Dòng Máu
Chương 27
BERLIN
Thứ bảy mồng 3 tháng Chín, 6 giờ chiều
Anna Roffe Gassner không biết mình còn có thể chịu đựng bao lâu nữa.
Bà đã trở thành tù nhân trong ngôi nhà của chính mình. Ngoại trừ người đàn bà đến lau chùi dọn dẹp vài giờ mỗi tuần, Anna và các con hoàn toàn cô độc, sống dưới quyền lực của Walther. Ông ta không còn giấu diếm sự căm ghét nữa. Anna đang ở trong phòng bọn trẻ và họ lắng nghe một trong những đĩa hát yêu thích nhất.
Walther xỏ vào.
– Tôi chán lắm rồi! – ông quát lên.
Và ông đập tan cái đĩa, trong khi bọn trẻ rúm ró lại vì sợ hãi.
Anna cố gắng xoa dịu ông.
– Em… em… xin lỗi, Walther. Em không biết là anh có nhà. Em có thể làm gì cho anh?
– Ông bước đến bên bà, cặp mắt toé lửa, và nói:
– Chúng ta sẽ tống bọn trẻ đi, Anna.
Ngay trước mặt chúng!
Ông đặt tay lên vai bà.
– Những gì xảy ra trong căn nhà nầy phải là bí mật của chúng ta. – Bí mật của chúng ta. Bí mật của chúng ta. Bí mật của chúng ta.
Bà cảm thấy những từ ngữ đó vang vọng trong đầu và đôi tay ông bắt đầu siết chặt cho đến khi bà không còn thở được nữa. Và bà xỉu đi.
° ° °
Khi Anna tỉnh dậy, bà thấy mình đang nằm trên giường. Các tấm màn cửa đều đã buông xuống. Bà nhìn chiếc đồng hồ ở cạnh giường. Sáu giờ chiều. Ngôi nhà yên ắng quá. Ý nghĩ đầu tiên của bà là về các con và nỗi kinh hoàng tràn ngập trong người. Bà ra khỏi giường bằng đôi chân lẩy bẩy và loạng choạng đi về phía cửa. Nó đã bị khoá ngoài. Bà áp tai vào cánh cửa, nghe ngóng. Nhẽ ra phải có tiếng các con. Nhẽ ra chúng phải đến gặp bà. Nếu như chúng có thể. Nếu như chúng còn sống.
Đôi chân bà run đến nỗi gần như không thể lết đến chỗ để điện thoại. Bà thầm cầu nguyện rồi cầm ống nghe lên. Bà nghe thấy tiếng tút dài quen thuộc trong máy. Bà lưỡng lự, lo sợ với ý nghĩ Walther sẽ làm gì mình nếu bị ông ta bắt gặp lần nữa. Anna bắt đầu quay số 110 mà không cho mình có cơ hội nghĩ ngợi.
Tay bà run quá nên quay nhầm số, và nhầm thêm lần nữa. Bà bắt đầu nức nở. Còn quá ít thời gian.
Cố gắng kìm chế cơn kích động đang tăng dần, bà thử lại lần nữa, các ngón tay cố gắng làm thật chậm rãi. Bà nghe thấy tiếng chuông, và kỳ diệu thay một giọng đàn ông vang lên, “Phòng cấp cứu sở cảnh sát”.
Anna không nói nổi một tiếng.
– Phòng cấp cứu Sở cảnh sát đây. Tôi có thể giúp được gì?
– Vâng! – Tiếng nức nở bung ra. – Vâng, xin làm ơn… Tôi đang gặp nguy hiểm. Xin hãy cử người…
Walther chợt hiện ra trước mặt bà, giật ống nghe khỏi tay bà và đẩy mạnh bà lên giường. Ông ta dập ống nghe xuống, thở mạnh, giật dây nối điện thoại ra rồi quay sang Anna.
– Các con, – bà thì thầm. – Anh đã làm gì các con?
Walther không trả lời.
° ° °
Trung ương cục của Sở cảnh sát hình sự Berlin nằm ở số 2832 đường Keithstrasse trong một khu gồm toàn các căn hộ và văn phòng trông rất bình thường.
Số điện thoại khẩn cấp của phòng được trang bị một hệ thống giữ số tự động để cho tất cả các cuộc gọi đến đều không thể tự ngắt trừ khi đường dây được tổng đài nhả ra. Bằng cách nầy, tất cả các số điện thoại gọi đến đều bị lần ra, cho dù cuộc gọi có ngắn đến đâu đi chăng nữa. Đây là một thiết bị tinh vi và là niềm tự hào của cả phòng.
Năm phút sau cú điện của Anna Gassner, thanh tra Paul Lange bước vào văn phòng xếp, thiếu tá Wageman, tay cầm một chiếc cassette.
– Xin xếp hãy nghe đoạn nầy.
Thanh tra Lange bấm nút. Giọng đàn ông vang lên,
“Phòng cấp cứu Sở Cảnh sát. Tôi có thể giúp được gì?
Tiếp theo là giọng đàn bà, tràn ngập kinh hoàng.
– Vâng! Vâng, xin làm ơn? Tôi đang gặp nguy hiểm. Xin hãy cử người…
Rồi tiếng ngã, tiếng lạch xạch và tín hiệu vụt tắt”.
Thiếu tá Wageman ngước nhìn thám tử Lange.
– Anh đã lần ra cú điện?
– Chúng ta đã biết nó được gọi từ đâu. – Thanh tra Lange thận trọng trả lời.
– Thế có vấn đề gì nữa? – Thiếu tá Wageman nóng nảy hỏi. – Bảo Trung ương cục cho xe đi điều tra.
– Tôi muốn xin phép xếp trước.
Thanh tra Lange đặt một mảnh giấy lên bàn, trước mặt ông thiếu tá.
– Mẹ kiếp! Thiếu tá Wageman nhìn sững anh ta. – Anh có chắc không?
– Có thưa thiếu tá.
Thiếu tá Wageman nhìn xuống mảnh giấy lần nữa.
Số điện thoại mang tên Gassner Walther. Giám đốc chi nhánh Đức của Roffe và các con, một trong những nhà công nghiệp khổng lồ của Đức.
Không cần bàn cãi về những sự quan hệ mật thiết. Chỉ có thằng ngốc mới không nhận ra. Chỉ một hành động sai thôi thì cả hai sẽ cùng phải lang thang trên phố tìm việc làm. Thiếu tá Wageman nghĩ một lúc rồi nói:
– Được. Cứ kiểm tra. Tôi muốn anh đích thân đến đó. Và phải hết sức cẩn thận. Anh hiểu chứ?
– Tôi hiểu, thưa thiếu tá.
° ° °
Dinh cơ của Gassner ở Wannsee, một khu ngoại ô đặc biệt ở phía Tây nam Berlin. Thanh tra Lange đi theo đường Hohenzollrudamm xa hơn thay vì đi đường cao tốc, vì con đường nầy vắng vẻ hơn. Anh ta đi qua Chayalle, qua toà nhà của CIA náu mình sau hàng rào dây thép gai đến nửa dặm. Rồi anh ta đi qua Tổng hành dinh Quân đội Mỹ, rẽ phải vào con đường đã từng được nổi tiếng là con đường số 1, con đường dài nhất ở Đức, chạy từ miền Đông Phổ đến tận biên giới Bỉ. Bên phải anh ta là Brucke der Einheit, cầu Thống nhất, nơi điệp viên Abel đã được trao đổi viên phi công lái chiếc U- 2 của Mỹ là Gary Power. Thanh tra Lange ngoặt xe rời khỏi đường cái vào khu đồi rậm rạp cây cối của Wannsee.
Những ngôi nhà ở đây đều đẹp đẽ, tráng lệ. Vào các chủ nhật, thỉnh thoảng thanh tra Lange cũng đưa vợ đến đây, chỉ để nhìn cảnh vật bên ngoài các ngôi nhà. Anh ta tìm thấy địa chỉ cần tìm và rẽ vào con đường dài dành cho xe hơi đến tận khu nhà của Gassner.
Khu dinh cơ tượng trưng cho một cái gì đó còn hơn cả tiền bạc: đó là quyền lực. Triều đại Roffe đã đủ lớn để lật đổ cả một chính phủ. Thiếu tá Wageman nói đúng: anh ta phải hết sức cẩn thận.
Thanh tra Lange lái xe tới cổng trước của căn nhà ba tầng bằng đá, ra khỏi xe, bỏ mũ và nhấn chuông cửa. Rồi đứng đợi. Sự im lặng nặng nề trong căn nhà khiến nó thật hoang vắng. Anh ta biết điều nầy là không thể. Bấm chuông lần nữa. Vẫn không có gì ngoài sự im lặng, yên tĩnh ngột ngạt. Anh ta đang tính toán xem có nên đi vòng ra đằng sau không thì bỗng dưng cánh cửa bật mở. Một người đàn bà đứng ở trong khung cửa. Bà ta tuổi trung niên, vẻ giản dị, mặc một chiếc áo ngủ nhầu nhĩ. Thanh tra Lange tưởng bà ta là quản gia. Anh ta nói ngay sự ngộ nhận của mình.
– Tôi muốn gặp bà Walther Gassner. Làm ơn thông báo tôi là thanh tra Lange.
– Tôi là bà Gassner, – người đàn bà trả lời.
Thanh tra Lange cố giấu sự ngạc nhiên. Bà ta hoàn toàn không như hình ảnh phu nhân của căn nhà nầy.
– Tôi… chúng tôi nhận được một cú điện tại trụ sở cảnh sát cách đây không lâu. – Anh ta bắt đầu.
Bà ta nhìn anh ta, vẻ mặt thờ ơ vô hồn. Thanh tra Lane cảm thấy mình đang cư xử không được hay lắm, nhưng anh không hiểu tại sao. Anh ta có cảm tưởng mình đang bỏ qua một điều gì đó thật quan trọng.
– Có phải bà đã gọi cú điện đó, bà Gassner? – Anh ta hỏi.
– Vâng, – bà ta trả lời. – Đó là một sự nhầm lẫn.
Có một sự lạnh lẽo mơ hồ nào đấy trong giọng nói của bà ta làm anh ta bối rối. Anh ta nhớ lại giọng nức nở hoảng loạn trong chiếc cassette nửa giờ trước.
– Để ghi vào biên bản, xin bà vui lòng cho biết bà đã nhầm lẫn ra sao?
Hầu như không thể nhận ra sự do dự của bà ta.
– Có tôi nghĩ ra một món nữ trang của tôi bị mất. Nhưng tôi đã tìm thấy nó.
– Số điện thoại khẩn cấp cho các vụ giết người, cưỡng hiếp, gây thương tích cho người khác. Phải hết sức cẩn thận.
– Tôi hiểu.
Thanh tra Lange lưỡng lự, muốn vào trong nhà, muốn tìm hiểu xem bà ta đang che giấu điều gì. Nhưng anh ta không thể nói hoặc làm gì khác hơn.
– Cám ơn bà Gassner. Xin lỗi vì đã quấy rầy bà.
Viên thanh tra đứng đó, thất vọng nhìn cánh cửa đóng lại trước mũi.
Đằng sau cánh cửa Anna quay lại.
Walther gật đầu và dịu dàng nói:
– Em làm rất tốt, Anna. Bây giờ thì chúng ta lên gác.
Ông ta quay người về phía cầu thang và Anna lôi ra một cái kéo được giấu trong những nếp áo, đâm mạnh vào lưng ông ta.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!