Duyên âm - Những bức chân dung (Chương 8 - 13)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
186


Duyên âm


Những bức chân dung (Chương 8 - 13)


8.
Trước khi xuống đèo, chúng tôi ghé vào một quán cơm. Lúc đó không đứa nào nghĩ đến việc ăn chay nữa. Gọi ba đĩa cơm sườn ăn mau mà đi cho kịp giờ. Chúng tôi đã gọi điện thoại thầy Thịnh trước, được biết thầy đang có nhà. Phải hỏi trước vì nhiều khi thầy đi cúng chỗ này chỗ nọ. Lỡ đâu mình xuống lại thất vọng đi về vì không đủ duyên gặp được thầy.
Xe lăn bánh trên đường trường. Tôi ngẩn mặt nhìn lên bầu trời đen ảm đạm. Những đám mây báo hiệu một cơn mưa sắp đuổi tới…
Đã đến đầu đèo Prenn. Trước khi đổ đèo chúng tôi dừng lại chút xíu. Tôi quay sang Bảy và Minh, nói:
– Mình xuống thẳng dưới sân bay Liên Khương. Đi đến đâu thì xem bản đồ đến đó. Nếu bí quá thì hỏi người đi đường.
Minh chắc nụi rằng:
– Mấy ông khỏi lo đi. Tui giữ bản đồ đây rồi. Hơn nữa tui còn có số điện thoại thầy Thịnh mà.
Bảy nói:
– Lúc nãy ở quán cơm mình đã bàn rồi, cứ vậy mà làm. Có điều, ông Minh, ông đưa tờ giấy cho ông Khánh giữ đi. Tui thấy không yên tâm lắm! Lúc đi mắt phải tui giật rồi.
Minh không chịu, nói:
– Mệt ông quá! Làm gì tới mức đó.
Bảy vẫn bảo với Minh rằng:
– Ông cứ nghe tui. Đưa ông Khánh cầm cho chắc. Tờ giấy đâu rồi?
Cuối cùng, Minh cũng phải chịu. Lấy từ trong túi áo tờ giấy đưa cho tôi.
– Đây nè, ông Khánh giữ đi!
Tôi nhận lấy tờ giấy, cất kĩ, rồi ra hiệu cho hai thằng bạn:
– Được rồi. Chúng ta đi thôi.
Vượt qua đèo Prenn, đến đường cao tốc, qua trạm thu phí, tới Định An, Phi Nôm, Chạy riết một chặng mới gặp cái vòng xoay lớn đi về Liên Nghĩa – Đức Trọng. Đi tà tà tới sân bay Liên Khương. Vừa thấy tấm biển hàng không là tôi mừng hết lớn. Lòng cũng hồi hộp không kém.
“Cầu mong gặp được thầy” Tôi khấn nguyện.
Đúng là “con mắt to hơn cái miệng”. Nhà thầy Thịnh không ở thâm sâu cùng cốc như tôi tưởng. Nhà của thầy chưa đi qua chỗ đèn xanh đèn đỏ. Trong suốt đường đi, thứ làm tôi chú ý nhất là cây đa khổng lồ sừng sững ven đường. Dưới gốc đa nhan nhãn những bài vị, trang thờ… tượng bồ tát, thần linh nằm chung quanh. Cây đa đó hình thù kì dị, lá xanh um đậm đạm. Tôi nhìn lướt qua thôi, không nên nhìn lâu.
– Đây rồi.
Giọng nói của Bảy vang lên. Hai chiếc xe thắng lại trước một ngã ba.
Bảy cho biết:
– Vào con đường này, tìm tấm biển Đào Duy Từ rẽ vô. Ồ, cái ngôi trường trung học kia rồi.
Bảy chỉ tay về phía trước. Đúng là có cái trường học ở đó.
Minh ngồi im lặng. Còn tôi nói:
– Rẽ vào đường Đào Duy Từ, đi thẳng, bỏ qua cái công viên, tới trường mầm non, đi tiếp thấy tấm biển Tây Sơn, đến đó tìm hỏi nhà thầy Thịnh ai cũng biết.
Bảy gật đầu, nói:
– Uhm. Sắp tới rồi. Đi tiếp thôi mấy cậu.
Vô cùng suông sẻ. Chúng tôi đi thẳng một mạch đến trước cổng nhà thầy Thịnh. Mấy đứa tôi cho xe chạy thẳng vào bên trong. Cứ thế bước vào ngôi nhà cánh cửa đã mở sẵn.
Nhập vào mắt tôi là cái tủ thờ bề trên và các vị thần linh. Bên trái có một tấm gương hình chữ nhật dài, kéo từ la phông xuống nền gạch men màu thạch thảo. Ngay chỗ tấm gương có băng ghế sô pha hình cánh cung. Tôi đoán ngay, đó là chỗ người ta ngồi đợi thầy xem quẻ. Nhìn hướng về tấm gương, bên trái có cái bàn gỗ hình chữ nhật, mấy chiếc ghế gỗ có lưng tựa xếp chung quanh. Một ông đã có tuổi đang ngồi trên ghế, tay cầm cây bút bi. Ông ấy có vẻ nhỏ con, ốm yếu. Ăn mặc giản dị, đơn sơ. Nước da ông xám như chì, vành tai dày dị tướng, cặp mắt húp, tròng mắt dẹp như mắt tắc kè. Vừa trông thấy ông ấy, Bảy là đứa đầu tiên lên tiếng:
– Dạ, tụi con đến tìm thầy Thịnh ạ!
Chúng tôi cúi đầu chào ổng.
– Ngồi đi! – Ông ấy nói ngắn gọn, rặc tiếng Quảng Trị.
“Thầy Thịnh đây sao?” bấy giờ mấy đứa chúng tôi mới biết hình tướng thầy Thịnh. Hai thằng bạn không biết nghĩ gì. Riêng tôi kinh ngạc. “Ôi… chuyện này… kì lạ thật…” Tôi chưa khỏi hoang mang thì thầy Thịnh đã lên tiếng:
– Ba đứa bay đến đây có việc gì? Nói nghe xem nào!
“Dạ…”
Mấy thằng lẩn khẩn nhìn nhau. Hết thằng này đẩy cho thằng kia. Cuối cùng, tôi là đứa thưa trình:
– Dạ, tụi con đến tìm thầy, nhờ thầy giải vong cho.
– Thằng nào bị? – Nói rồi thầy ngước sang tôi, chợt thầy nói làm tôi rùng mình: – Là thằng này hả?
Cả ba chúng tôi đều lắc đầu. Tôi và Bảy trỏ vào Minh, nói:
– Dạ, bạn này bị. Tụi con đến chùa Pháp Hoa tìm sư, sự lại giới thiệu tụi con xuống đây gặp thầy.
– Nhưng sao tụi bay biết thằng này bị vong theo?
Tôi đáp lời thầy Thịnh:
– Dạ con nhìn thấy cậu ấy bị một vong nữ theo.
Thầy Thịnh “Uhm” một tiếng, quay sang nói với tôi:
– Mày cũng có căn đó. Nhưng để tao coi lại có đúng không đã, nhiều khi báo bậy báo bạ cũng nên.
Minh ngồi xuống cái ghế đối diện thầy Thịnh, tôi và Bảy ngồi dưới băng ghế sô pha.
Thầy Thịnh lấy ra tờ giấy trắng, hỏi Minh:
– Tên gì?
Minh đáp ngay:
– Dạ, Minh. Lê Xuân Minh.
– Nghề nghiệp? …
Thấy viết lên tờ giấy cái tên Minh, rồi vẽ lên đó mấy kí tự hình lò xo. Tiếp sau đó, dùng đầu bút bi chấm “bụp” “bụp” lên tờ giấy. Đầu bút vừa đứng lại tờ giấy, thầy Thịnh quay sang chúng tôi, phán:
– Đúng rồi. Nó bị một cái vong nữ theo.
“Ồ!”
Tôi và Bảy tròn xoe con mắt. Nói như vậy thì những phán đoán của chúng tôi là chuẩn xác.
– Cái vong này ở đâu vậy thầy? Và theo bạn Minh từ bao giờ vậy? – Tôi hỏi.
Thầy Thịnh tiếp tục viết mấy kí tự hình lò xo, chấm chấm đầu bút. Xong, nói:
– Ở khách sạn, đã theo ba năm rồi.
Tôi ngó lên nhìn Minh thấy ánh mắt cậu ấy thật kì lạ. Nó đỏ lên một cách khác thường, tròng mắt lảo đảo, nhìn như viên đạn bắn vào thầy Thịnh.
Không đợi chúng tôi hỏi, lần này thầy Thịnh nói luôn:
– Nó chết năm mười bốn tuổi, đến thời điểm này là hai sáu tuổi. Đi vào nằm bên trái khách sạn.
Tôi hỏi kĩ hơn:
– Tức là ở bên chỗ…
Nhưng tôi chưa nói hết lời thì thầy đã nói:
– Chỗ khúc quẹo dưới dốc, tao nói vậy là tụi bay hiểu rồi.
“Dạ… đúng rồi… sao thầy biết ở đó có khúc quẹo hay vậy????” Cả tôi và Bảy đều thán phục.
Tôi nói:
– Đúng là khách sạn nằm cuối dốc, ngay chỗ khúc quẹo đi lên.
Thầy Thịnh viết lên tờ giấy rồi lại chấm chấm, giây sau thầy nói:
– Nó nói, những anh nào đẹp trai thông minh vào khách sạn là nó theo chơi. Nó thấy anh Minh cũng đẹp trai nên nó theo. Nhưng nó chỉ theo chơi cho vui thôi chứ không yêu. Nếu nó yêu là mệt đó!
Hai đứa tôi lạnh người, còn Minh thì vẫn ngồi nhìn chằm chằm thầy Thịnh.
– Để tao hỏi thử coi, nó chết vì nguyên nhân gì?
Rồi thầy Thịnh lại chấm bút, truyền cho chúng tôi biết:
– Nó nói: “Con bị xe tông chết”
Bảy kinh ngạc:
– Dạ đúng rồi. Đêm qua Minh cũng nằm mơ thấy có cô gái bị tai nạn.
Tôi cũng hỏi:
– Có phải ngay trước cửa khách sạn không thầy?
Trong khi chúng tôi nói thì thầy Thịnh chấm bút, thầy bảo:
– Ở đó đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Có năm người chết, thêm nó nữa là sáu. Năm người kia đã có cái miếu ở phía dưới công viên. Họ không cho con này vào nên nó mới tìm cách lẻn vào khách sạn.
– Đúng… đúng rồi… phía dưới công viên có cái miếu. – Bảy nói.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhà ngoại cảm. Trước đó tôi chỉ nghe qua báo đài chứ không tin lắm vào khả năng giao cảm mà họ có được. Tai nghe mắt thấy bây giờ tôi mới sửng sốt, kinh ngạc và thán phục. Rõ ràng thầy Thịnh chưa bao giờ biết về cái khách sạn đó, vậy mà chúng tôi chưa nói tên, thầy đã biết được địa thế của nó. Cả cái công viên đối diện khách sạn, dưới đó có cái miếu thầy cũng biết luôn. Tài thật!
9.
Tôi ngồi nhìn thầy Thịnh chấm quẻ trên tờ giấy. Im lặng, nếu thầy có hỏi thì trả lời. Điều làm tôi bâng khuâng suy nghĩ là hình như chuyện này tôi đã gặp ở đâu đó rồi. “Giấc mơ? Đôi mắt đó tôi đã gặp trong giấc mơ “những con cá heo bị mắc cạn”. Người thầy coi tướng trong con hẻm đó là thầy Thịnh sao?”
Giọng nói của thầy vẫn đều đều. Thỉnh thoảng thầy lại pha trò. Thầy hài hước lắm chứ không khô khan.
Thầy chấm xong quẻ, truyền cho chúng tôi được biết:
– Con này nó nói: Nó không có áo quần mới để mặc, nó muốn về nhà nhưng không có tiền và có lệnh nên không về được. Nó bảo: “Nếu anh Minh cúng cho con tiền và cho con áo quần thì con sẽ bỏ anh Minh ra.”
Nói rồi thầy nhìn chúng tôi cười. Sau đó, thầy lấy một tờ giấy khác viết lên đó những gì chúng tôi chẳng hiểu được. Thứ ký tự mà thầy sử dụng thật quái lạ!
– Nó bảo thế này: Buổi tối con lẻn vào từ cửa sổ, lỗ thông gió, hoặc leo lên sân thượng chui vào. Anh Minh ở phòng nào là con vào chơi với anh ở phòng đó.
Nghe mà tôi ớn lạnh.
Minh vẫn ngồi cứng đờ.
Bảy thì hỏi thầy:
– Cậu Minh thường có triệu chứng ngủ dậy sau một đêm thì đói cồn cào, mặc dù trước đó đã ăn rất nhiều. Nguyên nhân là sao vậy thầy?
Thầy Thịnh đang viết, thì dừng lại giải thích:
– Đó là do nó đói, nó mượn xác mình để hưởng những thứ nó không tự ăn được.
Tôi cũng hỏi thầy luôn:
– Thầy ơi! Bậy giờ giải như thế nào đây?
Thầy nói:
– Cúng cho nó là xong. Để tao viết cho cái bài khấn, và những thứ lễ vật cần mua. Rồi tụi bay về nhờ một người đã lớn tuổi hoặc đã có gia đình rồi cúng cho.
Cả ba đứa đều lắc đầu vì không ai có thể giúp Minh làm việc đó. Minh là người tha hương cầu thực. Trong những người quen biết ở Đà Lạt chỉ có một vài người thân, nhưng đa phần đều trẻ tuổi và chưa lập gia đình. Có được ông chú Hoài thì Minh lại không muốn nhờ ổng đứng ra. Một phần cũng do ổng là người bên đạo.
– Nếu không có người cúng thì để tao coi hai thằng này thằng nào cúng được. Hai thằng bay đọc tên coi? – Thầy quay sang nói với tôi và Bảy.
Chúng tôi đọc tên cho thầy Thịnh chấm quẻ. Vài giây sau thầy cho biết:
– Thằng Khánh đứng ra cúng.
“Là tôi sao?” Trong lòng tôi khi đó cũng bất an lắm chứ! Tôi không giấu làm gì. Tôi nghĩ: Lỡ mình cúng vậy cái vong nữ đó theo mình luôn thì tai họa. Nhưng không thể từ chối được, quan trọng là phải cứu được Minh rồi tính gì tính.
Tôi nhận lời cúng cho Minh:
– Dạ, để con cúng cho ạ!
Thầy Thịnh đưa cho tôi một tờ giấy với những ký tự huyền bí. Thầy dặn dò:
– Nhớ giữ cho kỹ đừng để mất. Khi khấn xong, thắp nhang, rồi đem đốt đi.
Xong, thầy đưa tiếp một tờ giấy khác. Trên đó ghi các lễ vật gồm có: hoa quả, giấy tiền vàng bạc, một bộ quần áo nữ hai sáu tuổi, mâm thức ăn chay, hai ngọn nến… Kèm theo một bài khấn:
“Cầu xin cô em đến nhận lễ vật. Xin cô em từ nay đừng theo bạn Minh nữa.”
Thầy dặn dò thêm lần cuối:
– Cúng xong đem thức ăn ra cái cột điện đối diện khách sạn bỏ đó. Được hai phần ba nhang thì đốt giấy tiền. Thời gian cúng vào lúc 9 giờ tối. Bàn cúng đặt bên trái cửa khách sạn.
10.
Theo chỉ dẫn của thầy Thịnh, chúng tôi sẽ cúng vào tối thứ bảy. Nhưng vào đêm thứ sáu, một sự cố đã xảy ra. Với ai? Minh? Bảy?
Không. Là tôi. Với tôi chứ không phải ai khác đứng ra nhận thông điệp đó.
Lúc ấy là 3 giờ chiều, địa điểm ngay phòng trọ của Minh. Đã có một sự thay đổi nhân khẩu trong căn phòng rộng chưa tới hai chục mét vuông. Ông thầy – chú Hoài vẫn ở đó, nhưng một mình ổng thì không nói làm gì. Đằng này ổng còn kéo về thêm một người mẹ dắt theo hai đứa con nhỏ. Sau đó, tôi được biết, người mẹ tên Châu (là con ruột của chú Hoài) vì nhìn giống ổng như một khuông đúc ra. Cô Châu này vừa “xảy ra chuyện” với chồng, theo như lời ông thầy kể lại thì:
– Cái thằng mất dạy đó nó đánh đập con này dữ quá! Bây giờ tao nói con Châu trốn đi đừng có về nó đập chết!
Vì lý do đó mà ông thầy lôi hết cả con, cả cháu về phòng trọ của Minh ở. Tôi cảm nhận được ngoài mặt Minh không nói gì, nhưng trong lòng Minh thực sự không hài lòng. Không phải chuyện ăn uống, tiền phòng, vì trước sau gì Minh cũng bỏ ra khoảng đó. Vấn đề nằm ở chỗ khác…
Tôi nhìn con đường đất sình lầy dẫn vào dãy nhà trọ của Minh. Phía trước chỗ chúng tôi đang ngồi là một cái ao bèo, màu nước đen như xì dầu (nước tương), mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Vũng nước tù túng đó là một thiên đường lý tưởng để mấy con cò trắng lặn lội kiếm ăn, trên bãi lầy dơ dớp, nơi chất đầy những thứ rác thải sinh hoạt…
Gió chiều hiu hiu thổi…
Minh nằm trên cái ghế xếp, mắt nhắm lại, tay bóp trán. Tôi quan tâm hỏi:
– Ông bị làm sao vậy?
Minh trả lời tôi, giọng yếu ớt, dấu hiệu cho thấy cậu ấy đang rất mệt:

– Đầu tui đau bưng bưng chịu không nỗi.
Tôi nghe xong, liền khích lệ tinh thần cậu ấy:
– Mọi thứ sắp kết thúc rồi. Sau cơn mưa trời lại sáng. Thời điểm này phải tuyệt đối bình tĩnh, tránh căng thẳng, trầm cảm. Bởi cái âm nữ đó sẽ khiến ra như vậy.

Minh im lặng, vài giây sau, bỗng Minh chuyển sang nói về chuyện ông thầy và Châu. Minh đang muốn được chia sẻ, và cần một người bạn lắng nghe mình:
– Cổ nhân dạy mình phải quảng đại, bao dung. Nhưng tui không làm được ông Khánh à! Tui biết mấy đứa nhỏ không có tội tình gì. Nhưng thực tâm tui không thích và không muốn con Châu ở trong phòng tui. Tui đã nhiều lần nói với ông thầy: “Thầy đừng gọi nhiều người lạ tới phòng con nữa.” Nhưng ông thầy vẫn chứng nào tật nấy, bỏ ngoài tai tất cả những lời của tui. Ừ, cũng cho qua đi! Vì mấy người đó đến rồi đi thôi. Còn lần này ổng đem luôn cả người về ở lại.

Tôi chỉ biết lắng nghe Minh nói:
– Nhiều lúc tui chán lắm! Tui đang mắc phải tùm lum chuyện rồi mà ông thầy lại không hiểu, cứ làm cho tui phải mệt thêm. Vừa nãy tui mới cự với ổng đó. Ổng sai tui làm cái này cái nọ tui mệt quá! Ngay cả gói cháu dinh dưỡng cho đứa cháu ổng cũng sai: “Minh, mày coi lấy xe đi mua…”

Tui lắc đầu, nói thẳng:
– Con chứa có vợ, có con, không biết mua chỗ nào đâu thầy ơi! Thầy nói con bé Châu lấy xe đi mua đi!

Minh có vẻ thất vọng và mệt mỏi lắm! Đôi mắt thâm đen vì mất ngủ nhiều ngày. Minh thổ lộ tâm tư cho tôi biết:
– Nói thật với ông Khánh, tui thuê cái phòng trọ này chủ yếu để bỏ mấy can rượu để tết đem bán. Cũng để cho ông thầy ở, chứ tui ngủ ở khách sạn không à! Con Châu ở cũng được, tôi chấp nhận với điều kiện nó phải biết sống. Đằng này… ông cũng thấy rồi đó, cái phòng của tui bây giờ chẳng khác gì cái chuồng heo. Mọi thứ bầy hầy và hôi hám không chịu được. Mỗi lần đi làm về mệt mỏi, tui phải xắn tay vào dọn dẹp nhà cửa, rửa chén, nấu cơm… con Châu nó mặc, nó đã không dọn mà còn xả ra thêm nữa. Ông Khánh thấy dạo gần đây tui không muốn về phòng là vậy đó.

Nghe Minh chia sẻ, tôi thấy cũng đúng. Tôi đã vào phòng Minh và thấy nó bẩn thỉu thực sự. Nói đúng là như cái chuồng heo hôi hám.
Xong, câu chuyện đời thường đó phải gát lại, để dành cho câu chuyện tâm linh tôi sắp kể ra. Minh bấy giờ mới hỏi tôi:
– Lúc nãy khi đánh bia, ông muốn nói chuyện gì? Ông bảo mình đã thấy thứ gì à?

Ánh mắt Minh giờ đây mệt rũ rượi. Tôi không muốn Minh phải căng thẳng hơn nữa. Nhưng tôi không thể giấu Minh được. Đành kể cho cậu ấy nghe sự việc đêm qua tôi đã trải qua.
– Tối hôm qua, sau khi về nhà tui đã gặp một cơn mộng lạ.

Minh ngồi bật dậy nói:
– Ông lại mơ thấy gì nữa à?

Tôi gật đầu:
– Uhm! Giấc mộng rùng rợn… Trong trạng thái miên man giữa cõi thực và mị, tui thấy một cái bóng trắng dài đuồn đuột. Cái bóng bay vờn quanh giường ngủ của tui. Tui xoay người qua bên trái, mắt đập thẳng vào tấm gương, chợt… “Ứ.. ư ư ư…” Tôi kinh sợ hãi hùng, chỉ muốn lập tức thoát ra cõi mị. Lúc đó tôi ý thức được rất rõ mình đang bị mớ, nhưng không thể thoát ra thế giới đó được. Dễ sợ lắm! In trên tấm gương là một con ma nữ mặc ái dài trắng., mái tóc óng ả đen mường mượt trải dài sau tấm lưng oằn oằn. Gương mắt của nó như mèo, như loài yêu tinh quỷ dị… trên mặt có những cái sọc màu đen gớm ghiếc! Nói vờn lại chỗ giường ngủ của tui. Vuốt bàn tay lạnh buốt của nó lên ngực tui. Rồi nó tiến lại nằm xuống ngay sau lưng tui. Tui cảm nhận rất rõ sự hiện diện của nó. Tui vận hết sức mình thúc cùi chỏ ra sau để đánh đuổi nó đi. Nhưng sức lực của tui kiệt quệ. Tui nhấc tay cũng còn khó khăn chứ đừng nói là đánh trả lại nó. Bất lực tui chỉ còn một cách rên “ư” “ử” mong sao có người nhà gọi tui dậy. Có lúc tui chợt tỉnh, đã mở hé mắt ra nhìn, nhưng lại bị miên vào giấc. Lúc này, một nhân dạng khác lại hiện ra. Tui thấy rõ khuông mặt đó là một cô gái trẻ chừng hai nhăm, hai sáu tuổi. Gương mặt xinh đẹp mĩ miều, bờ môi trái tim tô son đỏ đậm, da dẻ nhợt nhạt như bị hút sạch không còn máu. Cô ta cũng mặc áo dài trắng và để tóc xõa ngang sườn. Tui dám khẳng định với ông, đó là cái âm nữ trong mấy bức chân dung ông đã vẽ. Vì nó rất giống… giống lắm ông Minh à!

Minh lặng người, nét mặt lo âu, Minh hỏi tôi:
– Ông còn thấy gì nữa?

Tôi trả lời:
– Tôi nhớ mình có hỏi một câu rất ngớ ngẩn. Tôi hỏi: “Cô chết vào ngày nào?” Cái âm nữ đó đáp lại ngay, giọng nói “ong” “ỏng”: “ Ngày mười chín, tháng năm, năm 1942” Nghe đến đó là tui tỉnh giấc.

Minh hỏi lại:
– Đến đó thôi hả ông Khánh?

Tôi gật đầu:
– Uhm, tôi tỉnh dậy nhìn đồng hồ đúng 3 giờ sáng. Tôi không ngủ lại được nữa, tôi thức mở máy tính lên google tìm kiếm những tư liệu, hình ảnh về Đà Lạt bối cảnh năm 1942. Tôi tìm được mấy tấm hình đen trắng, nhìn chúng tôi bỗng thấy bâng khuâng khó tả trong người, một cảm giác huyền bí tràn khắp.

Minh lo lắng, nói:
– Có cần gọi điện cho thầy Thịnh hỏi cho chắc không? Sau chuyện này tôi không làm ở khách sạn nữa đâu.

Tôi đồng tình, nói:
– Uhm, tôi cũng nghĩ vậy. Ông không nên làm ở khách sạn đó nữa, vì âm khí ở đó quá nặng.

Tôi bỗng nhớ đến việc cúng xin vào tối đó. Vấn đề nằm ở chỗ, Minh đã dàn xếp được với bên ông chủ khách sạn chưa? Nếu ổng cho phép thì tui mới cúng được, bằng không thì bó tay chịu chết. Tôi hỏi Minh lại một lần nữa cho chắc cú:
– Ông đã nói cho chủ khách sạn biết chưa? Tui sợ đến đó mình làm lụi lại rách việc.

Minh nói ngay:
– Ông yên tâm đi! Tui thu xếp dụ đó được mà.
Tôi nhìn đồng hồ, thấy đã đến giờ đi mua lễ vật. Tôi quay sang nói với Minh:
– Mình đi chợ mua đồ được rồi đó, chuẩn bị trước vẫn hay hơn.

Minh đồng ý, đứng lên nói:
– Uhm. Tui với ông bây giờ chạy đi mua đồ.

Tạm đóng lại chương này. Những chương sau bạn hãy chú ý theo dõi. Vì những hiện tượng tâm linh sẽ liên tục xuất hiện. Ví như tôi là một người có liên căn, cái duyên âm đã đưa tôi từ một người bình thường trở thành thấy tâm linh, cúng tế. Và hãy nhớ điều này, nếu bạn là một người có duyên âm, bạn đừng vội lo lắng. Nỗi sợ hãi chỉ khiến cho linh hồn bạn bị yếu đi. Hãy bình tĩnh tháo gỡ những nút thắt. Thế giới tâm linh sẽ nhắc nhở bạn, phải sống sao cho tốt và biết hướng thiện. Đó là cách duy nhất để vượt thoát qua mọi kiếp nạn.
11.
7 h tối, tôi và Minh có mặt ở khách sạn. Nhân viên và quản lý khách sạn đã về hết. Chỉ còn lại một thằng nhóc ngồi chơi game ở bàn lễ tân. Khách khứa tối hôm quá cũng vắng.

Bảy gọi điện thoại cho chúng tôi, nói bận chút việc, khi nào xong sẽ ghé lại.
“Cạch” Cánh cửa phòng lễ tân mở ra. Người đàn ông xuất hiện với nụ cười trên môi:
– Chào mọi người!

Đó là Tuấn, nghệ sĩ violon đường phố, một trong những người bạn tốt bụng của chúng tôi.
Vừa gặp Minh, Tuấn đã nói ngay:
– Tuấn nghe Bảy nói về chuyện của Minh rồi. Không sao đâu, Minh là người tốt, mà người tốt gặp dữ cũng hóa lành à!

Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, chủ yếu nói về đề tài tâm linh mà Minh đang mắc phải.
Đang nói, bỗng có cuộc điện thoại gọi đến bàn lễ tân, than phiền về bình nước nóng không sử dụng được.
Minh quay sang tôi, nói:
– Phải lên sân thượng kiểm tra lại mấy cái công tắc. Ông Khánh đi với tui nghe!

– Uhm. – Tôi gật đầu vì biết Minh sợ đi một mình lên đó.

Cái cầu thang ngoằng nghoèo dẫn lên sân thượng. Đoạn gần tới, tôi liếc mắt nhìn sang phải… giật mình:
– Ui mẹ ơi! Cái gì đây???

Trên bức tường mốc meo là hình vẽ nguệch ngoặc chân dung người con gái. Bức vẽ khiến người ta phải rùng mình vì sự ma quái của nó.
Minh đi lên sân thượng, kiểm tra mấy công tắc liền đi xuống lại phòng lễ tân.
Lúc có cả tôi va Tuấn, minh mới nói:
– Tối hôm qua tui đã thấy cái hình đó rồi. Tui hỏi những người trong khách sạn đều không biết ai đã vẽ nó. Hiện tượng kì quái đó làm tôi và Tuấn phải thốt lên:

“kỳ bí thật!”
Nói chuyện đến 8 giờ rưỡi. Chúng tôi sửa soạn lễ vật chuẩn bị cúng. Còn mưới lăm phút nữa thì Bảy xuất hiện.
– Mọi thứ đã xong hết rồi sao? – Bảy nói.

Tôi đưa ra một ý:
– Trong thời gian tui cúng, Minh ở phòng lễ tân, tuyệt đối không được ló mặt ra nhìn. Cậu Bảy theo sát để giữ ông Minh cho tui.

Bảy nghĩ ra một cách khác chắc ăn hơn:
– Hay bây giờ tui đưa ông Minh qua quán bia. Ông và Tuấn ở lại cúng, khi xong rồi thì gọi cho tụi tui về.

– Uhm, vậy cũng được.

Nói rồi, Bảy chở Minh ra khỏi khách sạn.
Tôi và Tuấn ở lại dọn thêm ít lễ vật. Thiếu cái bình hoa, tôi bảo tuấn chạy lên phòng lễ tân tìm. Còn lại tôi dưới nhà bếp một mình.
Không gian bỗng chốc im ắng lạ thường. Tôi bỗng mắc tiểu tìm phòng vệ sinh gần đó. Căn phòng tối om, nước chảy róc rách. Tìm chẳng thấy công tắc điện đâu, tôi đánh liều vào tiểu nhanh rồi chạy ra.
Một cảm giác lành lạnh sau gáy, như có người đang đứng sau lưng. Tôi đứng tiểu mà không dám quay đầu vì đằng sau có một tấm gương lớn.
Xong, đáng sợ nhất là bức tường trước mặt, có một vết chảy giống như máu kéo từ trần xuống.
“A Di Đà Phật” Tôi niệm Phật để giữ bình tĩnh.
Thời gian nghẹt thở trôi qua, tôi thấy nhẹ nhỏm khi bước ra cái phòng vệ sinh u ám đó.
Vừa bước ra tôi đã trông thấy Tuấn đang đứng bên bàn cúng, Tuấn lẩm bẩm trong miệng câu gì đó. Một hành động của Tuấn khiến tôi kinh ngạc…
Tôi trong thấy rõ ràng Tuấn vừa rút một xấp tiền cúng, cuộc lại nhét vào túi.
“Trời ơi! Cậu ấy đang làm cái quái gì vậy???”
Tôi chạy lại, Tuấn vội đánh lãng đi. Tôi kiểm tra mâm giấy tiền nhưng Tuấn cản lại, nói:
– Đủ hết rồi. Khánh không cần phải kiểm tra lại đâu.

Tôi tạm thời gát lại chuyện đó. Đã đến 9 h. Chúng tôi bưng bàn cúng ra cửa, đặt đúng vị trí bên trái. Ổn định mọi thứ, tôi đốt nhang khấn vái, rồi đốt tờ giấy mà thầy Thịnh đã đưa cho. Trong lúc làm lễ, tim tôi đập thình thịch. Tuấn đứng sau lưng tôi chắp tay cầu nguyện cho Minh. Tôi chỉ sợ, lỡ may Tuấn yếu vía bị nhập thì khốn, trong lúc khách sạn hình như chỉ còn hai người chúng tôi.
Thời gian ì ạch trôi, mười lăm phút qua đi trong sự mong đợi điều tốt lành sẽ đến.
Được hai phần nhang thì tôi xin đốt giấy tiền vàng. Tất cả đồ cúng khác đều cho vào cái bọc nilon màu đen, rồi đem bỏ ở cái cột điện đối diện khách sạn.
Lúc này, tôi mới thở phào, bấm điện thoại gọi cho Bảy.
12.
Thời gian thấm thoát trôi qua…
Mới đó đã gần đến tết nguyên đáng, người người nhà nhà tất bật làm ăn, mua sắm, sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón xuân Đinh Dậu.
Cần nhắc lại sự việc của Minh. Vậy sau khi cúng giải vong có chuyện gì khác thường xảy ra không?
Có đấy!
Sau buổi tối hôm đó, và những ngày liền kề, Minh thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ. Trông khí sắc của cậu ấy bợt bạt, tinh thần và thể chất suy kiệt thấy rõ. Minh ngáp dài nói với tôi: (Lúc đó hai đứa tôi đang ở nhà cô Hạnh)
– Tui buồn ngủ quá ông Khánh ơi! Mấy ngày rồi người tui mệt mỏi, rã rời. Tui ngủ ở khách sạn vẫn thấy bị đau đầu, giấc ngủ nặng nề lắm!

Tôi tìm cách trấn an, nói cho cậu ấy yên tâm:
– Mới giải vong xong ai cũng mắc những triệu chứng như vậy cả. Ông cứ hình dung một cái trứng non có lớp vỏ mỏng dính. Hiện tại, ông giống như cái trứng non đó, rất yếu ớt, nhưng dần dần sẽ phục hồi.

Sau những gì đã trải qua, Minh đưa đến một quyết định:
– Tui đã xin nghỉ làm bên khách sạn. Họ đã đồng ý nhưng phải chờ qua tết đến ngày mùng mười, để cho họ kiếm người thay thế.

Tôi tán thành ngay:
– Uhm! Ông thoát ra khỏi chỗ đó tui cũng mừng. Vì cái khách sạn đó âm khí nặng quá!

Minh kể cho tôi nghe một chuyện “kì lạ” khác, cũng liên quan đến khách sạn N Ng:
– Bữa trước tui có hỏi ông làm bếp lâu năm ở khách sạn, nghe ổng nói thì khách sạn N Ng đã từng xảy ra những vụ khách đến ở lại nhảy lầu tự tử. Bây giờ tui không dám mò đầu lên cái sân thượng đó nữa.

Tôi nghe mà rùng mình:
– Ghê vậy sao??? Còn bức hình trên tường đã xóa đi chưa?

Minh lắc đầu:
– Tôi cũng không để ý đến nó nữa. Nghe thêm chị Hiền quản lý nói: Hôm rồi chị có đem thằng cu nhà chị (Thằng nhóc ba tuổi rưỡi) lên khách sạn chơi. Chị bận nghe điện thoại không để ý đến thằng nhóc. Đến hồi ngó lại không thấy nó đâu nữa. Hoảng quá! Chạy đi tìm nó. Chỉ sợ nó té xuống cầu thang là xong đời. Chị Hiền tìm quanh, vừa đi vừa gọi mà không ra nó. Đến hồi chị chạy lên tầng ba, lúc này mới nghe tiếng của nó: “Mẹ, mẹ ơi! Mẹ” Có một căn phòng mở hé cửa đủ để chị nhìn thấy đôi giày tí hon của thằng nhóc. Chị liền chạy tới đẩy cửa ra…

Tôi chăm chú lắng nghe câu chuyện ly kỳ. Càng ngày cái khách sạn đó càng xuất hiện những hiện tượng huyền hoặc. Những bức chân dung do Minh vẽ, tiếng bước chân lên cầu thang, âm thanh giống như tiếng gõ ngón tay lên mặt bàn, rồi tiếng nước chảy “rách” :”rách” chỗ khay trà, bức hình ma quái trên sân thượng, vết chảy dài như máu ở phòng vệ sinh gần nhà bếp. Bây giờ lại thêm những vụ tự tử trước đó, và câu chuyện về thằng nhóc con của chị Hiền quản lý khách sạn.
Câu chuyện Minh đang kể được quay tiếp:
– … Thằng nhóc chỉ tay vào căn phòng trống (không có người ở), miệng lẩm bẩm: “Mẹ ơi! Cô đẹp kìa… cô đẹp kì mẹ ơi!”

– Có chuyện đó nữa sao??? – Tôi nhíu mày.

– Vậy mới ghê chứ! Căn phòng đó chỉ có hai mẹ con chị Hiền thôi. Thằng nhóc đã thấy thứ gì đó, ông nghĩ xem nó đang chỉ ai? Tôi ngờ nó đã nhìn thấy…

– Ma. – Tôi nối lời Minh.

– Uhm. Chỉ có khả năng đó thôi.

Có bạn thắc mắc, sau khi cúng xong, ba thằng tôi có xuống nhà thầy Thịnh xem lại không?
Tất nhiên là có chuyện “tái khám” rồi. Vì đứa nào cũng tò mò muốn biết cái vong nữ bị chết vì tai nạn kia có còn theo Minh không?
Thầy Thịnh chấm quẻ, và cho biết:
– Nó đã nhận được lễ vật và đi về nhà rồi.

Riêng tôi thắc mắc một chuyện nữa, nên mới hỏi thầy:
– Thầy chấm xem ở khách sạn có còn cái vong nữ nào không? Vì như con được báo thì vẫn còn.
Thầy Thịnh hỏi tên chủ nhân khách sạn N Ng, rồi chấm quẻ, cho ba đứa tôi biết:
– Uhm. Có một vong nữ ở trong khách sạn, tụi bay phải gọi bằng “bà” mới đúng lễ nghĩa. Vì bà này lớn tuổi rồi.

Tôi sững sờ nhớ lại giấc mộng của mình vào đêm trước ngày cúng cho Minh. Một âm nữ đã báo cho tôi biết ngày mất là 19 tháng 5 năm 1942.
Thầy Thịnh chấm quẻ, nói tiếp:
– Bà dặn mấy đứa bay có đến khách sạn chơi thì lo mà về sớm. Đến hay đi thì phải chào bà một tiếng.

Dâng lễ vật cho thầy Thịnh xong thì chúng tôi về. Hai đứa bạn nghĩ gì trong đầu chúng? Tôi chẳng hiểu. Phần tôi có sự nghi ngờ: “Có khi nào nhầm lẫn không nhỉ? Cái vong theo Minh là cô bé 14 tuổi thật sao? Không chừng lại là cái vong nằm trong khách sạn. Vì như giao cảm tâm linh của tôi cho biết những bức chân dung của Minh chính là… Tôi tự thuyết phục mình rằng tôi đang nghĩ sai lệch vấn đề. “Minh đã ổn, mọi thứ đang dần tốt đẹp lên. Vậy nhưng… nỗi bất an vẫn đè nặng trong tôi.
Trở lại hiện tại,
Từ nhà cô Hạnh ra, tôi chở Minh về phòng trọ.
Hai cha con chú Hoài, cộng thêm hai đứa cháu gái, một đứa chừng năm sáu tuổi, một đứa còn đang quấn tả. Cả gia đình ông thầy đang “ăn nhờ ở đậu” chỗ Minh.
Vừa mở cửa ra mùi hôi đã bốc lên nồng nặc. Căn phòng bừa bộn như một bãi rác thành phố. Nền nhà đất cát giày dép dẫm vào bầy nhầy bầy nhụa. Minh ví căn phòng trọ của mình giờ đây giống như cái chuồng heo thật chẳng sai.
Chào ông thầy một tiếng cho có lễ nghĩa, xong, Minh vào phòng lục tìm thứ gì đó. Còn tôi đứng bên ngoài chờ đợi.
Chừng ba phút sau, Minh đi ra, cầm theo hai tờ giấy khổ A4.
– Để tui đốt luôn hai bức này nữa là xong. – Minh nói.

Tôi nhìn hai bức chân dung trên tay Minh, đang chuẩn bị châm lửa. Bản thân tôi cũng kinh ngạc vì đến giờ mới biết Minh còn hai bức chân dung cất giấu kỹ. Tôi nhìn hai bức vẽ cháy phừng phựt trong ánh lửa kì dị.
“Không còn nghi ngờ gì nữa. Người trong những bức chân dung, người đã theo Minh, và báo mộng cho tôi đều là một. Là cái âm nữ đã chết vào ngày 19 tháng 5 năm 1942.”
Điều gì sẽ xảy ra nữa đây? Bạn đừng rời bỏ cuốn truyện này cho đến khi thu thập được tất cả mảnh ghép của bức tranh tâm linh, để trả lời cho câu hỏi: Minh và những người bạn của anh ấy còn gặp chuyện gì nữa?…
Lạy những hương linh, vong linh đã phù trợ cho tôi viết tác phẩm này.

Duyên âm [Cánh cửa địa ngục]
Chương 13
Chúng tôi lên kế hoạch buôn bán vào những ngày cận tết Nguyên Đán. Bảy và Minh đã chuẩn bị trong năm những vò rượu sâm, nho, hồng và dâu. Nhưng, vì lý do trước đó chúng tôi bị ngộ độc rượu bởi chính “sản phẩm” của mình làm ra, nên “dự án” bán “ma men” vào những ngày gần tết tạm thời gát lại.
Ba đứa xoay trở bằng cách chuyển hướng kinh doanh, thay vì thương mại rượu bia thì đi buôn tranh sơn dầu, và bán dưa khắc chữ thư pháp.
Về khoảng tranh sơn dầu, đã có hai “họa sĩ” là ông thầy và con gái công là bé Châu chịu đứng ra hợp tác. Như Bảy và Minh nói:
“Thấy con Châu khổ sở, tiền mua sữa cho con uống còn không có, nên nhân tiện giúp nó có việc làm thêm”.
Về lợi nhuận, tranh bán được chia làm ba phần, Bảy và Minh hai phần vì bỏ vốn liếng và trực tiếp đi bán tranh. Châu một phần vì bỏ công vẽ vời.
Hướng thứ hai, là bán dưa khắc thư pháp. Bảy thuê một mặt bằng gần chợ N.T cho Vân – bạn gái Bảy, đứng bán. Thu xếp ổn thỏa thì đi làm “lính đánh thuê”.
Là sao?
Ba thằng lên kế hoạch và thống nhất với nhau, ngày hai bảy trước tết sẽ xuống Nha Trang một chuyến. Chúng tôi sẽ đi khắc và viết chữ lên những quả dưa Gò Công ở các sáp dưa lớn nhất Nha Trang trong chợ Đầm, chợ Xóm Mới và chợ Ga… Lời ăn lỗ chịu chung, ba thằng phiêu lưu một chuyến cho biết thị trường đất biển như thế nào.
Đó là chuyện sau này tôi sẽ kể,
Còn một chuyện khác rất đỗi huyền bí, khiến người nghe phải ớn tới óc. Sự việc đó khiến tôi hoang mang lo lắng và hồi hợp đến nghẹt thở.
Như tôi đã nói,
Bảy có thuê một mặt bằng ở gần chợ N.T. Nói mặt bằng nhưng thực tế đó là mấy mét vuông vỉa hè, lề đường. Hàng năm, chính quyền phường chia thành từng lô cho dân thuê buôn bán. Vị thế đẹp (địa lợi) được dành cho những mối quan hệ quen biết, những ai chịu bỏ tiền, những chỗ còn lại (không đẹp, không thuận lợi) đem ra cho bóc thăm. Bảy bóc phải lô xấu nhất, nó nằm xa tít mù khơi với trung tâm chợ N.T, đã vậy còn không thuận đường, thuận xá.
Lô 13 nằm ngay trên nắp cống, đối diện cà phê M.Nh (giấu tên), phía sau có mảnh đất nhỏ trồng toàn cẩm tú cầu. Bên cạnh là lô số 12 của anh Hải – bán đồ gỗ mỹ nghệ.
Trước tết 10 ngày, một tấn dưa đổ về.
Vì không ai giúp trông coi, vào đêm Bảy phải ngủ lại để canh dưa.
Tôi còn nhớ như in buổi sáng (ngày đầu tiên Bảy ngủ lại coi dưa), tôi nhìn vào khí sắc xanh xao nhợt nhạt của cậu ấy, trên ấn đường là một chấm bầm (dấu bắt gió). Tôi quan tâm hỏi:
– Đêm qua cậu không ngủ được à?

Bảy ho “sòng sọc”, trả lời tôi:
– Uhm. 1 h đêm tôi phải chuyển dưa xuống xe, rồi đâu có về được, phải ở lại canh. Trời thì gió khủng khiếp. Không ra giường, nệm chiếu gì cả. Tôi nằm co quắp như một con chó vậy đó.

Nói xong hết lời Bảy ho sặc sụa.
Lúc này, Minh mới nhắc:
– Cậu bị bệnh rồi, lo mua thuốc uống đi!

Tôi cảm nhận được Bảy vừa gặp phải chuyện gì đó, trông cậu ấy hôm đó khác thường lắm!
Tôi hỏi trực tiếp vào vấn đề luôn:
– Đêm qua cậu thấy gì à?

Bảy gật đầu:
– Uhm.

Và rồi cậu ấy kể tiếp:
– Chúng nhiều lắm! Đến phá tui, chọc lét người tui. Chúng từ phí dưới sờ tay lên kéo tui… khi đó ngoài trời gió thổi ào ào, tiếng gió rít ghê rợn… mẹ ơi… khiếp!

Minh với vẻ mặt lạnh tanh, hỏi:
– Cái gì ông? Chúng… là sao??? Tui chẳng hiểu gì hết???

Bảy bĩu môi, nói:
– Ông thì quá hiểu rồi còn bày đặt làm bộ làm tịch. Đừng có ở đó mà chọc tui ông Minh nghe!

Tôi nghĩ ngợi, một lát sau, nghiêm túc nói với Bảy và Minh:
– Chuyện này không đùa được đâu mấy ông. Nếu có thì mình phải biết lễ nghĩa với người ta, mọi chuyện mới suông được.

Bảy tỏ ra bất chấp, ngạo khí nói:
– “Kính nhi viễn chi” tui đàng hoàng không chọc ai, đừng chọc tui là được. Tui đách sợ gì cả, tối nay tui vẫn ngủ lại bình thường.

Tôi hỏi kỹ hơn:
– Câu thấy rất nhiều người âm chung quanh đây ư?

Bảy “uhm”, nói:
– Người già, con nít, cô hồn, du đãng… gì gì cũng có.

Câu chuyện về “phi vụ” bán dưa khắc chữ và sự việc diễn ra ở lô số 13 đối diện cà phê M.Nh, chưa dừng lại ở đó. Tiếp sau là những tình tiết khá rùng rợn. Nó cho biết sự tồn tại của một thế giới vô hình nằm ngay bên cạnh chúng ta, nhưng không mấy ai biết về sự tồn tại đó.
Tiếp theo là gì? Mời bạn đón đọc chương sau!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN