Giống Rồng - Chương 21-1: Khí chất người Long Đỗ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
76


Giống Rồng


Chương 21-1: Khí chất người Long Đỗ


Giống Rồng

Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

Hồi thứ hai mươi mốt

Họ Phạm xuôi dòng Đáy giết tham quan

Tồn Thành bỏ Ái về Hoan dựng trại

Chương 21.1 Khí chất người Long Đỗ

Buổi lễ mừng công của nghĩa quân người Nam được tổ chức nhằm đúng ngày thanh minh tháng ba. Tiết trời thanh mát, dịu dàng khiến con người ta cảm thấy thư thái, khoan khoái dẫu cho vừa xong những trận đánh mới dứt.

La Thành ấm áp, những cằn cỗi, ủ mục đã được thay vào đó chiếc áo mới những xanh tươi, những lộc biếc trên khắp các tán cây đang đua nhau đón những hạt xuân. Có chút tất tả ngược xuôi của đám bán hàng bán quán ở phía trong thành. Những tiếng gà cục ta cục tác phía ở những trang trại xung quanh huyện thành Tống Bình báo hiệu cho những mầm sống mới.

Nô nức tiếng cười đùa trong ánh nắng ban mai, những nóc nhà phủ đầy bụi thời gian được thay bằng lớp áo mới đỏ tươi hơn, rực rỡ khi cơn giông tố ở La Thành vừa qua đi. Khắp nơi nơi lại đổ về chốn phồn hoa đô hội, trung tâm của đất Giống Rồng Nam Việt này.

Những tờ giấy dó màu nâu xuộm được giăng bày khắp góc phố thị La Thành. Từng con chữ cầu may, bao lời hay ý đẹp được những bàn tay khéo léo dùng cây bút lông nhả từng nét, từng nét thanh thoát như rồng bay uốn lượn.

Bầu trời xanh nền nã, ánh nắng mặt trời nhè nhẹ xiên qua tán cây xà cừ, cây sưa khiến con người ta cảm thấy thanh thản trong tâm hồn. Lác đác những chùm hoa sấu trắng ngần như những bông tuyết xứ bắc trong ánh nắng dìu dịu.

Góc chợ đông, có ông lão soạn sửa những cuốn sách đã cũ, mực nhòe mang những dấu vết của nắng mưa, vẩn bụi thời gian. Lão nâng niu từng trang giấy, con chữ, mỗi lúc ông lão đặt cuốn sách lên chiếc kệ gỗ nhỏ là lão lại úp trang đầu tiên lên ngực trái, hít hà rồi mới khẽ đặt xuống.

Lão reo mấy vần thơ phấn khởi giữa tiết thời thanh minh:

“Tháng ba tiết khí thanh minh

Trời mây man mác tâm tình cỏ cây

Mới đông lá úa thân gầy

Mà nay tươi tốt gọi bầy chim ca

La Thành những khúc ngân nga

Bao năm chinh chiến giờ là yên vui

Giống tiên mừng rỡ muôn nơi

Ngàn năm vũng vẫy, chờ thời Rồng bay…”

Bọn trẻ con đang chơi huyên náo ngoài kia nghe thấy tiếng gọi thì láo nháo chạy tới ngồi thành hai hàng ngang, tay khoanh trước ngực ngóng ngóng chờ chờ thứ gì đó từ ông lão. Lão lại cầm từng cuốn sách mà khi nãy lão vừa nâng niu đặt lên kệ sách, giọng từ tốn nói với đám trẻ:

– Các cháu hãy nhớ. Kệ sách này rất nhiều thứ thật tuyệt vời. Hàng ngày, các cháu được nghe ông kể chuyện các cháu có thấy thích hay không?

Cả đám trẻ đồng thanh:

– Dạ chúng cháu thích lắm ông ạ.

Lão cười khen ngợi bọn trẻ, đứa nào đứa nấy mặt nhem nhuốc hay sáng láng cũng đều hau háu nhìn theo ông lão mong lão kể một câu chuyện thích thú nào đó. Lão quay ra hỏi một đứa trẻ:

– Các cháu nói ta nghe, hôm qua ta kể đến câu chuyện nào? Tới đoạn gì rồi nhỉ?

Một đứa trẻ láu táu đứng lên thưa:

– Thưa ông. Ngày hôm qua ông không mở cửa, bọn cháu không được nghe ông kể chuyện. Bố cháu nói, ông đi nhận chức quan nên không kể chuyện cho chúng cháu nữa phải không ông?

Lão ôm lấy đứa trẻ, lão ngồi xuống thấp nhìn lên mặt nhem nhuốc của nó rồi đưa cho nó một cuốn sách. Mặt nó hớn hở nhận cuốn sách, ông lão lấy làm mừng hỏi nó:

– Vậy lớn lên cháu có thích làm quan không?

– Cháu có.

– Làm quan thế nào?

– Làm quan như ông?

– Ông đã làm quan bao giờ đâu?

– Làm quan đọc sách cho bọn cháu nghe.

Ông lão giật mình, sống lưng cảm thấy gai gai, mắt mở to, lão mím môi run run nhìn cậu bé. Lão hỏi tiếp:

– Cháu thích ông kể chuyện gì cho bọn cháu nghe?

– Cháu thích hết ông ạ. Chỉ cần ông kể thôi.

– Thích hết những cũng phải có chuyện gì thích nhất chứ.

– Ông có dạy, cháu yêu bố, yêu mẹ thì không cần phải so sánh. Bố cháu nói ông nói vậy rất đúng, nên cháu thích nhiều câu chuyện ông nói mà không so sánh được thích gì nhất ông ạ.

Ông lão cười hiền từ, vỗ vào mông đứa nhỏ:

– Ta nói vậy chẳng sai, bố cháu nói thế cũng không phải là chưa đúng. Vậy cháu có biết mặt trời mọc ở đằng nào và lặn ở đằng nào không?

– Cháu biết. Nó mọc hướng đông và lặn ở hướng tây ông ạ.

– Tốt lắm. Chim bay về phương nam làm gì cháu có biết không?

– Dạ, bọn nó tìm tổ ấm ạ.

– Con ong nó bay đi tìm nhị hoa làm gì?

– Nó làm mật ngọt ông ạ.

Lão nheo mắt nhìn câu bé, vỗ vai cậu, lão nói tiếp:

– Tốt lắm cháu. Cháu là con nhà ai ở trong phố này?

– Dạ, cháu là con trai của người gánh hàng rau ở góc chợ kia ạ.

– Cháu có thích bán rau không?

– Mẹ cháu thích ông ạ, cháu thích nghe ông kể chuyện nên ngày nào cháu cũng đòi mẹ cháu tới đây. Ông kể tiếp chuyện Thánh Gióng đi ông.

Cả đám trẻ đứng dậy, đứa phủi bụi ở mông, đứa lau mặt mũi cho khỏi nhem nhuốc cùng giơ tay đề nghị ông lão đọc câu chuyện Thánh Gióng cho chúng nghe. Ông lão nở một nụ cười, đôi hàm răng đen bóng, đuôi mắt nhăn nheo, tóc bạc hoa râm, miệng đỏ thẫm trầu. Ông têm chiếc lá trầu, quệt thêm một ít vôi trắng kẹp cùng miếng củ chay nhỏ phả ra thứ hương vị cay cay của trái cau, lá trầu.

Bọn trẻ phấn khích theo từng cử chỉ của ông lão. Những diễn biến tình tiết câu chuyện được ông lão phác họa bằng hình thể, giọng nói ôi chao nghe thật cuốn hút. Hỏi sao đám trẻ nghịch ngợm ngoài phố chợ, có đứa nào không thích nghe ông kể chuyện.

Câu chuyện ngắn dài ra sao, ông lão cũng chỉ kể nửa canh giờ mỗi ngày. Nhiều khi dang dở bọn trẻ đang hào hứng đến lúc cao trào của câu chuyện thì ông lão dừng lại khiến bọn chúng không khỏi hụt hẫng nằng nặc đòi ông kể tiếp. Nhưng đâu lại vào đấy, bố mẹ những đứa trẻ tinh ranh này đều là dân buôn bán ở trong chợ, đến lúc bấy giờ phải theo bố mẹ chúng trở về nhà. Đành thôi, đứa nào đứa nấy ngậm ngùi chờ đến ngày mai bố mẹ chúng đưa chúng vào trong thành lại được nghe ông lão kể những câu chuyện.

Bọn trẻ con tản mát, cũng là lúc kệ sách của ông vắng bóng đi những cuốn sách mà ông từng coi chúng như những người bạn tâm giao. Những cuốn sách ấy chẳng những khiến ông trong mỗi lúc quạnh vắng, cô đơn mà còn cho lão thấy yêu cuộc đời trong những lúc gian khó hay tràn ngập niềm vui. Ông lão sống cô đơn một mình chừng ấy năm, dẫu vậy thì cũng có sao đâu. Gặp gỡ muôn vạn người trong cái xứ xa xôi này rồi cũng chỉ lướt qua như những cơn gió thoảng, man mát chợt đến rồi lại lặng lẽ rời xa. Nào đâu có ai tâm tình như ông lão với những cuốn sách giấy xạm màu kia. Lão lấy một tách trà ngậm trong miệng hồi lâu rồi mới nuốt ực một cái. Nước mắt lão cũng đã khô theo cơn gió heo may cuối mùa.

Từ khi nãy cho đến giờ, lúc ông lão kể những câu chuyện thú vị cho đám trẻ nghe, vẫn có một người dõi theo từng lời nói, cử chỉ của lão. Lúc bọn trẻ đi cũng là lúc người đó ngồi xuống chiếc ghế tre nhỏ mà ông sắp sẵn thành hàng ngang cho bọn trẻ ngồi nghe ông kể chuyện. Ông lão cúi đầu chào người có dáng dấp thư sinh nhỏ nhắn ấy, ông mời một tách trà còn nóng hổi mà thưa:

– Lão tôi gửi lời chào tới Bá Nam đại nhân. Chẳng hay đại nhân ghé tới thăm lão có việc gì?

Sĩ Giao chắp tay trước mặt, vội vàng đỡ lấy tay ông lão kéo ông lão đứng dạy mà đáp lời:

– Lão ơi. Học trò này thật có lỗi với họ Tô. Kẻ học trò này tới đây trước là để báo thưởng mừng công, sau là xin tạ lỗi với gia đình.

Lão chóp chép miếng trầu, lão nhả miếng bã rồi ném vào một cái bô ở gần đó. Lão cười nói:

– Trầu này cay quá! Thời tiết vừa rồi khắc nghiệt, cau không đậu quả, lá trầu cũng đậm hơn. Bá Nam đại nhân ghé tới, thật là vinh dự cho lão Trực Hiến tôi.

– Sao lão lại mang hết những cuốn sách ấy cho bọn trẻ?

Lão vuốt râu, lấy miếng bã trầu còn vướng trên cằm, tay đặt lên ngực rồi chỉ lên đầu:

– Chúng đã ở đây rồi. Ta cũng không ngồi đây nữa, chúng cũng không cần phải theo ta bởi vì bọn trẻ cần hơn chúng hơn ta. Tri thức là chia sẻ là cho đi, chứ đâu phải cứ khư khư ở cạnh ta mãi. Ta có đi rồi, chúng có ở trên giá kệ cũng chỉ để cho bụi thời gian chôn lấp đi mà thôi.

Vị quân sư mọi khi thường quyết đoán nay lại có chút tần ngần:

– Này ông lão. Khí chất của người quả nhiên vượt xa khí chất kẻ tầm thường. Sĩ Giao lấy làm kính phục. Chẳng hay lão muốn chủ tướng phong thưởng cho lão thế nào?

Lão rót chén trà mời Bá Nam, tay run run, lão nói lắp bắp bẩm với Sĩ Giao:

– Chẳng giấu gì Bá Nam đại nhân. La Thành xưa nay vốn chẳng yên, Lão không phải kẻ có công lớn lao gì chỉ mong được nhàn cư, bắt cá, trồng cây ở khởi nguồn con sông tổ chứ chẳng màng danh lợi bổng lộc.

– Lão muốn nhàn cư, cớ sao ngày qua trên điện lại chẳng nói ra, để cho Trương Tính bẩm với chủ tướng ban cho lão làm huyện lệnh huyện Vũ Bình? Lão có thấy mâu thuẫn chăng?

Lão suy tư, nhấp thêm chén trà sắp nguội nói với Sĩ Giao:

– Đó là ước vọng thuở lão còn là một kẻ học trò nghèo. Dòng giống tổ tông ta ở đất Long Đỗ đã từ lâu chưa có kẻ nào được phong quan bậc hương trưởng trở lên. Thật hổ thẹn với tổ tông khi lập nghiệp đất này, góp công dựng thành dựng quách, lập ra mười mấy hương xã quanh Tống Bình này. Nghĩ đến chao ôi, lòng lão thấy thật tủi hờn thay.

Sĩ Giao vỗ lưng lão khi lão khóc từng cơn nức nở. Bá Nam quân sư từ tốn hỏi:

– Lão nói khiến Sĩ Giao thấy thật hổ thẹn thay. Gia đình họ Tô của lão chết cả thảy hơn chục mạng người, chỉ vì cái cớ để nghĩa quân người Nam xâm lấn vùng châu thổ dẹp lũ gian tham. Ôi thương thay, Sĩ Giao lại chẳng thể ra tay cứu giúp họ Tô các người khi bấy giờ nghĩa quân còn đang bị chia rẽ bởi chủ tướng và Thăng Triều. Một lạy này ta xin tạ tội trước vong linh gia đình lão Tô Hiền, một lạy này cho những gian khổ lão đã từng, một lạy này là để trời đất chứng giám lòng ngay thẳng của nghĩa quân.

Lão Hiến Trực hiểu những lời Sĩ Giao nói, trong tim day dứt, ruột đau như đang đứt từng khúc khúc từng đoạn. Trận mưa đầu mùa ùng oàng kéo theo những sấm chớp khiến người ta không khỏi giật mình. Miệng lão mếu máo, giật lấy vai áo của viên quân sư níu lấy cho khỏi khuỵu ngã.

Mặc cho trời mưa lớn, giông sét, Sĩ Giao dìu lão ghé vào trong quán nhỏ của lão. Mái nhà tranh được vá bằng những tấm lá cọ mục, lâu ngày đã ủ dột ướt sũng phía dưới nền toàn là rơm và cát sỏi. Duy chỉ có những chiếc kệ đựng những cuốn sách màu nâu xạm được trịnh trọng đặt trên bức vách bằng gỗ xoan, phía trên là hai chiếc liếp đan thành hai bên mái xuôi sang hai bên cho nước mưa không sao dột tới những cuốn sách phía dưới.

Lão ngồi trên chiếc ghế dài độc mộc, chân duỗi thẳng nhìn Sĩ Giao. Mái tóc lòa xòa, hắt vào những giọt nắng dần hé sau cơn mưa bất chợt. Lão nói với viên quân sư:

– Lão Hiến Trực tôi xưa nay lòng dạ ngay thẳng, ấy là tổ tông tôi chỉ dạy. Con cháu họ Tô chúng tôi sống tử tế với những con người đói khổ, bị đọa đầy chốn ngục tù, không phân biệt kẻ hèn người sang. Lúc biết được hai viên công tử họ Vương, Kiều ở trong ngục tại La Thành mà hết lòng giúp sức các quan trên đối đãi với họ để tránh khỏi chiến tranh. Ai ngờ đâu, kẻ lòng lang dạ sói, lấy cớ ấy khiến chúng dân phải lầm than.

Sĩ Giao dùng gáo nước dội lên đầu cho mái tóc khỏi bù xù mà thưa với lão Hiến Trực:

– Bẩm lão Tô Hiến Trực. Công đức của mọi người sẽ chẳng ai có thể quên. Giờ nghĩa quân chỉ mong được báo đền cho xứng đáng. Trước nghe lão Tô Hiền tấm lòng nhân hậu, trong ngoài thành đều lấy làm kính phục. Lại nghe lão Hiến Trực thẳng ngay, không dối trá, tấm lòng quảng đại mênh mông gấp vạn lần nước ngoài biển Đông. Mong lão tấm lòng trượng nghĩa, xá làm chi những tâm dạ của kẻ tôi tớ, tiểu nhân.

Lão nhắm mắt giữ đều từng nhịp thở, không nghĩ suy cũng chẳng nghe thấy điều gì ngoài tiếng mưa lốp đốp gian ngoài kia. Sĩ Giao trông thấy lão mà chẳng thốt lên lời, cũng khoanh chân, tay chắp trước ngực thở đều.

Những tia nắng dần dần ló rạng, hai con người hai thế hệ cùng một hướng, lưng dựa phía tây, mặt hướng phía mặt trời. Từng tiếng tí tách cũng lặn dần khi mặt trời đứng bóng. Có một người đàn ông dáng người thấp bé, chiếc cổ dài như hươu vượn ở rừng, bước vội vã vấp phải chiếc bờ bò, ngã dúi dụi trước mặt Đỗ Sĩ Giao. Sĩ Giao khẽ mở hai khóe mắt, từng nhịp thở khiến họ Đỗ như đang bay.

Tiếng người hổn hển nói chẳng ra hơi, Tô Trung Trực tựa mình vào chiếc cột tre sắp gãy. Chống hai tay, anh báo lại với người bác ruột:

– Bác ơi. Bác được làm quan huyện rồi! Cháu vừa nghe lệnh chủ tướng, ban cho bác chức huyện lệnh huyện Vũ Bình, cháu được phong làm sư gia, anh Trương Tính làm Liễu tá trong phủ Tống Bình, lại được cấp ruộng trăm mẫu ở phía nam huyện Long Biên. Từ nay, chúng ta không phải làm kẻ lang bạt nữa rồi, bác ơi.

Sĩ Giao trông thấy trong ánh mắt của Trung Trực một niềm vui sướng khôn tả xiết, nhưng đứng cạnh đó là một ông lão dường như chẳng mảy may quan tâm. Dường như ông lão đang nghĩ một điều có phải chăng? Lão ôm lấy người cháu ruột gọi bằng bác như thể người cha đang ôm lấy đứa con bé bỏng. Rồi từng giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt của kẻ đã ngoài “lục niên”.

Bây giờ, cầm cân nảy mực chắc chẳng phải chuyện lão có thể tinh tường, những xô bồ ngoài kia lão cũng từng ấy năm lăn lộn nhưng lão chưa từng màng đến. Con nước dẫn từ con sông lớn vào kênh, từ kênh tới từng cánh ruộng, lão cũng chưa biết đến bao giờ? Phải chăng, Trương Tính đã lầm khi đề bạt ông lão nhận một chức vụ mà gánh trên vai là cả trăm nỗi nhọc nhằn.

Sĩ Giao cất lời hỏi:

– Làm quan huyện, cớ sao lão lại trầm tư? Ngoài kia lắm kẻ mong mà còn chẳng được, thân lão tự nhàn, mọi việc sẽ chẳng sao hết. Kẻ học trò chẳng dám cuồng ngôn, nhưng thấy lão trầm tư mà thấy thật chẳng vừa lòng.

Tô Trung Trực suồng sã như những lần anh chàng đối mặt với bọn lính lác gác cổng thành:

– Ôi giời. Anh cứ khỏi lo. Bác tôi quanh năm suốt tháng vì các cháu, vì cơ ngơi tổ nghiệp đã lăn lộn bấy nhiêu năm, đâu phải gặp ít kẻ làm quan, cũng chẳng phải không qua lại với đám có chức có tước ở cái đất Tống Bình này. Chỉ là bác tôi đang vui quá mà chẳng thể thành ngôn được ấy thôi.

Sĩ Giao khẽ gật đầu cho là phải, viên quân sư rót một tách trà vừa hãm lại rồi liếc mắt nhìn lão. Lão vẫn đứng đấy, vẫn lặng yên như một cái xác vô hồn. Phải chăng lão vẫn còn đang phân vân chuyện gì? Liệu có phải là việc lão đã già rồi, chưa từng ngồi trên công đường phán xứ đám tội dân. Hay là chuyện bọn lầu xanh, tửu quán ngày đêm rình mò tới phủ hỏi chuyện quan sẽ làm lão khó xử. Hoặc bất kể chuyện gì mà xưa nay lão vẫn từng chứng kiến khi trước mặt cái quán rách của lão là một tòa điện phủ uy nghi của mấy đời quan huyện lệnh Tống Bình.

Lão còn đang suy nghĩ điều chi mà viên quân sư dạn dày trận mạc còn chưa thấu tỏ nỗi tâm tình? Sĩ Giao gạn hỏi lão một lần nữa, cố gắng tìm hiểu những nỗi suy tư mà lão còn đang dang dở. Sĩ Giao cúi thấp mình khẽ hỏi:

– Kìa vị huyện lệnh huyện Vũ Bình ơi. Bá Nam có điều muốn hỏi lão. Phải chăng lão còn điều gì chưa ưng thuận? Hay là do câu chuyện khi nãy đã khiến lão thấy còn hận học trò này? Chắc sẽ chẳng phải như vậy đâu, tấm lòng lão quảng đại thế cơ mà. Phải không viên sư gia huyện Vũ Bình?

Giọng cười hả hê, Tô Trung Trực hồ hởi:

– Phải rồi đó bác ơi. Còn bận tâm điều gì nữa hả bác? Ước nguyện bấy lâu của bác, nay đã hiển hiện ngay trước mắt.

Lão khẽ cười như sắp khóc, miệng run run, tay víu chặt lấy hai người. Lão nói:

– Ta không mong là một viên quan giỏi, ta chỉ mong lòng dân huyện ấy yên. Những phép tắc liệu ở trên có đủ mạnh, để răn đe những thói đời chẳng hay?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN