Gặp Người Đúng Lúc - Phần 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4681


Gặp Người Đúng Lúc


Phần 14


Lúc tôi mở mắt ra đã thấy mình nằm trên một tảng đá to, khắp người bị đá tai mèo lẫn gai của cây dại cào rách hết cả da thịt.

Xung quanh không hề có một ai, tôi ngẩng đầu lên nhìn mới thấy mình đang nằm ở lưng chừng đồi, cơn mưa kia đã tạnh và bầu trời đã chuyển về ráng chiều muộn rồi, mặt trời như một quả cầu lửa đỏ rực chuẩn bị khuất sau dãy núi phía xa xa.

Tôi nặng nề chống tay ngồi dậy, thấy xương cốt khắp người như bị dần một trận, đau nhừ hết cả. Nghĩ đến lúc nãy tảng đất kia rơi xuống, may mà nó đẩy tôi trượt xuống mỏm đá này thì mới sống sót được, nếu như ụp hết cả vào người thì chắc bây giờ tôi đã đến chầu Diêm Vương rồi, không khéo đã đến cả Cầu Nại Hà để uống canh Mạnh Bà rồi cũng nên.

Sợ trời tối khó đi nên dù đau chết đi được, tôi vẫn bẻ một cành cây làm gậy chống rồi lặc liễng lần mò tìm cách lên con đường mòn về bản. Nhìn từ chỗ tôi đến đó thì thấy gần, thấy cả tảng đất đổ xuống lẫn mấy bóng người ở trên đó nữa, nhưng đến lúc đi lên mới thấy xa ơi là xa. Đi đến mức hai bàn chân phỏng nước hết cả cũng chưa đến được, mãi sau khi ánh sáng cuối cùng trong ngày sắp vụt tắt, tôi mới nghe tiếng người từ chỗ sườn đồi vọng đến:

– Anh đừng đào nữa, mấy tiếng rồi, bây giờ đào lên cũng chưa chắc đã còn sống. Anh đừng đào nữa.
– Sếp ơi tay sếp chảy máu rồi. Sếp đừng đào nữa.

Người kia không nói gì, tiếp theo lại vọng đến một âm thanh khác khuyên can:

– Đá ở dưới này to lắm, nãy lấy cả xà beng cũng không bậy nổi, tay không không đào được đâu.
– Tránh ra.

Nghe giọng của Quân, hai bàn chân đã ứa máu của tôi như được tiếp thêm sinh lực, tôi cố sống cố chết chống cây gậy đã nát đầu để đi về phía anh. Bản tính tôi kiên cường, khi chỉ có một mình đối diện với tất cả, tôi luôn tự nhủ mình rằng không được sợ hãi, không được khóc, phải cố để lên được với mọi người. Nhưng mà bây giờ, khi sắp được gặp lại một người, bỗng nhiên lý trí tôi không thể chống đỡ được nữa, như một đứa bé bị đánh vẫn nhất quyết không khóc nhưng khi có người dỗ thì lại khóc tức tưởi. Tôi muốn nhìn thấy anh, muốn nghe giọng anh, trải qua một lần sắp chết tôi sợ rồi, bây giờ chỉ có nhìn thấy anh là tôi mới yên tâm được thôi.

Tôi vừa đi vừa lết lên chỗ mọi người, không còn hơi để gọi mà chỉ cố giữ sức để bò được đến. Khi khung cảnh trước mặt tôi hiện ra, cảm giác đầu tiên của tôi lúc đó chính là bất ngờ, sau đó là không thở được… ngực bị đè ép đau quá nên không thở được.

Người đàn ông mặc sơ mi đen ấy đang quỳ dưới đất, mười đầu ngón tay dính đầy máu lẫn với bùn liên tục cào đất, sắc mặt anh lạnh lùng không biểu cảm, mặc kệ những lời can ngăn của người khác, chỉ dùng mỗi tay không để đào đất lên tìm tôi.

Chẳng trách lúc nãy mấy người kia cứ luôn miệng nói “anh đừng đào nữa, đừng đào nữa”. Thì ra tay đã toác ra như thế mà còn cố đào, đào một cách bất lực như thế chẳng khác gì đang tự làm tổn hại bản thân mình.

Lúc đó, tôi cũng muốn hét lên, bảo anh đừng đào nữa, ở đó toàn đá to thế, những người ôm cuốc xẻng đứng bên cạnh anh còn không làm gì được, anh dùng tay không làm sao mà đào nổi. Tôi ở đây rồi, tôi đã về với anh đây rồi, tôi có chết đâu…

Nhưng tôi cứ há miệng mà không hét được, tôi không thở được nên không hét được, tim tôi giống như có một mũi tên xuyên qua, lúc ấy mới biết hóa ra cảm giác chứng kiến một người vì tôi làm những điều này còn đau đớn hơn cả lúc bị phản bội gấp nhiều lần. Khó chịu đến tê liệt đầu óc, muốn nói gì đó mà không há miệng nổi, chỉ có nước mắt lăn dài.

Tôi cố hít sâu mấy hơi, hít cho đến khi ngực bị đè nặng sắp vỡ ra thì thôi, lát sau thấy đủ sức nói chuyện rồi, tôi mới chậm chạp gọi ra một câu:

– Anh ơi…

Tất cả mọi người đang tập trung đào đất, nghe thấy giọng của tôi mới đồng loạt quay đầu lại. Người kinh ngạc, người thì hốt hoảng gọi tên tôi, người thì buông cuốc xẻng định chạy lại.

Anh cũng vậy, mười đầu ngón tay đang cào cũng đột nhiên sững lại, ngẩng lên nhìn tôi.

Lúc ấy, đôi mắt lạnh nhạt thường ngày của anh hoàn toàn biến đổi, tôi nhìn thấy một đốm lửa lẫn một chút long lanh trong đó, hai mắt anh vằn lên toàn là máu, nhìn chằm chằm tôi vài giây rồi bỗng nhiên đứng dậy, bước nhanh về phía tôi.

Tôi cũng buông cây gậy ra đứng thẳng người, chân đau lắm rồi nhưng bây giờ tôi chỉ quan tâm đến anh thôi, chỉ muốn chạy lại với anh thôi, thế nên tôi cũng mặc đau đớn đi lại phía anh.

Khi chúng tôi đến gần nhau, anh không nói không rằng câu nào đã vươn tay ôm chặt tôi vào trong lòng, chặt đến mức tôi không thể thở được, anh nói:

– Có làm sao không? Có làm sao không?
– Không, không sao… Đây này, vẫn còn sống đây này. Anh có làm sao không, tay đau không?

Quân liên tục lắc đầu:

– Không sao, không sao.

Ở trong lồng ngực vững chãi của anh, cảm giác sợ hãi của tôi đột nhiên biến mất, bao nhiêu đau đớn cơ thể cũng dường như quên đi. Tôi rất muốn òa khóc một trận, muốn hỏi rất nhiều điều nhưng vì xung quanh còn có bao nhiêu người đang nhìn nên không dám khóc, chỉ run run bảo Quân:

– Không sao rồi. Bỏ ra đi, người khác đang nhìn mình kìa.

Anh nghe thế mới chậm chạp buông tôi ra, hít sâu một hơi, lát sau mới nhìn từ đầu đến chân tôi một lượt. Thấy người tôi toàn máu là máu, nhất là ở dưới chân, anh bất chợt nhíu mày.

Quân định nói gì đó nhưng bỗng dưng Yến lao lại ôm lấy tôi, hai mắt nó sưng húp đỏ hoe, nó nói:

– Chị đi đâu thế, đi đâu mà biến mất thế. Em cứ tưởng chị… tưởng chị…

Nó nói đến đây thì cổ họng nghẹn lại, không nói được nữa mà chỉ khóc tu tu. Tôi vừa thương vừa buồn cười nhưng mà không nỡ cười:

– Chị có sao đâu, may thế, ăn ở tốt nên vẫn sống nhăn. Nín đi, đừng khóc nữa.
– Tại chị đấy, hứa về Hà Nội đi mua quần áo với em rồi, giờ mà chị không đi được nữa… thì em tìm ai đi cùng.
– Ừ rồi, thôi về, về đi cho chị tắm cái, bẩn quá rồi.

Mọi người ở đó cũng xúm lại phía tôi, mỗi người hỏi thăm vài câu, xong thấy chân tay tôi máu me quá nên lại nhanh chóng giục tôi về để tắm rửa sơ cứu.

Quân sợ tôi không đi được nên bảo:

– Lên đây cõng.

Lúc nãy xúc động quá nên tôi không xấu hổ, giờ bình tâm lại một tý thì lại bắt đầu thấy ngại. Tôi ngượng không dám trèo lên nhưng mà các anh chị trong đoàn, nhất là anh Quý cứ bảo tôi:

– Linh lên anh Quân cõng đi em, chân em thế đừng đi nữa. Toác hết máu ra rồi.
– Nhưng mà tay anh Quân…

Tôi chưa kịp nói xong thì anh đã ngắt lời:

– Lên đây.

Mọi người đã nói thế thì tôi không cãi nữa, tôi trèo lên lưng anh để anh cõng về. Dọc đường, mọi người trò chuyện với nhau, chỉ có tôi với Quân là không nói gì. Mãi sau lúc sắp về đến bản, tôi mới gục đầu vào cổ anh. Tôi hỏi rất khẽ:

– Tay anh còn đau không?
– Không.
– Thế mà không đau à? Anh cào đất thế làm gì, sao không lấy xà beng?
– Xà beng lỡ chọc trúng người thì sao?
– Còn hơn là dùng tay không, toác hết đầu ngón tay ra rồi.

Quân không trả lời mà chỉ lặng lẽ cõng tôi đi trên con đường mòn đầy đá khấp khuỷu, tôi thương anh, thương cái tính lúc nào cũng tỏ ra hờ hững nhưng bên trong thì tốt với tất cả mọi người của anh. Tôi hít sâu một hơi, ôm lấy cổ anh thật chặt:

– Cảm ơn anh nhé, anh là người đầu tiên tốt với tôi thế.
– Mệt thì cứ ngủ đi, khi nào về đến nơi tôi gọi.
– Không ngủ.

Tôi nhắm mắt, không đợi anh hỏi mà đã tự lẩm bẩm trả lời:

– Sợ ngủ rồi tỉnh dậy không thấy anh nữa. Lúc nãy rơi xuống, tôi cứ nghĩ không gặp được anh nữa.

Tôi nói đến đây thì đột nhiên thấy mí mắt mình trĩu nặng, dường như phải gồng mình trèo lên sườn đồi khi bị thương như thế, cơ thể tôi đã cạn kiệt hết sức lực mất rồi, lúc ấy mới cảm nhận toàn thân mệt mỏi, chỉ muốn gục vào vai anh ngất đi.

Trước lúc tôi thiếp đi, tôi thấy bàn tay anh khẽ siết lấy cổ chân tôi, anh nói gì đó nhưng tôi nghe không rõ, chỉ nhớ được lúc ấy giọng Quân rất từ tốn và dịu dàng, không lạnh lùng giống như thường ngày hay đấu khẩu với tôi.

Ngủ một giấc rất dài, khi tôi tỉnh dậy thấy mình đã nằm trong lớp học của bản, xung quanh có Yến với mấy người nữa trong đoàn của chúng tôi.

Mấy bạn bác sĩ chưa chồng tỏ ra khó chịu với tôi ra mặt, chỉ có hai chị bác sĩ bên khoa nội với cả Yến, thấy tôi mở mắt thì rối rít hỏi:

– Sao rồi, thấy sao rồi chị? Còn đau không?
– Ôi…

Tôi uể oải thử nhấc cánh tay, thấy trên đó được khử trùng với cả băng lại rồi, chân cũng thế. Tôi bảo:

– Có khâu mũi nào không?
– Không, tay thì không đến nỗi phải khâu nhưng chân thì bị rách nhiều lắm, em khử trùng với băng lại hết rồi. Mai về Hà Nội phải chụp Xquang xem xương cốt thế nào, nãy em sờ thấy không gãy nhưng vẫn phải chụp lại cho yên tâm. Chị thử vận động xem có thấy sao không?
– Không sao đâu, lúc trèo lên chị thử rồi. Nếu có thì cũng chỉ rạn thôi.
– Mà lúc đó chị ở đâu, sao tự nhiên lại bị thương hết thế này.
– Cuốn theo dòng đất đá trôi xuống dưới. May mà không bị vùi, với cả cuốn theo dòng nên lúc rơi xuống cũng không đau mấy nữa.
– Chỗ nào, sao chị không gọi mọi người xuống cứu mà lại trèo bộ lên. Ở đó toàn gai góc rắn rết, dốc đứng nữa, lỡ lăn xuống thì làm sao.
– Điện thoại vỡ nát rồi, với cả cao thế có gọi cũng không ai nghe. Mà thôi, giờ chị sống rồi mà. Bị thương tý thôi. Lâu nay chăm sóc bệnh nhân mãi, giờ thử làm bệnh nhân một lần xem thế nào.
– Chị đói không? Em lấy cháo cho chị ăn nhé, nãy mấy cô trong bản nấu cháo đấy. Họ bảo đắp lá gì nhanh khỏi ấy, hái cho chị một nắm lá, em nhận rồi. Đợi khi nào gần lành thì đắp.
– Ừ, cũng được, chị cũng đói rồi đây.

Ăn xong một tô cháo, tôi mệt nên lại lơ mơ thiếp đi. Ngày hôm sau tỉnh dậy từ rất sớm để ra suối rửa mặt với Yến, nó bảo cứ ở yên trong lớp, nó mang nước về để tôi đánh răng nhưng tôi không chịu. Đau chân một tý nhưng tôi vẫn lết đi được, với cả hôm nay là ngày cuối cùng ở đây rồi, tôi tiếc những điều vụn vặt như thế nên mới cố đi.

Yến giặt một chiếc khăn mặt, đưa cho tôi:

– Hôm qua anh Quân lo cho chị lắm đấy. Em đã nói là anh ấy thích chị mà, chị cứ không tin.
– Mày còn lo khóc sưng cả mắt kìa.
– Nhưng mỗi em khóc sưng mắt, mọi người trong đoàn cũng lo nhưng không ai như anh Quân cả. Chị không biết đâu, lúc ấy trời mưa, mọi người sợ đất lở tiếp nên không ai dám đào tìm chị cả. Chỉ có mỗi anh Quân là bất chấp mưa để đào cứu chị thôi.
– Thế à?
– Đấy thấy chưa, như thế đã đủ thấy anh ấy quan tâm chị hơn mức bình thường rồi đúng không?
– Ừ. Thì bạn bè bình thường mà, với cả lúc anh ấy bị đứt cơ, chị chẳng khâu cho anh ấy còn gì.
– Không phải kiểu đấy, có bạn bè nào mà bất chấp nguy hiểm để làm thế không? Mấy người trong công ty anh ấy lúc đầu cũng không dám đào nhé, xong thấy sếp đào cũng xông vào đào, đoàn mình thấy thế cũng đào, dân ở bản thì chạy về lấy cuốc xẻng. Lúc sau đào đến cái tảng đá to to rồi, chịu không đào được nữa, xà beng cũng không bậy được, thế mà anh Quân cứ lấy tay cào xung quanh tảng đá đó. Chảy máu toác hết đầu ngón tay mà ai nói cũng không thèm quan tâm luôn. Em thề, chị mà chứng kiến cảnh trời thì mưa, bùn đất nhão nhoét, anh ấy ngồi dưới mưa đào đất tìm chị, em đảm bảo chị có chết dưới cái đống đất đấy cũng mãn nguyện.

Nghe Yến nói thế, không hiểu sao cảm giác hôm qua lại ùa về một cách mãnh liệt, xúc động có, ngọt ngào có, thương xót có, quan trọng hơn là trái tim của tôi càng lúc càng rung động vì một người nhiều hơn.

Trong bụng thì ngọt như ăn cả thìa đường rồi nhưng ngoài mặt tôi vẫn giả vờ nói:

– Chị đã bảo mày xem phim ngôn tình ít thôi.
– Em thề cảnh đó còn lãng mạn hơn cả trăm bộ phim ngôn tình em từng em nhé. Anh Quân đúng là mẫu đàn ông lý tưởng nhất trên đời đấy. Đã giàu đã đẹp trai rồi còn tử tế, lúc hoạn nạn mới biết lòng nhau đúng không?
– Lúc hoạn nạn thì ai cũng phải cứu. Mình làm bác sĩ cũng phải thế.
– Nhưng anh Quân khác, mọi người bỏ cuộc hết rồi, em cũng đang còn khóc tưởng chị toi thật rồi, chỉ có mỗi anh ấy là không bỏ cuộc thôi.

Tôi cười, quay đầu nhìn dòng nước suối trong vắt đang chảy dưới chân, lòng cũng mềm mại tựa như nước:

– Chị vẫn sợ lắm. Thôi cứ để mọi chuyện tự nhiên đi. Trời cho đến đâu mình hưởng đến đó, quen được người như thế là chị cũng thấy vui rồi.
– Chị cố lên, em ủng hộ chị với anh Quân cả hai tay hai chân.
– Rồi rồi, biết rồi cô nương. Tranh thủ rửa mặt bữa cuối cùng ở đây đi, mai về Hà Nội lại quay về nước máy khử Clo thôi.
– Nước trong mát chị nhỉ? Trong veo, thấy cả cá.
– Ừ, trong veo.

Ăn sáng xong, chúng tôi chào người dân bản Nhóm một để quay về Hà Nội. Người dân trong bản mỗi người biếu chúng tôi một ít quà Tây Bắc, người thì mang cả cặp gà đang còn sống, bỏ vào lồng gà đem cho, người thì gửi ít rau rừng, người thì tặng cả một xâu thịt gác bếp. Đoàn chúng tôi không nhận nhưng trưởng bản cứ dúi vào tay bằng được:

– Các cán bộ lên đây khám bệnh miễn phí cho người dân bản tôi, còn cho quà, nhất là anh Quân còn tài trợ miễn phí tiền cho các cháu học sinh xây lớp học mới, tài trợ cho bản xây nhà văn hóa mới nữa. Người dân chúng tôi cảm ơn không hết, có ít quà gửi các cán bộ mang về. Các cán bộ phải nhận thì chúng tôi mới vui.
– Nhiều quá chú ạ, chúng cháu không ăn hết nhiều thế này đâu. Chúng cháu chỉ lấy một ít thôi ạ.
– Không được. Không ăn hết thì mang về chia cho người nhà nữa. Sau này có dịp nhớ lên thăm bản chúng tôi nữa nhé. Người dân bản tôi cảm ơn nhà nước, cảm ơn các cán bộ.

Lúc chưa đi thì sợ quãng đường xa, lúc trở về thì bồi hồi không muốn rời. Cả đoàn ai cũng bịn rịn, nhất là tôi. Ở nơi đây có nhiều thứ đáng để tôi ghi nhớ, nhất là bước ngoặt trong chuyện tình cảm với một người nữa, giờ chia tay người dân bản Nhóm một cứ thấy buồn buồn thế nào ấy.

Đang mải mê tiếc nuối thì tự nhiên thấy có ai đó giật áo mình, tôi quay lại thấy thằng nhóc A Đàn đứng sau lưng, nhìn tôi cười:

– Cô Linh ơi… cô Linh.
– Ơi, A Đàn hôm nay nhìn đẹp trai thế?
– Quần áo chú Quân cho A Đàn đấy, chú Quân còn cho cả A Đàn nhiều kẹo nữa cơ.

Mấy hôm trước nó gặp tôi, mặt mũi nhem nhuốc bẩn thỉu, chân không giày dép, hôm nay đã có quần áo sạch sẽ mặc, còn đi cả dép quai hậu nữa. Nó nói những thứ này là Quân cho nó, làm tôi cũng phải vô thức ngẩng đầu lên nhìn anh.

Anh đứng lặng lẽ một góc, nói chuyện gì đó với mấy cụ già trong bản. Tôi để ý sắc mặt của anh lúc đó rất cẩn trọng khiêm nhường, hệt như hôm đến nhà tôi. Lúc ấy mới biết con người anh có đôi lúc thật kỳ lạ, lạnh lùng với hết thảy nhưng lại luôn kính cẩn khi cần, âm thầm để ý cả những điều vụn vặt, giúp đỡ ai cũng chẳng đòi hỏi báo đáp nửa lời.

Hình như tôi lại thích anh thêm một ít rồi thì phải.

– A Đàn học giỏi rồi sau lớn xuống Hà Nội với cô Linh chú Quân nhé. Cô chú chờ A Đàn đấy.
– Vâng ạ. Hôm trước chú Quân cũng bảo A Đàn học giỏi, chú Quân sẽ mua xe đạp cho A Đàn, cả đồ chơi nữa cơ.
– Đúng rồi, phải học thật giỏi.
– Thế cô Linh có lên thăm A Đàn nữa không?
– Khi nào cô Linh lên trên này khám bệnh nữa thì cô Linh thăm A Đàn nhé.
– Vâng, cô Linh nhớ rủ cả chú Quân cùng lên nhé.
– Ừ rồi. Rủ cả chú Quân.
– A Đàn cho cô Linh cái này này.

Nó bẽn lẽn xòe bàn tay đang giấu sau lưng ra, cầm một túi bóng đựng mấy quả thanh mai chín đỏ đưa cho tôi. A Đàn bảo:

– Thanh mai A Đàn đi hái đấy, cô Linh cầm về ăn nhé, có cả phần của chú Quân nữa.

Viền mắt tôi bỗng nhiên nong nóng, tự nhiên cứ thấy sống mũi cay xè. Tôi sống ỏ Hà Nội nhiều năm, cuộc sống cũng gọi là chưa từng thiếu cái gì, bây giờ lên đây nhìn những đứa trẻ không có nổi một manh áo lành, không biết youtube hay đồ chơi siêu nhân là gì, vậy mà đi hái từng quả thanh mai để làm quà cho tôi mang về Hà Nội. Tôi mới hiểu, điều ở thành thị khác nơi hoang vu này nhất chính là tình cảm giữa người với người.

Đi bộ ra khỏi vùng bản nghèo Nhóm Một, chúng tôi lại lên xe ngựa lắc lư để quay về chỗ đỗ xe ô tô. Ngồi trên xe tôi cứ ngước lên đỉnh đồi cao chót vót kia nhìn mãi, nhìn mãi, dù không còn thấy nóc nhà hay thấy khói bếp bay lên nhưng vẫn cứ bịn rịn muốn nhìn.

Mãi sau rời khỏi con đường ngoằn nghèo xóc nảy đó rồi, tôi mới lấy điện thoại ra nhắn tin cho Quân:

– Anh có quà này.
– Quà gì?
– Thanh mai. A Đàn tìm thanh mai trái mùa hái cho anh đấy. Nó bảo khi nào anh lên bản lần nữa, nó hái cả táo mèo về cho anh ngâm rượu.
– Ăn đi.
– Anh không ăn à? Tấm lòng của A Đàn mà.
– Sợ ăn hết mất.

Tôi đang buồn mà đọc tin nhắn đó cũng phải phì cười. Cứ tưởng Quân không thích ăn mấy đồ này, hóa ra cũng tiếc thanh mai như tôi, tiếc kỷ niệm nên không dám ăn. Tôi nói:

– Sau có dịp lại đi lên đây nhé, tôi thích Vàng Ma Chải.
– Ừ.
– Giám đốc tài trợ cho tôi đi nhé.
– Thích đi đâu, tôi đưa cô đi.

Yêu thích: 4.4 / 5 từ (8 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN