Em Vẫn Chờ Anh
Chương 28: Mãi mãi chờ anh
Phòng bệnh buồn hiu. Từng vệt nắng mong manh len nhẹ vào không gian ngập trắng. Trần trắng, tường trắng và ga giường đương nhiên cũng trắng. Màu trắng tinh khôi vừa đơn côi vừa chói nhòa đôi mắt.
Na nằm đó, lọt thỏm trên chiếc giường bệnh rộng rãi, mỏng manh yếu ớt hơn cả tia nắng ngoài kia. Từng giọt dịch cứ chảy tí tách từ bình truyền treo cao, đều đều vào cơ thể qua cây kim găm trên cổ tay. Hơi thở nhẹ hơn cả sự chuyển dịch của không khí.
Chẳng rõ đã bao lâu rồi, ngày tựa tháng, tháng tựa năm. Na thấy mình nằm đây, đếm hoài, đếm hoài từng khắc, từng khắc một trôi qua mà như chẳng hề trôi qua. Vẻ như cuộc sống đã mãi lắng lại trong cõi chông chênh này.
Nhưng dù có mãi mãi như vậy, thời gian có trải dài đến tận cùng tựa như vạn vạn niên kỷ đã trôi xa hay là ngưng đọng nhưng đóng băng muôn kiếp thì em vẫn chờ anh, suốt đời suốt kiếp chờ anh. Chờ đợi trong cả cõi u mê, tối tăm mà em đang bị nhấn chìm này.
Làn mi cong cong chớp nhẹ, he hé nhìn những hạt bụi lửng lơ trong không khí. Đôi lúc tiếng động khẽ khàng từ cửa khiến Na chú tâm lắng nghe, một chút thôi bởi cô biết sẽ là ai đó trong số những người thân của cô hoặc là bác sĩ hay y tá… Họ đến nhiều làm gì cơ chứ. Na đâu muốn họ bận tâm vì mình, chỉ cần mọi người thay cô lo cho con trai bé bỏng đáng thương của cô là được.
Trí óc trống rỗng tạo cho cô một thói quen nhận biết được tiếng những bước chân của người này, người kia. Đâu hề có đâu những thanh âm vang trên nền đất trầm trầm mà dứt khoát… đâu hề thấy đâu dáng người cao lớn thẳng tắp với ánh nhìn thường hướng ngạo nghễ từ trên…
Những ngày này, trong cơn bệnh đau nhức mệt mỏi, trong trạng thái mê man, chán chường, Na thường hồi tưởng lại những chuyện xa xưa. Giờ mới hiểu được cái cảm giác của những người cao tuổi sắp lìa nhân thế. Ừ chuyện xa xưa, xưa lắm, như thể từ đời nào, kiếp nào. Đâu rồi những giây phút bên nhau êm đềm, những tiếng cười vang rộn sung sướng, đâu rồi những ngây ngất men say…
A! Lạ kì chưa cô từng muốn rời bỏ anh cơ mà, giờ sao cứ hối tiếc, cứ giày vò. Biết là những suy tư dằn vặt bản thân này sẽ như một thứ thuốc độc gặm nhấm và ăn mòn sức sống nhưng Na không thể ghìm lại để nó thôi cuốn phăng và hủy hoại mình đi…
Tiếng cạch mở cửa, từ từ, nhẹ nhàng. Na thót nhịp tim lại trong vài giây rồi lại thả đều đều, chậm chạp khi nghe ra những bước chân dịu nhẹ đang cố sức giữ êm hơn mức có thể. Là Duy Khang. Na khép chặt mi mắt hơn, mái đầu chếch về phía cửa sổ phòng bệnh, làm như đã chìm sâu trong giấc ngủ.
Anh cúi nhìn sắc mặt cô, rồi loay hoay chỉnh đường ống truyền dịch, liếc nhìn đường biểu thị nhịp tim và huyết áp trong máy.
Thoảng sau là tiếng chân nặng nề hơn bước vào. Là ông Thụy. Trong những ngày đầu khi Na mới nhập viên, khi ông Thụy ngồi túc trực bên giường bệnh, cô đã nói với ông rằng cô không phải con gái ông đâu. Nhất định không phải đâu mà. Cô và anh, không thể nào… Na cố kìm cảm xúc của mình lại để những đường sóng xanh không nhảy vọt khiến họ chú ý.
“Bệnh tình Na ngày một xấu đi, cháu sợ…” Duy Khang thì thầm, anh không dám nói tiếp ý nghĩ đang dấy lên trong đầu mình. “Nếu cậu ta về, nhất định tinh thần cô ấy sẽ khá lên. Bác vẫn chưa liên lạc được sao?”
Ông Thụy thở dài lắc đầu.
Bàn tay với ngón đeo nhẫn cứng lại. Bác sĩ nói bệnh tình của cô không nên tiếp xúc với những đồ vật kim lại nhưng cô nhất định không chịu tháo ra, bởi biết đâu bất chợt lúc anh trở về, anh sẽ nhìn thấy bàn tay trống trơn của cô… Na khép chặt rèm mi hơn để ngăn giữ những giọt nước mắt đau lòng đang muốn tuôn trào khi nghe những tiếng thở dài vô vọng từ hai người bên cạnh.
***
Cánh cổng lớn bề thế với những nét chạm khắc tinh xảo hiện lên trước mắt, hai bên trụ lớn đặt đôi sư tử đá trắng đục toát lên vẻ uy nghiêm như thể sinh linh có hồn. Về rồi, vậy là anh đã trở về rồi. Sau bao ngày đằng đẵng trôi xa cùng nỗi đau. Giờ trở về sao cơn đau vẫn chưa vợi mà còn nhân lên vô số âm ỉ, nhức nhối.
Chạm khẽ lên lớp đá mịn trên đường lượn hoa văn của cánh cổng anh bồi hồi niệm tưởng, ngôi nhà này, nơi anh sinh ra và lớn lên. Bao nhiêu kỷ niệm thân thương từ thuở bé ùa về, nơi chốn rộng thênh thang và quanh co ẩn dật này đã in hằn bao dấu chân tinh nghịch và ưa khám phá của anh. Nơi những đấng sinh thành của anh sống và trải nghiệm cuộc đời. Uy chẳng hiểu tự khi nào mình đã trở nên lạnh lùng vô cảm với chính những người ruột thịt của mình. Có phải đã quá muộn màng rồi không, người mẹ kính yêu thực sự đã lìa xa anh rồi sao. Mẹ ra đi và để lại nỗi ân hận, nuối tiếc này trong con có đúng không mẹ?
Cánh cổng rùng rùng chuyển động dạt sang hai bên. Uy chậm rãi đặt những bước chân trầm buồn trên mảnh đất trang viên gia đình. Con đường lát đá ngoằn ngoèo, quanh co xuyên qua những lùm cây rậm rạp. Này đây ẩn hiện ao cá rí rách với những chú cá ngũ sắc tuyệt đẹp, này kia hàng dừa xanh biếc với trái chín từng chùm. Xa xa mùi clo từ bể bơi thoang thoảng trong không khí, vẻ như lâu rồi nước bể chưa được thay. Qua một khúc quanh bãi cỏ mênh mông hiện ra trong tầm nhìn, tiếp bước những hàng cây sẽ lại vươn mình che chắn cái khung cảnh rộng lớn mà đìu hiu ấy.
Không khí vẫn sực mùi tang thương. Vắng lặng đến thắt lòng, quá thiếu sự yêu thương ấm áp trong một gia đình. Người đầu tiên anh gặp là bác làm vườn đang cặm cụi tỉa tót mấy nhánh non của cây trường cửu. Bác ta gần như òa lên khóc khi nhìn thấy anh, tay nắm chặt tay an ủi. Uy như muốn lịm đi vì cơn xúc động.
Tiếp đó từng người lần lượt chạy lại khi hay tin anh trở về. Ông quản gia, bà vú già, cả bà bếp đang lúi húi với chuyện bếp núc cũng vội chạy ra… Họ đều khoác lên bộ mặt ảo não đau thương. Tiếng cậu về rồi, cậu đã về rồi cứ rung động lan tỏa. Nói với họ vài đôi câu nghèn nghẹn xong anh trao chiếc túi du lịch cho con bé gia nhân nhỏ tuổi rồi bước đến bậc tam cấp của sảnh chính.
Tiền sảnh rộng lành lạnh hơi đá. Những bậc thang gỗ vang trầm trầm. Rồi lại những hành lang hun hút dài. Anh đi nhè nhẹ, chầm chậm; mỗi bước như in hằn, khắc dấu ngàn năm. Cái giây phút nghe tin mẹ qua đời anh muốn về ngay, về thật nhanh nhưng thể xác yếu đuối lại không thể chiều lòng con tim. Mới rồi đây anh còn giục giã người lái taxi lái thật mau lên. Vậy mà khi về đến nhà lại ngần ngừ từng bước chân một như thể sợ làm kinh động đến giấc ngủ ngàn thu của mẹ. Những bức tranh theo trường phái ấn tượng được treo cao cách quãng dọc bức tường hành lang vẻ như cũng thấu nỗi lòng, nhìn anh vừa mỉa mai vừa thương hại.
Cánh cửa phòng thờ im lìm, bất động mà lại ngùn ngụt thứ sức mạnh u ám vô hình. Mãi rồi Uy cũng mở cửa phòng bước vào gian thờ trang nghiêm mà u buồn của gia đình. Liếc nhìn di ảnh của mẹ, ngắm khuôn mặt dài thanh tú mà kiêu sa của bà. Từ hàng lông mày dài, đuôi mắt cũng dài lành lạnh, sống mũi thẳng trên đôi môi cong cong hơi hé, cổ cao trắng ngần… Uy giống mẹ từ những đường nét nhỏ nhất. Hình bà từ trên cao tỏa ra ánh nhìn vời vợi thương xót.
Anh đau đớn quỳ sụp xuống trước di ảnh, trước lọ bình đựng tro cốt hỏa táng của bà. Mẹ ơi! Con về rồi đây, thằng con trai bất hiếu của mẹ về quỳ trước mẹ đây. Thân hình dập sát đất, Uy nức lên những tiếng thổn thức ngã lòng, anh tự trách mình là con mà chưa một lần báo đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Chỉ luôn khiến bà buồn rầu, suy nghĩ. Giờ hối hận cũng đã muộn, mẹ đã ra đi mãi mãi không trở lại nữa. Không thể cho anh một cơ hội chăm sóc, hiếu thuận với bà nữa. Nỗi đau khổ dồn dập đè nặng lên tấm thân khiến anh càng sụp sâu hơn, không thể và cũng không muốn gượng mình dậy.
Vĩnh Uy vẫn quỳ rạp như vậy, lâu thật lâu, ngập trong những hồi ức đẹp đẽ về mẹ. Bao nhiêu những yêu thương mẹ dành cho anh, những ngày tháng mẹ con vui vẻ chơi đùa từ tấm bé. Nhiều nhiều kỷ niệm cùng ùa về, tưởng rằng mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống dù vui hay buồn nếu không nhớ sẽ nhạt phai theo năm tháng. Nhưng không, mọi thứ vẫn vẹn nguyên, vùi sâu mình trong con tim nhỏ bé. Để một thời khắc nào đó trong quãng đời lắm đắng cay sẽ trở về trong ta dạt dào hơn bao giờ hết.
Cho đến khi hoàng hôn đã bao trùm thứ ánh sáng vàng cam ảm đạm lên toàn bộ ngôi biệt thự rộng lớn anh mới cất mình đứng dậy. Buồn bã rời khỏi gian phòng thờ.
Anh vào phòng mẹ, buôn mình ngồi xuống chiếc giường lạnh lẽo, có lẽ ba anh không ngủ đây nữa. Vĩnh Uy lặng xem những kỷ vật của mẹ, kia chiếc lược ngà theo bà từ thời con gái, kia là chiếc vòng ngọc mã não bà ưa thích nhất để hở trong hộp đựng trang sức, này tấm ảnh con gái đã nhuốm bụi thời gian. Anh bật cười tự hào, mẹ anh thật đẹp.
Nhìn quanh quất chợt Uy thấy một vật lấp lóa nơi chân giường, trong cảnh tranh tối tranh sáng càng thêm đặc biệt. Anh cầm lên xem, thì ra là một chiếc khuyên tai hình cánh chuồn bằng ngọc hồng. Đẹp mà lạnh ghê người. Uy đoán có lẽ mẹ anh để rơi một chiếc chăng, lạ thật bà chuyển phong cách tươi trẻ thế này từ bao giờ nhỉ. Đột nhiên một ý nghĩ khác lóe lên trong anh, cuộc gọi cuối cùng của mẹ cho anh, bà có chuyện gì muốn nói?
Vừa khi đó cửa phòng bật mở, ba anh đứng đó, dáng người gầy đi nhiều. Gương mặt ông rung rung xúc động khi nhìn thấy anh.
Vĩnh Uy đến bên ông, “Ba…”
“Con… đã về rồi sao?”
“Con xin lỗi! Con đã không thể về chịu tang mẹ…”
“Ba mới phải nói xin lỗi, ba không thể thực hiện lời hứa với con, là sẽ thay con chăm sóc cho những người phụ nữ thân yêu của chúng ta. Ba đã không làm được.”
Anh đặt tay lên vai ba an ủi: “Thôi ba, đừng tự trách mình!”
“Uy! Con đến bệnh viện mau lên. Lệ Na… con bé ốm nặng lắm.” Ông Thụy nói trong hơi thở run rẩy hoảng loạn.
Và thế là Vĩnh Uy lao ngay đến bệnh viện.
***
“Một miếng thôi mà.” Duy Khang múc lên thìa cháo thổi nhẹ, cố nài Na ăn một chút.
Na ngồi dựa, mắt nhìn mông lung. Mái tóc buông xõa từng lớp, từng lớp trùm lên thân hình mảnh mai. Xua xua mái đầu tránh thìa cháo anh đưa sát miệng. Hôm nay sức khỏe cô đã khá hơn nhưng tinh thần vẫn u ám khắc kỉ.
“Nếu em không chịu ăn thì làm sao khỏe lại được. Làm sao mà chờ đợi cậu ta được hả?” Lời nói của anh đã có tác dụng.
Na đông cứng người trong vài giây rồi từ từ há miệng để Duy Khang đút cho từng thìa cháo một, chỉ như một cái máy vô tri nuốt trôi bất cứ thứ gì còn tâm trí vẫn lang thang đâu đó.
“Ngoan lắm. Hừ, nhỏ Mỹ Hà chạy đâu không biết. Anh mà không vào chắc cháo nguội ngắt hết, lại không ăn được nữa.”
Chỉ mình Duy Khang nói còn Na chỉ biết ăn, ăn và ăn. Từng chút một, bát cháo sánh đặc thơm lừng vơi dần. Vừa bón cho Na anh vừa nói mấy câu chuyện vô thưởng vô phạt để cho cô vui.
Bên ngoài Vĩnh Uy đứng lặng nhìn vào qua khe cửa he hé. Anh cũng chẳng hiểu cảm xúc của mình giờ sao nữa. Thấy hận bản thân, lẽ ra người ở bên chăm sóc em lúc này phải là mình vậy mà anh chẳng làm được gì cho em hết chỉ khiến em phải chịu đau buồn. Phân vân, lúc này chỉ biết phân vân, vừa muốn bước vào, ôm chặt lấy em để xoa dịu nỗi nhung nhớ đến cồn cào lại vừa không muốn làm kinh động đến em. Biết đâu cậu ấy sẽ đem lại cho em sự bình yên. Duy Khang vẫn quan tâm em như vậy, nhất định sẽ xóa nhòa mọi vết thương trong em…
Thở dài, Uy buông tay khỏi tay nắm cửa.
Na đang im lìm bỗng bật tiếng kêu rồi òa khóc nức nở, khóc tấm tức không thể kìm nén. Bởi cô bỗng cảm nhận được nỗi sợ hãi dâng lên thật khó tả. Đau lòng, rất rất đau lòng.
Duy Khang buông tô cháo đặt xuống chiếc bàn đầu giường. Anh hốt hoảng khi thấy cô bỗng nhiên như vậy: “Đừng khóc. Xin lỗi! Anh nói gì không phải đúng không?” Anh đưa tay lau vội những giọt nước mắt cho Na.
Cô càng khóc dữ hơn, nước mắt ào ạt như mưa. Duy Khang nhẹ ôm lấy cô vỗ về: “Đừng khóc! Xin em đấy. Cứ thế này em sẽ kiệt sức mà ốm thêm mất!”
Na dựa lên vai anh mà khóc, khóc thỏa thuê không kìm giữ.
Vĩnh Uy lùi dần lùi dần cách xa khỏi cửa phòng, khuất dần bóng dáng nhỏ nhoi yếu ớt của em. Anh quay lưng bỏ đi…
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn
D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng
CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!