Giống Rồng - Chương 18-1: Quân Tống Bình kiêu ngạo 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
37


Giống Rồng


Chương 18-1: Quân Tống Bình kiêu ngạo 1


Tháng chạp năm Mậu Thân, nhằm tiết đông chí trời giá buốt Hàn Ước bắt đầu phong tỏa khắp các ngả viện quân của quân đội Dương Thanh từ Trường Châu. Ở Giao Châu, Hàn Lâm dần lấy lại thế trận cho quân đội Tống Bình ở các ngả phỉa đông nam, phía tây. Khu vực phía bắc sông Tam Đái, Thi Nguyên cùng Quách Thôi đã bất ngờ tấn công thành Bạch Hạc, hạ được thành. Triệu Cường buộc phải rút về trấn thủ huyện Gia Ninh. Trên mọi mặt trận, đội quân của Hàn Ước chiếm thế thượng phong.

Về phía quân đội Man Hoàng, nghe họ Dương bị thất thế, Ma Cao Dực liền tức tốc tăng cường tám nghìn binh mã đồn trú ở các châu cơ mi ở gần hạ lưu sông Đà cho Chí Liệt gia cố binh mã ở các châu huyện phía tây Giao Châu. Dương Chí Liệt bỏ thành Đỗ Động lui về phía nam chờ viện quân tới phản công quân Hàn. Chỉ có phần đất từ phía nam thành Bạch Hạc đến phía bắc thành Đỗ Động, quân của Hàn Ước không thể giành lại được do sự chống cự quyết liệt của Cao Văn Trác và Đặng Hoài.

Trước tình thế ấy, ở Tống Bình, Trần Khôn vẫn tỏ ra ung dung ngồi đánh cờ với Hàn Ước bàn mấy lời với họ Hàn trước trận đánh lớn với nghĩa quân Nam Việt sắp tới. Lời bàn đầy khinh rẻ đám quân của họ Dương rằng:

– Nghe dân chúng Tống Bình kháo nhau rằng, chưa năm nao Giao Châu lại gặp tiết trời giá buốt đến vậy. Lại nghe bọn quân lính người Nam không có đủ áo ấm để mặc, thiếu thốn cùng cực. Bọn quân lính Trường Châu đến phân nửa là dân bản địa không ưa tiết trời khô rét, vội vã hành quân tới đất Giao Châu dưới tiết trời thấu xương sẽ là lợi thế lớn cho quân ta. Nay xét thấy phía tây đã bình định được, chỉ còn huyện Thái Bình, đất Đường Lâm và châu La Phục chỉ là đám tàn binh đang ngoan cố chống cự, việc quân ta thắng trận chỉ là vấn đề về thời gian. Quân chủ lực họ Dương đang dồn toàn lực phía hạ lưu sông Đáy. Nay đại nhân cầm đại binh phá được quân chủ lực của họ Dương, đám giặc cỏ người man ấy sẽ tự tan rã.

Hàn Ước suy nghĩ hồi lâu hỏi:

– Ta thấy lời của tiên sinh có ý rất hay. Ta cũng từng nghe vùng Giao Châu chưa bao giờ giá rét đến độ giá tuyết. Nay đất trấn Hải Môn băng giá khắp dọc đường hành quân của ta, hẳn là mùa đông năm nay rất khắc nghiệt. Ta cũng được nghe quân mật thám báo về lính tráng người nam chỉ đóng khố, kẻ khá hơn thì có quần mỏng, sức nào mà chiến đấu với quân ta gần hai phần ba là quân viễn trinh từ các châu quận Kinh Tương, Giang Nam. Tuy ta vẫn còn e ngại đôi chút.

– Chẳng hay quan đô hộ còn e ngại điều gì?

Hàn Ước nhăn mặt, giơ hai bàn tay hơ qua lò đốt cho khỏi giá:

– Quả nhiên tiết trời đất nam thật khó chịu, dẫu không lạnh bằng Trung thổ nhưng sao mà tê tái đến gai người. Ta thấy rằng quân chủ lực người man đứng đầu là Dương Thanh, kẻ đã từng giết Tượng Cổ giữa La Thành này, uy trấn của hắn chắc hẳn vẫn còn nguyên đó. Lại thêm một viên tướng họ Đỗ tên là Phụng Quán, sức lực người này không thể xem thường. Hắn từng trấn áp cả một đội cướp biển mấy nghìn người ở cửa biển Đại An, theo quân họ Dương xông pha giết địch giữa nghìn người nổi danh huyện Chu Diên. Vì hiềm khích mà về với người bác hắn ở Trường Châu, sau lại quy phục tên họ Dương ấy. Xem ra trong quân ta, không có kẻ ngang tầm. Cùng với đó là tên Đỗ Sĩ Giao…

Trần Khôn nghe lời lắng lo của Hàn Ước liền ngắt lời thưa:

– Bẩm đại nhân. Xin đại nhân thứ cho. Trần Khôn tôi chẳng lo ngại điều ấy. Nếu Dương Thanh uy trấn đất An Nam, thì đã không bị người nam phản trắc, đất Ái, Hoan, Diễn, Phúc nào còn kẻ dám tuân lời hắn. Tên Phụng Quán đó được thêu dệt như thánh thần, so bì với Cam Ninh nước Ngô thời Tam Quốc. Há chỉ là miệng lưỡi của đám quân không biết tự lượng sức. Cái tên Sĩ Giao mưu dày nhưng hiểm độc như lá xoan đào, lừa họ Vương, lợi dụng họ Triệu, không đáng để lưu tâm. Trong quân ta nhiều binh hay tướng giỏi, kể ra như Hàn Lâm tướng quân, Đỗ Phụng Quán chẳng đáng để so bì. Về kế mưu, Trần Khôn tôi không dám nhận, nhưng bọn Hạ Trung Hùng, Trình Thảo Cứu cũng ăn đứt tên hèn sĩ họ Đỗ. Chưa kể đến các tướng Quách Thôi, Thi Nguyên, Cao Sâm, Trịnh Đồ…

Hàn Ước nghe lời Trần Khôn phân giải mà thấy mừng trong lòng, tấm tắc ngợi khen cái khí chất của Trần Khôn, biết mình biết ta mà không tự hạ thấp bản thân mình. Họ Hàn hỏi tiếp:

– Theo tiên sinh, ta nên sắp xếp các tướng thế nào?

Trần Khôn lẩm nhẩm trong miệng điểm mặt qua các tướng rồi bẩm lại với Hàn Ước rằng:

“Quân Nam tuy không đông nhưng cái chí được thui rèn, không thể đánh trận một trận hai thấy bọn chúng lui mà tự mãn được. Nay xét ra các tướng lĩnh ta đã bố phòng hợp lý. Tiểu nhân thiết nghĩ chỉ điều chỉnh đôi chút sắp xếp lại thế này.

Đất Mê Linh giáp với châu Phong, Thi Nguyên và Quách Thôi đã nắm trong tay tám phần chiến thắng họ Triệu. Họ Thi kia vốn người Nam Việt, ta nên cho gọi Thi Nguyên về giữ mặt phía nam dọc theo sông Xích Đằng hướng ra biển lớn. Mặt này ít địch người Nam, cho Thi Nguyên giữ sẽ ổn hơn cả. Châu Phong không nhiều tướng giỏi, nội tình lục đục suốt mấy tháng nay kể từ khi họ Vương bị chết, lại mới nghe viên công tử Thăng Hùng cũng vì loạn ở Bạch Hạc mà ấm ức sinh bệnh rồi đột tử. Một mình Quách Thôi là đủ dẹp họ Triệu.

Mặt phía tây, quân ta đã giành được Vũ Bình, tướng Hàn Lâm không quá phải lưu tâm. Đặng Hoài chỉ là một tên nho hủ, kiếm thuật không thông, võ nghệ chẳng tài. Cao Văn Trác là một tên hữu dũng, không đáng lo. Trong quân có viên tướng Thủy quân đầm Nhất Dạ họ Phạm tên là Đan là dạng dân chài lưới theo Chí Liệt mà được phong, cũng chỉ là hạng thường thường, xét ra để cho phó tướng của Hàn tướng quân là Từ Huyền, cháu trai của huyện lịnh Tống Bình Từ Hãn Xương thời đô hộ phủ Lý Nguyên Gia. Từ Huyền rắn giỏi, lại được thao binh ở Lục Châu gần ba năm, đã từng trải đánh với quân Man Hoàng và Hoàn Vương. Người này sẽ át chế được bọn Đặng Hoài.

Tiểu nhân còn nghe, lão già Đặng Khả cha của Đặng Hoài vẫn đang ở đất Tống Bình. Hai cha con lão mỗi kẻ thờ một chủ. Thuở Dương Thanh tưởng như bị bắt giết, Đặng Khả theo họ Quế, sau đó từ khi biết Đặng Hoài theo Dương Thanh tới Man Hoàng, lão sinh trầm tư u uất, nhiều lần viết thư khuyên răn con trai trở về. Nay ta có thể dùng lão để dụ con trai về.”

Hàn Ước gật gà gật gù nhưng nghe đến Đặng Khả, Ước lại sởn gai khắp người. Họ Hàn nói:

– Cái lão già lắm điều đó, ta không ưa. Đừng có lôi lão vào trận này. Mà nhà ngươi tính toán thế nào. Hai cha con lão thuở xưa dưới quyền quan đô hộ, con trai thì phản, cha thì bị Dương Thanh nhốt vào ngục lao vì gì ấy nhỉ. À, đúng rồi lão bị nhốt vào ngục lao vì tội nói lời khó nghe, làm lung lạc ý chí ba quân. Nào cái tên bất hiếu ấy có lo cho lão? Mà ta thấy lão ấy mấy lần trên điện nói lời như có ý châm chọc người khác, nói cứ như dạy đời cho quan trên. Ta chỉ muốn giết quách lão đi cho xong.

Trần Khôn cười trừ, cúi đầu bẩm tiếp:

“Bẩm đại nhân. Vậy thì thôi vậy. Vẫn còn kế để ly gián đám Đặng Hoài đó. Ở Tống Bình, ngày trước có hai kẻ cùng làm quan như Mã Tước, Mã Tước từng là đô đốc Thang châu dưới thời Tượng Cổ. Một tên là Hoành Trinh, cựu Tăng Thống huyện Tống Bình, một tên là Quản Đồ vốn từng là Quận châu mục. 

Ba người này trước thoát được tội chết, đút lót Đặng Khả bấy giờ dưới trướng của Dương Thanh tới Đại Đường Nam tự, sau đó Mã Tước trốn khỏi đó cứu được Dương Thanh khỏi nạn tử. Nay ta dùng hai tên đó để khuyên nhủ họ Mã, dùng châu báu lụa là hòng dụ dỗ hắn ngả theo ta.

Về phía quân Man Hoàng, theo ngu ý của tiểu nhân, đại nhân gửi một lá thư tức tốc tới quan thứ sử Ung Châu sai quân nhiễu loạn vùng Bình Nguyên Châu thì há chẳng phải bọn ấy sẽ nơm nớp lo sợ. Chúng cũng còn đang bị lung lay bởi triều đình Nam Chiếu đất Quy Nghĩa. Chỉ cần một biến động nhỏ cũng có thể khiến bọn chúng lay lòng, sẽ không phải lo đến bọn chúng. 

Đất phía nam Trường Châu, thủy quân Quỳnh Châu đã cho thuyền cập cửa biển Y Bích vào tới đất Cổ Chiến, viết thư khuyên bọn Đoàn Uyển đánh giặc họ Dương từ phía nam. Các châu Hoan, Diễn, Phúc Lộc bọn quan lại nhiều kẻ thuộc hạ cũ của họ Dương nhưng bọn này tham vàng bạc, lụa là, tiểu nhân cũng đã cho hai thuyền lớn chở lụa là, gấm vóc tới cửa Xích Lỗ hòng khích cho bọn ấy không gây nhiễu cho Đoàn Uyển ở châu Ái. “

Hàn Ước ngậm tách trà, rồi quay ra vểnh râu nhếch mép cười:

– Đám giặc man người Nam xem ra cũng chỉ có vậy. Có Trần Khôn lo liệu việc trước sau chu toàn, ta thật an tâm biết nhường nào.

Trần Khôn ánh mắt gian xảo nhìn Hàn Ước, kéo vạt áo vuốt râu nghễnh ngãng, cầm quân cờ đặt lên bàn cờ đầy những quân trắng đen. Khôn đặt xuống rồi cau mày đắn đo, sắc mặt Khôn xấu hẳn đi khi họ Hàn mở miệng cười khoái trá:

– Cờ này thế khó phân định trắng thắng hay đen làm chủ. Tiên sinh thường ngày tính toán nước đi chu toàn, có chăng ta cũng chỉ giữ hòa được với tiên sinh. Nay có ý nhường Ước tôi hay sao mà lại để quân đen ấy ở chỗ hiểm yếu này. Vậy là thế cục thuộc về quân trắng rồi.

Trần Khôn cúi đầu chăm chú nhìn bàn cờ, bất động nghe hết lời Ước nói thì ngước mắt lên trong cái thế cúi đầu ấy trộm nhìn Ước. Họ Hàn vẫn còn đương đắc trí, Trần Khôn trông vậy cũng cười theo xua tay:

– Hôm nay tiểu nhân còn lo việc quân, chơi cờ không được tập trung. Tiểu nhân lấy giấy bút ra soạn quân lệnh cho đại nhân, chẳng hay ý đại nhân thế nào.

Hàn Ước vẫn còn đang đắc trí cười nắc nẻ, nghiêng ngả quan sát bàn cờ từ bên trái, bên phải suýt soa về thế cục bàn cờ mà Ước vừa giải trước một tay luôn cho mình là đại cao thủ đất Giang Nam. Ước nghe chưa rõ lời Trần Khôn, lắp bắp hỏi lại:

– Tiên sinh vừa nói gì? Ta nghe chưa rõ.

– Bẩm đại nhân. Chuyện đại sự trước mắt, tiểu nhân mạn phép được thảo thư lệnh gửi các tướng thi triển kế sách mà chúng ta vừa mới bàn cho toàn quân để sớm ổn định binh tình. Quyết trận này quét sạch bọn mầm mống tai họa ở Giao Châu.

Hàn Ước chưa kịp thỏa cơn vui liền cùng họ Trần kia sửa soạn quân lệnh rồi đích thân mặc áo giáp, cưỡi “Tiểu Hoàng Mã” dẫn quân đi về phía tây nam bọc hậu cho người cháu hiếu thắng Hàn Lâm. Trần Khôn vẫn được tin tưởng giữ Tống Bình và sai các bộ hạ thủ chặt ở các thành Luy Lâu, Long Biên, Cổ Loa, Liên Hựu.

Hàn Ước buổi chiều muộn đã vượt qua sông Hát đi tới đất huyện Thái Bình, dọc đường đi Ước nghe đám quân bàn tán về quân nam đã rút lui vào trong núi gần hết. Hàn Lâm cũng đã chiếm được thành Đỗ Động chỉ chờ đại quân của Hàn Ước đến cùng hội quân phá các huyện Thái Bình, chiếm lại đất Đường Lâm và châu La Phục. Hàn Ước mừng rỡ chắc bẩm trong lòng “Quả không phụ lòng tin tưởng của ta, cái tên Trần Khôn đó cũng biết nhìn người đấy chứ.”

Đám lính nháo nhác, một tên lính chạy rẽ đất, chân khuỵu ngã trước mặt họ Hàn hổn hển nói:

– Bẩm đại nhân. Hàn tướng quân nghe tin đại quân tới sai tiểu nhân tới báo cho đại nhân mang đại quân đi về phía tây nam thay vì đánh vào huyện Thái Bình.

Hàn Ước không khỏi ngạc nhiên hỏi:

– Tại sao lại là phía tây nam?

– Bẩm. Hàn tướng quân nói huyện Thái Bình đã nằm trong tay của ngài ấy. Việc quan trọng nhất bây giờ là dồn quân đánh quân chủ lực họ Dương đang ở phía nam Đỗ Động.

Viên liễu tá mới nhậm chức thay cho ông già Đặng Khả, thường ngày trong trướng soạn sớ sửa văn ở La Thành nay được tham chiến cũng có lời góp với họ Hàn:

– Ý này của Hàn tướng quân thật là hay! Khi sáng, đại nhân cùng tiên sinh Trần Khôn bàn chuyện quân, tôi có nghe việc chiếm lại Thái Bình dễ như trở bàn tay quả nhiên không sai. Thay vì đánh vào Thái Bình, nay quân ta lập tức chuyển binh tới phía nam thành Đỗ Động khiến quân chủ lực họ Dương bất ngờ sẽ chẳng thể kịp trở tay. Chắc hẳn bọn chúng đã tập trung để giữ các thành huyện Thái Bình, đất Đường Lâm mà không nghĩ rằng những chỗ ấy Hàn tướng quân chỉ cần hắt xì cũng có thể chiếm được.

Hàn Ước trên ngựa đắc ý giật cương ngựa khiến ngựa lồng lên, Ước ngã dúi dụi xuống dưới đất. Bọn lính tráng đứa nào đứa nấy đều cố nhịn cười mà không kìm được phải khúc khích che miệng nhìn nhau. Hàn Ước ngượng đỏ mặt như lá tía, vội vàng đứng dậy chỉnh lại mũ mão rồi hẹm giọng, sau đó tự dưng Ước cười vang:

– Mẹ cha cái con ngựa ngu dốt. Bọn chuột nhắt Dương Thanh! Có mười tên Sĩ Giao cũng không thể có cái tài biến trên chiến trận như cháu ta. 

Nói rồi Ước lại nghĩ thầm trong bụng: “Phen này, đánh thắng trận này, dẹp được cái gai trong mắt triều đình Trường An, ta sẽ lại có món hậu hĩnh mà thăng chức, thăng quan rồi.”

Tay liễu tá cũng hô hào bọn lính:

– Giết chết Dương Thanh, rửa thù họ Lý. Dẹp loạn giặc Man, Trường An thưởng lớn!

Toàn quân khí thế hô hào, tức tốc hành binh về phía tây nam. Duy chỉ có tướng Từ Huyền đi được một đoạn chừng chục dặm thì bỗng nhớ lời của Trần Khôn chạy lên phía trước mặt Hàn Ước khiến Ước thất kinh dừng ngựa gần ngã nhào xuống đất. Huyền vội xuống trước mặt Ước quỳ gối bẩm với họ Hàn:

– Bẩm đại nhân. Từ Huyền trẻ người non dạ khiến ngài kinh hãi. Có điều này Huyền tôi muốn được tham gia với đại nhân.

Hàn Ước vuốt ngực, giữ chắc cương, khua môi múa mép:

– Cái tên họ Từ nhà ngươi, ngươi định dọa chết ta đấy hả. Có chuyện gì cứ nói, đừng làm mất thời gian của quân ta.

Từ Huyền cởi mũ, đứng dậy nói:

– Đại nhân. Bọn giặc Man không thể khinh thường. Trần quân sư có ý muốn ta phải giành được trận địa phía tây. Theo ngu ý của tiểu nhân thì quân ta hãy…

Hàn Ước cười ồ lên khiến toàn quân cũng cười theo:

– Hay chưa. Đúng là họ Từ các ngươi bị ám ảnh bởi cái đám giặc cỏ ấy rồi. Từ chú bác ngươi Từ Nguyên Hãn nay đến nhà ngươi nữa. Làm tướng mà cái gan bé như chuột nhắt vậy ấy thế mà Trần Khôn kia lại cắt cử ngươi đối phó với tên Đan Đan gì đấy. E là Trần Khôn không có mắt nhìn người rồi.

Hàn Ước đang cười bỗng tắt giọng nhìn Huyền. Ước lẩm nhẩm trong miệng điều gì đó, Ước quay ra nói lớn:

– Thôi được. Ta cử ngươi cùng năm mươi lính kỵ, một nghìn bộ binh quay lại đi về huyện Thái Bình, gặp quân ta thì hợp binh chiếm lấy Thái Bình. Trong tay ta vẫn còn các tướng Trình Mậu, Cao Sâm, Trịnh Đồ và cả cháu ta Hàn Lâm nữa chắc chắn cái tên giặc họ Đỗ sẽ bị bọn ta bắt giết.

Các tướng Trình Mậu, Cao Sâm, Trịnh Đồ cưỡi ngựa tiến lên bẩm với Hàn Ước:

– Đại nhân. Ngài cứ cho hắn hai nghìn binh chứ một nghìn e hắn vãi hết ra quần khi thấy quân địch mất.

Cả đám tướng sĩ cười hả hê. Hàn Ước quay ra vỗ về họ Từ:

– Ta cấp thêm cho người năm trăm lính. Nhớ lời Trần Khôn đã dặn dò trong thư quân lệnh.

Đại quân Tống Bình hướng về nam Đỗ Động chia làm hai ngả, một ngả theo dọc sông Đáy xuôi về nam do Hàn Ước cầm binh, một ngả đi theo đường bằng tiến về Đỗ Động hợp với binh mã Hàn Lâm hẹn cùng đánh quân Dương Chí Liệt và Đỗ Phụng Quán.

Từ Huyền không mang theo hậm hực mà nhận lệnh ngược về phía tây bắc hướng thành huyện Thái Bình hợp với một đạo quân của Hàn Lâm do Trình Thảo Cứu dẫn năm nghìn binh đi từ Đỗ Động đánh lên phía bắc.

Tới đoạn qua chân núi Ninh, Từ Huyền trông thấy một toán người đang cầm liềm vội vã vác từng bó dạ đi về phía thành huyện Thái Bình. Một tên vạm vỡ lực lưỡng đang cầm chiếc ba chạc, bộ râu sồm soàm làm cho kẻ khác nghĩ rằng gã đã tuổi ngoài tứ tuần. Thấy binh mã đến, có một vài người chân tay lẩy bẩy, run sợ. Từ Huyền trông bộ dạng chất phác mà thấy lính thì sợ hãi liền xuống ngựa hỏi:

– Này các chàng trai. Không việc gì phải sợ. Ai là người đứng đầu ở đây.

Người cầm chiếc gậy chạc ba, râu dậm mắt quắc tiến tới giọng vang vang:

– Là tôi. Tướng quân có việc gì nhờ đến.

Từ Huyền rút kiếm, gã kia giật mình dùng gậy chạc ba hất kiếm của Huyền đi. Đám lính nháo nhác, Từ Huyền chạy tới một tên lính đi đầu cầm chắc chiếc thương tiến tới chỗ của gã râu rậm. Từng bước mon men rồi đột ngột ra đòn, gã râu rậm bị họ Từ khống chế, bỏ chiếc gậy chạc ba xuống mặt đất.

Gã râu rậm cầm cây chạc ba kia là ai? Từ Huyền có làm nên trò trống gì hay không? Quân Tống Bình kiêu binh tất bại? Mời quý vị đón đọc Chương tiếp theo của Giống Rồng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN