Giải Mật
Chương 2-2
Năm 1944, Trường Đại học N và thành phố C nơi có trường Đại học N, gặp
nhiều tai hoạ, đầu tiên là ngọn lửa chiến tranh rửa tội, sau đấy là
chính phủ ngụy của Nhật Bản giày xéo, thành phố và lòng người có những
thay đổi lớn. Khi ông Lily con nhận được thư của ông Tây, lửa chiến
tranh đã tắt. Nhưng sự hỗn loạn của chính phù ngụy gây ra đạt đến cực
điểm. Lúc bấy giờ, ông John Lily đã qua đời được mấy năm, uy tín còn lại của ông ngày một suy giảm, thêm vào đấy là thái độ bất hợp tác của
chính quyền ngụy, địa vị của ông Lily con trong Trường Đại học N khó
tránh khỏi lung lay, chính quyền ngụy coi trọng nhưng gây áp lực đối với ông, vì, thứ nhất ông là một người nổi tiếng, có giá trị lợi dụng mà
người khác không có; thứ hai, dưới triều Chính phủ Quốc Dân, họ Dung của ông bị lạnh nhạt, rất dễ bị lợi dụng. Cho nên, khi chính phủ ngụy mới
thành lập, đã khảng khái phong cho ông Lily vốn là Phó Hiệu trưởng lên
chức Hiệu trưởng, cho rằng làm như thế cũng đã đủ mua chuộc được ông.
Không ngờ, ông Lily xé quyết định tấn phong ngay trước mặt mọi người,
đồng thời để lại một câu nói rất nổi tiếng:
“Mất nước, họ Dung chúng tôi thà chết không phục tùng!”
Kết quả như thế nào cũng có thể biết, ông Lily được lòng người, nhưng bị
mất chức. Ông muốn về thị trấn Đồng để tránh cái bộ mặt đáng ghét của
chính phủ ngụy, gồm cả những con người và cuộc tranh giành quyền lực sục sôi một thời ngay trong nhà trường. Thư của ông Tây vô tình thúc đẩy
hành trình của ông. Ông nhẩm đọc những lời trong lá thư, bước xuống tàu, trước mắt hiện lên hình ảnh người quản gia trong gió mưa. Ông quản gia
ra đón, bất chợt ông hỏi:
“Ông Tây có khoẻ không?”
“Ông Tây đi rồi.” Người quản gia nói. “Đi từ lâu rồi.”
Bỗng tim ông đập mạnh, lại hỏi:
“Vậy đứa bé kia đâu?”
“Ông hỏi ai ạ?”
“Sâu Đầu To.”
“Nó vẫn ở vườn lê.”
Ở vườn lê thì ở vườn lê, nó làm gì ít người biết, bởi nó không mấy khi ra khỏi khu vườn, người nhà cũng ít khi đến đấy. Nó như một linh hồn, biết nó ở đấy, nhưng khó lòng trông thấy bóng nó. Ngoài ra, theo lời người
quản gia, có thể khẳng định Sâu Đầu To bị câm.
“Chưa bao giờ con nghe hiểu lấy một câu từ miệng nó nói ra.” Người quản gia nói. “Nó rất
ít nói, mà có nói cũng giống như người câm nói, không ai hiểu gì.”
Người quản gia nói thêm, những người làm trong nhà đều bảo rằng, trước khi
qua đời, ông Tây cũng đã cúi lạy cụ Ba, sau khi ông ấy mất, vẫn để Sâu
Đầu To ở vườn lê, không nên đuổi nó đi. Người quản gia lại nói, ông Tây
để lại cho Sâu Đầu To tất cả số vàng bạc mà ông ấy tích góp suốt mấy
chục năm trời, hiện tại có thể Sâu Đầu To đang sống bằng số của cải ấy,
vì nhà họ Dung không chi tiền ăn cần thiết cho nó.
Sáng hôm sau
ông Lily đến vườn lê. Mưa đã tạnh, nhưng mưa mấy hôm liền làm cho vườn
lê ướt át, chân giẫm lên bùn nhão, dấu chân in sâu, bẩn cả giày. Ông
Lily không trông thấy bất cứ một dấu chân người nào, mạng nhện trên cành cây, nhện vào nhà trú mưa, có con đang giăng tơ ngay trước cửa, nếu ống khói không có khói bay lên và tiếng dao cứa trên gạch, ông không nghĩ ở đây có người.
Sâu Đầu To đang thái khoai lang, nước trong nồi
đang sôi, chỉ có rất ít gạo đang loi ngoi chìm nổi. Ông Lily bước vào,
Sâu Đầu To không kinh ngạc, cũng không bực tức, chỉ nhìn ông rồi tiếp
tục công việc, tưởng như người vừa vào là ông nội của nó, hoặc một con
chó. Người nó nhỏ bé hơn suy nghĩ của ông, đầu cũng không to như người
ta vẫn đồn, có điều đầu hơi nhọn, giống như đang đội cái mũ quả dưa – có thể vì đầu cao mới không cảm thấy to. Tóm lại, cứ nhìn cái vẻ bề ngoài, ông Lily nói không có gì khác người, nhưng vẻ lạnh lùng, trầm tính của
nó để lại ấn tượng sâu sắc hơn, cái vẻ trầm mặc của người già trước
tuổi. Căn nhà chỉ có một gian thông thống, nhìn vào là có thể thấy tất
cả và chất lượng cuộc sống, nấu nướng, ăn uống, nghỉ ngơi đều rất đơn
giản, cái tủ đựng dược thảo, cái bàn, cái ghế thái sư trông còn ra dáng. Trên mặt bàn là một cuốn sách mở ra, cuốn sách khổ lớn, giấy đã cũ. Ông Lily khép cuốn sách lại để xem bìa, cuốn sách tiếng Anh “Encyclopedia
Britannica”[1]. Ông để cuốn sách xuống, nghi ngờ nhìn đứa bé, hỏi:
“Cháu đang xem cuốn sách này đấy à?”
Sâu Đầu To gật đầu.
“Xem có hiểu không?”
Sâu Đầu To lại gật đầu.
“Ông Tây dạy cháu à?”
Nó gật đầu tiếp.
“Sao cháu không nói, hay là câm?” Ông Lily hỏi, giọng nói có ý trách cứ.
“Nếu đúng cháu hãy gật đầu, nếu không phải thì nói chuyện với bác.” Sợ
nó không hiểu, ông Lily dùng tiếng Anh nhắc lại.
Sâu Đầu To đến bên bếp lò, đổ khoai lang đã thái vào nồi nước sôi, sau đấy nó dùng tiếng Anh trả lời rằng nó không câm.
Ông Lily hỏi có biết tiếng Trung Quốc không, Sâu Đầu To lại dùng tiếng Trung Quốc trả lời.
Ông cười, nói:
“Cháu nói tiếng Trung Quốc giọng điệu kì quặc như bác nói tiếng Anh, hình như cháu cũng học ông Tây phải không?”
Sâu Đầu To gật đầu.
Ông Lily nói:
“Cháu đừng gật đầu.”
Sâu Đầu To nói: “Vâng ạ.”
Ông Lily nói: “Mấy năm nay bác không nói tiếng Anh, nay nói không thạo, tốt nhất cháu nói tiếng Trung Quốc với bác.”
Sâu Đầu To trả lời bằng tiếng Trung Quốc: “Vâng ạ.”
Ông Lily ngồi vào cái ghế tựa bên cái bàn, châm một điếu thuốc, hỏi: “Năm nay cháu mấy tuổi rồi?”
“Mười hai ạ.”
“Ngoài dạy cháu đọc những sách này, ông Tây còn dạy thêm gì cho cháu nữa không?”
“Không ạ.”
“Lẽ nào ông Tây không dạy cháu giải mộng? Ông ấy là bậc thầy về giải mộng đấy.”
“Có dạy ạ.”
“Cháu biết chưa?”
“Có biết.”
“Bác nằm mơ, có thể giải cho bác được không?”
“Không được.”
“Tại sao?”
“Cháu chỉ giải mộng cho một mình cháu thôi ạ.”
“Trong mộng cháu có thấy bác không?”
“Có thấy.”
“Có biết bác là ai không?”
“Biết.”
“Là ai?”
“Hậu duệ đời thứ tám của dòng họ Dung, sinh năm 1883, hàng thứ hai mươi mốt, tên là Dung Tiểu Lai, tự Đông Tiến, hiệu Trạch Thổ, tên thường gọi là
Lily, là con trai của ông John Lily, người sáng lập trường đại học N,
năm 1906 tốt nghiệp khoa toán đại học N, năm 1912 lưu học tại Mĩ, giành
được học vị thạc sĩ toán tại Đại học Massachusette, từ năm 1926 về dạy
tại Đại học N, hiện tại là Hiệu phó Đại học N, giáo sư toán.”
“Vậy là rất hiểu bác.”
“Những người trong nhà họ Dung cháu đều hiểu rõ.”
“Cũng do ông Tây dạy à?”
“Vâng.”
“Ông ấy còn dạy thêm gì nữa?”
“Không dạy gì nữa.”
“Cháu đi học chưa?”
“Chưa.”
“Có muốn đi học không?”
“Không muốn.”
Nước trong nồi lại sôi, hơi nóng bốc lên mù mịt, có mùi thơm của khoai chín. Ông Lily đứng dậy, chuẩn bị ra vườn lê đi dạo. Sâu Đầu To nghĩ rằng ông sắp đi, bỏ nó ở lại, vội nói ông Tây để lại vài thứ cho ông. Nói rồi nó đến bên giường, lôi cái hộp giấy trong gậm giường ra, đưa cho ông Lily:
“Ông ấy nói, nếu ông về, đưa cho ông cái này.”
“Ông nào? Ông Tây à?”
“Vâng.”
“Đây là cái gì?” Ông Lily nhận cái hộp giấy.
“Ông cứ mở ra khắc biết.”
Đồ vật được gói bằng mấy tờ giấy ngả vàng, xem ra khá to, thật ra gói
nhiều lớp, mở ra, để lộ bức tượng Quan Âm chỉ nằm gọn trong lòng bàn
tay, tượng được khắc bằng thứ ngọc trắng, giữa trán có khảm một viên bảo thạch màu xanh thẫm, trông giống con mắt thứ ba. Ông Lily cầm trên tay, ngắm nghía mãi, lập tức cảm nhận được một luồng hơi mát mẻ từ bàn tay
lan toả quanh người, chứng tỏ phẩm chất thượng thặng của ngọc, những nét khắc thủ công cũng rất tinh tế, chìm trong những đường nét thủ công là
lịch sử dài lâu của nó. Có thể khẳng định, đây là vật sưu tập quý giá,
đem bán nó cũng được một món tiền không nhỏ. Ông Lily nâng niu cái
tượng, nhìn thằng nhỏ, khẽ nói:
“Bác với ông Tây không thân nhau lắm, tại sao ông ấy lại cho bác báu vật này?”
“Cháu không biết.”
“Cái này rất đáng tiền, cháu cứ giữ lấy.”
“Không.”
“Từ nhỏ cháu được ông Tây yêu quý, tình cảm như người thân, nó phải là của cháu.”
“Không.”
“Cháu cần hơn bác.”
“Không.”
“Hay là ông Tây sợ cháu bán rẻ, nên nhờ bác bán hộ?”
“Không.”
Đang nói chuyện thì ánh mắt ông Lily bỗng chạm vào tờ giấy gói, trên ghi
những dãy tính, từng dãy tính, hình như tính toán một con số hết sức
phức tạp. Ông trải mấy tờ ra, tất cả đều như thế, là những dãy tính. Câu chuyện chuyển sang một hướng khác.
“Ông Tây có dạy cháu tính toán không?”
“Không.”
“Ai làm những con tính này?”
“Cháu.”
“Cháu tính gì?”
“Cháu tính số ngày ông ấy sống…”
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!