Giải Mật
Chương 2-7
Cái gọi là hai điều
lạ, điều lạ của thầy Dung có phần bi tráng, cho nên được nhiều người
kính trọng; điều lạ của giáo sư Hinsh là biến lông gà thành mũi tên, cho nên mọi người cũng lạ cho ông. Thông thường, điều khiến mọi người lạ
rất dễ lan truyền, cho nên, so sánh giữa hai người, điều lạ của giáo sư
Hinsh lan truyền rộng rãi hơn của thầy Dung, hầu như mọi người đều biết. Bởi vậy, việc giáo sư Hinsh không cho mượn sách, ai cũng biết. Đấy là
hiệu ứng chuyện nổi tiếng của người nổi tiếng, về mặt vật lí học người
ta gọi đó là hiện tượng dây chuyền. Sau đấy, mọi người phải hỏi nhau,
tại sao giáo sư chỉ cho một mình Kim Trân mượn sách? Ngay cả bà vợ của
ông cũng khó hiểu. Cái gọi là coi trọng và mong chờ chỉ là cách nói của
mọi người, với một ý nghĩa nào đó, đấy không phải là cách nói tốt, danh
tiếng không tốt. Danh tiếng tốt phải là cách nói khác, họ bảo ông giáo
sư người nước ngoài này muốn ăn cắp tài năng của Kim Trân.
Trong khi nói chuyện, thầy Dung cũng nói đến chuyện này.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Kỳ nghỉ đông đầu tiên sau ngày chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc,
giáo sư Hinsh về châu Âu. Năm ấy trời rất lạnh, sợ rằng châu Âu càng
lạnh hơn, ông không đem theo gia đình cùng về, mà chỉ đi một mình. Lúc
giáo sư trở lại, bố phải điều chiếc ô tô Ford duy nhất của trường, bảo
tôi ra bến tàu đón. Đến nơi, thấy giáo sư Hinsh, tôi ngớ ra, ông ta ngồi trên một cái thùng gỗ lớn gần bằng cỗ quan tài, trên cái thùng ấy có đề “Đại học N – Hòm sách của Giáo sư L. Hinsh” bằng hai thứ tiếng Trung
Quốc và tiếng Anh, thể tích và trọng lượng cái hòm không thể để lên nổi
chiếc xe Ford này. Tôi đành thuê thêm một chiếc xe chở hàng, mượn bốn
người khuân vác khoẻ mạnh mới đưa được cái hòn về trường. Dọc đường, tôi hỏi giáo sư Hinsh, đi xa thế còn đem theo nhiều sách làm gì, ông vui vẻ trả lời:
“Tôi đem đến một chuyên đề nghiên cứu, không có những cuốn sách này không xong.”
Thì ra trong chuyến về châu Âu, giáo sư Hinsh cảm thấy mấy năm nay về học
thuật ông tỏ ra tầm thường, không có gì, bị kích thích, bị khởi phát,
ông đem theo về một kế hoạch vĩ đại, quyết định nghiên cứu kết cấu não
bộ con người. Bây giờ chúng ta nói trí tuệ nhân tạo không có gì là tân
kì, mọi người đều biết, nhưng hồi ấy cái máy tính vừa ra đời được ít
lâu, ông đã linh cảm thấy điều đó, phải nói rằng ý thức con người tương
đối siêu việt. So với kế hoạch nghiên cứu to lớn của ông, sách ông đem
theo hơi ít, suy ra cái điều ông không cho người khác mượn sách cũng dễ
hiểu.
Vấn đề ở chỗ, ông rộng rãi với Kim Trân làm nhiều người
phải suy nghĩ, thêm vào đấy là cách nói kì diệu về Kim Trân ở khoa toán, những là Trân học hai tuần bằng bốn năm, những là giáo sư Hinsh vì thế
mà phải xấu hổ, vân vân. Những người không hiểu nội tình lại nói vị giáo sư người nước ngoài này lợi dụng tài trí của Kim Trân cho việc nghiên
cứu của mình. Anh biết đấy, những kiểu nói như vậy rất nhanh chóng lan
truyền trong nhà trường, vì chỉ ra chỗ yếu của người khác, người nói nói cho sướng mồm, người nghe nghe cho đã đời, và cứ như vậy. Tôi nghe, và
hỏi thẳng Trân, nó phủ nhận, về sau, bố tôi cũng hỏi, nó cũng nói không
hề có chuyện đó.
Bố tôi nói, nghe nói gần đây cứ buổi chiều cháu lại đến chỗ giáo sư Hinsh à?
Trân nói, đúng vậy.
Bố tôi hỏi, cháu ở đấy làm gì?
Trân nói, có lúc đọc sách, có lúc đánh cờ.
Trân nói rất chắc chắn, nhưng chúng tôi lại nghĩ không có gió thì không thể
có sóng, sợ nó không nói thật. Nhưng nó đã mười sáu tuổi, không hiểu sâu sắc sự đời, không phải không có khả năng bị lừa dối. Bởi vậy, tôi mượn
cớ đến nhà giáo sư Hinsh để điều tra, đến mấy lần, quả nhiên thấy cậu ta đánh cờ, đánh cờ vua. Ở nhà, Trân cũng thường xuyên đánh cờ, đánh rất
giỏi, trình độ cờ của hai người có phần tương đương, có thể ngang tài
ngang sức. Trân thường đánh cờ nhảy với mẹ tôi, việc ấy thuần tuý để làm mẹ tôi vui. Xem Trân đánh cờ vua, tôi nghĩ đấy là việc giáo sư Hinsh
giải sầu cho Trân, vì ai cũng biết, Hinsh là kiện tướng cờ quốc tế.
Sự thật là như thế.
Nghe Trân nói, nó đánh với giáo sư Hinsh đủ loại cờ, cờ vua, cờ vây, cờ
tướng, chơi cả cờ quân. Nhưng chỉ có cờ quân thỉnh thoảng mới thắng được ông, còn các loại cờ khác chưa thắng bao giờ. Trân nói, trình độ chơi
cờ của giáo sư Hinsh không ai địch nổi, cờ quân đôi lúc ông bị thua là
vì cờ quân không dựa hẳn vào trình độ chơi cờ cao hay thấp để quyết định được thua, cờ quân thắng thua phần lớn nhờ vào may rủi. Để so sánh,
nghệ thuật chơi cờ nhảy tuy đơn giản hơn cờ quân, nhưng so với cờ quân
còn thử được tài nghệ đánh cờ, là bởi hàm lượng may mắn tương đối ít.
Trân cho rằng, để nói thật nghiêm khắc, thậm chí cờ quân không nên gọi
đấy là cờ, ít nhất không phải là cờ của người lớn.
Có thể anh sẽ nghĩ, là một trò chơi, biết được tất cả các loại cờ không khó, dễ hơn
học nghề thủ công, nghề thủ công cần khéo tay. Khó ở chỗ, sau khi học
được, nó hoàn toàn không giống với nghề thủ công, nghề thủ công trước
lạ, sau quen, quen sẽ thành khéo, khéo sẽ trở nên tinh, chơi cờ càng
thành thạo càng phức tạp. Bởi vì thành thạo rồi nắm được nhiều nước đi
hơn, biến hoá nhiều hơn, giống như vào mê cung, lối vào rất đơn giản,
càng vào càng lắm ngóc ngách, có nhiều lựa chọn hơn. Đấy là một mặt của
phức tạp, mặt khác anh thử hình dung, nếu có đồng thời hai người đi
ngược chiều, anh đi và nghĩ cách để chặn bước đi của đối phương, anh đi
đường anh nhưng vẫn nghĩ để chặn đường đối phương, đối phương cũng vậy,
vừa đi vừa chặn đường, sự việc trở nên phức tạp. Đánh cờ là vậy, xuất
chiêu, bẻ chiêu, ứng chiêu, sáng tối, gần xa, trong mây trong mù. Tóm
lại, ai nắm vững đường đi nước bước sẽ biến hoá nhiều hơn, tạo mây mù
nhiều hơn, mây mù luẩn quẩn, giả thật lẫn lộn. Muốn chơi cờ giỏi, không
nắm vững nước đi là không ổn. Tuy nước cờ đã thành sách, nó không còn là thứ chỉ riêng của ai đó.
Nước cờ là gì?
Nước cờ giống
như con đường đã được vạch ra trên vùng đất hoang, một mặt nó khẳng định đấy là con đường đưa đến một điểm nào đấy, mặt khác nó khẳng định không phải của riêng một ai, anh có thể đi, người khác cũng có thể đi. Nói
một cách khác, nước cờ giống như vũ khí thông thường, để đối phó với
người không có vũ khí, nó có thể nhanh chóng giết chết anh. Nhưng cả hai phía đều có vũ khí thông thường tốt như nhau, anh bố trí mìn, người kia đưa máy dò mìn ra dò một lượt, coi như anh mất công toi; anh dùng máy
bay, trên màn hình rada của phía bên kia hiện rõ, vậy là chặn anh lại
trên không trung. Lúc ấy, có vũ khí bí mật sẽ là khâu then chốt quyết
định được thua. Vũ khí bí mật trên bàn cờ.
Tại sao giáo sư Hinsh thích đánh cờ với Trân? Là bởi trên người Trân có vũ khí bí mật, thường xuất kì chiêu, quái chiêu, cảm giác anh ở dưới đất, người kia đào hầm
bí mật thông đến bờ bên kia, làm cho anh bối rối, nguy hiểm liên tiếp
xảy ra. Nhưng vì Trân ít khi đánh cờ, ít kinh nghiệm, không hiểu sâu sắc đường đi nước bước, cuối cùng bị vũ khí thông thường của đối phương làm cho thất điên bát đảo. Nói một cách khác, vì nó không tinh thông đường
đi nước bước, nước đi của anh đối với nó cũng thành đường hầm bí mật.
Nhưng đường hầm bí mật của anh đã có ngàn vạn người đi qua, độ tin cậy,
tính khoa học, sự thông suốt chắc chắn còn tỉ mỉ chu đáo hơn những con
đường mòn mới khai phá, cho nên cuối cùng nó khó tránh khỏi thất bại
dưới tay anh.
Ông Hinsh đã từng nói với tôi, Kim Trân thua ông
không phải là thua về mặt trí lực, mà về kinh nghiệm, nước cờ, kĩ thuật, chiến thuật. Ông còn nói, từ nhỏ tôi đã biết đánh các thứ cờ, qua năm
tháng nước cờ của các loại cờ tôi đều nắm trong lòng bàn tay, cho nên
Kim Trân muốn thắng tôi là chuyện khó khăn. Sự thật thì, chung quanh tôi không ai thắng nổi tôi, có thể không chút khoác lác rằng, trên bàn cờ
tôi là thiên tài tuyệt đối, cộng thêm kinh nghiệm về kĩ thuật, chiến
thuật hoàn mĩ tôi tích luỹ qua thời gian, nếu Kim Trân không chuyên tâm
tu luyện vài năm, sợ rằng khó có thể thắng nổi tôi. Nhưng đối chọi với
cậu ta, tôi thường có cảm giác mình được tỉnh ngộ vì những mối hiểm nguy xa lạ, tôi thích cái cảm giác ấy, cho nên tôi muốn đánh cờ với cậu ta.
Như vậy đấy.
Đánh cờ!
Đánh cờ!
Vì chuyện đánh cờ mà Trân và giáo sư Hinsh ngày càng thân thiết, hai người rất nhanh chóng vượt qua quan hệ thầy trò, cùng đi dạo, ăn uống với
nhau như bạn bè; vì đánh cờ, thời gian Trân ở nhà càng ít đi. Trước đây, cứ mỗi kì nghỉ đông, cậu ta không đi đâu, thậm chí mẹ tôi giục cậu ta
tham gia những hoạt động ngoài trời. Nhưng kì nghỉ đông năm nay, suốt
ngày Trân hầu như không có nhà, thoạt đầu tôi nghĩ cậu ta đánh cờ với
giáo sư Hinsh, về sau mới biết không phải. Nói chính xác là, không phải
đánh cờ mà làm cờ!
Có thể anh không hiểu, họ phát minh ra một
loại cờ mới, Trân gọi đấy là cờ toán học. Sau đấy, tôi thường xem hai
người đánh cờ toán học. Thật kì lạ, bàn cờ to gần bằng cái bàn viết,
trên đấy là hai thế cờ chữ tỉnh và chữ mễ. Quân cờ là quân mạt chược
thay thế, tổng cộng có bốn đường, mỗi bên hai đường, quân cờ đặt trong ô chữ tỉnh và chữ mễ. Trong đó, quân cờ trong ô chữ tỉnh ở thế cố định,
giống như cờ tướng của Trung Quốc, mỗi quân cờ có một vị trí nhất định,
nhưng quân cờ trong ô chữ mễ có thể đứng ở các vị trí khác nhau, hơn nữa lại do đối phương đặt chỗ. Đối phương đặt vị trí phải suy tính xem ý đồ chiến thuật của mình, tức là trước khi bắt đầu ván cờ đã tạo thế cho
đối phương, sau khi bắt đầu mới thuộc sự quản lí và điều động của anh,
mục đích điều động quân là để biến địch thành bạn. Trong lúc đánh, quân
có thể đi vào các ô chữ tỉnh hay chữ mễ, với một ý nghĩa nào đấy, đường
đi của cả hai bên càng thông thoáng, khả năng giành thắng lợi càng lớn
hơn. Nhưng điều kiện ra vào thật khắc nghiệt, phải tính toán chính xác,
bố cục chặt chẽ, một quân cờ nào đấy khi vào một ô chữ khác, cách đi và
bản lĩnh của nó cũng có những thay đổi. về cách đi, quân cờ của ô chữ
tỉnh không được đi chéo, cũng không được nhảy cóc, có thể đến được ô chữ mễ. So với cờ thông thường, đặc điểm lớn nhất của cờ này là, đồng thời
đối địch với đối phương, còn phải đối phó với hai đường của chính mình,
cố gắng điều chỉnh thế trận, tranh thủ sớm nhất biến địch thành bạn và
ra vào mỗi bên. Có thể nói, anh vừa đánh với đối phương, vừa đánh với
mình, cảm giác hai người đồng thời đánh hai thế cờ, thật ra chỉ là một,
hoặc có thể nói đánh một lúc ba cuộc cờ – mỗi người một cuộc và một cuộc cờ đánh chung.
Nói tóm lại, đấy là một thứ cờ rất phức tạp, rất quái dị, giống như hai bên giao chiến, nhưng binh sĩ trong tay tôi là
của anh, binh sĩ trong tay anh là của tôi, chúng ta dùng quân đội của
đối phương để đánh nhau, có thể thấy tính hoang đường và phức tạp –
hoang đường là một thứ phức tạp. Vì quá phức tạp, người bình thường
không có cách nào đánh nổi, giáo sư Hinsh bảo cờ này để đánh với những
người làm công tác toán học, cho nên gọi là cờ toán học. Một hôm, giáo
sư Hinsh nói với tôi về thứ cờ này, ông không giấu nổi niềm tự hào: cờ
này thuần tuý là kết quả của việc nghiên cứu toán học, nó ẩn hiện kết
cấu toán học và tính phức tạp sâu sắc, bí ẩn, thậm chí vô cùng tinh tế,
là cơ chế biến đổi tỉ mỉ chu đáo thuần chủ quan, chỉ có thể so sánh với
bộ óc con người, cho nên phát minh ra nó, gồm cả thứ cờ này, đều là
thách thức đối với đầu óc con người.
Ông giáo sư nói vậy, khiến
tôi nghĩ ngay đến công trình nghiên cứu khoa học trước đây của ông;
nghiên cứu kết cấu bộ óc con người. Bất giác cảm thấy cảnh giác và không yên, nghĩ đến cờ toán học phải chăng cũng là một bộ phận trong nghiên
cứu khoa học của ông? Nếu như vậy, Trân của chúng tôi đã bị ông lợi
dụng, dưới danh nghĩa trò chơi để ông che đậy sự bất lương của mình. Vậy là, tôi chú ý tìm hiểu qua Trân về cái thứ cờ mà hai người đã sáng tạo
nên, gồm cả quá trình sáng tạo.
Trân nói, bắt đầu từ chỗ hai
người muốn đánh cờ, vì nhiều loại cờ ông Hinsh đã quá giỏi, cậu ta không hi vọng giành phần thắng, mà thua đến độ bực mình, cho nên không muốn
đánh với ông ấy nữa. Sau đấy hai người mò mẫm tìm ra một loại cờ mới, cả hai bắt đầu từ đầu, không vay mượn một nước cờ nào, được hay thua đều
thể hiện ở sự so sánh trí lực. Trong quá trình nghiên cứu cụ thể, Trân
phụ trách việc thiết kế bàn cờ, cách đánh do giáo sư Hinsh hoàn thành.
Trân cho rằng, vai trò của cậu ta trong đó là bao nhiêu, chỉ chừng trên
dưới mười phần trăm. Nếu nói đấy là một phần trong công trình nghiên cứu khoa học của giáo sư Hinsh, vậy cống hiến ấy là không nhỏ, không thể
nào chín bỏ làm mười để xoá đi được, về chuyện tôi nói ông Hinsh nghiên
cứu kết cấu bộ óc con người, Trân nói không biết, cảm thấy không có
chuyện đó.
Tôi hỏi Trân, tại sao em bảo không có chuyện đó?
Trân nói, chưa bao giờ ông ấy nói ra điều ấy.
Lại một chuyện li kì nữa.
Tôi nghĩ, lúc mới gặp, giáo sư đã phấn khởi khoe chương trình nghiên cứu
khoa học của mình, lúc này Trân suốt ngày ở bên ông ấy, tại sao không
nói ra bất cứ điều gì? Tôi cảm thấy trong đó có điều khó hiểu, về sau,
có lần tôi hỏi trực tiếp giáo sư Hinsh, ông ấy trả lời vì không có điều
kiện, nên không làm được, đành bỏ.
Bỏ?
Bỏ thật hay giả vờ?
Nói thật, lúc ấy tôi rất nghi ngờ. Khỏi phải nói, nếu là giả vờ thì vấn đề
hết sức nghiêm trọng, vì chỉ có âm mưu gì đấy mới tung hoả mù để lừa dối người khác. Tôi lại nghĩ, nếu ông ấy có âm mưu gì, vậy âm mưu ấy nhằm
vào ai? Chắc chắn là Trân đáng thương. Tóm lại, do những tin đồn thật
thật giả giả trong khoa, khiến tôi có những băn khoăn nghi ngờ quan hệ
giữa Trân và giáo sư Hinsh, cứ lo rằng Trân bị ông lợi dụng, lừa dối.
Thằng nhỏ này không quen với việc đời phức tạp, nó có phần khờ khạo, nếu muốn lừa dối cứ tìm đến những con người như nó, khờ khạo, cô đơn, sợ
sệt, bị thua thiệt không dám kêu, chỉ biết nhịn nhục.
Ít lâu sau, giáo sư Hinsh làm một chuyện mà không ai ngờ tới, đã xua đi mọi nghi ngờ của tôi. ()
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!