Giếng Thở Than
Chương 22: Ngôi nhà búp bê bị ma ám
“Chắc ông hay vớ được loại mẫu vật như thế này lắm phải không?” ông Dillet hỏi, chỉ cái gậy vào một vật mà đến lúc sẽ được tôi mô tả. Khi nói vậy ông biết mình nói dối. Chưa một lần nào trong hai mươi năm ròng, có lẽ trong cả một đời người là khác – ông Chittenden, người lùng sục những kho tàng bị lãng quên trong hàng chục tỉnh thành như thế, mong có được cơ may nắm giữ một mẫu vật loại này. Đối với một người sưu tầm thì đây là một áp phe lớn, và ông Chittenden biết như vậy.
“Loại đồ vật như thế này ấy ạ, thư ông Dillet! Đáng được đưa vào bảo tàng!”
“Bảo tàng thì thứ gì mà họ chẳng vơ!”
Ông Chittenden nghĩ ngợi một chút rồi nói “Những năm về trước tôi đã nhìn thấy một vật như thế này nhưng không đẹp bằng. Nhưng không phải tìm được ở ngoài chợ đâu. Tôi nghe nói họ có vài mẫu vật khá đẹp của thời kỳ sông nước. Không thưa ông, xin nói thực với ông, ông Dillet ạ, nếu ông muốn tìm một thứ gì tốt nhất mà tôi có thể tìm được – ông biết tôi có phương tiện tìm đến những thứ ấy, và tôi cũng muốn giữ danh tiếng của mình – thì, tôi chỉ việc dẫn thẳng ông đến cái thứ ấy mà nói rằng “Không thể nào tìm được cho ông thứ gì tốt hơn được nữa đâu.”
“Nào, nào!” Ông Dillet dùng gậy gõ gõ trên sàn nhà có ý khen mỉa “thế ông biết cái tay mua hàng ngây thơ người Mỹ phải trả cái giá cắt cổ là bao nhiêu vậy?”
“Ồ, tôi chẳng bao giờ cứng rắn với khách hàng, dù người Mỹ hay ai khác. Ông xem đấy, nó giá trị lắm, giá như tôi biết thêm được chút về nguồn gốc của nó..”
“Hoặc biết ít hơn..” ông Dillet đế vào.
“Ha! Ha! Ông cứ đùa! Không, nhưng như tôi đã nói đấy, nếu như tôi mà biết thêm chút ít về mẫu vật này, dù ai cũng hiểu nó à một món thiên tài, kể từng góc của nó ấy, và nếu như người trong cửa hiệu tôi không sờ vào nhiều như thế từ khi nó được đưa về, thì tôi hẳn đã đòi một giá khác.”
“Bao nhiêu? Hai mươi lăm chăng?”
“Ông nhân giá đó lên gấp ba cho, thưa ông. Bảy mươi lăm.”
“Tôi chỉ trả năm mươi.”
Dĩ nhiên điểm thoả thuận ở trung gian, không quan trọng chính xác là bao nhiêu, tôi nghĩ có lẽ sáu mươi ghinê, chỉ biết là nửa giờ sau, vật đó được gói lại, và một giờ sau đó ông Dillet đã đưa nó vào xe để lái về nhà. Ông Chittenden tay cầm tấm ngân phiêu, qua cánh cửa nhìn ông ta đi khỏi, mỉm cười rồi trở lại phòng khách, vẫn còn mỉm cười với bà vợ đang pha trà. Ông ta dừng lại nơi ngưỡng cửa.
“Bán xong rồi” ông ta nói.
“Thật là nhờ trời!” Bà Chitteden vừa nói vừa đặt bình trà xuống “Ông Dillet mua chứ gì?”
“Phải.”
“Ông ấy chẳng mua thì rồi cũng có người khác mua.”
“Ồ tôi cũng không biết nữa, nhưng mình ạ, ông ấy là người tốt.”
“Biết đâu đấy, nhưng ý tôi ông ấy chắc cũng chẳng vì một chút xáo trộn ấy mà hoảng lọan.”
“Thì đó là ý mình, nhưng theo tôi, số ông ấy là phải chứa nó. Tuy nhiên, chúng ta không còn nó nữa, thế là xong, một điều ta phải cám ơn là đúng rồi.”
Hai ông bà Chittenden ngồi xuống uống trà.
Còn ông Dillet và vật mới mua được? Nó là cái gì vậy? Nó là cái đầu đề câu chuyện tôi kể bạn nghe đây. Trông nó ra sao, tôi xin chỉ rõ cho bạn thấy.
Xe vừa đủ đặt nó ở ghế sau, ông Dillet ngồi với tài xế ở ghế trước. Xe đi rất chậm, mặc dù các buồng của ngôi nhà búp bê được chèn kỹ bằng bông, vẫn cần tránh dằn xóc, bởi trong đó còn xúm xít bao nhiêu là vật nhỏ xíu nữa. Thời gian chạy qua mười dặm làm ông rất lo lắng cho dù đã yêu cầu bác tài xế lái xe cẩn thận. Cuối cùng đến cửa nhà, Collins, người quản gia, ra mở cửa.
“Này Collins, anh phải giúp tôi đem vật này ra, việc hết sức tinh tế đấy. Hãy để nó đứng thẳng. Ở trong đấy các thứ không được chuyển dịch chỗ đâu. Để xem ta sẽ đặt nó ở đâu nào? (sau một lát suy nghĩ) có lẽ để trong phòng tôi, thế đã. Trên cái bàn to ấy.”
Nó được đưa lên căn phòng rộng của ông Dillet ở tầng hai, trông ra con đường đi lên cổng. Giấy bọc được gỡ ra, mặt trước ngôi nhà lộ ra, suốt một, hai giờ đồng hồ sau đó, ông Dillet chỉ lo gỡ hết các miếng đệm, đặt những thứ trong mỗi gian phòng bé xíu vào trật tự.
Sau khi nhiệm vụ tương đắc này được hoàn thành, tôi phải nói là khó lòng kiếm được một mẫu vật nào hoàn hảo và hấp dẫn hơn ngôi nhà búp bê kiểu Gô tích đứng trên ngọn đồi Strawberry Hill trên cái bàn giấy rộng của ông Dillet, được chiếu sáng rực rỡ bởi ánh nắng chiều xuyên nghiêng qua ba cửa sổ cao có khung kính trượt.
Toàn bộ chiều dài của nó là một mét tám, kể cả nhà thờ nhỏ áp vào sườn trái mặt trước nhà. Chuồng ngựa ở bên phải. Khối chính của toà nhà, như tôi đã nói, theo kiểu Gô tích. Các cửa sổ hình cánh cung trên có chóp nhọn, với những cái móc và hình chạm giống như ta thường thấy ở vòm các ngôi mộ xây hẳn vào trong tường. Các góc nhà đều có các tháp nhỏ, trên phủ những tấm ván ô cong. Nhà thờ nhỏ có các tháp nhọn và trụ ốp, trong tháp có cả chuông, cửa sổ kính màu. Mặt trước ngôi nhà mở ra, ta có thể thấy bốn phòng lớn, phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn và bếp. Mỗi phòng đều có đồ đạc riêng.
Chuồng ngựa bên phải, hai tầng, đủ cả ngựa xe, bồi ngựa, có đồng hồ gõ chuông và mái vòm Gô tích cho chuông đồng hồ.
Phải mất nhiều trang mới mô tả được trang bị của toà nhà, nào là xoong chảo trong bếp, ghế ngồi thếp vàng trong phòng khách, nào là tranh ảnh, thảm trải sàn, đèn chùm, giường bốn cột, khăn trải bàn, cốc tách, bát đĩa…Thôi để ta tưởng tượng ra vậy. Tôi chỉ muốn nói nền nhà hoặc chân tường, chân cột mà cái nhà đứng trên đó (vì ở dưới có một chiều sâu cho các bậc tam cấp đi lên cửa trước, một sân hiên và một phần lan can) có một loạt các ngăn kéo trong đó xếp đủ loại rèm cửa, quần áo để những người trong nhà thay đổi, tóm lại đủ mọi vật dụng cho không biết bao nhiêu loạt thay hình đổi dạng và tái trang bị, đều đáng say mê thích thú hết.
“Đúng là tinh hoa của Horace Walpole [1] . Nhà văn hẳn đã viết gì đó về cái nhà này.” Đó là lời ông Dillet quỳ trước toà nhà, lẩm bẩm với niềm say sưa khâm phục “Tuyệt vời! Hôm nay đúng là ngày của ta và không có sai lầm nào. Năm trăm bảng có vào đây sáng nay ta cũng chẳng thiết, thế mà với một phần mười số tiền đó ta lại được một thứ đẹp nhất dù có tìm trong cả thị trấn Chà chà! Nó làm người ta đâm sợ có chuyện gì xảy ra chống lại nó. Dù sao thì cũng cứ xem thử những người trong nhà ra sao.”
Ông đem họ ra xếp thành hàng. Chỗ này có cơ hội kiểm kê các bộ quần áo. Tôi không làm nổi!
Có một vị quý tộc với một phu nhân, ông ta mặc đồ sa tanh xanh, bà vận đồ thêu. Hai đứa trẻ một trai, một gái, một bà bếp, một cô giữ trẻ, một người hầu, bọn đầy tớ coi sóc chuồng ngựa, hai người dẫn ngựa trạm, một dánh xe, hai giữ ngựa.
“Còn ai nữa không? Có thể lắm chứ!”
Màn của chiếc giường bốn cọc trong phòng được buông kín cả bốn phía chung quanh, ông lấy ngón tay khẽ tách màn và sờ vào trong giường. Ông vội giật ngón tay lại ngay, bởi vì có một cái gì đó – không hẳn là cựa quậy, nhưng nhượng bộ – theo cái cách của người đang sống. Rồi ông kéo màn lại, màn chạy êm ro trên dây căng – và lôi ra khỏi giường một cụ già quý tộc tóc bạc phơ mặc áo ngủ dài bằng lanh, dầu trùm mũ ngủ sau đó đặt cụ bên cạnh mấy người kia. Thế là đủ mặt.
Sắp đến giờ cơm tối, thế là ông Dillet mất năm phút đặt bà phu nhân và hai đứa trẻ vào phòng khách, ông quý tộc vào phòng ăn, đầy tớ vào bếp và chuồng ngựa, cụ già vào lại giường. Bản thân ông thì lui vào phòng thay quần áo của mình ngay bên cạnh, và đến mười một giờ đêm chúng ta mới thấy lại ông.
Ông có cái thói kỳ lạ là nằm ngủ với các bộ sưu tập quý nhất của mình vây quanh. Phòng lớn ta nhìn thấy ông lúc này chỉ có cái giường, còn bồn tắm, tủ quần áo, mọi vật dụng dùng cho việc đóng bộ thì ở phòng bên rất thuận lợi, riêng cái giường, bốn cột nằm giữa phòng ngủ, bản thân nó đã là cả một gia tài, phòng này còn đôi khi dùng làm chỗ viết lách, ngồi chơi, thậm chí tiếp khách. Đêm nay ông lui về đó, tinh thần đặc biệt cao hứng.
Tại đây thì không thể nghe thấy tiếng chuông đồng hồ nào trong tầm tai, cầu thang không có đồng hồ, chuồng ngựa cũng không, tháp chuông nhà thờ ở xa xa cũng không. Ấy thế mà ông Dillet đang ngủ ngon bỗng giật mình tỉnh dậy khi nghe chuông đồng hồ điểm một giờ.
Ông sửng sốt đến nỗi không những mở chong mắt nín thở, mà còn ngồi thẳng dậy trên giường.
Suốt cho đến sáng ông vẫn cứ tự hỏi, làm sao mà trong phòng không có ánh sáng, ngôi nhà búp bê trên bàn vẫn cứ sáng trưng lên? Nhưng đúng như vậy thật. Nó là do mặt trăng sáng vằng vặc soi tỏ toà nhà bằng đá trắng có lẽ cách đó nửa dặm, mọi chi tiết đều in hình rõ nét. Các cây cao xung quanh. Sau ngôi nhà và sau nhà thờ nhỏ. Rõ ràng ông cảm thấy hơi lạnh của tiết trời một đêm tháng Chín. Trong chuồng ngựa có tiếng leng keng, tiếng vó ngựa dậm chân. Thêm cú sốc nữa là bên trên ngôi nhà không phải bức tường phòng ông với những bức tranh treo ở đó mà là một bầu trời đêm sâu thẳm và xanh ngăn ngắt.
Không phải một, mà nhiều cửa sổ có ánh đèn, ông nhận ra ngay đây không phải ngôi nhà búp bê bốn phòng với mặt trước nhấc ra được, mà là một nhà nhiều phòng, một toà nhà thực sự – nhưng được nhìn thấy như qua một lăng kính. “À, mi định cho ta xem một cái gì đây.” Ông lẩm bẩm và nhìn đăm đăm vào những cửa sổ sáng đèn. Ông nghĩ, nếu trong đời thực thì cửa sổ lúc này phải đóng hết và che rèm chứ, tuy nhiên nhờ thế mà ông nhìn thấy rõ những gì diễn ra bên trong.
Hai gian phòng có đèn sáng – một ở tầng trệt bên phải cửa ra vào, một trên gác bên trái – phòng thứ nhất khá sáng, phòng thứ hai thì mờ mờ. Phòng dưới nhà là phòng ăn. Bàn đã được dọn sẵn, nhưng bữa ăn đã xong, chỉ còn ly tách và chai rượu. Còn mỗi người đàn ông mặc sa tanh xanh và người đàn bà mặc đồ thêu ngồi lại, sát vào nhau bên bàn và chuyện trò với nhau rất sôi nổi, khuỷu tay chống lên bàn, im lặng lắng nghe cái gì không biết. Có một lúc ông ta đứng dậy, tiến đến mở cửa sổ, thò đầu ra ngoài lắng tai nghe ngóng. Một cây nến cháy trên giá nến bằng bạc đặt trên tủ buýt phê. Khi người đàn ông rời khỏi cửa sổ cũng là lúc ông ta rời khỏi gian phòng, bà phu nhân cầm giá nến, đứng im nghe ngóng, trên mặt như lộ vẻ sợ sệt hãi hùng phải cố kềm chế, và kềm chế được. Đó cũng là một bộ mặt đáng ghét, to bẹt và đầy vẻ quỷ quyệt, giả nhân giả nghĩa. Khi người đàn ông trở lại, bà ta cầm lấy một thứ gì nho nhỏ từ tay chồng rồi vội vã ra khỏi phòng. Ông kia cũng biến mất nhưng chỉ ít phút sau lại xuất hiện. Cửa trước mở ra, ông bước ra đứng trên bậc trên cùng cửa toà nhà, nhìn trước nhìn sau nghe ngóng, cuối cùng nhìn lên cửa sổ phòng trên, dứ dứ nắm đấm.
Giờ nhìn lên phòng trên. Có chiếc giường bốn cột. Một y tá hoặc đầy tớ ngồi trong cái ghế bành ngủ say sưa; trên giường thì một cụ già đang nằm, tỉnh táo, có vẻ lo lắng thì đúng hơn vì cứ cựa quậy và động đậy các ngón tay tựa như gõ nhịp trên khăn trải giường. Cạnh giường, một cánh cửa mở ra, đèn trần sáng, cho thấy bà phu nhân đi vào. Bà ta đặt giá nến trên bàn, đến gần lò sưởi đánh thức y tá dậy. Tay bà ta cầm một bình rượu kiểu cổ đã mở nút. Y tá đón lấy, rót một ít vào cái xoong bằng bạc, cho thêm tí đường và ít gia vị từ cái bình con trên mặt lò sưởi rồi đưa vào lửa hâm nóng. Cụ già yếu ớt vẫy bà phu nhân. Bà ta tiến lại, mỉm cười, nắm lấy cổ tay ông cụ như bắt mạch, môi mím lại có vẻ kinh ngạc. Cụ nhìn bà ta lo ngại, chỉ ra cửa sổ nói cái gì đó, bà ta gật đầu và làm giống như người đàn ông dưới nhà, tức là mở khung cửa ra và lắng tai nghe ngóng hết sức chú tâm, sau đó rụt đầu vào và lắc đầu nhìn cụ già, cụ hình như thở dài.
Dung dịch sữa đường đã bốc hơi, y tá rót một ít ra cái bát bằng bạc có hai tay cầm, bưng đến bên giường. Cụ già không muốn uống, vẫy tay xua đi nhưng hai người kia cứ cúi xuống ép, dựng cụ ngồi dậy, đưa cái bát vào tận miệng, cụ đành phải uống, uống gần hết bát sữa, bằng nhiều hớp. Họ đỡ cụ nằm xuống. Bà phu nhân mỉm cười chúc cụ ngủ ngon rồi ra khỏi phòng, mang theo cái bát, chai rượu cả cái xoong. Y tá trở lại ghế bành, tiếp theo là một đoạn im lặng hoàn toàn.
Bỗng nhiên cụ già ngồi dậy, hình như kêu lên, y tá tỉnh dậy bước đến bên giường. Trông cụ thật khủng khiếp – mặt đỏ bừng bừng, sau đó tím đen lại, hai mắt trắng dã, hai tay ôm chặt lấy ngực, sùi bọt mép.
Trong một lúc y tá chạy ra khỏi phòng, mở toang cửa và có lẽ gào to cấp cứu, rồi lại chạy tới giường vuốt ngực cho cụ, đặt cụ nằm. Bà phu nhân, ông chồng và nhiều đầy tớ nữa hốt hoảng chạy bổ vào phòng, cụ già xỉu đi trong tay y tá rồi nằm xuống, mặt mũi co quắp đầy vẻ tức giận trong cơn hấp hối, cuối cùng toàn thân duỗi thẳng cẳng.
Chỉ ít phút sau, đuốc sáng bên trái ngôi nhà. Một xe ngựa tới cửa. Một người đàn ông đội bộ tóc giả màu trắng, áo quần màu đen, lặng lẽ chạy lên bậc tam cấp mang theo chiếc cặp da, đến cửa thì gặp hai vợ chồng nhà kia, bà vợ tay nắm chặt chiếc khăn tay, ông chồng mặt mày bi thảm cố tự chủ để trấn tĩnh. Họ đưa người mới tới vào phòng ăn, ông này mở các giấy tờ ra, quay về phía hai vợ chồng, sửng sốt nghe họ trình bày. Ông ta gật gật đầu, vung nhẹ hai bàn tay có ý từ chối ở lại đêm, vài phút sau chậm rãi bước xuống bậc tam cấp, chui vào xe ngựa, xe quay trở lại con đường vừa đi tới. Người đàn ông đứng trên bậc thềm nhìn theo, thoáng hiện nụ cười phấn khởi trên khuôn mặt bị thịt. Đêm tối rơi xuống toàn cảnh trên khi ánh đèn trên xe ngựa mất hút.
Nhưng ông Dillet ngồi sừng sững trên giường. Ông ta đã đoán ra đoạn tiếp theo. Toà nhà còn sáng lung linh một lúc lâu.
Rồi tình hình trở nên khác trước. Đèn sáng lên trên nhiều cửa sổ khác nữa, trong đó có một cửa sổ tầng trên cùng và một cửa sổ nào đó chiếu sáng lớp kính màu của dãy cửa sổ nhà thờ nhỏ. Làm sao ông Dillet trông xuyên được qua cửa sổ nhà thờ chính ông cũng không hiểu. Chỉ biết là bên trong trang trí đẹp như hết thảy các phòng trong toà nhà. Những cái đệm đỏ nhỏ xíu trên bàn giấy kính, các ghế ngồi hát kinh có vòm che kiểu Gô tích, hành lang phía Tây nhà thờ cùng chiếc đàn organ có tháp nhọn với các ống bằng vàng. Ở chính giữa mặt sàn lát đen và trắng là một chiếc kiệu khiêng quan tài. Bốn góc thắp bốn ngọn nến. Trên kiệu khiêng là một chiếc quan tài phủ vải nhung màu đen.
Đang nhìn thì ông thấy những nếp gấp của tấm nhung lay động, hầu như một đầu bị dựng lên rồi cứ thế trượt xuống, lộ chiếc quan tài màu đen có tay nắm bằng bạc và phiến kim loại ghi tên người chết. Một giá nến chao đảo, rơi xuống đất. Ông Dillet vội quay đi nhìn lên cửa sổ tầng trên cùng toà nhà nơi hai đứa trẻ con ngủ trong một chiếc giường đẩy, ngoài ra còn một cái giường bốn cọc cho vú em nằm. Không thấy bà vú đâu, chỉ thấy cha và mẹ chúng, họ mặc đồ tang, nhưng tác phong thì chẳng có vẻ gì là tang tóc, họ nói cười náo nhiệt với nhau hoặc với một trong hai đứa trẻ, chúng trả lời thì họ cười rộ. Rồi người cha rón rén đi ra mang theo một tấm áo trắng treo trên mắc cạnh cánh cửa. Ông ta đóng cửa lại sau lưng. Một hai phút sau, cửa từ từ mở ra, một cái đầu trùm kín thò vào, hình dạng kỳ quái, bước tới hai chiếc giường đẩy, vung tay lên lộ ra người cha đang cười ầm ĩ. Trẻ con sợ quá, thằng con trai lấy khăn giường trùm kín đầu, đứa con gái lao ra khỏi giường vào tay mẹ nó. Thế là cả cha và mẹ dỗ dành các con, đặt chúng ngồi trên lòng, vuốt ve chúng, vứt tấm áo trắng đi cho chúng thấy là không có gì đáng sợ, cuối cùng đặt chúng lại vào giường, vẫy tay từ biệt chúng. Họ ra khỏi thì bà vú đi vào, đèn tắt.
Ông Dillet vẫn ngồi im phăng phắc theo dõi.
Tự nhiên có một thứ ánh sáng nhợt nhạt ghê ghê – không phải đèn, không phải nến – hiện ra ở cánh cửa cuối phòng. Cửa mở. Người xem chỉ biết là có một cái gì đó vào phòng – trông thì giống con ếch nhưng to bằng người thật, đầu có tóc trắng lơ thơ. Vật đó bận rộn làm cái gì ở chỗ hai cái giường đẩy không biết, nhưng không lâu. Có tiếng kêu sau đó lịm đi ngay như ở tận đâu đâu, tuy thế nghe cũng khiếp vía lên được – vẳng đến tai ông Dillet.
Toàn thể toà nhà lúc này nhốn nháo cả lên. Ánh đèn đi tới đi lui, cửa hết mở lại đóng, hình người qua lại phía sau cửa sổ, đông hồ trên tháp chuông chuồng ngựa gõ một tưởng . Rồi tất cả lại im lặng.
Một lần nữa bóng tối lại được xua tan, lộ ra mặt trước toà nhà. Từ chân bậc tam cấp những dáng hình đen xếp thành hai hàng, tay cầm đuốc. Nhiều bóng hình đen nữa dang bước xuống bậc tam cấp, khiêng một quan tài lớn rồi đến quan tài nhỏ. Những hàng người mang đuốc cùng hai chiếc quan tài lặng lẽ đi về phía bên trái.
Giờ khắc đêm khuya trôi dần – chưa bao giờ chậm chạp đến thế, ông Dillet nghĩ. Dần dần từ chỗ ngồi thẳng trên giường, ông nằm xuống, tuy nhiên không sao chợp mắt được. Sáng hôm sau ông cho mời bác sĩ.
Bác sĩ thấy ông trong tình trạng thần kinh bị xáo động mạnh, khuyên ông đi nghỉ ở miền biển. Ông lên xe đi về bờ biển phía Đông tĩnh lặng, êm ả. Một trong những người đầu tiên ông gặp ở nơi đây là ông Chittenden có vẻ như cũng được người ta khuyên đưa vợ ra biển nghỉ ít ngày để thay đổi không khí. Ông này nhìn ông Dillet một cách ngờ vực. Tất nhiên không không có lý do.
“Ông Dillet, tôi không ngạc nhiên thấy ông có vẻ tâm thần bất an. Cái gì? Vâng, ồ, nói đúng hơn là tinh thần hoảng loạn, chắc chắn rồi, vì nhìn thấy những gì xảy ra, nhà tôi cũng đã tận mắt nhìn thấy. Nhưng xin hỏi ông. Một là tôi phải đập đi một mẫu vật đáng yêu như thế hơn là nói với khách hàng “Tôi sắp bán cho ông một vở kịch bằng hình ảnh của một toà lâu đài thời cổ, nó đều đặn cứ một giờ sáng là diễn.” Nếu là ông, ông bảo làm thế nào? Lại còn nữa, hai thẩm phán trị an ở sau nhà, nhìn ông bà Chitenden trên xe đến nhà an dưỡng của quận, cũng như dân chúng trên đường phố đang bảo “Xem kìa! Tôi đã bảo lão sẽ ra nông nỗi ấy! Lão đó nghiền rượu lắm mà! Mà tôi, ở cạnh đó, chỉ mình tôi, là người không uống rượu bao giờ! Đó, hoàn cảnh tôi nó như thế. Làm sao bây giờ? Đem cái đồ đó trả về cửa hiệu chăng? Ông nghĩ vậy chăng? Không! Nhưng tôi nói với ông tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ trả lại tiền cho ông, trừ đi mười bảng tôi đã bỏ ra để mua, rồi ông muốn làm gì nó thì làm.”
Chiều muộn ngày hôm ấy, trong phòng hút thuốc của một khách sạn, hai người đàn ông rầm rĩ chuyện trò với nhau như thế.
“Ông thực sự biết gì về cái nhà búp bê đó? Nó từ đâu ra?”
“Ông Dillet ạ, thú thực là tôi không biết gì về ngôi nhà đó cả. Dĩ nhiên nó từ một căn nhà thôn quê chứa chất đủ mọi thứ linh tinh, ai cũng đoán ra được. Nhưng tôi tin nó không ở cách đây quá một trăm dặm đâu. Về hướng nào thì tôi không biết. Tôi chỉ đoán thôi. Người cầm tấm ngân phiếu của tôi trả là một người quen bán đồ cho tôi, nay tôi không nhìn thấy đâu nữa, nhưng tôi nghĩ vùng này là vùng làm ăn của hắn. Đó, tôi đã nói tất cả với ông. Nhưng ông Dillet ạ, có một thứ mà đối với tôi nó như liều thuốc. Cái người đàn ông hẳn ông nhìn thấy đi xe đến cổng toà nhà, là thầy thuốc chứ gì? Vợ tôi nghĩ vậy, nhưng tôi cho rằng đó là luật sư, vì hắn có mang theo các giấy tờ, rồi giở ra mà.”
“Tôi cũng cho là vậy” ông Dillet đáp, càng nghĩ càng thấy dó là di chúc của ông cụ, chuẩn bị để ký.
“Tôi cũng nghĩ thế” ông Chitteden nói “Di chúc không để lại tài sản cho hai vợ chồng, đúng không? Thật là một bài học cho tôi, tôi chẳng bao giờ đi mua những ngôi nhà búp bê nữa, tranh cũng không – lại còn vụ đầu độc ông già ngoại ấy – phải, tôi mà biết, đời nào tôi chơi vào . “Live and let live – mọi người đều có quyền sống – châm ngôn suốt đời tôi là vậy, câu này đúng lắm.”
Lòng tràn ngập những tình cảm cao cả ấy, ông Chittenden lui về phòng mình. Ông Dillet thì sáng hôm sau tới viện nghiên cứu của địa phương hy vọng tìm được manh mối cho những uẩn khúc làm bận tâm trí ông. Ông thất vọng nhìn vào trang giang đại hải những ấn phẩm của Canterbury và York Society về các quyển sổ ghi chép lại những việc trong giáo khu của vùng này. Chẳng có ngôi nhà nào giống như trong cơn ác mộng. Cuối cùng quá chán nản, ông vào căn phòng của những vật vô thừa nhận, nhìn vào một mô hình nhà thờ ở trong một hộp kính: Mô hình nhà thờ St Stephen, Coxham. Do ông J.Merewether tặng, phác thảo Ilbridge House. Công trình của tổ tiên ông James Merewether, chết năm 1786. Mô hình phảng phất có nét gì đó liên quan đến nỗi hoảng loạn của ông. Ông tới chỗ bản đồ treo tường: Ilbridge House ở giáo khu Coxham. Coxham là một trong những giáo khu có tài liệu trong đống sổ ngoài kia, thế là ông tìm ra được ghi chép việc chôn cụ Roger Milford, bảy mươi sáu tuổi, ngày mười một tháng Chín năm 1757, Roger và Elizabeth Merewether, chín tuổi và bảy tuổi, vào ngày mười một cùng tháng. Manh mối này đáng theo đuổi tuy rất mong manh. Buổi chiều ông phóng xe đến Coxham. Phía Đông của cánh Bắc nhà thờ là nhà thờ nhỏ của gia đình Milford. Trên mặt tường phía Bắc có bảng ghi ba người trên: Roger, người cao tuổi nhất, xem ra xứng đáng với tên gọi, Người cha, thẩm phán, đấng nam nhi”. Bia kỷ niệm dựng bởi con gái yêu Elizabeth, “người chỉ còn sống không lâu sau cái chết của vị thân quyến chỉ lo âu cho phúc lợi của con gái mình và cái chết của hai đứa con thân yêu.” Câu cuối này rõ ràng là được thêm vào mấy dòng nguyên thủy kể trên.
Một phiến đá cuối cùng là bia của James Merewether, chồng Elizabeth “Người mà thời trẻ thực thi rất giỏi thứ nghệ thuật mà những người đánh giá tài năng phải tặng cho ông ta cái tên Vitruvius [2] của nước Anh, nhưng tiếc thay mất người bạn đời trìu mến cùng con cái đầy triển vọng, thành ra đến tuổi trung niên và tuổi già đã lui vào ẩn dật. Cháu trai thừa kế của ông do biết ơn ông đã đau thương dựng mấy chữ này nói lên những ưu việt của ông.”
Hai đứa trẻ thì chỉ đơn giản có bia tưởng niệm, cả hai chết vào đêm mười hai tháng Chín
Ông Dillet tin chắc toà nhà Ilbridge House đã chứng kiến vở bi kịch. Trong một quyển tranh phác thảo cổ, ông tìm được bằng cớ cho thấy ông nói đúng. Nhưng Ilbridgw House giờ đây không còn là thứ mà ông tìm kiếm nữa. Nó là một toà nhà kiểu Elizabeth những năm bốn mươi, bằng gạch đỏ, gốc xây đá, mọi trang trí cũng vậy. Cách đó một phần tư dặm, trong một nơi đất trũng của công viên có những cây cao leo dầy dây thường xuân và các bụi cây rậm rịt vẫn còn vết tích của nền nhà nay mọc toàn cỏ dại. Vài mảnh lan can đá còn rải rác đây đó, vài đống đá phủ dây thường xuân, những viên đá chạm thô sơ có móc nhọn theo ông Dillet, đó là di tích của một ngôi nhà cổ xưa.
Lái xe rời khỏi làng, đồng hồ toà nhà điểm bốn gìờ chiều. Ông Dillet giật mình để tay lên vành tai nghe cho rõ. Đây không phải lần đầu ông nghe thấy tiếng chuông đồng hồ này.
Ngôi nhà búp bê chờ người hẹn mua từ bên kia Đại Tây dương đang được gói kín nằm trong một ngăn chuồng ngựa nhà ông Dillet, đâu như Collins gửi nó đi vào hôm ông Dillet khởi hành đi bờ biển phía đông.
(Có thể có người nói – cũng không phải không có chút bất công – rằng đây chỉ là một biển thể của truyện dài tranh in khắc tôi đã viết trước đây. Tôi chỉ dám hy vọng trong đó có nhiều điểm khác tuy có sự trùng lặp về mô típ)
Chú thích :
[1] Horace Walpole (1717 – 1797) một trong những nhà văn Anh khởi xướng viết tiểu thuyết trinh thám
[2] Vitruvius – kiến trúc sư La mã thế kỷ I trước công nguyên. Tác giả cuốn chuyên luận De Acrchitectura mà các bản sao chép và mô phỏng từ thế kỷ 15 đã nuôi dưỡng bước tiến hoá của kiến trúc cổ đại Châu Âu
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!