người chưa động thủ, hơn kém chưa phân. Còn
tài thao lược chỉ một trận chiếm ba thành Nam-bình, Võ-đô, Bình-võ. Trận thứ nhì chiếm Dương-bình quan. Liệu tiên sinh có hơn không, thế mà tiên sinh một điều bỉ thử, hai điều bỉ thử gái Việt là tại sao?
Nàng hướng Công-tôn Tư nghiêng mình hành lễ:
– Công-tôn thái-tử! Tiểu nữ là vợ của Lĩnh-nam nguyên soái Đào Kỳ, họ
Nguyễn tên Phương-Dung, muốn được nói chuyện riêng với Thái-tử có được
không?
Công-tôn Tư thấy Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa, Vĩnh-Hoa đều xinh đẹp, nói năng dịu dàng ôn nhu. Nay lại thấy Phương-Dung đẹp sắc sảo hơn nhiều. Y nghe nói Phương-Dung là đệ nhất quân sư của Nghiêm Sơn, chính nàng điều động ba
đạo đánh Thục. Văn đã thế, kiếm thuật thần thông vô cùng, nay thấy nàng
tự nhiên bày tỏ cảm tình với mình, thì nghiêng mình đáp lễ:
– Thôn phu Công-tôn Tư xin bái kiến Đào phu nhân. Chẳng hay phu nhân có điều chi dậy bảo?
Phương-Dung cười rất tươi. Nàng vận khí vào đơn điền nói:
– Hôm qua tiện nữ tới đây thì gặp quân sư đạo Hán-trung là Phùng sư-tỷ.
Sư-tỷ nói rằng giữa người với Thái-tử có tình tri âm. Trước ba quân cùng nhau tấu nhạc. Lại khi lên đồi Định-cường ngắm tuyết, uống trà đọc phú
Ly Tao, thổi tiêu, đánh đàn. Thái-tử nói với Phùng sư-tỷ rằng, hiện
Thái-tử gặp nhiều hoạn nạn, mong sư-tỷ giúp Thái-tử toại chí lớn không
biết có đúng như vậy không?
Công-tôn Tư đáp:
– Quả đúng như thế. Không biết Đào phu nhân có giúp chúng tôi như Phùng cô nương không?
Phương-Dung nói lớn:
– Giúp chứ! Nhất định giúp. Sư-tỷ với chúng tôi tình như chân tay, nhất
định tôi sẽ vì sư-tỷ giúp Thái-tử. Nhưng chuyện ấy từ từ mà làm.
Quân-sư Tào Mạnh là người thông hiểu thế cuộc, vội tiến lên nói:
– Đào phu nhân, người nói giúp Thái-tử chúng tôi, thì giúp bằng cách nào?
Phương-Dung cười:
– Tào tiên sinh, tiên sinh được người đời tôn là túi khôn của
Trung-nguyên, chức tới Trung-lang tướng, thế mà tại sao không hiểu người xưa nói rằng: Việc lớn thiên hạ không thể bàn trước công chúng, chuyện
trọng đại như vậy mà đem nói ra, có khi nguy cho Thái-tử.
Tướng trẻ bên Thục là Hầu Đơn hỏi Nghiêm Sơn:
– Lĩnh-nam vương, hồi nãy sư phụ tôi ngỏ ý thách Vương-gia đấu trăm
chưởng, không biết Vương-gia có giám nhận lời không, mà im lặng như vậy? Từ hơn hai tháng nay, cả đạo Hán-trung toàn thấy anh hùng Lĩnh Nam xuất trận, chưa hề thấy anh hùng Trung-nguyên xuất thủ, thế nghĩa là thế
nào?
Đô đốc bên Hán là Lý Thái-Hiên quát lớn:
– Hầu Đơn, mi có giỏi ra đây cùng ta đấu một trận. Hôm trước ngươi bị
bại vì một cô nương trẻ tuổi Lĩnh Nam, bây giờ ngươi còn dám vác mặt ra
đây ư?
Hầu Đơn chưa kịp nói gì, thì Trung-lang tướng bên Thục là Phan Đức vọt
ngựa ra vung đao chém Lý Thái-Hiên. Lý Thái-Hiên không đỡ y vọt khỏi
mình ngựa, đợi cho lưỡi đao Phan Đức qua dưới chân, y bổ cho một kiếm.
Phan Đức hoảng hốt lăn mình xuống đất tránh khỏi thế kiếm ác liệt, nhưng y thoát khỏi thì con ngựa của y bị chặt đứt xương sống, hí lên một
tiếng thê thảm rồi ngã lăn ra. Phan Đức bỏ đao, rút kiếm đâm Lý
Thái-Hiên. Hai bên quay cuồng kịch đấu. Phương-Dung thấy kiếm pháp của
Lý Thái-Hiên mau không kém gì Long-biên kiếm pháp của nàng. Còn kiếm
pháp của Phan Đức thì khi mau khi chậm biến ảo không lường. Nàng hỏi
Nghiêm Sơn:
– Nghiêm đại-ca, đại-ca phải cẩn thận, Lý Thái-Hiên bại đến nơi rồi.
– Sao sư muội biết ?
– Có gì mà không biết. Hai người nội lực ngang nhau, kiếm pháp của Lý
lấy mau thắng chậm, sử dụng tốn nhiều nội lực quá, mà y không biết sử
dụng hư chiêu. Còn kiếm pháp của Phan thì trầm mãnh, đánh chậm ít tốn
nội lực. Cho nên càng đánh lâu, y càng lợi.
Nghiêm Sơn quan sát, thấy quả đúng như Phương-Dung nói. Trải qua trăm
hiệp, kiếm pháp của Lý Thái-Hiên bắt đầu chậm lại. Vương bảo
Phương-Dung:
– Sư muội có cách nào giúp Lý Thái-Hiên không?
– Chịu! Không có cách nào cả, ngoài việc ta nhảy vào vòng chiến, nhưng làm như vậy thì thiếu tính cách anh hùng.
Nghiêm Sơn vọt ngựa vào giữa trận của hai người. Vương rút kiếm ra gạt
mạnh, một tiếng choảng lớn vang lên, hai thanh kiếm của hai tướng đều
văng lửa rồi bay lên không. Vương thuận tay bắt lấy rồi cầm đến trước
mặt Công-tôn Tư trả lại:
– Xin hoàn trả kiến cho Thái-tử. Thái-tử với tôi đang nói chuyện với
nhau, tại sao họ là bộ thuộc lại dám xen vào vô lễ, vì vậy tôi phải can
ra.
Công-tôn Tư gì mà không biết Nghiêm Sơn vờ can thiệp để cứu thuộc hạ. Chàng cười khẩy:
– Công lực Nghiêm nguyên soái thực là thâm hậu, mưu kế càng cao hơn nữa, hôm nay Công-tôn mỗ phải lĩnh giáo võ công của Nghiêm nguyên soái mới
được. Xin mời.
Công-tôn Tư vọt khỏi mình ngựa xuống đất. Còn lơ lửng trên không đã vung chưởng đánh Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn trầm người xuống tránh, thuận thế
đẩy lại một chưởng. Hai luồng nội lực gặp nhau, chàng cảm thấy tay hơi
tê dại, Vương nghĩ:
– Công lực thằng cha này không thua Phong-châu song quái là bao.
Vương vẫn dùng chưởng lực thong thả tấn công. Hai người ngang tuổi nhau, một bên là cao đồ của phái Quế-lâm, đánh dư trăm trận, một bên là đệ tử đắc ý nhất của phái Thiên-sơn.
Tướng sĩ hai bên cùng ngây người ra đứng nhìn hai vị chúa tướng đấu
nhau. Phương-Dung chỉ giỏi về kiếm thuật, còn về quyền chưởng nàng chỉ ở mức trung bình mà thôi. Nàng nhìn trận đấu, không phân biệt đùược ai sẽ thắng.
Nàng đi dọc theo hàng tướng sĩ ra hiệu cho họ chuẩn bị, hễ thấy phất
nàng trận là đánh liền. Ngoài trận đấu, bỗng Nghiêm Sơn đổi lối đánh,
chưởng lực của Vương thành chậm chạp nhưng hùng mạnh vô cùng. Cứ mỗi khi hai chưởng đụng nhau, Công-tôn Tư lại lui một bước. Đến chưởng thứ mười thì y lui về đến trận Thục. Nghiêm Sơn quát lên phóng một chưởng cực kỳ hùng hậu. Công-tôn Tư thế không dừng được phải vung chưởng đỡ. Bốp một
tiếng, hai chưởng chạm nhau rồi dính làm một. Thế là cuộc đấu trở thành
đấu nội lực.
Nói chung dù đấu chưởng hay đấu nội lực, Công-tôn Tư cũng không thể bằng Nghiêm Sơn. Một, Tư xuất thân là một Thái-tử, thời gian luyện tập dù
lâu đến đâu cũng không thể bằng một người lưu lạc giang hồ như Nghiêm
Sơn. Tư lại có năm thê bảy thiếp yến tiệc suốt ngày, đâu bằng Nghiêm Sơn tuy làm quan lớn nhưng chỉ một mình Thiều-Hoa. Ba là Tư chỉ biết các võ sư trong đất Thục, còn Nghiêm Sơn thì biết rất nhiều thứ võ công khác
nhau.
Đấu nội lực, trên đầu hai người kết lên một làn khói trắng mờ mờ.
Công-tôn Tư mặt đỏ như gấc, còn Nghiêm Sơn thì ung dung nhàn nhã. Đến
lúc này Vương mình thắng, tuy Vương thương tài Công-tôn Tư, nhưng không
biết thế nào thu nội lực về. Nếu Vương tự ý thu về, lập tức bị nội lực
Công-tôn Tư đánh sang. Nội lực của Vương trở về họp với nội lực y thành
một thì nội lực của hai người tấn công Vương. Vương muốn lên tiếng bảo y cùng thu nội lực về, mà không dám mở miệng, vì mở miệng nội tức tiết
ra, chàng bị thương trước.
Phan Đức đứng ngoài, thấy chủ tướng lâm nguy, y lần lần tới bên cạnh,
hít một hơi chân khí bất thình lình vung chưởng đánh vào hậu tâm Nghiêm
Sơn. Triệu Khuôn, Phương-Dung đứng ngoài đồng kêu lớn.
– Dừng tay!
Triệu Khuôn kêu là muốn cứu Phan Đức, vì khi y đụng vào người Nghiêm
Sơn, giữa lúc nội lực Vương phát ra cực kỳ mạnh, có khác gì châu chấu
nhảy vào đụng bánh xe đang chạy mau sẽ bị văng ra mà chết. Còn
Phương-Dung vì sợ Nghiêm Sơn bị thương. Nhưng không kịp nữa. Bùng một
tiếng, một người bay bổng lên không bắn ra xa, rơi xuống đất nằm ngay,
máu miệng ri rỉ chảy ra, đó là Phan Đức.
Nghiêm Sơn bị một chưởng vào lưng, nội lực yếu đi, lúc đó Công-tôn Tư
mới thu được chưởng lực về. Nghiêm Sơn đâu có chịu buông tha, Vương
phóng năm chưởng như vũ bão. Công-tôn Tư đỡ tới chưởng thứ ba lảo đảo
muốn ngã.
Triệu Khuôn đứng ngoài thấy đệ tử kiêm chủ tướng lâm nguy, y vung chưởng đánh vào sau lưng Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn tuyệt không ngờ Triệu Khuôn ra tay như vậy. Vương thu chưởng về đỡ không kịp, Vương nghiến răng dồn
nội lực ra định kết liễu tính mạng Công-tôn Tư để cả hai cùng chết.
Nhưng thoáng một cái, Phương-Dung nhảy đến lia ba kiếm vào cổ, vai, lưng Triệu Khuôn cực kỳ thần tốc. Một chiêu biến thành 36, ba chiêu biến
thành 108 chiêu. Triệu Khuôn hoảng hốt thu chưởng về lăn tròn dưới đất
tránh thoát nhưng chậm một chút. Choang, cái mũ đội trên đầu y bị trúng
kiếm văng ra xa. Búi tóc y bị cắt đứt, bay lả tả. Y vọt người đứng dậy
được, nhưng vẫn chưa hoàn hồn. Y là đệ nhất cao thủ đất Thục, đấu khắp
anh hùng không ai thắng được. Mới mấy hôm trước đây, y đấu chưởng với
Khất đại-phu, bị bại. Nhưng nay bị Phương-Dung đánh mấy chiêu kiếm, suýt mất mạng. Y kinh hoảng, chân tay run lẩy bẩy. Nhưng y cho rằng
Phương-Dung đánh trộm mà đắc thế, chứ y không phục. Y rút kiếm của một
đệ tử đứng sau, cầm tay, đảo một vòng nói:
– Kiếm pháp phu nhân cực kỳ tinh diệu, lão phu muốn lãnh giáo mấy chiêu.
Về phía Công-tôn Tư, nhờ Nghiêm Sơn phân tâm vì chiêu chưởng của Triệu
Khuôn, y thoát khỏi chưởng lực của Vương. Hai người đồng nhảy lui lại
xem Phương-Dung đấu với Triệu Khuôn.
Các tướng bên Thục biết Triệu Khuôn là đệ nhất anh hùng đất Thục, mới
đây nghe tiếng Phương-Dung là truyền nhân của Vạn-tín hầu, kiếm pháp
thần thông không biết đâu mà lường. Vì vậy dù Hán, dù Thục họ đều muốn
xem hai người đấu với nhau.
Phương-Dung đã tra kiếm vào vỏ khoanh tay đứng nhìn Triệu Khuôn:
– Lũng-tây vương Triệu Khuôn là đệ nhất anh hùng đất Thục mà lại hèn hạ, đánh lén người à? Như thế còn dám lên mặt anh hùng hảo hán ư? Được,
ngươi với ta đấu kiếm. Nếu ta thắng, ngươi phải rút khỏi Kiếm-các hoặc
đầu hàng Hán để được lĩnh chức Ích-châu vương. Còn ta thua thì anh hùng
Lĩnh-nam nguyện rút khỏi Trung-nguyên. Vậy ngươi nghĩ thế nào?
Triệu Khuôn gật đầu:
– Được, ta xin hứa.
Y cầm kiếm lên đảo một vòng, hướng kiếm về phía trước như hành lễ.
Phương-Dung chắp tay đáp lễ cười :
– Không dám, Vương-gia quả là người khách sáo.
Bóng trắng thấp thoáng, Phương-Dung rút kiếm khỏi vỏ, đánh ba chiêu
liền, kiếm chiêu cực kỳ quái dị. Triệu Khuôn trông rất rõ, nhưng khi y
định phản ứng thì kiếm của nàng đã thu về, tra vào vỏ đánh cạch một
tiếng. Dây đai chiến bào, dây đeo vỏ kiếm đã bị cắt đứt rơi xuống đất.
Các tướng Thục kinh hoảng la lên :
– Úi chà !
– Ối trời ơi !
Triệu Khuôn quát lên một tiếng chém liền bốn chiêu. Nhưng bóng trắng
thấp thoáng, Phương-Dung đã rút kiếm ra, nàng không đỡ kiếm của y mà
đánh thẳng vào người. Y thấy cổ mát lạnh, vội nhảy lui rờ xem, cổ ran
rát. Thì ra y đã bị trúng kiếm.
Phương-Dung cười :
– Triệu lão gia, mấy chiêu kiếm Lĩnh Nam thế nào? Xin lão gia dạy cho ít lời.
Triệu Khuôn lầm lì không nói vung kiếm chém liên tiếp. Phương-Dung rút
kiếm ra đánh lại. Hai bên đánh nhau không còn phân biệt được kiếm của
người nào với người nào nữa. Triệu Khuôn thì trầm mãnh, Phương-Dung thì
hư hư thực thực, không biết đâu mà lường.
Triệu Khuôn càng đấu càng sợ hãi, y thấy kiếm hư hư thực thực, nhiều
chiêu y tưởng là hư không đỡ gạt, lại biến thành thực, làm y suýt nữa
thì mất mạng. Đánh hơn ba trăm hiệp, y cố gắng cho kiếm hai người đụng
nhau, để dùng nội lực trấn gãy kiếm Phương-Dung mà không cách nào được. Y thấy những chiêu kiếm của Phương-Dung nhiều khi đần độn thô kệch không
thể tưởng được, nhưng nó lại là những chiêu thức bao hàm sát thủ, khắc
chế với kiếm pháp của y. Phương-Dung cứ thuận tay đẩy kiếm ra, chiêu nọ
nói tiếp chiêu kia thành một sợi dây liên miên bất tuyệt, bất cứ chỗ nào cũng dồn y vào chỗ chết được. Càng đánh y càng kinh khủng, rồi y chỉ
còn lùi dần, lùi dần. Tướng sĩ hai bên chưa có trình độ hiểu được kiếm
thuật của đệ nhất cao thủ, nhưng họ thấy Phương-Dung nhàn nhã, dây lưng
vàng bay phất phới, một tay bắt kiếm quyết, một tay cầm kiếm phiêu phiêu hốt hốt, cười tươi như hoa nở. Triệu Khuôn thì quát tháo, nhảy nhót
tránh né hoài. Được hơn 600 hiệp y bắt đầu thấy lâm nguy, kiếm của
Phương-Dung bao trùm khắp người như đe dọa, muốn giết lúc nào thì giết. Y đâm nản lòng, thuận tay tung kiếm lên trời, đứng im coi như mình chết,
rồi nói:
– Đào phu nhân, ta thua rồi ! Không phải công lực ta yếu, không phải ta
không có tài trí, mà tài trí tổ tiên ta thua tài trí tổ tiên phu nhân.
Phu nhân giết ta đi thôi.
Phương-Dung thu kiếm lại nhảy lui ba bước nói:
– Triệu vương-gia, trên đời nầy trừ những kiếm thuật danh gia Lĩnh Nam
ra, không ai là đối thủ của Vương-gia. Ngày xưa, tướng Tần là Đồ Thư chỉ chịu được có 120 chiêu là bỏ mạng, nay Vương-gia đấu với tiện nữ trên
700 chiêu mới bị thua, trên đời này khó có ai là đối thủ của Vương-gia.
Vương-gia muốn chết tiện nữ xin chiều ý Vương-gia vậy.
Nàng vung kiếm ánh bạc lấp loáng chụp lên đầu Triệu Khuôn. Phương-Dung
muốn thử xem Triệu Khuôn có phải là người can đảm không, chứ nàng không
muốn giết y, thì bên trận Thục hàng trăm mũi tên bắn vào người nàng.
Nghiêm Sơn hô lớn:
– Cẩn thận!
Phương-Dung vung kiếm lên, thấp thoáng một cái, bao nhiêu tên đều rớt
xuống. Nàng nhấp nhô mấy cái đã nhập trận Thục, ánh kiếm như tuyết rơi
chụp xuống, hơn mười cái đầu của bọn tiễn thủ rơi xuống.
Nghiêm Sơn vung tay một cái, quân Hán tràn sang trận Thục. Hai bên tướng sĩ lăn xả vào đánh nhau. Quân tướng Thục, Hán đều là những người thiện
chiến trung kiên. Hán vì chính thống tái lập Hán triều mà ra sức. Thục
đều là nghĩa sĩ được Công-tôn Thuật trọng đãi, muốn vì nghĩa tri kỷ mà
ra tay. Trận chiến kinh khủng vô cùng.
Nghiêm Sơn ra lệnh cho quân Hán vừa đánh vừa lui dần về phía Dương-bình quan. Quân Thục đuổi theo rất gấp.
Đuổi hơn được năm dặm, quân sư Tào Mạnh nói với Công-tôn Tư:
– Xin Thái-tử cẩn thận, chúng ta vừa vượt qua một quãng rừng, sợ quân Hán mai phục đổ ra chặn hậu chăng?
Nhưng không kịp nữa, quân Hán quay trở lại đánh rất dữ. Bên cánh trái,
phải quân của Cáp Diên, Lai Háp đổ ra đánh ép lại, chặn mất đường về.
Phía trước Nghiêm Sơn cho quân quay trở lại.
Các tướng Thục đều can trường và vũ dũng, dù đứng trước nguy nan vẫn không sợ hãi. Họ chia quân ra làm ba chống cự.
Nghiêm Sơn kiếm một chỗ đồi đất cao, lên đó đứng chỉ huy. Trong đời
chinh chiến Vương đã dự không biết bao nhiêu trận đánh với quân Vương
Mãng, chỉ cần vây hãm là chúng bỏ giáo xin hàng. Đây quân Thục dù bị vây cũng quyết chiến đến cùng, đủ hiểu Công-tôn Tư luyện quân rất kỹ, y đối xử với tướng sĩ rất thân ái, vì vây họ mới quyết chết chứ không đầu
hàng.
Phương-Dung leo lên một cây cao nhìn về phía thành Kiếm-các. Nàng thấy
rõ mồn một hai đạo quân của Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa đang tiến đến đánh thành. Quân giữ thành đã nao núng lắm rồi. Hai đội Thần-hổ và Thần-báo bất
thần xông được vào trận Thục, quân Thục hoảng sợ bỏ hàng ngũ chạy. Quân
Hán vào trong thành.
Một ánh lửa trong thành bốc lên, Phương-Dung biết đó là dấu hiệu chiếm
xong thành. Nàng nhảy xuống khỏi cây báo cho Nghiêm Sơn biết. Nghiêm Sơn phất cờ, lập tức hai đội quân của Tây-lương thứ-sử Mã Thành, Hán-trung
thứ-sử Sử Hùng lui về hai bên. Quân Thục từ đó lui về. Các tướng Thục
cầm vũ khí đi cản hậu, hàng ngũ rất nghiêm chỉnh. Nghiêm Sơn cho đuổi
theo xa xa.
Quân Thục về tới thành thì thấy cờ vàng của mình không còn nữa, mà toàn
một màu đỏ của cờ Hán. Công-tôn Tư phi ngựa tới trước coi, thấy trên
thành binh sĩ Hán canh phòng nghiêm nhặt.
Y ra lệnh cho quân chạy về hướng Nam. Bây giờ Nghiêm Sơn mới cho quân đuổi theo tới chân thành Thương-khê, ra lệnh bao vây.
Nghiêm Sơn tập trung các tướng mở tiệc khao quân. Tiệc đang vui, có tin
báo Thần-nỏ Âu-lạc tứ hùng đến. Nghiêm Sơn cho mời vào. Trông thấy
Thần-nỏ Âu-lạc có vẻ mệt mỏi, biết chuyện chẳng lành. Vương đứng dậy hỏi :
– Có chuyện gì vậy.
Cao Cảnh-An nói :
– Công-tôn Thuật vừa cử con trai thứ là Công-tôn Thi lĩnh 5 vạn, xuất
qua ngả Thông-giang đánh tập hậu Ngô Hán. Ngô Hán ít quân hơn, bị đánh
úp hai ngả thua chạy về Dương-bình quan. Con trai là Hậu-quân hiệu-úy
Ngô Triệu bị tử thương. Chúng tôi núp trên núi dùng Thần-nỏ bắn tử
thương 12 tướng Thục, Ngô Hán mới chạy thoát. Ba vạn quân hao hết hai
vạn. Quân Thục hiện vây Dương-bình quan rất gấp.
Thế là tiệc vui tan. Nghiêm Sơn triệu tập các tướng khẩn cấp, Vương để Phương-Dung điều động. Phương-Dung bàn:
– Chúng ta được tin đạo quân Lĩnh-nam tiến đến Hán-nguyên rồi, không
biết tại sao Công-tôn Thuật biết đạo này chỉ đe dọa Thành-đô, nên y mới
tung quân trừ bị ra đánh úp Ba-trung. Vậy Bây giờ ta phải giải vây
Dương-bình quan đã.
Nàng gọi Tây-lương thứ-sử Mã Thành nói:
– Tôi giao cho tướng quân hai vạn bộ binh, 150 Thần-hổ, 150 Thần-báo,
cùng với Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa trấn thủ Kiếm-các. Hễ giặc đến để cho chúng
vây, không được ra đánh. Nếu chúng kéo toàn lực đuổi theo chúng ta, thì
người giữ thành, giao cho Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa dẫn Thần-báo, Thần-hổ đánh
vào hậu quân chúng.
Quế-Hoa hỏi:
– Thế trong ba chúng tôi ai là chủ tướng ?
Phương-Dung phì cười :
– Võ công nhờ hai sư muội. Còn điều khiển nhờ Mã tướng quân, dĩ nhiên Mã tướng quân là chủ tướng.
Phương-Dung tiếp:
– Địch vây Dương-bình quan thế nào cũng chia làm hai, một phần vây
thành, một phần phục kích đợi ta trở về đánh, hợp với quân của Công-tôn
Tư đuổi theo ta. Vậy ta không trở về cứu Dương-bình quan nữa, mà đánh
thẳng vào Ba-trung là nơi chúng đồn trữ lương thảo. Chiếm được lương
thảo, ta có lương dùng, trong khi địch hoang mang.
– Đạo quân Công-tôn Thi không có thủy quân, vậy Đô-đốc Lý Thái-Hiên chia thủy-quân ra làm hai. Một nửa đóng tại Quảng-nguyên làm thế ỷ dốc cho
Dương-bình quan và Kiếm-các. Một nửa đóng tại Kiếm-các để giữ thành.
Lý Thái-Hiên thắt mắc:
– Dương-bình quan bị vây nếu ta không cứu sẽ bị thất thủ, như vậy sợ mất đường về.
Nghiêm Sơn cười:
– Lý đô-đốc thực không biết người tý nào. Tại Dương-bình quan, Tham-quân Vương Hữu-Bằng, Trường-yên đại hiệp có hai vạn quân, nay thêm Xa-kỵ
tướng quân Ngô Hán một vạn quân bộ, một vạn quân kỵ, cộng lại là bốn vạn thêm một vạn thủy quân nữa thành 5 vạn. Theo binh thư, một thủ phải
mười mới đánh được. Đây chúng ta có 5 vạn, địch có 5 vạn, làm sao thắng
nổi. Chúng lại phải phân ra một đạo chặn đường về của ta nữa. Về tướng,
so sánh giữa Công-tôn Thi và Ngô tướng quân, võ công Ngô tướng quân
không bằng y, nhưng về hành quân, bố trận, một ngàn lần y không bằng Ngô tướng quân.
Phương-Dung tiếp:
– Đạo quân của Công-tôn Tư bị thua hai trận tinh thần mất. Nếu ta đánh
Công-tôn Thi, Tư sẽ không mang quân cứu. Ngược lại chúng ta đánh Tư thì
Thi cứu. Vậy chúng ta chỉ cần dồn nỗ lực đánh Thi mà thôi. Nhưng tại sao tôi lại phải để quân cho Tây-lương thứ-sử với Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa. Bởi
vì khi chúng ta đánh Thi, thì Tư án binh bất động. Khi Thi đã thua,
chúng ta mệt mỏi, Tư sẽ mang quân chiếm lại Kiếm-các và Dương-bình quan. Tại sao? Vì Thi là con trai của Tây-cung quý phi đất Thục. Võ công y
cao hơn anh, cũng có tài thao lược. Y đang ngắm nghé ngôi Thái-tử. Cho
nên y mới xin cầm quân để có thể tranh phong với anh. Công-tôn Tư bị
thua mấy trận, Công-tôn Thuật không tin y nữa mới cho Công-tôn Thi cầm
quân. Chắc chắn Công-tôn Tư mong cho em bại, thì đời nào y cứu Thi.
Các tướng đồng ý với lý luận của Phương-Dung, nàng tiếp:
– Hành-quân Tư-mã Vương Bá dẫn 2000 quân đánh cửa Nam, Cao Cảnh-Anh sư
huynh mang 2000 quân đánh cửa Đông. Sư huynh Cao Cảnh-Hùng mnga 2000
quân đánh cửa Nam, còn sư huynh Cao Cảnh-Kiệt cùng với Nghiêm đại ca và
tôi dẫn một đội võ sĩ đột nhập Ba-tung trước. Khi đã đột nhập rồi, chúng tôi mở tung cửa thành, các vị ở ngoài đánh vào.
Nghiêm Sơn chưa kịp ra quân thì có thám mã về báo:
– Quân sư Phùng Vĩnh-Hoa và Khất đại-phu đã đánh úp được Khúc-giang. Chủ tướng Thục bị bắt, quân sĩ trong thành hơn vạn người đầu hàng hết.
Phương-Dung hội ý với Nghiêm Sơn rồi viết thư cho Phùng Vĩnh-Hoa để nàng mang bản bộ binh mã đi tắt về phục ở Định-cường làm thế ỷ dốc cho
Dương-bình quan.
Trời tối, Phương-Dung lên đường. Người ngậm tăm, ngựa buộc hàm đi trong đêm, đến canh ba mới đến thành Ba-trung, Nghiêm Sơn bàn:
– Ba-trung chỉ có 5000 quân canh giữ, đóng trong thành 3000, ngoài 2000. Vậy chúng ta tìm cách lọt vào thành trước, rồi mở cửa cho quân tràn
vào. Ta lại đem một đội phục cản đường quân cứu viện ở bên ngoài.
Phương-Dung, Nghiêm Sơn, Cao Cảnh-Kiệt dẫn một đội võ sĩ đến Ba-trung
trước. Nghiêm Sơn đi một vòng thành, thấy cửa Tây có chỗ thấp. Trong
thành một cây cao sát tường, có thể dùng dây leo vào được. Vương lấy sợi dây nhỏ cột vào mũi tên, nói với Cao Cảnh-Kiệt:
– Sư-đệ dùng hết công lực bắn mũi tên nầy lên cành cây kia để chúng ta leo vào thành.
Cao Cảnh-Kiệt nhăn mặt:
– Công lực đệ chỉ có giới hạn, bắn mũi tên vào cây không được sâu lắm, làm sao chúng ta bám dây leo lên mà không bị rớt xuống?
Phương-Dung cười:
– Thì đại-ca bắn ba mũi liền, rồi ta quấn ba sợi dây vào với nhau. Tiểu
muội nhẹ nhất, xin lên trước, lên tới nơi sẽ cột dây vào cành cho mọi
người leo lên.
Cao Cảnh-Kiệt tỉnh ngộ. Chàng cầm tên vận sức giương cung buông đánh vèo một cái. Mũi tên cắm sâu vào thân cây đến quá nửa. Cung tên của phái
Hoa-lư là thứ đặc biệt, khác với cung tên thường, vì họ là hậu duệ của
Cao-cảnh hầu Cao Nỗ, người chế ra Thần-nỏ thời Âu-lạc.
Cao Cảnh-Kiệt bắn liền hai mũi nữa, Phương-Dung cầm ba sợi dây cuốn vào
với nhau rồi giật thử, thấy chắc chắn, nàng bám vào leo lên thoăn thoắt. Phút chốc tới gạc cây, nàng cắt ba sợi dây ở ba mũi tên ra, cột vào
cành, rồi lấy thêm sợi nữa ở trên lưng cột vào cành khác. Nghiêm Sơn cho Cao Cảnh-Kiệt và đám võ sĩ lên trước. Vương leo lên cuối cùng.
Đoàn người đi trong đêm tối đầy tuyết tới cửa thành Tây. Quân sĩ đã ngủ
cả. Nghiêm Sơn vận sức đẩy mạnh một cái, then cửa vọng lâu gẫy, Vương
nhảy vào bên trong. Bên trong có mười tên quân canh đang ngủ. Chúng giật mình thức giấc thì bị bắt hết. Phương-Dung dí gươm vào cổ tên trưởng
toán hỏi mật khẩu. Tên nầy sợ quá khai ra: Hỏi Nam-hàn, đáp Bắc-nhiệt.
Phương-Dung để cho 10 võ sĩ cùng với Cao Cảnh-Kiệt giữ cửa thành. Nàng
với Nghiêm Sơn sang cửa Bắc, cửa này quân sĩ còn thức. Tên đội trưởng
thấy người đi tới hô lớn:
– Nam-hàn.
Nghiêm Sơn đáp:
– Bắc-nhiệt.
Tên đội trưởng tưởng người nhà, vừa định hỏi tên họ, thì tất cả 10 quân
canh đã bị bắt. Phương-Dung để mười võ sĩ ở lại canh cửa Bắc. Hai người
thấy dinh thự giữa thành còn đèn nến sang choang. Nàng cùng Nghiêm Sơn
hướng đó đi tới. Thì ra là dinh của huyện-lệnh. Hai người núp dưới cửa
sổ nhìn vào. Phương-Dung thấy cảnh bên trong suýt nữa kêu lên thành
tiếng. Vì viên huyện-lệnh đang uống rượu cùng với Đức-Hiệp, đại đệ tử
của Lê Đạo-Sinh.
Bỗng huyện-lệnh nói:
– Công-tôn nhị thái-tử lần này ra quân, trận đầu đánh Ngô Hán khiến y
mất hơn vạn quân. Nhờ hai vị giúp sức, giết chết con của y là Hậu-quân
hiệu-úy Ngô Triệu, làm y mất hết chí khí. Nếu chiếm được Dương-bình
quan, chúng ta đánh thẳng lên Trường-an, không những giải vây cho
Thành-đô mà còn tranh hùng với Quang-Vũ ở Trung-nguyên nữa.
Đức-Hiệp tỏ vẻ lo âu:
– Tuy vậy hiện quân Hán ba mặt đánh Thành-đô. Mặt Đông do Đặng Vũ, đã
chiếm được Bạch-đế, Xuyên-khẩu, Võ-lăng đang vây Bột-lăng. Phía Nam thì
đạo Lĩnh-nam do Đào Kỳ chỉ huy đã tiến đến Hán-nguyên. Không biết đức
Hoàng-đế nhà ta có giữ được không? Nay nhị Thái-tử theo kế sư phụ tôi,
xuất quân đánh Ba-trung, vây Dương-bình quan, nhưng tôi vẫn e ngại.
Nghiêm Sơn võ công chỉ ngang chúng tôi, nhưng còn hai người nữa đáng sợ
là là Phương-Dung hiện là quân sư của Nghiêm Sơn, kiếm thuật thần thông
và Trần Đại-Sinh, sư bá của tôi, hiện đang ở trong đạo Hán-trung, không
rõ sẽ xuất hiện lúc nào. Thái-tử nhờ tôi ở đây giúp đại nhân giữ huyện,
kỳ thực để bảo vệ lương thảo.
Huyện-lệnh cười:
– Tiên sinh đừng lo, quân Hán hiện dồn hết sức lực đánh với Thái-tử ở
Kiếm-các. Dù biết Dương-bình quan bị vây cũng không dám rút lui, vì rút
lui thì bị đánh phía sau. Chính vì vậy Tây-cung nương nương mới tâu với
Chúa-thượng cho nhị Thái-tử đánh úp Ba-trung vây Dương-bình quan, rồi
tiến ra Trường-an. Quân-sĩ suốt một giải Lương-châu, Tây-xuyên,
Đông-xuyên đều tập trung giao cho Ngô Hán. Nay đạo quân Ngô Hán bị kẹt ở Dương-bình quan, Kiếm-các, Võ-đô do Công-tôn Thái-tử cầm chân. Nhị
thái-tử chỉ trở tay một cái là chiếm được Trường-an. Trường-an lâm nguy
thì Lạc-dương ở trong tay chúng ta. Bấy giờ Ngô Hán bị cô lập chẳng cần
đánh cũng tan. Nhị thái-tử đánh chiếm Trung-nguyên thì ngôi báu về tay
người. Tiên sinh có biết không? Tây-cung quý-phi là em gái ta, Nhị
thái-tử là cháu gọi ta bằng cậu.
Đức-Hiệp hỏi:
– Sư-phụ và anh em chúng tôi đem hết tài năng giúp Thái-tử, không biết sau này Thái-tử có giữ lời hứa không?
Huyện-lệnh cười:
– Sao lại không? Thái-tử hứa với lệnh-sư rằng: Khi Thái-tử chiếm được
Trung-nguyên, việc đầu tiên phong lệnh-sư làm Lĩnh-nam vương cai quản
sáu quận Quế-lâm, Nam-hải, Tượng-quận, Giao-chỉ, Cửu-chân và Nhật-nam.
Phàm các chức Thứ-sử, Thái-thú, Huyện-úy, Huyện-lệnh đều do lệnh-sư bổ
nhiệm, coi như một nước riêng. Chúa tôi không bao giờ can thiệp vào.
Nghiêm Sơn vẫy Phương-Dung ra xa nói:
– Bây giờ tôi chiếm cửa Đông, sư muội chiếm cửa Nam, rồi đốt pháo lệnh
cho quân tràn vào. Tôi và sư muội phải hóa trang, mới bắt được Đức-Hiệp. Nếu không vừa thấy chúng ta hắn đã bỏ trốn.
Phương-Dung tiến đến cửa Nam, quân canh vẫn còn thức. Chúng hô mật khẩu, một võ sĩ đáp lại. Nàng nhảy vèo vào trong, ánh kiếm lóe lên, 10 tên
quân bị giết hết.
Lên vọng lâu nhìn ra ngoài, thấy quân Hán núp gần thành, bố trí rất cẩn
thận. Nàng sai võ sĩ mở cổng thành, rồi đốt pháo lệnh. Nàng cầm pháo vận sức ném lên không. Pháo nổ bùng một tiếng, tóe lửa ra bốn phía. Quân
bên ngoài reo hò, ào ào tiến vào. Chỉ thoáng một cái đã chiếm được hết
các kho lương thảo. Quân trong thành giật mình tỉnh giấc, thì thành đã
bị chiếm.
Huyện-lệnh còn đang uống rượu với Đức-Hiệp, nghe tiếng quân reo, ngựa hí pháo nổ, tiếng gươm chạm vào nhau loảng xoảng. Cả hai cầm kiếm vọt khỏi phòng đụng phải đoàn võ sĩ với Cao Cảnh-Kiệt. Cao Cảnh-Kiệt nhắm đầu
huyện-lệnh đánh xuống. Y đưa kiếm gạt, choang một tiếng, lửa tóe ra,
kiếm cuả y bay mất. Cánh tay tê chồn, y hoảng hốt lui lại. Đức-Hiệp thấy vậy phóng chưởng đánh Cao Cảnh-Kiệt. Kiệt bỏ kiếm vận chưởng đỡ. Bốp
một tiếng, Kiệt bật lui lại, cánh tay chàng tê dại, ngực nghẹt thở.
Chàng kinh hoảng chưa biết tính sao, thì chưởng thứ nhì đã tới. Chàng
cảm thấy ngộp thở, vội lăn người xuống tránh khỏi. Thế chưởng trúng
tường nhà, ầm tường bật tung đi một khoảng.
Vừa lúc đó Phương-Dung tới, nàng lia một kiếm vào cổ Đức-Hiệp. Y đưa tay toan bắt kiếm, thế kiếm đổi chiều hướng vào cùi chỏ. Y ngửa người ra
tránh, định búng tay đánh bật ra, thì kiếm đã đâm vào cổ. Y ngồi thụp
xuống tránh khỏi, thì kiếm đã dí vào lưng. Kinh hoảng y húc đầu vào chân nàng để thoát thân. Đúng ra với thức này, đối với địch thủ đàn ông dù
chết thì thôi chứ không ai chịu nhục nhã đâm đầu vào háng đối thủ, huống chi là địch thủ phụ nữ. Nhưng Đức-Hiệp thấy cái chết trong đường tơ kẻ
tóc, muốn tìm đường sống mới phải xử dụng. Phương-Dung vọt người lên
cao. Khi nàng đáp xuống Đức-Hiệp đã trốn mất.
Nghiêm Sơn cho lệnh thu quân vào thành, sai đốt lửa cho binh sĩ sưởi ấm, làm tiệc khao quân ngay trong đêm. Kiểm điểm lại lương thảo địch, chất
như núi trong thành. Nghiêm Sơn mừng lắm, Vương ra lệnh tha tất cả quân
lính bị bắt. Phương-Dung cười:
– Đại-ca định dùng chúng để báo tin cho Công-tôn Thuật biết kho lương thực bị chiếm phải không?
– Đúng vậy.
Cao Cảnh-Kiệt từ ngoài vào, dẫn theo Đức-Hiệp và huyện-lệnh. Cả hai bị
trói, trên hai đầu gối và vai đều bị tên cắm rất sâu. Phương-Dung nói
với Cảnh-Kiệt:
– Đại-ca dùng tài Thần-nỏ phải không? Hai người bị bắn cùng một bộ vị rất cân đối. Tài thực. Thôi đại-ca cho giam họ lại.
Phương-Dung sai quân sĩ đem cỏ khô lên mặt thành đốt, lửa bốc cao, lại cho quân reo hò thật lớn. Cao Cảnh-Anh hỏi:
– Sư muội định làm gì thế?
Phương-Dung giải thích:
– Tôi làm thế để Công-tôn Thi biết Ba-trung bị đánh, tất y sai quân về
cứu viện, y sẽ bị Hán-trung thứ-sử phục tại Nam-giang tiêu diệt.
Đêm đó Nghiêm Sơn đốt củi để quân sĩ sưởi, giết trâu bò làm tiệc chiến
thắng tưng bừng. Phương-Dung ghé tai Nghiêm Sơn nói nhỏ mấy câu. Nghiêm
Sơn cười, gật đầu đồng ý. Vương cùng Phương-Dung, Cao Cảnh-Kiệt uống
rượu trong trướng, giam Đức-Hiệp, huyện-lệnh phòng bên cạnh. Rượu được
vài tuần, một tên quân giả làm sứ giả của Công-tôn Tư vào thưa:
– Tiểu nhân là Nhật-Thanh, thái giám hầu cận của Thái-tử. Thái-tử sai
tiểu nhân đến đây yết kiến Vương-gia. Như Thái-tử đã hứa, người bỏ
Dương-bình quan, Kiếm-các, Võ-đô, Nam-bình, Bình-võ, Giang-du cho quân
Hán. Hôm nay người án binh bất động để Vương-gia đánh Công-tôn Thi. Xin
Vương-gia mau tiến vào Thành-đô, Thái-tử sẽ làm nội ứng.
Nghiêm Sơn giả vờ say nói:
– Ta hứa tấu với Kiến-Vũ thiên tử phong cho Thái-tử làm Hán-trung vương, cai quản Ích-châu, Tây-xuyên. Lời hứa này không sai. Hôm rồi Thái-tử đã cùng với Quân-sư của ta là Phùng cô nương, tấu nhạc dưới tuyết để cho
ta lấy Dương-bình quan. Ta hứa gả Phùng cô nương cho Thái-tử.
Phương-Dung tiếp:
– Ngươi có công làm việc nảy ta thưởng cho ngươi trăm lạng bạc, ba viên bảo thạch. Thôi ngươi về đi.
Trong này Đức-Hiệp, huyện-lệnh nghe rõ ràng. Đức-Hiệp nhìn thấy trên
tường có con dao. Y đứng dậy dùng chân móc con dao xuống. Lấy chân cắp
dao, cắt dây trói cho huyện-lệnh. Huyện-lệnh thoát khỏi, dùng dao cắt
dây trói cho Đức-Hiệp. Hai người vọt khỏi cửa sổ, biến vào đêm tối đầy
tuyết.
Đến khi tiệc tan. Phương-Dung mở cửa phòng giam Đức-Hiệp, thấy hai người đã biến mất. Nàng mỉm cười nói với Nghiêm Sơn:
– Nhà Công-tôn sắp giết nhau đến nơi rồi. Chúng ta vào Thành-đô trước Tết, thế là xong.
Nghiêm Sơn sai Hành-quân Tư-mã Vương Bá ở lại trấn thủ thành Ba-trung.
Còn bao nhiêu lương thảo chuyển vận về Kiếm-các. Vương với Phương-Dung
về tới nơi thì Sử Hùng cũng tới. Y báo cáo toàn thắng, giết chết bên
Thục hơn vạn quân, nhưng bị một phụ nữ người Lĩnh-nam đánh y ba chưởng, y ngã ngựa bị thương suýt nữa bị giết.
Nghiêm Sơn gnạc nhiên hỏi:
– Võ công người ấy như thế nào?
Y chỉ Quế-Hoa nói:
– Giống hệt cô nương này.
Phương-Dung nhìn Nghiêm Sơn, cả hai cùng kêu lên :
– Không lẽ là Vũ Phương-Anh ?
Khất đại-phu gọi Sử Hùng tới xem mạch y, rồi nói :
– Quả nhiên người đánh Thái-thú là Vũ Phương-Anh. Vì ta thấy Thái-thú bị trúng chiêu Thanh-ngưu qui gia. Nội lực là nội lực Tản-viên.
Nói rồi ông vận khí tay trỏ, chĩa vào đỉnh đầu Sử Hùng. Một lát sau trên đầu Sử có khói trắng bốc lên, y rùng mình đứng dậy, cái đau nhức khốn
khổ đã biến mất. Sử cúi đầu tạ ơn Khất đại-phu.
Các tướng tề tựu đông đủ. Nghiêm Sơn thăng trướng nói :
– Chúng ta phải diệt Công-tôn Thi ngay. Các vị có ý kiến gì không ?
Khất đại-phu đề nghị :
– Bây giờ các thành Võ-đô, Nam-bình, Bình-võ, Hồng-nguyên không bị thụ
địch nữa, nên cử người khác ra đó trấn thủ, cho các tướng Phùng Dị,
Vương Thường, Lai Háp, Chu Á-Dũng về đây để cự địch.
Nghiêm Sơn chắp tay tạ ơn :
– Tạ ơn Thái-sư-thúc dạy bảo.
Vương cho các tướng trẻ ra bốn thành thay cho các đại tướng, chỉ để quân địa phương trấn giữ, quân chiến đấu thì mang về. Vương nói với Phùng
Vĩnh-Hoa :
– Sư muội văn võ toàn tài, các tướng lĩnh đều sợ uy, vậy phiền sư muội ở đây trấn thủ Kiếm-các, Giang-du và Ba-trung, không cho Công-tôn Tư tiến quân cứu em. Để tôi có thể yên tâm diệt Công-tôn Thi.
Phùng Vĩnh-Hoa cười khúc khích. Nghiêm Sơn hỏi :
– Tại sao sư muội lại cười ?
– Tôi cười vì đại ca khéo dùng người quá. Đại-ca định dùng tôi tấu nhạc
với Công-tôn Tư, để đại-ca giết em y phải không ? Đại-ca không sợ tôi đi theo Công-tôn Tư sao ? Này tôi nói cho đại-ca hay, biết đâu tôi không
động tâm muốn làm Vương-phi đất Thục ?
Nghiêm Sơn tủm tỉm cười. Khất đại-phu xen vào :
– Cháu Vĩnh-Hoa đối với Công-tôn Tư hết hiệu nghiệm rồi. Y bị mất thành, quân hao, ý chí nhụt, còn tâm đâu mà tấu nhạc nữa ? Còn Công-tôn Thi
hiện lương thảo tuyệt, ta chẳng cần đánh làm gì. Cứ cho người chuyển
lệnh cho Trường-yên đại hiệp và Ngô Hán cứ cố thủ trong thành, đợi khi
giặc hết lương rút lui, thì đổ quân ra mà đánh. Mặt khác ta cho một
người có mưu lược chặn đường rút quân của Thi, chỉ một trận là tan.
Nhưng Đức-Hiệp, Phương-Anh đã xuất hiện, có thể sư đệ ta cũng xuất hiện. Phương-Dung phải đi mặt này, hầu đề phòng y.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!