Giông Tố - Chương 22
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
196


Giông Tố


Chương 22


Mịch oán giận mẹ, căm tức bố, khinh bỉ anh, và nhớ Long.

Trong khi khâu vá, vì không để hết được trí vào việc nên Mịch đã để lỗi kim, lỗi chỉ, nhầm lẫn đủ thứ đến nỗi có hai cái yếm rãi cũng phải khâu mất bốn ngày. Bây giờ đến cái áo thì Mịch lại viền lộn và cạp trái!…

Bực mình, ném cái vạch xuống sàn gác, vứt cả thúng khâu đấy, Mịch đứng lên, thừ người ra, Mịch ra bao lan nhìn xuống phố cho khuây khỏa.

Sáng hôm ấy, một buổi sáng chủ nhật lại mát trời. Phố xá đầy người và xe tấp nập… Những cặp vợ chồng, những cặp giai gái diện những bộ áo lòe loẹt nhan nhản trong xe điện, trên xe cao su, trên vỉa hè, người nào cũng có bộ mặt hớn hở công nhận rằng đời là tốt đẹp, là đáng sống, là đầy những ánh sáng và hi vọng… Trông người, chạnh nghĩ đến niềm riêng. Mịch xót xa thấy rằng đối với mình, cuộc đời đến như thế là hết, thật là hết. Không bao giờ Mịch còn hi vọng có được lấy một ngày vui. Long, thời gian sắp sửa lấy Long, những câu ân ái buổi xưa, những điều mơ màng bình dị với Long, những sự ấy, ngày nay chỉ còn là những vết tích đã phôi pha của một giấc ác mộng… Tuy vẫn không quên là mình chưa hai mươi tuổi. Mịch cũng thấy như mình đã già. Những sự yêu đương nhau của hạng vợ chồng trẻ là không khi nào Mịch còn được hưởng vì rằng chồng của Mịch là một ông chồng già, vậy mà cũng chưa hề có quay lại lần thứ nhì, kể từ sau tối tân hôn. Mịch ngạc nhiên ở chỗ chính mình, mình cũng có thể vô tình đến nỗi coi chồng như chết mất rồi: coi mình như một quả phụ được hưởng cơ nghiệp của chồng để lại, và coi đứa con trong bụng là một đứa trẻ xấu số, đến nỗi mồ côi bố ngay từ lúc chỉ mới là một cái bào thai! Lắm khi đã bồn chồn tự hỏi: Ta cứ sống mãi như thế này à? Lắm khi phải cố nhớ được Long, thương được Long, và căm giận được lại những phút đau thương ân ái đã sống chung với Long để mà có thể nhớ Long, rồi khóc một mình, ướt lã chã cả gối. Những khi thấy Long, là không thể yêu được nữa – dù là cái yêu âm thầm, dù là mối tình u ẩn tuyệt vọng trong đáy lòng – thì Mịch lại mơ mộng đến những người lạ mặt, những người qua đường, những người một bữa chủ nhật, hay một buổi mát trời, đã dun dủi cho lai vãng qua nhà Mịch để ngước cặp mắt lên bao lan nhìn Mịch trong hai phút và đã làm cho Mịch cũng phải nhìn xuống, quay đi, và nhìn trộm theo… Những hình ảnh thoáng qua ấy, có đủ sức huyễn hoặc kỳ khôi, làm cho Mịch phải tưởng đến, ôn lại, cố lục tìm trong trí nhớ, để chạy theo một cái ảo tưởng mà luân lý ngăn cấm, để ngoại tình bằng tinh thần, làm một việc khoái lạc, mà người ngoài không biết được.

Cái phương châm rất thông thường ấy, đã đến với Mịch cũng như đã đến với trăm nghìn người khác, những người cam bề lẽ mọn ngoài mặt, mà đầy những tư tưởng thương thân tủi phận trong đáy lòng, những người khát yêu. Mịch đã cho mình là phải, là cao thượng, là làm những việc chính đáng, những khi có tư tưởng bất chính. Cho nên một buổi chiều, chỉ cần có một người khách qua đường nhìn thấy Mịch, là đủ cho đêm ấy, Mịch được cái sung sướng, bài trí trong óc một cảnh hạnh phúc gia đình với khách qua đường ấy, một cảnh trong đó có đủ: những sự ôm ẵm, mơn trớn… nâng niu… Từ khi lấy chồng đến nay, đã ba bốn tháng, thì là đã luôn trong ba bốn tháng, Mịch đã ngoại tình bằng tinh thần, đã lừa chồng với hàng trăm nghìn người, những người qua đường. Sự phản phúc trong ấy thật đã là hoàn toàn, thật đã là đầy đủ, đủ cho một sự tình cờ nhỏ mọn cũng có thể gây ra một cuộc lừa dối rành rọt bằng xác thịt nữa. Mịch sẽ lừa dối chồng cả phần hồn lẫn phần xác… Và như vậy thì là một sự rửa thù oanh liệt cho Mịch và cho Long!

Những cảm giác đê mê ở cuộc hãm hiếp, còn để sót lại trong trí Mịch những phút hồi ức băn khoăn của một dục vọng chưa được thỏa mãn. Mịch đã phải tưởng tượng ra những cảnh cám dục ghê gớm, hưởng với mọi kẻ qua đường. Trong những sự mơ màng càn rỡ ấy, mỗi một cái mặt đã nhìn thấy là một cái sức ám ảnh riêng, là một thế giới riêng, có những sự khiêu động không bao giờ giống nhau cả. Và lòng khao khát đến một điều thỏa mãn bằng cách tưởng tượng ấy, không những chẳng làm cho Mịch mãn nguyện, nhưng trái lại, còn khiến Mịch càng như điên cuồng.

Sau những phút ghê tởm đáng kinh hoàng ấy, sau khi ma quỷ đã phải chạy xa, để cho thiên thần đến thắng trận trong lòng người như thế, Mịch không phải là không hối hận. Song lẽ đó không phải là Mịch hối hận với chồng! Mịch chỉ hối hận với Long mà thôi. Dù sao thì, ngoài Long ra, trên đời chưa có ai yêu Mịch cả. Mịch tự kết án là có tội với Long, chỉ với Long.

Ấy thế là hình ảnh Long lại bị lôi kéo vào dục vọng của Mịch. Hình ảnh những kẻ qua đường có vẻ phải lòng Mịch, những khi ấy, phai nhạt hẳn đi, Mịch đã thường ôm gối chăn, nghĩ đến Long, bàng hoàng soi bói trên thớ vải trắng muốt của gối chăn, ngõ hầu nhìn thấy cái miệng cười gằn, cặp lông mày hay nhíu lại của Long, hoặc là đã lặng im, nhịn thở, để tai nghe qua những cái tích tắc của chiếc đồng hồ, ước mong được nghe lại một lời buông xõng, một câu gắt gỏng, một cái thở dài chán chường của Long, của người đã khinh Mịch, đã rẻ rúng Mịch, đã hứa là tha thứ cho Mịch mà đã nuốt phăng lời hứa, đã phụ Mịch để lấy một thiếu nữ khác, đẹp hơn Mịch, có bố giàu hơn bố mẹ Mịch, nghĩa là một người đã làm khổ Mịch nhưng mà Mịch vẫn cứ vì người ấy mà xót xa, vì Mịch không thể nào quên được người ấy, không thể nào không yêu được người ấy!

Những khi đêm khuya chợt thức giấc, nhìn chung quanh mình chỉ thấy sự hiu quạnh và ánh sáng lãnh đạm của một bóng điện trong dua xanh. Mịch, trong thâm tâm, đã cảm thấy đủ hết mọi nỗi chán chường của người bị cảnh ngộ ép duyên, của một người bị để lạnh lùng, và đã ước ao một sự phi thường gì dun dủi cho Long có can đảm đương lúc đêm hôm, cũng trèo tường vượt rào, mà đến gõ cửa phòng của Mịch, rồi chạy vào ôm choàng lấy Mịch áp mặt vào má Mịch, để rỏ xuống vài giọt lệ đau khổ thương xót rồi hai người sẽ ôm nhau mà khóc lướt mướt, mà cùng hối hận, mà cùng ganh nhau để xin tha thứ cho nhau, tranh nhau thỏ thẻ những lời ái ân nũng nịu, rồi vào cuộc chung chăn chung gối, tha hồ mà nõn nường âu yếm cho đến mê đến mệt, đến mất lý trí đến bay linh hồn, đến chán chê, đến lăn lóc, cho đến trơ ra như gỗ, như đá… Rồi thì chết! Chết cả đôi, ôm nhau mà chết, đem mối hận nghìn thu xuống suối vàng cho nó tiêu tan đi, sẽ yêu nhau dưới âm cung, nhưng lúc chết thì phải trên một giường… để cho Nghị Hách trông thấy cảnh tượng rùng rợn ấy, để cho lão biết rõ ràng không phải hễ cứ lắm bạc, nhiều tiền là mua được cả linh hồn của người ta!

Mịch đã dám có những ý nghĩ bất thường, gan góc đến như thế. Những lúc ấy, Mịch muốn có Long để khoe khoang rằng mình đã nghĩ thế, để tỏ dạ trung thành với người yêu. Vì không làm sao được, Mịch đã phải kêu gọi đến quỷ thần hai vai chứng giám! Rồi thì, sau đấy, Mịch cũng phải ngạc nhiên rằng mình thay đổi chóng quá, rằng mình không còn một tí gì là cô thôn nữ thuở trước nữa, vì mảnh hồn ngây thơ trong sạch đã bị cảnh ngộ giết chết mất rồi! Bây giờ, Mịch đã thuộc vào hạng người mà nền luân lý mù lòa, mà những dư luận bất cập và ấu trĩ sẽ kết án gay gắt… Đời người đầy dẫy những sự bất bình, những nỗi đau thương, song le không có một thứ ánh sáng nào soi thấu được đến những điều uẩn khúc ấy, thì Mịch cũng bất chấp lời khen tiếng che của đời… Mịch có thể tự liệt vào phái người tha thiết bênh vực những đàn bà lừa chồng, những cặp gian phu dâm phụ, vì những người ấy mà có chính là vì trong đời có những người khổ như Mịch và Long, chỉ có thế thôi!

Mịch không nhớ tiếc tuổi ngây thơ xưa kia nữa. Do những ý nghĩ ấy, Mịch cũng không dám giận mẹ nữa, không căm tức bố mẹ, không khinh bỉ anh ruột nữa. Người ta thay đổi là vì hoàn cảnh. Nếu ông đồ và bà đồ có đâm ra đê tiện, mất lòng tự trọng mà khúm núm trước Tú Anh, mà chịu ơn của Tú Anh, khi không đáng chịu ơn, mà đâm ra mặt bòn rút, thì âu cũng là sự thường. Nếu anh Mịch mà cứ hết nay đến mai đến xin tiền Mịch để cờ bạc thì âu cũng là sự thường.

Tư tưởng tha thứ ấy lại đem đến sự thư thái cho lòng Mịch. Vô cớ, Mịch thấy như có điều gì vui vui, Mịch quay vào thư thản khâu nốt cái áo. Rồi Mịch sẽ có con. Rồi Mịch có thể hy vọng được ở đứa con nó làm khuây khỏa những nỗi đau khổ đi. Có khi Mịch sẽ giữ được trinh tiết với cái thằng chồng khốn nạn ấy cũng chưa biết chừng! Sự đời, ai mà biết trước sự đời…?

Mịch lôi kim ở vành khăn xuống. Mịch giơ kim lên chỗ sáng xâu chỉ. Một hồi chuông kêu ran lên.

Chắc là Tú Anh đến chơi… Lại có một vài món quà gì đó… Con sen ra mở. .. Ô hay chuông lại kêu ran lên… Vậy thì con sen đâu?

Mịch buông kim chạy ra bao lan nhìn xuống cổng… Giời ơi, Long! Long đến!

Mịch đứng trù trừ một lúc lâu. Trong khi chưa quyết nên tiếp hay không. Mịch chợt nhớ ra: đã sai con sen về Hà Đông mua một con mèo. Âu cũng là có trời trong cơ hội này đây, việc gì Mịch lại còn e sợ?

Nghĩ thế, Mịch thoăn thoắt xuống, mở cổng cho Long, bằng sự hấp tấp của một con dâm phụ, và mời hẳn Long lên buồng riêng.

Lên đến phòng rồi, Long cũng cứ đứng lì ra, đầu hơi cúi xuống ngực, hai bàn tay nắm lại, nhìn trừng trừng xuống thúng yếm dãi và áo trẻ con để ở ghế. Sau khi khép cửa phòng, Mịch quay vào, thấy thế cũng đâm sợ, vì Long có cái tinh thần một người phẫn uất cực điểm, một người lăm le muốn gây ra vụ án mạng, một người điên. Hãi hùng Mịch khẽ mời:

– Mời… anh ngồi chơi.

Như không nghe thấy gì cả, Long không nhúc nhích. Mịch lấy tách ra, rót một chén nước, để ở bàn Long vẫn đứng nguyên như thế, Mịch phải cố giấu sự sợ hãi, gượng cười mời một lần nữa:

– Kìa, mời anh ngồi xuống chứ, sao lại cứ đứng thế!

Long thẫn thờ ngồi xuống ghế. Mịch hỏi qua những cái cười dòn:

– Đương ngồi một mình buồn quá, hay sao anh lại đến chơi…

Nghe đến đấy, Long mới đưa mắt lên nhìn Mịch. Chàng rất ngạc nhiên vì Mịch thay đổi chóng quá, không còn một vẻ gì là cô gái quê khi xưa nữa. Trước mặt chàng, đó không phải là Mịch nữa mà là một thiếu phụ đẹp đẽ, dáng người đài các phong lưu, với cái bụng to nó tô điểm cho người thêm vẻ bệ vệ. Hai cái má đỏ ửng vì cái thai lại càng tăng vẻ đa tình… Mịch hỏi:

– Anh Long ơi, tại sao anh lại còn đến đây? Cơ sự đã đến thế này, thì anh còn đến làm gì thế nhỉ?

Long căm tức đáp:

– Tôi muốn đến để hỏi rằng trong đời này, ai là người gây ra cái đau khổ của tôi!

Mịch đứng lặng người ra hồi lâu rồi mới thất thanh nói:

– Anh Long!… Anh Long!… anh phụ tôi đến như thế, mà anh còn dám vác mặt anh lại đây… hỏi tôi thế nữa à?

– Tôi? Tôi phụ cô?

Mịch cứng cỏi hỏi lại:

– Thế thì ai?

Long làm một thôi một hồi:

– Tôi? Tôi phụ cô? Tôi phụ cô mà tôi lại dằn lòng tha thứ cho cô, từ khi cô còn nằm nhà thương? Tôi phụ cô, mà tôi đã từ hôn một nơi giàu có, đương đêm khuya vượt mấy tỉnh về tìm cô? Tôi phụ cô, mà tôi lại khổ thế này? Mà cô lại sung sướng như thế ấy? Tôi, tôi phụ cô? Thật thế đấy à, hở giời?

Long vừa nói vừa nghiến răng, vừa đứng lên xông lại… Mịch giơ tay che mặt giật lùi.

Long nắm lấy tay Mịch, hai con mắt trợn ngược lên, mũi cứ như muốn bổ vào mặt Mịch, giọng nói thì gay gắt, dằn từng tiếng một, mỗi một câu nói sắc như một lưỡi dao:

– Thằng này phụ cô! Thằng này phụ tình mà thằng này đã mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng bị dao đâm vào ruột, mà cô thì lại bình yên như thế này, mỗi ngày một béo, một đẹp ra thế này? Ai phụ ai? Hở! Con khốn nạn! Đồ đĩ đạc!… Tao làm gì? Mịch, tao đã làm gì mày để mày phụ tao? Nói! Nói mau! Nói!

Hai bàn tay Long bóp cổ Mịch mà lắc, lắc như người ta sóc ống thẻ, xin thẻ trước điện thờ thánh, Mịch lả oằn người đi, như không còn xương sống, ngã ngồi xuống, làm Long cũng ngã theo, và do cái ấy, mới buông tay ra. Nước mắt ràn rụa, Mịch nức nở nói:

– Anh vẫn yêu tôi như thế này ư? Anh vẫn giận tôi đến thế này ư? Anh giết tôi đi? Tôi mà chết được vì anh thì hồn cũng mát đấy! Long ơi, quân giả dối, quân khốn nạn! Đừng mong đeo mặt nạ mà lừa tôi đâu!

Trước luận điệu bất ngờ ấy, Long đứng ngẩn mặt ra. Bây giờ đến lượt Mịch được cất cao giọng:

– Yêu người ta, thương người ta mà lại để Tú Anh về hỏi người ta! Mà lại cho nó toàn quyền khu xử mọi việc! Sao thế, hở đồ vô nhân bạc ngãi kia?

Long ngơ ngác hỏi:

– Bao giờ? Bao giờ? Ai cho Tú Anh toàn quyền? Ai xui…

– Lại còn bao giờ!

Chừng như thoáng nghĩ ra, chợt nhớ ra điều gì mà nói ra thì hợp thời lắm, Long nghiến răng hỏi vặn:

– Thế còn cô? Thế tại sao lúc nó về hỏi thì cô vui mừng như bắt được của rồi nhận lời ngay tức khắc? Sao thế? Sao thế, hở đồ chó! Đứa nào tham của, thấy vàng phụ ngãi…?

– Bao giờ? Ô hay? Ai nhận lời ngay với Tú Anh bao giờ? Mà ai khấp khởi mừng như được của? Tú Anh còn sống đây kia, nào thử gọi ba mặt một lời xem!

Thấy giọng cứng cỏi thành thực, Long lại đứng ngây ra. Chàng đưa một tay lên bóp trán, Mịch hằn học nói:

– Hay là chính anh tham vàng phụ ngãi? Hay tại cô Tuyết đẹp hơn con bé quê mùa này? Anh phụ tôi hay tôi phụ anh? Ai biết? Thật khó mà biết được ai phụ ai nhỉ.

Mịch ngửa cổ ra cười qua hàng lệ, cười một cách ghê gớm, như một người cười mà tự tử… Long ôm choàng lấy Mịch, lôi Mịch ngồi xuống giường. Chàng khóc lóc rền rĩ:

– Giời ơi, chả nhẽ chúng ta đều mắc lừa Tú Anh cả rồi hay sao?

– Mình ơi, có lẽ mình nói đúng.

– Giời ơi, thế thì sao ta lại không tin ta mà ta lại tin người khác như thế?

Mịch khóc nức nở lên. Long cũng nói nghẹn ngào.

– Tú Anh!… Giời ơi, một người như Tú Anh… Từ đấy trở đi, hai người mới kể lể hết với nhau, mới rõ sự thực, mới khám phá ra mối hiểu lầm, mới tranh nhau mà hối hận, mà xin nhau tha thứ cho nhau…

Sáng chủ nhật hôm ấy, không lo ngại gì cả, cũng chẳng nghĩ đến cái thai trong bụng nữa, y như một con dâm phụ, Mịch đã cho Long ái tình.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN