Dưới Nắng Trời Châu Âu - Chương 14: Sec: PRAHA- Xứ sở tình yêu
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
116


Dưới Nắng Trời Châu Âu


Chương 14: Sec: PRAHA- Xứ sở tình yêu


KHI TÔI NÓI VỚI KRISTINA – cô bạn người Đức rằng tôi sẽ qua Praha trong kì nghỉ, Kristina đã trầm trồ khen: “Praha cổ, đẹp và thơ mộng lắm đó. Nhớ ghé thăm Cầu Tình nữa nha.” Tôi mỉm cười, bởi đã từ lâu tôi luôn kì vọng một Praha như thế, nơi mà lẽ ra tám năm về trước tôi đã đặt chân tới đó nếu không qua sợ say xe trong những ngày đầu ở Châu Âu.

Là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Cộng hòa Séc, Praha được biết đến như một thành phố vàng với cây Cầu Tình Charles mộng mơ bên dòng song Vltaya. Thành phố này vẫn giữa được nguyên vẻ đẹp cổ xưa với những công trình kiến trúc độc đáo và được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1992. Khi tới Praha điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên là thành phố này có nhiều người Việt nhất trong tất cả những thành phố châu Âu tôi từng đặt chân đến. Anh bạn người Việt tôi gặp ở Munich hiện đang sống ở Praha cũng nói cho tôi biết rằng có lẽ ở Châu Âu, cộng đồng người Việt tập trung nhiều nhất ở Séc và Praha chỉ là một ví dụ điển hình. Người Việt ở bên này phần lớn kinh doanh và buôn bán, chợ Sapa ở Praha và các chợ vùng ven biên giới Đức từ lâu đã trở thành “mảnh đất của người Việt” ở đây. 

Quảng trường Wenceslas

Quảng trường Wenceslas còn có tên gọi khác là Quảng trường Dân chủ. Quảng trường này được đặt theo tên của vị thánh đỡ đầu của xứ Bohemia – Saint Wenceslas và nằm ngay ở trung tâm Praha, đây là nơi chứng kiến những thăng trầm lịch sử của Séc. Nằm trên quảng trường là tượng thánh Wenceslas và bia đá của hai người thanh niên trẻ mà mãi sau này khi trở lại Đức tôi mới biết đó là hai chàng sinh viên đã hi sinh cuộc đời mình để chống lại Chủ nghĩa Cộng sản Liên bang Xô Viết. 

Từ quảng trường này, người ta có thể nhìn thẳng xuống đại lộ Václavské Námesti với rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, đặc biệt là pha lê, các quán bar, các tiệm ăn, khách sạn. Chúng tôi tới Praha đúng vào ngày tổ chức trình diễn dân ca thế giới và tất nhiện chúng tôi đã không bỏ lỡ cơ hội này dừng chân lại cùng những du khách nước ngoài khác, lắng nghe những giai điệu dân ca từ Ba Lan, Áo, Đức…

Nằm ngay ở quảng trường  này là tòa thị chính nổi tiếng với chiếc đồng hồ thiên văn được chế tạo từ năm 1410. Điểm nổi bật thu hút khách du lịch ở đây là mỗi một giờ, các bức tượng sẽ cử động và khi tới 12h thì sẽ có 12 vị tông đồ nối đuôi nhau đi từ hai cửa ra phía trước. Ngoài ra, trong trung tâm này còn có đài tưởng niệm của một vị anh hùng người Séc có tên là Jan Hus – người đã bị thiêu sống khi không chịu bỏ tư tưởng tôn giáo cấp tiến của mình.

Cầu Tình Charles

Đi qua những khu phố cổ, dần dần chúng tôi cũng tới được cây cầu Charles mà người Việt Nam vẫn hay gọi là Cầu Tình. Ở Praha có rất nhiều cầu bắc qua dòng song Vltava nhưng Cầu Tình vẫn nơi thu hút nhiều du khách nhất. Riêng tôi  lại thích ngắm Cầu Tình từ những cây cầu khác hơn.

Cầu Tình là cây cầu bằng đá lâu đời nhất Châu Âu bắc qua dòng sông Vltava, nối hai quận Malá Strana và Staré Mesto với nhau và được xây dựng từ thế kỷ XIV mang tên Hoàng đế Kar IV. Cầu Charles dài chừng hơn 500m và rộng khoảng 9m, cầu này chỉ dành cho người đi bộ, bởi thế nên khách du lịch kéo tới đây nườm nượp. Tôi không đếm hết được những bức tượng ở trên cầu nhưng ngó qua cũng phải cỡ 30 bức tượng lớn nhỏ khác nhau của những danh nhân Séc gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước này. Nổi bật nhất vẫn là bức tượng của Thánh Nepomuck mà người ta vẫn truyền miệng rằng nếu chạm vào chân bức tượng đó, bạn sẽ có cơ hội quay trở lại Praha. Không chỉ có vậy, dọc hai bên đường có vô số những sạp bán đồ lưu niệm, tranh ảnh, đồ trang sức và những món quà bằng gỗ, bằng đá rất dễ thương. Những người họa sỹ và nhạc sỹ đường phố cũng có dịp trổ tài ở đây. Cứ đi được một đoạn lại có một “người mẫu” làm dáng trước những nét vẽ mềm mại, tôi cũng đã định bỏ ra 30 euro để lưu lại bức chân dung của mình nhưng vì phải đợi quá lâu, mà bàn chân thì cứ muốn bước tiếp nên đành lỡ hẹn với người họa sỹ đường phố nơi đây.

Cầu Charles đẹp và lãng mạn nên cũng dễ hiểu khi nhiều đôi tình nhân chọn nơi đây để chụp ảnh cưới. Từ trên cầu, người ta có thể ngắm nhìn Cung điện Hoàng Gia, Nhà thờ thánh Vitus và cả những ngôi nhà mái đỏ nhấp nhô phía xa xa. Dòng song Vltava lặng lẽ trôi, những đàn chim cứ sải cánh, những chú vịt trời cũng lang thang như đã quen với sự có mặt của du khách, những công trình kiến trúc soi mình dưới bóng nước. Lướt nhìn xung quanh, tôi thấy nhiều đôi uyên ương đang đứng hôn nhau. Tôi không ghen tị với hạnh phúc của họ, bởi phút giây đó tôi cũng hạnh phúc. Có phải vì thế mà nơi đây đã được gọi là Cầu Tình.

Thành cổ Praha 

Rời cầu Charles, chúng tôi rảo bước tới thành cổ Praha. Những con đường ở đây khá dốc. Thành cổ nằm trên một khu đồi cao nên khi lên tới đây, người ta có thể nhìn thấy xuống toàn bộ phía dưới. Khung cảnh Praha lúc xế chiều đẹp vô cùng.

Thành cổ là công trình kiến trúc đẹp và cổ kính nhất Praha và cũng là cái nôi lịch sử thủ đô, bởi nơi đây từng là nơi cư ngụ của hầu hết các vị vua ở đất nước này. Ngày này, thành cổ vẫn là nơi diễn ra những hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị ở Séc. Lâu đài Praha nằm ở trong khu thành cổ là biểu tượng của thành phố và cũng là tòa lâu đài vĩ đại của Châu Âu. Đó là một quần thể kiến trúc rộng tới 45ha với nhiều tháp, nhiều công trình như Nhà thờ St. Vitus, St. Geogre, Cung điện Hoàng Gia, Vườn hoa mùa hè Hoàng Gia… Mỗi công trình đều có vẻ đẹp và những câu chuyện lịch sử riêng. Tôi không biết nhiều về lịch sử Séc, chỉ nhớ là đã từng đọc trong một cuốn sách rằng: Công tước Borivoj I là người đã cho khởi công xây dựng những công trình đầu tiên trong khu thành cổ này, từ cung điện cho đến nhà thờ và rất nhiều công trình khác. Một thời gian sau, cung điện bị cháy, hơn một thế kỷ sau vua Karl IV mới cho tu sửa lại và xây dựng thêm cả Nhà thờ thánh Víta. Hiện nay, lâu đài là nơi ở của các vị Tổng thống của Cộng Hòa Séc. Bên ngoài cổng chính lâu đài bao giờ cũng có rất nhiều người tập trung để nhìn thấy Tổng thống. Các tòa nhà trong lâu đài đại diện cho hầu như tất cả các phong cách kiến trúc của thiên nhiên kỳ quan.

Chúng tôi dạo bước trên những con phố thành cổ Praha và bắt gặp những người lính đứng gác ngoài cổng thành. Khách du lịch thay phiên nhau đứng cạnh để chụp hình, dĩ nhiên người bạn đồng hành cũng chụp cho tôi được một tấm hình làm kỷ niệm. Mặc cho khách du lịch làm cho cười và cố tình chọc ghẹo, những người lính vẫn đứng sừng sững như những pho tượng.

Khi đêm đến, Lâu đài Prague tỏa sáng với ánh đèn rực rỡ, lung linh và huyền ảo. Như ai đó đã từng nói về thành phố này: “Nếu Praha là một bức tranh thì đó là một bức tranh mà các nghệ nhân đã chuyển tay nhau tô vẽ, hoàn thiện trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm”.

Rời khu thành cổ, chúng tôi men theo những con đường dốc lát đá nhỏ với những vườn nho trĩu quả và xuống phố. Chiều Praha thật bình yên. Có lẽ bởi nơi đây là một trong những thành phố hiếm hôi của Đông Âu không bị tàn phá bởi chiến tranh nên các công trình cổ kính vẫn nguyên vẹn. Phố xá ở đây hẹp và dài, với những con đường chạy ngoằn ngoèo theo các triền đồi, trong đó rất nhiều con đường vẫn còn được lát đá. Tôi thích cách bài trí của người dân Praha khi thiên nhiên đã ưu đãi họ một phong cảnh hữu tình và họ cũng đã biết tận dụng tối đa vẻ đẹp ấy để làm hài long du khách. Men theo những con đường lát đá là những quán cà phê phủ đầy hoa, từ đây khách du lịch có thể thưởng thức bia Séc, vừa có thể ngắm nhìn xuống thung lũng với những vườn nho xanh ngắt.

Mới là tháng Tám nên ngày ở Praha vẫn còn dài, sau khi ăn bữa tối trong một quán ăn dưới hầm, chúng tôi băng qua những cây cầu nhỏ và ngắm thành phố ở một góc khác. Trong không khí trong lành và sạch sẽ, chúng tôi men theo những con đường và bước vào thiên đường của những món quà lưu niệm. Séc từ lâu đã nổi tiếng với pha lê, những cửa hàng bán pha lê ở đây rất nhiều và sang trọng  với những lọ hoa, những sợi dây chuyền, những chiếc vòng luôn lấp lánh sắc màu rực rỡ.

Khi những giọt nắng cuối ngày bắt đầu tắt, chúng tôi quay về khách sạn và bắt đầu leo lên những con dốc nhỏ với xung quanh toàn là màu xanh của cây cối và hoa lá. Ven đường là những vườn táo, vườn nho, quả còn nhỏ nhưng tiện tay nên chúng tôi vẫn… hái ăn thử. Đi được một đoạn, tôi sững sờ khi thấy một đồi cherry, những quả cherry màu đỏ treo lơ lửng phía trên cao khiến tôi không thể nào với tới được. Tôi quay ra phía sau thì thấy mình đã leo được một đoạn khá cao, từ trên này người ta có thể ngắm mặt trời đang từ từ lặn xuống. Praha thanh bình và đẹp như một bức tranh dù tôi biết những gì mình đang nhìn thấy hoàn toàn có thực. Cách chỗ chúng tôi đứng không xa là ngọn tháp Petrin, người ta gọi đó là tháp Eiffel của Praha.

Niềm tự hào của Praha không chỉ có Cầu Tình, Thành cổ, Quảng trường Wenceslas mà còn rất nhiều công trình kiến trúc đặc sắc khác nữa như Nhà hát Quốc gia, Ngôi nhà Nhảy múa (Dancing House), Đền Thánh Đức Mẹ Loreto, Thính phòng Rudolfinum… Để khám phá được hết những nét đẹp của thành phố này, có lẽ người ta cần nhiều hơn là những ngày cuối tuần ngắn ngủi. Những thung lũng, những ngọn đồi, những ngôi nhà mái đỏ, những cây cầu và dòng sông Vltava còn theo mãi dấu chân tôi…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN