Giống Rồng
Chương 9-3: Sĩ Giao bắt tâm bệnh phó thứ sử Phong Châu
Giống Rồng
Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ chín:
Chí Trinh hai lần đánh đuổi cố nhân.
Sĩ Giao liên hoàn dùng mưu khích tướng.
Chương 9.3 Sĩ Giao bắt tâm bệnh phó thứ sử Phong Châu
Nghe Tô Tiến Hậu nói hai người đó là con trai của thứ sử châu Phong mà Lý Nguyên Gia giật mình thảng thốt:
– Tiến Hậu nghe tin từ khi nào? Sao không sớm báo cho ta biết.
– Chiều nay, tại hạ đi áp lương cho quân đóng ở Dâm Đàm, khi trở về nhà lao thấy có mấy tên phạm nhân mới, xét danh tính, nghe giọng nói thấy hai người trong đám ấy là người châu Phong. Đầu tiên chúng nhất quyết không chịu khai ra, tại hạ cho người giả làm người của chúng trà trộn vào trong lao, chúng đã nói với người của tại hạ là như vậy. Xét hành trang của chúng, tại hạ cũng tìm ra được hai chiếc lệnh bài này.
Lý Nguyên Hỷ cầm chiếc lệnh bài bằng gỗ, mạ bạc ghi chữ Vương, mặt sau khắc nổi hình chim hạc trắng ngậm ngọc minh châu. Tiến Hậu tấu rằng có lần huyện lệnh Từ Hãn Xương có đi tới đất châu Phong dự tiệc cưới con trai Vương là Thăng Hùng. Tiến Hậu cùng đoàn người của Hãn Xương chở theo lụa là, châu báu tới mừng lễ cưới đã từng nhìn thấy lệnh bài đó là của Thăng Triều ban cho các con và đám cận hầu của họ Vương. Nguyên Hỷ cho Tiến Hậu lui, gọi viên quan huyện Tống Bình là Từ Hãn Xương đến hỏi han. Trong đêm, đương lúc mải mê tửu sắc, Hãn Xương hậm hực chạy đến phủ. Hãn Xương nhìn thấy hai tấm lệnh bài đặt trên bàn, nhanh nhảu hỏi Hỷ:
– Nay đô hộ đại nhân lại bày tiệc khao đãi đám người Giao Chỉ nữa à. Giữa đêm chẳng hay đại nhân cho gọi có điều chi dạy bảo.
– Nhà ngươi nói ta đãi tiệc người Giao Chỉ là có ý gì? Chẳng phải ngày qua tiệc hội đã tàn. Nhà ngươi nói xem ta nên xây thêm mấy cái thành nữa mới thỏa được ý ngươi.
– Tại hạ không có ý đó. Chỉ là nhìn thấy lệnh bài xứ Phong châu, nghĩ rằng Đại nhân hậu đãi bọn người đó mà cho ở lại phủ trị.
Nguyên Hỷ nghiêm mặt, nhả bã trầu cay, súc một ngụm trà hỏi Xương:
– Nhà ngươi biết đó là lệnh bài xứ Phong Châu?
Hãn Xương cúi gằm mặt, tiến tới chỗ chiếc bàn, mắt nhìn ngó nghiêng, tay toan chạm vào lệnh bài đó thì Nguyên Hỷ quay lại mắng mỏ:
– Nhà người chớ có động đến mấy thứ đó. Nhà ngươi nói xem những thứ đó từ đâu mà lại có ở trên bàn của ta.
Hãn Xương mắt dắm mắt mở, gật gù đáp:
– Chắc là đại nhân có ý mời đám người châu Phong lán lại thêm chút bữa để cùng bàn thế sự An Nam. Nay duy chỉ có châu Phong là cận kề với ta, không có ý phản trắc, luôn xử sự đúng mực với các đời quan đô hộ. Mà dân Man Hoàng phía tây bắc nếu có ý đồ đánh thẳng đến Tống Bình, Phong Châu như một lá chắn thép mà Tống Bình thêm yên tâm vậy. Cho nên việc đại nhân đối với đám người châu Phong có phần hậu hĩnh hơn cũng là dễ hiểu. Mấy lời của kẻ tôi mọn suy diễn chủ quan, có điều chi sai sót xin đại nhân lượng thứ cho qua. Vậy mấy người của Thăng Triều vẫn ở trong phủ của đại nhân?
Nguyên Hỷ cầm tách trà mà tâm trí không yên, ấp a ấp úng đáp:
– Nhà ngươi biết như vậy là được rồi. Cho nhà ngươi lui.
Hãn Xương hằn học mặt nặng mày nhẹ bước ra về trong đầu luôn hỏi lý do đang giữa đêm vắng quan sứ lại cho gọi Xương vào. Ra đến phía ngoài phủ gặp Tiến Hậu, Xương hỏi thì biết được chuyện.
Sáng ngày sau, Xương viết một lá thư gửi cho Chung Đạt, vốn là chỗ hay qua lại. Chung Đạt bí mật rời châu Phong đến huyện Tống Bình hỏi cho ra câu chuyện. Chúng Đạt muốn chuyện êm trôi mà đút lót hai trăm lượng bạc cho Xương, Xương chối không nhận sợ rằng không giúp được cho Đạt. Đạt cậy hỏi đường đi nước bước để gỡ vụ này mà Xương tỏ vẻ làm rất khó do quan đô hộ trực tiếp đứng ra xét xử mà lại không cho các quan dưới được hay. Chung Đạt đánh liều đến cậy nhờ Long Trạch, Đạt dẫn theo ba trâu to khỏe bụng thắt vải đỏ, một mâm xôi đầy, năm gà chín cựa, một tráp trầu cau, hai hòm bạc trắng đêm đến mang tới trại quân của Trạch nhờ Trạch đứng ra giúp vụ này. Long Trạch khinh khỉnh không tiếp chuyện họ Kiều. Có viên giám quân nói thầm với Trạch:
– Đất Phong Châu xin tướng quân hãy nể mặt, kẻo rước họa cho Tống Bình vậy.
Trạch quay ra tiếp chuyện, nói đôi ba câu Chung Đạt cúi mình dò xét Trạch chuyện bắt bớ người trong tiệc hội khánh thành đền thờ thần Long Đỗ. Trạch hiểu ý, nhận hết chỗ tặng phẩm, cảm tạ tấm lòng thành của sứ quân châu Phong đối với Tống Bình. Trạch chỉ dám hứa sẽ nói giúp một với quan đô hộ, chút lễ mọn mang xung quân khố Tống Bình.
Chung Đạt chờ tin lòng nóng như lửa đốt, không ăn không ngủ suốt hai ngày ở dịch quán trong La Thành. Ở thành Bạch Hạc, Thăng Triều nghe tin họ Kiều vào huyện Tống Bình suốt mấy ngày mà chưa quay trở về, lại nghe tin con trai thứ Vương Thăng Đức đi cùng Chung Tiềm lông bông đi ngao du suốt cả tháng nay. Trong lòng không yên liền cho gọi đám gia nô Kiều phủ đến Bạch Hạc hỏi chuyện. Đám người Kiều phủ cũng không hay biết nên Thăng Triều đành sai mật sứ đi Tống Bình dò chuyện. Tin báo về Kiều Chung Đạt đang chờ ở dịch quán suốt mấy ngày ở đó không ăn uống gì nên Thăng Triều sinh lòng nghi viết thư triệu Đạt về Bạch Hạc.
Chung Đạt biết Thăng Triều hay tin nên đành ngậm ngùi quay về. Thăng Triều hỏi Đạt, Đạt chỉ bẩm lại rằng Đạt tới Tống Bình mang chút cống phẩm, dâng lễ lên đền thờ thánh mới dựng, qua lại chỗ quan huyện Từ Hãn Xương để tạo dựng mối quan hệ khăng khít hơn với Tống Bình. Tin tưởng lời Đạt nên Thăng Triều không dò xét thêm nữa. Thăng Triều nhìn thấy nét mặt buồn ủ rũ của Đạt, quay ra nhìn bức họa chữ Tiềm treo trên vách mà hỏi thêm:
– Nghe nói Đức nhi đi cùng trai thứ nhà ngươi là Tiềm đi ngao du, chẳng hiểu suốt tháng nay không thấy mặt mũi chúng nó.
Như đánh trúng chỗ đau, sắc mặt Chung Đạt xuống màu nhợt nhạt, giọng lắp bắp đáp:
– Thằng con nghịch tử đó, xin đại nhân đừng nhắc tới. Suốt ngày lông bông, rượu chè phè phỡn, ngao du với đám người không ra gì.
– Ý Chung Đạt đám không ra gì đó là Đức nhi?
– Tại hạ nào có ý nói Vương công. Chỉ là thấy Vương công cùng nghịch tử Chung Tiềm ngày ngày qua lại với đám nho hủ say sưa rượu chè, lại bàn lời không hay những người trên.
Thăng Triều ngẫm lời Chung Đạt nói phải nên không trách Đạt. Triều cho Đạt nghỉ ngơi thêm ba ngày rồi vào thành Bạch Hạc bàn việc quân.
Chung Đạt suốt ba ngày mất ngủ liên miên lại không ăn chẳng uống, sắc mặt xấu đi phân nửa. Đám gia nô mời thầy lang đến chữa trị đều lắc đầu không biết bệnh. Thăng Triều nghe Đạt trọng bệnh liền sai người đến đất Lâm Tây mời Lý Lang Mộc đến trừ bệnh. Lang Mộc bắt mạch kê thuốc cho Đạt, Đạt mới chỉ nghe Lang Mộc đọc đơn thuốc mà mặt mũi bừng tỉnh, ngồi dậy hỏi Lang Mộc:
– Trước giờ ta không tin là trên đời còn có lang y chữa được bách bệnh. Nay gặp được thân phụ Do Độc tướng quân ở đây, hết thảy kính phục.
Lão Lang Mộc vuốt râu cười lớn:
– Chẳng phải là ta chữa được bệnh của đại nhân mà là đại nhân đâu có bệnh gì.
– Ta đây mấy ngày không ăn, uống vào đắng miệng, đặt lưng xuống nằm mà mắt không thể nhắm nổi. Đó chẳng phải là bệnh hay sao.
Lang Mộc giọng cười sảng khoái:
– Ta biết có một người sẽ trị được dứt cơn bệnh đó của đại nhân.
– Lang Mộc kê đơn thuốc, ta chỉ cần nghe mà đã dứt cơn đau đầu. Không lẽ đơn thuốc đó không phải của ông?
– Đúng vậy. Người kê đơn thuốc đó đang đứng ngoài phủ, chờ đại nhân.
Trời nắng nóng, đất bốc hơi ngột ngạt, Chung Đạt mấy ngày không ăn uống, ngủ nghỉ bỗng nhiên bật dậy. Chân không kịp đi dép, áo mão chẳng kịp chỉnh tề, vội vàng ra ngoài phủ tìm gặp người mà Lang Mộc dẫn tới. Ánh mắt buồn nặng những u hoài, vừng trán đã nổi mấy nếp mà vẫn toát lên vẻ rạng rỡ đến lạ kỳ, Chung Đạt nhìn người đó mà không khỏi kinh ngạc:
– Anh là người mà Lang Mộc dẫn tới?
Tay cầm chiếc quạt mo lá cọ, Sĩ Giao cúi thấp mình chào Chung Đạt:
– Chính là Giao mỗ, xin bái kiến Kiều đại nhân. Nghe ngài có bệnh đau đầu, kém ăn nên vãn sinh mạn phép xin tới kê thuốc cho đại nhân.
– Giao mỗ. Ta phải gọi anh thế nào?
Sĩ Giao giọng uyển chuyển, âm trầm bổng mà thưa:
– Giao mỗ họ Đỗ, thuở hàn vi theo anh làm lệnh công ở đất Tống Bình. Mà đất Tống Bình không dung nổi, nghe có tướng họ Dương nổi dậy dẹp quân tàn ác mà theo về với minh chủ. Chẳng may tướng chủ bị kẻ dưới lật lọng, dẫn địch vào nhà mà phải ly tán, lưu lạc tứ xứ. Vãn sinh theo anh vợ là Chí Liệt đóng quân ở đất đồng bằng châu thổ, ba lần bảy lượt đánh không được đất Tống Bình nên đành về đất núi phía tây mà lánh nạn, học y thuật mà độ thế dân lành.
– Là Bá Nam quân sư Đỗ Sĩ Giao, trẻ tuổi tài cao mưu kế đầy bụng, dùng cây bút mà giết được nghìn quân địch, người đời xếp ngang hàng với Sĩ Vương, Tinh Thiều thời Lý Đế, Đỗ Anh Hàn thời Bố Cái.
– Những lời thiên hạ thêu dệt gió trăng, xin đại nhân chớ nghe. Sĩ Vương trí tuệ tinh thông, khéo dùng phép nhân trị mà được lòng dân chúng. Tinh Thiều bậc hiền tài xưa nay hiếm thấy, giúp Lý Đế dẹp bọn hung tàn, đánh giặc lân bang tỏ rõ cái uy của người Nam Việt. Đỗ Anh Hàn vãn sinh càng chẳng lấy gì mà bì, bậc tiền nhân trí dũng song toàn, giúp Phùng Vương dẹp bỏ Chính Bình, đánh giặc Lâm Ấp phía nam, đuổi giặc Chà Và quấy nhiễu, ba lần đánh đuổi quân Đường, năm lần bắt sống bọn thứ sử châu Thang, châu Lục, uy danh lừng lẫy. Kẻ vãn sinh há chỉ là suối nhỏ so với nước sông Cái ngoài kia.
Giọng nói dứt khoát, lay động đến tâm can, Kiều Chung Đạt vội mời Sĩ Giao vào trong phủ:
– Ngoài này chẳng phải chỗ để kê đơn, ta mời anh vào trong phủ hầu chuyện, bắt bệnh.
Chung Đạt dẫn vị lang y trẻ tuổi đi qua hai gian nhà lớn, sừng ngà lớn bé giăng đầy, thổ cẩm dệt lộng lẫy xa hoa. Vài bức trướng dát vàng gió lay bay phập phù, cửa gỗ lim nhẵn mịn nước sơn còn mới. Lang Mộc cười nói nhỏ với Sĩ Giao:
– Những thứ này hít vào trong cơ thể, há chăng mà không sinh thành bệnh.
Sĩ Giao chân bước vội, phẩy tay gạt lời Lão lang Lý:
– Con người ta mỗi người một vui thú, kẻ thích gái đẹp, người thích bầu bạn, thi ca. Có những người chuộng sự thanh nhàn, tao nhã lại có kẻ chuộng những vinh hoa, phú quý, vàng bạc lụa là cho thỏa cái sở thích cho họ vậy. Có thế người ta mới vui vẻ, bớt u sầu. Điều đó chẳng phải tốt hơn sao.
– Nhưng những thứ ấy do bàn tay kẻ đó tạo nên thì không nên nỗi, mà là do của đút lót, lòng tham, vậy thì chỉ có khổ cho những kẻ dưới quyền.
Sĩ Giao cười:
– Nhân chi sơ tính bản thiện, nước có đục thì cò mới béo. Đâu phải tự con người ta muốn ra như vậy. Chỉ trách những người đã khiến cho con người ta thành ra như thế.
Bước qua dãy hành lang đầy chim khướu, lá hoa, đá cây xù xì muôn vẻ, Sĩ Giao bước vào gian phòng lớn, trống toác không có thứ gì bên trong. Đôi chân Giao bỗng nhiên lạnh toát, nền nhà cứng trải những thảm nhung đỏ. Ba người ngồi quây tròn bên chiếc bàn nhỏ xinh, bốn chân trụ to bằng ống cổ chân, tấm lụa tơ phủ lên mặt không giấu đi được ánh vàng lấp lánh, mát lạnh phía dưới. Sĩ Giao tấm tắc buông lời khen:
– Đại nhân quả có con mắt tinh tường, am hiểu phong thủy đôi hạc đồng ngậm hạt ngọc minh châu đứng chầu trên lưng rùa này ắt mang lại nhiều điều may mắn cho gia phủ.
Chung Đạt gật gù cười nhếch mép:
– Xứ châu Phong xưa nay yêu loài hạc mà tôn thờ ngang hàng với tứ linh, nhà nghèo khó cũng có trong nhà một đôi hạc bằng gỗ, nhà tôn giả thì đúc hạc đồng mà trấn yểm tà ma, giúp yên định gia thất. Thành phủ châu Phong cũng lấy tên loài chim ấy mà đặt thành tên. Bá Nam quân sư tuổi trẻ mà học rộng hiểu biết nhiều, cho ta hỏi một điều về ý nghĩa tâm linh, hình tượng chim Hạc.
– Vãn bối xin mạn phép nói đôi lời, có điều chi chưa đúng xin đại nhân dạy bảo. Nói về chim hạc, xưa tổ Hùng Vương thấy đất Tượng quận chim hạc trắng phủ trời, núi sông hòa quyện, thế đó có thể dựng được nước mà lập nước Văn Lang, khắc chim hạc lên trống đồng, vách đá để lại cho muôn đời sau. Sách cổ người nam ta có nói Nhất phẩm điểu là loài của tầm cao vũ trụ, đại diện cho trí tuệ tinh thông, bạch hạc tượng trưng cho những điều trong sáng, đầy tinh túy thanh cao. Đôi chân cao lớn của chim hạc như trụ chống trời, thân chim hình khum tượng trưng cho bầu trời. Dáng chim cao lớn thể hiện mong ước vươn tầm trời đất của con cháu vua Hùng, mỏ dài nhọn như mũi tên lao về phía trước, dẫn con người ta đi theo lẽ phải. Hạc ngậm minh châu biểu trưng cho sự cao sang của gia chủ.
Lang Mộc tiếp lời hỏi Sĩ Giao:
– Bá Nam nói thật hay. Ta sống trong khe động bấy lâu, không biết được những điều ấy. Có điều ta chưa được tỏ, dẫu chim hạc thể hiện cho sự tôn quý, cao sang, to lớn của đất trời. Dưới chân hạc là lưng rùa tứ linh. Nó có mang ý nghĩa gì hay chăng?
Sĩ Giao cầm quạt bước rảo quanh phòng, giọng nói lôi cuốn, những cử chỉ mềm mại theo giọng diễn ca:
– Hạc vốn tượng trưng tinh túy thanh cao, tượng trưng cho đất trời, quy là một trong tứ linh cao quý, là bá chủ nguồn nước. Hạc đứng chầu trên lưng rùa thể hiện cho sự hài hòa của trời đất âm dương. Hạc và rùa là đôi bạn thân thiết, rùa sống dưới nước, biết bò, hạc trên cạn biết bay. Lúc trời làm mưa lũ, ngập úng khắp vùng rộng lớn, hạc chẳng sống dưới nước mà rùa cõng trên lưng vượt úng ngập tới chỗ khô ráo. Ngược lại lúc trời hạn hán, rùa được hạc mang đến vùng nước trũng. Ấy là sự thủy chung, tương hỗ của những người bạn tốt trong lúc khó khăn hoạn nạn. Đất châu Phong như thể hạc trắng, đất châu thổ đồng bằng Giao Châu như thân rùa, khăng khít chẳng rời nhau.
Chung Đạt nghe đến đoạn Giao Châu như mình rùa dưới chân hạc mà giật mình, hẹm giọng:
– Bá Nam nói lời ấy là có ý gì?
Sĩ Giao đổi giọng, nói hết thảy bụng dạ:
– Bẩm Kiều đại nhân. Thân là phó thứ sử châu Phong, con trai Đại nhân đang ở đất Tống Bình gây ra tội tày trời. Dẫu chim hạc có đặt hướng nam, hay xoay về hướng đông cũng chẳng thể vãn nổi. Chi bằng đại nhân hãy bàn với thứ sử Thăng Triều động binh mã dẹp bỏ họ Lý tàn ác kia. Triều đình nhà Đường rối loạn đã lâu, không còn đủ sức mang nổi Giao Châu. Chiếm lại Giao Châu về tay người nam đấy là hợp ý dân, thuận ý trời. Nay tại hạ thấy trong xứ An Nam, duy chỉ có Phong Châu xứng làm chủ đất Lĩnh Nam. Thiếu chủ Chí Liệt nay cùng người Man chiếm được hai huyện Vũ Bình, Thái Bình phía tây, quân Tống Bình cố thủ mạn đông, đánh không chạy, dụ không ra. Nghe danh Thăng Triều đã lâu trọng tài, trượng nghĩa, thiếu chủ có ý muốn nương nhờ, mượn binh mã trừ giặc Tống Bình.
Chung Đạt chống tay đỡ đầu mà nghĩ nghĩ suy suy. Lang Mộc xin lui ra. Sĩ Giao thủ thỉ với Chung Đạt:
– Chung Đạt đại nhân nghĩ mà xem. Phong Châu họ Vương trai trưởng mang tâm bệnh đã lâu, trai thứ ăn chơi đọa đày, chẳng thể tiếp nối công lao của Thăng Triều. Giao châu về một mối, chẳng phải là họ Kiều hay sao. Mà cả khi động binh hăm dọa Tống Bình, dẫu có không đánh tới thì với chỉ riêng đất Phong Châu, đại nhân cũng đã chẳng thiếu một điều gì.
Sĩ Giao thở dài, đặt chiếc quạt mo xuống bàn. Ngậm một tách tra mà lắc đầu, nhìn Chung Đạt với ánh mắt không khỏi suy tư. Chung Đạt nghiêng nhìn Sĩ Giao, tay đập bàn quát mắng:
– Nhà anh chớ có nói điều phản phúc. Có biết nơi này là nơi nào hay chăng? Anh đang nói chuyện với ai. Với ai? Với Phong Châu phó thứ sử. Chỉ cần anh bước ra ngoài phủ là sẵn sàng có cả nghìn người cầm đao giết anh.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!