Duyên Kỳ Ngộ - full - Chương 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
164


Duyên Kỳ Ngộ - full


Chương 3


Chương 3.1

Cùng với thời gian, Lý Thanh Lôi, Lý Thanh Phỉ dung mạo ngày càng xinh đẹp, A La và họ cũng chẳng thù ghét gì, nhưng do quan hệ của các bà mẹ, nên không qua lại với nhau. Ngón đàn của Thanh Lôi và thư pháp của Thanh Phỉ ngày càng nức tiếng nơi khuê các. Tiếng thơm Lý tướng gia có hai tài nữ không biết từ lúc nào đã được thiên hạ xa gần đồn đại, chỉ có tam tiểu thư Thanh La chưa ai biết đến.

Ngay từ hai năm trước, những người đến cầu thân với hai tiểu thư đã đi mòn bậc cửa tướng phủ. Lý tướng chỉ lắc đầu, rằng con gái còn nhỏ, không muốn gả sớm.

Tuy nhiên, vào dịp Đào hoa yến của Phong thành mùa xuân năm đó, Lý tướng nhận được thiệp mời của Hộ quốc công chúa.

Đào hoa yến là yến tiệc mùa xuân long trọng nhất Phong thành. Hộ quốc công chúa vốn là em gái Ninh vương, gả cho đại tướng quân họ Trần, không lâu sau thì góa bụa. Đào hoa yến này chính là cuộc hội ngộ riêng tư do công chúa tổ chức ở biệt uyển Thập Thúy sơn trang của mình trong ngày xuân rỗi rãi. Mỗi dịp hoa nở khắp sơn trang, công chúa lại mời nội quyến của hoàng thân quốc thích, đại thần trong triều tề tựu cùng ngắm cảnh thưởng hoa. Về sau dần dần cũng mời cả các bậc tài tử phong lưu, công tử thiếu gia anh tú ở Phong thành, cuối cùng trở thành yến tiệc tìm bạn đời cao cấp của giới thượng lưu.

Phong thành nghe nói có năm vị đại công tử. Năm vị này là thái tử bản triều Lưu Giám, tứ hoàng tử Lưu Phi, Lưu Giác con trai An Thanh vương, tân khoa trạng nguyên Thành Tư Duyệt và Cố Thiên Tường con trai Cố tướng. Nghe nói đều là những bậc anh tú phong lưu tuổi ngoài đôi mươi, nói đến các chàng tất thảy thiếu nữ Phong thành đều sáng mắt.

Lý tướng sau khi nhận được thiệp mời suy nghĩ rất lung, nghe nói Đào hoa yến lần này cả năm vị đại công tử của Phong thành gần như đều có mặt, có ba vị thân vương, đều chưa có hôn ước. Mấy hôm trước Ninh vương đã nói xa xôi, rằng có ý nhắm con gái lớn Thanh Lôi, nếu không có gì thay đổi sẽ trở thành thái tử phi tương lai, Lý tướng muôn phần cảm kích. Về sau được tin, Cố tướng cũng nhận được ngầm ý như vậy của Ninh vương, có ý muốn con gái Cố Thiên Lâm của ông ta, cô nương này và Thanh Lôi được mệnh danh là Song tuyệt Phong thành, ông lại cảm thấy bất an.

Về sau nghe đâu, Vương hoàng hậu lại có ý tiến cử cháu gái của mình là Vương Yến Hồi, ái nữ của thái úy đương triều. Nghe nói Yến Hồi tiểu thư mưu lược hơn người, thông minh tuyệt đỉnh, dung mạo có phần thua kém chút đỉnh so với Cố Thiên Lâm và Lý Thanh Lôi, nhưng cũng có thể coi là bậc giai nhân, gia thế càng khiến thiên hạ kính nể.

Hoàng đế và hoàng hậu ý kiến bất đồng, Hộ quốc công chúa nảy ra sáng kiến mở Đào hoa yến để thiếu nữ ba nhà có cơ thể hiện tài mạo trước mọi người, có thể công khai so sánh. Ninh vương xưa nay vốn sủng ái thái tử, luôn chiều theo ý chàng. Vậy là Đào hoa yến trở thành đại yến tuyển phi, ai cũng biết đại yến lần này có mục đích khác, đều chờ đợi ba giai nhân tranh tài, xem ai cuối cùng trở thành thái tử phi.

Lý tướng điểm lại ba cô con gái, Thanh Lôi kín đáo với vẻ kiều diễm lạnh lùng, Thanh Phỉ nhanh nhẹn hoạt bát, Thanh La yêu kiều dịu dàng, xuân lan thu cúc mỗi cô mỗi vẻ, ngoài Thanh La không có tài hơn người, hai cô chị đều khiến ông hài lòng rất mực.

Nhưng suy đi tính lại, ông vẫn chưa quyết bề nào, đi đi lại lại trong thư phòng vẻ nôn nóng. Đại phu nhân tươi cười, góp lời: “Lão gia, sao không để cho cả ba tiểu thư đều đến dự tiệc? Chẳng phải nghe nói cả năm vị công tử Phong thành đều đến đó sao?”.

Không được làm chính phi của thái tử, thì làm thứ phi cũng tốt. Ngoài ra, hai tiểu thư nhà mình được vị nào trong năm công tử để mắt đến, đều là vụ trao đổi không thua lỗ. Câu nói của đại phu nhân đã thức tỉnh Lý tướng, ông vuốt râu cả cười nói: “Thì ra, vẫn là phu nhân có mắt nhìn xa trông rộng”.

Thất phu nhân nghe nói A La cũng được đi dự Đào hoa yến, mắt sáng lên, trở về Đường viên ôm lấy A La nói: “A La, dù mới mười hai tuổi, nhưng con không hề thua kém hai chị, đại yến lần này các vị công tử quyền quý của Ninh quốc đều có mặt, con nhớ để tâm quan sát kỹ, tìm trước nơi chốn để tính chuyện về sau”.

A La ngạc nhiên: “Mẹ, con mới mười hai tuổi! Mười hai tuổi đã xem mặt hôn phu sao?”. Cảm thấy chuyện không thể tưởng tượng nổi, bất luận phong tục ở đây thế nào, nàng nhất định không chịu. Có điều, được ra khỏi phủ khiến A La mừng khôn xiết, sáu năm rồi, cuối cùng cũng được ra ngoài, không biết thế có đồng nghĩa với sau này có thể thường xuyên xuất phủ hay không?

Thất phu nhân cười, “Con gái Ninh quốc mười lăm tuổi đã xuất giá được rồi. A La của mẹ rất có thể sẽ tìm được một đám vừa ý, đợi sau này lớn lên tính chuyện cũng không muộn”.

A La than thở: “Con không muốn xa mẹ, càng không muốn tính chuyện hôn nhân sớm như vậy”.

Thất phu nhân nói: “Mẹ cũng không muốn xa con, nhưng con gái không thể ở với mẹ suốt đời, nếu gặp được đám tốt, chẳng hay hơn sao. Mẹ chỉ muốn con quan sát kỹ, tìm được người ưng ý, để chọn hôn phu sau này”.

A La không muốn nói nữa, tìm hiểu sớm như vậy, ba năm sau đã phải lấy người ta, lại chuyển đến một phủ khác không thể ra ngoài, đánh chết nàng cũng không chịu. Chỉ muốn nhân cơ hội này được ra ngoài một chuyến, thả sức ngắm nhìn phong cảnh, ở đây đã buồn nẫu ruột, sắp không chịu nổi nữa rồi.

Chương 3.2

Ngày mùng bảy tháng ba, gió xuân phơi phới trên mặt, ánh nắng ấm chan hòa trên cao, đúng là ngày đẹp trời cho hội đạp thanh, đại phu nhân đưa ba cô gái đi dự Đào hoa yến. Đây là điểm đại phu nhân hài lòng nhất, chỉ có bà mới có thể đàng hoàng sánh vai cùng các bậc mệnh phụ phu nhân của Ninh quốc. Hôm nay bà đặc biệt chải kiểu tóc búi cao, mình vận bộ váy thêu vàng rực có chữ “Phúc” thêu chìm, cài một đóa đỗ quyên vàng, tiếng châu báu rung rinh theo mỗi bước chân. Dáng đẫy đà tuổi trung niên được y phục và đồ trang sức tô điểm càng tôn thêm vẻ cao quý của vị phu nhân tướng quốc.

A La liếc nhìn Lý Thanh Lôi áo chẽn màu xanh nhạt, váy liền chít eo màu trắng, có thêu những cành mai tinh tế bằng kim tuyến, đầy những nụ hoa ấp nhụy, dáng thon ngọc ngà, nét mặt an nhiên, có vẻ diễm lệ lạnh lùng vô song. Lại nhìn Lý Thanh Phỉ, áo chẽn màu ngọc, ngoài choàng áo lụa hồng, viền váy và cửa tay nổi bật vô số những bông hoa thêu chỉ sẫm màu, cao nhất trong ba cô gái, mười bốn tuổi đã cao một mét sáu mươi bảy, gió thổi tà áo choàng lụa bay phấp phới tựa chim hồng nhạn tung cánh.

Lại nhìn bản thân, áo ngắn màu xanh, váy liền màu xanh sẫm, hai bím tóc nhỏ, trước trán có tóc mái bờm do Tiểu Ngọc cắt, che nửa khuôn mặt, bím tóc thắt hai dải nơ, đứng bên cạnh Thanh Lôi và Thanh Phỉ, thấp hơn một cái đầu không nói, trông lại giống như a hoàn của họ.

Thanh Lôi, Thanh Phỉ liếc nhìn nàng phì cười. Đại phu nhân cau mày, song lại nghĩ Thanh La còn nhỏ, vai chính hôm nay là hai cô chị, nên cũng không bảo Thanh La trang điểm lại.

A La ngoan ngoãn nịnh hai chị: “Đại tỷ, nhị tỷ hôm nay đẹp quá, A La làm a hoàn cho hai tỷ được rồi, sẽ giúp hai tỷ chọn một lang quân như ý”.

Thanh Lôi, Thanh Phỉ đỏ mặt, mắng: “Tiểu yêu xấu tính từ bao giờ vậy!”.

A La cười hì hì không đáp.

Lên xe ngựa rời phủ, đây là lần đầu tiên nàng được ra khỏi tướng phủ từ khi trở về quá khứ dị thường. A La càng hiếu kỳ, suốt đường không nén nổi tò mò vén rèm, nhìn ra ngoài. Đại phu nhân đằng hắng hai tiếng “A La, trước khi đi cha con đã dặn, nhất định phải chú ý thân phận khuê các danh gia, không được để cha mất mặt, nếu không sẽ bị xử theo gia pháp. Con nhìn hai chị, lại nhìn con đi, thất muội nông nổi phóng đãng lại truyền tính xấu cho con gái rồi!”.

A La lòng phẫn nộ, đành thu hồi ánh mắt hiếu kỳ, chỉnh lại xiêm y ngồi ngay ngắn trở lại. Bụng nghĩ, đợi đến ngày ta có thể tự bảo vệ, nhất định sẽ đưa mẹ xinh đẹp của ta ra khỏi tướng phủ!

Cỗ xe đi về hướng tây chạy đúng hai canh giờ mới dừng lại. Dưới ánh mắt trông chừng nghiêm ngặt của đại phu nhân, ba cô gái ngồi ngay ngắn, A La đang tập khí công, nhưng lúc xuống xe chân vẫn hơi tê. Không biết Thanh Lôi, Thanh Phỉ ngồi thiền từ khi nào, mà từ xe ngựa bước xuống vẫn nhanh nhẹn như cánh bướm.

Nhìn mãi mảnh trời hình vuông trên không tướng phủ, lúc này ngắm đồng nội mênh mông, A La cảm thán, tự do tuyệt quá! Đến bao giờ ta có thể tự do du ngoạn?

Thập Thúy sơn trang lưng dựa vào núi, thấp thoáng những mái ngói cong, tường hồng ẩn hiện trong rừng cây trên sườn núi. A La lại ngạc nhiên thán phục, thì ra đây là biệt thự của người giàu.

Đi vào cổng lớn, một đám gia nhân khiêng kiệu đứng chờ, đưa họ vào trong, đi tiếp nửa canh giờ, đến một thung lũng, trước mắt hiện lên một tấm thảm sắc màu, ở đây, địa thế bằng phẳng, suối nông xanh ngắt nửa tự nhiên nửa nhân tạo uốn lượn quanh co trong rừng đào, trên mặt nước thỉnh thoảng phiêu dạt những cánh hoa, thoảng mùi hương mê đắm. A La lần thứ ba cảm thán, thế giới đào nguyên không ô nhiễm là đây!

Nghe gia nhân bẩm báo Lý tướng phu nhân đã đến, Hộ quốc công chúa mỉm cười nghênh đón. Sau khi cùng thi lễ, nghe tiếng công chúa hỏi đại phu nhân: “Nghe đồn tướng phủ có hai thiên kim tài sắc nức tiếng Phong thành, đẹp tựa tiên nữ, lại đây để ta ngắm nào”.

Đại phu nhân vội lên tiếng gọi Thanh Lôi, Thanh Phỉ.

A La và tỳ nữ Quyên Nhi đứng một bên lén nhìn Hộ quốc công chúa. Công chúa đoan trang diễm lệ, tuổi chừng ba mươi, cử chỉ tao nhã cao quý, có khí chất của mỹ nhân được giáo dưỡng từ nhỏ.

Lại nhìn xung quanh, trên khu đất trống dựng rất nhiều lều trướng nhỏ quây màn sa dùng làm chỗ nghỉ cho tân khách, chỉ có trướng của các nữ tân khách là buông rèm. Bên trong thấp thoáng bóng các mệnh phụ và tiểu thư ngồi, ai nấy xiêm y lộng lẫy trang điểm tỉ mỉ, rõ ràng đã bỏ rất nhiều công chuẩn bị.

A La cười thầm, may hôm nay có gió, gió thổi tung những bức rèm sa, lộ ra dung nhan các kiều nữ. Chỉ hời cho đám tài tử ngồi ngay ngắn, nhưng cổ vươn dài mắt không ngừng đảo qua liếc lại.

Một lát sau, đại phu nhân dung quang rạng rỡ đưa hai cô gái đi vào trong trướng của tướng phủ. A La tò mò túm lấy Thanh Lôi, Thanh Phỉ hỏi Hộ quốc công chúa nói những gì.

Thanh Phỉ tỏ vẻ e thẹn. Đại phu nhân lại phải mở miệng: “Công chúa rất thích Thanh Lôi và Thanh Phỉ, người nói lát nữa sẽ mời thái tử và tứ điện hạ tặng hoa”. Nói đoạn chỉ về lều trướng đối điện: “Kia là trướng của thái tử, kế bên là của tứ điện hạ”. Lại hạ giọng nói: “Bên trái chúng ta là của Cố tướng, bên phải là của phủ thái úy. Nghe nói thiên kim của Cố tướng và thiên kim của Vương thái úy đều đã đến”.

Nghe đại phu nhân nói vậy, Thanh Lôi, Thanh Phỉ không nén nổi tò mò liếc nhìn sang phía đối diện, trong trướng không có người. Lại nhìn sang phải, sang trái, hai trướng đều buông rèm, chỉ loáng thoáng thấy vài nữ nhân, nhưng không rõ mặt, họ hơi thất vọng, cũng hơi sốt ruột. Thanh La cười hi hí: “Mẹ cả, A La đi thăm dò động tĩnh rồi về báo cáo được không?”.

Đại phu nhân có phần do dự: “Nếu xảy ra chuyện gì thất lễ thì làm thế nào? Con xấu tốt cũng là thiên kim tướng phủ”.

Thanh La cười cười, nói: “Mẹ cả, bây giờ vẫn chưa ai biết con là tam tiểu thư của tướng phủ đúng không? Ánh mắt mọi người đều nhằm vào đại tỷ, nhị tỷ. Con cứ nhận là a hoàn của tướng phủ. Mẹ cả xem, trông rất giống mà”.

Đại phu nhân mắt cười cười: “Ý hay đấy, hôm nay không ai biết tam tiểu thư của tướng phủ cũng đến, người ta có biết tướng phủ có tam tiểu thư hay không cũng khó nói. Vậy con đi nghe ngóng, xem mặt hai vị tiểu thư kia, nghe xem người ta nói gì”. Nói đoạn lại dặn dò Quyên Nhi, “Ngươi đi cùng tam tiểu thư, không được để xảy ra chuyện gì”.

Quyên Nhi vội gật đầu. A La cười với hai chị, nói nhỏ: “Các tỷ đừng sốt ruột, A La đi rồi về ngay”.

Cuối cùng đã có thể không phải ngoan ngoãn ngồi trong trướng giả làm thục nữ, A La như chim sổ lồng, cùng Quyên Nhi tay đeo cái làn, đi về phía rừng hoa.

Chương 3.3

Biệt uyển hoa đào của Hộ quốc công chúa vô cùng đặc sắc, cho phép tân khách tùy ý hái hoa, nếu gặp được tri kỷ có thể viết thơ cài lên cành hoa để tặng, ngõ hầu đẹp lòng ý trung nhân. Nếu không gặp được, trong mỗi trướng đều để sẵn hoa, các vị nữ khách cũng không đến nỗi cảm thấy khó xử vì không được tặng hoa. Mặt khác, tân khách cũng có thể tặng hoa cho nhau, để bày tỏ tình thân. A La chính là lấy cớ phụng mệnh tướng quốc phu nhân đi tặng hoa cho các nữ tân khách ở mấy trướng lân cận, để lén xem mặt tiểu thư Thiên Lâm, ái nữ của Cố tướng và tiểu thư Yến Hồi thiên kim của Vương thái úy. Đương nhiên, ngang qua trướng của cánh nam nhi cũng nhân tiện ngó nghiêng.

Đi vào hoa viên, A La cảm thấy nhẹ nhõm sảng khoái như trở về với thiên nhiên, trước mặt một dải màu hồng, dưới chân cỏ xanh như thảm lụa, nước suối ngát hương. Cô cười nói với Quyên Nhi: “Ở đây đẹp quá!”.

Quyên Nhi mới chỉ mười ba, mười bốn, cũng là tuổi ham chơi, đi theo tam tiểu thư vừa ngắm cảnh vừa xem hoa, hai người đi mỗi lúc càng xa dần trang viên. Không biết được bao lâu, Quyên Nhi quay đầu, không nhìn thấy lều trướng, xung quanh toàn rừng hoa, bỗng hốt hoảng kêu lên: “Tam tiểu thư, có phải chúng ta lạc đường rồi không?”.

A La đang phấn chấn chợt ngây người, quay đầu nhìn, rừng hoa san sát, lều trướng ở chỗ nào? Tự dưng cũng bắt đầu lo lắng: “Thảm rồi, Quyên Nhi, mình về muộn nhất định bị đại phu nhân trách mắng, chúng mình đi từ hướng nào đến?”.

Quyên Nhi khổ sở không nói được. A La nhìn bóng nắng, nhớ lại vị trí của lều trướng, đưa Quyên Nhi đi về phía bắc. Được một lát, phấn khởi reo lên: “Quyên Nhi, nhìn kìa, sơn trang phía kia!”.

Hai người chạy về phía những dãy lều trướng. Tưởng chừng sắp về đến nơi, nhưng thấy con suối trước mặt lòng suối mở rộng hơn. A La lấy một cành cây cắm xuống nước thăm dò, sâu không đến bắp đùi. Đi tìm đường khác, lại e bị muộn. Đưa mắt nhìn quanh, rất yên tĩnh, loáng thoáng nghe thấy tiếng cười đùa từ những lều trướng vọng ra. Nàng dứt khoát cởi tất giày, xắn cao ống quần, nói với Quyên Nhi: “Nhân lúc không có người, nhanh lên Quyên Nhi, có ai nhìn thấy, phiền lắm”.

Quyên Nhi đã sợ suýt khóc, thấy tiểu thư lội xuống nước, đưa tay dắt mình, đành bắt chước cởi tất giày, đội chiếc làn lên đầu, nắm tay A La lội từng bước. Lúc sắp sang bờ bên kia, Quyên Nhi vấp phải hòn đá, người loạng choạng, chiếc làn đựng giày tất và hoa rơi xuống nước, buột miệng kêu to “Cái làn!”.

A La buông tay Quyên Nhi, vớ lấy cái làn, người mất thăng bằng, lúc sắp ngã, không biết từ đâu một bóng người bay đến nắm lấy cánh tay nàng, kéo giật trở lại.

“A!”. A La kêu thất thanh, ngay sau đó chân đã chạm bờ suối. Còn đang kinh hoàng chưa kịp định thần, mở to mắt nhìn người trước mặt. Đó là một chàng trai trẻ, dáng cao tuấn tú, đang mỉm cười nhìn nàng, mắt liếc xuống dưới, vẻ rất chuyên chú. A La đỏ mặt cúi đầu, thấy chàng ta đang nhìn bắp vế mình và Quyên Nhi chân trần, tức khí trào lên: “Quay mặt đi, đàn bà con gái chúng ta đang phải xỏ giày”.

Người đó mới nhận ra mình thất lễ, quay lưng đi. A La nhìn lưng chàng ta rung rung, biết chàng đang cười, buột miệng chửi thầm. Quyên Nhi lên bờ, hai người vội vàng chỉnh đốn xong y phục. A La mới thong thả nói với người đó: “Chuyện vừa rồi, cảm ơn ngươi, ngươi đừng quay lại, chúng ta vẫn chưa mặc xong”. Vốn định cảm ơn cho tử tế, “Nhưng…”, nàng lập tức chuyển chủ đề: “… Ai bảo ngươi nhìn lung tung!”.

Dứt lời, A La lập tức xuất chiêu, người đó hoàn toàn không thể ngờ, cô bé suýt ngã xuống nước này lại biết võ công, lại ra đòn rất mạnh, chàng vừa nghiêng người đã ngã xuống nước. Chỉ thấy chàng liên tục lắc người, một tay đập xuống mặt nước, nửa ống tay ướt đầm, thuận thế xoay người nhảy phắt lên bờ bên kia.

A La kinh ngạc, người này có võ công truyền kỳ! Vội kéo Quyên Nhi chạy thẳng.

Sau khi định thân, người đó quay đầu, thấy hai cô bé tay cầm làn, chân chạy cuống cuồng, thì bật cười, rồi giũ tay áo, nói thầm: “Nghịch nữ của phủ nào không biết, chỉ cần nàng xuất hiện trong Đào hoa yến, khó gì mà ta chẳng tìm được?”.

A La lòng rối bời, chỉ lo xảy ra chuyện, lại dặn Quyên Nhi nhất định không được tiết lộ chuyện bên suối vừa rồi, Quyên Nhi đâu dám mở miệng, tam tiểu thư không nói ra là may mắn lắm rồi, vậy là gật đầu lia lịa.

Đi đến cạnh trướng của Cố phủ, A La hướng vào trong, nói giọng nhỏ nhẹ: “Nô tỳ phụng mệnh Lý tướng quốc phu nhân tặng hoa cho Cố tướng quốc phu nhân”.

Chương 3.4

Trong lều vọng ra giọng nói thân thiện hòa nhã: “Mời vào”.

A La cúi đầu chào, hay tay nâng cành hoa mới hái dâng tặng. Giọng nói hòa nhã kia lại cất lên: “Phu nhân nhà ngươi khách khí rồi, có đi không có lại là thất lễ. Hà Tâm, con theo cô gái này sang cảm tạ tướng quốc phu nhân, nhân tiện biếu ít hoa quả”. Cô gái tên Hà Tâm vội vâng lời, bê đĩa hoa quả theo A La ra khỏi trướng.

Chẳng phải nghe nói Thiên Lâm tiểu thư, thiên kim của Cố gia cũng đến rồi? Sao trong trướng chỉ có Cố phu nhân và hai a hoàn? A La hơi thất vọng. Nghiêng đầu nhìn Hà Tâm, nhận thấy Hà Tâm rất đẹp, đầu hơi ngửa, lộ ra cái cổ thon, mảnh dẻ trắng ngần như tuyết, đôi tay nõn nà như ngọc. A La cười nói: “Hà Tâm tỷ tỷ, tỷ đẹp quá, không biết tiểu thư bên đó còn đẹp thế nào?”.

Hà Tâm khóe miệng lộ nụ cười. A La ngây người, bụng nghĩ, nếu như Thanh Lôi có vẻ đẹp tĩnh như lan, thì Hà Tâm này cốt cách điềm đạm như cúc. Nàng đột nhiên có cảm giác, cô gái này là chính là Cố Thiên Lâm, một trong hai tuyệt sắc của Phong thành.

Hà Tâm cười nhạt nói: “Tiểu nha đầu của Lý phủ đều thông minh xinh đẹp như tiểu muội này ư?”.

A La ngớ người, cười hì hì: “Vâng, đáng tiếc, đều là a hoàn, nhưng muội lại không bằng ngón chân Hà Tâm tỷ tỷ”.

Hai người mải nói chuyện, không để ý, mấy người trong trướng đối diện đang ngẩn ra nhìn họ, thầm nghĩ, tiểu cô nương ăn vận giống như a hoàn từ Cố phủ đi ra phong tư thật trác việt, ghé tai nhau thì thầm, không biết Cố tiểu thư là bậc quốc sắc thiên hương thế nào.

Hà Tâm dừng bên ngoài trướng chuyển lời cảm tạ của Cố phu nhân. Đại phu nhân đang định mời vào, A La đã một tay đón đĩa hoa quả từ tay Hà Tâm, nháy mắt cười: “Hà Tâm tỷ tỷ, muội giúp tỷ đem vào là được, tỷ cần hầu hạ Cố phu nhân, không dám phiền”.

Hà Tâm cũng cười: “Dù gì cũng phải tận mặt cảm tạ chứ!”.

“Không cần đâu. Sớm muộn phu nhân cũng nhận ra tỷ, a hoàn của Cố phủ! Nói ra mất mặt quá, Thiên Lâm tỷ tỷ!”. A La mạnh dạn thăm dò.

Hà Tâm giật mình, nụ cười trên mặt biến mất, chợt nghĩ, lấy thân phận a đầu đáp lễ với Lý phu nhân, sau này bị phát hiện, quả thực cũng khó coi. Giơ tay véo má A La: “Tiểu quỷ, có thời gian đến Cố phủ chơi với ta!”. Trước lúc đi lại hỏi nhỏ: “Có đúng muội chỉ là a hoàn của Lý phủ?”.

A La cười híp mắt không đáp. Vừa ướm lời, Hà Tâm quả nhiên đúng là Cố Thiên Lâm. Xem ra nàng ta nôn nóng muốn nhìn mặt Lý Thanh Lôi và Lý Thanh Phỉ như thế nào, mới không tiếc hạ mình cải trang thành nô tỳ đến đây. Chỉ xem mặt cũng không sao, nhưng không nghĩ, nếu bị phát hiện hậu quả sẽ thế nào. Ngăn nàng ta cũng có cái hay, khỏi gây phiền hà về sau, chốn quan trường lắm mưu mô, là bạn hay là thù cũng khó nói rõ, nếu không lưu tâm sẽ bị đối thủ chà đạp không thể ngóc đầu. Nàng vẫn muốn bình yên sống trong tướng phủ vài năm.

Nhìn bóng lưng thon thả của Cố Thiên Lâm, A La bụm môi cười, vén rèm bước vào. Đại phu nhân nghi ngờ nhìn nàng, không hiểu vì sao nàng ngăn không cho a hoàn của Cố phủ vào.

A La cười, nói: “Con đã nhìn thấy thiên kim Cố phủ rồi”. Chỉ một câu nói lập tức chuyển chủ đề thành công. Mấy người vây lấy A La nghe kể, nụ cười nhạt thoáng trên mặt Thanh Lôi, tựa hồ không bận tâm, nhưng khi nghe đến đoạn A La nói, Cố Thiên Lâm dáng điệu tao nhã lại thông tuệ hơn người, khẽ hừ một tiếng, tỏ vẻ khinh thường. A La thấy vậy thở dài, đại tỷ này cũng có chút tài, nhưng quá tự cao.

Đại phu nhân lại hỏi: “Còn nghe được gì nữa? Đi lâu như thế, đã gặp hai vị điện hạ chưa?”.

A La cứng mồm, Quyên Nhi mặt cũng tái nhợt. A La nhanh nhẩu ứng phó: “Không gặp hai vị điện hạ, nhưng thiên kim họ Vương chắc chắn không đẹp bằng đại tỷ, còn không bằng nhị tỷ nữa kia”.

Thanh Lôi, Thanh Phỉ bật cười.

Lúc đó nghe tiếng Hộ quốc công chúa nói to: “Sáng sớm phong cảnh đẹp thế này, nếu được thưởng thức khúc đàn mới càng thi vị. Nghe đồn nhị vị thiên kim của Cố tướng và Lý tướng được mệnh danh là Song tuyệt Phong thành, nức tiếng đàn hay, không biết hai vị có chịu cho bản cung thưởng thức một khúc chăng?”.

A La lè lưỡi, một cuộc so tài trần trụi. Lát sau, người hầu vào bẩm hồi âm, hai nhà sao dám không nể mặt công chúa, đại phu nhân lấy cớ vì tôn nghiêm của Tả tướng, mời tiểu thư Cố gia tấu trước.

Lát sau, từ trong trướng bên cạnh vang lên tiếng đàn. Âm thanh thánh thót, như ngọc bội giao chen, chính là khúc “Bội lan” lấy ý từ câu “Khâm phục thay cho lan mùa thu” trong “Ly tao” của Khuất Nguyên. Chỉ nghe thấy tiếng ca uyển chuyển du dương vọng ra: “Lan nở trong cốc vắng, âm thầm tự ngát hương; Tao nhân mặc khách, đâu người tri âm”.

Tâm ý của Thiên Lâm Cố gia tiểu thư đã rõ, mượn tiếng đàn thay lời muốn tìm tri kỷ.

A La ngẫm nghĩ, người xưa có câu, đem tâm tư gửi vào tiếng đàn, tri âm khó gặp, đàn đứt dây còn ai nghe? Cố Thiên Lâm lựa chọn khúc này rõ ràng là nhằm vào thái tử, nhưng lại thiên về ý muốn tìm tri âm, tự ví mình như đóa lan lặng lẽ nơi khe núi, tỏ ý không màng phú quý. Khúc “Bội lan” giai điệu tinh tế mà khoan thai, chậm mà du dương, kiêu sa mà không cao ngạo. Nếu lấy được người này làm vợ, tất có thể sắt cầm hòa hợp. Có lẽ Cố Thiên Lâm đoán biết tâm ý của thái tử, biết chàng không muốn lựa chọn người có dã tâm, một lòng muốn tìm nữ chủ Đông cung. Đàn khúc này, ngày sau trở thành thái tử phi cũng không bị tiếng là với cao. Nếu không thành, cũng chỉ là không tìm thấy tri âm mà thôi. Cố Thiên Lâm thật khéo suy tính.

Ánh mắt A La vừa di chuyển, thấy ghế của thái tử và tứ điện hạ trong trướng đối diện bỏ trống, các ghế khác đã được những bậc tài tử của Phong thành ngồi kín. Nghe xong khúc nhạc có người lắc đầu, có người ngơ ngẩn. Lại nhìn Thanh Lôi trầm mặc không nói, có lẽ khúc “Bội lan” cũng nói lên tâm ý của đại tỷ. Không biết Thanh Lôi lựa chọn khúc nào đối lại.

Thanh Lôi khẽ chau mày, lúc này không hiểu tại sao A La bỗng thấy cảm thông với người chị muốn so tài với Cố Thiên Lâm trước mặt mọi người. Thanh Lôi có thể cùng với Cố Thiên Lâm được mệnh danh Song tuyệt Phong thành, ngón đàn ngang ngửa, nhưng khúc nhạc sao nói hết tâm tư, ngay lựa khúc đã thua về khí thế, sẽ thành trò cười cho bàn dân Phong thành về sau. Chưa nói nếu Thanh Lôi không thắng được Cố tiểu thư, tướng phủ cũng bẽ bàng.

Chương 3.5

Lúc này khúc nhạc của Cố Thiên Lâm đã dứt. Hộ quốc công chúa đằng hắng hai tiếng, khen rằng: “Khen cho khúc “Bội lan”, khen cho cô nương tâm như lan mà trí thông tuệ! Cố tiểu thư, vừa hay ở đây bản cung có cây trâm Phỉ thúy lan, lại đây ai gia cài cho”.

Cố Thiên Lâm khoan thai bước ra ngoài trướng, chính là Hà Tâm. Lúc này nàng đã thay y phục tỳ nữ, váy vừa nâng, gót sen khẽ cất, đến quỳ trước công chúa. Hộ quốc công chúa rút chiếc trâm hoa lan trên đầu cài lên tóc mây của nàng. Cố Thiên Lâm cảm tạ, lại uyển chuyển đứng lên, khoan thai trở về.

A La nhìn về phía đối diện, Cố Thiên Lâm vừa thể hiện, quả nhiên làm chấn động những người trong đó. Ánh mắt nàng vừa chạm phải bóng người quen thuộc, sợ hãi lùi thẳng về sau, giấu mặt vào lưng Thanh Phỉ. Lại lén nhìn ra, trong tay chàng đại hiệp ban nãy bị mình đẩy xuống suối cầm một cành đào đưa lên hít nhẹ, tiện tay đưa hoa cho người hầu sau lưng, đoạn quay người bỏ đi.

Người hầu cầm cành hoa đi về phía trướng của Cố phủ. Lát sau, những người hầu mang hoa của chủ nhân đến tặng càng đông, đi lại tấp nập trước lều Cố phủ. Vậy là, các vị nữ khách cảm thấy nóng mặt. Hộ quốc công chúa cũng nhận ra điều đó, cười nói: “Đại tiểu thư Lý tướng, chẳng hay định hiến khúc nào?”.

Thanh Lôi dịu dàng đáp: “Xin hầu khúc “Thu thủy”.

Nét mặt A La như nở hoa. Cố Thiên Lâm dùng hoa lan nói hộ lòng mình, Thanh Lôi cũng không kém, “Thu thủy” trong trẻo, thanh tịnh, chí hướng cao xa, khúc này ý cũng không kém Cố Thiên Lâm. Sắp có trò hay xem đây.

Sau khi trả lời, Thanh Lôi hít sâu một hơi, giơ hai tay, không biết vì sao, ngón tay hơi run. Đại phu nhân hơi cuống, giục: “A Lôi, con nhất định phải thắng, đừng để mất mặt Lý phủ!”.

Thanh Lôi nhắm mắt, lại hít một hơi trấn tĩnh, ngón tay càng run hơn, vừa chạm dây đàn lại rụt về, buồn rầu nói: “Mẹ cả, con thua rồi, con không thể tĩnh tâm”.

Lúc đó ngoài trướng đã có người sốt ruột, ghé tai nhau bàn tán.

Đại phu nhân, Thanh Phỉ, Thanh La đều lo lắng nhìn Thanh Lôi. Trán đại phu nhân râm rấp mồ hôi, mặt sa sầm: “Thế này thì tướng phủ chúng ta biết giấu mặt đi đâu? Con mau chơi đi, nếu không về nhà, ta dùng gia pháp!”.

Thanh Lôi mặt trắng bệch, người mềm nhũn, mắt vừa sợ hãi vừa sầu thảm.

A La không nén nổi nói: “Đại tỷ, tỷ cứ coi như đang chơi đàn ở nhà, chơi cho một mình tỷ nghe, đừng bận tâm chuyện thắng thua”.

Thanh Lôi cười đau khổ: “Tất có được mất, sao có chuyện không bận tâm?”. Nói đoạn cúi đầu, dung nhan ngà ngọc ảo não. Ba tuổi Thanh Lôi đã chơi đàn, tâm cao chí ngạo tột cùng, Lý tướng hàng ngày nghiêm khắc giáo huấn, muốn gả nàng vào chốn vương thất, mặc dù nghe nói mình và Cố Thiên Lâm được mệnh danh là Song tuyệt Phong thành nhưng cũng không bận lòng. Hôm nay, vừa nghe tiếng đàn của Cố Thiên Lâm đã kinh động, lại thấy Cố tiểu thư được công chúa ban thưởng, bao người ngưỡng mộ, càng dao động tột cùng. Nàng và Cố Thiên Lâm thực lực tương đương. Cố Thiên Lâm đàn trước đã chiếm được thiện cảm của tân khách, muốn vượt qua đâu có dễ! Lòng tơ vò trăm mối, đã không còn chút đấu trí. Lại thở dài nói: “Nếu con đàn trước, Cố Thiên Lâm chắc cũng thế này!”. Mượn tiếng đàn nói hộ tâm tư, nàng có phần hiểu Cố Thiên Lâm.

Đại phu nhân càng cuống: “Bây giờ là lúc nào, còn do dự nữa, tân khách không đợi được, công chúa chờ lâu cũng nản”. Mắt lóe lên một tia sắc lạnh.

Thanh Lôi run người vì ánh mắt đại phu nhân, sợ hãi run lẩy bẩy ngã vào lòng Quyên Nhi như người ngất xỉu.

A La nhìn Thanh Phỉ, Thanh Phỉ lắc đầu, chơi đàn không phải là sở trường của nàng. Lại nhìn Thanh Lôi, lại thầm thở dài, rút cục vẫn là người đáng thương. Nàng nói nhỏ với đại phu nhân: “Mẹ cả, Thanh La nguyện giải vây cho tỷ tỷ, nhưng nhất thiết không được để lộ ra ngoài”.

Phu nhân kinh ngạc: “Ngón đàn của con thế nào?”.

A La hơi ngẩng đầu: “Nhất định không bẽ mặt bằng không có ai đàn, phải không mẹ cả?”.

Nói đoạn, ngồi xuống bên cây đàn, định tâm tĩnh khí, tay vuốt nhẹ phím, trong đầu tưởng tượng ra mình đang ngồi trên mạn thuyền ngắm nhìn biển cả vào một ngày thu. Mây trời cao lộng, tầng không trong vắt, nước biển xanh phẳng lặng như tấm lụa màu lam, trước mắt chỉ có sự mênh mông khôn cùng và lòng biển bao la, mình là cánh chim bằng, lúc nhẹ nhàng nhảy sóng, lúc tung cánh vút lên, chao liệng giữa mây trời bát ngát, đùa giỡn coi biển cả tựa ao nhà.

Thanh Lôi kinh ngạc nhìn cô em gái vốn không thạo ngón đàn, chỉ cảm thấy cơ thể bé nhỏ đó như tỏa muôn ngàn hào quang, chói lọi khó bề tiếp cận. Dưới ngón tay những âm thanh dồn dập trong veo tựa tiếng sóng xô ghềnh tung bọt trắng, trong sương khói mênh mang cuồn cuộn tuôn trào ẩn hiện cao sơn tráng lệ uy nghi, đỉnh chạm mây trời, vực thẳm ngàn trượng mở ra hun hút. Nếu không phải Thanh Lôi tận mắt chứng kiến, sẽ tưởng tiếng đàn này là của đấng nam nhi, chứ không phải là nữ đồng bé nhỏ, nàng bỗng cất tiếng hát: “Xuân sớm đẹp đào hoa thắm rỡ, sắc lung linh sương quẩn đỉnh non. Nước gương thu êm xuôi không tận, tâm phiêu diêu, chí viễn ngạo cao xanh…”.

Giọng Thanh Lôi trong trẻo, thể hiện niềm cảm kích chủ nhân Đào hoa yến, lại bộc lộ khí độ cao xa, hòa với tiếng đàn tràn trề tráng chí, dư âm réo rắt của Thanh La, càng muôn phần tương hợp!

Hòa xong những âm thanh cuối cùng, Thanh La và Thanh Lôi nhìn nhau cười. Những người có mặt không ai ngờ một nữ nhi lại có thể chơi được khúc “Thu thủy” hùng tâm tráng chí như vậy, vừa kinh ngạc cảm thán lại khâm phục bội phần. Chỉ nghe thấy một giọng nam nhân thanh sảng: “Sớm nghe danh Lý đại tiểu thư lấy cầm ngụ ý, từ thuở thiếu thời đã ngưỡng mộ đào hoa cốt cách thanh cao. Trăm nghe không bằng một thấy, chẳng hay Lý đại tiểu thư có bằng lòng cùng cô nhân du ngoạn thưởng hoa?”.

Nghe nói vậy, mặt đại phu nhân bỗng sững sờ sung sướng, giọng run run: “A Lôi, là… là thái tử điện hạ mời đó!”.

Thanh Lôi như trong mơ, thảng thốt mỉm cười. A La và Thanh Phỉ vội đẩy nàng, giục: “Đại tỷ đáp lời đi, là thái tử đích thân mời đó!”.

Thanh Lôi lúc này mới hoàn hồn, nhìn Thanh La, mắt nhòe ướt: “A La… tỷ… khúc này không phải…”.

A La ngắt lời: “Đại tỷ, khúc này do tỷ đàn, ca từ do tỷ hát, mau trả lời đi!”. Nói xong cùng với Thanh Phỉ dìu nàng đi ra.

Hộ quốc công chúa cười xởi lởi: “Tốt, tốt, tốt, thái tử mời trước, các vị nam nhi, đã có thái tử mở đường, hãy đi tìm tri âm của lòng mình. Các phu nhân, có đồng ý cùng bản cung đi dạo hoa viên?”.

Các phu nhân đứng lên: “Rất vinh hạnh”.

Công chúa nói vui: “Chúng ta già rồi, đi thôi, để khỏi làm phiền bọn trẻ”.

Tiếng cười rộ lên, không khí thoải mái hẳn.

Cách bức màn sa, bên ngoài trướng có một trang nam nhi tựa tay đứng. Gió thổi, bức màn bay nhẹ, thấy chàng vận áo chùng vàng chói, dáng cao tuấn tú, mày thanh mắt sáng, dáng vẻ thâm trầm, A La kêu lên, một chàng đẹp trai cổ đại! Thì ra đàn ông dáng đẹp, mặc áo chùng còn phong độ hơn nhiều.

Thanh Lôi cảm kích nhìn Thanh La, trấn tĩnh, cánh tay ngọc nhẹ vén bức màn sa, bước ra ngoài.

Trong trướng đối diện, lố nhố những cái đầu hiếu kỳ ngó ra, tranh nhau nhìn thiếu nữ được thái tử ưng ý, mà tài sắc đã vượt qua thiên kim của Cố tướng. Thanh Lôi vừa xuất hiện, những tiếng trầm trồ ào lên. Mọi người từ lâu đã biết Cố tiểu thư khí chất phi phàm, không ngờ, Lý Thanh Lôi cũng tuyệt sắc vô song. Thái tử cũng thoáng ngây người, nhẹ giọng nói: “Lý tiểu thư dung mạo như thu thủy, tài năng hơn người, cô vương ngưỡng mộ đã lâu”.

Thanh Lôi đỏ bừng hai má, ngước nhìn thái tử, bắt gặp đôi mắt đen thăm thẳm, vội vàng cúi đầu, thẹn thùng: “Chút tài mọn, đâu dám phiền điện hạ bận lòng”.

A La và Thanh Phỉ trong lều nghe thấy, bịt miệng cười. Thấy hai người sánh vai đi xa vào hoa viên, mới phá lên cười. Đây là lúc hòa hợp nhất giữa Thanh La và hai cô chị trong sáu năm qua, lúc này nàng không hề nghĩ đến, thay chị chơi một khúc đàn sẽ dẫn đến hậu quả thế nào, tiềm ẩn bao mầm họa ra sao.

Chương 3.6

Thanh Phỉ nhìn ra ngoài, phía bên kia có một đám người đứng quây tròn, có không ít thiếu nữ đứng xem, liền kéo Thanh La đến đó. A La ngó quanh, không thấy chàng đại hiệp kia, mạnh dạn hẳn lên, bụng nghĩ, người dân ở đây phong tục cũng khá cởi mở, cảnh tượng này không khác mấy cuộc hò hẹn công khai của hàng vạn nam nữ từng nhìn thấy trong công viên, vậy là nắm tay kéo Thanh Phỉ chạy đến đó.

Hóa ra đám người này đang xem thi câu đối. A La lập tức nghĩ đến những cuộc hát đối, uống rượu đánh bài trên núi. Chỉ có điều, đàn ông ở đây xem ra vô cùng lịch thiệp, nếu có cô gái nào không đối được hoặc đối không chỉnh, họ bèn nhận xét một câu rất lịch sự khiêm nhường: “Tiểu thư có lòng ứng đối đã là vinh dự của tiểu sinh rồi”.

Hai người chen vào đám đông, A La người thấp, không nhìn thấy tình hình bên trong, Thanh Phỉ nói nhỏ: “Có một công tử ra vế đối, rất đắc ý, hình như không ai đối được”. Thanh La hiếu kỳ hỏi: “Vế đối thế nào?”.

Thanh Phỉ đọc khe khẽ: “Tân nguyệt như cung, tàn nguyệt như cung, thượng huyền cung, hạ huyền cung” ( * ).

(*) Tạm dịch: Trăng non như cánh cung, trăng tàn như cánh cung, trăng thượng huyền như cung, trăng hạ huyền như cung (ND).

A La nhìn nét mặt Thanh Phỉ, cười ranh mãnh: “Nhị tỷ đối được, phải không?”.

Thanh Phỉ cười tự đắc: “Có gì khó!”.

A La lại hỏi: “Là công tử nào ra đối?”.

“Một chàng rất trẻ, không biết là ai”.

“Có khôi ngô không?”.

Thanh Phỉ đỏ mặt, khẽ gật đầu, sợ người ngoài nghe thấy, lại lườm Thanh La một cái. Thanh La bỗng nói to: “Vế này có gì khó, tiểu thư nhà tôi đối được!”.

Giọng nàng lanh lảnh, những người đứng trước tới tấp ngoái nhìn, A La đã trốn ra sau lưng Thanh Phỉ. Thanh Phỉ vốn người cao, càng nổi bật trong đám đông. Mắt mọi người sáng lên, nhìn thấy một thiếu nữ áo đỏ, sắc mặt hồng tươi như cánh hoa đào, dáng điệu có phần kiêu kỳ. Chàng công tử vừa ra vế đối vội chắp tay vái chào: “Tại hạ là Thành Tư Duyệt thị lang bộ Lễ, dám hỏi phải chăng cô nương đối được?”.

Thanh Phỉ đã cưỡi lên lưng hổ khó mà xuống được, đành mỉm cười cất tiếng: “Chiêu hà dĩ cẩm, vãn hà dĩ cẩm, đông thành cẩm, tây thành cẩm ( * ). Công tử thấy thế nào?”.

(*) Tạm dịch: Mây sớm như gấm, mây chiều như gấm, vừng trời đông như gấm, vừng trời tây như gấm (ND)

Thành Tư Duyệt vốn tự hào văn tài xuất chúng, mười tám tuổi đã đỗ trạng nguyên, một năm sau được thăng chức thị lang bộ Lễ, trẻ tuổi sớm thành danh. Nghe Thanh Phỉ ứng đối, lại thấy người thuộc bậc tài nữ phong lưu, lòng bỗng muôn phần sung sướng: “Tiểu thư đối rất chỉnh! Khâm phục, khâm phục, tại hạ ở đây có bức họa, liệu có thể mời tiểu thư đề từ?”.

A La cười thầm, viết chữ à, đây mới là tuyệt chiêu của Thanh Phỉ, chẳng cần đông tây giương cung cũng khiến chàng ta ngất xỉu.

Thanh Phỉ ung dung nhận lời, thong thả đi đến trước đài, thấy trên án có bức tranh vẽ cảnh núi non trong mưa, ngẫm nghĩ một lát, đoạn nhấc bút viết lên chỗ trống dành cho đề từ.

Thành Tư Duyệt nhìn dáng điệu Thanh Phỉ cầm bút đã biết là bậc cao nhân, ngắm kỹ nét chữ trên bức họa, nét thanh thoát mềm mại, như thoảng mùi hương của hạnh hoa tiết mưa xuân xứ Giang Nam, hòa hợp diệu kỳ với ý họa. Lần này thật sự lòng vui tâm phục, cúi gập người trước Thanh Phỉ: “Tại hạ sính thư pháp, ham chơi cờ, chẳng hay có thể mời tiểu thư cùng chơi một ván?”.

Đám đông xung quanh che miệng cười. Thanh Phỉ cho dù hoạt bát, cũng là lần đầu tiên tham gia yến hội, không khỏi ngượng ngùng, quay đầu không đáp, rảo bước đi về phía rừng hoa. A La theo sau. Được mấy bước ngoái nhìn, thấy Thành Tư Duyệt vẫn ngơ ngẩn đứng nhìn theo, liền khoát tay ra hiệu bảo chàng đi theo.

Thành Tư Duyệt là một trong năm đại công tử nổi tiếng Phong thành, sao có chuyện không phong tình, bèn chắp tay cáo từ mọi người, vội đi theo. Đợi chàng đến gần, A La nháy mắt ra hiệu chàng cứ đi, còn mình nấp qua một bên.

Thành Tư Duyệt cười thầm, một cô bé láu lỉnh. Thanh Phỉ đã đi vào rừng hoa, cách xa đám người, mới nói: “A La, đều tại muội bắt tỷ lộ diện, mất mặt quá!”.

Phía sau bỗng vọng lại tiếng nói của Thành Tư Duyệt: “Tiểu thư tài hoa là thế, sao có thể nói là mất mặt, người mất mặt chính là tại hạ”.

Thanh Phỉ giật thột, đưa tay bịt miệng, suýt kinh ngạc kêu lên, quay đầu thấy Thành Tư Duyệt đang mỉm cười nhìn mình, tim bỗng đập rộn ràng.

THE END CHAPTER 3

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN