Giống Rồng
Chương 1-2: Trốn chạy
Hồi Thứ nhất:
Chốn sông thiêng, con dân chài trốn chạy.
Đất uy linh, kết bái những anh hùng.
Chương 1.2 Trốn chạy
Trong lúc thuyền lớn lướt đi thật nhanh về Tống Bình, có một thuyền nhỏ đi ngược từ đông nam lên, dáng dấp một chàng thanh niên tráng kiện đang đẩy mái chèo nhanh thoăn thoắt ngược cửa Nam Triệu trở vào sông Thầy. Trăng đã treo cao trên lũy tre ven đê, tiếng mái chèo khua nước bì bõm chẳng thể xua tan đi không gian im ắng của sông nước xứ này. Tên quan huyện chễm chệ ngồi trên lọng đung đưa dưới ánh sương mờ ảo. Lát lát hắn lại xua xua đuổi muỗi, hắng giọng hắn liên tục hỏi đám lính: “Sắp tới chưa bay?”
Mấy tên lính gù gật bên mạn thuyền giật mình nói theo: “Sắp rồi, sáng rồi”.
Chiếc lưới căng kéo con cá về sông Cái ngược dòng khiến mấy tên lính thay nhau đẩy mái chèo cũng thấm mệt. Có chút canh cá loãng trên cái niêu chưa hết canh ba đã sạch trơn. Một hai tên lính đi tuần vòng quanh thuyền như hai cái xác vô hồn kéo lê trong đêm trăng đôi mươi. Bỗng nhiên thuyền thấy lướt nhẹ đi, không còn cảm giác nặng trĩu nữa. Mấy tên lính xì xầm: “Chắc là con cá đã chịu bơi theo thuyền rồi”.
Thuyền lắc lư một cái thật mạnh khiến tên quan huyện lăn quay ra sàn. Bọn lính nhốn nháo: “Thuyền nghiêng, kẻo lật.” Góc phải mạn thuyền là đám lính bị trượt dồn vào chất đống, giáo mác lô xô đâm vào áo quần chúng khiến máu chảy đầm đề. Một lát sau thuyền lại yên, tên quan huyện chỉnh lại đầu tóc, xiêm y quát tháo:
– Các ngươi lái thuyền kiểu gì đấy?
Một tên lính lầm lũi từ giữa khoang thuyền đi lên, mặt lấm lét cho biết:
– Bẩm quan! Lưới rách, cá đã bơi mất.
Tên quan mặt đỏ như gấc, căm căm nhìn đám lính rồi ra sức quát tháo:
– Cha mẹ nhà chúng bay. Có con cá cũng không giữ được. Chúng bay có biết đầu của các ngươi cả trăm đứa cũng không đổi được nó không? Nó chính là rồng đất Việt đấy. Bọn bay có biết không?
Bọn lính tên nào tên ấy mặt mũi như gà vừa cắt tiết. Tên quan họ Lý lại tiếp tục than vãn:
“Ôi than ôi! Đi ngay, bơi nhanh. Ta không cần biết con cá bơi nhanh cỡ nào. Từ giờ đến giờ thìn ngày mai các ngươi không bắt được con cá thì ta giết sạch các ngươi.”
Bọn lính tráng vội vàng vơ lưới cụ nhốn nháo soi đuốc xuống mặt sông tìm cá. Một đám khác nhảy vội lên bờ khua xóm chài ven sông lùng sục cùng bọn chúng. Tên bổ đầu họ Mã thì thầm bên tai quan huyện: “Bẩm quan lớn! Lúc nghiêng thuyền, không biết Đại nhân có để ý không? Ta thấy dưới ánh trăng, mạn phải thuyền có một bóng người. Sải tay hắn dài cỡ chục tấc, chân thoăn thoát bì bõm xuôi theo dòng.”
– Có chuyện đó sao? Sao nhà ngươi không nói sớm? – Tên quan huyện sửng sốt.
– Bẩm đại nhân. Người nóng giận tôi chưa dám can. Nay thấy nguôi nên tôi mới bẩm. Tôi còn nhìn thấy rõ một vết tràm sau lưng hắn giống y hệt hình săm của đám dân Đỗ gia trang. Chắc chắn là bọn dân đen đó đã đến cướp báu vật ấy.
Tên quan hét lớn, tay hắn cầm cây giáo đâm mạnh vào mạn thuyền để xả nỗi giận dữ.
– Bay đâu! Quay lại Đỗ Gia Trang giết hết cho ta.
Tên bổ đầu cúi gằm mặt xuống, mặt tái mét, miệng lắp bắp:
– Bẩm… bẩm… bẩm! Có… có… cần giết, giết hết không, không ạ?
– Giết sạch cho ta! Lũ điêu dân láo toét. Lần này không tìm được cá ta sẽ giết sạch bọn bay.
Trời dần trở sáng, đám lính đi tìm chưa thấy có tin gì báo về với tên quan huyện. Hắn vật vờ trên chiếc lọng, thi thoảng lại giật mình miệng lẩm bẩm “Long Ngư, Long Ngư”. Mấy tên lính rệu rã chuẩn bị bữa sáng cho quan huyện cùng với chút nước ấm để hắn rửa mặt.
Hắn cáu gắt liên hổi: “Cha mẹ mày! Lão gia mà không thấy nó chúng mày sẽ phải chết! Phải chết, phải chết.”
Giờ đã quá Tỵ, hắn nhễ nhại dưới ánh nắng hè gay gắt. Không thấy tăm hơi từ đám lính uể oải trên sông. Tên quan họ Lý liền giục giã sai quay lại hương Yên Hưng.
Thuyền quan cập bờ, dân chúng nhìn tên quan họ Lý một cách e dè. Hắn giơ tay ra hiệu cho đám lính chặn hết mọi ngả đường. Tay hắn lăm le thanh gươm trên tay. Hắn chỉ trỏ, đám lính xông vào từng nhà kéo người già, phụ nữ, trẻ em tay chẳng có gì chỉ biết ú ớ rồi hét lên “Giết người! Giết người!” Trẻ con lon ton nhốn nháo chống cự yếu ớt trước sự sỗ sàng của đám lính tráng. Rồi trong chốc lát, cả làng chài đỏ máu, thây người chất đống chẳng còn chút sự sống. Xác gà, xác lợn, cá khô, tươi lẫn lộn đỏ lòm trong đầm máu. Chỉ còn vài cánh tay thoi thóp và giọng the thé yếu ớt cũng bị gươm giáo của bọn lính dập ngay.
Đám thanh niên làng nghe tin hốt hoảng chạy về, người cầm lưới kẻ cầm tay chèo vội vã cập bờ lao vào liều chết một phen với đám lính đằm đằm sát khí kia. Kẻ chém người giết, máu cũ chưa khô đã lại đậm thêm màu. Lính tráng sứt chán mẻ đầu, đám thanh niên làng thì rách tay, gãy chân. Chẳng còn ai lành lặn. Những tên lính quen tập trận giả nay thấy yếu ớt khi đương đầu với những thanh niên làng chài, lần lượt ngã quỵ rồi rủ nhau lên thuyền chạy trốn. Máu chảy thành dòng, một góc sông lênh láng. Tiếng í ới gọi nhau cũng dần tắt lịm trong cái nắng rát mùa hè. Chỉ trong nửa canh giờ thôi, những mái nhà cháy rụi, những xác người lô nhô lần lượt được kéo đi trong cơn đói mệt của những người còn lại trong làng.
Chàng thanh niên tóc búi củ hành, dáng người vạm vỡ, thân cao bảy thước, mình dày tựa chum, đôi chân thoăn thoắt, ánh mắt sáng ngời trên khuôn mặt vuông vức, mày rậm như hùm. Mặt lấm lét, tay đỏ máu tươi anh ta vừa đi vừa rưng rưng nước mắt, giọt lệ lăn giọt mồ hôi hòa làm nhạt dần những vết máu trên khuôn mặt:
– Thật là khốn nạn. Đám bạo tàn các ngươi sẽ phải chết. Thù này ắt báo. Nợ này ắt đòi. Con dân đất này vô cớ chịu đọa đày chỉ vì một con cá. Thật là tai họa.
Anh gầm vang một tiếng đổ về bãi lầy cửa sông. Tôm cá nhảy lên ùa về biển lớn. Cua cáy chạy lên bờ vì tiếng rền sóng dữ. Cả lảng chỉ còn lại tám người cùng hai chiếc thuyền nhỏ.
Sau hơn ba ngày vừa cúng tế, vừa trốn chạy. Ba đêm ròng tám người còn lại đào được hơn hai chục hố mả dọc dòng sông xuôi về Đông Hải. Họ chẳng dám hương hoa hay đắp nấm vì sợ lũ quan quân quay lại đào quật lên. Tang thương nhưng cực chẳng đã họ lại bàn:
– Giờ ta chẳng còn chốn dung thân, quan quân lùng sục chúng ta khắp Giao Châu này. Thôi thì hai thuyền này, mỗi hướng một ngả. Ta cùng với Sĩ Giao, Sĩ Hoàng, Đỗ Dụng ngược dòng về Giao Châu có chỗ người quen để tá túc chờ ngày tương hội. Còn Đỗ Trang, Đỗ Kiêm, Tồn Thành và Thủ Trừng xuôi theo Đông Hải đến Ái Châu nương nhờ chỗ Đỗ thứ sử Ái Châu.
Thuyền ngược về Tống Bình đi đến cửa sông Thầy thì bị đám cướp khét tiếng ở Giao Châu là Lục Bạch Hổ cướp phá, thuyền tan người bị bắt chẳng còn tin tức. Thấy vậy, Tồn Thành lấy làm buồn lắm. Đêm trăng xuống lại nhâm nhi ly rượu khóc than: “Trời đất điên đảo, lòng người đảo điên. Biết đến khi nào Đỗ Gia ta mới được ổn yên?”.
Vài tuần sau khi đến được Trường Châu, Tồn Thành và Thủ Trừng lại lạc mất Đỗ Trang, Đỗ Kiêm trong lần quan quân vơ vét thuế sưu nơi này. Chẳng là Trang và Kiêm kết giao với đám dân nghèo ngoài biển ở hương Giao Long (Giao Thủy Nam Định) chống phá bọn quan quân nên bị bắt mà không biết bị giam ở nhà lao nào. Hỏi dò thì Tồn Thành được biết đã bị đưa về nhà lao huyện Nhật Nam châu Ái. Hai cha con kiếm cá, tìm cơm ở Trường Châu một thời gian, thân cô thế cô lạc lõng giữa dòng. Con còn bé thơ nhọc nhằn kiểm sống chẳng phải kế hay mà cũng không thể có cơ hội thay đổi cuộc sống này. Tồn Thành nhớ lại lời của Đỗ Đại dặn trước khi chia ly. Tồn Thành tìm về Ái Châu nơi thứ sử châu Ái.
Xuôi về nam chừng hơn hai chục hải lý rồi về sâu trong đất liền hai trăm dặm đường, cuối cùng Tồn Thành cùng con trai cũng đến được Cửu Chân châu Ái. Rừng sâu nước hiểm khiến hai cha con không ít lần làm mồi cho thú hoang. Tồn Thành dặn dò Thủ Trừng rằng: “Hai cha con ta đi chuyến này, ta chỉ e điều xấu nhất xảy ra là một trong hai cha con ta mất mạng nơi cùng cốc này nhưng chúng ta đã tới được đây rồi, con hãy gắng lên, chỉ còn chút đường nữa thôi, chỉ một chút nữa thôi.”
Thủ Trừng mắt nhắm tịt trên vai cha. Tồn Thành chẳng thể cầm nước mắt cố gắng gọi con trai tỉnh dậy mà không thấy thưa. Từng bước chân nặng trĩu, một tay giữ lấy con trên lưng, một tay chống gậy qua khe suối nước lạnh toát mà rợn người ghê gớm. Đôi chân trơ khung xương khẳng khiu như những gióng tre ghép lại run lên bần bật khiến mảnh khố tàn tạ như sắp rụng rơi xuống mặt nước. Tồn Thành nhìn thấy một cây sung rừng quả chín đỏ rực cả gốc cây. Tồn Thành tiến tới, có tiếng vo vo quanh tai rồi trời đất như tối sầm lại, cả hai cha con ngã khuỵu dưới gốc cây mà không một lời thảng thiết.
Trời đã về tối sẫm, khung cảnh hoang vu của chốn rừng này càng khiến người ta thêm kinh hãi. Tiếng gầm rú của những con sói hoang, lạo xạo trong rừng là âm thanh từ bọn rắn chuông, rắn hổ. Đâu đó có tiếng gà rừng quang quác xé tan màn đêm. Giật mình, Tồn Thành tỉnh dậy trong mơ màng, người ê ẩm ngơ ngác nhìn xung quanh. Một sự im lặng đến sợ hãi. Chỉ có tiếng thở thoi thóp của đứa trẻ nằm bên. Dù cố gắng đứng dậy nhưng cơ thể như cả nghìn núi đè khiến Tồn Thành lại kéo đôi chân run rẩy kia xuống.
Tồn Thành tiến sát lại gần con trai mình thủ thỉ vào tai nó mà mắt lệ nhòa:
– Con trai à! Chúng ta được cứu rồi!
Nói rồi, có bóng người tiến lại gần. Đó là một thụ nữ tuổi chạc tứ tuần, dáng người thấp lùn, mặt rỗ chằng rỗ chịt. Chẳng có chút sợ hãi, Tồn Thành hỏi:
– Là bà đã cứu hai cha con ta?
Chẳng nói chẳng rằng, bà ta lấy chút nước ấm rót vào một cái chén và đặt trước mặt Tồn Thành là hai quả đào rừng. Tồn Thành nhận lấy và chưa khỏi tò mò:
– Bà là ai? Sao lại không nói gì với ta? Đây là đâu, ta muốn tìm đường về huyện thành huyện Cửu Chân.
Nói xong, bà ta vẫn không hề mở lời khiến Tồn Thành bắt đầu thấy hậm hực:
– Bà bị điếc hay bị câm vậy?
Bà ta vẫn cười, rồi có tiếng người đàn ông ầm ầm rền vang vào tai Tồn Thành:
– Bà ấy bị điếc từ nhỏ. Không thể nghe thấy nhà ngươi nói được gì đâu.
Tồn Thành, nhổm người dậy ngước mắt lên nhìn dưới ánh trăng hắt vào là người đàn ông thấp lùn, miệng lớn, râu rậm. Tay ông cầm một con dao quắm, chuôi dài chừng ba thước. Mặt dữ dằn như báo cọp, giọng lại rền vang bên tai:
– Hai cha con nhà ngươi người từ đâu đến mà lại đi qua lối này. Chốn này đâu phải chỗ để con người qua lại?
Tồn Thành thều thào:
– Thưa ông! Cha con tôi đây cũng bước cùng đường mới ra thế này. Kể ra thì dài lắm, thật cực chẳng đã đã tới nơi này bị ra thế này. Ta thì chẳng hấn hề gì chỉ tội cho con trai ta. Mong hai vị cứu lấy con ta.
Nói rồi, Tồn Thành khóc nấc lên.
– Trời yên bể lặng bỗng một ngày, cả nhà ta bị giết. Thật là căm phẫn lắm thay.
Ông lão hỏi:
– Vậy là cớ làm sao? Mời anh uống chén nước ấm này. Đây là nước cây đinh lăng. Xong rồi uống thêm chút nước cháo này. Cậu bé sẽ không sao đâu. Mấy vết sưng kia là do ong bò vẽ đốt. Lão có cây thuốc này đã cho cậu bé ấy uống rồi. Anh cứ yên tâm mà dưỡng sức.
– Cảm ơn ông nhiều lắm. Ta với ông không quen không biết, cớ sao lại cứu ta?
Ông lão cười lớn:
– Thấy chết không cứu ấy là tội lớn lắm. Vợ chồng ta quanh năm lên rừng chặt cây, hái lá. Thấy con sóc, con thỏ bị thương còn chẳng lỡ đem thịt mà còn đưa chúng về chăm chút. Lòng nào lại không thể cứu đồng loại.
Tồn Thành giọng run run:
– Thật là không gì có thể báo đáp. Nãy giờ trò chuyện mà chẳng hay tên ông lão và bà nhà đây?
Lão cười lớn, râu rung lên bần bật, vết chân chim hai khóe mắt hằn sâu:
– Lão đây họ xưa họ Nùng, ngày quan sứ Tống Bình về châu này, lão lấy họ Lý. Tên ta là Do Trị. Bà nhà ta là Lô Thị.
Tồn Thành nghe danh lấy làm thảng thốt:
– Sao ông lại đổi thành họ Lý?
Lão chẳng một chút đắn đo, lớn giọng khiến Tồn Thành giật mình:
– Ta ư? Nhà ngươi cứ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Sau này rồi nhà ngươi rõ.
Uống xong chén nước cùng chút nước cháo. Tồn Thành thấy đầu nặng như vạn búa đập, chân tay bỗng cứng đờ rồi lịm đi.
Sáng sớm ngày hôm sau, tiếng trẻ con gọi lanh lảnh bên tai khiến Tồn Thành tỉnh giấc.
– Cha ơi. Cha ơi! Cha ơi. Cha tỉnh lại đi cha.
Nước mắt Thủ Trừng khiến khuôn mặt gầy gò của bé càng thêm nhem nhuốc. Thủ Trừng chẳng thể dứt hơi liên hồi gọi cha. Mặt nó lấm lét nhìn xung quanh rồi thét lên thật to, nó gục mặt vào vai cha rồi rúc rúc dụi để lau đi hai dòng đang đẫm nhòe trên khuôn mặt nó.
Cánh tay Tồn Thành nhẹ nhàng ôm lấy con trai rồi nhẹ nhàng nói:
– Con trai à! Chúng ta sống rồi!
Thủ Trừng vẫn nức nở gọi cha, Tồn Thành siết chặt lấy con, cảm từng tiếng thở và nước mắt của con trai. Trái tim Tồn Thành như đập dồn dập khiến chàng thở gấp gáp hơn. Anh chàng đứng bật dậy, ôm chặt lấy con, luôn miệng ghé vào tai Thủ Trừng: “Ơn trời cao, nhờ hồng phước của ông! Cha con ta được sống rồi!”
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!