Giông Tố - Chương 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
207


Giông Tố


Chương 14


Chuyến xe hỏa cuối cùng, chuyến tàu đi lên những nơi thâm sơn cùng cốc, bữa ấy, lúc mặt trăng đã lên đến lưng chừng trời, đã nhả một mình Long xuống thềm ga lạnh lẽo và vắng vẻ. Tàu đỗ lại độ hai phút, chỉ để đủ thời giờ cho một người của sở xe lửa chạy vội xuống mở khóa hòm thơ, lấy thơ rồi lại chạy lên. Đứng trên con đường lô nhô những đá, Long vừa kịp nhìn hai dẫy rào găng lù lù và đen kịt, cái nhà ga bé nhỏ như một cái quán gạch ở cánh đồng, ngọn đèn dầu leo lét, cái đồng hồ hiện ra lờ mờ giữa cái sáng và cái tối, một mảnh trăng treo trên cành một cây xoan, ngọn đèn đỏ mà người xếp ga lắc đi, lắc lại, ở phía đầu tàu – cái phong cảnh khiến chàng thấy mình là cô độc, chơ vơ, trên con đường đời dài dằng dặc – thì bỗng một tiếng còi vang lên như một tiếng thét kỳ quái, với những tiếng hơi nước phụt ra phì phì và tiếng bánh xe sình sịch nghiến trên đường sắt, lại làm cho chàng giật mình và bàng hoàng run sợ như tiếng thét trên đầu chàng khi có nạn gì sắp xảy ra.

Long đứng ngây người ra nhìn theo chuyến tàu biến thẳng trước mắt mình, mãi đến lúc nó chỉ còn là một cái chấm đỏ, mãi đến lúc cái chấm đỏ – cái đèn ở toa cuối cùng – cũng trộn lẫn vào cái tối. Tàu khuất rồi, Long mới vào ga trả vé. Người coi ga, áo dạ cao cổ, mũ cát két bịt kín hai bên tai, ở cánh tay lòng thòng một chiếc gậy song, ở miệng lập lòe một mồi thuốc lá, sau khi nhận được vé, hất hàm hỏi Long:

– Về đâu khuya khoắt còn đi một mình thế?

Long bỏ cái mũ ở đầu ra rồi đáp:

– Thưa ngài, tôi về Quỳnh Thôn, thuộc huyện…

Nói được đến đấy thì Long ngập ngừng, vì quên khuấy mất. Người coi ga nói:

– Thuộc huyện Cúc Lâm.

– Vâng, chính thế.

Người kia so vai một cái mà rằng:

– Xa lắm. Mà bây giờ chẳng phu xe nào chịu kéo đâu.

– Nhưng mà sáng trăng thế này thì, thưa ông…

– Bẩy tám cây số, xa lắm, mà lại phải qua một lần phà.

– Như vậy thì không thể được ạ, thưa ông?

– Nếu chịu khó đi đò thì nửa đêm cũng đến vì đi đò gần hơn.

– Ông làm ơn bảo giúp bến đò về phía nào thì may quá.

– Ra khỏi ga, thì về phía tay trái độ hai trăm thước, thì xuống bến.

– Cám ơn ông.

Long theo lời chỉ bảo, đi một lúc đã đến bến đò. Tiếng chó sủa ran lên đón chàng. Trên một mũi thuyền có một số đông mấy nhà chài lưới ngồi uống rượu, có lẽ thưởng xuân và thưởng trăng rằm tháng giêng. Sau khi gạn hỏi và ngã giá đâu đấy rồi, chỉ có một người đàn bà trên một chiếc thuyền nhỏ bằng lòng chở.

Tiếng chèo bì bõm đưa chiếc thuyền nhỏ ra tới giữa khúc sông rồi, Long mới kịp để ý đến người đàn bà kia. Đứng chon von ở sau thuyền, người đàn bà hai tay khiến hai mái chèo một cách uyển chuyển mềm mại. Dưới cái khăn vuông mỏ quạ đen là một cái mặt tròn trĩnh, rồi đến một cái ngực nở nang bên trong cái yếm trắng. Một cái váy cũn cỡn mà dưới là một đôi ống chân bầu bĩnh trắng trẻo chấm hết cho cái hình thể gọn gàng ấy. Long ngả lưng vào mạn thuyền, để đầu nhô ra một khe ở vỉa mui. Chàng tự nghĩ: “Ta mà là Nghị Hách thì người đàn bà này lại chết mất rồi!”. Muốn xua đuổi những tư tưởng bất chính ngẫu nhiên đến lúc ấy, Long lại ngồi nhổm dậy, nhìn chung quanh, nhìn trời, mây, nước…

Mặt trăng như rung động lấp ló sau một ngọn đa. Những đám mây nhỏ bay về cả một chiều như một đàn bò bị dồn về ấp lúc đã hoàng hôn, hay là như một đám tàn quân bại trận. Hai bên bờ, trùng trùng điệp điệp những rặng cây hoặc cao hoặc thấp, những mẩu đường đê, những ngọn đồi còn xoai xoải vươn mình như con vật khổng lồ triền miên về giấc ngủ đêm khuya. Thỉnh thoảng một ngọn đê hay một cây gạo nhô lên trên cái vạch đen sì những cây cối nhỏ, soi bóng xuống mặt nước. Tiếng mái chèo dịp dàng khoan thai khuấy nước bì bõm hợp với những tiếng của muôn nghìn thứ côn trùng ri rỉ dưới cỏ lại càng làm tăng sự tĩnh mịch của đêm trăng. Cảnh vật như trong mộng.

Cảnh ấy kích thích đến tâm hồn Long. Vì Long giàu tình cảm, tâm hồn chàng là một thứ tâm hồn hay suy nghĩ, hay triết lý của hạng người phong trần, nên chỉ đáng lẽ âm thầm chịu đau khổ như những kẻ ngu đần bình dị, thì Long đem từng nỗi khổ một ra phân tích tỉ mỉ. Sức say sưa của mọi điều suy nghĩ nhắc Long từ địa vị chủ quan sang địa vị khách quan. Những cảm giác tê mê, những cảm tưởng bi phẫn, đã tháo lui để nhường chỗ cho sự tự kỷ phê bình. Rồi nhờ cái phong cảnh mơ mộng ở ngoài nó kích thích Long tự thấy mình như một vai trò quan hệ trong một cuốn tiểu thuyết cho nên sự đau khổ của chàng không phải là không có thi vị. Cái khổ của chàng thuộc về thứ khổ sướng của những người tự trọng, những người không bao giờ làm một điều gì lầm lỗi đến nỗi phải hối hận, những người không bao giờ tự mình phải oán mình, trách mình, giận mình, những người có lương tâm.

Trong hai đường, một là nhận lời với Tú Anh: thì được trở nên em rể ông giám đốc Đại Việt học hiệu, quí tế một nhà phú gia địch quốc, chồng của Tuyết hoặc của Loan… Đường kia là tình nhân của Mịch, chồng một người đã mất tân tiết, con rể một ông đồ nghèo, kẻ thù của một bậc phú gia địch quốc… Trong hai mặt trận, Long đã đứng về cái thế kém hơn. Một đường là sự giàu sang, sự thỏa mãn về vật chất, một đường là sự nghèo khổ, là sự chật vật về tinh thần. Do sự lựa chọn ấy, Long thấy mình cao thượng, đáng kiêu. Long đã đứng ở cái phương diện mà lòng tự ái của chàng được nâng niu… “Quân tử đa truân”, phải chăng sự đời chỉ là thế? Long nghĩ vậy rồi cười nhạt cái cười khoái chí của người hiểu đời và khinh đời.

“Tuy vậy, ta cũng là người có một tâm hồn vững lắm” Long nghĩ thế là vì sức liên tưởng đã khiến Long nhớ thế. Cái mặt ngẩn ngơ của Tú Anh, buổi sáng hôm nay… Khi thấy bị đuổi ra một cách bất ngờ, Tú Anh chỉ từ tốn xuống thang, không giận dữ, không hề gặng hỏi. Cử chỉ ấy bảo Long rằng chủ mình không những chỉ là người khoan hòa mà lại còn hiểu rõ đến đáy lòng mình, lại còn đi guốc trong bụng mình, vì đã đoán được rằng sự nổi nóng, cách cự tuyệt thô lỗ của mình chỉ là sự sợ hãi, chỉ là một cách từ chối sức cám dỗ của kẻ yếu hồn mà thôi. Long bất giác lại thở dài vì thấy rằng đã trót có một cái xuẩn động.

Rồi Long thấy trong lòng nao nao sung sướng. Việc cự tuyệt sự giàu có, không vì những cái bả vật chất mà sa ngã, sự chung tình với Mịch, sự xông pha tám mươi cây số trong đêm khuya, trên xe lửa, trên thuyền, một mình liều với dặm trường, ngần ấy cái chỉ để qui về một mục đích, yêu Mịch – khiến cho Long thấy phấn khởi, thấy thỏa chí như đã làm được nhiều việc thiện, không còn thấy nông nổi là đáng ngại ngùng và đường là xa.

Hơi gió bấc lạnh lùng, cái thuyền lướt êm ả trên nước, ánh sáng le lói của mặt trăng, sự muôn hình vạn trạng của cỏ cây, ngần ấy cái bao bọc Long trong một giấc mộng dịu dàng…

Long ngủ.

Long ngủ một giấc say sưa, vì cả ngày hôm ấy tinh thần của Long cũng đã vất vả như xác thịt của Long.

Đến khi thuyền cập bến, người chở đò đánh thức khách dậy. Long hỏi thăm đường đất cẩn thận thì biết ra rằng chỉ còn độ một cây số đường tắt qua cánh đồng là đến Quỳnh Thôn, vì đi đường thủy gần hơn đi đường xe hơi Long đã đi mọi khi.

Vào tháng giêng, cánh đồng cũng tạm gọi được là khô, việc đi trên những bờ ruộng cũng không vất vả là mấy, vì không phải lội nước. Một tay giữ cổ áo dạ cho gió khỏi lùa vào ngực, tay kia vén cao hai ống quần cho khỏi lấm, Long cứ lần theo những bờ ruộng nhỏ, lúc rẽ sang hữu, lúc rẽ sang tả, nhiều khi lại vòng lộn lại, nhưng vẫn cắm đầu cắm cổ mạnh bạo mà đi.

Những thửa ruộng khoai lang mà hoa lá bò trên những luống đều đặn như những dòng hoa gấm, những sào ngô đã cao tới ngực, những luống mía um tùm lướt trên đầu người và giao nhau như những cửa động lần lượt kế tiếp nhau… Long cứ đi dăm bước lại thấy cào cào, châu chấu, hoặc những sâu bọ có cánh khác rủ nhau đi trốn, bay trước mặt mình rào rào.

Tâm trạng của Long lúc bấy giờ thật là khó tả. Chàng thấy mình là khổ lắm, nhưng trong cái khổ không phải là không thấy cái mùi vị sung sướng sinh ra bởi sự thúc giục của bổn phận, của một người chung tình, cái bổn phận đáng gọi là thiêng liêng. Những lúc như thế, Long chỉ ao ước sao cho có một việc mầu nhiệm phi thường gì dun dủi cho Mịch yêu quí của chàng, ra giữa chốn này trông thấy chàng khổ sở, vất vả như thế, để chứng giám cho tấm lòng thủy chung của chàng. Chàng rất muốn đem lòng yêu ra để kể công với người yêu. Chàng tin rằng nếu Mịch lại trông thấy sự chung tình như thế của chàng thì những điều đau khổ của Mịch sẽ tiêu tán đi vì ái tình, nhất là một cái ái tình đằm thắm, nồng nàn, một cái ái tình ở trên mọi sự hy sinh, thì là một ông thầy thuốc rất giỏi.

Nhưng có khi nào giữa đêm khuya, giữa cánh đồng, giữa lúc Long lận đận tận tụy vì lòng yêu mà lại có Mịch được! Nghĩ thế, Long lại tự an ủi rằng đã có quỷ thần hai vai chứng kiến cho là đủ, và chàng cũng không cần gì phải kể công. Long sẽ ung dung bước vào túp lều gianh, đến trước mặt người yêu, không khoe khoang, không kể lể. Chỉ có sự im lặng là cao.

Rồi Long lại nghĩ một cách lẩn thẩn rằng nếu lúc ấy trời đất nổi lên một cơn giông tố để cho Long phải ướt lướt thướt, phải ngã lăn lộn ra đấy đã, rồi mới tới Quỳnh Thôn, thì giá trị tấm lòng yêu mới thật là vô cùng.

Nhưng mà trước mặt chàng, đã hiện ra một vết đen sì là những cây tre làng Quỳnh Thôn. Long không thấy mỏi mệt nữa, mỗi bước chân đi lại thấy một thêm nhanh nhẹn.

Thốt nhiên, đằng sau Long, thấy có một tiếng gọi thất thanh:

– Anh Long!

Chàng kinh ngạc hết sức, phải đứng hẳn lại. Chàng quay đầu lại, ngơ ngác nhìn chỉ thấy lù lù một dãy mía bên cạnh một dãy ngô. Hồi lâu vẫn thấy im… Sự ngạc nhiên của Long đã hóa ra sự sợ hãi, Long thấy rờn rợn người mà chợt nghĩ đến chuyện ma quỷ, chuyện yêu tinh, hiện lên để trêu cợt những kẻ đi đêm. Long tưởng như bị ma dẫn lối quỷ đưa đường mà không còn dám tin trước mắt mình là làng Quỳnh Thôn! Long chính mình đã cũng không tin mình, phải dụi mắt hai ba lần, rồi mới biết là Long không mê ngủ. Thốt nhiên lại thấy:

– Anh Long đấy à?

Tiếng gọi từ ruộng mía vang ra. Mà nghe như tiếng gọi của Mịch! Long tuy thấy rợn lắm, song cũng cứng cỏi đáp với bụi mía:

– Phải, tôi là Long đây! Ai gọi tôi đấy? Ai?

Bụi ngô rung động một hồi, rồi một cái hình hiện dần ra:

– Em Mịch đây anh ạ.

Long trố mắt nhìn, vì lúc ấy Long lại cũng hồi hộp, tưởng chừng như đó là một con yêu thiêng nào hiện lên, làm Mịch chăng. Khi người ấy đến gần Long, thì Long vội nắm chặt lấy hai tay Mịch, vì đó là Mịch thật. Khi Long thấy hai bàn tay Mịch nóng hôi hổi, và hơi thở của Mịch hổn hển thì chàng lại càng lấy làm ngạc nhiên. Về phần Mịch, việc nắm tay ấy, khiến Mịch phải ngợ đó phải chăng là tại người yêu quá đỗi sỗ sàng. Sau Long hổn hển hỏi:

– Mịch thật?

Mịch cũng run rẩy đáp:

– Vâng, chính em đây, sao anh lại đi đường đồng?

– Sao Mịch lại ở đây?

– Thế anh đi tàu hỏa, rồi đi đò đấy à?

– Phải.

– Nếu anh về sớm mà đi ô tô có hơn không? Hay lại có việc gì thế?

– Không… anh về là anh về. Tối rồi cũng về, vì anh nóng ruột.

– Chỉ vì thế thôi à, anh?

– Phải, thế Mịch làm cái gì một mình ở đây?

– Anh nói khẽ chứ. Đêm khuya, lại giữa cánh đồng mà nói thế là nó vang ra xa lắm đấy.

Long khẽ hỏi một lần nữa:

– Ừ, thế em ra đây làm gì? Mà sao lại có một mình?

Mịch cúi mặt lặng im một lúc rồi mới đáp, và chỉ đáp dưới cái mặt cúi:

– Em đi bới khoai, bẻ ngô.

Long nhìn Mịch trừng trừng, sự nghi ngờ trong lòng bỗng nổi dậy lên. Chàng buông gọn:

– Vô lý!

– Vâng, em bẻ ngô, bới khoai thật… Nhưng mà…

Long gần như gào thét:

– Nhưng mà? Nhưng mà làm sao?

Mịch nhìn lên một cách hãi hùng rồi ấp úng một cách hổ thẹn:

– Nhưng mà là đi bới trộm, bẻ trộm, đi ăn trộm!

Long hỏi thất thanh:

– Ăn trộm? Mịch! Thật à?

– Vâng.

– Mịch ăn trộm?

Mịch nức nở, đáp qua dòng lệ:

– Vâng. Trời ơi! Nào anh có biết đâu những nỗi ở nhà!

Rồi Mịch khóc sụt sịt, thảm thiết.

– Chết chửa! Thế đầu đuôi ra sao?

– Chiều hôm qua u nhịn cơm, em phải nấu cám cho thầy ăn. Cả ngày hôm nay, nhịn đói cả. Thừa khi làng vào đám, tuần tráng xem chèo ở đình, em mới phải liều ra đây.

– Trời ơi! Làm sao lại đến nỗi thế?

– Nhà có mấy sào ruộng màu thì đem bán hôm mồng bảy tết rồi, bây giờ còn đâu là của mình mà chả đi ăn trộm?

– Sao lại khổ đến thế được?

– Chứ anh tính! Khốn nạn, nào có gì! Thầy u định bán nốt cái nhà và mấy con lợn rồi ra tỉnh với anh cả em… Ở làng mãi thì chết đói… Nhà có người gạn tậu rồi, vì cãi vã một trận om sòm, người ta lại thôi. Lợn thì cũng có người nhận mua rồi, nhưng mà mai người ta mới bắt. Anh tính bây giờ có ai còn đến học thầy nữa đâu! Rồi thì cứ xảy ra cãi nhau luôn, nên u cũng không ai mượn đi làm đồng nữa. Đã chết dở sống dở lại thêm nỗi cả làng mai mỉa mình, đay nghiến mình. Khổ lắm, anh ạ.

Long nghe xong cứ đứng đờ người ra. Rồi Long lôi Mịch về mình, ôm chặt lấy người yêu, in lên miệng Mịch một cái hôn đau thương, rỏ trên má Mịch mấy giọt lệ rất nóng. Ngây thơ, Mịch còn muốn gỡ ra.

Chợt. Long đẩy Mịch ra, nhìn bụng nàng mãi… Mịch vội vòng tay trước bụng, hổ thẹn, đứng im.

– Mịch!

– … – Mịch!

– Dạ! – Mịch! Có sự gì phải không? – Dạ.

Long nghẹn ngào hỏi: – Em ễnh ruột ra đấy à?

Mịch đáp bằng giọng lạnh lùng: – Thưa anh vâng.

Long hỏi lại: – Thưa anh vâng? – Vâng… Thằng… nghị… Hách

– Thật thế?

Mịch cau mày đáp:

– Sao anh còn phải hỏi thế?

Long lại hỏi:

– Thật chỉ vì thằng Nghị Hách?

Mịch nhăn nhó mà rằng:

– Thôi, còn nói gì nữa! Đến cả anh cũng nỡ nghi em cơ mà!

Long đan tay lên để lại bỏ thõng xuống. Chàng nghiến răng lại, nhắc:

– Nghị Hách! Nghị Hách!

Rồi Long đứng thừ người ra, Mịch bảo:

– Thôi, ta về nhà. Anh đi trước đi, để em nhặt nốt mấy bắp ngô.

Long giơ tay ngăn mà rằng:

– Thôi! Vứt đấy, anh có nhiều tiền đây rồi.

– Anh về trước đi vậy.

– Sao lại không cùng đi với nhau?

– Người làng họ đàm tiếu. Hay để em về trước cho vậy. Rồi lâu lâu anh hãy về. Để em quay lại ruộng lấy con dao.

Long ngồi phệt xuống cỏ, cũng chẳng buồn nhìn đến người yêu nữa. Chàng thấy đầu gối như muốn long ra, không thể đứng lên được nữa.

Giữa lúc ấy, tiếng trống chèo vẳng đưa đến tai Long.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN