Giếng Thở Than - Chương 13: Quăng các chữ Runes [1]
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
127


Giếng Thở Than


Chương 13: Quăng các chữ Runes [1]


Ngày 15 tháng Tư 190…

Thưa ông, Hội đồng Hội…đã yêu cầu tôi gửi trả lại ông một bài báo viết về Sự thật của Giả kim thuật mà ông đề nghị được đọc tại kỳ họp lần sau của chúng tôi và báo để ông biết Hội đồng thấy không đưa vào chương trình được.

Kính thư,

…Thư ký

Ngày 18 tháng Tư năm…

Thưa ông, rất tiếc tôi bận công việc không thể thu xếp gặp ông về đề tài ông đề xuất. Nội quy của chúng tôi không cho phép ông thảo luận vấn đề với một ủy ban nào đó trong Hội đồng chúng tôi như ông đề nghị. Xin bảo đảm chúng tôi đã xem kỹ bài viết của ông, trước khi bị từ chối bài viết đã được đưa qua chuyên gia hàng đầu cho ý kiến. Chắc tôi không cần nói thêm là không một vấn đề cá nhân nào liên quan đến quyết định của Hội đồng.

Xin hãy tin ở tôi

Ngày 20 tháng Tư

Thư ký Hội…trân trọng thông báo cho ông Karswell biết, tôi không thể cho ông biết tên người hoặc những người chúng tôi đã đưa bài viết của ông để họ xem và cho ý kiến, cũng xin thưa với ông tôi sẽ không trả lời lá thư nào nữa vê đề tài này.

“Ai là ông Karswell vậy anh?” Bà vợ ông thư ký Hội hỏi. Bà vừa đến cơ quan ông và (có lẽ chẳng có lý do chính đáng nào) đã nhặt bản đánh máy lá thư cuối cùng lên đọc, nó được cô đánh máy mới mang vào.

“Em yêu, đó là người mà lúc này đang giận dữ lắm đây. Anh cũng có biết về ông ta mấy đâu, ngoài việc ông ta là người giàu có, địa chỉ: Tu viện Lufford Warwickshire, là nhà giả kim thuật – có vẻ như thế và muốn nói cho bọn anh nghe về thuật này, thế thôi, ngoài ra anh không muốn gặp ông ta trong một, hai ngày tới. Nào, em đã sẵn sàng để ta đi chưa nào?”

“Thế anh đã làm gì khiến ông ta giận dữ?” bà vợ ông thư ký hỏi.

“Chuyện thông thường thôi ấy mà. Ông ấy gửi đến một bản thảo muốn được đọc trong hội nghị lần tới, bọn anh đưa Dunning đọc – người duy nhất ở nước Anh hiểu biết về vấn đề này – Dunning bảo là hoàn toàn vô vọng. Bị từ chối xong, ông ấy choảng thư tới tấp như mưa. Điều cuối cùng ông ấy muốn biết là tên người đã được bọn anh đưa xem ba thứ lăng nhăng đó, anh trả lời thế nào thì em va đọc đấy thôi. Nhưng em đừng có nói gì đấy nhé, lạy Trời”

“Đời nào em nói. Em đã làm vậy bao giờ chưa? Em hy vọng ông ấy không biết được tên ông Dunning tội nghiệp”

“Ông Dunning tội nghiệp? Sao em lại gọi thế! Đó là một người đàn ông rất hạnh phúc. Nhiều thú vui này, một ngôi nhà ấm cúng này, tha hồ thời gian dành riêng cho ông này”

“Em nói tội nghiệp là nói nếu lão kia tìm ra tên ông ta thì rồi sẽ đến làm phiền ông ta”

“Ừ, quả thật nếu thế thì tội nghiệp Dunning thật!”.

Ông thư ký và bà vợ hôm ấy ăn cơm khách, chủ nhà là ở vùng Warwickshire. Do đó bà vợ ông thư ký định bụng sẽ hỏi họ về ông Karswell xem sao. May thay chưa cần đưa vấn đề ra thì sau một hồi lâu, bà chủ nhà bảo chồng “Sáng nay em gặp tu viện trưởng Lufford”

Ông chủ nhà huýt sáo.

“Thật ư? Có chuyện gì mà lão lên tỉnh thế nhỉ?”

“Có trời biết, em vừa đi xe qua cổng viện bảo tàng Anh quốc thì thấy lão từ bên trong đi ra”

Lẽ tự nhiên bà vợ ông thư ký hỏi họ có phải họ đang nói về một tu viện trưởng đích thực không.

“Ồ không đâu, chỉ là một vị láng giềng của chúng tôi ở vùng quê vài năm trước đây đã mua tu viện Lufford, tên thực là Karswell”

“Ông ấy có phải một người bạn của bà không?”

Ông thư ký Hội, nháy mắt riêng với vợ. Câu hỏi này dấy lên một tràng diễn thuyết hùng hồn. Thực quả là không có gì đáng nói về ông ta. Chẳng ai hiểu ông ta làm cái quái gì một mình, đầy tớ là một lũ kinh khủng, ông ta tạo ra một tôn giáo cho riêng mình, thực hiện những nghi thức vô cùng đáng sợ, bản thân ông ta hơi một tí là tự ái không bao giờ tha thứ cho ai, mặt mày trông phát khiếp lên được (bà vợ nhấn mạnh, ông chồng thì kín đáo hơn), chưa bao giờ làm một hành động nào tử tế, việc gì cũng gây ác ý hiểm độc. Ông chồng ngắt lời:

“Em công bằng với ông ta một chút nào! Quên chuyện ông ta thết đãi bọn học sinh à?”

“Quên! May mà anh làm em nhớ ra đấy! Xin nói ra để các vị có ý niệm về ông ta. Florence, chị nghe nhé. Mùa đông đầu tiên ở Lufford, vị láng giềng đáng mến của chúng tôi viết thư cho mục sư giáo phận của ông ta (không phải mục sư giáo phận của chúng tôi nhưng đối với chúng tôi là chỗ quen biết) xin dành cho học sinh của trường một buổi xem chiếu phim đèn chiếu, loại rất hay, trẻ con sẽ rất thích. Mục sư hơi lạ. Bởi ông Karswell thường tỏ ra không ưa bọn trẻ con, ông ta cứ hay phàn nàn chúng đi qua đi lại, đại loại như vậy, nhưng dĩ nhiên mục sư nhận lời định ngày xong đích thân mục sư cũng tới xem mọi thứ có ổn không. Bản thân ông mục sư nói là mừng vì vợ mình hôm ấy vướng buổi liên hoan ở nhà không đến xem được (thực tế là như vậy). Bởi ý đồ của ông Karswell là gây cho bọn trẻ con nhà quê một mẻ sợ hết hồn, tôi tin là nếu buổi chiếu này đi đến tận cùng hẳn chúng mất trí thật chứ không chơi. Lúc đầu lão đưa ra nhẹ thôi, chẳng hạn phim The Blooding Hood, nhưng ngay cả lúc ấy, ông Farrer nói, bọn chó sói đáng sợ đến mức phải đưa bọn bé tí ra ngoài. Ông còn nói lão Karswell bắt đầu bộ phim với tiếng chó tru từ xa ca nghe khủng khiếp chưa từng thấy. Tất cả cá cảnh dương bản đều tuyệt đối như thật, ông Farret không hiểu bằng cách nào mà lão ta thực hiện được điều đó, buổi chiếu được tiếp tục, càng đi xa câu chuyện càng gây cho bọn trẻ con như bị thôi miên, im phăng phắc. Cuối cùng tới loạt phim về một cậu bé đi qua công viên của ông ta – Lufford – vào ban đêm. Nhìn hình ảnh trong phim đứa trẻ nào cũng nhận ra. Cậu bé đáng thương bị một nhân vật trắng toát đuổi theo, lúc đầu thoắt ẩn thoắt hiện giữa các cây cao, sau càng ngày càng rõ. Cậu bé cuối cùng bị nó tóm được và bị xé xác ra từng mảnh. Ông Farrer nói nó gợi lại cho ông cơn ác mộng ghê gớm nhất mà trẻ con không thể nào chịu đựng nổi. Dĩ nhiên hơi quá đà, ông mục sư bèn không cho ông Karswell chiếu tiếp. Lão chỉ nói “Ồ, ông nghĩ đã đến lúc chấm dứt buổi chiếu phim của chúng ta và đưa bọn trẻ con vào giường rồi à? Tốt lắm!” và thế là lão chiếu một cảnh khác toàn rắn rết, các sinh vật kinh khủng có cánh và không hiểu làm thế nào lão làm cho chúng như từ trong màn ảnh lổm ngổm bò ra chỗ khán giả với tiếng kêu sột soạt làm bọn trẻ con gần như hoá điên xô đẩy nhau, giẫm đạp lên nhau mà chạy ra, có đứa bị thương, bị đau, và bọn chúng không chợp mắt được cả đêm. Sau đó xôn xao cả làng, các bà mẹ trách cứ ông Farrer, còn các ông bố giá như vượt qua được cổng tu viện, hắn họ đã đập vỡ hết các cửa kính của tu viện. Đó, lão Karswell là như thế đó. Tu viện trưởng Lufford là như thế đó bạn thân mến ạ, bạn có thể hình dung chúng tôi thiết tha làm bạn với ông ta như thế nào!”

“Phải, tôi nghĩ lão hoàn toàn có khả năng là một tội phạm hình sự nổi bật” ông chủ nhà nói “Thương cho ai đọc phải sách của lão ta”.

“Lão có phải là, hay tôi nhầm với người khác,” ông thư ký Hội nói (suốt vài phút nay, ông cau mày như cố nhớ lại cái gì đó) “người đã cho xuất bản cuốn Lịch sử phép phù thủy khoảng mười năm trước đây hay không?”

“Chính lão ấy, anh còn nhớ những bài phê bình quyển sách đó không?”

“Nhớ chứ, nhớ cả tác giả của bài phê bình sắc sảo nhất ấy chứ. Hẳn là anh vẫn còn nhớ ông ta, John Harrington ấy mà, thời tôi ông ta làm ở hãng John’s ấy”

“Có chứ, mặc dù tôi chẳng trông thấy hoặc nghe thấy gì từ ông ta kể từ khi tôi xuống đó cho tới ngày tôi đọc được tin về vụ điều tra cái chết bất thường của ông ta”

“Điều tra cái chết bất thường?” một trong số các bà hỏi. “Cái gì đã xảy ra với ông ta vậy?”

“Ông ta ngã từ trên cây xuống, gãy cổ. Vấn đề là cái gì đưa đến chỗ ông ta phải leo lên cây? Thật là một việc bí mật. Ông ta cảm giác phải dân thể thao gì, đúng không nào, cũng chẳng ai thấy ở ông ta khuynh hướng lập dị nào. Ta hình dung ông ta đang đi trên con đường quê buổi chiều, không có kẻ lang thang nào – bỗng nhiên trèo thoắt lên cây, hoá điên, rơi cả gậy và mũ, cuối cùng ở trên một cái cây cao, cái cây rất khó trèo là đàng khác – mọc ở bờ rào, đúng ngay cành cây khô, thế là rơi xuống gẫy cổ, sáng hôm sau có người gặp ông ta đã chết, bộ mặt vẫn đầy nét kinh hoàng. Rõ ràng ông ta bị vật gì đó săn đuổi, người ta nói đám chó hoang, súc vật của vườn thú hoặc gánh xiếc sổng ra, nhưng làm gì có. Hồi ấy là năm 89, em trai ông ta Henry (tôi nhớ là ở Cambridge, nhưng có thể các vị không nhớ đâu) cố tìm cách lần theo dấu vết để giải thích nhưng đành chịu cho đến nay. Dĩ nhiên Henry khăng khăng cho là trong này có chuyện trả thù, tôi cũng chẳng biết được. Khó mà thấy được đó là chuyện trả thù”

Sau một lát chuyện lại trở lại quyển Lịch sử phép phù thủy.

“Thế anh đã xem quyển ấy chưa?” chủ nhà hỏi.

“Rồi” ông thư ký đáp “Tôi đã đi đến chỗ xem nó cơ đấy”

“Có đến nỗi tệ như người ta nói không?”

“Ồ, về hình thức và lời văn, thì vô vọng, đáng đập bỏ tan tành. Nhưng, không chỉ có thế, nó còn là một quyển sách xấu xa. Tác giả tin tưởng từng lời mình nói, tôi nghĩ không nhầm lão ta đã thử thực hiện phần lớn các công thức trong đó”

“Tôi thì tôi chỉ nhớ bài phê bình của Harrington, giả sử tôi là tác giả hẳn tôi phải từ bỏ tham vọng văn chương cho đến hết đời, không dám ngóc đầu lên nữa”

“Trường hợp này lại không thế cơ chứ. Nhưng ba giờ rồi, tôi phải về đây”

Trên đường về nhà bà vợ ông thư ký bảo:

“Em chỉ mong cái lão ghê gớm kia đừng có phát hiện Dunning là người gạt bài viết của lão ta”

“Khó lòng lắm em à” ông thư ký nói “Dunning không bao giờ nói ra, những vấn đề này rất bí mật, cũng không ai trong số bọn họ lộ ra. Karswell không biết tên ông ta. Dunning cũng chưa bao giờ in ra tài liệu nào về đề tài này. Nguy hiểm duy nhất là Karswell tìm qua những người thường hay đọc các bản thảo về giả kim thuật ở bảo tàng Anh quốc. Nếu mà bảo họ đừng có nói thì sợ họ lại càng nói! Thôi ta hy vọng chuyện ấy đừng xảy ra”

Tuy nhiên Karswell là người rất ma mãnh.

Lần đầu như vậy cũng là nhiều rồi. Một buổi chiều muộn cũng trong tuần đó, ông Edward Dunning từ viện bảo tàng Anh quốc – nơi ông làm công tác nghiên cứu – trở về ngôi nhà ấm cúng ở ngoại ô, nơi ông sống một mình với hai người phục vụ lão luyện đã ở với ông từ lâu năm. Ta chẳng cần biết ông làm gì vì đã được nghe nói đến ở trên, mà hãy bỏ đi theo ông trên con đường về nhà.

Xe lửa đưa ông đến cách nhà một, hai dặm, sau đó xe ngựa đưa tiếp ông đi một đoạn nữa, dừng cách cửa nhà ông độ ba trăm mét. Ngồi trên tàu ông đã đọc sách, nhưng ánh sáng nhạt nhoà dần chỉ đủ cho ông đọc những tấm quảng cáo dán trên mặt kính cửa sổ đối diện ghê

ngồi. Lẽ tự nhiên trên đoạn đường tàu đặc biệt này thì các tâm quảng cáo được ông ngắm nghía thường xuyên, và ngoài đoạn đối thoại lỗi lạc rằng thuyết phục giữa ông Lamplough và một vị K.C [2] nổi tiếng về chủ đề muối có tác dụng chữa cảm sốt (Pyretic Saltinet) chẳng còn gì đáng để ông chú ý. Tôi nhầm, có một tấm quảng cáo ở tít trong góc trông có vẻ không quen thuộc, chữ xanh trên nền vàng, trên đó có một tên người – John Harrington – và cái gì đó giống như ngày tháng. Ông cũng chẳng cần biết thêm làm gì, tuy nhiên vì trong toa ít khách, ông tò mò ngồi dịch xuống cuối toa đọc tấm quảng cáo và không khỏi thắc mắc. Nó không phải là một tấm quảng cáo bình thường mà như sau “Tưởng nhớ John Harrington, F.S.A.. ở Laurels, Ashbrooke. Mất ngày 18 tháng chín năm 19..Được cho phép ba tháng”

Tàu dừng lại. Ông Dunning vẫn mãi đọc mấy chữ màu xanh trên nền vàng, được ông soát vé nhắc nhở nên đứng lên.

“Tôi xin lỗi” ông nói “Tôi đang mải đọc tấm quảng cáo này, sao lại lạ thế nhỉ?”

Ông soát vé từ tốn đọc nó:

“Quái thật, tôi chưa hề trông thấy trước đây. Ai đùa không biết?”

Ông ta lấy khăn lau đi lau lại, khăn thấm nước bọt hẳn hoi lau cả trong lẫn ngoài.

“Không sạch” ông ta bảo “cứ như đúc vào trong kính ấy. Ông có thấy thế không?”

Ông Dunning xem kỹ rồi lấy găng tay của mình xoá đi mà cũng không được.

“Ai là người lo về quảng cáo trên tàu ấy nhỉ? Mà lại để cho họ làm như vậy? Đề nghị ông tìm hiểu xem. Tôi sẽ ghi lại mấy chữ này”

Vừa lúc đó ông lái tàu gọi “George, đến giờ rồi”

“Được, được, nhưng có ai dán cái gì ở cuối toa này. Anh đến xem tấm kính này xem.

“Kính làm sao?” Người lái tàu hỏi, đi tới “Nhưng ai là Harrington mới được chứ? Thế này là thế nào nhỉ?”

“Tôi vừa hỏi xem ai là người chịu trách nhiệm về quảng cáo trên tàu và đề nghị cho điều tra về việc này”

“Vâng, thưa ông, việc này do văn phòng cơ quan tàu điện, ông Timms, phụ trách. Để hết ca tôi sẽ ghi lại mọi thứ, ngày mai sẽ xin nói lại với ông nếu như ông vẫn đi chuyến này”

Đó là việc xảy ra chiều hôm ấy. Ông Dunning tìm xem Ashbrooke ở chỗ nào. Nó ở Warwickshire.

Ngày hôm sau ông lại vào trung tâm. Toa tàu (vẫn đông người trong toa), không có dịp nào để nói chuyện với người soát vé cả, chỉ biết tấm quảng cáo kỳ quặc đã bị xoá đi. Lại thêm một yếu tố bí ẩn cho sự việc. Ông bị lỡ chuyến xe ngựa, đành đi bộ về nhà. Đã hơi khuya, ông đang làm việc trong phòng sách, thì bà người ở vào báo cho ‘hai người bên tàu điện tới tìm, rất muốn nói chuyện với ông. Ông nhớ lại tấm quảng cáo mà ông đã quên khuấy mất. Ông soát vé và ông lái tàu uống nước xong, ông bèn hỏi họ xem ông Timms nói thế nào. “Thưa ông, hai anh em chúng tôi liền gặp ông Timms” ông soát vé kể “ông Timms nói thế này, làm gì có tấm quảng cáo như thế được người ta gửi tới hay yêu cầu, hay thuê để đăng lên, thành ra làm sao có nó ở đấy được, chắc các chú dở hơi làm mất thì giờ của ông ấy mới khổ chứ. Tôi nói “Ông Timms ạ, hay ông ra xem tận mắt đi. Nếu thấy nó ở đấy, tha hồ ông gọi tôi là gì cũng được.” “Ta cùng đi” ông ta nói và thế là chúng tôi cùng ra thẳng đấy. Giờ thì, xin ông nói cho, tác phẩm quảng cáo rành rành ra đó, tên Harrington, chữ xanh nền vàng. Ông bảo tôi xoá đi bằng khăn lau, ông còn nhớ không ạ?” “Tôi nhớ chứ, vậy sao nào?” Tôi nghĩ ông sẽ bảo vậy. Thưa ông, ông Timms cầm đèn, mà không, ông ấy bảo Williams cầm đèn soi, ông bảo, cái tấm quảng cáo quý giá chúng ta nghe mãi từ nãy đến giờ đâu nào?” “Đây ạ” tôi nói, dẫn ông đến chỗ đó” đến đây ông soát vé im.

“Vậy là không còn nữa chứ gì? Kính đã vỡ?”

“Vỡ? Không hề vỡ. Duy không còn vết tích gì của các chữ nữa, các chữ xanh ấy, ở trên miếng kính ấy, thôi tôi không nói nữa, để cho William kể nốt”

“Thế ông Timms bảo sao?”

“Đành phải để ông ấy gọi chúng tôi bằng đủ các thứ tên, mà cũng chẳng trách ông ấy được. Nhưng tôi và William nghĩ rằng… Vì ông có ghi lại những chữ màu xanh ấy…”

“Đúng, tôi có ghi lại, và vẫn còn đây. Các ông có muốn tôi đích thân nói với ông Timms không? Cho ông ta xem mảnh giấy tôi ghi lại không? Các ông đến đây vì việc đó chứ gì?”

“Dạ, tôi cũng không dám nói thế đâu” William nói “Tôi chỉ định nói với ngài xem có dò ra được cái gì không, thế thôi. Thôi George, có lẽ đêm nay tôi đã khổ công đưa anh đến đây…”

“Được rồi William, anh đâu có phải cáng tôi đến đây, tôi tự nguyện đấy chứ? Vậy là chúng tôi cũng làm mất thì gì của ông, tuy nhiên nếu ông có vô tình đi qua cơ quan chúng tôi và cho ông Timms biết chính mắt ông đã đọc tấm quảng cáo ấy thì chúng tôi đội ơn ông vô cùng. Ông hiểu cho, ở cơ quan người ta bảo chúng tôi trông gà hóa quốc, chúng tôi không dám nói đến chuyện kia, chúng tôi là người làm công ăn lương cả năm mà, ông hiểu tôi nói gì”

Thêm vài lời giải thích nữa rồi hai ông ra về.

Ngày hôm sau, được ông Dunning (mà ông Timms có quen biết sơ sơ) nói cho nghe và cho xem cả mẩu giấy ghi lại, ông Timms không còn ghi điểm xấu cho George và Wiliam trong sổ nữa. Tuy nhiên chẳng ai giải thích được cái gì hết.

Ngày hôm sau nữa lại có thêm một sự kiện xảy ra khiến cho ông Dunning cứ phải nghĩ mãi về câu chuyện ở trên. Ông đang thả bộ từ Câu lạc bộ ra ga xe lửa thì đàng phía trước ông có một người đứng phát của tờ quảng cáo cho người qua lại. Người đứng phát của hãng không chọn phố đông mà phát. Thực tế, trước khi tới gần, ông Dunning chưa thấy họ phát cho một ai. Ông đi qua thì một tờ quảng cáo được đặt vào tay ông, bàn tay lạ chạm vào tay ông khiến ông hơi sốc, nó thô ráp và nóng bỏng. Nhìn lên người đó thì không hiểu sao chỉ có cảm giác lờ mờ không rõ ràng gì cả. Khi liếc nhìn xuống tờ giấy, ông đang đi nhanh. Giấy màu xanh, cái tên Harrington bằng chữ in to tướng đập vào mắt ông. Ông dừng lại, giật mình, lật đật đeo kính. Một người đi ngược lại giật lấy tờ giấy, mất luôn tờ giấy. Ông chạy theo người khách bộ hành. Biến mất. Người phát giấy cũng biến mất.

Trong tình trạng đầu óc cứ thắc thỏm suy nghĩ ngày hôm sau ông Dunning có mặt trong phòng lựa chọn tư liệu của viện bảo tàng Anh quốc, ông điền vào tích kê để mượn Harley 3586 và vài quyển sách khác nữa. Sau vài phút, sách được mang tới, vừa đặt quyển sách muốn đọc trước lên trên bàn thì ông tưởng như có ai thì thầm gọi tên ông ở đàng sau. Ông vội vàng quay lại, làm rơi cặp giấy của ông xuống sàn. Ông không nhìn thấy ai cả ngoài người nhân viên phụ trách phòng gật đầu với ông. Ông nhặt nhạnh các tờ giấy lên. Coi như đã nhặt đủ hết, ông tính bắt đầu ngồi làm việc. Bỗng có một quý ông to lớn ngồi ngay đàng sau ông, đứng lên chuẩn bị ra về đang thu nhặt đồ lề của mình, ông này chạm vào vai ông nói “Tôi xin đưa cho ông tờ này, tôi nghĩ là của ông” và đưa cho ông Dunning một tờ còn thiếu trong tập giấy của ông. “Vâng, của tôi, xin cám ơn ông” Ông Dunning đáp. Ông kia ra về. Sau khi làm xong công việc, ông Dunning nói chuyện với các nhân viên, tiện thể hỏi xem quý ông mập mạp kia là ai. “Ồ, đó là ông Karswell” người nhân viên trả lời, “Hôm trước ông ấy có hỏi tôi ai là quan chức giỏi nhất về giả kim thuật, tôi nói ông là người duy nhất trong cả nước. Để tôi xem có kịp chạy theo ông ấy không, hẳn ông ấy muốn gặp ông”.

“Lạy trời đừng!” ông Dunning nói “Tôi đang tránh mặt ông ấy”

“Ồ, thế thì càng tốt, ông ấy không mấy khi đến đây, ông không lo là gặp ông ấy nữa đâu”.

Trên đường về nhà hôm ấy, thêm một lần nữa ông Dunning cảm thấy không thể trông chờ sự vui vẻ thường ngày của một buổi tối cô đơn. Một cảm giác khó hiểu không đinh nghĩa được đã len vào giữa ông và các đồng sự – làm ông trĩu nặng. Ông muốn ngồi gần các hành khách trên tàu hoả và tàu điện nhưng cả hai tàu đều vắng ngắt. Ông soát vé George có vẻ nghĩ ngợi, dường như đang tính toán số hành khách đi tàu. Về tới nhà, ông gặp với bác sì Watson, bác sĩ của ông, nơi ngưỡng cửa “Dunning, rất tiếc tôi buộc phải làm đảo lộn công việc nhà ông, cả hai bà người ở của ông bị loại khỏi vòng chiến (Hors de combat) rồi. Thực tế tôi đã phải gửi cả hai đi nhà thương”

“Trời đất! Có chuyện gì vậy?”

“Hình như bị ngộ độc ptomaine, sở dĩ ông bị vì ông ăn ở bên ngoài. Nhưng họ sẽ không sao đâu”

“Khổ quá! Ông có hiểu vì sao xảy ra việc ấy không?”

“Họ bảo họ mua cá của một người bán rong. Thật kỳ lạ. Hỏi mãi không thấy người bán rong nào vào nhà ai cả. Chưa báo ngay được cho ông, nhưng họ phải nghỉ mấy hôm. Tối nay ông đến ăn cơm nhà tôi, rồi ta thu xếp trong mấy hôm nữa ra sao. Tám giờ nhé? Đứng lo lắng gì hết”

Thế là tránh được một buổi tối cô đơn, tuy phải trả giá bằng mấy mối lo âu và bất tiện. Trôi qua buổi tối với ông bác sĩ cũng khá vui (ông này mới đến ở vùng này). Mười một giờ đêm ông Dunning mới trở về nhà. Ban đêm thì chẳng được như ý. Nằm trong giường tắt đèn hết, ông cứ băn khoăn không hiểu bà quét dọn ngày mai có đến không, có đun nước nóng cho ông không. Chợt ông nghe rõ có tiếng cửa buồng làm việc của ông mở ra. Không nghe thấy tiếng chân đi trong hành lang, nhưng cửa mở ra nhất định là phiền phức rồi, sau khi cất các giấy tờ vào hộc bàn ông đã đóng cửa lại cẩn thận rồi mà! Không phải vì can đảm hay vì hổ thẹn, ông trở dậy khoác cái áo mặc trong nhà ra hành lang tì vào lan can nghe ngóng. Không thấy có ánh sáng hay tiếng động nào nữa, chỉ có một luồng gió ấm, một làn không khí nóng bỏng lẩn quẩn quanh hai ống chân ông. Ông trở vào phòng ngủ quyết khóa mình trong đó. Càng khó chịu thêm. Chẳng hiểu tại sao lại không có điện, có lẽ công ty điện ở ngoại ô vì tiết kiệm cho ông những giờ lúc sáng sớm không cần đến điện nên không làm việc, hay công tơ bị hỏng. Cần tìm diêm soi đồng thời để biết còn phải trôi qua bao nhiêu giờ bực bội nữa. Lấy tay sờ vào cái hốc quen thuộc dưới gối, ông chạm vào một cái miệng có răng, quanh có râu mà ông cho là không phải là người theo những nhận biết của ông. Thế thôi cũng không cần đoán ông đã nói hay làm gì. Ông sang buồng bên cạnh, khoá cửa lại, ghé tai vào cánh cửa nghe ngóng cho tới lúc hoàn hồn trở lại. Ông đã qua một đêm khốn khổ lúc nào cũng thấp thỏm chờ xem có tiếng mò mẫm ở cửa không nhưng không thấy gì.

Đến sáng, sau khi lắng tai nghe và run rẩy chân ông mới liều mình trở lại phòng ngủ của mình. May mắn là rèm cửa mở, rèm cửa sổ vẫn kéo cao (lúc đầy tớ ra khỏi nhà chưa đến giờ kéo rèm xuống), tóm lại là không có dấu hiệu có ai ở trong đó cả. Đồng hồ đeo tay vẫn nằm ở chỗ cũ, mọi vật đâu ở đấy, cửa tủ áo vẫn mở như xưa nay. Chuông cửa reo, chứng tỏ bà quét dọn tới (bà này đã được thông báo tối hôm trước), tiếng chuông làm ông Dunning giật thót mình.

Cho bà ta vào xong, ông tiếp tục tìm kiếm mọi ngóc ngách khác trong nhà, nhưng vô ích.

Ngày hôm ấy thật vô duyên. Đến Bảo tàng thì không dám, tuy người nhân viên đã nói rồi nhưng Karswell vẫn có thể đến đó lắm chứ. Dunning không muốn gặp cái người lạ hoắc đáng ghét đó. Nhà ông bây giờ cũng thật dáng ghét, chẳng lẽ lại đến ông bác sĩ? Ông tạt qua nhà thương thăm bà coi nhà và đầy tớ gái, họ đã khá lên. Giờ ăn trưa ông đến câu lạc bộ, thoáng thấy ông Thư ký Hội, ông tươi hẳn lên. Trong bữa cơm trưa, ông kể cho bạn nghe mọi nỗi phiền muộn, tuy vậy chưa dám nói thật những gì đè nặng trong tâm trí ông. “Ông thân mến tội nghiệp ơi” ông thư ký nói “thật là rối quá nhỉ. Này ông, vợ chồng tôi hiện chỉ có một mình, ông phải sang ở với chúng tôi, gởi đồ của ông sang ngay chiều nay đi, đừng ngại gì hết.”

Dunning cũng chịu không nổi nữa. Quả thật ông lo lắng vô cùng, mỗi giờ phút qua đi lại khắc khoải không biết những gì sẽ xảy tới với mình đêm nay. Ông vui lòng nhận lời và vội vã về nhà đóng gói hành lý.

Hai người bạn khi đón tiếp ông đến, ngạc nhiên thấy vẻ bơ phờ của ông, cố gắng giữ tinh thần cho ông nhưng hoàn toàn vô ích. Nhưng khi hai người đàn ông ngồi hút thuốc với nhau, Dunning lại trở nên buồn phiền. Rôi ông chợt nói:

“Gayton ạ, có lẽ tay giả kim thuật tìm ra mình là người loại bỏ bài viết của hắn ra rồi”

Gayton huýt sáo

“Sao anh biết?”

Dunning bèn kể lại đã nói chuyện với nhân viên Bảo tàng ra sao, Gayton đành nghĩ có lẽ đúng. Dunning nói:

“Tôi cũng chẳng cần, nhưng gặp nhau thì phiền lắm, có thể ông ta đang cáu giận, tôi nghĩ vậy”

Câu chuyện đến đây lắng xuống. Gayton ngày càng nhận thấy được nỗi sầu não trên nét mặt Dunning, bèn – với một cố gắng đáng kể – hỏi thẳng bạn có phiền muộn điều gì quan trọng không. Dunning thở phào nhẹ nhõm:

“Tôi đang muốn kể ra đây. Anh có biết ai là John Harrington không?”

Gayton giật mình, chỉ hỏi được vì sao Dunning nói thế. Thế là Dunning kể tuột mọi chuyện ra, trên tàu hoả, ở trong nhà, ở ngoài phố, rồi tâm trí ông lúc nào cũng rối loạn tơi bời, bây giờ vẫn vậy, cuối cùng ông nhắc lại câu hỏi trên kia. Gayton không biết trả lời thế nào. Kể về cái chết của Harrington thì cũng phải thôi, nhưng trong khi Dunning đang ở tâm trạng như thế này, câu chuyện quá buồn thảm, riêng ông còn thấy có cái gì đó gắn liền hai sự việc với nhau và với con người Karswell. Đối với một nhà khoa học kể cũng khó nhượng bộ nhưng ông nghĩ nên “xoa dịu” thì hơn, ông quyết định phải trả lời thận trọng và trước hết phải tâm sự với vợ đã. Cho nên ông chỉ nói có biết Harrington ở Cambridge, ông này đột tử năm 1809, ông biết vài chi tiết, vài tác phẩm ông ta đã xuất bản. Sau đó ông nói với bà Gayton và đúng như ông dự kiến, bà lao ngay vào cái kết luận đang lơ lửng trước mặt ông. Chính bà đã gợi cho ông nhớ tới em ông Harrington là Henry Harrington hiện còn sống, bà cũng đề nghị nhờ ông bà nhà đã mời họ ăn cơm tối hôm trước đi tìm hộ ông này. Gayton phản đối:

“Biết đâu ông này là một tay gàn vô vọng thì sao?”

“Vợ chồng nhà Bennett phải biết chứ?” Bà Gayton nói lại và bảo sẽ gặp ông bà Bennet ngay ngày mai.

Khỏi phải kể chi tiết những bước mà người ta đã làm cho Henry Harrington và Dunning lại gần nhau.

Cảnh đáng kể là cuộc chuyện trò giữa hai người này. Dunning nói cho Harrington nghe bằng cách kỳ lạ nào mà cái tên của người chết được đưa tới trước mắt ông, thêm vào đó là những gì ông trải qua sau đó. Rồi ông hỏi Harrington xem ông này có cảm phiền gợi lại cái chết của người anh không. Không cần nói bạn cũng hình dung được Harrington ngạc nhiên đến thế nào khi nghe chuyện Dunning, nhưng câu trả lời của ông đã sẵn sàng. Ông kể:

“Vài tuần trước đó John cứ lúc lúc lại thấy trong người khó chịu kinh khủng, tôi muốn nói không phải là ngay trước thảm họạ, mà trước đó ít lâu. Có một vài việc kỳ lạ là anh ấy luôn có cảm giác có người đi theo mình. Dĩ nhiên anh ấy là người nhạy cảm, nhưng trước kia chưa bao giờ có cảm giác ấy. Tôi không thể nào không nghĩ tới có trò ác độc gì đây, nhưng điều ông kể càng làm tôi nhớ đến anh tôi. Ông có thấy mối liên hệ không?”

“Tôi mơ hồ nghĩ đến điều đó. Tôi có nghe ông anh của ông phê bình kịch liệt một quyển sách trước khi chết và mới gần đây tôi vô tình ngáng trở công việc của chính con người viết quyển sách ấy, nó khiến ông ta rất căm giận”

“Xin đừng nói đó là lão Karswell!”

“Chính lão ấy”

Henry Harrington ngã người ra sau.

“Thật hết chỗ nói rồi. Để tôi giải thích rõ thêm. Qua lời anh tôi kể, tôi dám chắc John bắt đầu tin – tuy anh tôi không muốn chút nào – rằng Karswell chính là cội nguồn những hoảng loạn của anh ấy. Có vẻ có một sự liên quan nào đó đến tình trạng ấy. Anh tôi vốn là một nhạc công lớn, anh thường tham dự các buổi hoà nhạc ở thành phố. Ba tháng trước khi mất, anh từ một buổi hoà nhạc trở về và đưa tôi xem bản chương trình, một bản chương trình để phân tích, anh vẫn thường giữ lại. “Suýt nữa anh quên mất tờ này” anh nói “Anh nghĩ mình đánh rơi ở đâu rồi. Tuy nhiên anh vẫn tìm dưới chỗ ngồi và lục lọi các nơi. Người ngồi bên cạnh bèn đưa tờ chương trình của anh ta, nói rằng “thôi để tôi biếu ông, tôi cũng chẳng dùng làm gì”, sau đó ông ta đi luôn. Anh không biết ông ta là ai, chỉ biết đó là một người mập mạp, mày râu nhẵn nhụi. Không có tờ chương trình này thì anh tiếc lắm, dĩ nhiên có thể mua tờ khác, nhưng tự nhiên có nó càng tốt chứ sao. Một lần khác, anh kể lại rằng trên đường về khách sạn, suốt cả đêm anh thấy khó ở. Bây giờ tôi mới thấy các sự kiện ấy với nhau. Rồi, sau đó không lâu, anh tôi lấy các tờ chương trình ra sắp xếp, và cái tờ chương trình đặc biệt đó (tôi chỉ liếc qua) anh thấy nó hầu như là một tờ giấy dài trên có viết một thứ chữ rất đặc biệt bằng hai màu đỏ và đen, viết rất cẩn thận, trông rất giống chữ Runes. “Quả thật” anh nói “cái ông béo ngồi cạnh tôi đây mà, tôi phải trả lại ông ta, hình như bản sao chép cái gì dó, để mất sẽ gay go. Nhưng làm sao tìm được địa chỉ của ông ta bây giờ? Chúng tôi nói với nhau ít phút về việc này, nhất trí không đáng phải đăng cáo thị, để lần hoà nhạc sắp tới anh tôi sẽ đi tìm ông ta vậy. Tờ giấy nằm trên quyển sách và cả hai chúng tôi ngồ bên lò sưởi, đó là một buổi chiều hè lạnh có gió. Tôi nghĩ cửa bị gió đẩy ra. Không hiểu sao có một cơn gió ấm, đột nhiên thổi vào chỗ chúng tôi, cuốn mảnh giấy vào ngọn lửa, và vì mảnh giấy nhẹ, nó cháy ngay biến thành làn khói bay lên ống khói lò sưởi. “Thế thì anh đem trả sao được” tôi nói. Trong một phút anh tôi im lặng không nói gì, sau đó có vẻ giận “Dĩ nhiên không trả được, nhưng sao chú cứ nói đi nói lại việc đó như thế?” Tôi lưu ý anh ấy là mới nói việc này óc mỗi một lẩn. “Chú nói bốn lần rồi thì có!” Tôi vẫn không quên lời anh tôi, chẳng hiểu vì lý do gì. Bây giờ mới đến điểm chủ yếu đây. Không biết anh đã đọc quyển sách của Karswell mà ông anh tội nghiệp của tôi phê bình chưa. Chắc là chưa, riêng tôi, tôi đã đọc nó cả trước và sau khi anh tôi mất. Lần đầu cả hai chúng tôi cùng nhau chế giễu nó. Văn chẳng ra văn, toàn động từ chưa chia và đủ những thứ khiến một người ở Oxford phải phẫn nộ. Lão ta không có gì là không nuốt. Lão hoà trộn mọi thần thoại lại với nhau, lão rút chuyện từ quyển Golden Legend ra nhưng lại cho đi với các phong tục man rợ thời nay – thực ra nếu biết cách sử dụng thì rất thích hợp nhưng lão có biết cách dùng đâu. Lão ghép Golden Legend và Golden Bough vào thành đôi với nhau và tin cả hai. Thật là một cách trình bày thảm hại. Sau thảm hoạ, tôi lại đọc lại. Không thấy gì khá hơn nhưng cảm tưởng để lại trong tâm trí tôi khác đi. Như tôi đã nói với anh, tôi nghi lão ta chơi xấu anh tôi, do đó tôi cho rằng lão phần nào chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Quyển sách lúc này đối với tôi thực quả là một thể hiện rất u ám, đặc biệt có một chương trong đó nói đến “Quăng các chữ Runes vào người ta” – chủ yếu để loại bỏ con người đó thì đúng hơn. Lão nói về hành động này, theo tôi, hàm ý là có thực, đã qua hiểu biết thực tế. Tôi không có thời gian đi sâu vào chi tiết nhưng kết quả sau khi đi thu thập thông tin thì đúng người đàn ông ở buổi hoà nhạc là Karswell. Tôi đâm nghi – không phải nghi mà tin chắc tờ giấy đó rất quan trọng, tôi dám chắc nếu anh tôi trả lại được cho lão hẳn bây giờ anh ấy vẫn còn sống. Vì vậy tôi muốn hỏi anh, anh còn có gì để kể thêm nữa không?”

Dunning bèn kể lại sự kiện ở Viện bảo tàng Anh quốc. “Vậy là lão có đưa cho anh một tời giấy, anh đã xem chưa, ta phải xem lại ngay, và xem thật kỹ”. Họ về căn nhà trống trải – vẫn trống trải vì hai đầy tớ chưa trở lại làm việc được. Tập giấy của Dunning để trên bàn, đầy bụi, đó là những trang giấy rời Dunning dùng để ghi chép, và một trong những trang đó, khi ông nhặt lên, nó bay xuống đất mới nhanh làm sao. Vì hóa ra chỉ là một dải giấy nhỏ và rất nhẹ. Cửa sổ đang mở, Harrington đóng sập lại thật nhanh, kịp thời tóm được tờ giấy “Đúng rồi, giống hệt cái tờ của anh tôi. Phải cảnh giác đấy, vấn đề này nghiêm trọng với anh đấy”

Hai người nghiên cứu kỹ lưỡng mảnh giấy. Như lời Harrington, chữ viết trên đó giống chữ Rune vô cùng, nhưng không ai đọc ra được mà cả hai đều không dám chép lại vì không biết nó mang ý đồ xấu xa nào. Thành ra chưa hiểu nó định truyền đạt điều gì. Nhưng cả Harrington lẫn Dunning đều biết chắc hậu quả mà người mang nó sẽ nhận lấy. Họ đồng ý phải đem trả lại nơi xuất xứ và bản thân người mang nó phải tự làm lấy việc này. Phải mưu mẹo, thủ đoạn làm sao thật khéo léo, Karswell đã biết mặt Dunning. Việc đầu tiên Dunning phải cạo sạch bộ râu. Nhưng nếu cái cú trời giáng xảy ra trước thì sao? Harrington nghĩ họ có thể xác định được thời gian sự việc sẽ xảy ra. Ông nhớ ngày diễn ra buổi hoà nhạc của anh ông. Điểm đen đó vào ngày 18 tháng sáu, mà anh ông mất vào ngày 18 tháng chín. Dunning cũng nhớ lại “ba tháng báo trước” đã được nói đến trong dòng chữ ở cửa kính toa tàu.

“Có lẽ” ông này vừa buồn vừa cười vừa nói “hạn chết của tôi cũng là ba tháng. Vậy là tôi xác định được ngày tháng qua cuốn lịch công tác của tôi rồi đây. Phải, 23 tháng tư là ngày ở bảo tàng, như thế ngày định trước là 23 tháng bảy. Bây giờ thì như anh biết đấy, điều vô cùng quan trọng đối với tôi là được biết về diễn biến của mối hoảng loạn ở ông anh của anh, nếu có thể anh làm ơn cho tôi nghe”.

“Tất nhiên. Cảm giác luôn bị ai đó theo dõi ám ảnh anh tôi nhất. Tôi phải vào ngủ trong phòng anh ấy và anh ấy có khá hơn, mặc dù vậy trong giấc ngủ anh ấy nói mơ rất nhiều. Về cái gì? Đi sâu vào đó thì có khôn ngoan không, ít nhất là trước khi giải quyết được mọi việc? Tôi nghĩ là không, nhưng tôi có thể kể anh nghe chi tiết này. Trong những tuần ấy có hai bưu phẩm được gửi đến cho anh tôi qua đường bưu điện, cả hai đều được đóng dấu bưu điện London, chữ trên phong bì viết tay, kiểu chữ giao dịch buôn bán. Một là trang sách in hình tranh khắc gỗ của Bewick, xé ra từ đâu đó. Cảnh một con đường sáng trăng trên có người đang bị một con quỷ đuổi đàng sau, và dưới viết mấy dòng cắt ra từ tập “Ancient Mariner” (theo tôi chính là những gì mà bức tranh minh hoạ) tả về một người đi đường đã có lần quay lại đàng sau:

…vẫn đi tiếp

Không quay đầu lại nữa,

Vì anh ta biết,

Có con quỷ đang đuổi đàng sau .

Bưu phẩm thứ hai là một quyển lịch mà các thương nhân thường dùng. Anh tôi chẳng chú ý, nhưng sau khi anh ấy mất, tôi nhìn vào thì thấy tất cả những gì sau ngày 18 tháng chín đều bị xé bỏ hết. Chắc anh lấy làm lạ sao anh ấy còn đi ra đường một mình vào buổi tối anh ấy bị giết, nhưng sự thực là trước hôm bị giết khoảng mười ngày thì tuyệt nhiên không có cảm giác bị theo dõi hoặc có người đi theo gì cả.

Buổi bàn luận kết thúc như sau, Harrington có quen một người hàng xóm của Karswell, có thể nhờ người này theo dõi nhất cử động của lão ta. Về phía Dunning, phải sẵn sàng tìm cách gặp mặt Karswell bất cứ lúc nào, phải giữ cho mảnh giấy được an toàn ở một chỗ có thể lấy ra dễ dàng.

Họ chia tay nhau. Những tuần lễ sau đó vô cùng căng thẳng với Dunning. Vật cản trở vô hình được dựng lên kể từ ngày ông nhận được mảnh giấy dần dần biến thành một màn đêm bao trùm lên khắp nơi khắp chốn, xem chừng ông không thể nào ra thoát. Không ai có cách gì đưa ông đến với lão ta, ông dường như bị tước đi mọi sáng kiến. Ông lo lắng khôn tả khi tháng Năm, tháng Sáu và những ngày đầu tháng bảy trôi qua dần. Ông chờ một thông điệp của Harrington. Trong khi đó Karswell vẫn án binh bất động tại Lufford.

Cuối cùng chỉ còn chưa đến một tuần là tới cái ngày oan nghiệt được coi như sự chấm dứt cho cuộc sống trần tục của ông, thì có một điện báo như sau “Rời Victoria bằng chuyến tàu cập tàu thủy đêm thứ Năm. Đừng để lộ. Tối nay tôi sẽ đến anh. Harrington”

Tối đó Harrington đến, họ bàn bạc kế hoạch. Tàu hoả sẽ rời ga Victoria lúc chín giờ, ga cuối cùng trước khi tới cảng Dover là Tây Groydon. Harrington nhận diện và theo sát Karswell từ Victoria, trông chờ Dunning ở Groyon, nếu cần thì gọi Dunning – bằng một cái tên thoả thuận trước. Dunning, phải cải trang, thay đổi hình dạng khác đi chừng nào hay chừng ấy, trên hành lý xách tay tuyệt nhiên không có chữ lồng hay dấu hiệu nào và tuyệt đối phải mang mảnh giấy đó theo người.

Tôi không cần mô tả ra đây nỗi căng thẳng thần kinh khủng khiếp mà Dunning phải chịu đựng ở cái ga Groydon. Cảm giác về mối hiểm hoạ trong những ngày cuối cùng này càng trở nên sắc bén thêm vì đám mây mờ che phủ ông nay đã loãng ra, nhưng cảm giác nhẹ nhõm đâm ra lại là một điềm gở vô cùng đáng ngại. Ngộ nhỡ trượt Karswell lần này thì hy vọng tiêu tan, không còn cơ hội nào nữa. Tin đồn đại về hành trình của lão biết đâu chỉ là âm mưu lão tung ra. Hai mươi phút đi đi lại lại trên sân ga rồi hỏi tới hỏi lui những người phu khuân vác về chuyến tàu hoả cập tàu thủy thật là cực hình cay đắng nhất trong đời của Dunning. Thế rồi tàu tới, Harrington xuất hiện ở cửa sổ. Họ không thể để lộ ra là quen biết nhau. Dunning lên một toa tàu cách xa đó rồi mới dần dần mò vào khoang tàu có Harrington và Karswell. Ông rất mừng thấy hành khách trên tàu rất vắng vẻ.

Karswell có vẻ rất cảnh giác, nhưng không có dấu hiệu nào tỏ vẻ lão nhận ra. Dunning ngồi trên một ghế tàu phía trước mặt lão nhưng không chính diện và tìm hết cách (lúc đầu hoàn toàn thất bại) với mọi khả năng của mình, để có thể chuyển giao lại mảnh giấy. Trước mặt Dunning, bên cạnh Karswell là một đống áo choàng của Karswell. Nhét mảnh giấy vào đó thì không an toàn – hoặc ông không cảm thấy an toàn. Phải tìm cách đưa hẳn tới tay lão và lão nhận kia. Lại còn một túi xách tay để mở, trong có nhiều giấy tờ. Hay là giấu mảnh giấy lẫn vào đó? Nhưng nếu Karswell rời khỏi toa tàu bỏ cái túi lại thì sao? Hoặc lão tìm thấy tờ giấy và đưa lại cho ông thì sao? Giá như được Harrington cố vấn cho! Nhưng không thể được, thời khắc trôi qua. Một vài lần Karswell đi ra ngoài hành lang. Lần thứ hai Dunning định làm cái túi rơi khỏi ghế ngồi, nhưng gặp ánh mắt cảnh cáo của Harrington ông lại thôi. Mặt khác từ ngoài hành lang, Karswell vẫn để ý theo dõi, có lẽ để xem hai người này có quen nhau không? Lão quay vào. Rõ ràng lão nôn nóng không yên, lần thứ ba lão đứng dậy, tia hy vọng loé lên, bởi có một cái gì đó rơi từ ghế của lão xuống sàn tàu với tiếng kêu rất khẽ. Lão lại đi ra ngoài và lần này xa hẳn chỗ cửa sổ.

Dunning nhặt vật bị rơi lên, chiếc chìa khóa nằm trong tay ông có hình dáng của cái hộp đựng vé nhãn hiệu cook, trong có những tấm vé. Thường hộp vé loại này có một cái túi ở vỏ ngoài, và chỉ vài giây, mẩu giấy mà ta biết đã được Dunning nhét thật nhanh vào cái túi đó. Để thủ thuật tiến hành được chắc chắn, Harrington ra đứng chắn ở cửa toa tàu vờ nghịch cái móc cửa. Thế là thực hiện xong, mà vừa đúng lúc, vì tàu đang chạy chậm dần để vào Dover.

Ít phút sau Karswell trở vào toa. Dunning cố nén xúc động trong giọng nói, đưa cho lão cái hộp vé và nói “Tôi xin phép đưa ông cái này, và tôi tin là của ông”. Nhìn vào chiếc vé bên trong thật nhanh, Karswell thốt ra mấy lời mà hai người kia mong chờ “Vâng, đúng là của tôi, xin cám ơn ông nhiêu” rồi lão cất vào túi ngực.

Trong mấy phút tiếp theo đầy hồi hộp – ngộ nhỡ lão sớm phát hiện ra mẩu giấy – cả hai người đều cảm thấy toa tàu tối đi và nóng lên, Karswell thì bồn chồn ngột ngạt, lão kéo đống áo khoác gần lại rồi đẩy ra xa như ghê tởm và ngồi thẳng lên nhìn hai người một cách lo lắng. Bản thân họ cũng lo chết được, vờ thu xếp đồ đạc, có cảm giác Karswell định nói cái gì đó, nhưng vừa lúc ấy tàu vào Dover. Từ đây đến bến tàu rất gần nên lẽ tự nhiên cả hai ra hành lang luôn.

Đến bến tàu họ ra khỏi tàu hoả, nhưng vì tàu hoả quá vắng khách họ buộc phải thơ thẩn ở sân ga, chờ Karswell đi vượt lên trước cùng một người phu khuân vác hành lý lên tàu thủy. Tận lúc đó họ mới hoàn hồn trao đổi một cái xiết tay và một lời chúc mừng ngắn gọn. Dunning trải qua những giờ phút quá căng thẳng nên mệt muốn ngất đi.

Harrington để ông đứng dựa lưng vào tường trong khi bản thân mình đi quá mấy bước ra chỗ nhìn thấy được con tàu nơi Karswell vừa bước tới. Người đứng ở cầu tàu soát kỹ vé của lão, còn lão, khoác cái áo khoác đầy người, xuống tàu. Bỗng nhiên anh nhân viên gọi giật lão lại:

“Xin lỗi ông, quý ông kia không thấy trình vé ạ?”

“Quý ông quái quỷ, quỷ quái nào vậy?” giọng nạt nộ của Karswell đáp lại từ trên boong. Người soát vé cúi xuống nhìn lão “Quỷ? Phải, tôi không biết có phải thế không, dám chắc lắm”. Harrington nghe tiếng ông ấy nói một mình, sau đó nói to lên “Tôi nhầm, xin lỗi ông chắc là cái đống áo của ông”, rồi anh ta hỏi người phụ việc đứng bên cạnh “Hay ông ta có con chó đi theo hay một cái gì đấy? Kỳ thực đấy. Xin thề là ông ta không hề đi một mình. Dù sao thì ta sẽ xem trên tàu vậy. Tàu ra khơi rồi, tuần sau ta sẽ gặp các khách đi nghỉ hè này mà” Năm phút sau chẳng còn gì ngoài ánh đèn mờ mờ của con tàu và ánh đèn của cảng, gió đêm và trăng.

Hai người ngồi mãi với nhau trong phòng khách sạn Lord Warden. Cho dù cất được gánh nặng lo âu, họ vẫn bị nỗi nghi hoặc đè nặng trên mình.Liệu có đúng là họ đã đưa một người tới chỗ chết như họ tin không? Ít nhất cũng phải báo cho người đó biết chứ! “Không” Harrington bảo “hắn là kẻ sát nhân nên điều ta làm còn hơn cả đúng nữa. Nhưng nếu anh nghĩ như vậy là hơn thì ta báo cho lão ở đâu?” “Lão lấy vé đi Abbéville mà”, Dunning nói “tôi đã nhìn thấy. Nếu ta đánh điện cho khách sạn theo sách hướng dẫn du lịch của Joanne”. “Xem lại hộp vé của anh đi, Dunning, tôi thấy yên tâm hơn. Hôm nay 21, lão còn một ngày nữa. Sợ lão tiêu rồi” Thế là điện tin được đã lại ở quầy tiếp tân của khách sạn.

Chẳng biết điện tín có đến được tới nơi không, chỉ biết là chiều 23 tháng bảy một khách du lịch người Anh đang đứng trước nhà thờ St Wulfram, ở Abbéville – lúc ấy đang được sửa chữa cho rộng ra – thì bị một hòn gạch từ giàn giáo mé tây bắc rơi trúng đầu chết ngay, mà trên giàn giáo không có người thợ nào cả, giấy tờ xác định ông ta tên là Karswell.

Còn một chi tiết cần nói thêm. Harrington mua được bộ sách Bewick ở cuộc bán đấu giá đồ cũ nhà Karswell. Trang có bản in khắc gỗ hình người đi bộ và con quỷ bị xé mất. Đồng thời sau một lúc ngập ngừng, Harrington định kể cho Dunning nghe những gì ông anh nói khi nằm mơ, chưa nói được mấy lời thì Dunning bảo thôi.

Chú thích :

[1] Một loại chữ cổ xưa của dân tộc Bắc Âu

[2] King ‘s Counsel: cố vấn của vua về luật pháp ở nước Anh

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN