[Full House] Cược em. Về với anh! - 1. Gia cảnh người trong Nam
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
92


[Full House] Cược em. Về với anh!


1. Gia cảnh người trong Nam


Thảo Anh bắt cái ghế đẩu, ngồi ở phía sau võng chỗ ông ngoại đang nằm để nhổ tóc sâu cho ông, miệng nhóp nhép nhai miếng khoai lang luộc, vừa nhổ tóc vừa nghe ông ngoại kể chuyện, về “thời chiến tranh hồi đó”…

Kỳ thực, sách lịch sử đã ghi chép lại rất đầy đủ các sự kiện chiến tranh ngày xưa, cả các nhân vật có tiếng tăm vang dội ngàn đời, cả những người có mặt trong một tiểu đội nho nhỏ, cả nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập còn được ghi rõ một cách tường tận nhất nhất nhất. Nhưng Thảo Anh vẫn thích kéo cái ghế, ngồi gần ông ngoại, nghe ông ngoại kể bằng miệng những câu chuyện lịch sử ấy.

Giường như, với những người từng trải, câu chuyện của họ dù là tự bịa ra nhưng có khi lại rất chân thực, thấm thía hơn cả bài giảng của thầy cô trên lớp.

Là con gái, nhưng Thảo Anh lại rất ưa mấy cái mà như bạn bè với cả người khác hay nói là “cũ”. Cô có thể nhịn ăn cả ngày chỉ để chúi đầu vào xem sách lịch sử, tìm lại mấy cái cổ xưa mà thời nay lớp trẻ đã chẳng thèm quam tâm, liếc nhìn hay ngó tới khi đột nhiên được nhắc. Mấy cái “cũ” đó Thảo Anh hiện tại đã sưu tầm và chất đầy phòng, nào nón cối, nào dép cao su, dép tổ ông, túi đựng nước, khăn rằn, bát sứ, lược, bút, vỏ đạn… Thảo Anh biến nhà như nhà kho, chứa đủ thứ cả, thiếu điều cô là chưa đào được đại bác lớn, không thì phòng đã như viện bảo tàng quốc gia thật luôn.

Nói là phòng cho sang chảnh thế thôi chứ ở quê làm gì có nhà nào có phòng, giàu lắm thì phải ra huyện hay đi tỉnh mới có nhà có ấy chứ. Ở quê người ta kêu là buồng ngủ, chỉ cách một lớp màn mỏng được che từ cửa xuống đất, và hai bên có dây buộc.

Buồng Thảo Anh ngủ vỏn vẹn một cái giường ngủ vừa cho hai người, một cái bàn gỗ ba góc, hai cái ghế đẩu nhỏ để ngồi học bài, và một kệ gỗ buộc bằng dây răn vào cột nhà cạnh cửa sổ để kê sách học. Với người khác, buồng Thảo Anh có vẻ bừa bộn, nhưng ngược lại, cô gọi nơi này là viện thiên đường, là nơi cứu chứa cho những vật cổ mà người ta muốn quăng bỏ, Thảo Anh nhặt về và tái chế để làm đồ dùng cá nhân và tiện trang trí căn phòng làm thế giới riêng của mình. Một thế giới vô cùng hoàn hảo và tuyệt diệu.

– Thảo Anh này, con còn nhớ chuyện ông ngoại nói với con hồi năm ngoái không?

Ông ngoại đang kể chuyện về người bạn hữu thời chiến của ông, người đồng đội tốt năm nào san sẻ cùng ông nửa củ khoai lang dù là đang rất đói, ngụm nước cuối cùng cũng nhường cho ông uống. Lần nào kể cũng là lần ông ngoại nhắc. Ông ngoại còn nói, ông và người đồng đội đó hai người đều nợ nhau rất nhiều.

Cô muốn quên là quên được sao, lần nào cũng kể, tới thuộc lòng hơn bài học luôn rồi.

– Dạ nhớ…

Thảo Anh đấm vai cho ông, động tác rất nhanh và nhẹ, nghe ông ngoại nhắc chuyện đó liền uể oải trả lời, mỗi lần hỏi xong câu này ông ngoại lập tức nhắc tới lời hứa, tiếp theo đó là những chuyện nếu không cưới thì cũng hỏi. Bởi vậy, với câu chuyện này Thảo Anh chẳng hứng thú nghe chút nào.

– Ông ngoại Cửu cũng vào thăm ông mấy lần, nhưng mà mười mấy năm nay rồi. Con còn nhớ ông ngoại Cửu không hả? Ông hay cho con kẹo trái cây đó.

– Hồi đó con có xí tuổi, sao con nhớ…_Thảo Anh cố tình vẽ câu chuyện ông ngoại nói đi hướng khác.

– Năm nào ông cũng kể con nghe mà. Sao không có chịu nhớ gì hết vậy? Để ông ngoại nhắc lại cho con nghe…

Thảo Anh vẫn kiên nhẫn đấm lưng cho ông ngoại, vừa nghe “để ông ngoại nhắc lại” đã ngửa mặt kêu trời và thầm khóc trong lòng.

Chuyện đó sao mà cô quên được chứ, chỉ là giả vờ không nhớ thôi, Thảo Anh đã cố tình vẽ câu chuyện đi hướng khác nhưng ông ngoại thì chưa bao giờ chịu bỏ qua. “Cháu không nhớ, để ông nhắc”, nhắc có phải cái chuyện ông ngoại Cửu cho bánh cho kẹo đâu, nhắc là nhắc “thằng cháu trai ông ngoại Cửu, ông ngoại gả con cho thằng đó nghe, nó làm lớn đó nghe, con chịu không?”.

Mỗi lần nghe ông ngoại nói tới chuyện đó, Thảo Anh muốn quỳ. Làm ơn, thời đại hai không mười mấy rồi, đâu ra cái kiểu mà lấy thân đền đáp thay cho việc mấy cụ ngày xưa người này đỡ người kia, người kia giúp người nọ. Nợ ai người nấy trả đi chứ, sao lại lạ đời như vậy hả?

Thảo Anh đang là sinh viên thi lên Đại học, nhưng Thảo Anh không ôn ở trường vì học phí quá đắt, cô và hội bạn trong xóm xúm lại học với nhau ở nhà từng đứa một, như vậy để tiết kiệm chi phí đi lại, ăn uống, chỗ ở cũng như đỡ đi phần nào tiền học phí.

Danh hiệu học sinh giỏi, học sinh giỏi cấp huyện, học sinh giỏi cấp tỉnh… Thảo Anh không lấy đó mà trở thành kẻ tự phụ, ỷ y vào thành tích mà nghĩ mình sẽ đỗ Đại học. Thảo Anh luôn cố gắng phát huy mình thêm để ước mơ làm giàu sẽ được thực hiện và có được thành công thực sự. Như vậy, họ hàng sẽ không coi thường gia đình cô nữa.

Thảo Anh tiếp tục ý định vẽ câu chuyện đi hướng khác, tay đấm đều đều lưng ông ngoại nhưng miệng thì thảo mai van nài.

– Ông ngoại…

Thảo Anh uể oải kêu lên hai tiếng, tay nhẹ đấm lưng ông tiếp tục với chiêu thức sẵn tính.

– Con không muốn lấy chồng sớm đâu, con sợ giống mẹ lắm. Con muốn học. Con phải học cho thiệt giỏi, rồi đi làm, con có tiền, rồi về xây nhà mới cho mẹ, cho ông ngoại ở nữa. Chứ ông thấy đó, xóm mình nghèo, nhà con thì hổng bằng ai, tới mấy dì còn nói nhà con nghèo không ngóc đầu lên nổi. Bây giờ ông vì lời hứa, gả con đi, rồi lấy ai kiếm tiền lo cho mẹ nữa…

Thảo Anh vẫn theo nhịp không quên đấm nhè nhẹ lưng ông, nói đến đó khóe mắt bỗng ươn ướt sụt sùi.

Cô chính là muốn thay đổi cuộc sống nghèo của gia đình, muốn được chăm sóc mẹ quãng đời còn lại, mẹ đã quá cơ cực nuôi lớn hai anh em cô rồi. Nợ cả đời còn chưa trả hết, sao có thể vì lời hứa từ ông ngoại mà lại tùy tiện gả đi như vậy chứ. Hưởng lợi cũng là một mình cô hưởng, vậy cũng có gì vẻ vang, còn ai coi ra gì.

Thảo Anh nghĩ tới đó liền bật khóc. Cô không muốn lập lại một cuộc đời giống như mẹ, mới 18 tuổi bà ngoại đã gả đi, rồi những năm sau đó, mẹ chỉ toàn sống trong nước mắt…

Hôn nhân có gì hay ho chứ, trói buộc con người đến cùng cực, hôn nhân không có tình yêu, sẽ chỉ là cãi vã và những hành động bạo lực nhau. Thảo Anh từ lúc nhỏ không hiểu, nhưng năm nay cô đã 18 tuổi rồi, cô có thể nhận thức được cái đẹp và cái không đẹp, cô hiểu được thế nào là bạo lực gia đình, thế nào là không thương yêu nhau, thế nào là một gia đình không hạnh phúc.

Thảo Anh đưa tay quẹt nước mắt, cô không có ý định cãi lời ông, nhưng cô chỉ không muốn lập lại cuộc đời của mẹ, sống trong đau thương và toàn những tiếng cãi vã. Hôn nhân với Thảo Anh mà nói, cô từ lâu đã chẳng còn tin tưởng.

– Thảo Anh! Ông ngoại biết là con sợ giống như mẹ con bây giờ. Nhưng con người ta là con nhà gia giáo. Ông cũng chỉ muốn tốt cho con thôi, gả vào nhà khá giả một xíu để con đỡ cực. Con thấy đó, con Hằng con dì hai, gả qua nhà bên kia cũng nghèo, có sung sướng được bao nhiêu. Còn con Tiên, nó bỏ nhà đi, hư hỏng như vậy, con coi ai thèm ngó nữa đâu. Con ngoan, hiền, ông ngoại muốn tốt cho con nên mới nhờ tới nhà ông ngoại Cửu, con gả vô đó, không phải lo cơm lo áo. Ông ngoại đâu cố ý, ép con, là ép tốt mà…

– Nhưng mà con hổng muốn. Con gả vô đó rồi, sướng thì sướng tấm thân con thôi. Còn mẹ con, còn anh hai nữa. Ông ngoại cũng ở xa con như vậy. Con buồn, chơi với ai được.

Thảo Anh giãy nãy khóc lên vài tiếng uất ức. Nói thế nào cô cũng không đồng ý, cô không muốn, không muốn…

Ông ngoại vỗ đầu đứa cháu gái, thấy Thảo Anh khóc ông cũng mủi lòng. Thương cháu gái quá. Đứa cháu ngoan hiền lễ phép mà ông trông bao năm nay, thương cũng là thương Thảo Anh biết lễ nghĩa, biết kính trọng người lớn, biết thương yêu giúp đỡ mọi người.

Người nhà nhìn vào đều bảo ông thiên vị Thảo Anh, nhưng ông không hề. Cháu gái ông sống có nhân cách, ông thương vì Thảo Anh chăm học, nên người, biết cách cư xử với chòm xóm. Không hư hỏng hay đua đòi như những đứa con gái lớn ngoài kia, muốn mặc áo đẹp, mặc đầm, mặc váy, muốn có xe hơi, muốn có điện thoại, vọng tưởng sẽ có chồng nước ngoài, hào nhoáng giàu sang.

Thảo Anh cháu ông chính là một đứa con gái có đức tính tốt, không cần thiết nghĩ cho mình, chỉ luôn muốn tốt cho mẹ và anh hai, có khát khao và ước mơ chân thật, có ý chí quyết tâm thay đổi mình để làm giàu cuộc sống. Ông thương Thảo Anh là vì vậy.

Vỗ tay đứa cháu gái, ông ra sức thuyết phục, ôn tồn giảng giải.

– Con thương mẹ con, thì con phải biết mẹ con nghĩ cái gì, muốn cái gì. Mẹ con muốn con lấy được một tấm chồng tốt, con sướng tấm thân con, con có chỗ cậy nhờ là mẹ con vui lắm rồi, con biết không?

– Cách khác cũng được mà, con không muốn lấy chồng đâu…

Thảo Anh ôm ông ngoại khóc oa oa. Mẹ muốn cô có tấm chồng tốt, ít nhất cũng phải để cô tốt việc gì đó cái đã.

Phận nghèo như Thảo Anh, lại là con gái, công ăn việc làm không có, gả vào nhà giàu tuy họ có đối tốt thế nào đi chăng nữa, nhưng chắc chắn họ cũng một ít nào đó khinh khi, ghét bỏ. Người xưa vẫn thường nói câu, “môn đăng hộ đối” mà. Con gái nghèo mà làm dâu nhà giàu, từ xưa đến nay, có thấy gì hạnh phúc đâu chứ. Nếu không miệt thị khinh khi, thì cũng là chê bai, quở trách…

Tính khí một đứa con gái ương bướng như cô, làm sao chịu được chứ.

Không muốn, ép chết cũng không muốn.

Nhà trong vang lên tiếng chuông điện thoại reo. Thảo Anh đứng dậy đi vào lấy điện thoại cho ông ngoại, còn vì sụt sùi mà liên tục đưa tay lau nước mắt.

Chiếc điện thoại nhỏ trong tay rung è è vì chế độ rung và chuông từ cuộc gọi, Thảo Anh ra bên ngoài lễ phép đưa ông, cũng không nhất thiết là đưa bằng hai tay, cô đặt vào bàn tay ông ngoại đang đưa lên không trung chờ lấy điện thoại từ phía mình, thái độ vô cùng kính trọng.

– Không có tên ngoại…

Thảo Anh báo cáo người gọi, rồi vòng ra phía sau võng tiếp tục đấm lưng cho ông ngoại. Mặt như oan ức híc híc vài tiếng rồi chùi nước mắt, cũng không quan tâm ông ngoại nói chuyện gì, với ai trong điện thoại.

– Alô, đứa nào đó bây?
“…”
– Ờ, Khang đó hả con. Ông ngoại ở nhà chứ đâu, không có bận. Bây với ba khi nào vô đây hả?
“…”
– Vậy hen!
“…”
– Ừm, ừm. Để ông ngoại nói với con Thảo Anh. Chắc nó mừng lắm à. Rồi. Vậy nghe!

Trước lúc ông ngoại tắt máy điện thoại, Thảo Anh bên kia cũng tắt điện thoại trước, một cuộc gọi từ bạn học kêu đến nhà học nhóm. Ông ngoại vừa tắt điện thoại Thảo Anh đã nhanh nhảu nói trước.

– Ông ngoại, bạn con mới điện kêu qua học nhóm. Con đi nha ông ngoại. Con đi học để thi đậu Đại học. Nha! Đi nha ông ngoại.

Bóp bóp vai ông ngoại Thảo Anh nói xu nịnh, có cớ để tránh việc ông ngoại nói cái chuyện kết hôn với người con trai kia rồi nên Thảo Anh phải tranh thủ chuồn lẹ. Để không ông ngoại lại kể chuyện nghĩa ơn ngày xưa nữa.

Ông ngoại chộp tay Thảo Anh để nói lại chuyện của cháu rể, nhưng hụt. Ông trợn mắt hét theo.

– Con đừng có trốn luôn đó. Ngày mai xuống ông ngoại nghe hôn?

Thảo Anh đã nhanh chân chạy tít ra ngoài hàng ba để trốn. Chỉ kịp quay đầu hét lại, “Dạ”, rồi túm ống quần chạy tiếp.

Thoát rồi, hôm nay thoát rồi.

Ông ngoại ngó theo, cô cháu gái này quả là, nghịch ngợm.

Bước lên từ cái võng lưới, ông ngồi vào bàn tròn rót cho mình ly trà hớp nhanh một ngụm, lắc đầu, trách.

– Con gái lớn mà cứ như ba tuổi. Chiêu trò nghịch ngợm, đi đứng hấp tấp.

Bà ngoại đi chợ từ lúc sáng, vừa về tới và cất cái nón lá lên cái đinh đóng trên tường, dùng để máng đồ, vợ chồng dì út thì xách gói bún đựng bằng bao ni lông trắng đi theo phía sau, dì út xách túi bún, còn chồng thì cầm giỏ.

Thảo Anh ra ngoài hàng ba, thấy họ thì cười, rồi xỏ dép đi về. Đi đâu cũng có mẹ, có con, thân thiết thấy mà ganh tỵ luôn.

Dì út bỏ xuống túi bún, ngồi lại gần mẹ ở trên bộ ván gỗ kê ngoài hàng ba, mở cái quạt giấy để sẵn quạt phành phạch đuổi cái nóng nãy giờ đi ngoài đường còn bám lại, rồi hỏi cha mình.

– Xuống xin cơm hả ba?

– Ông cháu thân quá he!_bà ngoại ở một bên cũng quạt phành phạch cây quạt giấy, thái độ khinh khi.

Ông ngoại rót ly trà, tay đưa lên miệng còn chưa kịp uống, nghe vợ và con gái nói vậy thì khó chịu đặt xuống ly trà, ông gắt.

– Mày nói chuyện dễ nghe chút đi. Nhà nó nghèo cũng không đến mức phải xin ăn ở chỗ mày. Có xin thì cũng là nhà tao, mày hổng có quyền ở đây.

Bị mắng, dì út đanh mặt tức tối.

– Má! Má coi đó. Con cũng là con gái của ba mà ba nói vậy kìa. Phải chị tư cái ba bênh chầm chập liền à.

Dì út kéo tay bà ngoại méc lại. Cùng là con gái, ba nói chuyện có phải khó nghe quá rồi không?

– Mày đừng có nói cái giọng đó ở đây nghe. Thứ con gái như mày đừng có báo hại nữa dùm tao cái, gả đi rồi, MÀ MANG NỢ VỀ TAO GÁNH GẦN BỂ CÁI ĐẦU NÈ. CHƯA ĐỦ SAO, MÀY CÒN SO SÁNH VỚI AI NỮA? HẢ? Mày lấy chồng mày hông phải giàu lắm sao, MÀY CÒN VỀ NHỜ TAO TRẢ NỢ LÀM CÁI GÌ? NỢ NÀY AI GÂY? HẢ? Mày so mày với con Liên, CON LIÊN NÓ NGHÈO CHỚ NÓ CHƯA NHƯ MÀY. Đồ khôn nhà dạy chợ. Tao nuôi mày chưa đủ cực hay sao hả, mà mày so đo nói nặng nói nhẹ nhà chị tư mày, nó không phải chị ruột mày, KHÔNG PHẢI CHÁU RUỘT MÀY HAY SAO HẢ DIỄM?

Ông ngoại vừa nói vừa đập giường rầm rầm vì cơn giận, ông khóc không ra nước mắt. Kẻ quý đồng tiền, quý lao động như ông, lại vì bầy con mà hao tâm tổn sức, mất đi gần nửa gia tài. Nhìn nhà khác chị em người ta êm ấm, yêu thương đùm bọc nhau mà sống, ông lại thèm cảm giác đó, cả nhà bên nhau sum vầy vui vẻ. Nhưng ông trời ngó xuống mà coi, ông mắc phải nghiệp gì mà ông trời trả báo, giáng xuống nhà ông mấy con nợ lên đến hàng tỉ, thân không tự trả được bèn kéo hết về nhà ông nương nhờ. Tấm thân già ông, rốt cục còn phải tổn hao tâm sức lo cho con cái đến bao giờ?

Dì út thấy ông ngoại nổi giận nên cầm lên giỏ đồ chạy vào nhà sau, tránh việc ông khui ra bầy nợ cũ mà vợ chồng dì đi xa mang về. Đi nhưng không quên ngoái đầu lại nhìn mẹ mình ánh mắt cầu cứu.

Bà ngoại xếp lại cái quạt giấy, nghe chồng kế bên cằn nhằn con gái cưng liền lên tiếng bênh vực.

– ÔNG ĐỦ RỒI, suốt ngày một tiếng con Liên, HAI TIẾNG CON LIÊN. ÔNG RỐT CỤC CÓ COI CON DIỄM VỚI MẤY MẸ CON CON PHƯỢNG LÀ CON KHÔNG HẢ? Ông thiên vị tui không nói. NHƯNG ÔNG CỨ BÊNH RA MẶT AI MÀ CHỊU NỔI.

– KHÔNG CHỊU NỔI THÌ ĐI. TAO ĐÂU CÓ MƯỢN VỀ ĐÂY Ở, RỒI BÁO TAO. Đi thì không một chút gì hỏi han ông già này, đùng một cái vác về mấy cái nợ. TÉT CÁI ĐẦU ÔNG GIÀ NÀY RỒI NÈ. TÉT RỒI NÈ!

Ông ngoại gõ gậy xuống bàn phẫn nộ hét, nước mắt lại cứ tuôn ra theo từng lời ông nói.

– Nó con gái ông, chẳng lẽ đang thiếu nợ mà ông bỏ mặc, nó đi làm ăn, vướng một chút khó khăn ông liền muốn phủi bỏ. Con gái gả đi rồi, ÔNG COI NHƯ LÀ BÓ RAU BÁN ĐI PHẢI KHÔNG HẢ?_bà ngoại một mực bênh chầm chầm con gái.

– NÓ LÀM ĂN CÁI GÌ? HẢ? Chồng nó đi cá độ, ĐI ĐÁNH SỐ ĐỀ. NÓ THÌ ĐÁNH BÀI, GHI SỐ. Làm ăn, LÀ LÀM ĂN BẤT CHÍNH VẬY ĐÓ PHẢI HÔN?

Ông ngoại chẳng còn giữ nổi bình tĩnh, mất kiên nhẫn hét lên với vợ mình đang ngồi ở trước mặt. Người ta nói con gái hư tại mẹ là đúng mà.

– ÔNG THÔI ĐI! NHẮC TỚI CON DIỄM CÁI ÔNG BỚI MÓC ÔNG CHỬI ĐỦ THỨ CHUYỆN. Còn con Liên, HỄ AI NÓI ĐỘNG TỚI NÓ CÁI ÔNG BÊNH. ÔNG LÀM CHA KIỂU ĐÓ MÀ CÔNG BẰNG HẢ?

Bà ngoại không chịu thua, tiếp tục cãi cố, xoay chuyển vấn đề qua một hướng khác.

– BÀ IM ĐI! CÁI MIỆNG BÀ ĐỘC ÁC NÊN TRỜI TRẢ BÁO XUỐNG CÁI NHÀ NÀY RỒI NÈ. BÀ CHƯA THẤY ĐỦ HAY SAO HẢ? Con cùng là con, đứa sai thì bà không mắng, cứ bênh vực nó rồi đội nó lên đầu. Còn TUI, TUI ĐỐI XỬ CON CÁI SAO MÀ BÀ NÓI HỔNG CÔNG BẰNG? CON LIÊN NÓ CÓ TỪNG THAN KHÓC CHUYỆN GÌ VỚI NHÀ MÌNH CHƯA? NÓ CÓ NGỬA TAY XIN TIỀN BÀ CHƯA? NÓ TỪNG XIN CÁI GÌ Ở NHÀ NÀY CHƯA? CÓ TỪNG CHƯA?

Ông ngoại càng nói càng tức giận, gõ gậy xuống nền nhà đất lớn tiếng cãi nhau với vợ.

Bà ngoại sợ sệt đứng lên khép nép tựa vào góc bàn tròn ông ngoại thường ngồi uống trà. Từ trước đến giờ cãi nhau, bà cũng chưa từng thấy chồng mình giận dữ đến vậy, sống mấy mươi năm với nhau, cũng ít nhiều lần cãi nhau, nhưng ông không động tay động chân đánh bà như các cặp vợ chồng khác. Lớn tiếng, ông đều tìm cách chuyển sự cãi vã đi hướng khác, không muốn làm bùng phát cơn giận rồi ra tay đánh bà. Mấy mươi năm sống chung, đây là lần đầu tiên ông vung gậy.

– ÔNG BÊNH NÓ ÔNG MUỐN ĐÁNH TUI LUÔN PHẢI HÔN? CON DIỄM NÓ LÀ CON GHẺ ÔNG MÀ, CON LIÊN MỚI LÀ CON RUỘT ÔNG, CON THẢO ANH MỚI LÀ CHÁU ÔNG, CÒN CON HẰNG, CON TIÊN ĐÂU PHẢI.

– Bà im đi, trước khi tui TÁN CHO BÀ MỘT BẠT TAY. CÁI ĐẦU TUI SẮP TRỌC VÌ PHẢI GÁNH NỢ CHO ĐỨA CON GÁI CƯNG CỦA BÀ RỒI NÈ. CHỪNG NÀO BÀ MỚI HẢ DẠ?

Ông ngoại quăng cái gậy, tay đập giường nghe “RẦM” một tiếng lớn, chỉ về phía bà vợ mình đang khép nép và miệng thì cãi cố phía bàn đối diện.

– TÁN ĐI! ÔNG TÁN ĐI! ÔNG ĐÂU CÓ COI TUI LÀ VỢ, ÔNG ĐÂU CÓ COI CON DIỄM LÀ CON. CON ÔNG LÀ CON LIÊN ĐÓ. CHÁU NGOẠI ÔNG LÀ CON THẢO ANH ĐÓ.

Bà ngoại giãy nãy cứng miệng hét lại với chồng, mặt còn thách thức đưa đưa gần lại.

*BỐP*

– ĐỒ ÁC PHỤ. NGHIỆP CỦA BÀ 18 TẦNG ÂM PHỦ CŨNG CHƯA XỬ HẾT. BÀ ÁC NGHIỆT SAU NÀY NHÀ BỊ QUẢ BÁO CHO VỪA LÒNG BÀ.

Ông ngoại giận đến tím mặt, không kiềm chế được cảm xúc mà vung tay giáng một cái tát xuống mặt vợ mình. Phận mẹ sinh con, mà hễ đứa hư hỏng thì bà bênh vực bao che chầm chập. Còn đứa ngoan hiền lễ phép bà lại sanh nạnh đuổi xua.

Đạo lý ông làm đầu, lại vì bà mà gia đình loạn lên chẳng làm gương cho ai được nữa.

Thử hỏi, một cựu chiến binh lẫy lừng khắp xã như ông có còn mặt mũi khi được nhắc tên nữa không?

– ÔNG…

Bà ngoại ôm mặt đanh đá trừng mắt lại, còn muốn cãi tiếp.

– Thôi má, má ra nhà sau đi.

Dì út từ nhà sau đi ra kéo tay bà ngoại ra nhà sau. Nhà ba chưa từng giận, lần này là lần đầu ba đánh mẹ, phận con nên dì út cũng hiểu ba mình, nếu cứ tiếp tục cãi chuyện sẽ chẳng hay ho gì mấy. Nên thôi, nhịn từ một người trước vậy.

Ông ngoại ngồi lại ghế, nước mắt nghẹn ngào chảy dài trên gò má, những vết nhăn hiện rõ trên gương mặt già nua từng trải. Ông cay đắng bấu chặt ống quần mình mà rấm rức khóc. Đây là gia đình, hay là nơi ganh đua đố kỵ? Ông đúng là bạc phước mà.

Vợ chồng già sống với nhau có được mấy mụn con. Người con lớn (dì hai) thì hơi khờ khạo lúc còn nhỏ, lớn lên thì đã bớt dần tính đó, có chồng, có hai đứa con, đứa lớn thì đã lấy chồng sinh cháu gái. Còn đứa nhỏ, học chẳng chịu học, mới tí tuổi đầu đã rậm rực bạn trai bạn gái, rồi nhà cho nghỉ học. Công chuyện không biết làm, quen được người bạn trai xong đi làm, lười biếng chảy thây, làm không được gì, suốt ngày ôm khư cái điện thoại, nào điện, nào nhắn với bạn trai. Rồi bè bạn đi chơi, bị người ta dụ dỗ bỏ bùa dắt đi, về nhà bị làng xóm dèm pha nói ra nói vào đã trắc nết hư hỏng.

Người con thứ hai (cậu ba) vì di chứng bệnh tật, khờ còn hơn chị gái, từ nhỏ dẫu có cho đi học, lớp một ngồi hoài cũng không qua. Lớn lên rốt cục ông ngoại cũng lo được cho cưới vợ, rồi có con, ba đứa đều khờ như cha, có học cũng chỉ biết đọc chữ, viết chữ. Không nhờ vả được vào con cái, con cũng nghỉ học luôn từ sớm, bởi thế gia đình luôn đi làm thuê làm mướn quanh năm suốt tháng.

Người thứ ba (mẹ Thảo Anh) thì ngoan hiền từ nhỏ, lên 4 đã lanh lợi đi học, viết chữ, ca múa. Ông ngoại thương con học giỏi, dẫu hoàn cảnh có nghèo cũng ráng lo cho con học hết lớp 5 cho bằng bạn bằng bè. Rồi nghỉ học, ông ngoại cho tiền đi học may, để sau này có cái nghề đỡ khổ. Tới năm 18 bà ngoại ép buộc gả chồng, gả đi không được sự yêu thương từ nhà chồng, luôn bị em chồng mỉa mai, còn mẹ chồng thì khắc khe khinh ghét chửi bới. Sinh con cũng không được hai bên nội ngoại thương yêu, tới miếng ăn, họ hàng thà đem đi cho hàng xóm, đem bỏ cho chó ăn chứ không cho nhà bà. Bà lo cho con trai học hết lớp 9, anh đòi nghỉ phụ mẹ lo cho em gái học. Thảo Anh được nuôi lớn dưới sự yêu thương của chính gia đình mình, cô chẳng cần họ hàng nội ngoại hai bên, học giỏi và luôn được học bổng ở trường, học bổng huyện, học bổng tỉnh.

Người con gái út (dì út), ăn học không tử tế mới lớp 5 đã nghỉ, rồi tụ tập bạn bè, trai gái hẹn hò nhau. Ông ngoại mắng riết rồi cũng thôi, chẳng chịu nghe, bỏ nhà đi với bạn trai. Đám cưới không có, hai bên nhà chỉ làm nhỏ một mâm cơm vái lạy tổ tiên. Cưới xong hai vợ chồng lại kéo nhau đi biệt tăm, gần 7 năm mới về. Suốt mấy năm đi cũng chẳng hỏi thăm về, nhưng về nhà liền có quà cho ông ngoại, một món quà lớn làm ông phải chi hơn nữa gia tài để cứu tính mạng con gái và con rể mình.

Ông ngoại ngồi lau nước mắt, tức đến khóc cũng chẳng còn nghe tiếng, một tay ông là lính theo quân ngũ ra biên cương đánh giặc, mang lên quân phục người lính ai cũng có kỷ cương. Vậy mà cái kỷ cương đó ông lại chẳng áp dụng được lên gia đình mình mà dạy bảo. Bây giờ có gặp lại những người đồng đội xưa, ông chẳng biết mình phải nên giấu mặt vào đâu để tránh đàm tiếu nữa…

Ngôi nhà này, rốt cục sẽ loạn đến mức nào nữa mới vừa lòng đây?
-•-

Hoàng Nam dắt xe đạp vào hàng ba, dựng xuống kỹ càng kế bên vài chiếc xe đạp đã dựng sẵn ở đó, xách balô bước vào rồi dáo dác nhìn xung quanh, hỏi đám bạn mình.

– Thảo Anh lại chưa vậy? Mau ra báo danh.

– Sắp về luôn rồi cha nội. Cha đi trễ chúa ông nội mà còn ở đó la làng đi. Chút nó ra nó chém đầu thị chúng cha bây giờ.

Tú Oanh dừng bút đang giải bài tập hóa ngước lên trả lời bạn học. Hai anh em sinh đôi, mà lúc nào ông em cũng đúng giờ tới trước, còn ông anh thì nửa tiếng đồng hồ sau mới thấy mặt. Thấy cũng chả thấy được một con người đẹp đẽ. Một Hoàng Nghị đẹp trai mang mắt kính thư sinh, học giỏi, nhẹ nhàng, ga-lăng, lại là anh em sinh đôi với kẻ tóc tai rối bù, phần tóc mái lúc nào cũng dùng dây cột tóc màu để cột, tính tình hiếu thắng, keo kiệt, khó ưa. Nếu chẳng vì còn tính mê gái hội bạn đã nghĩ Hoàng Nam là bê đê luôn rồi.

Thanh niên với vóc dáng cao to và thân hình người mẫu Hoàng Nam, vô tư đứng nhe răng cười với chó con nhà Bích Ngân đang thim thiếp nằm gần phía võng.

Trên bảng, Thu Thảo nuốt không nổi bài tập mình đang giải, thấy Hoàng Nam thì liếc mắt khinh bỉ. Áo cộc tay xắn lên tới nách, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm lưng áo, tay thì không bỏ xuống được quả bóng. Con trai như Hoàng Nam đúng là lôi thôi, lết thết.

Hoàng Nam vỗ đầu Hoàng Nghị em trai mình đang chăm chú giải bài tập, gỡ balô sau lưng đặt lên bộ ván rồi khom người hôn đầu Tú Oanh một cái, miệng thì lại nói chuyện với lũ kia.

– Anh hai nó kiếm nó ở ngoài đầu lộ kìa, tao truyền tin.
– Lại trễ mà miệng cũng oang oang dữ ha. Đây! Nước vải đây!

Thảo Anh nhận nhiệm vụ làm nước trái cây cho cả nhóm, chủ nhà là Bích Ngân cũng bê một khây bước ra sau Thảo Anh, cùng cô chia cho đám bạn.

Tú Oanh bị hôn trước đám đông thì trừng mắt giơ tay định đánh. Cậu bạn nhỏ Hoàng Nam nhanh tay đã đưa quả bóng vào lòng bàn tay bạn nữ ngồi kế bên để cản.

Khây nước vừa được Thảo Anh đặt xuống, Hoàng Nam như kẻ chết khát chộp ngay một ly tu ừng ực. Tú Oanh ở kế bên đã tiện tay ngay lập tức quăng luôn quả bóng về bên hè nhà Bích Ngân nơi vườn trái cây đủ loại nhà cô đang lấy đó làm thu nhập chính kinh doanh ngoài phiên chợ, Tú Oanh quăng để thỏa cơn giận, miệng còn lẩm nhẩm chửi thầm Hoàng Nam.

Thảo Anh mở cặp lấy bịch khăn giấy quăng vào mặt Hoàng Nam rồi quay ra chia nước cho các bạn, miệng hỏi.

– Tao qua đây học có nói với anh tao rồi, không có bỏ nhà đi. Ổng kiếm tao làm gì?

Hoàng Nam tu xong ly nước, bỏ xuống liền chộp bịch khăn giấy Thảo Anh quăng cho lấy ra mấy tờ chùi chùi mồ hôi. Chùi một tấm dính, chùi hai tấm dính nhiều hơn, chùi ba tấm cổ và mặt đều bị dính khó coi. Hoàng Nam vuốt vuốt cho rớt mấy miếng khăn giấy dính trên mặt, nhoài người bấm nút quạt gió, quạt gió chưa ghim điện nên không quay, Hoàng Nam lần tìm sợi dây chạy đi ghim vào ổ điện. Quạt máy quay thổi gió tàn sát mấy cuốn đề cương bay tung tóe.

Tú Oanh ở kế bên liền đưa tay đập bộp bộp mắng chửi.

– Bay hết rồi, thằng cha nội này. BỘ QUỶ NHẬP ÔNG HẢ?

Hoàng Nam né, chộp ly nước lên tu thêm một lần nữa, không quan tâm mọi thứ xung quanh, kể.

– Mày có gệ đâu mà bỏ nhà đi. Anh mày kêu, ông ngoại quýnh bà ngoại, ngoại bự đang ở nhà mày kìa.

Hoàng Nam tu xong ly nước liền trả lời câu hỏi của Thảo Anh nãy giờ.

– GÌ? ÔNG NGOẠI QUÝNH BÀ NGOẠI HẢ? Ghê dị~

Thảo Anh trước tiên là bất ngờ, sau đó xuýt xoa rồi hồ hởi hỏi thêm một câu.

– Thiệt hôn mậy, tao mừng hụt nghe…*cười*

– Đại nghịch bất đạo.

Hoàng Nam vả mỏ Thảo Anh mắng. Nghe ông bà ngoại cãi nhau mà mừng, thiếu Iot lên não rồi chăng?

Thảo Anh vui vẻ cười cợt né né cái đánh từ cậu bạn thân, miệng vẫn ha hả cười, cố nói.

– Tao vui hông cho tao cười mậy, hiếm nên mới vui đó mày. Rồi sao, anh hai tao đâu? Sao mày thấy ổng dị?

– Ổng làm hồ kế bên sân banh chỗ tụi tao đá nè, thấy ổng xách xe đạp chạy về, tao cũng đá banh xong đạp xe qua đây. Ổng hông biết mày bữa nay học nhà ai nên ở ngay đầu cầu đợi kìa. Tao nói tao vô đây kêu mày nên ổng đợi ở ngoài kia ớ~

– Rồi sao mày biết bà ngoại bị đánh? Dữ hôn? Chảy máu hôn? Hồi đó giờ chưa nghe ông ngoại đánh bả luôn ớ. Kể nghe coi, nhanh đi! Phấn khích quá mậy…

Thảo Anh ha hả cười níu tay áo Hoàng Nam vòi vĩnh cậu kể rõ câu chuyện. Hoàng Nam đẩy ra cầm balô của Thảo Anh chồng vô cổ cô, đẩy hông đuổi về.

– Ra kia nghe anh hai mày kể. Về nhà ông ngoại mày đợi kìa. Nhanh biến!

– Khốn nạn!

Thảo Anh bị đẩy đi không cam lòng với tay đấm lưng thằng bạn, rồi cũng nhanh ôm balô chạy ngay về nhà hóng nội tình câu chuyện. Ông ngoại đánh bà ngoại, chuyện lạ có thật. Già từng tuổi này không biết ông ngoại còn đánh thắng nổi mụ la sát kia không, cuộc chiến không biết là ai thắng ai bị thương nữa. Đánh sao không đánh từ hồi lâu cho miệng bà già đó bớt khẩu nghiệp lại, chừng này mới đánh quả báo chắc cũng tới kế bên hè luôn rồi.

– Vụ gì mà đánh dị? Đó giờ chưa nghe ông ngoại đánh bà ngoại luôn ớ~

– Chưa từng nghe ông ngoại đánh bả luôn. Vụ gì vậy? Anh Trường nói sao, kể nghe dí coi. Lẹ đi!

Bích Ngân và Hiếu Nghĩa đồng thanh nhìn Hoàng Nam hỏi. Người mà nãy giờ được biết trước một phần câu chuyện nhà Thảo Anh.

Chuyện nghe như được bịa đặt từ mấy ông say rượu. Thật luôn. Là chuyện lạ, vô cùng lạ.

Cả xóm, à không, phải nói là cả ấp, cả xã này từ trước đến nay chưa ai nghe được tin nhà ông Cựu Chiến binh Phạm Việt Anh có cãi nhau, ông cãi bà, hoặc bà cãi ông, hay hờn nhau giận nhau một câu cũng không có. Nhà hai người luôn là tấm gương “gia đình văn hóa” cho các hộ khác noi theo. Từ việc vợ chồng hòa thuận, đến con cháu ngoan hiền lễ phép (nói nhà Thảo Anh), và cả chuyện trong nhà, vợ kính chồng, chồng trọng vợ cũng được bà con trong xóm bàn tán dữ dội. Vậy mà nay đùng một cái lại nghe tin hai người đánh nhau, ai tin được chứ, chuyện này chắc là mấy ông bịa ra lừa bịp nhau thôi…

– Có thật bà ngoại ghét nhà Thảo Anh hông mậy? Mọi khi qua nhà rủ Thảo Anh đi học, tao thấy bà ngoại nói chuyện với nó bình thường mà.

Thu Thảo dẹp luôn cái bút lông viết bảng, bắt đầu nhập cuộc, tò mò.

– Tại mày không để ý thôi, bả thấy vậy chớ hấy con Thảo Anh muốn lọt tròng mắt. Với anh Trường còn dữ nữa…

Hiếu nghĩa nhún vai, rùng mình, tay trái lật lật xem sấp đề cương bài tập Hóa, ánh mắt Hiếu Nghĩa trầm tư, cố tình cúi xuống lảng tránh ánh mắt của những người kia. Cậu là bạn thân cùng xóm thân thiết nhất của Thảo Anh, bạn học cùng lớp từ năm mẫu giáo tới năm lớp 12. Bạn thân 18 năm, có thể gọi là bạn thân chí cốt mai rùa được rồi.

Bích Ngân thấy Hiếu Nghĩa cụp mắt, thì nhẹ cười một cái. Đều gọi nhau là bạn thân, nhưng mỗi người trong nhóm đều có những khoảng thời gian chơi thân khác nhau. Thảo Anh thân với anh em Hoàng Nam, Hoàng Nghị 2 năm cấp ba. Thân với Tú Oanh 4 năm tính từ lớp 9. Thân với Bích Ngân và Thu Thảo từ lớp 6. Và lâu nhất, chính là thân với Hiếu Nghĩa, 18 năm.

Cái khoảng thời gian người ta đã có thể gọi nhau là tri kỷ, vậy mà suốt những năm tháng hai người là bạn bè đó, chỉ có mỗi Hiếu Nghĩa là hiểu Thảo Anh nhất. Hiếu Nghĩa từng chút nhỏ một đều hiểu hết Thảo Anh, từ dáng đi, dáng đứng, cái nhép miệng, thậm chí chỉ là một cái nháy mắt. Từ nhỏ Hiếu Nghĩa và Thảo Anh đã chơi chung, từ lúc vừa lọt lòng đến nay hai người đi đâu cũng đều như hình với bóng, thiếu một đứa là đứa kia mặt trù ụ như ai ăn hết của.

Ở trong xóm hai người được các cô các chú thân thương trêu bằng cách gọi “đôi bạn trẻ”. Hiếu Nghĩa và Thảo Anh thân nhau đến mức, nhìn vào người ta còn tưởng đó là đôi vợ chồng trẻ.

Bích Ngân cười gượng gạo, thanh mai trúc mã, cô sẽ chẳng còn cơ hội.
-•-

Quốc Trường (anh hai Thảo Anh) cầm cái nón lưỡi trai quạt quạt để giảm cái nóng của cơn nắng buổi trưa gay gắt ở vùng quê này, xe đạp dựng dưới tán cây tra bên đường, anh mở nắp bình đá nhỏ tu một hơi nước lạnh để làm dịu cái nóng nực trong người. Áo sơ mi bạt màu của anh lấm lem mồ hôi và đất cát trộn hồ, đôi bàn tay chay sờn liên tục đưa lên chùi ngang mấy giọt mồ hôi. Nắng trưa gắt quá.

Bình đá nhỏ treo ngay đầu xe bị gió đánh lắc lư qua lại, Quốc Trường với gương mặt anh tuấn nheo nheo mắt để thu rõ tầm nhìn những người từ đằng xa bởi cơn nắng trưa làm chói mắt. Nhìn thấy cô em gái đang te tởn chạy ra, Quốc Trường leo lại lên xe khi thấy Thảo Anh từ trong hẻm nhỏ xách balô chạy ra.

Thảo Anh vừa ra tới tay đã chộp ngay bình đá mở nắp dốc ngược lên uống. Chạy ra tới đây cũng mệt chết cô rồi.

– Hết nước rồi, còn đá không à!

Quốc Trường gỡ balô trong tay Thảo Anh đem đeo trước ngực mình, thấy em gái như chết khát dốc ngược cái bình đá lên uống nước, đến cả buông ra miệng nhỏ còn có dấu nước khi mấy cục đá bị dốc ngược chạm trúng vào mặt. Anh phì cười, vội cũng không cần phải mất nết cỡ đó…

Thảo Anh cũng không thèm nước nữa, đóng nắp liền ngước mặt hỏi anh hai chuyện chính.

– Ai đánh thắng?

– Thắng cái đầu cưng ớ. Mẹ điện cưng hông được nên kêu anh đi kiếm, mẹ nói ông ngoại lên kiếm cưng.

– Kiếm em làm gì, em hứa mai mới xuống nhà ngoại nữa mà?_Thảo Anh cắn môi nghĩ nghĩ.

– Biết đâu. Lẹ đi, anh chở về!

– ĐI!

Thảo Anh hưng phấn giơ cao tay như kiểu người chiến thắng, lệnh cho cấp dưới theo yêu cầu mình thẳng tiến về nhà, tâm thế phấn khích nên ở phía yên sau xe đạp miệng thích thú hát.

– Về mà nghe tin hai ông bà đánh nhau, về hóng tin bà mụ già bị mẻ trán. Anh vui không chứ em thì vui lắm? Ten ten ten, ten ten ten tèn… Haha, cho chừa bà già. Thế mới biết mùi đời…

– Muốn bị ăn đòn không mậy? Dị là hỗn biết chưa?_Quốc Trường mắng em gái.

– Anh không biết bả đối xử với mẹ con mình sao hả? Không căm à?_Thảo Anh liếc mắt nói.

– Anh ghét, nhưng cưng đừng khẩu nghiệp giống mấy con mụ đó dùm cái. Mình biết trong lòng mình được rồi. Sống sao sau này đừng để người ta khinh nữa, chửi ra miệng trả báo tới khi nào hông biết đó.

– Oh~

Thảo Anh gật gù xem như đã hiểu. Hai chân vui vẻ đung đưa trước sau không thèm gác lên bàn chống, phấn khích ngửa mặt cười. Tâm trạng hôm nay vui vì điều gì vậy. Cái nóng ở vùng quê này cũng dễ chịu quá đó chứ…

“Ing.Ing”

Tiếng còi xe hơi vang lên ở phía sau. Thảo Anh nhiều chuyện đưa đầu quay đi tứ phía tìm kiếm, thấy chiếc xe bốn bánh to đùng phía sau lưng chạy chậm dần liền sáng mắt mê ly. Mẹ ơi, xe to đùng, bóng loáng. Đại gia chăng, về quê tìm vợ. Nước ngoài sao? Ố, ô, ồ. Thảo Anh mắt tràn ngập tim đỏ, dính trân vào chiếc xe dừng ở kế bên, sát mình chỉ cách khoảng 70cm. Hai tay để trên eo anh hai, Thảo Anh bối rối níu chặt áo anh. Ló ra hỏi đường chắc chắn là một anh đẹp trai, body chuẩn, tóc vàng, mắt nâu, nước da trắng, mũi cao, môi đỏ, móng tay dài, mang cao gót… À, à. Thảo Anh lố rồi, người kia chỉ cần đẹp trai thôi là đủ làm gục cô.

Quốc Trường lịch sự thắng xe dừng vào trong lề, đợi chiếc xe hơi sang trọng kia dừng ngang tầm mình mới ngó đầu nhìn. Có lẽ người ta đang hỏi đường.

– Em trai, cho anh hỏi đường nào vô nhà chú Việt Anh vậy em?

Anh chàng đẹp trai đúng như tưởng tượng của Thảo Anh, da trắng, mắt nâu, môi đỏ, cao gót. À không, lại lố rồi. Đẹp trai, sơ mi trắng, tóc đen vuốt ngược, đeo kính thư sinh khá chững chạc. Vừa thấy anh ló ra từ cửa sổ xe, Thảo Anh ngay lập tức bị hớp hồn, nhưng không đến mức ngu mụi. Nghe anh trai kia hỏi nhà ông ngoại mình thì giật mình. Đại gia nào về tìm ông ngoại đây, còn đi tới cả xe bốn bánh. Chơi trội vậy.

Thảo Anh giữ bình tĩnh trước độ đẹp trai của người kia, tiêu hóa xong câu hỏi, liền chồm người ra hỏi anh hai.

– Hỏi nhà ngoại hả?

Quốc Trường cũng đồng thời nhìn em gái như muốn xác nhận, họ chính là đang muốn hỏi nhà ông ngoại. Nghe em gái hỏi thì đã có câu trả lời, cả xóm có mình ông ngoại tên Việt Anh chứ ai vào đây nữa.

– Anh cứ chạy hết đường này, rẽ phải qua cái cầu đằng kia, anh chạy thẳng chút nữa là thấy cái chòi nhỏ nhỏ, anh hỏi ông cậu gửi xe đó đi, chứ đường nhỏ với lại có cầu ván, anh chạy xe không được đâu. Có cái đường đất nhỏ đi vô, bỏ hai cái nhà là tới rồi. Cái nhà có giàn mướp với mấy cây so đũa ở trước ớ anh.

Quốc Trường ngay lập tức chỉ đường cho vị khách lạ chắc là lần đầu về xóm, cũng không hỏi thêm anh ta tìm để làm gì, có việc gì. Ai bà tám cứ hỏi, nhà anh ba người không nằm trong diện đó.

Người con trai kia được chỉ đường thì gật đầu cảm ơn, trước khi lái xe đi còn thân thiện vẫy tay chào Thảo Anh ngồi ở phía sau xe đạp, cô bé nãy giờ cứ luôn chăm chăm nhìn anh không chớp mắt. Anh cười rồi vẫy tay chào, nhanh chóng lái xe đi.

Xe của vị khách lạ đã chạy xa, Thảo Anh mới đánh vai anh hai, hỏi.

– Anh hai! Chẳng lẽ là cái tên gì mà… Ông ngoại hay nói em, gả em cho cháu ông ngoại Cửu á. Có không ta~

– Ừ he! Hên xui nghe. Dám lắm à_Quốc Trường nhíu mày nghĩ nghĩ.

– Ô hay, chồng em đẹp trai vậy luôn hả? Haha, về lẹ đi anh hai, về lẹ, nói ông ngoại cưới liền đi. Đẹp trai quá rồi. Cha mẹ ơi, trai Sài Gòn có khác. Tóc vuốt vuốt keo… Áaaa~~

Thảo Anh phấn khích đến động tay đánh đồm độp mấy cái lên lưng anh hai. Trai đẹp của cô về làng, độ này mà đi khoe chắc mấy đứa bạn ngưỡng mộ cô lắm lắm lắm đây.

– Mày bớt đi!

Quốc Trường mạnh tay lúc lắc cái xe đạp để tỉnh ngộ em gái trước trận mê trai vừa rồi. Quay đầu vả vô mặt Thảo Anh hai cái đủ để làm cơn mê sảng không tái phát nữa, nắng trưa đúng là tai hại mà. Em gái bé bỏng từ khi nào không muốn lấy chồng lại vì mê trai đẹp mà phấn khích viễn vong đến vậy. Còn hão huyền định đi khoe mấy đứa bạn. Anh đang lo hai đứa chẳng biết nhau này khi về chung một nhà sẽ có cái cuộc sống hôn nhân giống y như ba mẹ. Vậy mà người trong cuộc vẫn nhởn nhơ đứng đây nói đùa như thật. Chả hiểu đầu heo nó cấu tạo bằng gì mà vô tư nghịch ngợm đến vậy.

Ấm ức quay lại vỗ đầu Thảo Anh một cái, Quốc Trường nhăn trán bất mãn, nắng trưa như này mà không một cái nón đội, phơi não sao?

Quốc Trường gỡ cái nón kết mình đội cho lên đầu em gái, còn mạnh tay vỗ lên đầu nón một cái như ý trách. Không đội nón là vì dùng bằng năng lượng mặt trời nên trưa nắng tốt tranh thủ đem ngâm não sao? Nạp năng lượng bằng cách này xem ra cũng quá mạo hiểm rồi. Nắng trưa gắt thế này không say nắng bị bệnh thì cũng làm chóng mặt, đau đầu suốt mấy ngày liền chứ chơi.

Quốc Trường phóng xe đạp đi. Con bé em này đúng là xài bằng pin mà. 18 tuổi mà ngẩn ngơ như đứa dại, cậu trai lúc nãy mà đúng thật là chồng nó chắc 30 giây đã chạy biến vì độ chập dây này quá. Thật lo khi gả đi mà…

Thảo Anh không để ý mọi thứ xung quanh, kể cả tác động từ anh hai, từ anh lườm, anh mắng, và anh đánh, Thảo Anh vẫn an nhiên cười như thể vừa được khen. Tay đỡ đầu nón kết lên khi bị người phía trước đánh cụp xuống, xong vòng tay ra ôm chầm eo anh hai, mặt cũng áp vào tấm lưng người con trai đang đèo mình trên xe đạp giữa trời nắng trưa này.

Thảo Anh hạnh phúc nhắm mắt cảm nhận sự êm ái của tấm lưng rộng lớn, cảm giác này chưa từng có, từ khi nhỏ cho đến lớn, Thảo Anh luôn mong một lần được ba chở đi học như thế này. Tấm lưng vững vàng như núi, ở phía trước chịu mưa, chịu gió che chắn cho con gái ở phía sau. Hai cha con cùng nhau chạy mưa trú vào một bụi cây nào đó, con gái tinh nghịch đưa tay hứng nước mưa rơi trên lá, ba dịu dàng phủi bụi mưa trên tóc thắt bím cho con gái. Về nhà trước sự đón đợi của mẹ, nụ cười trông ngóng của anh hai khi ngoài trời mưa anh lo em gái nhỏ bị ướt. Sau cùng là gia đình ngồi chung mâm cơm nhỏ đạm bạc, cùng thổi chén cơm nóng, cùng chia nhau con cá, cảm giác ấm áp nhẹ nhàng của tình thâm. Cuộc sống màu hồng chính là như vậy.

Thảo Anh ôm chặt anh hai, thỏ thẻ.

– Em không muốn xa anh hai chút nào, chồng tương lai.

– Tiêu chuẩn chồng như anh hai cũng quá cao rồi đó. Haha…

– Anh bớt!

– Haha, thấp xuống chút cậu trai Sì phố Khang Khang gì đó may ra còn có thể cam chịu mà lấy cưng…

Thảo Anh mặt bất lực hờn dỗi đánh lưng anh hai.

Cô đang tự hỏi, anh hai này có phải thật là anh hai cô không, sao tối ngày toàn nói xấu, tâng bốc lên một cái có lỗi với lương tâm sao? Dối lòng làm em gái vui cũng không phải tội mà, sao phải kiểu nói chuyện chặt chém nhau mới hài lòng vậy chứ.

Anh hai thật ghét.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN