Giống Rồng - Chương 1-4: Nhiễu động Tống Bình
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
135


Giống Rồng


Chương 1-4: Nhiễu động Tống Bình


Lúc bấy giờ tại Tống Bình, trong lúc bộn bề, Tượng Cổ mới nhận ra là dưới trướng hắn còn có một vị tướng dũng mãnh người Việt họ Dương tên Thanh. Dương Thanh dòng dõi hào trưởng, từng là thứ sử Hoan Châu. Nhưng Tượng Cổ rất e ngại người này vì giữa Tượng Cổ và họ Dương vốn đã hiềm khích từ trước. Nay trong lúc gian nguy, hắn cũng chỉ còn trông chờ vào họ Dương.

Dương Thanh là tông thất chính dòng của họ Dương, nhiều đời làm thứ sử tại Hoan Châu. Sinh ra và lớn lên trong gia đình quyền cao chức trọng nhưng tính tình ông rộng rãi hào sảng lại kết giao với rất nhiều bạn bè ở khắp nơi, chẳng kể giàu nghèo. Chỉ cần nghe danh ông thì bọn tù trưởng man tộc, các tướng lĩnh, bổ đầu suốt dải đất từ Lâm Ấp đến tận Ái Châu đều kính nể. Tính tình họ Dương thẳng thắn và bộc trực nhưng rất nóng tính. Có lần có một huyện lệnh dâng biếu lễ vật, ông hỏi:

– Năm nay ta thấy dân ở huyện các ngươi thiếu đói vì hạn hán, há sao lại dâng nhiều lễ vật cho ta vậy?

Tên huyện lệnh này lẻo mép thưa rằng:

– Bẩm quan trên, quan cũng như phụ mẫu vậy. Con cái có hiếu dù có ăn khoai sắn cũng để phần cho cha mẹ miếng thịt ngon.

Nói chưa dứt lời, thứ sử họ Dương nổi đùng đùng kéo hắn ra đánh trăm trượng, rồi tước bỏ áo mũ cho hắn về quê và lập tức sai người bán hết chỗ lễ vật ấy mua gạo cứu đói cho dân. Làm thứ sử, họ Dương được lòng dân chúng và trong quân, ông cũng thể hiện được cái uy dũng của mình trong từng trận chiến.

Trong trận chiến với quân Lâm Ấp, Hoàn Vương dưới thời quan đô hộ Triệu Xương, một mình họ Dương xông thẳng xào huyệt của địch bắt sống dăm chục tướng, đứng trên núi Ngự phóng tiễn thiêu trụi cả một quân doanh, ông cùng quân Hoan Châu đánh đuổi cả chục vạn giặc chạy thẳng vào vùng đất của người Chăm phía nam dãy Bạch Mã. Những chiến công hiển hách ấy càng làm cho bọn triều đình phương Bắc càng thêm lo sợ. Dân chúng cả vùng Phúc Lộc, Diễn, Hoan ai nấy đều tuân theo luật pháp Dương thứ sử đề ra.

Dương thứ sử khéo khoan sức dân, nhiều lần dâng biểu quan đô hộ xin giảm nộp thuế, sưu do thiên tai, hán hạn. Ông thưa với các quan đô hộ rằng: “Vùng biên ải như Vũ Lộc, Diễn, Hoan đầu năm nắng hạn, cuối năm lũ lụt. Phía tây là Cao nguyên Ai Lao, phía nam là Hoàn Vương Lâm Ấp, phía đông lũ giặc biển Chà Và quấy nhiễu, dân chúng đói khát khắp nơi thấy mà thương mà tội. Vừa trải qua cuộc chiến đẫm máu, cây chưa mọc được lên do máu người còn vương, sức người còn chưa kịp hồi. Nay dâng biểu sớ kính quan trên thấu cho nỗi khổ dân tình, thư sức dân mà miễn thuế, sưu cho dân chúng các Châu Vũ Lộc, Diễn, Hoan trong vòng ba năm. Năm năm giảm sưu, giảm thuế, đến khi dân đã đủ ấm mặc, cơm đủ nuôi binh thì lúc ấy triều đình không cần nhắc nhở, là thứ sử Hoan Châu, ta cũng tự nguyện cống nộp cho triều đình đầy đủ.”

Cho đến đời quan đô hộ là Bùi Hành Lập, hắn thấy dị vật phong phú, sản vật phì nhiêu hắn liền bắt Dương thứ sử cống nộp nhưng ông đã nhiều lần từ chối. Không thể làm gì được, Bùi Hành Lập ấm ức trong lòng, dặn bọn quan lại ở Tống Bình rằng: “Sắp tới đây Lý Tượng Cổ là tông thất hoàng gia, các ngươi cố gắng giúp ông ta trị tên thứ sử châu Hoan ấy. Tiếng hoàng gia tông thất ấy mới có thể “dạy bảo” được người ấy. Ta đã lập sớ cho triều đình phong hắn làm thượng tướng thống lĩnh hai vạn binh Giao Châu này. Nhưng thực chất là chỉ để dụ hắn về Tống Bình để dễ bề kiểm soát. Ta nay về kinh nhận chức mới, các ngươi hãy cứ an tâm phò trợ Tượng Cổ, sau này rồi ta sẽ cất nhắc các ngươi.”

Ấy nhưng đến khi Tượng Cổ phụng mệnh đến Tống Bình, Dương Thanh năm lần từ chối yết kiến, hai năm không cống lấy một lạng thóc, hay một tấc vải nào. Tượng Cổ lại không nghe lời bọn Bùi Hành Lập, hắn sợ rằng Dương thứ sử có trong tay trọng binh thì càng khó có thể kiểm soát được ông ta. Nhưng rồi có tên huyện lịnh năm nào bị Dương Thanh đánh thị cáo vì tội đút lót quan trên đến chầu kiến Tượng Cổ mà thưa rằng:

– Bẩm lạy quan trên. Con trước đây huyện lịnh huyện Hoài Hoan, đang lúc mùa màng tốt tươi, dân chài kéo cá đầy ắp các thuyền, con quan bé cũng chỉ dám tuân mệnh vua nào có lòng khác. Thuế sưu con nộp đủ đầy, ấy vậy mà hắn kêu con là sao lại nộp ít vậy, dân no kềnh bụng, quân sĩ say sưa sức đâu mà đánh giặc làm ăn. Rồi hắn biển thủ quân lương, thuế sưu châu ấy, khiến quan các vị quan đô hộ trước đâu có thu được cắc nào đâu. Hắn kêu nuôi dân, dưỡng binh ấy nhưng mà ai mà hiểu được hắn ta làm gì.

Tượng Cổ quát tháo:

– Nhà ngươi nói láo. Ta còn lạ gì nhà ngươi. Bay đâu mang ra chém.

Nói rồi một đám áo khăn lếch thếch, trong áo lụa, ngoài quấn khăn kín đầu quỳ lậy bên ngoài phủ đô hộ mà lớn tiếng rằng:

– Mong quan lớn minh xét. Khai ân cho Thừa huyện lịnh.

Thấy láo nháo, bọn lính ra lôi tất cả bọn chúng vào phủ mà tra hỏi. Tượng Cổ hỏi:

– Các ngươi là ai, sao lại xin tha tội cho hắn?

Một tên lắp bắp, đầu gối lê tới gần:

– Bẩm quan đô hộ, bọn tội dân chúng con đây trước là quan huyện lịnh, hương trưởng vùng Hoan, Ái, từ khi họ Dương kia làm thứ sử, hắn kiêu ngạo ganh ghét tụi con nên hắn đuổi quan, cắt hết lương bổng. Bọn con phải khổ sở lắm mới ra được Tống Bình, chờ ngày quan lớn đến đây.

Có tên Liễu tá ghé tai Tượng Cổ thì thầm: “Bọn này xưa bị Bùi đại nhân xua đuổi, nhưng tiểu nhân thấy rằng, để trị được họ Dương ta cũng có thể dùng đến bọn này đại nhân ạ. Theo ngu ý của tiểu nhân, ta cứ phong cho bọn này làm giám quân ở Tống Bình nhưng không giao thực quyền cho bọn chúng. Rồi ta xin mệnh vua ban để dụ họ Dương về Tống Bình mà lợi dụng bọn này trừ khử hắn. Cứ kế ấy mà làm, tiểu nhân dám chắc họ Dương sẽ trong sự kiểm soát của ta.”

Tượng Cổ gật gù và nói với bọn đang quỳ dưới trướng rằng:

– Các ngươi quả nhiên vô tội, nghe các ngươi kể mà ta đã hiểu được họ Dương ấy. Thôi được, ta sẽ sớm phục quan cho các ngươi nhưng có điều họ Dương đang giữ đất ở những chỗ ấy, ta sẽ tạm thời thu nạp các người làm giám binh. Sau này tùy theo công lao mà được thăng chức, nhận lương hưởng.

Bọn quỳ lạy dưới trướng đồng quỳ gối xuống mà lạy:

– Đội ơn quan lớn.

Sau đêm ấy, Tượng Cổ cho người ngày đêm phi ngựa về Trường An dâng biểu xin thánh chỉ phong cho Dương thứ sử làm tướng Giao Châu. Vốn là dòng dõi tông thất nhà Đường nên chỉ trong vòng một tháng, họ Lý đã có được thánh chỉ trong tay và lập tức đi triệu hồi Dương Thanh về Tống Bình. Lý Tượng Cổ còn mang đoàn rước kiệu long trọng đến Hoan Châu, hắn cũng đích thân dẫn chỉ tới hòng thể hiện sự tôn trọng đối với Dương Thanh để Dương thứ sử mềm lòng.

Được tin báo, Dương Thanh mở cổng thành nghênh tiếp, hai bên là hai hàng lính nghiêm trang, cổng thành thênh thang chỉ có lính mang cờ thêu chữ Dương lớn đứng suốt dọc hai bên dài đến cả dặm đường. Họ Dương ra tiếp đón quan thứ sử và thánh chỉ cách cổng Bắc của thành mười dặm và có khoảng hai trăm lính áo vải, đầu quấn khăn đỏ theo sau. Dương Thanh dáng người to lớn, mình cao bảy thước năm tấc, mày quăn như mày rồng, đôi mắt tựa cọp uy nghi, tay cầm cây thương dài tám thước. Mỗi lần Dương thứ sử múa thương ánh bạc chói lòa, thương lao vun vút như tên bắn, uy lực vô cùng. Cây thương khắc dòng chữ nổi: “Nam thiên anh hùng tướng” đỏ rực, sau lưng mang cờ thêu dòng chữ nét tựa rồng cuốn: “Thanh thiên Dương tướng”.

Mỗi bước đi của thứ sử nặng tựa cột lim, rầm rầm như vạn lính đang cùng bước. Giọng nói vang vang sấm rền, thứ sử mang trên mình chiếc giáp bằng gỗ nghiến, đầu quấn khăn màu đỏ thẫm, cưỡi trên con huyết mã oai nghiêm dữ dằn khiến cho Tượng Cổ cảm thấy trong mình nóng ran, trời mùa xuân nhưng mồ hôi đẫm áo.

Tới cổng thành, Dương Thanh xuống ngựa, cả đoàn binh quỳ sụp xuống nghe thánh chỉ phong Dương Thanh làm An Nam đô hộ thượng tướng, nắm giữ hai vạn binh Giao Châu, Phong Châu, Phúc Lộc Châu, Trường Châu và được quyền dùng binh các châu Hoan, Ái, Vũ Lục. Dương Thanh cúi đầu nhận thánh ân. Dương Thanh liền lên ngựa và cầm thánh chỉ, cây thương vung lên ánh sáng chói lòa, khiến Tượng Cố và đám tùy tùng kinh hãi, đám lính hô vang:

– Nam thiên anh hùng tướng! Nam thiên anh hùng tướng!

Giọng Dương thanh uy vang, chiếc cung giương lên và một mũi tên trúng một con Đại bàng đang bay từ phương bắc về phía nam. Bọn chim chóc ở rừng cây phía xa nghe tiếng hô dũng mãnh của Dương Thanh mà cất cánh bay từng đàn, từng đàn, nháo nhác bay về phương Bắc.

Tượng Cổ hãi hùng, chỉ dám nhìn về phía rừng ấy qua rèm cửa xe mã trượng. Họ Dương mời Tượng Cổ ở lại vài hôm để rồi theo quan đô hộ về Tống Bình. Bấy giờ, một vị nho sĩ dưới trướng Dương Thanh bàn với Dương Thanh rằng:

– Chủ tướng rời Hoan Châu về Tống Bình e rằng điều không phải? Thứ nhất, quân sĩ Tống Bình là lính Bắc phương. Thứ hai, Hoan Châu không chủ dễ sinh loạn. Thứ ba, họ Lý này e là không có ý tốt với ta. Xin chủ tướng xoi xét.

Dương Thanh cười sảng khoái:

– Ngươi đúng là kẻ nho sĩ nhát gan. Nhà ngươi lo lắng quá rồi. Ta đường đường thứ sử một châu, nay lại có thánh lệnh, binh quyền. Sợ chi lũ đầu voi đuôi chuột. Nhà ngươi nói cũng có lý nhưng trong đầu ta đã có cách để xử trí chuyện này.

Nói xong, Dương Thanh đặt một quân cờ khiến vị nho sĩ ngỡ ngàng và vuốt râu cười lớn:

– Chủ tướng quả là cao cờ. Tại hạ chỉ cần một nước nữa là thắng nhưng chủ tướng chỉ cần một quân cờ ấy đã lật ngược ván cờ. Đại nhân quả là cao tay. Tiểu nho xin bái phục.

Một tháng sau, Dương Thanh mang thánh chỉ cùng con trai thứ Chí Trinh, đám tùy tùng dăm chục người trong gia đình, lũ gia nhân đến Tống Bình nhậm chức và để con trai lớn Dương Chí Liệt ở lại châu Hoan chờ lệnh. Đoàn người của Dương Thanh suốt dọc đường từ phủ thành Châu Hoan đến Giao Châu đều được dân ở những nơi đó đón tiếp nồng hậu. Chẳng thế mà Dương thứ sử cũng rất cởi mở đón nhận lòng thành của mọi người và hứa rằng sẽ giúp mọi người sẽ không bớt đi nỗi lo sưu thuế, gian tham. Đến trị sở Tống Bình, Dương Thanh lập tức chỉnh tề quân ngũ.

Dù là bọn lính phương Bắc nhưng cũng đã đồn trú rất lâu năm ở nơi này cho nên nhiều người đã lấy vợ Giao Châu, xác định bám lại đất của người Nam này. Nhờ thế, Dương tướng quân cũng sớm thu phục được lòng binh. Người xa thì cho về quê dăm ba tháng, người gần thì cho phục dịch tại gia trong lúc đương hòa chiến sự nhưng lúc nào quân doanh cũng ngăn nắp chỉnh tề. Nghe ngóng tình hình chuyển biến không được như ý muốn, Dương Thanh kết giao với đám quan lại và tướng sĩ trong thành trong thành khiến Tượng Cổ càng thêm chướng mắt với bọn quan lại ở Giao Châu, Tượng Cổ bắt đầu trở mặt.

Tháng hai mùa xuân năm Kỷ hợi (819), Tượng Cổ yêu cầu Dương Thanh hội đủ hai vạn rưỡi quân để trực chiến. Dương Thanh hồi đáp rằng: “Hiện nay, chiến sự hòa bình, suốt dọc Vũ Lục, Hoan, Ái dân tình yên ổn, bọn Cao Miên, Chà Và, Lâm Ấp không còn quấy nhiễu; khắp các châu cơ mi, các tù trưởng, hào trưởng đều một lòng hướng về Giao Châu nên bọn Nam Chiếu cũng chẳng lấn tới đất ta. Hiện tại tiểu tướng chỉ cần một vạn quân là đủ. Số còn lại cho về quê thăm nhà, làm nông để nuôi dưỡng sức quân. Há chẳng phải kế hay. Nửa năm nữa, binh đông, lương đủ sức quân dào dào như thác đổ, ấy thì sợ giặc nào.”

Bọn giám quân Giao Châu thì liên tục báo với Tượng Cổ rằng: “Dương Thanh đem lòng phản nên mới lấy lòng binh, rồi đuổi khéo bọn lính bắc về quê, còn lại là lính người nam không thì cũng lấy vợ nam, hắn xua đi ra khỏi Tống Bình để chiêu binh bãi mã cho hắn chờ thời cơ để phản. Lại thêm bọn Chí Liệt ở Hoan, Ái không thể xem thường được.”

Nhiều lần nghe lời rèm pha của bọn giám quân vốn ganh ghét họ Dương, cũng phần vì lo sợ Dương Thanh nắm binh quyền có thể làm loạn. Tượng Cổ lập tức thu binh quyền và chỉ cho Dương Thanh giữ chức mà không có thực quyền. Họ Lý còn bắt Dương Chí Liệt trở về Tống Bình và sai người đến làm thứ sử ở Hoan Châu. Họ Dương cũng không hề có phản ứng gì và ngày đêm thao luyện binh mã.

Tháng ba mùa xuân năm ấy, Dương Thanh đánh thắng quân Chà Và xâm lấn vùng biển Ái Châu, Hoan Châu. Ở Giao Châu, có người lại mách với Tượng Cổ rằng Dương Thanh cố tình đi dẹp giặc ở Ái Châu rồi ở luôn đó có ý định nuôi binh làm phản. Lại có kẻ rèm pha rằng, Dương Thanh để Chí Trinh nắm binh mã trong thành, Dương Thanh ở bên ngoài, trong ứng ngoài hợp để cướp lấy La Thành, lúc ấy quan đô hộ có là thánh thần cũng chẳng thể chở tay. Nghe vậy, Tượng Cổ ngày đêm cho lính bao vây phủ tướng quân, luôn kè kè bên Chí Trinh là một đám lính thân cận của Tượng Cổ, mọi hành động của Chí Trinh đều được những tên này bẩm báo lại với Lý đô hộ.

Tượng Cổ rút hết binh quyền họ Dương, rồi lại sai Dương Thanh đóng quân ở bãi Quần Thần phía nam La Thành, chỉ khi có việc hắn mới gọi Dương Thanh vào. Chí Trinh bấy giờ thấy căm phẫn lắm, anh nói với cha rằng: “Thưa cha. Họ Lý này càng ngày càng không coi chúng ta ra gì. Hắn nhiều lần bắt ép chúng ta làm theo hắn, rồi hắn còn đuổi chúng ta ra cái nơi này, trong tay thì chẳng có binh quyền.”

Dương Thanh không nói lời gì, và ông lại đi một nước cờ khiến cho Chí Trinh ngỡ ngàng, không kịp phản ứng và phải chịu thua. Dương Thanh bình thản mà đáp rằng: “Thời cơ sắp tới rồi con trai.”

Mùa hạ năm Kỷ Hợi (819), nước sông Cái lên cao, họ Dương sai lính đắp đê cao, đào sông dẫn đến các nơi đồng cạn, chăm lo việc dân tình vùng Giao Châu. Bọn Tượng Cổ thì chỉ lo vui chơi ăn uống linh đình trong thành. Buổi chúc thọ của Tượng Cổ, Dương Thanh và một viên Đô áp nha cáo ốm không đến dự buổi chúc thọ của y. Tượng Cổ lấy lòng căm giận lắm, bọn Liễu tá, giám quân lại bày cho kế rằng: “Đại nhân đích thân mang rượu ngon đến nhà hắn mà thăm ốm. Nhân đó rồi trừ khử hắn.”

Thấy thuận tai, Tượng Cổ lập tức cho người ban rượu cho Dương tướng quân, đêm ấy hắn còn đến tận phủ tướng họ Dương để thăm hỏi. Nửa đêm canh ba, hắn cho sục sạo cả La Thành, lính tráng hội đủ phủ tướng quân. Hắn bước vào phủ rồi hẹm giọng:

– Ta nghe nói Dương tướng quân bị ốm, nay đến thăm và tặng thuốc quý, rượu ngon cho tướng quân đây.

Dương Thanh đang luyện võ ở hậu viên vội vàng cởi bỏ mũ áo, giáo gươm về nằm trên giường giả bệnh. Dương thanh sai một tên hầu cận ra tiếp đón quan đô hộ. Tên này thưa với Tượng Cổ:

– Bẩm quan lớn. Tướng quân nhà chúng con ốm mệt suốt hai ngày nay. Hiện đang nằm trong giường, bệnh không thể ra ngoài đây đón tiếp. Mong quan lớn lượng thứ cho. Chủ nhân con cũng xin được mời quan lớn vào trong ấy.

Tượng Cổ lập tức cho người mang thuốc và rượu vào trong. Tượng Cổ gọi Dương Thanh vài lần nhưng không thấy thưa, hắn nghĩ rằng Dương Thanh ốm mệt nên không thể dậy được. Hắn tỉ tê: “Dương Thanh à, nhà ngươi mà có mệnh hệ gì thì An Nam này biết tính thế nào? Bọn Cao Miên, Nam Chiếu đang nhăm nhe, nhà ngươi hãy sớm lành bệnh mà lo cho bách tính An Nam.”

Dương Thanh không động tĩnh gì, Tượng Cổ ra hiệu lệnh để mang thuốc bổ và rượu ngon vào trong. Bỗng xuất hiện một cô gái tuổi ngoài đôi mươi xinh đẹp tựa cô tiên tay bưng chén thuốc đi qua họ Lý. Hắn ngẩn ngơ nhìn cô ấy, gương mặt thanh tao, lông mày lá liễu, hai mắt buồn, khuôn mặt thanh tú, lại thêm nước da trắng ngần e lệ trước họ Lý. Hắn cứ bần thần như lạc vào trong cõi mơ. Hắn giật mình khi Dương Thanh trở người quay mặt về phía Tưởng Cổ, mắt trợn trừng trừng. Tượng Cổ sợ hãi, ngã ra phía sau. Hắn lùi lại và chạy thẳng về phía cửa căn phòng. Một tên lính bất cẩn làm vỡ cái niêu gà tần, hắn sợ tái mét mặt. Tượng Cổ ra lệnh cho bọn lâu nhâu, giọng sợ hãi:

– Về phủ, về phủ ngay.

Dương Thanh, ngồi dậy cười lớn. Có tên gia nô đến bẩm báo:

– Bẩm ông. Cái niêu gà tần vừa rơi, con chó nhà ta ăn phải, chẳng may nó lăn ra sùi bọt mép rồi chết.

Dương Thanh sai người đổ hết những thứ ấy đi và mang hũ rượu ấy ban cho bọn giám quân. Lũ giám quân sợ hãi nghe thấy vậy kẻ thì liều mình uống, kẻ thì sợ hãi chạy trốn khỏi Giao Châu. Bấy giờ, bọn trẻ nhỏ ở Giao Châu hát vè rằng:

“Ve vẻ vè ve

Cái vè quan hớn

Quan thì rất lớn

Tướng thì ốm o

Có chút quà cho

Bụng no quà biếu

Tướng quân thì thiếu

Chẳng biếu thứ gì

Lại được dân di

Quan đi đến phủ

Dao găm thủ áo

Báo cáo sự tình

Bọn lính bưng rượu

Định liệu ra tay

Ai ngờ ngủ say

Trở tay trở gối

Mắt thì thô lố

Làm bố quan e

Ấy rồi ù té

Quan lớn tè quần.

Ve vẻ vè ve.”

Sau khi Tượng cổ rời khỏi phủ, Dương Thanh lập tức cho người mang bình rượu quý thưởng cho giám quân phía nam thành. Một lát sau có một tên lính quay lại phủ bẩm báo rằng:

– Bẩm Đại nhân, có hai tên giám quân sau khi uống rượu đã phun máu ra chết ngay tại chỗ. Hiện một đám giám quân khác thấy vậy đã bỏ trốn. Còn lại chỉ còn vài tên thôi ạ.

Dương Thanh tức tốc đến phía nam thành, Dương Thanh quát lớn:

– Kẻ nào đã cho độc vào rượu này?

Nói xong Dương Thanh đập vỡ tan hũ rượu mà khóc lớn: “Ơi các vong linh huynh đệ, thật là tội nghiệp cho các ngươi. Ta thề ta sẽ trả thù cho các ngươi!”

Bọn giám quân, lính tráng lùi ra xa, rượu từ hũ vỡ chảy đến đâu, mặt đất sùi lên những bọt trắng, một chốc đám có xanh đã thành đám cỏ đen úa. Dương Thanh sai người chôn cất chu đáo hai tên giám quân. Dương Thanh rút gươm nói lớn:

– Ta sẽ báo thù cho các huynh đệ. Các người trung thành với ta nghĩa là trung thành với đất An Nam, với triều đình thì sẽ chẳng sợ thiếu cơm ăn, áo mặc. Gia đình các người cũng chẳng sợ bị kẻ nào hăm dọa.

Bọn giám quân co rúm người rồi vội quỳ sạp người xuống mà sợ hãi:

– Chúng tôi xin… xin một lòng theo… theo … theo tướng quân.

Dương Thanh hét lớn:

– Bắt hết những kẻ đã chạy trốn cho ta. Người sống thì phải thấy người, kẻ chết thì phải thấy đầu.

Xong rồi thanh gươm cắm lặm xuống đất. Có tên giám quân sợ quá mà tiện ngay trong quần, tên thì xỉu ngay tại chỗ. Dương Thanh lên ngựa cười lớn rồi vượt sông chạy thẳng về phía thành Luy Lâu, phía đông trị sở Tống Bình.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN