Giếng Thở Than - Chương 2: Quyển sách dán ảnh của tu sĩ Alberic
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
138


Giếng Thở Than


Chương 2: Quyển sách dán ảnh của tu sĩ Alberic


St Bertrand De Comminges là một thị trấn hoang tàn trên những đỉnh nhọn của dãy núi Pyrénées, không xa Toulouse là bao, và càng gần Bagnères-de-Luchon. Cho tới Cách mạng, nó vẫn là địa phận của giám mục và có một nhà thờ được một số khách du lịch tới thăm. Vào mùa xuân năm 1883, một người Anh đã tới cái nơi thuộc thế giới xưa cũ này – tôi khó lòng đồng nhất nó với cái tên “thành phố” vì nó chỉ có chưa đến một ngàn dân. Chàng là người của bảo tàng đại học Cambridge, nay đến Toulouse chỉ để thăm nhà thờ St Bertrand và đã để lại tại khách sạn Toulouse hai người bạn kém say mê khảo cổ học hơn chàng, hẹn họ sáng sớm hôm sau sẽ tới gặp chàng. Đối với họ thì chỉ nửa giờ ở nhà thờ là đủ rồi, sau đó cả ba có thể tiếp tục cuộc du hành theo hướng Auch. Nhưng hôm đó anh chàng người Anh của chúng ta đến khá sớm, dự định sẽ ghi đầy cuốn vở ghi chép của mình và chụp hàng chục tấm ảnh để mô tả tất cả các góc của ngôi nhà thờ kỳ diệu cao sừng sững nổi bật trên ngọn đồi nhỏ Comminges. Để thực hiện đầy đủ ý định trên đây, cần phải độc quyền người giữ nhà thờ suốt ngày mới được! Người giữ nhà thờ, nói cách khác, người cai quản giáo đường (tôi thích cách gọi sau này hơn cho dù nó chưa thật chính xác lắm) được bà chủ khá thô lỗ của quán Chapeau Rouge gửi tới; khi ông ta đến nơi chàng người Anh của chúng ta thấy ngay đây là một đối tượng nghiên cứu thú vị bất ngờ. Không phải là từ vẻ bề ngoài của ông già bé nhỏ, khô khan, mặt mày nhăn nheo, bởi ông ta giống hêt như những người giữ nhà thờ khác ở Pháp, cái hay là ở chỗ ông ta có cái vẻ gì lén lút quái lạ, đúng hơn, như thể bị săn đuổi, bị áp chế, cưỡng bức, lúc nào cũng cứ liếc nhìn phía sau, các bắp thịt ở lưng và vai còng lại, có lẽ chúng liên tục co rút vì bồn chồn, tựa như lo sợ bất cứ lúc nào cũng có thể bị kẻ thù tóm được. Chàng người Anh không hiểu nên xếp ông ta vào loại người bị ảo tưởng ám ảnh hoặc lương tâm tội lỗi cắn rứt, hoặc một ông chồng sợ vợ? Có vẻ như là khả năng cuối cùng, nhưng người ta có cảm giác ông ta sợ một kẻ khủng bố kinh hoàng thì đúng hơn là sợ một bà vợ gây gỗ, lăng loàn.

Tuy nhiên, chàng người Anh (ta hãy gọi chàng là Dennistoun) chẳng mấy chốc chìm đắm trong việc ghi chép và bận rộn với chiếc máy ánh, thỉnh thoảng lắm mới liếc nhìn người giữ nhà thờ. Mỗi lần nhìn ông ta, chàng lại thấy ông ta ở không xa chàng là mấy, đang nép người vào sát tường hoặc thu mình trên một chiếc ghế hoa mỹ chỗ hát kinh. Sau một lúc thì Dennistoun đâm sốt ruột, nghi ngại mình làm ông già mất bữa cơm trưa, hoặc giả ông ta sợ mình xoáy mất cái gậy phép bằng ngà của giám mục nhà thờ St Bertrand này chăng, hay có thể ăn cắp mất con cá sấu nhồi bông bám đầy bụi treo phía trên bình đựng nước thánh? Những nỗi nghi ngại này giày vò chàng.

Cuối cùng chàng nói:

“Ông không về ăn cơm ạ? Tôi hầu như có thể hoàn thành các ghi chép này một mình, ông cứ khoá tôi lại trong nhà thờ này cũng được. Ít nhất tôi cần thêm hai giờ nữa, ông sẽ lạnh đấy”.

“Trời ơi!” Người đàn ông bé nhỏ nói, lời đề nghị hình như đã đưa ông ta đến chỗ sợ hãi không tả xiết “ai mà dám nghĩ đến chuyện ấy cơ chứ? Để ông ở lại trong nhà thờ này một mình ấy ạ? Không, không, hai giờ hay ba giờ đối với tôi cũng thế mà thôi. Tôi đã ăn sáng, tôi không lạnh đâu ạ, xin cám ơn ông”.

“Vâng, thưa ông thế thì được” và Dennistoun nói một mình “Tôi đã báo trước, nay hậu quả thế nào thì ông chịu lấy”.

Chưa hết hai giờ đồng hồ, cái ghế ngồi ở chỗ hát kinh, cây đàn organ to tướng đã long, gãy hết cả, bình phong ngăn nơi ngồi của đội hợp xướng nhà thờ với giám mục John de Mauléon, những tàn tích của thuỷtinh, của thảm cũng như mọi vật trong phòng chứa các của quý đã được xem xét kỹ càng, ông già giữ nhà thờ theo Dennistoun sát gót, thỉnh thoảng lại chạy lung tung như bị cái gì châm đốt mỗi khi nghe thấy những tiếng động lạ phá tan sự yên tĩnh của cả toà nhà rộng lớn trống rỗng; đôi lúc những tiếng động này rất kỳ quặc.

“Có một lần”, Dennistoun bảo tôi “Thề với anh tôi nghe thấy một giọng cười như tiếng kim loại ré lên ở tít trên cao tháp chuông”. Tôi đưa một cái nhìn dò hỏi về phía người giữ nhà thờ. Môi ông già trắng bệch ra. “Ông ta đấy, đấy, ông ta chứ còn ai nữa, cửa khoá rồi cơ mà”.

Ông già chỉ nói thế, hai chúng tôi nhìn nhau suốt một phút ròng.

Một sự kiện nhỏ xảy ra làm Dennistoun hoang mang. Chàng đang xem xét một bức tranh treo ở phía trên bàn thờ, một bức trong loạt tranh minh họa những phép màu của nhà thờ St Bertrand. Bức tranh vẽ những gì chẳng ai giải đoán được, tuy nhiên phía dưới có một câu La tinh như sau:

Qualiter S.Bertrandus liberavit hominem quem diabolus diu volebat strangulare (Làm thế nào thánh Bertrand đã giải thoát được một người đàn ông mà quỷ sứ tìm mãi để bóp cổ)

Dennistoun quay lại nhìn người giữ nhà thờ, mỉm cười định đưa ra nhận xét vui đùa nào đó, nhưng chàng bối rối khi thấy ông này đang quỳ xuống nhìn lên bức tranh với đôi mắt cầu khẩn của người hấp hối, hai tay chắp lại, hai má tràn trề nước mắt. Dĩ nhiên Dennistoun làm như không nhìn thấy gì, tuy nhiên chàng không khỏi nghĩ tới câu hỏi “Tại sao một bức tranh lem nhem như thế mà ảnh hưởng mạnh đến một con người như vậy nhỉ?” Chàng hầu như đã nắm được câu trả lời mấu chốt cho lý do của cái nhìn kỳ lạ cứ làm chàng bồn chồn suốt cả ngày nay. Ông già là người mắc chứng độc tưởng rồi. Nhưng ông ta độc tưởng cái gì mới được kia chứ?

Đã sắp năm giờ chiều, ngày ngắn sắp tàn, nhà thờ ngập những bóng tối, những tiếng động kỳ lạ như tiếng bước chân bị bóp nghẹt cùng những giọng nói xa xôi nghe thấy lúc ban ngày. Nay ánh sáng nhạt nhoà dần khiến chúng càng rõ thêm và xuất hiện liên tục không ngớt.

Người giữ nhà thờ lần đầu tiên tỏ ra vội vã và thiếu kiên nhẫn. Ông ta thở ra nhẹ nhõm khi máy ảnh và quyển vở ghi chép được gói ghém cất đi, ông giục Dennistoun mau mau ra cửa phía tây của nhà thờ, dưới cái chuông.

Lúc này đã đến giờ chuông nguyện buổi chiều. Dây thừng được kéo vài cái, chiếc chuông lớn Bertrand tít trên cao bắt đầu cất tiếng, giọng nó vút lên tới các ngọn thông và xuống thấp dưới các thung lũng, ầm ầm với tiếng suối của núi non, kêu gọi những người đang sống trên những ngọn đồi quạnh hiu hãy nhớ lấy và nhắc lại lời chào của vị nữ thần mà quả chuông gọi là người đàn bà được Ban Phước. Sau đó thì lần đầu tiên trong cả ngày hôm ấy, một nỗi yên lặng sâu xa trùm xuống thị trấn nhỏ, Dennistoun và người giữ nhà thờ ra khỏi nhà thờ.

Tới ngưỡng cửa họ bắt chuyện với nhau.

“Hình như ông có vẻ quan tâm tới những sách hát kinh cổ ở trong phòng để đồ thờ thì phải?”

“Đúng thế. Tôi đang định hỏi ông thị trấn ta có thư viện không?”

“Thưa ông không. Có lẽ trước đây thì có, thuộc tăng hội, nhưng nay chỉ còn là một nơi rất nhỏ…” tới đây có cái gì ngần ngừ làm ông ta không nói nữa, sau đó, hình như ông ta liều lĩnh nói tiếp “Nhưng nếu ông thích chơi sách cổ (amateur des livres) tôi có một quyển có thể khiến ông thích thú. Cách đây không đến một trăm mét”.

Lập tức bao giấc mơ mà Dennistoun hằng ấp ủ mong tìm được những bản viết tay vô giá từ những vùng xa xôi chưa ai đặt chân đến của nước Pháp loé sáng lên trong đầu chàng, nhưng rồi sau đó lại tắt ngấm ngay. Biết đâu chỉ là một bản in sách kinh ngớ ngẩn của Plantin khoảng năm 1580? Một nơi gần Toulouse như thế này chẳng lẽ chưa bị các kẻ sưu tầm lùng sục từ lâu rồi sao? Tuy nhiên, không đi là điên, nhỡ ra sau này sẽ ân hận vì từ chối? Thế là họ đi. Trên đường đi, trong óc Dennistoun hiện lại sự ngần ngừ kỳ quặc sau đó đột ngột đi đến quyết định của người giữ nhà thờ, chàng hơi ngượng tự hỏi hay họ bẫy ta tới chỗ bìa rừng nào đó để khử ta, tưởng ta là một người Anh giàu có? Do đó chàng mưu mẹo nói với người dẫn đường – một cách vụng về – rằng chàng đang chờ đợi hai người bạn đến với chàng sáng sớm hôm sau. Lạ thay, nghe vậy người giữ nhà thờ có vẻ nhẹ hẳn nỗi lo âu vẫn đè nặng lên ông ta.

“Thế thi hay quá” ông ta tươi tỉnh nói “thật là hay khi ông du lịch cùng hai người bạn luôn ở bên ông. Đi mà có bạn thì tốt quá, trong một số trường hợp nào đó”

Mấy chữ cuối cùng được nói sau ít phút nghĩ ngợi, rồi ông ta lại rơi vào nỗi u ám như trước.

Chẳng mấy chốc họ tới nhà, một căn nhà khá rộng, rộng hơn các căn lân cận, xây bằng đá, trên cánh cửa có khắc cái khiên của Alberic de Mauléon – con cháu (chi trên) của giám mục Jonh de Mauléon – theo lời Dennistoun bảo tôi. Ông Alberic này là một giáo sĩ của Comminges từ 1680 đến 1701. Những cửa sổ phía trên của toà nhà được bít kín, toàn bộ nơi này mang dáng vẻ của một thời đại đã tàn hai, cũng như hầu hết những căn nhà còn lại ở Comminges.

Từ ngưỡng cửa, người giữ nhà thờ dừng lại một lát.

“Có lẽ” ông ta nói “có lẽ ông không có thì giờ?”

“Không, tôi có khối thời gian là khác, từ giờ đến sáng mai chẳng có việc gì mà làm. Ta cứ xem thử ông có cái gì?”

Đến đây cửa ra vào mở ra, một khuôn mặt thò ra, trẻ hơn khuôn mặt người giữ nhà thờ nhiều, nhưng cũng mang cái vẻ buồn thảm y như thế. Chỉ có điều đáng chú ý ở đây, là nó không phải sự sợ hãi cho an toàn của bản thân mà là nỗi lo lắng ghê gớm cho an toàn của người khác. Rõ ràng chủ nhân của khuôn mặt này là cô con gái ông giữ nhà thờ rồi, và tuy có vẻ mặt như tôi đã mô tả trên kia, cô ta khá xinh. Cô tươi hẳn lên khi thấy cha mình có một người lạ khoẻ mạnh đi cùng. Cha và con nói với nhau vài lời nhận xét gì đó, Dennistoun chỉ nghe mấy chữ “Ông ta lại cười trong nhà thờ” những lời mà cô gái chỉ trả lời bằng một cái nhìn hoảng hốt.

Nhưng chỉ một phút sau họ đã ngồi trong phòng khách của căn nhà – một căn phòng nhô cao, sàn lát đá, đầy những cái bóng nhảy múa của ngọn lửa trên đám củi cháy bừng bừng trong lò sưởi – có vẻ gì đó mang tinh cách một nhà thờ nhỏ vì một bên có một cây thập tự cao đến gần trần nhà, hình người thì sơn màu tự nhiên, chữ thập thì sơn đen. Bên dưới là một cái tủ cổ và chắc chắn. Sau khi đèn được mang ra, các ghế ngồi được kéo ra, người giữ nhà thờ tới chỗ cái tủ, thái độ liên tục bị kích động, bồn chồn và nóng nảy, theo Dennistoun nghĩ. Ông ta lấyra một quyển sách to, bọc trong một tấm vải trắng thêu thô sơ một chữ thập bằng chỉ đỏ. Ngay từ khi chưa mở khăn bọc ra, Dennistoun đã lấy làm lạ về kích thước và hình dáng quyển sách. “Đối với một quyển sách kinh như thế này thì quá to”, chàng nghĩ “về hình thù mà nói thì không phải thứ kháng âm, rất có thể cũng là một thứ hay ho đây”. Quyển sách được mở ra, Dennistoun nhận ra nó còn hơn cả hay ho nữa. Trước mặt chàng là một quyển sách khổ to được đóng theo kiểu có lẽ thế kỷ mười bảy, gia huy của tu sĩ Alberic de Mauléon in thếp vàng hai bên. Trong quyển sách có độ một trăm năm mươi trang giấy và trên hầu hết mỗi trang lại có dán một trang viết tay tô màu rực rỡ. Một bộ sưu tập như thế này chưa bao giờ Dennistoun dám mơ đến. Đây chẳng hạn, mười tranh chép từ cuốn đầu của Kinh Cựu ước – với nhiều hình vẽ minh họa, không thể muộn hơn hơn năm 700 sau Công nguyên. Quá chút nữa là một bộ ảnh đầy đủ lấy từ một quyển sách Thánh ca tiếng Anh, một tạo phẩm vô cùng tinh tế của thế kỷ mười ba, và đây nữa,có lẽ giá trị nhất trong tất cả, là hai mươi trang La tinh chữ viết mà vừa nhìn qua đây đó mấy chữ, chàng hiểu ngay nó thuộc về luận án từ rất lâu của các cha giáo lý. Cũng có thể nó là một mẫu sao chép của Papias “Theo lời Chúa của chúng ta”, được biết vốn tồn tại ở Ninnes thế kỷ mười hai. Dù thế nào, ý chàng đã quyết, quyển sách này sẽ phải theo chàng trở về Cambridge, cho dù chàng có phải rút hết tiền trong ngân hàng ra và ở lại St Bertrand chờ tiền gửi đến. Chàng liếc nhìn lên người giữ nhà thờ, xem nét mặt ông ta có lộ ra quyển sách này là để bán không. Mặt ông ta tái mét, hai môi mấp máy:

“Ông giở đến cuối trang sách xem” ông ta nói.

Thế là chàng giở tiếp, mỗi trang là một kho tàng mới, đến tận cùng quyển sách chàng gặp hai trang giấy. Không đến nỗi từ thời xa xưa lắm như các trang kia khiến chàng khá bối rối vì theo chàng chúng là đương đại, có nghĩa Giám mục Alberic,chắc hẳn đã lục lọi thư viện của Tăng hội St Bertrand để tạo nên quyển sách dán ảnh vô giá này. Trên trang giấy đầu là một bản đồ, lập rất cẩn thận bởi một người rõ ràng thông tỏ khu vực này, vẽ cánh phía nam và các hành lang của nhà thờ St Bertrand. Có nhiều dấu hiệu kỳ quặc tựa như thể hiện các hành tinh, ở các góc là mấy chữ Do Thái, riêng góc Tây bắc của hành lang là một chữ thập thếp vàng. Bên dưới bản đồ là vài dòng chữ

Ressponsa 12mi Dec 1694. interrogatum est: inveniame? Responsum est:Invenies. Fiamme dives? Fies. Viamme invidenus? Vives. Moriarnein lecto meo? (Trả lời ngày 12 tháng 12 năm 1694. hỏi: liệu tôi có tìm thấy không? Trả lời: anh sẽ thấy. Tôi có trở nên giàu có không? Anh sẽ giàu. Tôi có được người ta thèm muốn không? Anh sẽ. Tôi có chết trong giường của tôi không? Anh sẽ)

“Thứ này quá tốt cho hồ sơ một kẻ đi săn của báu đây, nó làm tôi nhớ đến tập Old St Paul’s của ông phó giám mục Quatremain” Dennistoun bình phẩm và lật tiếp các trang giấy.

Những gì chàng nhìn thấy lúc này mới thật gây ấn tượng. Chàng vẫn thường bảo tôi là chưa bao giờ chàng quan niệm nổi một bức vẽ hay một bức ảnh có thể gây ấn tượng mạnh cho chàng đến như thế. Và, mặc dù bức vẽ chàng nhìn thấy, nay không còn nữa, bức ảnh chụp nó vẫn còn (tôi đang giữ) đã nói lên đầy đủ nhận định này. Bức tranh vẽ bằng mực nâu đen vào cuối thế kỷ mười bảy, thoáng nhìn tưởng như một cảnh trong kinh thánh, vì thiết kế trang trí của nó (cảnh là cảnh ở trong nhà) và các nhân vật phảng phất vẻ nửa kinh điển mà các nghệ sĩ hai trăm năm trước cho là phù hợp để in trong Kinh thánh. Bên phải là một vị vua ngồi trên ngai vàng, ngai cao mười hai bậc, trên đầu có tấm màn che, hai bên có các con sư tử – rõ ràng là vua Salomon rồi. Ngài đang cúi xuống phía trước, tay giơ quyền trượng với thái độ sai khiến, khuôn mặt biểu hiện của ý chí độc đoán và uy quyền tự tin. Tuy nhiên bên trái của bức tranh mới làm người ta ngạc nhiên. Rõ ràng những thứ đáng lưu ý tập trung ở cả chỗ này. Trên mặt đá lát trước ngai vàng là một nhóm bốn người lính quây quanh thành một hình thù đang né núp xuống mặt đá lát, hình thù này tôi sẽ mô tả kỹ sau. Người lính thứ năm nằm chêt rục trên mặt đá lát, cổ bị vặn gầy, hai nhãn cầu lồi ra khỏi hốc mắt. Bốn người lính kia đang nhìn vào nhà vua. Trên khuôn mặt họ lộ vẻ kinh hoàng khôn tả, thực tế có lẽ họ không bỏ chạy chỉ vì lòng tin tuyệt đối ở ông chủ của mình. Nỗi kinh hoàng này chính là do cái hình thù mà họ vây quanh gây ra. Tôi rất thất vọng vì không truyền đạt cho hết bằng bất kể cách nào cái ấn tượng mà hình thù đó gây ra cho bất cứ ai nhìn vào đó. Tôi còn nhớ có lần đã đem cho một nhà hình thái học xem. Ông này là một người tỉnh táo, không hề giàu trí tưởng tượng. Xem xong tấm hình chụp, ông ta nhất định không chịu ở một mình tối đó nữa. Ông ta bảo tôi sau rất nhiều đêm tiếp theo, ông phải để đèn khi ngủ. Tuy nhiên, tôi có thể chỉ ra những nét chính của hình thù đó. Trước tiên bạn trông thấy một mớ lông đen thô thiển dính bẹt xuống đất, mớ lông này che phủ một tấm thân gày đến mức đáng sợ, như một bộ xương, các thớ cơ tách hẳn ra khỏi xương trông như những sợi dây thép. Hai bàn tay xanh nhợt và giống như thân mình, được phủ một lớp lông cũng thô và dài, các ngón có móng rất xấu xí, kinh tởm. Đôi mắt có ánh màu vàng cháy rực, giữa là lòng đen, đen kịt, nhìn lên vua với cái hằn học của một con vật. Bạn hãy tưởng tượng loại nhện bắt chim của Nam Phi, kinh khiếp như vậy mà lại hiện hình thành người với trí thông minh kém hơn ocn người. Bạn sẽ hơi hơi có chút ý niệm của thứ người nộm kinh khủng mà tôi đang tả. thường thì ai trông thấy bức ảnh tôi đưa ra cũng đồng thanh phát biểu rằng “Đó là sự sống đã bị hút kiệt”.

Sau khi chế ngự được cơn sốc hãi hùng lúc thoạt nhìn thấy bức tranh, Dennistoun nhìn trộm các vị chủ nhà. Hai tay người giữ nhà thờ bịt chặt lấy mắt, cô con gái thì nhìn lên cây thập tự, tay lần tràng hạt một cách hăng hái.

Cuối cùng một câu hỏi được đặt ra “quyển sách này có bán không?”

Lại cũng vẫn sự ngần ngừ rồi sự quyết định đột ngột mà Dennistoun đã nhận thấy trước đây, sau đó đến câu trả lời chàng mong đợi.

“Vâng, nếu ông muốn mua”

“Ông đòi bao nhiêu ạ?”

“Tôi lấy ông hai trăm năm mươi francs”.

Thật là lạ. Ngay cả lương tâm của một kẻ sưu tầm cũng có lúc bị khuấy động, mà lương tâm Dennistoun lại mềm yếu hơn lương tâm những kẻ sưu tầm khác.

“Ông ơi” Dennistoun nói đi nói lại mãi “sách của ông đáng giá hơn thế nhiều. Bảo đảm với ông, hơn nhiều lắm”.

Nhưng câu trả lời không thay đổi “Tôi chỉ xin lấy có hai trăm năm mươi francs thôi, không hơn”.

Chẳng lẽ lại từ chối một cơ may hiếm có như vậy. Tiền trả xong, biên lai được ký nhận, sách trao xong mỗi người uống một cốc rượu, và sau đó người giữ nhà thờ trở nên một con người khác hẳn. Ông ta đứng thẳng lên, không còn ném ra phía sau những cái nhìn nghi hoặc nữa, ông ta còn cười thành tiếng hoặc cố găng cười thành tiếng. Dennistoun đứng dậy ra về.

“Tôi có được hân hạnh đưa ông về khách sạn không?”Người giữ nhà thờ hỏi.

“Ồ, cám ơn ông, không ạ. Có chưa đến một trăm mét ấy mà. Tôi thuộc đường lắm, trời lại sáng trăng”

Lời đề nghị vẫn được nhắc đi nhắc lại ba bốn lần, lần nào cũng bị từ chối.

“Thôi được, ông cứ gọi tôi nếu có dịp. Xin ông đi vào giữa đường hai bên đường gồ ghề lắm”

“Nhất định, nhất định rồi” Dennistoun nói, chàng rất sốt ruột chỉ mong được một mình xem lại phần thưởng này, chàng bước ra, tay cắp quyển sách.

Ra đến ngoài chàng gặp cô con gái, việc như cô ta cũng đang lo làm một việc mua bán gì đó cho riêng mình.

Có lẽ như Gehazi, cô định “lấy cái gì đó” của người nước ngoài mà cha mình tha cho chưa lấy.

“Ông có nhận cho một cây thập tự bạc cùng dây đeo cổ không ạ?”

Dennistoun dùng mấy thứ này làm gì?

“Cô lấy bao nhiêu tiền?”

“Dạ không, không một chút gì. Ông nhận là may cho tôi”

Giọng cô gái biểu lộ sự thành thực không thể nhầm lẫn được, thành ra Dennistoun nhận lấy, cám ơn rối rít, đeo sợi dây vào cổ. Chàng thấy cứ như thể mình đã giúp hai bố con ông giữ nhà thờ một việc mà họ không biết phải đáp lại như thế nào. Trong khi chàng bước đi thì cả hai đứng ở cửa nhìn theo. Khi chàng quay lại vẫy tay một lần cuối cùng, chúc họ ngủ ngon, từ bậc tam cấp của quán Chapeau Rouge, chàng vẫn thấy họ đứng nhìn theo như lúc nãy.

Cơm tối xong, Dennistound đóng cửa ở trong phòng ngủ một mình với thứ mới mua được. Bà chủ quán tỏ ra đặc biệt chú ý đến chàng khi nghe chàng nói đã vào thăm ông giữ nhà thờ và mua của ông ta một quyển sách. Chàng cũng nghe loáng thóang mẩu đối thoại vội vã giữa bà ta và ông giữ nhà thờ nọ trong hành lang bên ngoài phòng ăn, kết thúc bằng mấy từ có ý tứ như sau “Pierre và Bertrand cũng ngủ trong nhà cả mà”.

Suốt thời gian này, Dennistoun cứ có cảm giác không ổn trong người mà cảm giác đó ngày càng tăng, có lẽ quá vui mừng vì sự khám phá của mình hay sao ấy. Dù thế nào không biết, chàng tin chắc có ai đó đứng đàng sau, chỉ dựa sát lưng vào tường mới thấy dễ chịu. Nhưng tất cả những thứ ấy thấm tháp gì so với giá trị của quyển sách mà chàng vừa mua được. Và lúc này đây, một mình trong phòng, chàng lấy cái kho báu của giám mục Alberic ra, cái của quý mà mỗi lúc chàng thấy càng thêm hấp dẫn.

“Xin Chúa ban phước cho giám mục Alberic!” Dennistoun nói, chàng có cái tật không sửa được là hay nói một mình “Chẳng biết bây giờ ông ta ở đâu? Trời đất! Tôi cứ mong bà chủ quán có cái cười vui vui lên một chút chứ bà đừng làm như có ai chết trong nhà! Bà bảo là “Hãy hút thêm nửa tẩu thuốc nữa!” Đúng đấy. Tôi không hiểu cây thập tự cô gái cố tình cho tôi là sao? Thuộc thế kỷ trước chăng? Có thể lắm. Đeo ở cổ thế này vướng chết được, nặng ghê! Có lẽ cha cô ta đã đeo nó ở cổ trong nhiều năm. Trước khi cất đi ta phải đem nó ra lau sạch cái đã”

Chàng tháo cái dây ra, đặt trên bàn, vừa lúc đó có một vật nằm trên miếng vải đỏ bên khuỷu tay trái chàng khiến chàng chú ý. Óc chàng thoáng qua vài ba ý nghĩ thật nhanh.

“Giẻ lau bút ư? Nhà này làm gì có nhỉ? Chuột ư? Không, chuột phải đen hơn. Một con nhện lớn chắc? Ta tin là không phải. Ồ, mà trời ơi! Một bàn tay giống hệt bàn tay thấy trong bức tranh!”

Nhanh như ánh chớp chàng cầm bàn tay ấy lên. Làn da xanh bợt, chỉ có xương và gân, những thớ gân rất to, lông lá đen sì, bàn tay dài hơn bàn tay người bình thường, ngón tay có móng dài quắp xuống đưa ra trước, màu xám, cứng như sừng, rúm ró.

Chàng lập tức bay khỏi ghế ngồi, một nỗi sợ hãi không thể nào tả được bóp nghẹt lấy tim chàng. Một bóng ma mà bàn tay trái vẫn đặt trên bàn, vươn dậy sau chỗ chàng ngồi, bàn tay phải khom khom trên mảnh da đầu còn tí tóc. Bóng ma đó mặc quần áo rách tả tơi, lộ ra lông lá dài thô như trong bức tranh. Hàm dưới nó mỏng teo – tôi biết gọi thế nào? Hõm sâu vào như hàm của một con vật, răng nhe ra khỏi đôi môi đen ngòm, mũi không có, mắt rực sáng một ánh màu vàng, lồi ra hai con ngươi đen, bộc lộ ra tất cả nỗi căm thù muốn tiêu diệt cuộc sống. Đó là điểm đặc trưng nhất của sự kinh hoàng trong toàn bộ cảnh hiện hình yêu ma này. Trong tất cả những cái đó, vẫn có một sự thông minh nào ấy thấp hơn của con người nhưng cao hơn của con vật.

Những cảm giác mà sự kinh hoàng này gây nên cho Dennistoun là sự sợ hãi căng thẳng về thể chất đồng thời cũng là sự ghê tởm khủng khiếp nhất về tinh thần. Chàng phải làm gì đây? Chàng có thể làm gì? Chàng không biết chắc mình đã nói những lời nào chỉ biết là chàng đã nói, đã nắm vào cái chữ thập bằng bạc một cách mù quáng, chàng nhận thức được động thái của con quỷ tiến về phía chàng, thế là chàng kêu thét lên với giọng của một con vật dang chịu đựng một nỗi đau ghê gớm.

Pierre và Bertrand, hai tay phục vụ khoẻ mạnh chạy bổ vào, không trông thấy gì hết, nhưng cảm thấy bị đẩy sang một bên rất mạnh như có ai chạy qua, Dennistoun thì bất tỉnh nhân sự. Họ ngồi với Dennistoun suốt cả đêm hốm đó, còn hai anh bạn của chàng thì chín giờ sáng hôm sau mới tới. Bản thân chàng, tuy còn run rẩy, bồn chồn nhưng nói chúng lúc này đã lại người, thành ra câu chuyện kể của chàng người ta tin được, mặc dù sau đó họ phải tận mắt nhìn vào bức vẽ và đích thân gặp người giữ nhà thờ.

Khoảng rạng đông thì ông già bé nhỏ kiếm cớ vào quán và chú ý lắng nghe câu chuyện bà chủ quán kể lại, tỏ ra không chút ngạc nhiên.

“Ông ta đấy mà, ông ta đấy! Chính mắt tôi đã nhìn thấy mà!” ông già chỉ nói có thế, bất kỳ câu hỏi nào ông cũng chỉ hạ cố đáp có một câu “Hai lần tôi trông thấy ông ta, còn cảm thấy ông ta thì hàng ngàn lần”. Ông cũng không nói từ đâu mà mình có cuốn sách, cũng không kể chi tiết những gì mình đã gặp phải “Tôi chẳng mấy lúc cũng được nghỉ ngơi, và sự yên nghỉ của tôi sẽ êm đềm. Việc gì các ông phải bận tâm thế nhỉ?” Ông ta nói. [1]

Chúng ta không bao giờ hiểu được nỗi khổ mà ông ta và giám mục Alberic de Mauléon phải chịu đựng. Đằng sau tấm ảnh định mệnh đó có mấy dòng chữ viết tay có thể rọi cho chúng ta vài tia sáng:

Contradictio Salomonis cum demonio nocturno

Albericus de Mauleone delineavit

v. Deus in adiutorịm Ps.Quihabital

Sancte Bertrande, demoniorum effugator, intercedepro une miserrimo

Primum iudi nocte 12mi Dec 1694: uidebo mox ultimum

Poccaui et passus sum, plura adhuc passurus

Dec.29.1701 [2]

Tôi không bao giờ hiểu được quan điểm của Dennistoun về những sự kiện tôi vừa kể ở trên. Một lần chàng trích dẫn cho tôi một câu trong sách Thánh “Một số hồn ma hiện lên là để trả thù và trong cơn giận dữ, chúng chơi những cú ác liệt”. Một lần khác chàng nói “Issaiah là một người rất tỉnh táo, thế mà ông ấy chẳng nói gì đo ‘về những con quỷ đêm đêm vẫn sống ở những nơi đổ nát của Babylon đó sao? Những chuyện này hiện nay còn quá tầm với của chúng ta, chưa thể hiểu được”.

Một lời tâm sự khác nữa của chàng khiến tôi bị ấn tượng mạnh và qua đó thông cảm với chàng. Năm ngoái, chúng tôi tới Comminges thăm mộ của tu sĩ Alberic. Một tảng đá hoa cương sừng sững, trên có hình nổi của giám mục đội tóc giả mặc áo thầy tu và một lời ca tụng rất hay về học vấn của ông ở phía dưới. Tôi thấy Dennistoun nói chuyện khá lâu với cha xứ của nhà thờ St. Bertrand. Trên đường lái xe đi chàng bảo tôi:

“Hy vọng chuyện này không có gì sai trái. Anh biết tôi là người theo Tân giáo, nhưng tôi tin là nên tổ chức một lễ Mass và hát kinh tụng nguyện cho giám mục Alberic được yên nghỉ”.

Rồi chàng nói thêm pha giọng Bắc Anh:

“Không hiểu sao tôi cảm thấy họ thật gần gũi với mình”

Quyển sách hiện nằm trong bộ sưu tập Wentworth của Cambridge. Tấm tranh vẽ được chụp lại, sau đó Dennistoun đem đốt đi vào ngày chàng rời Commingessau dịp đến thăm nhà thờ lần đầu tiên.

Chú thích:

[1] Chú thích của tác giả: Ông ta chết mùa hè năm ấy, cô con gái đi lấy chồng và ổn định suốt đời ở St Papoul. Cô ta không hiểu gì về “nỗi ám ảnh” của người cha cả.

[2] Chú thích của tác giả: cuộc cãi nhau của Salomon với một con quỷ đêm, do Alberic de Mauléon vẽ. Câu xướng trong lúc hành lễ: Lạy Chúa mau cứu giúp con. Người Thánh ca. Người ở đây

St. Bertrand người đã đuổi theo những con quỷ phải bỏ chạy, xin hãy cầu nguyện cho tất cả những người bất hạnh. Tôi nhìn thấy hồnó ma ông lần đầu vào đêm 29 tháng 12 năm 1694. Không lâu sau đó tôi nhìn thấy nó lần cuối cùng. Tôi đã phạm tội, đã đau khổ, tôi không còn gì để đau khổ nữa, 29.12.1701

Theo quyển “Galliana Christiana”, ngày mất của vị giám mục là 31 tháng 12 năm 1701. (mất tại giường, cơn đột quỵ), thường chi tiết này không mấy khi gặp trong tác phẩm lớn của Sammarthani

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN